Thời gian như con nước chảy, thấm thoát một năm nữa đã lại trôi qua. Một năm, nói dài không dài, nhưng nói ngắn cũng không phải ngắn. Nhất là xét trong bối cảnh hiện nay, khi Hạng, Liêu, Trần - ba quốc gia lớn mạnh nhất - đều đang gấp rút chuẩn bị cho chiến tranh. Giai đoạn này, từng giờ từng phút đều rất có ý nghĩa, cần phải khẩn trương.
Tương tự Liêu, Trần, Đại Hạng cũng đang tập trung nhân lực vật lực vào việc xây dựng quân đội, thao luyện quân binh. Tới đây, người ta lại không thể không công nhận tài năng của Lâm Hào, rằng việc Hạng đế Lý Uyên đưa ra quyết định tái bổ nhiệm hắn vào chức vị Đại tướng quân là vô cùng sáng suốt. Dựa vào kinh nghiệm ba đời nắm giữ quyền binh của Lâm gia, dưới sự chỉ đạo của Lâm Hào, quân đội Hạng quốc đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tướng sĩ trên dưới đồng tâm hiệp lực, ra sức tập luyện hòng nâng cao khả năng chiến đấu.
Nếu như trước kia, các tướng lĩnh biên cương vẫn thường hay mỗi người một ý, chẳng ai chịu nhường nhịn ai thì nay, với sự hiện diện của Lâm Hào, hết thảy đều cam tâm quy phục, răm rắp nghe theo mọi an bài. Trong quân đội, uy vọng của Lâm gia chính là to lớn như vậy đấy.
Tóm lại, phía quân đội, Đại Hạng đã có thể an tâm. Chỉ cần Lâm Hào tại đó, Lâm gia tại đó, bất kể là Liêu hay Trần thì đều phải kiêng kị. Muốn đánh, bọn họ cần cân nhắc thiệt hơn.
Dĩ nhiên, nếu như chỉ có mỗi quân đội thôi thì không thể nào duy trì được đất nước. Đi cùng với "quân" là "dân". Một quốc gia muốn trở nên hùng mạnh thì phải lấy dân làm gốc, coi việc chăm lo cho đời sống nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù quân đội mới là vấn đề tiên quyết, song cũng không thể vì vậy mà bỏ bê dân chúng.
Trong chiến tranh, nếu tiền tuyến là mũi giáo, trường thành thì hậu phương chính là nơi để củng cố để cho ngọn giáo ấy càng thêm sắc nhọn, thành trì ấy càng thêm kiên cố. Lương thảo, binh khí, sự tiếp tế quân nhu cùng những lời cổ vũ, động viên tinh thần từ hậu phương, chúng chắc chắn đã và sẽ đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ biên cương, gìn giữ đất nước. Hậu phương càng chắc, tiền tuyến càng mạnh; vua - tôi một dạ, quân - dân đồng lòng thì kẻ thù nào cũng phải thận trọng kiêng dè.
Hạng đế Lý Uyên là vị vua sáng suốt, chẳng lý gì lại không hiểu điều ấy. Hắn hoàn toàn nhận thức được, và đó là lý do vì sao mà hắn lại trọng dụng Trần Tĩnh Kỳ.
Đâu phải tự dưng Lý Uyên hắn lại thường hay khen ngợi, ví Trần Tĩnh Kỳ là "thiên cổ kỳ nhân". Trần Tĩnh Kỳ, hắn là một con người thông tuệ, cơ trí, bụng chứa kinh luân. Tài năng của hắn, cho dù những kẻ được xưng tựng "đại trí" như Hứa Bỉ, Tào Tất An cũng hãy còn thua xa. Kỳ thực, ở trong lòng mình, Lý Uyên vẫn ngầm so sánh Trần Tĩnh Kỳ với một người: Chu Quảng Đức - vị hiền nhân mà năm xưa Thái Tông Lý Trị đã phải đích thân đi mời về kinh giúp nước.
Có thể nhiều người sẽ cho là Lý Uyên đã đánh giá Trần Tĩnh Kỳ quá cao, song bản thân Lý Uyên thì không nghĩ như vậy. Nhận định của hắn về Trần Tĩnh Kỳ, chẳng phải chỉ dựa trên những gì Trần Tĩnh Kỳ đã làm được. Đôi khi, chỉ vài câu nói cũng đủ để cho ta hiểu được kẻ đứng đối diện với mình có bao nhiêu hiểu biết, ý nghĩ có bao nhiêu thâm sâu.
Lý Uyên, hắn tin vào trực giác, những gì mình suy luận. Quyết định trọng dụng Trần Tĩnh Kỳ, chắc chắn là không sai. Và thực tế, tính đến hôm nay, có thể nói Lý Uyên vẫn hoàn toàn chính xác. Những sách lược mà Trần Tĩnh Kỳ đưa ra, được cho thi hành, tất cả đều đem lại kết quả tốt đẹp. Cùng với Tướng quốc Võ Thanh Duy, Đại học sĩ Cao Văn Đạt, cả ba đã giúp cho Đại Hạng ngày càng phát triển; cái chuyện định quốc an bang, với bọn họ thật sự là chẳng khó.
