Tỉnh dậy và nhận ra rằng còn mười sáu ngày, mười một giờ, và ba mươi hai phút nữa là tới buổi biểu diễn thời trang mùa thu. Cảm thấy muốn nôn nhưng không nôn được. Chạy đến studio - vẫn chưa gội đầu nhưng không quan tâm. Đón taxi, đẩy một doanh nhân cầm dù ra khỏi đường đi. Gọi điện thoại sớm như mọi khi cho Nico. Giọng hoảng hốt. “Chuyện gì thế?” “Peter Pan,” Nico bình tĩnh nói. “Cổ áo Peter Pan?” mình há hốc mồm. Mùa thu mà mặc cái đó không đẹp đâu. “Không, cho chúng ta cơ. Phụ nữ cư xử như Peter Pan. Chúng ta không chịu lớn lên.” “Nhưng chúng ta điều hành công ty và có con,” mình nói, mặc dù thực ra mình không có con nhưng có nhân viên, như nhau cả thôi. “Chúng ta vẫn muốn chạy trốn,” Nico nói. Tự hỏi cô ấy đang nói chuyện gì. Lo lắng cho Nico, nhưng không có cơ hội nói tiếp chuyện chạy trốn vì cả hai đều có điện thoại.
Buổi sáng: chán nản nhìn đống vải mua ở Première Vision ở Paris tháng Chín năm ngoái. Mình nghĩ cái quái gì không biết? Những nhà thiết kế khác mua vải in đốm da báo - lại một lần nữa - nhưng không “cảm thấy” con báo cho mùa thu. Dù sao cũng quá muộn rồi. Phải làm với loại vải đã mua nếu không công ty sẽ phá sản. Nằm xuống sàn và lấy tay bịt mắt. Trợ lý phát hiện ra mình trong tư thế này nhưng không ngạc nhiên - đã “quen” với hành vi điên rồ của sếp. Đứng dậy và lại nhìn vào đống vải.
Giữa ngày: Chạy tới bữa tiệc trưa thường niên tại New York City Ballet. Không nên đi (không nên làm bất cứ chuyện gì ngoài việc chịu đựng khổ sở vì nghệ thuật), nhưng cũng phải đi, tìm cảm hứng. Tiệc trưa thường niên đầy những phụ nữ thành công quyền lực trong thành phố: thượng nghị sĩ từ New York, hai nữ thẩm phán, giám đốc ngân hàng, luật sư, nhân vật nổi tiếng làm truyền hình, những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội “mới”, người theo chủ nghĩa nữ quyền (năm mươi lăm-gì đó phụ nữ không “làm” thời trang hay quan tâm đến tóc tai, và quyền lực đến mức không thèm quan tâm), các bà vợ Prada (những phụ nữ từng làm việc, nhưng lấy chồng giàu và giờ có vú em và đi mát xa mặt suốt cả ngày), và những cô gái thành thị (cương quyết vươn lên và biết rằng buổi ballet này là nơi để làm việc đó) và mọi người đều mặc lông thú và vải có in hình đốm lông báo và ghim cài áo của bà nội mình (ồ, mình ghét cái xu hướng đó) nếu không họ sẽ ăn mặc thật đẹp, đẹp, đẹp, tức là những bộ đầm màu nhạt, lướt người đi trong những bộ quần áo chưa may xong đường may đã xổ ra ở khắp nơi (thế có thể là ẩn dụ cho thời trang vào thời điểm này - đường may tung ra và không mặc được quá một hay hai lần), và mình cứ nghĩ thế là sai. Nhưng cái gì là đúng?
