[Pháp Y Tần Minh Hệ Liệt] Người Giải Mã Tử Thi

Chương 14-3: Vụ án thứ mười bốn – Tay lái mất mạng Phần 3

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trong phòng giải phẫu pháp y của nhà xác huyện Dương Cung, Ngô Minh Lô lặng im nằm trên giường giải phẫu thi thể. Khi chúng tôi tới đó, hai bác sỹ pháp y vừa tham gia cùng nhóm đã bắt đầu tiến hành chụp ảnh, quay phim ghi lại hình ảnh bề ngoài của thi thể, đồng thời cởi bỏ hết quần áo trên cái xác xuống.

Quần áo của Ngô Minh Lộ còn nguyên vẹn, rất bình thường. Nửa thân trên mặc áo thun chữ T và áo khoác, nửa thân dưới mặc quần đùi bên trong, quần dài bên ngoài, chân đi giày tất đầy đủ.

Tôi nhanh chóng mặc quần áo giải phẫu, đeo găng tay vào khẩu trang xong xuôi rồi cẩn thận sắp xếp đống quần áo lên tấm nilon đã trải sẵn, bắt đầu kiểm tra từng thứ một.

Tôi xem xét vết thương trên đầu thi thể, sau đó lại nhìn chiếc áo chữ T cổ tròn. Khi đã ngồi xổm suy nghĩ một lúc, tôi mới chỉ vào vết máu trên vai áo, nói: “Sư huynh, anh không thấy vết máu này kỳ lạ sao?”

Bác sỹ Lâm nhìn đống quần áo, không đáp. Tôi nói tiếp: “Toàn thân anh ta chỉ có vài vết thương hở trên đầu, nói cách khác, chỉ phần đầu là có thể chảy máu. Nếu Ngô Minh Lộ ngã từ trên cầu xuống, xe đè lên người và anh ta không có khả năng ngồi dậy, vậy làm sao máu có thể chảy từ đầu xuống vai?”

Ánh mắt bác sỹ Lâm lóe sáng, nói: “Đúng đúng đúng! Nhưng cũng không thể chủ quan. Nếu máu trên đầu anh ta chảy ra thành vũng, sau đó mưa xuống pha loãng máu ra, thì cũng có thể nước máu này ngấm vào vai áo lắm chứ?”

Tôi nghĩ ngợi. Bác sỹ Lâm nói cũng có lý, nhưng làm thể nào để loại bỏ khả năng này? Tôi lại cầm áo khoác của Ngô Minh Lộ lên xem, rồi nói: “Có thể loại trừ khả năng anh vừa đề cập”.

Bác sỹ Lâm nhìn chiếc áo, đáp: “Đúng! Nếu nước máu ngấm vào thì phải ngấm cả lên áo khoác, thế mới có thể ngấm vào áo chữ T bên trong, nhưng chiếc áo khoác này không có máu!”

Tôi cười, “Đây chính là phát hiện quan trọng, căn cứ vào tình trạng của hai chiếc áo có thể thấy Ngô Minh Lộ bị thương trên đầu khi thân trên đang dựng thẳng, vậy nên máu mới chảy xuống vai. Thứ nữa, lúc đó hẳn là anh ta không mặc áo khoác, do đó máu chỉ thấm vào áo chữ T!”

“Ha ha! Giả làm hiện trường tai nạn giao thông!” Bác sỹ Lâm nói.

“Đừng vội, chúng ta giải phẫu thi thể rồi kết luận sau!” Tôi bình tĩnh đáp lại.

Tổn thương trên người Ngô Minh Lộ rất đơn giản, trừ những vết thương dập rách khắp đầu, còn lại toàn thân không thấy tổn thương nào quá rõ ràng.

“Anh vẫn cảm thấy xe máy đập vào đầu thì không thể hình thành nhiều vết thương như vậy được.” Bác sỹ Lâm nói, “Ông cảnh sát giao thông kia còn cãi với anh, chỗ gầm xe cũng chẳng có vết máu nào”.

