- Ý kiến của tiểu đệ lại trái ngược, bữa nay chẳng những để nguyên chân tướng mà cứ ăn mặc văn nhã như kẻ thư sinh. Sư ca đeo kiếm vào trong dùng vạt áo dài che đi.
Cao Thức đáp :
- Lão nhị thật nhiều quỷ kế. Ta đành nghe theo.
Hai người sửa soạn một lúc rồi do cổng hậu hoa viên ra ngoài. Ngũ vương tử giục giã mọi người :
- Chúng ta phải lẹ lên! Bọn họ đi bộ. Chúng ta lấy hai cỗ xe ngựa mà ngồi.
Bạch Đại Muội la lên :
- Tiểu muội không quen ngồi xe, vậy đi bộ với Nhị Lang.
Bạch Từ nhìn Đại Muội cười mát nói :
- Con khốn kia! Sau xe mà có hai cái đầu tổ bố chạy theo khiến cho người ta để ý. Vậy xin Ngũ gia phái hai con ngựa để cưỡi đi trước.
Bọn Ngũ vương tử ra ngoài thành rồi. Tề Cách Lặc bối tử hay tin liền kêu một toán lớn vương tôn công tử chạy theo, nhưng chúng không hiểu đến chùa Bích Vân có việc gì.
Lúc này Thiết Kỳ Sĩ cùng Cao Thức đã ra ngoài thành đến nửa giờ. Hai người đi lẫn vào đám du khách, dường như đã thấy chuyện gì nên bước chậm hơn và thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại.
Bọn du khách rất nhiều, phần đông là nam nữ đi bộ, chỉ có số ít xe ngựa lẫn vào. Xe ngựa làm cho bụi cát vàng bay tứ tung khiến người đi bộ phải tránh ra hai bên đường. Thỉnh thoảng họ lại lớn tiếng thóa mạ.
Ngũ vương tử dẫn hai tên cự đồng theo sau Thiết Kỳ Sĩ còn cách chừng nửa dặm. Nguyên y cũng cưỡi ngựa, chỉ có Lê đại nương, Bạch Từ, Văn Đế Đế ba người ngồi xe nên lúc này lọt lại sau đến hơn một dặm.
Cao Thức đã ngó thấy Vương tử và cự đồng, khẽ bảo Thiết Kỳ Sĩ :
- Lão nhị! Ngũ gia đuổi tới rồi.
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Mong rằng y đừng xung chàng với hai lão kia, không thì thật rắc rối.
Nguyên phía sau hai người cách chừng năm trượng có một lão già rất cổ quái. Bất cứ ai cũng nhận ra không phải là một lão già thông thường, vì lão mình mặc áo đại hồng bào, ngoài khoác áo choàng đỏ như lửa. Đầu tóc lão đỏ như chu sa lại rối bù che lấp cả hai mắt. Hàm râu quai nón cũng đỏ hung, coi lão chẳng khác một hồng mao dã nhân. Sau lưng lão đeo một cái hồ lô màu đại hồng. Tay lão cầm một cây long đầu trượng màu tía vừa lớn vừa nặng. Có thể nói từ đầu xuống đến chân lão đều màu đỏ.
Người đi đường không ai dám nhìn lão, chẳng phải họ không có tính hiếu kỳ mà là họ sợ lão. Vì thế phía trước và phía sau lão cách mấy thước không ai dám đến gần.
Cao Thức chỉ lo Ngũ vương tử xảy chuyện với lão, cất giọng nghiêm trọng hỏi :
- Lão nhị! Làm thế nào bây giờ?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Ngũ gia không phải là người tầm thường. Y ngó thấy lão đó chắc cũng cảnh giác.
Cao Thức nói :
- Nhưng còn sợ hai đứa nhỏ lớn người kia gây họa.
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Vậy chúng ta đành chờ lại để lão kia đi qua rồi sẽ ngăn chặn Ngũ gia.