Sau tiệc trưa, trời mưa rét, đúng kiểu thời tiết đầu tháng Hai. Victory nhận ra mình đã quên gọi xe. Và tất cả những phụ nữ khác đang vào xe có tài xế riêng xếp hàng như những toa tàu bên ngoài Trung tâm Lincoln. Có gì đó thật xa xỉ và quyến rũ kỳ quái trong chuyện đó - tất cả những phụ nữ này đã tự mình kiếm tiền và trả cho quần áo của chính mình (trừ các bà vợ Prada, không trả cho bất cứ thứ gì cả), có xe hơi riêng và tài xế, thậm chí quyết định những vụ án trong tòa án tối cao. Lẽ ra điều này phải gây cảm hứng, nhưng Victory không “cảm thấy” gì cả. May là Muffie Williams bước tới và thương hại cho cô đi nhờ xe. Victory chui vào sau chiếc Mercedes S 600 Sedan đắt tiền, sợ hãi cắn móng tay lo ngại cho tương lai của mình. Cô nhận ra nước sơn móng tay đã bị hỏng và cô đã không đi làm móng bốn tuần rồi. Cô tự hỏi Muffie có nhận ra tóc cô bẩn không.
“Cô cảm thấy gì cho mùa thu?” Muffie hỏi. Bà ta muốn tỏ ra tử tế. Nhưng câu hỏi lại khiến dạ dày Victory quặn thắt lại và cô ngạt thở. Cô vẫn không “cảm thấy” gì cho mùa thu cả, nhưng cô tự tin nói, “Tôi đang cảm thấy quần.”
Muffie hiểu biết gật đầu cứ như thể chuyện này hợp lý và nói, “Mọi người khác đều cảm thấy da báo.”
“Mốt da báo hết rồi.”
“Váy thì sao?”
“Quá nhiều váy rồi. Quần, tôi nghĩ thế. Không ai biết nền kinh tế sẽ lên hay xuống.”
“Chúc may mắn,” Muffie thì thầm, và bàn tay già nua đeo những cái nhẫn to tướng gắn đá quý ít nhất mười hay mười hai carat đặt lên tay Victory một lúc rồi siết chặt lại. Muffie ra khỏi xe trước tòa nhà B et C sang trọng, rực rỡ, cho phép tài xế của mình đưa Victory về văn phòng của cô...
... Nơi mọi người về cơ bản đang đứng đợi cô đến với những bản thiết kế cuối cùng cho show diễn mùa thu, hay ít nhất một viễn cảnh để họ có thể làm việc của mình. Lo lắng và ái ngại hiện rõ trên những khuôn mặt trẻ trung của họ. Victory hiểu rằng chắc hẳn họ đã nghe những tin đồn trên phố rằng cô sắp phá sản, dù cô đang hẹn hò với tỷ phú Lyne Bennett, mà họ nghi ngờ rằng cô đã tuyệt vọng cầu xin ông tiền để tiếp tục duy trì công ty. Mình thà cắt cổ tay chứ không hỏi xin ông ta một xu, Victory nghĩ. “Ballet thì sao?” có người hỏi.
“Váy tutus[4]? Không. Mọi người đều làm váy tutus cho mùa xuân.” Trừ mình, Victory nghĩ, và đó là lý do vì sao công ty bị gặp khó khăn. Nhưng ballet khiến cô nghĩ đến bữa tiệc trưa. Và bữa tiệc trưa khiến cô nghĩ đến bộ phim Center Stage, mà nội dung là có một giáo viên bảo một học sinh ballet quay lại đứng tập ở xà ngang. Quay về với cơ bản. Và như một xác ướp, cô đi vào phòng may và lại nhìn đăm đăm vào đống vải. Cô cầm một cuộn vải loại cao cấp màu da cam và nâu, đầy những miếng xê quin nhỏ lên, và ngồi xuống một chiếc máy may. Cô bắt đầu may một cái quần từ chỗ vải đó, vì đó là việc duy nhất cô thực sự biết cách làm. Hầu hết các nhà thiết kế khác không buồn ngồi xuống may nữa, quay về nơi họ khởi đầu, nơi an toàn, nơi không ai biết mình và không có gì để mất, và mình không là gì ngoài một đứa trẻ vị thành niên kỳ quái với một ước mơ...
[4] Một loại váy ngắn cho vũ công ballet.
Và rồi kiểu gì đó ngày hôm sau vào lúc buổi chiều, Victory đứng trên sân ga tàu điện ngầm ở ga trên Phố 4 Tây.