“Hầu hết cảnh sát giao thông không hiểu kiến thức pháp y, nhưng họ nói một lần va chạm có thể tạo nhiều tổn thương trên đầu cũng không phải vô lý.” Tôi nói, “Em đã cẩn thận kiểm tra chiếc xe, có dấu vết bị nước mưa rửa trôi rất rõ ràng, nếu bị xe đập vào đầu thật thì cũng có thể không lưu lại vết máu.”

“Một lần va chạm mà hình thành được nhiều vết thương ư?” Bác sỹ Lâm thấy thái độ của tôi thay đổi liền cảm thấy hơi ngạc nhiên.

“Đúng vậy. Dưới gầm xe có rất nhiều ốc vít lớn nhô lên, nếu những con ốc đó cùng đập lên đầu Ngô Minh Lộ thì rất có thể hình thành nhiều vết thương rải rác.” Tôi dùng kẹp cầm máu thận trọng tách miệng vết thương ra, “Mô dưới miệng vết thương vẫn còn liên kết với nhau, chứng tỏ đây là tổn thương do vật tày tạo ra. Cho nên nếu chỉ tách miệng vết thương ra xem thì chúng ta không thể loại trừ khả năng bị ốc vít đập vào đầu.

Tổ chức mô còn liên kết hay không là căn cứ quan trọng để phân biệt vết thương do vật tày hay vật sắc nhọn tạo ra. Khi vật tày tác động lên da sẽ hình thành vết thương bị xé rách, còn vật sắc nhọn sẽ tạo vết thương cắt lìa. Mô mềm tại vết thương bị xé rách sẽ không đứt hẳn, mà sẽ có vài sợi mô vẫn liên kết với nhau.

“Vậy tổn thương này không chứng minh được gì ư?” Bác sỹ Lâm hỏi.

“Có thể.” Tôi học giọng chém đinh chặt sắt của sư phụ, “Muốn căn cứ vào hình thái tổn thương để phán đoán tính chất vụ án thì phải xem một số điều kiện, mà vụ án này đã có đủ điều kiện rồi. Để phân biệt xem những vết thương này có phải hình thành do một lần va đập với xe máy không, chúng ta không căn cứ vào số lượng vết thương, mà dựa vào phương hướng của vết thương”.

Bác sỹ Lâm như bừng tỉnh.

Tôi nói tiếp: “Chúng ta cẩn thận quan sát miệng vết thương ở những tổn thương trên đầu, sau đó kết hợp với tình trạng gãy xương của từng vết thương để phân tích. Hai vết thương ở đỉnh chóp có hướng vuông góc, không bị tướt da.”

“Tổn thương hai bên thái dương cũng là vuông góc và không bị tướt da!” Bác sỹ Lâm kiểm tra kỹ thương tổn trên thái dương rồi đáp.

“Ha ha, nhưng đỉnh đầu và thái dương không nằm trên cùng một mặt phẳng, nếu cả hai cùng vuông góc với mặt phẳng thì tức là lực không nằm trên cùng một mặt.” Lời tôi nói hơi lộn xộn, nhưng bác sỹ Lâm vẫn nhanh chóng hiểu ra: “Phải! Nếu lực vuông góc với thái dương thì phải song song với đỉnh đầu, nếu vừa song song với cả đỉnh đầu và thái dương thì chỉ có thể là hai hướng lực khác nhau!”

“Đúng vậy, dù gầm xe máy có nhiều đinh ốc, nhưng không thể tạo vết thương vuông góc với cả đỉnh đầu và thái dương chỉ trong một lần va đập. Nên những vết thương xung quanh đầu không hình thành trong cùng một lần tác động lực. Theo đó, Ngô Minh Lộ chết vì chấn thương sọ não, nhưng nguyên nhân gây chấn thương không phải do tai nạn giao thông, mà do bị tấn công bằng vật tày.”

Nhờ những phân tích như vậy, trong lòng bác sỹ Lâm thoải mái hơn, vì xem ra nghi ngờ trước đó của anh là chính xác.

Chúng tôi tiếp tục giải phẫu thi thể theo đúng quy trình. Khi đã xác định khoang ngực bụng không có điểm bất thường, bác sỹ Lâm bắt đầu chuẩn bị kim chỉ để khâu lại.