Cao Thức gật đầu nói :
- Ngoài cách đó chẳng còn biện pháp nào khác.
Thiết Kỳ Sĩ lập tức đứng ra bên đường, lớn tiếng hô sư huynh :
- Đại ca! Chúng ta hăy nghỉ một lúc đă.
May chỗ ấy có cây lớn. Cao Thức đáp lại rồi đến gần.
Lão già cổ quái dường như không để ý, vẫn tiếp tục cất bước đi qua trước mặt anh em Thiết Kỳ Sĩ. Lão có quay đầu nhìn sang bên nhưng không dừng bước.
Cao Thức thở phào một cái, nhìn Thiết Kỳ Sĩ khẽ nói :
- Dường như lão ngó thấy lão nhị rồi.
Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :
- Chưa phải lúc cứ để lão ngó mình, khi đến lúc thì mình lại ngó lão.
Cao Thức kinh hăi hỏi :
- Lão nhị! Lão có đoán ra là ai không?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Việc gì phải đoán? Lão là một trong những đối thủ của sư phó. Cứ coi người lão đỏ từ đầu xuống đến gót chân cũng đủ biết lão là Lôi Hỏa Thần.
Cao Thức nghe nói cả kinh hỏi :
- Lão là Lôi Hỏa Thần ư?
Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :
- Sư ca đả bại đồ đệ của lão mà lão chưa biết đó. Nếu lão điều tra ra thì sư ca phải coi chừng.
Cao Thức nói :
- Tiểu huynh không phải là đối thủ của lão. Lão nhị! Bữa nay mình nên lánh đi.
Lúc này Ngũ vương tử đã tới gần, nhưng y vẫn giả bộ không nhận biết Thiết Kỳ Sĩ vì lúc ở nhà đã ước định kế hoạch rồi.
Thiết Kỳ Sĩ ra hiệu cho Cao Thức. Hai người đi theo. Dường như Ngũ vương tử đã nhìn ra vấn đề. Y bảo nhị đồng đi chậm lại, có ý muốn nghe xem Thiết Kỳ Sĩ bảo gì.
Lúc này phía trước phía sau vẫn có người đi nhưng không đông lắm. Thiết Kỳ Sĩ sợ bị bại lộ hành tung liền dùng phép truyền âm cảnh cáo.
Ngũ vương tử nghe lời Thiết Kỳ Sĩ, liền chạy theo hai cự đồng lớn tiếng gọi :
- Nhị Lang! Đại Muội! Chúng ta xuống ngựa thôi.
Thiết Nhị Lang “ồ” một tiếng rồi hỏi :
- Bọn họ không đi, việc gì phải đợi?
Ngũ vương tử lại gần khẽ nói :
- Nhị ca bảo đó. Xuống ngựa lẹ đi!
Thiết Nhị Lang quay đầu nhìn lại mới phát giác ra đại sư huynh, không khỏi sửng sốt nghĩ thầm :
- Chẳng lẽ đã xảy chuyện gì?
Thiết Kỳ Sĩ cũng không nhìn gã, chàng thấy ba người dừng ngựa liền cùng sư huynh tiếp tục lên đường.
Người đến chùa Bích Vân thiêu hương rất đông. Thiết Kỳ Sĩ tới nơi thấy du khách chen vai thích cánh, liền cùng sư huynh trà trộn vào đám đông tiến dần từng bước một.
Cao Thức ghé vào tai chàng khẽ nói :
- Không biết lão già kia đi đâu rồi.
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Nhân vật này khi nào lại xúm vào đám đông, chắc lão còn ẩn ở chỗ nào vắng vẻ, nhưng thế nào lão cũng tới.
Cao Thức hỏi :
- Trong đám du khách chẳng thiếu gì nhân vật võ lâm. Người mà lão nhị muốn kiếm có ở đây không?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Mình đã gặp lão kia thì chuyến này không uổng rồi. Gặp lão còn quan trọng hơn là gặp người mình muốn kiếm.