Đã bao năm nay cô không đi tàu điện ngầm, nhưng cô đã đi bộ trên Đại lộ 6 sau một đêm gần như không ngủ vẫn đau đáu nghĩ đến bộ sưu tập của mình, và cô nhìn thấy một cô gái mặc áo khoác màu xanh lá cây rất tự tin. Trông cô gái có vẻ thú vị, vì thế Victory theo cô xuống những bậc thềm xi măng bẩn thỉu vào ga tàu điện ngầm, và bước vào đám đông lúc giữa trưa gồm những kẻ đi tàu điện ngầm khó chịu và điên cuồng. Cô gái đi qua cửa quay. Và Victory dừng lại, nhìn theo cô, tự hỏi cảm giác sẽ thế nào khi là một cô gái mặc áo khoác xanh lá cây đầy vẻ tự tin, hai mươi lăm tuổi và hoàn toàn vô tư lự, mà không phải lo lắng, sợ hãi bị thất bại...
Nó là một công việc lố bịch, việc làm một nhà thiết kế thời trang ấy. Hai bộ sưu tập một năm, gần như không có thời gian để thở, phải nghĩ ra thứ gì đó “mới”, thứ gì đó “tươi trẻ” (khi mà gần như chả có gì là mới trên trái đất này nữa), liên tục, hết năm này sang năm khác. Thật là ngạc nhiên khi họ vẫn có thể duy trì được thế mãi.
Cô bước tới vài bước. Mọi người đang đi lướt qua cô, nhìn cô ngờ hoặc - một phụ nữ không biết đi đâu, vô định. Thế ngang bằng với cái chết ở dưới mặt đất, nơi mẹo để sống sót là luôn phải tỏ ra mình đang đi đâu đó, nơi nào đó tốt hơn nơi này. Di động rung lên trong tay cô - cô đã vô thức nắm chặt lấy nó như sợi dây cứu mạng. Ồ, cám ơn Chúa, cô nghĩ. Mối liên hệ.
“C đang ở đâu?” tin nhắn viết. Đó là từ Wendy.
“ở ga tàu điện ngầm?”
“trời!!!!!”
“tìm cảm hứng”
“cảm hứng ở nhà hàng mike’s? 1h chiều? tin lớn.”
“Saoooo?”
“đi rumani + quay lại với shane.”
Victory suýt làm rơi điện thoại vì kinh ngạc.
“c còn đó ko? Có đến được ko?”
“Có!!!!” Victory nhắn.
Cô nhăn nhó. Thế này nghĩa là sao - Wendy quay lại với Shane? Cô không thể tưởng tượng nổi... nhưng thế có nghĩa là đột nhiên cô có thứ gì khác quan trọng hơn để nghĩ tới chứ không phải bộ sưu tập mùa thu chết tiệt. Wendy cần cô, và ơn Chúa là cô có thể đi với bạn mình. Cô sốt ruột đứng xếp hàng ở máy bán vé và một một thẻ đi tàu, quẹt thẻ để đi qua cửa xoay. Một luồng không khí ẩm ướt, mệt mỏi bốc lên từ đường ray tàu điện và một đoàn tàu lao vào, làm cả sân ga bằng xi măng rung chuyển. Trong cô tràn ngập những cảm xúc vừa khó chịu nhưng đồng thời lại thích thú - đã bao năm rồi. Trước kia ngày nào cô cũng đi tàu điện ngầm, đi khắp nơi. Và cô nhớ tất cả những mẹo vặt cũ của mình, đi vội sang một bên của đám đông ở rìa cửa mở để dễ dàng lách người lọt vào toa xe và chen lên giữa toa, chiếm lấy một chỗ gần bên thanh trụ tàu. Đột nhiên cô nhận ra các nhà phê bình đã nói đúng về bộ sưu tập vừa rồi của cô. Ta không thể mặc váy dài để đi tàu điện ngàm. Ta cần quần và bốt. Và phải khôn ngoan. Cô nhìn quanh những khuôn mặt trong toa xe chật ních, những nét mặt trống rỗng, vô hồn, những người lạ đứng sát vào nhau tìm kiếm sự dễ chịu, mà giải pháp duy nhất là giả vờ không ai khác tồn tại cả...
Và rồi điều không tưởng đã xảy ra. Có người gõ lên vai cô.
