Phó Thác Vận Mệnh

Chương 16: C16 Năm mất mùa 1



Chương 16: Năm mất mùa (1)

Có lẽ vận mệnh vẫn luôn là như thế, những khúc cua mấu chốt trên đường đời luôn ẩn trong những ngày tháng thoạt trông vụn vặt tầm thường, khiến người ta không thể phòng bị.

Lúc bắt đầu chỉ là sự xúc động nhất thời, vẻ anh dũng trong cái chớp mắt, và mím môi mím lợi trong một khoảnh khắc.

Thế nhưng, ngàn chiếc lá úa cuối cùng lại trở thành mối đại họa không thể vãn hồi. Xong việc nhìn lại mới nghĩ, biết vậy khi xưa đã chẳng làm.

Thế nhưng, trước giờ đâu ai phanh được trên đường xuống dốc.

Ngày anh chào đời, cũng là ngày mẹ anh qua đời.

Cô gái đáng thương vừa mới tròn hai mươi tuổi, năm trước vừa thành cô dâu mới, bây giờ đã chết trên giường vì khó sinh.

Sự tra tấn kéo dài một ngày một đêm, tiếng khóc quẩn quanh khe núi.

Toàn bộ phụ nữ trong thôn xóm tụ trước cửa nhà anh, ai nấy đều bó tay hết cách. Người đàn ông sắp trở thành ba anh cũng chẳng có chủ kiến, chỉ đứng ngay ngoài cửa, cuộn chân, hút hết điếu này tới điếu khác.

Bà bị ngược thai, bà đỡ già thôn bên vội vàng mà cả người dính đầy máu và mồ hôi, nhưng vẫn chỉ đành nhìn sản phụ suy yếu dần, mềm dần đi.

Lúc hồi quang phản chiếu, cô gái hét lên một tiếng, liều mạng dùng sức, cuối cùng anh cũng rơi ra.

Mọi người đều mừng rỡ, là một bé trai khỏe mạnh. Ai nấy đều vội vã lại gần, đưa nhau xem thử, trong tiếng vui cười của mọi người, người mẹ trẻ nhìn bóng dáng mừng vui của mọi người, xem như tâm nguyện cũng đã thành hiện thực. Bà hạ khóe môi xuống, nhắm mắt yên nghỉ.

Ba anh hận anh, không chỉ bởi vì anh khóc lóc suốt ngày, mà còn vì anh đã đưa người phụ nữ duy nhất trong nhà đi.

Nghe cũng trớ trêu, tiền nợ khi cưới vợ còn chưa trả hết, lại tốn thêm một khoản phí mai táng.


Ba anh tên là Tài Tăng, nhưng cả năm đời liên tiếp đều nghèo rớt mồng tơi. Từ thời liệt tổ liệt tông đã truyền cho cái bản lĩnh chịu khó chịu khổ.

Trong vài thập niên tiếp theo, ba anh không cưới ai, mà cũng chẳng phải vì tình cảm sâu sắc gì, chỉ là những ngày đang sống quá vất vả khó khăn.

Tiền đón dâu năm đó là bán ruộng được chia lúc chia nhà, bây giờ anh cả không chịu giúp ông ta, trong tay chỉ còn vài miếng đất cằn, muốn sống tạm còn khó chứ lấy đâu ra tiền tiêu xài.

May mắn thay, ít ra còn có thằng con nối dõi.

Dù trong nhà vừa nghèo vừa khó, cũng chẳng có gì để kế thừa.

Quê anh ở một tỉnh phía bắc Nam Dương, một thôn xóm xa xôi cổ hủ, được che khuất sau núi non trùng điệp, tầm nhìn cũng chẳng đi được đâu xa.

Thôn cũng không lớn, tổng cộng chỉ có mười mấy hộ, tính cả gà cả chó vào thì vật sống cũng chẳng quá 130 miệng ăn.

Phần lớn người dân ở đây đều sống dựa vào trồng cao su và trồng mía, năm nào cũng chịu khổ chịu khó nhưng vẫn thu không đủ chi. Sau từng tầng từng lớp thương nhân bóc lột, đồng tiền tới tay chỉ đủ để ấm no.

