Vào buổi sáng ngày 17/7/1984, Maybel Harrison, 45 tuổi, vừa thong thả lái xe trên đường quốc lộ thuộc địa phận Sacramento, bang California vừa thư giãn bằng những bản nhạc yêu thích. Bỗng từ xa, cô nhìn thấy một đám cháy ngay bên bìa rừng ven đường.
Lo ngại nó sẽ gây nên một trận cháy rừng, Maybel quyết định dừng xe và một mình đi bộ xuống dốc để kiểm tra. Tuy nhiên, từ đám cháy, một mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến cô không dám tới gần. Maybel vội chạy lên đường để tìm sự trợ giúp.
Đúng lúc đó, Robert Eden, một lái xe tải vừa đi tới đã dừng lại giúp cô. Hai người mang theo một bình chữa cháy mini rồi cùng xuống khu vực đang xảy ra đám cháy. Nhưng khi lửa được dập tắt, cả hai bàng hoàng nhận ra dưới lớp khói tàn là một thi thể cháy đen thành than.
Sau khi nhìn qua cảnh tượng khủng khiếp, cảnh sát cho biết họ rất khó nhận dạng vì gần như toàn bộ thi thể nạn nhân bị cháy đen. Duy chỉ có một bên mặt trái của nạn nhân chưa bị cháy hết giúp nhóm điều tra xác định được nạn nhân là nữ. Xung quanh hiện trường, các nhà điều tra đã thu thập được hơn 30 vật dụng như chiếc bàn chải màu xanh lá cây, quần jeans, khăn, áo lót, vòng tay, hoa tai…
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân có độ tuổi từ 18 đến 22, cao khoảng 1,6m, nặng 52 kg. 2 vết thủng sâu ở lưng cùng khối u buồng trứng cho thấy trước khi chết nạn nhân bị đánh đập. Nhiều dấu hiệu cho thấy nạn nhân còn hấp hối trước khi bị thiêu chết. Ngón tay và bộ hàm của nạn nhân được tiếp tục gửi đi để xác định dấu vân tay và ADN.
Cuộc gọi định mệnh
Tuy nhiên, những ngày sau đó, danh tính nạn nhân vẫn chưa thể xác định nên cảnh sát tạm gọi thi thể này là Jane Doe # 4873/84. Cảnh sát địa phương khẳng định đây là một vụ giết người man rợ.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, họ vẫn không thể tìm thêm manh mối hay bằng chứng nào liên quan đến xác chết cháy đen ấy khiến vụ án rơi vào bế tắc. Những câu chuyện xoay quanh cái chết của Jane Doe # 4873/84 vẫn là những ẩn số chưa có lời giải.
Cứ như vậy, hồ sơ của Jane Doe # 4873/84 rơi vào quên lãng cho tới tám năm sau, khi một trung sỹ cảnh sát tên là Ron Perea đang trực tại đồn cảnh sát Nevada, California thì bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ một cô gái. Phải rất lâu sau đầu dây bên kia mới có thể cất lời. Cô cho biết mình là em gái cùng mẹ khác cha với nạn nhân bị thiêu chết năm 1984. Hiện cô đã có gia đình riêng nhưng những ám ảnh, day dứt về tuổi thơ đen tối đã khiến cô quyết định nói ra tất cả.
Cô chậm rãi kể một câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim kinh dị về cuộc đời và hành vi của một người phụ nữ tàn độc có liên quan tới cái chết man rợ của Jane Doe # 4873/84.
Từ đó, một loạt sự thật dần được đưa ra ánh sáng và hung thủ là người mà không một ai, kể cả cảnh sát có thể ngờ tới.
Người mẹ hai mặt
Cô gái gọi điện đến sở cảnh sát tên là Theresa Marie Knorr, là em gái cùng mẹ khác cha với nạn nhân bị thiêu cháy - Suesan Marlene Knorr, lúc đó 17 tuổi.