Hai người không thiêu hương nên không muốn chen chúc vào điện Phật liền đi quanh ra phía sau chùa, nhưng lúc tới dãy hành lang bỗng thấy bọn Ngũ vương tử đều tiến vào.
Lê đại nương là người đầu tiên ngó thấy Thiết Kỳ Sĩ. Bà ngấm ngầm thông tri cho mọi người rồi tiến lại đón.
Thiết Kỳ Sĩ gặp mặt đại nương liền nói khẽ :
- Can nương! Chúng ta quanh ra sau núi. Nơi đây không phát hiện ra được điều gì.
Những du khách đi thiêu hương rất nhiều, không ai chú ý đến câu chuyện của mấy người.
Lê đại nương gật đầu đáp :
- Sĩ nhi! Ngươi đi đằng ngươi. Chúng ta vào thiêu hương, bất tất phải lo ngại gì để khỏi lầm lỡ chương trình hành động.
Thiết Kỳ Sĩ gật đầu rồi cùng Cao Thức ra cửa sơn môn đi quanh vào phía sau chùa.
Trong khu rừng sau chùa, Cao Thức vẫn thấy người đông như kiến, liền cười nói :
- Cứ tình hình này thì khó mà thu được hiệu quả.
Thiết Kỳ Sĩ khẽ đáp :
- Hai thiếu nữ ở mé tả có thể là người đem đầu mối cho bọn ta. Chúng ta phải coi chừng và theo dõi họ.
Cao Thức ngạc nhiên hỏi :
- Có chỗ nào khác lạ đâu?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Tiểu đệ tưởng chúng là tỳ nữ mà chủ nhân của chúng có chỗ kỳ dị.
Cao Thức cười hỏi :
- Tiểu huynh không hiểu lão nhị nhận ra chúng là tỳ nữ ở chỗ nào mà cũng chẳng biết căn cứ vào đâu mà đoán là chúng có chủ nhân?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Bọn chúng không ra vẻ con nhà khuê các, đã không có trai theo lại chẳng có lão phụ bầu bạn, mà cước pháp hiển nhiên rất cao thâm. Căn cứ vào ba điểm này sao lại không nhận ra?
Cao Thức cười hỏi :
- Bọn họ là nữ nhân trong đám giang hồ thì đúng rồi, nhưng thiếu nữ giang hồ không nhất định là hành động đơn độc, huống chi bọn chúng có hai người.
Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :
- Người có quản thúc và người không quản thúc khác nhau xa, cần lưu ý tự mình nhận ra, chứ không thể dùng lời nói để truyền thụ. Tiểu đệ sẽ có cách khiến cho đại ca phải tin tưởng.
Hai người đi theo một lúc sau thấy nhị nữ kiếm nơi hẻo lánh mà đi. Cao Thức cười nói :
- Nếu còn đi theo, chúng sẽ nghi ngờ. Lão nhị! Coi chừng bọn chúng sẽ cho ta là hạng người khinh bạc.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Đây là nơi du khách thưởng ngoạn, bọn chúng không có lý gì để phiền trách. Nếu chúng cho ta là những người khinh bạc thì còn gì bằng? Chúng càng nghĩ thế lại càng không hoài nghi mình vì mục đích khác.
Dần dần đi đến chỗ không còn một du khách nào, nhưng hai thiếu nữ vẫn chưa phản ứng khiến cho Thiết Kỳ Sĩ đã hơi cảnh giác. Chàng khẽ bấm sư huynh rồi dừng chân lại.
Hai bên còn cách nhau chừng hơn mười trượng. Cao Thức cười hỏi :
- Sao? Không đi theo nữa ư?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Bọn chúng biết rõ sau lưng có người theo dõi mà không quay đầu lại là trong bụng đã có chủ trương.
Cao Thức nói :
- Ý nghĩ của tiểu huynh lại khác với lão nhị.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi :
- Khác ở chỗ nào?