Victory đờ người ra, lờ cú gõ ấy đi. Có thể là nhầm lẫn. Hy vọng người gõ sẽ xuống ở ga tới. Cô dí sát cơ thể vào thanh trụ, để ra hiệu rằng, nếu cần thiết phải thế, cô sẵn sàng dịch chuyển.
Người kia lại gõ tiếp. Thật là khó chịu. Giờ thì cô sẽ phải xử lý. Cô quay đầu lại, nghĩ lại sẽ cãi nhau.
“Này cô.” Người gõ lên vai cô là một phụ nữ trẻ da đen đeo kính.
“Vâng?” Victory nói.
Cô gái hơi nhoài người tới trước. “Tôi thích quần của cô. Đồng xêquin. Trông hay lắm.”
Victory nhìn xuống. Cái quần! Cô hoàn toàn quên béng đi là cô đang mặc cái quần mà cô đã may chiều và tối hôm qua. Những từ “Tôi thích quần của cô” vang vọng trong đầu cô như một khẩu hiệu vui vẻ. “Này cô, tôi thích quần của cô.” Cái này không chỉ là chuyện quần. Nó là Thời trang với chữ “F” viết hoa - ngôn ngữ trên toàn thế giới của phái nữ, là tàu phá băng, là lời khen ngợi và an ủi, là thẻ thành viên vào câu lạc bộ...
“Cám ơn cô,” Victory tử tế nói, cảm thấy vừa ấm áp vừa gần gũi với cô gái trẻ xa lạ này, nhưng giờ không còn xa lạ nữa vì họ đã kết nối ở một điểm chung là cùng thích cái quần của cô.
“Ôi Chúa ơi,” cô gần như hét lên, trải nghiệm một luồng cảm hứng đột ngột suýt nữa làm cô ngã xuống.
Đoàn tàu dừng lại và cô chạy xuống, chạy lên các bậc thềm và lao ra khỏi ga trên Đại lộ 6 như một tên lửa.
Vẫn cầm di động trong tay, cô gọi về văn phòng.
“Zoe à?” cô nói với trợ lý. Cô dừng lại. “Cuối cùng tôi cũng cảm thấy mùa thu,” cô tuyên bố.
Cô bắt đầu rảo bước trên vỉa hè, nhanh nhẹn tránh khỏi những đám đông. “Mình cảm thấy Wendy như là Peter Pan. Những phụ nữ trưởng thành như Wendy Healy - những phụ nữ có tất cả và chi trả cho tất cả; CEO, những phụ nữ có thể đảm trách mọi thứ... du lịch, con cái, thậm chí cả con ốm. Mình đang nhìn một cô ăn mặc như con trai: đeo kính và tóc không đẹp lắm. Những bộ vest được may bằng vải may áo khoác và sơ mi trắng với những hạt cúc tròn và hơi lỏng rộng, không chiết eo vì phần thân áo không may liền là dấu hiệu của quyền lực. Sơmi rộng mặc với quần có gắn xêquin, và giày... giày... cao gót bằng satin cao ba inch, kiểu Louis XIV...”
Tiếp tục dòng suy nghĩ này khi đi qua sáu khu nhà nữa, Victory đến nhà hàng Michael’s, và cuối cùng cất điện thoại đi, cô nghiêm mặt lại và mở cửa, cảm thấy một luồng hơi ấm tạt lên mặt mình, và một cảm giác vừa nhẹ nhõm vừa đắc thắng.
***
Có lẽ toàn bộ việc trục trặc với Shane là chuyện thú vị nhất từng xảy ra trong mối quan hệ của họ bao năm qua, Wendy giải thích khi ngồi đối diện với Victory tại nhà hàng Michael’s. Rất nhiều thứ thú vị đã xảy đến với cô, nhưng cô buồn bã nhận ra có lẽ với Shane thì không. Nhưng đó không phải lỗi của cô, đúng không? Mà anh phải phàn nàn về cái quái gì mới được chứ? Anh có con! Anh may mắn. Anh được ở bên con cái bao nhiêu tùy thích. Chẳng lẽ anh không biết thế là quý giá lắm ư? Và anh được ở bên con là nhờ vào cô.
