NHỮNG KẺ XUI XẺO THƯỜNG GẶP PHẢI DẠNG NGƯỜI-THÂN-CỰC-PHẨM-GIÃY-KHÔNG-RA.
Trình Tú Anh nổi nóng, Trình Khiêm cũng vì thế mà đau đầu, ngày đại hỉ lại gặp phải mấy chuyện phiền phức như này, ai cũng sẽ buồn bực.
Tiểu Hỉ thấy hai người không vui thì sắp khóc đến nơi: “Ngày lành của đại tỷ, vậy mà ầm ĩ thế đấy, đúng là khó coi mà.”
Trình Tú Anh bình tĩnh lại, hỏi: “Là kẻ nào đến? Ông bà hay chuyện chưa? À, chắc họ nghe tin rồi, còn mẹ ta có biết không? Bây giờ ai đang trấn cửa?”
Tiểu Hỉ đáp: “Em nhìn từ trong ra, có khoảng ba đến năm người, cả nam lẫn nữ, người kia… không có mặt, cầm đầu là một bà già. Thái công và lão an nhân chắc hẳn đã hay tin, không ai vào Phật đường thông báo…” Tố Tỷ ăn chay niệm Phật quanh năm suốt tháng, tôi tớ trong nhà đều xem căn phòng thờ Phật kia của bà là Phật đường.
Trình Khiêm bảo: “Ông bà đã có tuổi, ta đi xem tình hình thì hơn.”
Trình Tú Anh căm hận nói: “Bọn họ không nể mặt em, em cũng sẽ chẳng niệm tình.”
Trình Khiêm đáp: “Cùng lắm chỉ quậy một trận, cũng chẳng dậy nổi một cơn sóng nào đâu, bực mình một chặp rồi thôi, lại chẳng phải việc to tát gì.”
Trình Tú Anh hậm hực gật đầu.
Tiểu Hỉ xem xét tình hình rồi co đầu rụt cổ, nhanh chóng đến sát mép giường hầu hạ, không dám lên tiếng —– Bọn người họ Ngô kia là đối tượng dễ khiến nương tử lên cơn nhất, những lúc như thế, tốt nhất đừng thượng cái đầu mình ra trước mặt nàng.
Trình Khiêm vén rèm ra ngoài, Trình Tú Anh tức giận nện một đấm xuống giường.
Trình Khiêm gặp Trình lão thái công ngoài cửa, ông nghiêm mặt: “Cháu cũng nghe tin rồi? Đi xem thế nào.” Dứt lời liền mặc xác đám Ngô gia ấy, chỉ để mỗi Trình Khiêm ứng phó. Trình Khiêm đảo mắt sang, sự bài xích bắt đầu dấy lên. Trước đây chàng từng sống những ngày ăn sung mặc sướng, sau này nghèo túng một khoảng thời gian, dù tận mắt trải nghiệm phố phường muôn hình vạn trạng, nhưng đám người nhà họ Ngô đến đây hôm nay vẫn khiến chàng chán ghét.
Chịu ảnh hưởng từ bối cảnh xuất thân, Trình Khiêm cực không muốn thấy những người quần áo không chỉnh tề. Kẻ cầm đầu Ngô gia là một bà già, nhìn qua thì khoảng năm sáu chục tuổi, theo sau bà ta là một nam một nữ, ba người quây thành một đám ngay trước cửa nhà, sớm đã đầu bù tóc rối quần áo xộc xệch, chẳng ra thể thống gì.
Đây hẳn là người nhà họ Ngô.
•••••
Những kẻ xui xẻo thường gặp phải dạng người-thân-cực-phẩm-giãy-không-ra, xua không nổi đẩy không đi, không muốn trở mặt thì đành nhẫn nhịn, dù có trở mặt cũng phải ngừa bọn chúng giở trò sau lưng. Ngô gia là dạng vật-chất khiến người nhà họ Trình hận đến nghiến răng nghiến lợi như vậy đấy.
