Bị bắt tạm giam tại đồn cảnh sát, trong khi chờ lấy lời khai, Sobhraj giả vờ lên cơn đau ruột thừa để được đưa tới điều trị tại một bệnh viện địa phương. Dù chẳng có bệnh tật gì nhưng hắn vẫn xoay sở được tờ bệnh án chẩn đoán “viêm ruột thừa cấp”. Phục hồi sau ca phẩu thuật vô ích, hai vợ chồng thực hiện bước thứ 2.
Hồi phục sau ca phẫu thuật cắt ruột thừa vô bổ, hai vợ chồng thực hiện bước tiếp theo nhằm tẩu thoát trước khi bị bắt trở lại nhà giam. Do vẫn còn trong thời gian dưỡng bệnh, Sobhraj được cho nằm ở một phòng riêng, việc canh gác có phần lỏng lẻo nên lợi dụng sơ hở, Chantal một mình lẻn vào phòng bệnh của chồng.
Sau đó, cô tiểu thư danh giá chưa một lần phạm tội tìm cách đánh mê toàn bộ lính gác rồi còn tự đánh mê cả bản thân để tạo chứng cớ ngoại phạm. Trong khi đó, Sobhraj tìm cách cải trang và nhanh chóng trốn khỏi bệnh viện.
Tuy nhiên trốn thoát không được bao lâu thì Sobhraj bị bắt lại. Cô vợ sau đó cũng chịu chung số phận. Vội cầu cứu gia đình, cặp đôi đã được ra ngoài nhờ khoản tiền bảo lãnh tại ngoại từ người cha quyền lực. Vừa bước khỏi nhà giam, hai vợ chồng tội phạm vội vã rời khỏi Ấn Độ.
Nơi dừng chân đầu tiên của kẻ đào tẩu là Kabul, Afghanistan. Không còn tài chính nhưng quen với cuộc sống sung sướng, họ vẫn thuê một phòng khách sạn khá đắt đỏ để ở tạm. Không nghề nghiệp, không kiến thức, Sobhraj tiếp tục quay lại “nghề” cũ là lừa đảo và cướp bóc và nhờ đó vẫn lo cho vợ con có một cuộc sống khá sung túc.
Tuy nhiên, “nghề” lừa đảo có tuổi thọ ngắn. Hiểu rõ điều này, Sobhraj đưa theo vợ con chuẩn bị cho một chuyến hành trình mới. Nhưng rồi ngay tại sân bay, hai vợ chồng đã bị bắt lại vì phía khách sạn kịp báo cho cảnh sát biết rằng vị khách sang trọng đã “bùng” của họ 2 tháng tiền phòng.
Cuộc vượt ngục thứ hai
Từ đây, hàng loạt tội danh khác bị lộ. Biết rằng nguy cơ bóc lịch là khá lớn, kẻ đào tẩu liền áp dụng chiêu bài cũ. Được vợ tuồn vào cho một chiếc kim tiêm, Sobhraj tự đâm vào tay mình để tạo ra những vết loét như đang bị thương. Hắn được đưa tới bệnh viện và lại một lần nữa, toàn bộ lính gác bị Chantal đánh thuốc mê còn tên tội phạm tẩu thoát.
Tuy nhiên lần này, Sobhraj quyết định chỉ đi một mình. Tên tội phạm tìm cách chạy sang Iran và lang thang khắp Đông bán cầu những năm sau đó. Mỗi nơi hắn chỉ dừng chân một thời gian đủ để không đánh động cảnh sát khu vực. Trong người hắn có tới 10 cuốn hộ chiếu với những cái tên khác nhau.
Tình cờ tái hợp với Andre, người em trai cùng mẹ khác cha ở Istanbul, 2 người cùng lên kế kế hoạch trộm cắp khắp các nước phương Đông.