Victory gật đầu vẻ hiểu biết. “Mà cậu có thấy Selden Rose không? Ông ta đi ra khi tớ đi vào, và chắc chắn ông ta làm gì đó với mái tóc của mình. Trông như kiểu ông ta là thẳng ra ấy. Đó là kỹ thuật mới của bọn Nhật. Mình phải ngồi ở tiệm làm tóc mấy tiếng liền.”
Khi nghe nhắc tới tên Selden Rose và đặc biệt là tóc của ông ta, Wendy đỏ bừng cả mặt. “Selden khá được,” cô nói. “Ông ta rất tử tế về chuyện Shane.”
“Cậu có nghĩ là ông ta... quan tâm không?”
Wendy lắc đầu như điên, miệng ngậm đầy rau diếp của món salad Nicoise của mình. “Tớ chắc là ông ta có bạn gái,” cô vừa nói vừa nuốt. “Và Shane đã thuê người tư vấn hôn nhân!”
“Thế chuyện đi Rumani là sao?”
“Chả biết có phải đi không nữa. Một hai tiếng nữa tớ sẽ biết. Nếu cái lão đạo diễn chết tiệt đó gọi lại,” Wendy nói. Cô cầm di động lên và nhìn nó ngờ vực, rồi đặt xuống cạnh đĩa của mình để chắc chắn là không bị nhỡ cuộc gọi. “Với cả, cái này là điều trị, cậu biết không? Bọn tớ chửi nhau cả tiếng đồng hồ và tớ cảm thấy mọi chuyện ổn, và tớ có thể sống tiếp một tuần nữa. Điện thoại reo và cô vội chụp lấy. “Alô?”
Cô dừng lại nhìn sang Victory, vẻ mặt cô cho thấy đây không phải là cuộc gọi đang đợi. “Ừ, Thiên thần,” cô nói giọng hơi vui vẻ quá. “Nghe tuyệt lắm. Con bé sẽ thích cho mà xem... Chưa, em chưa biết... Chỉ vào ngày thôi mà. Thứ Bảy là em về rồi.” Cô nhăn mặt. “Với cả Thiên thần này? Cám ơn anh vì đã làm việc này. Em yêu anh.”
“Shane à?” Victory hỏi.
Wendy gật đầu, mắt cô mở to như thể không tin nổi điều mình vừa nghe. “Anh ấy định đi Pennsylvania cuối tuần này. Để tìm mua một con ngựa cho Magda.” Cô dừng lại, nhìn nét mặt Victory. “Thế này tốt hơn, tớ thề với cậu đấy. Tuần trước Tyler đùn ra quần, mà ít nhất ba năm rồi nó không làm thế...”
Victory gật đầu tỏ vẻ thông hiểu. Có lẽ là tốt hơn cho Wendy nếu Shane quay lại, dù anh là một phiên bản đàn ông của một bà nội trợ giàu có, hư hỏng. Những sự quan tâm duy nhất của anh, ngoài chính mình, có vẻ gồm những người nổi tiếng anh và Wendy đã gặp, những bữa tiệc hoành tráng và địa điểm nóng mà họ đi nghỉ và tiêu pha tốn kém thế nào, càng làm cho mọi chuyện khó chịu hơn bởi anh có được cuộc sống tuyệt vời này mà không hề phải mất công mất sức gì. Ngay cả khi họ đi nhà hàng, Wendy cũng luôn phải trả tiền cho anh. Có chuyện kể rằng có lần một người bảo Shane bỏ ra năm đô tiền mặt để boa, và Shane nhún vai vui vẻ nói rằng, “Xin lỗi, tôi không có đồng nào cả.”
“Đến năm đô anh ấy cũng không có!” Nico kêu lên, không tin nổi. “Anh ấy là ai? Nữ hoàng à?”