Nhà họ Ngô này, chính là nhà cha ruột của Trình Tú Anh. Ngô thái công đã mất là tú tài, nhà có vài mẫu đất cằn cỗi, con cái thì hai trai một gái, đọc được vài quyển sách, biết được mấy con chữ, cuộc sống tạm ổn. Trời bất chợt đổ mưa nổi gió, đời người phúc họa khó lường. Võ giàu văn nghèo, Ngô đại lang liên tiếp thi rớt, phung phí biết bao tiền của. Ngô lão tú tài vốn gửi gắm hy vọng vào con trai, trong lúc thất vọng đã ngã bệnh liệt giường, tiêu sạch tiền chạy chữa, chưa kịp khỏi bệnh đã đi đời. Ông vừa chết thì vợ cũng đổ bệnh rồi nối gót đi theo, bấy giờ đại lang Ngô gia đã cưới vợ, vì để lo liệu đám tang mà bán tống bán tháo ruộng vườn, không còn tài sản, lại rước nợ nần.
Nếu họ còn để lại thửa ruộng, cần kiệm chút vẫn có thể trang trải qua ngày, nhưng giờ đã bán tất, chẳng còn thu nhập. May mà hai anh em cũng còn biết được đôi ba chữ nghĩa, chép sách viết thư hộ người khác, kiếm được vài đồng nuôi thân. Chỉ ngại nhà có quá nhiều người, trừ hai em một trai một gái, Ngô đại lang còn vợ phải nuôi, thấy em trai mỗi năm một lớn mà chẳng dư một đồng cưới vợ, đến cơm ăn còn túng nữa là. Chỉ đành thu xếp nhanh gọn cho em gái rồi tống sang nhà người làm con dâu nuôi từ bé, chẳng lẽ đến cả em trai cũng phải thế ư?
Thủ hiếu ba năm, vợ Ngô đại lang có mang rồi sinh con, một năm sau, nhà hắn đã có ba trai hai gái, không nỡ bán hay dìm chết. Con gái thì nuôi đến khoảng bảy tám tuổi rồi nối gót cô mình, tiết kiệm được khoảng tiền hồi môn, mà nếu có để của thì cũng ít quá, chẳng ai thèm. Con trai vẫn còn bé, chưa phải quản đến, điều cần lo lắng bây giờ chính là em trai đã trưởng thành rồi!
Rơi vào đường cùng, Ngô đại lang đành phải đưa em trai đến làm rể nhà người. Tuy ở rể là việc mất mặt, nhưng đấy lại là đường sống duy nhất của những nhà đói khổ, huống hồ nhà họ Ngô đã chẳng còn tiền để Ngô nhị lang lấy vợ. Vừa khéo gặp được Trình lão thái công kén rể cho con, xét thấy Ngô nhị lang này cũng đường hoàng đoan chính lại biết chữ biết văn, gia cảnh sa sút chỉ vì tang cha mẹ, không phải thành phần ăn chơi lêu lổng.
Ngô thái công là tú tài, ông Trình cũng biết gia đình nhà họ, anh em Ngô gia cũng hiểu lễ nghĩa, đều là người hiền hậu hòa nhã. Thế là ông bàn với vợ mình: “Tố Tỷ là đứa nhu nhược, chắc chắn không quản lý nổi chồng mình, nhất định phải kén được một thằng rể hiền lành giữ lễ, khi chúng ta trăm tuổi, nó mới không đến nỗi bị chồng bắt nạt.”
Lâm lão an nhân cũng nghĩ thế: “Không kén người như vậy, chẳng lẽ lại kén một thằng bé làm nông? Con gái yêu kiều của chúng ta, cũng chỉ xứng với người văn nhã. Ngoài Ngô nhị lang ra, biết phải đi đâu tìm một người như thế lại chịu ở rể chứ?”
Bàn xong đâu đó, hai ông bà cũng tìm người trung gian, viết khế ước. Trình lão thái công suy xét, Ngô gia đã có đại lang duy trì hương hỏa, con gái nhà mình lại chẳng được việc gì, phải có một người đàn ông cho nó dựa vào cả đời, thế là lập tử khế. Khế ước này khác với cái của Trình Khiêm, không có thời hạn, là chuyện cả đời.
Anh em Ngô gia do dự rất lâu, muốn làm màu một chút, song vẫn chẳng thể kéo dài hơn một khắc nào —– Nhà đã đói toác miệng ra rồi.
