Ngày cuối cùng của thế kỷ 20. Sự hoảng loạn toàn cầu gây ra bởi sự cố năm 00* đang ở ngay trước mắt, những lời tiên tri về ngày tận thế truyền tai đầy rẫy, chúng tôi đã bước vào thế giới như thế nào?
(*Sự cố năm 00 hay Y2K là sự cố máy tính diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000. Khi ấy ngày tháng năm được máy tính ghi nhận theo dạng DD/MM/YY, nên chúng không thể phân biệt giữa năm 2000 và năm 1900. Các hoạt động được lập trình dựa vào ngày tháng năm sẽ bị lỗi và thay vì chuyển từ ngày 31/12/1999 sang 01/01/2000, máy tính sẽ lại trở về 01/01/1900.)
Ừm, đây không phải là vấn đề mà một học sinh tiểu học nên cân nhắc.
Ngày 31 tháng 12 năm 1999, nghe bảo nhà trường cho nghỉ đông sớm vì muốn tiết kiệm chi phí sưởi ấm. Buổi tối, phòng máy tính không mở cửa, tôi và Ngô Thừa Thừa cụt hứng quay về, đứng dưới khu ký túc xá hộ gia đình* vừa ăn kẹo hồ lô vừa tán gẫu liên thiên.
(*Khu ký túc xá nơi gia đình Khương Lộc sống là ký túc xá trong trường đại học, dành cho gia đình cán bộ công nhân viên chức làm việc và học tập tại trường.)
Đội kín mũ, quấn chặt khăn và đeo găng tay bọc kín, hai đứa như hai con yêu tinh trong tuyết, thà bị đông thành đá chứ không muốn quay về.
Đang ăn dở thì thấy Lý Miễn ra khỏi nhà, xách theo cà mèn trong tay.
“Đi đâu thế?” Tôi gọi cậu ta lại.
“Bố tớ làm thêm ở phòng máy, tớ đi đưa cơm.” Nói rồi rảo nhanh bước chân.
“Cậu không lạnh à?” Đứng từ xa mà vẫn thấy cậu ta để mở áo khoác, lộ áo len trắng và hở cả cổ, nhìn thôi đã phát run.
“Hai cậu không lạnh hả?” Lý Miễn hỏi ngược lại, sau đó giơ một tay kéo khóa, nhưng làm cách nào cũng kéo không xong.
Vừa hay cậu ta đã đi tới, tôi bèn ngậm ngang kẹo hồ lô trong miệng, ú ớ bảo: “Ớ éo úp ậu.” (Tớ kéo giúp cậu.)
Vì không thể khép miệng nên lúc nói, nước miếng suýt chảy xuống. Lý Miễn nhanh tay cầm lấy xiên kẹo hồ lô, bất ngờ thay lại chẳng hề trêu tôi: “Cậu cẩn thận, đông cứng dính vào miệng bây giờ.”
Nói rồi trả lại cho tôi, đồng thời đưa cà mèn tới: “Cầm hộ tớ đi, tự tớ kéo được.”
“Ờ.” Tôi mím môi, cảm thấy lúng túng.
Không biết Ngô Thừa Thừa bị cái gì, lúc này mới xáp tới hỏi: “Nè, Từ Chi Dương ở nhà làm gì thế? Mấy hôm nay không thấy cậu ấy đâu.”
“Hình như đang học tiếng Anh.” Lý Miễn đáp, nhanh nhảy kéo phéc-mơ-tua lên rồi cầm lấy cà mèn, “Tớ đi đây.”
Hai đứa tôi ôm tâm sự riêng nhìn cậu ta rời đi, bỗng dưng cảm thấy kẹo hồ lô trở nên nhạt thếch. Một lúc sau, Ngô Thừa Thừa nghiến răng nói: “Sao Từ Chi Dương phải cày dữ thế chứ?”
“Cậu không biết trẻ con trong thành phố đều học thêm tiếng Anh à?” Tôi lơ đãng đáp, giậm chân xua cái lạnh, “Sau này Từ Chi Dương sẽ về thành phố học, không giống tụi mình.”