Theo Marie Knorr, tuổi thơ của họ là những chuỗi ngày sống trong bạo lực và sợ hãi. Mẹ của họ - bà Theresa Jimmie Cross là người đàn bà luôn say xỉn và độc ác. Nhưng trớ trêu thay, trong mắt người ngoài, bà Theresa Jimmie Cross lại là một người mẹ tuyệt vời, luôn hết lòng yêu thương và chăm chỉ làm việc để nuôi nấng 6 đứa con (3 trai 3 gái) của 5 cuộc hôn nhân khác nhau. Chỉ khi cánh cửa ngôi nhà khép lại, con người thật của người đàn bà này mới bắt đầu lộ rõ.
Người chồng đầu tiên bị chính tay bà bắn chết khi cãi vã. Những người đàn ông khác cũng bỏ đi vì không chịu nổi tính ích kỷ và điên rồ của bà. Cũng từ đó, bà tìm tới rượu và hành hạ các con.
6 đứa trẻ như sống trong địa ngục. Hầu hết chúng không được học qua lớp 8. Chúng bị cấm giao du, quan hệ với bất cứ ai bên ngoài. Điện thoại và mọi phương tiện liên lạc trong nhà cũng đều bị cắt. Một người bạn thời thơ ấu của nạn nhân Suesan sau này tiết lộ rằng từng chứng kiến người bạn của mình hoảng loạn khi xe buýt của trường chạy chậm vài phút vì cô bé sẽ bị đánh do về muộn.
Nhưng người khác chỉ nhìn thấy mặt nổi của tảng băng chìm. Những bí mật đen tối nhất của gia đình này vẫn được giấu kín. Trong nhiều năm, bà Theresa đã lạm dụng và tra tấn con mình bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí thường xuyên dí đầu thuốc lá đang cháy lên người bọn trẻ rồi đánh đập chúng.
Trong nhà toàn trẻ con nhưng không có tiếng cười mà chỉ thấy khóc lóc, sợ hãi. Đặc biệt, bà Theresa luôn có một khẩu súng trong người và sẵn sàng dí vào đầu đe dọa bất cứ đứa trẻ nào dám cãi lời mẹ.
Đứa con “đáng nguyền rủa”
Không ai trong số những đứa con tránh được sự lạm dụng của mẹ nhưng trong số 6 đứa trẻ, bà Theresa đặc biệt căm ghét hai cô con gái Suesan và Sheila. Thậm chí, người mẹ này còn huấn luyện các con trai của mình đánh đập người chị em của chúng.
Theo lời Theresa Marie Knorr, mẹ của họ luôn ghen tị với hai chị của mình vì cả hai đều đang ở độ tuổi thiếu nữ và rất xinh đẹp trong khi bà Theresa phải đối mặt với viễn cảnh già nua và mất đi vẻ bên ngoài.
Ngoài ra, riêng Suesan rất gần gũi và thân thiết với Chester Harris, người chồng cuối cùng của bà và người mẹ này cho rằng Suesan bị người đàn ông này nhồi nhét những ý nghĩ để chống lại mình. Bà thường xuyên đay nghiến, đánh đập và tra tấn Suesan bất kể cô bé làm đúng hay sai.
Không chịu nổi người mẹ, Suesan bỏ trốn khỏi nhà. Nhưng chẳng được bao lâu thì cô bị bắt lại và gửi cho trung tâm điều trị tâm thần. Suesan cố kể với nhân viên trung tâm về cuộc sống gia đình đen tối của mình, về những trận bạo hành mà bà mẹ dành cho lũ trẻ. Tuy nhiên, bà Theresa phủ nhận toàn bộ điều cô bé nói. Cộng với việc ai cũng nghĩ rằng bà Theresa rất yêu thương các con nên đã đồng ý cho đưa Suesan về nhà điều trị.
Kể từ đó, những ngày cực kỳ tối tăm của thiếu nữ 17 tuổi bắt đầu. Tự mình tra tấn chưa đủ, người đàn bà bắt những đứa con khác trong nhà phải cùng tham gia, đấm liên tiếp vào mặt, vào bụng của Suesan cho tới khi cô bé ngất đi. Bất cứ đứa trẻ nào không làm theo sẽ bị đối xử tương tự khiến chúng buộc phải làm theo.
Ban ngày đánh đập, ban đêm, bà còng tay Suesan vào đầu giường ép “đứa con đáng nguyền rủa” phải ngoan ngoãn phục tùng. Và khi điều đó không hiệu quả, người mẹ độc ác tìm cách giết chính con mình.