Với lý lịch phạm tội dày đặc, những nơi Charles Sobhraj có thể đến ngày một bị thu hẹp. Vì thế, 2 người quyết định tìm tới Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các vụ trộm cướp nhỏ lẻ nhằm vào khách du lịch. Khi tình hình trở lên căng thẳng, 2 anh em bay sang Hy Lạp tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, tại đây, cả 2 không may mắn bị bắt trong một vụ trộm nữ trang nhỏ.
Bị giam trong nhà tù Thủ đô Athens, Hy Lạp, Sobhraj lập mưu cho 2 anh em trốn thoát nhưng bất thành. Sobhraj sau đó đã một mình vượt ngục bằng cách cũ, giả bệnh rồi đánh thuốc mê lính canh để trốn.
Sobhraj tiếp tục cuộc hành trình tới các nước khác. Giờ đây, không còn là các vụ cướp bóc đơn thuần, Sobhraj bắt đầu thực hiện các phi vụ đình đám và đẫm máu với sự trợ giúp đắc lực của băng cướp “gia đình”.
Màn kịch chiêu mộ hoàn hảo
Với số hộ chiếu giả cướp được, Sobhraj có thể dễ dàng đi qua nhiều nước rồi cuối cùng đặt chân đến Thái Lan. Để tránh bị phát hiện, trong suốt hành trình của mình, Sobhraj luôn mua vé khoang hạng nhất chỉ có 2 người, thường là sự lựa chọn của giới thượng lưu. Với cách này, tên tội phạm vừa ít bị cảnh sát để ý vừa dễ bề ra tay với con mồi giàu có ngồi cùng khoang.
Kịch bản của Sobhraj là khoảng 2 tiếng trước khi đến ga, Sobhraj mời người khách ở chung khoang uống rượu có pha thuốc mê. Khi nạn nhân ngấm thuốc, tên tội phạm lấy hết tài sản, giấy tờ rồi tẩu thoát. Lúc nhân viên phục vụ khoang phát hiện vị khách ngủ say như chết thì Sobhraj đã rời khỏi nhà ga. Ngoài cách này, Sobhraj còn áp dụng bài tiếp cận, kết thân với những đồng phạm trong các vụ vận chuyển hàng trái phép. Xong xuôi, hắn cũng cao chạy xa bay.
Đặt chân đến Thái Lan không bao lâu, Sobhraj gặp Marie LeClerc, một phụ nữ xinh đẹp quốc tịch Canada. Với vẻ ngoài giàu có và tài ăn nói hút hồn, Sobhraj kể cho cô gái nghe về những nơi anh ta đã đi qua như Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…, về phong tục, tập quán và về cuộc sống của người dân ở đó. Bị thu hút bởi tính lãng tử của Sobhraj, chỉ sau vài lần gặp gỡ, Marie đã thu dọn đồ đạc về ở chung với Sobhraj.
Biết rằng sẽ không thể phát triển “sự nghiệp” bằng cách thiếu chuyên nghiệp như hiện tại, tên tội phạm đã chuyển hướng hoạt động bài bản hơn qua việc tuyển mộ một số tay chân thành lập băng nhóm. Tuy nhiên, giữa nơi đất khách quê người, tìm đâu ra những kẻ có thể trung thành với mình tuyệt đối. Cuối cùng, tên tội phạm cũng nghĩ được một phương án hoàn hảo.
Người đầu tiên mà Sobhraj tuyển mộ là một thanh niên Pháp tên là Dominique Rennelleau. Giả vờ là cặp vợ chồng tốt bụng, hắn và Marie đã mời cậu bé đi ăn và kín đáo bỏ vào đĩa thức ăn của Rennelleau một ít chất độc. Chiều hôm sau, Sobhraj ghé thăm Rennelleau. Thấy cậu nằm ôm bụng trên giường, cả hai ra sức chăm sóc, thuốc thang và mời anh chàng này về ở chung với mình để tiện việc chữa trị. Cảm kích trước cử chỉ nghĩa hiệp của Sobhraj, Rennlleau tự nguyện làm bất cứ việc gì mà Sobhraj sai bảo.