Tôi nói: “Đợi đã, em xem lại cổ họng một chút.”

Tôi cẩn thận cắt hệ cơ vùng cổ của thi thể ra. Đột nhiên, tôi phát hiện dưới cơ ức đòn chũm bên phải có một vết xuất huyết nhỏ.



“Lại một phát hiện bất ngờ.” Tôi hào hứng nói, “Trên da cổ không có tổn thương, nhưng tầng cơ thịt bên trong lại có hiện tượng xuất huyết, chứng tỏ khi còn sống Ngô Minh Lộ đã phải chịu một lực tác động vào cổ, tuy rằng không phải nguyên nhân chính dẫn đến cái chết, nhưng có thể khẳng định là không phải do va chạm vào vật cứng như xe máy, hẳn là hình thành bởi vật mềm như bàn tay chẳng hạn”.

“Ý chú là anh ta bị người khác bóp cổ?”

“Đúng vậy, từng bị bóp cổ. Nhưng hành động bóp cổ này không để giết chết anh ta, mà là để cố định cơ thể nhằm tiện tay đánh vào đầu. Em cũng thấy khó hiểu, nếu người này bị tấn công khi đang vận động, hoặc sau khi bị tấn công liền ngã xuống đất thì không thể khiến máu chảy xuống áo nhiều như vậy.”

“Đúng. Có lẽ sau khi đầu bị thương, Ngô Minh Lộ vẫn bị giữ đứng thẳng trong một khoảng thời gian nhất định.”

“Tổn thương trên đỉnh đầu hẳn là hình thành khi nạn nhân bị hung thủ giữ cho đứng dựa vào tường sau đó đánh lên, còn tổn thương ở thái dương được tạo ra lúc nạn nhân ngã xuống đất, hung thủ sợ anh ta chưa chết nên nện thêm hai phát.”

“Chú em đang xây dựng lại hiện trường đấy ư!” Trong ánh mắt của bác sỹ Lâm thoáng một nét ngưỡng mộ.

“Giả thuyết này có đúng hay không thì phải chờ lát nữa kiểm tra lưng nạn nhân, xem sau lưng có xuất huyết hay không là có thể xác định rồi.” Tôi cười nói, “Bây giờ chúng ta cần lấy ruột non của anh ta ra để suy đoán đại khái thời điểm tử vong.”

Qua sự nghiên cứu đầy tâm huyết của sư phụ, việc dựa vào tình trạng của ruột non để suy ra mối quan hệ giữa lần ăn cuối cùng và thời điểm tử vong đã có công thức tính toán tương đối chuẩn xác.



Chúng tôi cẩn thận dọc theo mạc treo ruột (mesentary), lấy được bộ ruột non của nạn nhân ra, xếp thành hình gấp khúc trên bàn giải phẫu, cạnh thi thể đang nằm. Sau một hồi tính toán, thời điểm tử vong vào khoảng sau khi ăn bữa cuối từ năm đến chín tiếng đồng hồ.

“Thông qua kết quả điều tra, Ngô Minh Lộ ăn một bữa xế vào lúc 4 giờ chiều, lúc sáng chúng ta đã xem xét sổ ghi chép của anh ta. Chắc chắn anh ta đã trở về nhà vào buổi tối, hơn nữa còn đi mua cơm. Lại dựa vào suy đoán về thời điểm tử vong mà chúng ta vừa tính, suy ra có hai kết luận. Bữa xế cách thời điểm tử vong khoảng chín tiếng đồng hồ, tức là anh ta chết vào khoảng 1 giờ sáng ngày 26.” Tôi vốn học toán rất kém, vừa nói vừa đếm đốt ngón tay tính toán. “7 giờ tối Ngô Minh Lộ rời khỏi nhà máy, 7 giờ 30 phút về đến nhà. Nếu ăn cơm lúc 8 giờ, thì năm tiếng đồng hồ sau cũng vừa khớp 1 giờ sáng. Cho nên em dám khẳng định, Ngô Minh Lộ tử vong vào khoảng 1 giờ sáng ngày 26.”