Với những đóng góp như vậy, Trần Tĩnh Kỳ đương nhiên xứng đáng nhận được hoàng ân. Khác với Thiên Đức hoàng đế của Đại Trần, Hạng đế Lý Uyên là kẻ quý trọng nhân tài, một con người rất có tín nghĩa. Những gì hắn từng hứa với Trần Tĩnh Kỳ, hắn đã và vẫn đang nghiêm túc thực hiện. Trần Tĩnh Kỳ càng cống hiến nhiều cho nước Hạng thì lợi ích thu được cũng đồng dạng tăng theo. Bằng chứng là trong số những thứ hắn vừa mới được Lý Uyên ban tặng, có một vài đặc ân mà thậm chí ngay đến các vị hoàng thân quốc thích bình thường cũng chưa chắc có được.
Lại nói, vì muốn giữ Trần Tĩnh Kỳ ở lại nước Hạng, Lý Uyên còn cân nhắc điều chỉnh sách lược với phía Đại Trần, có thời điểm còn hạ lệnh huy động tinh binh đến biên giới Hạng - Trần thị uy nữa...
"Phong quang", "vinh hiển"... đại khái có thể dùng trên người Trần Tĩnh Kỳ. Nhưng là trên đất Hạng. Bằng tại Trần quốc, danh tiếng của Trần Tĩnh Kỳ thật sự là chẳng tốt đẹp lắm đâu. Một vị hoàng tử Đại Trần lại vì người Hạng ra sức, những năm qua còn cống hiến nhiều như vậy, trong khi Trần - Hạng trước đây vốn dĩ vẫn thường xuyên xung đột với nhau, thử hỏi triều đình Đại Trần làm sao vui được, dân chúng Trần quốc thế nào có thiện cảm được?
Những tiếng oán than, những lời trách móc, lăng mạ, tính ra cũng không hề ít.
Trần Tĩnh Kỳ, hắn biết hết. Tin tức từ Trần đô, hắn vẫn thường lưu tâm để ý. Dù vậy, hắn không hề hối hận. Đây là sự lựa chọn của hắn. Ngay từ đầu, Trần vốn đã chẳng dành cho hắn, Hạng mới là nơi để hắn phát triển. Nhanh thôi, rồi hắn sẽ có được chỗ đứng của mình. Căn cơ của hắn vẫn đang được hắn tích lũy từng ngày, theo đúng kế hoạch...
Mọi thứ bắt đầu từ con số không. Không quyền, không thế, càng không có sự yêu thương... Từ một hoàng tử bỏ đi, một tên An vương được "đặc cách" để phù hợp với vai trò chất tử, hôm nay Trần Tĩnh Kỳ hắn đã thực sự tương xứng với nó - hai chữ "Vương gia". Đi đến bước này, hắn hao tâm tổn trí biết bao nhiêu. Công sức hắn bỏ ra, sự hi sinh của hắn, liệu mấy người thấy rõ? Trên đời, đâu có ai cho không ai thứ gì. Thân phận, địa vị, hắn đều là tự mình giành lấy. Bằng tài năng, bằng mưu trí.
Hoàng tử Đại Trần? An vương Trần quốc? Không hơn gì rác rưởi! Giá trị bất quá một con tốt thí mà thôi!
Âm cực dương hồi, bĩ cực thái lai, sau chín năm trời vất vả, rốt cuộc hôm nay Trần Tĩnh Kỳ hắn cũng đã chính thức trở mình. Lãnh địa, thành trì, quân đội, dân chúng, Ninh Kiều hiện tại chính là khoảng trời riêng của hắn.
Hắn biết, so với toàn bộ cương thổ Đại Hạng thì một quận Ninh Kiều vẫn là rất nhỏ, nhưng hắn có thể tiếp tục phát triển, đem nó mở rộng. Quang minh không được thì dùng ám muội, trước mặt không thể thì đi sau lưng; hai chữ "thủ đoạn" hắn nào có lạ.
Sức của một mình hắn chắc chắn là không đủ. Hắn cần thêm trợ lực, càng nhiều càng tốt. Bằng cách nào ư? Tìm kiếm, chiêu dụ, đào tạo... Lợi dụng, đấy cũng là một phương án; và cách thức này, chỉ những người có tầm ảnh hưởng, khả năng quyết định đến thành bại của hắn thì mới đáng để cho Trần Tĩnh Kỳ hắn áp dụng.
Thái tử Lý Long Tích, Cửu vương Lý Long Thành, Hoàng phi Triệu Phi Yến, Hoàng hậu Triệu Cơ, thậm chí là Hạng đế Lý Uyên, hết thảy đều có thể. Mấu chốt ở chỗ hắn cần phải diễn sao cho thật giống, tới mức khiến người ta bị thao túng mà vẫn không hay không biết, còn tự phụ nghĩ mình đang nắm quyền kiểm soát.