Cứ thế định khế ước, lên nha môn phê chuẩn. Sau khi vào làm rể nhà họ Trình, Ngô nhị lang đổi họ, áo vải bố được thay bằng lụa là gấm vóc, ăn cơm gạo trắng thay cho trấu mót, lúc rỗi rãi còn có thể đến đọc sách ở chỗ Trình lão thái công, có tiền tiêu vặt vợ cấp và cả tiền biếu của các cửa hàng mỗi khi được nhà vợ sai đi tuần sát. Ngoài bà Lâm hơi trâu bò thì ông Trình là người biết phải trái, Tố Tỷ cũng rất dịu dàng. Cuộc sống nào chỉ thoải mái hơn lúc ở nhà gấp trăm?
Nhưng Ngô nhị lang này là một tên rể không chuyên nghiệp cũng chẳng có phẩm hạnh, đã quăng lời hứa với lòng “chỉ cần qua được ải này, nhất định phải báo đáp họ thật hậu” thuở còn nghèo đói từ lúc nào chẳng hay. Lúc ấy chường mặt xin cơm, ăn no rồi lại thấy ở rể là việc chẳng hay ho gì. Người đời khinh thường kẻ làm rể, gã cũng đã nghe được bao lời không hay rồi. Nếu trọng chữ tín, cứ thế mà ở rể đến cuối đời. Nếu có tự trọng, cứ thế mà rời nhà vợ. Ấy vậy mà Ngô nhị lang lại làm một chuyện khiến ai cũng phải trợn tròn mắt ngạc nhiên —– Gã lấy tiền nhà vợ, ra ngoài bao gái.
Năm ấy Trình lão thái công đãi tiệc thọ, cũng mời vài ba cô đào về nhà, bày vài mâm cỗ cho thêm phần náo nhiệt, đáng trách, có một ả cứ đánh mắt lả lơi mời gọi Ngô nhị lang, câu đi mất ba hồn bảy phách của gã. Đúng là nghiệt duyên, vài ngày sau Ngô nhị lang xuất gia kiểm toán, ngang qua một tửu lâu, lại gặp cô đào nọ. Đào mà, nhan sắc ngon nghẻ nên bị ức hiếp vài bận, thế là lại nảy ra tuồng kịch anh hùng cứu mĩ nhân.
Ngô nhị lang bởi mấy câu: “Được chàng tương cứu, nô cảm kích vô cùng.” của ả mà bay lên tận trời, vớ vẩn thế nào lại nhận khăn tay của người ta. Hôm sau gã lại ra ngoài, ả đào nọ đứng chờ ngõ hẻm, cả hai cứ thế tán tỉnh nhau. Qua lại vài lần, việc tốt đã thành, Ngô nhị lang bấy giờ cũng gom góp được vài đồng bỏ túi, bèn thuê một cái viện trong thành Giang Châu cho ả sống, nhà riêng cứ thế mà xuất hiện.
Ả đào này khéo miệng lại lẳng lơ, ăn tiền gã, thế là tâng bốc gã lên thành bậc anh hùng. Tuy Tố Tỷ cũng đối xử rất tốt với gã, nhưng gã luôn thấy nhục nhã, luôn cảm thấy rằng ngay đến lão gác cửa và tên quét sân cũng khinh thường mình. Chỉ hận gã vẫn phải kiếm cơm nhờ nhà vợ, không thể kề cận sớm chiều bên người tình.
Chẳng bao lâu sau, Tố Tỷ hạ sinh một cô con gái, khi đấy, cả nhà có phần thất vọng, đặt tên cho cô bé này là Chiêu Đệ, mong Tố Tỷ có thể sinh thêm một cậu con trai. Nhưng Tố Tỷ mãi mà không có tin mừng, ngược lại, ả đào được bao nuôi kia lại sinh cho Ngô nhị lang một thằng cu, tính ra thì nó đúng là em trai của Tú Anh.
Đàn bà sinh được con trai thì bắt đầu nổi cơn tính toán, ép Ngô nhị lang đưa mẹ con hai người vào cửa nhà họ Trình: “Nô sẽ kính trọng nàng như vợ cả, phụng dưỡng nàng như chị ruột, thằng bé cũng là con chàng, tỷ ấy… chẳng phải đang cần một đứa con trai? Dù là con ruột nhà ai, đều sẽ là con của mẹ cả.”