Tuy nhiên, cả hai bọn họ đều đồng ý rằng hành vi thô lỗ nhất của Shane là sự vụ xảy ra vào bữa tiệc sinh nhất năm ngoái của anh. Wendy đã mua cho anh một chiếc Vespa và sắp xếp để chuyển tới nhà hàng Da Silvano, nơi cô tổ chức bữa trưa sinh nhật cho anh. Wendy đã phải mất hàng giờ liền để thiết kế toàn bộ việc này, vì thời điểm phải thật chính xác. Ngay sau khi chiếc bánh được đưa ra, một chiếc xe lớn màu trắng kéo chiếc “Vespa” tới đậu ngay trước cửa nhà hàng, cửa sau mở ra, và chiếc Vespa của Shane nằm trong đó, buộc ruy băng đỏ. Mọi người trong nhà hàng vỗ tay vui vẻ, nhưng thế với Shane chưa đủ. Chiếc Vespa màu xanh tươi, và Shane đã liều lĩnh nhận xét, “Mẹ nó chứ, Wen, anh thực sự muốn cái màu đỏ cơ.”
Nhưng Wendy luôn bảo rằng Shane là một người cha tuyệt vời (thực ra thỉnh thoảng cô phàn nàn anh quá tốt và bọn trẻ đòi Shane chứ không cô, khiến cô cảm thấy mình rất tệ) và trẻ con thì nên có bố ở nhà. Vì vậy Victory nói, “Tớ nghĩ cậu quay lại với anh ấy thì rất tuyệt, Wen ạ. Cậu phải làm vậy thôi.”
Wendy gật đầu căng thẳng. Cô đã luôn căng thẳng khi làm một bộ phim lớn, nhưng dường như cô đặc biệt bồn chồn. “Anh ấy tử tế hơn,” cô nói như thể để trấn an mình. “Tớ thực sự nghĩ việc rạn nứt này có ích ít nhiều.”
Victory muốn nghe thêm về chuyện rạn nứt này chết đi được, nhưng đúng lúc đó thì điện thoại của cô đổ chuông.
“Em đang có chuyện vui à?” Lyne Bennett thủ thỉ. Victory quay lại - Lyne ngồi cách đó hai bàn, với tỷ phú George Paxton. Cả hai quay lại và vẫy tay.
“Xin chào,” Victory nói, không phải là không vui lắm khi nhìn thấy ông. Cô đã không gặp ông ít nhất là một tuần rồi, vì cả hai đều bận tối tăm mặt mũi.
“George muốn biết là mình có tới nhà ông ấy ở St. Tropez không,” Lyne nói bằng cái giọng nhỏ dịu dàng.
“Anh không lại bàn em hỏi được ư?”
“Thế này gợi cảm hơn.”
Victory bật cười và dập máy. “e hơi bị bận. Nhớ chứ? Show diễn thời trang ấy?” cô nhắn tin. Cô quay lại với Wendy. Họ nói chuyện thêm vài phút nữa, rồi điện thoại của Victory lại đổ chuông. “Anh chỉ muốn nói cho em biết là, anh chả bao giờ nhắn tin cả,” Lyne thủ thỉ.
“Kém công nghệ nhỉ? Em mừng khi biết có vài thứ anh không làm được.”
“Không muốn làm.”
“Sao anh không bảo Ellen nhắn tin hộ cho anh ấy?” Victory vừa nói vừa quay đầu đi để Wendy không thấy cô đang cười. Cô dập máy.
Di động của Wendy đổ chuông. Cô cầm lên nhìn số. Từ văn phòng. “Đây rồi,” cô nói.
Cô đứng dậy ra ngoài nghe điện thoại. Nếu thực sự là Bob Wayburn gọi, tay đạo diễn ấy, cuộc nói chuyện có lẽ dễ trở nên mất bình tĩnh. “Vâng?” cô nói.
Đó là Josh, trợ lý của cô. “Tôi có cuộc điện thoại đó cho chị.”
“Của Bob à?” cô hỏi.
“Không, Hank gọi.”
“Mẹ kiếp!” cô nói. Hank là giám đốc sản xuất của cô. Thế nghĩa là tay đạo diễn Bob Wayburn chắc là đã không chịu nói chuyện với cô, dùng thủ đoạn này để bắt cô đi Rumani. “Nối máy cho ông ta đi.”