Anh lớn lên từng ngày, dù ba có ghét bỏ đến đâu cũng không nỡ để anh chết, dù sao cũng là mạng vợ mình đổi lấy. Anh đi học ở thôn bên cạnh, phải đi qua cả một ngọn núi.

Mỗi ngày, chưa tới năm giờ anh đã thức giấc, dụi dụi đôi mắt rồi ngáp ngắn ngáp dài đi nấu nước, nấu cơm, mong hầu hạ chu toàn thì sẽ đổi được một ngày ba mình không cau có.

Đương nhiên, cũng không mấy khi đổi được.

Anh biết tính ba mình không tốt, từ nhỏ đã biết trốn tránh, nhưng vẫn có lúc không tránh được.

Thật ra cũng không hoàn toàn là vì ba anh thấy anh không vừa mắt. Lúc nào ông ta cũng sống một mình, không khỏi có chút nóng trong người, nóng lên đến đầu thì nhìn cái gì cũng không thấy thuận mắt. Đập đồ trong nhà thì sau cùng lại phải tự chịu trách nhiệm, rồi cũng phải tốn ít tiền. Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn là đập con trai có lợi hơn.

Cũng may con trai không mang thù, đánh xong vẫn nấu cơm cho ông ta, cũng tình nguyện ngồi ăn cơm với ông ta. Khuôn mặt nhỏ rơm rớm nước mắt, nở một nụ cười sợ hãi với ông ta, hai tay nâng cái bát mẻ như đang lấy lòng, làm người làm ba cũng khó chịu trong lòng.


Nhưng ông ta vẫn chẳng quản được cơn nóng nảy, mấy ngày lại lặp lại một lượt, có quy luật như tập thể dục buổi sáng vậy.

Anh sợ ba đánh mình, lại càng sợ ba không cho mình đi học.

Dù cái gọi là đi học chỉ có một người thầy, trường học cũng đơn sơ như một trò đùa, nhưng nỗi đau khổ trước mắt cũng phải có chỗ phát tiết chứ. Tiếng chuông vừa vang lên, anh sẽ để những con chữ của giáo viên trên bảng thổi bay suy nghĩ của mình đi, tạm thời quên đi cảm giác đau đớn và lấn cấn trên mông.

Anh thích đi học, thường ngồi vào một góc trong phòng học, ôm cuốn sách mà những người lớn trong thành phố có tâm quyên tặng, lặng lẽ lật từng tra một. Bàn tay nhỏ bẩn thỉu luôn sợ làm bẩn tờ giấy nên cứ lau trên áo hai cái theo thói quen rồi mới đọc dần từng hàng, đôi môi dẩu lên như một chú chim nhỏ.

Nhưng ở trường cũng không tránh khỏi việc bị bắt nạt. Lạ thay, người sinh sự luôn liếc mắt một cái là nhìn thấy quả hồng mềm nhất trong đám người.

Nhưng anh không cãi cự, mà chỉ nhẫn nhịn.

Anh giỏi nhất là nhẫn nhịn.

Anh biết, chỉ cần nhịn đủ lâu, kiểu gì cũng sẽ gặt hái được kết quả mình muốn, như cách anh nịnh ba mình để được đi học cấp hai, còn những đứa trẻ từng bắt nạt anh lại sớm bỏ học, về nhà cày ruộng.

Nhẫn nhịn, chịu đựng, anh nhịn sao mà thành tướng xấu.

Mặt góc cạnh, mắt đan phượng, lúc không cười thì hung ác, nhếch môi một cái lại trông rất vô hại.

Tay dài chân dài, dáng cao lêu nghêu, không ăn uống được mấy nhưng lại cao hơn những cậu trai trong thôn một chút, dần dần không ai dám bắt nạt anh nữa.

Vì anh học đến cấp hai nên cũng được coi là người có văn hóa trong thôn. Sau khi thầy hiệu trưởng lớn tuổi, ông ấy yên tâm giao trường học trong tay cho anh, mấy kẻ từng bắt nạt anh bây giờ đều phải tôn trọng anh hơn hẳn.

Ngay cả ba anh, lúc đeo giỏ tre đi ngang qua bờ ruộng trông cũng đắc ý thêm phần nào, cái đầu gầy giắt lại ngẩng cao lên, trông như một con gà chọi đắc thắng.