Ngô nhị lang cũng muốn cả gia đình mình được đoàn tụ, với đàn ông thì một đứa con trai là quan trọng hơn cả —– Nối dõi tông đường là chuyện lớn. Con trai Tố Tỷ sinh ra nhất định phải theo họ Trình, còn thằng bé này, hẳn có thể mang họ Ngô nhỉ? Lại nghĩ Tố Tỷ xưa nay nhu nhược, rất dễ dỗ dành. Chỉ cần Tố Tỷ đồng ý, hai người cùng đến xin thái công an nhân, chuyện quá nửa sẽ thành. Lý do thì gã cũng đã nghĩ xong xuôi cả rồi: “Cũng là em trai của Chiêu Đệ, đưa nó đến đây lấy hên, không chừng Tố Tỷ thấy rồi sẽ sinh được một thằng cu đấy?”
Gã lại chưa nghĩ đến chuyện Trình lão thái công và Lâm lão an nhân không phải dân-ăn-chay! Ông Trình vẫn hằm hằm nét mặt, bà Lâm đã nộ khí xung thiên trước rồi: “Kén mày đến nhà không phải để mày tiện bề nuôi tạp chủng!” Bà Lâm nguyên là con nhà giàu, gả đến nhà ông Trình thì trở thành vợ nhà giàu, vốn đạo đức của bà không tồi, nhưng lần này đã giận đến thù hằn, từ đấy về sau, sự hung hãn kia ngày một lộ rõ.
Tố Tỷ hãy còn chưa biết gì thì Trình lão thái công đã ra tay trước, ông không kéo người đến làm ầm trước cửa nhà con rể, chỉ tống thẳng nó vào nha môn thôi. Ả đào kia nghe bảo Trình lão thái công “nhất định phải đến nha môn đệ đơn, kê khai rõ ràng” thì cho rằng ông không muốn cháu ngoại của mình chịu thiệt nên mới đến nha môn viết đơn phân chia gia sản.
Lại thầm nghĩ nhà họ Trình này đúng là dễ mềm lòng, đây rõ ràng là muốn rước ả vào nhà hưởng phúc, thế là tự tưởng tượng ra vô số lời ứng đối, nếu mình không chịu chia tài sản thì sao nhờ? Con trai là do ta sinh mà, hai ông bà già chết rồi, chồng là của ta, con trai là của ta, một con vợ yếu đuối họ Trình, làm sao chơi nổi ta? Cơ mà ả nghĩ mình không qua nổi đôi mắt sắc bén của Trình lão thái công, thôi thì cứ đồng ý trước đã rồi nuốt lời sau, phải vào được cửa mới dễ bề tính tiếp. Chứ bây giờ Ngô nhị lang cũng chẳng quản lý tài sản của Trình gia, ả thì ở ngoài, chẳng thể sống sung sống sướng bằng người nhà họ Trình, ả và Ngô nhị lang không hẹn mà vừa vặn gộp thành hai chữ “thâu gian*”, đứa con kia rõ ràng là sản phẩm của Ngô nhị lang rồi.
[*Ý bảo ả đào là phường trộm cắp, cặp bồ với gã Ngô gian dâm kia là quá xứng lứa vừa đôi rồi.]
Có đàn ông thôi vợ thì cũng có nhà vợ thỉnh con rể cút về vườn. Gian phu dâm phụ đã tự nhận cả rồi, còn gì hay để nói? Trình lão thái công trở mặt ngay giữa nha môn, phá khế ước với Ngô gia, chỉ cho phép Ngô nhị lang mặc bộ đồ trên người đi về. Đôi uyên ương dại này vẫn chả hiểu mô tê gì thì đã trắng tay. Ả đào thấy mọi sự không ổn, bèn vứt con lại cho Ngô nhị lang, mình tự chạy lấy thân. Ả vốn mang tiện tịch, lầu xanh chẳng thiếu gì cái loại khoái chụp đít thời cơ, chỉ cần đóng tiền hoa hồng đúng giờ thì có thể tự do ở ngoài, may may gặp được thằng quần là áo lượt, có khi còn được chuộc thân cho. Bây giờ bên ngoài chả vui nữa thì lủi một mạch vào lầu xanh, đổi một cái tên hoa mỹ rồi lại đi quyến rũ đám già cô đơn thôi, có gì là khó.
Lúc bấy giờ trong tay áo Ngô nhị lang hãy còn vài mẩu bạc, đổi tiền, ôm con về sống với anh trai và chị dâu. Sống kham khổ rồi mới biết trước đây sung sướng thế nào, đau đớn khóc ròng muốn trở về, nhưng đời nào có chuyện tốt như vậy? Con trai bữa đói bữa no, bốn tuổi thì bệnh chết. Ngô nhị lang bế con đến cửa nhà họ Trình cầu xin “cứu lấy em trai Chiêu Đệ”, bị Trình lão thái công mời ra ngoài bằng một trận gậy.