“Wendy à?” Đường dây không tốt lắm, nhưng cô có thể nhận ra là Hank sợ. Thế cũng không tốt. “Tôi đang đứng bên ngoài xe của ông ta.”
Đó là xe của Bob Wayburn. “Và?” Wendy nói.
“Ông ta đóng sập cửa lại. Ông ta bảo bận lắm không tiếp chuyện điện thoại gì cả.”
“Tôi muốn anh làm thế này,” Wendy nói, bước ra khỏi nhà hàng lên vỉa hè. “Tôi muốn anh vào trong xe của ông ta, giơ điện thoại lên và bảo ông ta nói chuyện với tôi. Và rằng tốt hơn là ông ta nên nhận điện thoại.”
“Tôi không thể bảo ông ta làm thế được,” Hank nói. “Ông ta sẽ quẳng tôi khỏi trường quay.”
Wendy hít một hơi thật sâu, buộc mình phải thật bình tĩnh. “Đừng có hèn nhát quá, Hank ạ. Anh biết là việc này chỉ là phận sự mà.”
“Ông ta sẽ khiến đời tôi thành địa ngục.”
“Tôi cũng vậy,” Wendy nói. “Đi lên bậc thềm và mở cửa đi. Và đừng gõ cửa. Ông ta phải biết là không trốn được đâu. Tôi sẽ đợi máy,” cô nói, sau một giây.
Cô xoa cánh tay vào bức tường lạnh giá cứ như thể nó có thể làm tay cô ấm lên. Hai chiếc xe cảnh sát chạy trên Đại lộ 6, còi xe rít lên trong không trung. Trong khi cách đó mười ngàn dặm cô nghe tiếng đôi bốt của Hank nặng nhọc bước lên những bậc thềm bằng kim loại dẫn vào chiếc xe moóc sản xuất ở vùng núi Rumani.
Và rồi tiếng thở nặng nhọc của Hank.
“Sao?” cô nói.
“Cửa khóa rồi,” Hank nói. “Tôi không vào trong được.”
Đột nhiên cả thế giới như thu nhỏ lại và cô có cảm giác như mình đang nhìn vào một lỗ đen. Cô hít một hơi thật sâu, nhắc bản thân không được cáu điên lên. Việc Bob không chịu nói chuyện không phải là lỗi của Hank. Nhưng cô ước giá gì Hank có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. “Bảo với Bob rằng mai tôi sẽ gặp ông ta,” cô nói vẻ dứt khoát.
Hank dập máy. “Josh?” Wendy nói vào điện thoại. “Bay lúc mấy giờ nhỉ?”
“Có một chuyến bay của hãng Air France đi Paris lúc năm giờ, bay sang Bucharest lúc bảy giờ sáng. Nó đến lúc mười giờ sáng, và từ đó, chúng ta sẽ đi trực thăng tới Brasov. Mất khoảng một tiếng. Nếu ai không thích bay trên một chiếc máy bay lên thẳng ba mươi năm tuổi của Nga, thì có tàu. Nhưng thế sẽ mất bốn tiếng đồng hồ.”
“Đặt máy bay trực thăng và bảo tài xế đến đón tôi trước nhà hàng trong hai phút nữa, rồi gọi Air France và sắp xếp một người ở Dịch vụ Đặc biệt cho tôi.” Cô nhìn đồng hồ. Gần hai giờ. “Ít nhất bốn giờ tôi mới ra sân bay được.”
“Vâng thưa sếp,” Josh nói vẻ xấc xược và dập máy.
“Rumani?” Victory hỏi khi Wendy vội vào lại bàn.
“Tớ xin lỗi. Năm giờ tớ phải bay đi Paris rồi...”
“Không có gì đâu cưng. Cậu phải làm việc mà. Đi đi,” Victory giục. “Tớ sẽ thanh toán. Đến Rumani thì gọi cho tớ nhé.”
“Tớ yêu cậu,” Wendy nói và vội ôm Victory một cái thật chặt. Giá như Shane có thể thông cảm như bạn bè cô, cô nghĩ, túm lấy túi và vội lao ra cửa.