Người thứ hai cũng là trợ thủ đắc lực nhất của băng nhóm Sobhraj là một thiếu niên Ấn Độ tên Ajay Chowdhury. Sobhraj gặp Ajay khi cậu bé đang đói lả trong công viên. Được cho ăn uống, mua sắm quần áo, cho chỗ trú ngụ, Ajay ngoan ngoãn vâng lời. Lạnh lùng và tinh quái, dù nhỏ nhất đội, Ajay nhanh chóng ngồi lên chức phó, được Sobhraj tin tưởng giao phó những vụ phức tạp.
Đối với Yannick và Jacques, 2 thanh niên từng là cảnh sát, Sobhra lại lấy sạch tiền bạc và giấy tờ của họ rồi lại giả vờ giúp đỡ họ. Hắn cho họ ở lại nhà mình và hứa sẽ cố gắng làm lại toàn bộ giấy tờ mới. Hai thanh niên cũng vì lòng biết ơn mà đồng ý ở lại. Ngoài ra, trong nhóm của hắn còn có May, cô gái người Thái Lan, đảm trách vai trò thư ký và cặp kè với hắn.
Khi đã quy tụ đủ các thành viên trong băng nhóm cũng là lúc Charles Sobhraj bắt đầu thực hiện các phi vụ trộm cướp, buôn lậu và giết người táo tợn.
Sát thủ giấu mặt
Giữa tháng 9/1975, vợ chồng Sobhraj làm quen với một cô gái người Mỹ tên là Teresa Knowlton. Teresa được vợ chồng Sobhraj mời đi ăn, đi thuyền du lịch trên sông Chao Phraya. Khoảng ba tuần sau, những đợt sóng thủy triều đưa thi thể Teresa dạt vào bãi biển, trên người chỉ mặc mỗi bộ bikini.
Nhiều giả thiết cho rằng người phụ nữ xinh đẹp bị chết đuối sau một đêm thác loạn với bia và cần sa. Nhưng sau đó, kết quả khám nghiệm tử thi của cảnh sát khẳng định, cô gái này bị dìm chết.
Nạn nhân thứ hai của băng nhóm Sobhraj là một thanh niên Israel tên là Vitali Hakim, thi thể bị đốt cháy đen, được phát hiện tại một bãi biển hoang vắng trong khu nghỉ mát Pattaya. Cũng như cô gái người Mỹ Teresa, nhiều nhân chứng cho biết trước khi Hakim chết, họ gặp anh ta đi chơi chung với nhóm Sobhraj. Kiểm tra khách sạn nơi Hakim thuê phòng, cảnh sát Thái Lan thấy quần áo và đồ dùng cá nhân của của Hakim vẫn còn nguyên vẹn, chỉ không có hộ chiếu và tiền bạc.
Mãi không thấy bạn trai trở về và cũng không liên lạc được, tháng 12/1975, bạn gái của Vitali - cô Charmayne Carrou quyết định sang Thái Lan để tìm anh. Cô tìm tới khách sạn nơi Vitali từng ở mới biết anh trả phòng từ vài tuần trước và không quay lại. Dựa vào những tin nhắn của bạn trai trước khi chết, Carrou liều lĩnh một mình tìm hiểu sự thật.
Sau nhiều manh mối, cô tìm được tới nhà Sobhraj. Cô biết điều hắn đã làm với người yêu mình và còn biết thêm một số tội ác khác của hắn nữa. Vì biết quá nhiều, cô cũng đã bị giết. Cơ quan chức năng sau khi khám nghiệm tử thi khẳng định, Charmayne Carrou bị siết cổ và cũng chết khi trên người chỉ có bộ bikini.
Qua những gì còn sót lại tại hiện trường, cảnh sát cho rằng có mối liên hệ giữa cái chết của 2 cô gái trẻ, rất có thể đều do một hung thủ gây nên. Họ gọi tên tội phạm giấu mặt đó là “sát thủ bikini”.
Kể từ đó, số vụ án liên quan đến “sát thủ bikini” không ngừng gia tăng.