Đúng rồi, lâu rồi ba không ra tay với anh, không chỉ vì thêm phần yêu thương mà cũng là vì cẩn tắc vô ưu, dù sao cũng là con trai độc đinh, rồi về sau cũng phải chờ anh dưỡng lão.


Ngày tháng của anh rất suôn sẻ, cứ như sau cơn mưa trời lại sáng.

Ngày nào cũng xách theo sách giáo khoa, mặc áo sơ mi nghiêm trang đĩnh đạc, ngân nga câu hát, miệng nhai miếng cau, dạo bước giữa những gian lớp học, quá là giản dị an nhàn.

Chỉ có một người lay động được tiếng lòng anh.

Con nhà họ Điền, tên là Bảo Trân, trông tròn tròn đáng yêu, khiến ai cũng yêu mến. Lúc cô ta mỉm cười, hai lúm đồng tiền lúng liếng theo, anh cũng bất giác cười ngẩn ngơ.

Điền Bảo Trân nhỏ xinh, lại có chủ kiến, tuy lúc nào cũng cười ngọt ngào nhưng vẻ ngoan ngoãn ấy chỉ là vẻ bề ngoài thôi.

Cô ta là người không chịu khuất phục, mọi sự mềm mại dịu dàng cô ta thể hiện ra đều là thủ đoạn để thần phục người khác.

Nhưng anh lại không biết những chuyện này, chỉ nghĩ mình có sức cuốn hút, chinh phục được cô gái này.

Thường xuyên qua lại, hai người nhìn vào mắt nhau, lâu lâu lại hẹn gặp nhau sau hoàng hôn trong rừng dừa.

Tối hôm đó, anh đi dạo ở quanh đó hồi lâu mới thấy cô ta chậm rãi tới muộn.

Anh vẫn cười ngây ngô như trước, đưa cho cô ta nhành hoa dại mới hái, nhưng lần này Bảo Trân không nhận mà chỉ uể oải đá cành cỏ bên trên, vẻ mặt mất mát.

“Sao thế? Ai chọc em?”

Cô ta quay mặt sang hướng khác, cũng không trả lời.

“Nói anh nghe, anh đập nó cho em.”

Cũng chỉ là mấy lời mạnh mồm thôi, trước giờ anh có đánh ai bao giờ.

“Nhà em sắp xếp hôn sự cho em, nghe nói đằng trai xấu xa lắm.”

Anh lập tức xìu xuống, đóa hoa trong tay như cũng héo khô.


“Em không đồng ý.”

Anh lại sống lại, ngay cả đóa hoa trong tay cũng lại lần nữa vực dậy, tươi tắn rạng ngời.

“Bảo Trân, vậy anh với em…”

Cô ta ngẩng đầu lên, đôi mắt đen thẳm phản chiếu lại ánh trăng, nổi lên một làn sóng nhẹ, sâu không thấy đáy.

Anh chưa bao giờ thấy cô ta như vậy, nhìn mà hãi hùng.

“Anh này, em định lên huyện thành thử một phen, anh dám đi với em không?”

Không hỏi muốn hay không, chỉ hỏi có dám không.

Nỗi bí bách mười mấy năm của anh lập tức bị kí.ch thích, huyết khí dâng lên, nhất định phải ra vẻ dáng vẻ của một đại trượng phu.

Hơn nữa, trong lòng anh cũng không kìm được nỗi hưng phấn. Anh chưa từng nghĩ đến việc ra ngoài thôn trang nhìn ngắm đó đây, đó là thế giới phồn hoa chỉ nghe nói trong sách vở, nhìn rồi còn phải giơ tay ra sờ một cái mới được.

Sau một đêm trằn trọc, anh hạ quyết tâm.

Đi!

Với bản lĩnh của anh, còn sợ không làm nên tên tuổi ư?

Anh không thương lượng với ba mình mà chỉ để lại một tờ giấy. Trong cơn kích động, thế mà anh lại quên ba mình không biết chữ.

Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng anh đã đi theo Điền Bảo Trân, bước lên con đường tới huyện Định An.

Anh nhìn bóng trăng non vẫn treo trên trời, trong lòng chỉ nghĩ đến viễn cảnh áo gấm về làng sau này.

Lại không ngờ, vận mệnh ẩn nơi cuối con đường, chờ đợi anh là có đi mà chẳng có về.