Cao Thức đáp :
- Tiểu huynh cho rằng chúng không quay lại là vì chúng thẹn thùng.
Thiết Kỳ Sĩ cười nói :
- Cứ coi thái độ của chúng thì chẳng phải là thiếu nữ đoan trang như sư ca tưởng tượng đâu.
Cao Thức hỏi :
- Thế thì chúng ta đi đường khác hay sao? Chắc lão nhị không tán thành.
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Không. Phải theo nữa chứ.
Lại qua một khu rừng, phía trước là nhà dân, nhưng đột nhiên không thấy bóng thiếu nữ đâu nữa.
Cao Thức kinh hăi hỏi :
- Bọn chúng đi đâu rồi?
Thiết Kỳ Sĩ thấy toàn là nhà ở cư dân. Chàng lắng tai nghe không phát giác được điều gì. Chỗ nào cũng có người đi mà không hiểu cước bộ của hai thiếu nữ đi ở chỗ nào. Chàng dừng lại nói :
- Đáng lẽ chúng ta không nên dừng lại một lúc để hai ả có dịp lẩn tránh. Bây giờ chẳng còn cách gì để theo dõi. Nhưng tiểu đệ chắc chủ nhân của chúng ở trong một nhà dân tại khu này.
Cao Thức nói :
- Nhưng chúng ta không tiện đến điều tra từng nhà.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Trước mặt về mé tả có một khu đất có đầy cổ thụ cao ngất trời, không hiểu là địa phương nào?
Cao Thức đáp :
- Phía sau những cây cổ thụ là chùa Đại Giác. Mé tả rừng rậm là chùa Đông Nhạc.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Tiểu đệ hiểu rồi. Giải đất này đều có cao nhân trú ngụ. Bây giờ phải quay về sợ Ngũ gia xảy chuyện gì. Đến đêm chúng ta lại tới điều tra những chùa này.
Hai người vừa trở về đến chùa Bích Vân. Bỗng thấy một đám đông nam nữ lão ấu ăn mặt kỳ dị từ chân núi chen chúc đi lên. Trước mặt lại có quan tư bồi tiếp.
Cao Thức ngạc nhiên hỏi :
- Bọn người nào đây?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Nhất định là những nhân vật ngoại quốc đến tham dự Võ thuật quan ma. Bọn họ cũng đi thưởng ngoạn những thắng cảnh ngoài thành Bắc Kinh.
Cao Thức cười hỏi :
- Sao lại chỉ có ba chục người?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Có khi họ chia thành nhiều toán. Hai đoàn thể của họ nhân số đến mấy trăm người, nào phải chỉ có bấy nhiêu mà thôi.
Cao Thức vội trỏ tay nói :
- Bọn Ngũ gia đã đến chân núi rồi.
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Ta phải rượt lên đi. Trước mặt bọn họ vẫn có một tên không phải tầm thường.
Cao Thức hỏi :
- Phải chăng lão nhị nói về gã thanh niên đi trong đám kia?
Thiết Kỳ Sĩ gật đầu đáp :
- Đó là một nhân vật khác hẳn mọi người. Gã đi chân bước hời hợt nhẹ nhàng, vậy nội lực nhất định cao thâm khôn lường.
Hai người liền rượt theo bọn Ngũ vương tử và Lê đại nương. Lẻn vào đám đông. Thiết Kỳ Sĩ khẽ hỏi :
- Ngũ gia! Ngũ gia có phát giác ra người đi trước kia không?
Ngũ vương tử khẽ đáp :
- Hiền đệ vừa may. Đại nương đã chú ý tới. Gã cũng thay đổi sắc mặt nên bọn ta ngấm ngầm theo dõi.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Người đó tâm thần yên định, cử chỉ khoan thai, quyết chẳng phải tà môn.
Lê đại nương đi trước hai người, nghe tiếng liền cười đáp :
- Sĩ nhi quả có kiến thức. Thanh niên đó là đồ đệ của Kim Giáp Thần, tự hiệu là Kim Giáp Vương Tử.