“Không giống chỗ nào?” Ngô Thừa Thừa không phục, “Tớ thấy chẳng liên quan gì đến chuyện đó cả, chỉ là do mẹ cậu ấy là giáo viên Anh văn thôi, Từ Chi Dương tội nghiệp thật.”
Tôi nhìn cậu ấy bằng ánh mắt thâm sâu, bắt chước giọng của mẹ: “Cậu đừng có như thế với Từ Chi Dương.”
Rõ ràng Ngô Thừa Thừa cũng không biết chuyện trong nhà Từ Chi Dương. Mẹ cậu ta đúng là giáo viên Anh văn, nhưng cả học kỳ rồi không đi dạy, có vẻ tinh thần không được tốt.
Từ Chi Dương thường ở nhà học tiếng Anh, cũng chẳng biết là ai chăm ai.
—
Hai chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi về nhà. Ăn tối xong, đang thu dọn góc học tập thì chợt nghe thấy tiếng kim loại va chạm *cạch cạch* – có người đang đập vào lưới chống trộm ngoài cửa sổ.
Nhà tôi ở tầng một, hồi trước cũng hay có người gõ cửa sổ rủ tôi đi chơi. Nhưng bây giờ đêm hôm khuya khoắt, lại còn trong mùa đông, nghe thấy âm thanh đó chỉ khiến tôi sợ hãi.
Nhoài người tới, nhẹ nhàng vén rèm cửa, thấy Lý Miễn đứng bên ngoài đang xoa tay lạnh cóng, đèn đường hắt lên người trông không chân thực.
“Làm gì thế?” Tôi lật đật mở cửa, gió lạnh lập tức ùa vào trong.
“Đừng.” Cậu ta vung tay ra hiệu, sau đó đến gần một chút, miễn cưỡng thấy được nửa người, “Mau khép cửa lại đi, ngoài này lạnh lắm.”
Tôi bực bội, sao hôm nay Lý Miễn lạ thế. Nhẹ nhàng đến nỗi khiến đối phương hoảng hốt, tôi không khỏi ngớ người truy hỏi: “Cậu bị gì vậy?”
Cậu ta nhíu mày, cái vẻ ngày thường lại quay về – thò tay qua khe hở lưới chống trộm, làm như muốn đẩy cửa sổ: “Cậu hỏi lắm thế, tớ đi đây.”
“Nè nè nè,” Tôi túm lấy áo khoác vắt trên lưng ghế mặc vào, dựa sát cửa sổ gọi cậu ta, “Tớ mặc áo là không lạnh nữa, cậu mới từ phòng máy về hả?”
Lý Miễn đứng tại chỗ, đáp một tiếng, một lúc lâu sau mới nói tiếp, “Nếu ngày mai là tận thế thì làm sao đây?”
“Cái gì?”
“Cậu có biết năm 00 không?”
“Tớ biết,” Dạo này tin tức báo đài thời sự nói về nó miết, muốn không nghe cũng khó. Nhưng tôi chưa bao giờ để ý, ngơ ngác hỏi, “… Đó là gì vậy?”
“Là sự cố của chương trình máy tính, có thể gây nên thảm họa.” Cậu ta nhìn rất nghiêm, vừa nghiêm túc vừa lo lắng.
Tôi nghe mà ù ù cạc cạc, trình độ của Lý Miễn cũng không đủ để giải thích thêm. Nhưng nghĩ tới việc bố cậu ta là giáo viên máy tính, chắc chắn sẽ rất chính xác, thành thử tôi cũng bồn chồn lo lắng theo.
Mà khi cái van này đã mở thì không dừng lại được, cứ như ngày tận thế đang thực sự ở ngay trước mắt.
“Bố mẹ tớ vẫn chưa biết, làm thế nào bây giờ,” Tôi càng nghĩ càng buồn, nức nở thúc giục, “Cậu cũng mau về nhà đi.”