Ngô nhị lang vốn chẳng có tiền, không cưới được vợ mới, nếu chẳng vướng cái danh “bao gái bên ngoài” thì vẫn có thể được tuyển làm rể dựa vào ngoại hình ưa nhìn, còn giờ thì đến cả đàn bà góa chồng cũng chẳng muốn cho gã làm rể nữa là. Từ đấy cứ lay lất qua ngày, viết hộ vài phong thư, nhận vài đồng cắc, say rượu thì lại khóc thương con trai, nhớ nhưng con gái, bắt đầu hận Trình gia “thấy chết không cứu”, cũng đã đến nhà họ Trình quậy vài lần.
Có người càng nghèo thì càng kiên cường, lại có kẻ vừa nghèo đã nảy gian kế, Ngô gia cứ cách vài ngày là lại đến đòi hỏi chiếm đoạt. Tới tết thì muối cà già rồi tặng đến nhà, Trình lão thái công chẳng ham ồn ào, lại đang là ngày vui nên vứt vài đồng cho chúng. Từ đó xuất hiện thêm vô số chuyện phiền phức. Tố Tỷ yếu đuối, chỉ biết khóc, khiến Tú Anh không thể không tự mình đảm đương.
Chẳng ngờ ngày tốt thế này mà chúng lại đến, đúng là mất hứng!
•••••
Trình Khiêm ra mặt sai bảo: “Trứng gà trong bếp đã luộc xong cả rồi chứ? Hàng xóm láng giềng, hương thân phụ lão, đến chúc mừng thì tặng trứng cho. Hiềm vì nhà có đông phụ nữ, thứ lỗi không thể mời mỗi người vào trong dùng trà.” Cứ thế mà liệt Ngô gia vào hàng láng giềng, chia cho vài trái trứng đỏ, vốc một nắm tiền rồi đuổi đi —– Cửa nhà tuyệt không để chúng bước vào nữa.
Bà già nọ là chị dâu của Ngô nhị lang, lúc vừa được gả đến cũng là người có văn hóa, song cuộc sống đã mài mòn tất cả, ngón nghề chua ngoa cứng lên, kiên quyết đòi vào trong: “Không dùng trà không dùng trà, chỉ muốn thăm cháu gái…”
Trình Khiêm sa sầm mặt: “Trong nhà có sản phụ, bà nên tôn trọng một chút! Cầm trứng đỏ, về sớm đi!”
Ngô đại nương tử lập tức giở trò, bắt đầu gây chuyện ngay trước cửa: “Mày chẳng qua cũng chỉ là một thằng ở rể, tội gì làm khó chúng tao?! Không cho vào nhà cơ đấy! Ai mà chả giống ai! Chỉ mấy quả trứng gà mà muốn đuổi tao đi cơ đấy!” Con trai bà ta sắp phải lấy vợ nhưng lại chẳng có tiền, thế là nhân dịp vui này mà đến đòi một ít, Trình gia giàu có hẳn phải giữ thể diện cho mình, cầm được tiền là cái chắc.
Vài tên quần chúng hóng chuyện bụm miệng cười, sắc mặt Trình Khiêm đen đến nỗi có thể vắt ra mực luôn rồi. Thấy chuyện chẳng còn cách nào cứu vãn, một là không làm gì cả, hai là giải quyết dứt khoát, quát bảo đem gậy ra đánh. Ông Trình cũng điên lên, Trình Khiêm giải quyết ổn cả, chỉ hận con mụ này không biết xấu hổ! Cười cũng đã cười, thôi mặt mũi làm cái đếch gì nữa.
Ác nhân sợ hãi, ba người Ngô đại nương đã trúng vài gậy, chẳng khóc nổi nữa, bò lồm cồm dậy bỏ chạy. May mà Trình Khiêm vẫn vực dậy được tinh thần, chắp tay vái mọi người xung quanh: “Hôm nay là ngày vui của nhà, khiến mọi người cười chê rồi. Lấy chuyện sinh con gái làm hỉ sự, mời các vị nhận trứng hẵng đi.”