Khi chỉ còn 10 phút là bước sang năm 2012, các nhân viên một đồn cảnh sát ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản vô cùng bất ngờ khi Makoto Hirata bước vào xin đầu thú. Người này là một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất ở Nhật suốt hơn 16 năm qua. Theo truyền thông Nhật ngày 3.1, trước đó, Hirata từng đến Sở Cảnh sát Đô thị Tokyo đầu thú nhưng bị “từ chối”. Khi nghe người này tuyên bố: “Tôi là Makoto Hirata. Tôi nằm trong danh sách truy nã đặc biệt”, sĩ quan trực ban cho rằng đây là một trò đùa và yêu cầu Hirata đến đồn cảnh sát nói trên.
Sự xuất hiện của y khiến dư luận Nhật nhớ về vụ tấn công tàu điện ngầm bằng khí độc sarin của giáo phái Aum Shinrikyo (gọi tắt là Aum), theo Kyodo News. Hirata, 46 tuổi, là cựu thành viên của Aum, vốn bị cáo buộc gây ra rất nhiều tội ác mà đỉnh điểm là vụ khủng bố năm 1995 khiến 13 người chết và hơn 6.300 người bị thương. Hirata gia nhập Aum năm 1984, sau khi tốt nghiệp đại học, và được giao nhiệm vụ bảo vệ giáo chủ Shoko Asahara.
“Asahara đáng tội chết”
Cảnh sát đã xác nhận dấu vân tay và bắt giam Hirata với cáo buộc cùng Asahara bắt cóc viên chức Kiyoshi Kariya ở Tokyo vào tháng 2.1995. Hirata còn bị khởi tố về tội giam giữ trái phép rồi tiêm hóa chất giết chết nạn nhân. Trong lúc bị thẩm vấn, Hirata thừa nhận có liên quan đến vụ việc và nói rất hối hận về cái chết của ông Kariya. Nghi phạm cũng bị tình nghi liên quan vụ bắn người đứng đầu Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Takaji Kunimatsu năm 1995, theo báo Mainichi.
Giới truyền thông Nhật dẫn lời Hirata cho biết ông ta ra đầu thú vì muốn chấm dứt cuộc đời chui nhủi. Ngoài ra, Hirata nói đã có “cái nhìn khác” về sự sống và cái chết sau khi chứng kiến thảm họa động đất/sóng thần kinh hoàng ngày 11.3.2011. Đến nay, nhà chức trách vẫn chưa công bố chi tiết về quãng thời gian trốn chạy của nghi phạm này. Sáng 2.1, nghi phạm đã gặp luật sư bào chữa Taro Takimoto tại đồn cảnh sát ở Tokyo. Sau đó, luật sư Takimoto cho giới phóng viên hay Hirata đã nói giáo chủ Asahara “đáng tội chết và phải bị tử hình”.
Ngoài Hirata, hai cựu thành viên Aum bị truy nã kể từ vụ tấn công tàu điện ngầm năm 1995 là Naoko Kikuchi (40 tuổi) và Katsuya Takahashi (53 tuổi). Cả hai vẫn đang lẩn trốn.
Vụ án chấn động
Việc Hirata ra tự thú có thể hỗ trợ giới chức Nhật điều tra rõ ràng hơn về các cáo buộc đối với Aum, trong đó có vụ tấn công tàu điện ngầm. Sáng ngày 20.3.1995, 5 thành viên Aum chia nhau lên các tàu điện ngầm ở Tokyo, mang theo nhiều túi nhựa chứa sarin, một chất cực độc có thể tấn công hệ thần kinh, theo báo Japan Times. Nhóm thủ phạm chọc thủng túi rồi bỏ đi, để lại hàng ngàn người quằn quại trong đau đớn. Nhiều người trên thế giới không tin vào mắt mình khi thấy cảnh thi thể nằm la liệt, hành khách hoảng loạn tháo chạy trong khi cảnh sát đeo mặt nạ chống khí độc niêm phong các lối vào. Những hình ảnh này khi đó làm sụp đổ niềm tin rằng Nhật Bản là một trong những đất nước an toàn và thanh bình nhất thế giới.
Đến ngày 22.3, cảnh sát phát hiện tại cơ sở của Aum ở tỉnh Yamanashi các thiết bị sản xuất sarin, một số vũ khí sinh học và cả máy bay trực thăng. Sau đó khoảng 2 tháng, giáo chủ Asahara và nhiều người khác bị bắt. Cho đến nay vẫn chưa rõ lý do Asahara ra lệnh tấn công và đây vẫn là vụ khủng bố nội địa gây thương vong nhiều nhất ở Nhật, theo tờ Telegraph.
Asahara bị kết án treo cổ năm 2004 và bị bác đơn kháng cáo năm 2006, nhưng vẫn chưa bị thi hành án. Tổng cộng, 188 người đã bị kết tội, trong đó có 13 người bị kết án tử hình, kể cả Asahara. Tuy nhiên, nỗi đau và sự ám ảnh vẫn ngày ngày giày vò người thân của các nạn nhân. “Chúng tôi chưa nghe được lời bày tỏ hối tiếc hay xin lỗi từ Aum và lòng tôi vẫn nặng trĩu”, BBC dẫn lời Shizue Takahashi, góa phụ của một nạn nhân trong vụ khủng bố.
Asahara và giáo phái Aum:
Shoko Asahara, 57 tuổi, tên thật là Chizuo Matsumoto, bị mù bẩm sinh. Ông ta đến Tokyo hành nghề châm cứu và từng bị bắt về tội bán thuốc giả, theo Japan Times. Năm 1984, Asahara lập trường dạy yoga Aum no Kai ở Tokyo. Đến năm 1989, Aum no Kai được công nhận là một tổ chức tôn giáo với tên gọi Aum Shinrikyo (Chân lý tối thượng) kết hợp giáo lý của Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hindu. Asahara tin rằng Thế chiến 3 sắp xảy ra và ông ta là “đấng cứu thế tối thượng”.
Đến năm 1990, Aum thu hút hơn 10.000 tín đồ với tài thuyết giảng và chiêu dụ của Asahara. Theo BBC, giáo phái này vừa mở rộng hoạt động vừa chế tạo thuốc độc, vũ khí, mua máy bay trực thăng... Tổ chức cũng được cấu trúc lại với 22 “bộ” và “cơ quan” phụ trách tư pháp, phòng vệ, ngoại giao, thương mại...
Năm 1996, Aum bị giải tán nhưng nhiều tín đồ vẫn tiếp tục hoạt động và chia thành 2 nhánh. Một nhánh tên Hikari no Wa tuyên bố không bị ảnh hưởng bởi Asahara. Nhánh còn lại được gọi là Aleph cũng không đề cập gì tới Aum hay Asahara trên website của mình. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang theo dõi sát sao 2 nhóm này.