“Ừ.” Có vẻ cậu ta đã cân nhắc chuyện này rất lâu nên bình tĩnh hơn tôi, lại còn an ủi, “Không sao đâu, có lẽ không nghiêm trọng đến vậy.”
Nhưng an ủi không có hiệu quả, tôi chỉ sốt ruột muốn nói cho bố mẹ biết tin này, không hơi đâu quan tâm tới chuyện khác.
Lý Miễn thở dài xoay người, nhưng đi được hai bước lại ngoái đầu, “Tớ sợ ngày mai… Nên tớ nghĩ mình cần đến gặp cậu.”
Tôi ngẩn người, đến tận lúc cậu đã khuất dạng, tôi vẫn còn thất thần trước màn đêm.
—
Buổi sáng hôm sau. Đúng thế, có ngày hôm sau.
Tối qua tôi chen chúc đòi ngủ chung với bố mẹ. Mở mắt ra, đúng lúc thấy mẹ đang treo lịch năm mới. Bà xé trang bìa, mấy chữ bên trên vô cùng to và rõ ràng:
Ngày 01 tháng 01 năm 2000.
Năm 2000 trôi qua, thế giới không có gì thay đổi, kỳ nghỉ đông vẫn bắt đầu.
—
Trong kỳ nghỉ này xảy ra hai chuyện, đủ lấp đầy cuộc sống của tôi.
Chuyện thứ nhất, trường đại học đã gửi tiền trợ cấp nhà ở cho tất cả giáo viên, tổng 20.000 tệ. Hồi đó tôi rất thích ăn mì xào, 2 tệ một đĩa, vậy 20.000 tệ có nghĩa là gì? Nếu mỗi ngày ăn ba bữa mì xào, vậy tôi có thể ăn hơn 9 năm.
Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi (nguồn số liệu: nghe trộm cuộc trò chuyện của phụ huynh) thì hầu hết các giáo viên định dùng số tiền đó để sửa sang, còn hùn vốn liên lạc với đội sửa chữa, năm sau sẽ bắt tay vào làm.
Bố mẹ tôi cũng có ý định này, kết quả khi đầu năm đi thăm họ hàng bạn bè, tình cờ gặp một cô giáo dạy piano. Cô ấy khen tôi có ngón tay dài, có năng khiếu, là hạt giống tốt trong việc học piano.
Con người tôi nào gánh nổi lời khen, chỉ mấy câu thôi đã lâng lâng lên trời. Đúng lúc đó đang bắt đầu thịnh hành việc học nhạc cụ, hầu như đứa trẻ nào cũng đăng ký tham gia các khóa học.
Thế là bố mẹ tôi vỗ trán, ngay lập tức tiền trợ cấp đã biến thành cây đàn piano, được chuyển vào phòng tôi.
Còn một chuyện khác, không biết người lớn các nhà đã bàn nhau thế nào mà để chúng tôi tới nhà Từ Chi Dương học tiếng Anh trong kỳ nghỉ đông, học khái niệm mới. Mượn lời cảm thán của Ngô Thừa Thừa, không chỉ có mỗi Từ Chi Dương là người tội nghiệp.
Tôi không thích tiếng Anh, nhưng không thể phản kháng. Ngày đầu tiên học thêm, tôi ôm một đống sách vở dày cộm, lê bước chân lên lầu, đúng lúc trông thấy Lý Miễn đứng ngoài gõ cửa.
Chẳng hiểu sao lại đỏ mặt nữa, nhớ đến buổi tối trước “ngày tận thế” là tôi càng thêm khó xử, lúng túng nói: “Cậu cũng đến học thêm tiếng Anh à.”
“Chứ không còn gì nữa,” Trông Lý Miễn điềm nhiên như không, lại gõ hai cái, nói, “Lẽ nào cứ phải học kém tiếng Anh như cậu mới cần học thêm à?”
Tôi bắt đầu hoài nghi liệu có phải đêm hôm đó mình đã nằm mơ không.