Thiết Kỳ Sĩ ngạc nhiên hỏi :
- Ô hay! Sao Can nương biết gã?
Lê đại nương đáp :
- Long hộ giá đã dùng phép truyền âm báo cho lão thân hay. Lão còn ở trong chùa chưa ra. Lão nói đã điều tra những khu phụ cận chùa Bích Vân trong vòng mười dặm, cả thẩy có đến năm sáu toán nhân vật khác lạ. Lão định đến tối về Bắc Hải sẽ báo cáo tường tận với ngươi.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi :
- Can nương đã hỏi về Hải Nữ đậu chưa?
Lê đại nương đáp :
- Lão bảo Sĩ nhi đoán trúng. Thứ đậu đó ở bọn môn hạ của Hải Thần mà ra. Nghe nói vợ Hải Thần cũng đến rồi.
Thiết Kỳ Sĩ vẻ mặt nghiêm trọng nói :
- Nếu vậy trong cuộc đại hội Võ thuật quan ma này e rằng sẽ xảy đại biến.
Lê đại nương hỏi :
- Sĩ nhi sợ bọn người này náo loạn chăng?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Náo loạn thì chưa chắc, sợ là sợ người mình tham dự vào đoàn thể của họ.
Ngũ vương tử nói :
- Nếu chỉ có chuyện tham gia để phô trương bản lănh thì không sao, e rằng bọn chúng và đoàn thể ngoại quốc để phá mình.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Những nhân vật này ở địa khu nào chúng ta chưa hiểu. Nếu là người Trung Nguyên, chắc họ không gia nhập vào ngoại tộc và không sợ điều gì quay quắt. Chẳng lẽ bọn họ là người vong bản đến thế được.
Về đến Ngự hoa viên đã quá trưa. Ngũ vương tử cáo từ nói :
- Các vị về ăn cơm đi, tại hạ phải đến tướng phủ xem sao.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi :
- Phải chăng Ngũ gia có ý muốn cải thiện cách bố trí đại hội một lần nữa?
Ngũ vương tử gật đầu đáp :
- Điều trọng yếu nhất là những người tham gia có đăng ký trong danh sách mới được tỷ đấu. Sau nữa ước định không được đả thương người.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Về khoản đả thương người chỉ sợ xảy ra trong vụ đấu kiếm mà vụ này lại chưa chuẩn bị
Ngũ vương tử đáp :
- Phụ hoàng đã hạ chỉ rồi và dựng một đài diễn võ ở trường tỷ đấu. Phụ hoàng muốn thân hành đến thưởng thức cuộc trổ tài của võ sĩ.
Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Đã xác định thì dĩ nhiên phải thế, nhưng e có cuộc đại loạn.
Ngũ vương tử hỏi :
- Sao lại đại loạn được?
Những nhân vật tà môn không sợ vương pháp thì dù Ngũ gia có qui định không được hại người họ cũng chẳng tuân theo.
Ngũ vương tử hỏi :
- Vậy làm thế nào bây giờ?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Muốn bổ cứu thì chỉ còn cách giảm bớt số người tỷ đấu.
Ngũ vương tử hỏi :
- Những người đã đăng ký rồi mà không gọi tên họ ra đấu được chăng?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Bây giờ Ngũ gia làm cho gấp một việc, hoặc giả có thể khiến những người tham gia bừa bãi phải ngại ngùng.
Ngũ vương tử hỏi :
- Làm thế nào?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Đúc một thanh kiếm lớn nặng ba trăm cân, dài chừng bốn thước. Ra điều kiện cho những người tỷ kiếm là phải đi thử một đường kiếm pháp trước, lại qui định kiếm pháp thi triển từ năm chục chiêu trở lên, ai không sử hết một bài, hoặc chiêu thức chậm chạp đều bị thủ tiêu tư cách tỷ đấu.