Victory đứng dậy và bước lại chỗ bàn của Lyne. Việc Lyne đang ăn trưa với George Paxton tạo ra một cơ hội thú vị để điều tra hộ Wendy, mà việc này thật hấp dẫn không cưỡng lại nổi. Câu chuyện George Paxton đã cố mua Parador bốn năm trước và bị Splatch-Verner trả giá cao hơn rất nổi tiếng, có một thông tin mà không nhiều người biết là kẻ được coi là “bạn thân” của George, Selden Rose, đã chơi sau lưng George thỏa thuận vụ mua bán này, nghĩ rằng sẽ giành được Parador cho riêng mình. Cuối cùng sự việc không diễn ra như thế - Victor Matrick, CEO của Splatch-Verner và là sếp của Selden, đã lợi dụng trò mua bán hai mặt của Selden. Mặc dù ông ta rất hoan hỉ khi thu mua được Parador, Victor lại căm ghét sự phản bội, và nghĩ rằng nếu Selden có thể làm thế với bạn thân nhất của mình, thể nào cuối cùng ông ta cũng sẽ làm thế với chính Victor. Và vì vậy, để nhắc Selden không nên dùng mấy chiến thuật lẻ tẻ như thế ở nhà, Victor đã đưa một người ngoài về điều hành Parador - Wendy. Kiểu gì đó Nico đã nghe được thông tin này từ chính miệng Victor Matrick, khi cô và Seymour bí mật tới nhà Victor ở St. Barts, và tự nhiên kể lại cho Wendy và Victory nghe. Và mặc dù George và Selden được coi là đã làm hòa (rõ ràng họ cảm thấy trong tình ái cũng như công việc thì thế là công bằng), có lẽ như toàn bộ sự vụ Parador vẫn là thứ khiến George khó chịu. Sau bao công thương thảo mua bán, cuối cùng cả ông ta và Selden đều không mua được Parador. Và trên tất cả, họ đã bị một phụ nữ vượt mặt.
“Lúc nào chả ngon,” Lyne nói. “Nhưng không bằng được George đây. George đang béo ra, nhỉ?”
“Nào, thôi đi...” George Paxton nói, bằng một giọng nghe như thoát ra từ đáy hố.
“Em ăn trưa với ai thế?” Lyne hỏi.
“Wendy Healy,” cô thản nhiên nói, ngây thơ nhìn George Paxton và tự hỏi ông ta sẽ phản ứng thế nào với thông tin này. “Người đứng đầu Parador?”
George nhìn Victory bằng bộ mặt mà cô nghĩ là bí hiểm nhất của ông ta. Vậy là nó vẫn làm ông ta khó chịu, cô sung sướng nghĩ, thế có thể là một thông tin có ích ở một điểm nào đó.
“Ông biết Wendy Healy chứ, George?” Lyne Bennett tự nhiên hỏi, liếc mắt gian xảo nhìn Victory. Lyne, cô nghĩ, chắc đang sung sướng chả kém gì cô. Vì việc này cho ông cơ hội để khích tướng George, ông này giàu hơn Lyne vài trăm triệu đô.
“Ồ có,” George Paxton gật đầu, như thể cuối cùng ông quyết định nhận ra tên của Wendy. “Wendy thế nào?”
“Tuyệt lắm,” Victory nói bằng một sự nhiệt tình chắc chắn như thể đây là chuyện hai năm rõ mười. “Nghe đồn Parador sắp sửa được đề cử vài giải Oscar năm nay.” Thực ra thì cô chả nghe thông tin nào như thế cả. Nhưng trong những tình huống như thế này, với những người đàn ông như thế này thì cần phải làm cho bức tranh càng hoành tráng càng tốt. Mà hơn nữa, Wendy đã nói có lẽ họ sẽ được đề vài giải Oscar, thế cũng khá gần sự thật. Ngoài ra, được nhìn vẻ sửng sốt trên mặt George Paxton cũng đáng. Rõ ràng ông ta đang hy vọng Wendy sẽ thất bại.
“Cho tôi gửi lời hỏi thăm cô ấy,” George nói.
“Chắc chắn rồi,” Victory tử tế nói. Và rồi, cảm thấy mình đã thể hiện đủ rồi, cô xin phép được vào phòng vệ sinh nữ.