Cách đây vài năm có một đứa bé 13 tuổi là con một người thợ đã mạo hiểm đi một mình từ thành Giênôva sang Mỹ Châu để tìm mẹ.
Tên cậu là Marcô. Nhà cậu nghèo. Cha làm thợ kiếm không đủ ăn nên mẹ cậu phải đi ở cho một nhà ở thành Buênox Airex, thủ phủ nước cộng hoà Arhentina ở Nam Mỹ Châu. Sở dĩ mẹ cậu phải đi xa như thế là vì ở bên ấy những người làm được trả công cao.
Tại thành Buênox Arex, cha cậu có một người em họ mở hiệu buôn, nên tin tức cứ do người này nhận và gửi giúp.
Năm thứ hai, ở nhà chỉ nhận được một lá thư nói bà bị bệnh rồi thôi không tiếp được tin gì khác nữa. Cha cậu viết thư hỏi người em họ, đợi mãi không thấy trả lời. Cha cậu liền viết thẳng cho người chủ nhà, thơ bị trả lại vì đề sai địa chỉ. Sốt ruột, cha cậu làm đơn nhờ toà Lãnh sự Italia ở đấy điều tra giúp nhưng cũng vô hiệu vì có lẽ mẹ cậu tưởng nghề đi ở là hèn nên đã giấu tên để khỏi phương hại đến gia đình.
Thấy cha buồn rầu, Marco quả quyết xin cha cho phép sang Nam Mỹ tìm mẹ. Cha cậu đang phân vân, may sao lại có người bà con quen với một viên quan Ba tàu thuỷ xin cho cậu được vé hạng ba không mất tiền nên ý định của cậu được thực hiện ngay.
Một buổi chiều đẹp về tháng tư, cha cậu đưa cậu xuống tàu.
Mất 27 ngày lênh đênh trên mặt bể, cậu âm thầm chịu bao nhiêu nỗi khổ tâm: phần nhớ nhà, phần lo mẹ có khi đã qua đời, phần bị say sóng lắm khi tưởng đến phải bỏ thân trong bể cả. Một buổi rạng đông tháng năm, tàu cập bến Buênox Airex, trên sông Laplata.
Sau khi từ biệt người bạn đồng hành là một ông già người xứ Lombar, cậu xách va-li lên bộ thẳng đường vào thành phố.
Cậu hỏi thăm mãi mới tìm được phố Lox Artex là nơi người chú họ tên là Mêrelli ở đấy. Đến số nhà 171 hỏi thăm thì có một người đàn bà trả lời bằng tiếng Italia:
_ Ông Mêrelli đã mất một vài tháng nay. Cửa hàng bán lại cho tôi rồi!
Được tin như sét đánh bên tai, cậu xám mặt lại hỏi:
_ Ông Mêrelli quen với mẹ tôi. Mẹ tôi ở cho ông Mêkinêx tỉnh này. Vậy bà có biết nhà, xin làm ơn chỉ giúp. Tôi đi từ nước Italia sang đây chỉ có việc tìm mẹ tôi.
Bà chủ động mối thương tâm, liền gọi thằng nhỏ vẫn chạy giấy cho ông Mêrelli ra hỏi, nó biết ngay và vui lòng dẫn cậu lại nhà ông Mêkinêx cách đấy không xa.
Đến nơi, cậu giật chuông, một người con gái ra mở cửa. Cậu hỏi, người con gái ấy trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha:
_ Nhà ông ấy đã dọn về Corđôva rồi.
_ Thành Corđôva ở đâu, thưa cô? Người vú già người Italia, mẹ tôi đó, có đi theo không?
Người con gái chạy vào gọi cha. Một ông to lớn, râu đen ra hỏi đầu đuôi. Thấy vậy, ông thương tình mời cậu vào nhà, cấp cho ít tiền và viết một phong thư giới thiệu cậu với một người bạn ở tỉnh Larôxarioo và gửi cậu đến Corđôva. Vị ân nhân ở Labôca lại cho cậu một tấm thiếp để đưa cho một người bạn thân ở thành Rôrioo. Sau 3 ngày và 4 đêm đi thuyền trên sông Parana cậu tới thành phố Rôrioo vào một buổi sáng. Thành phố này ở ngay bờ sông, những bóng lâu đài tráng lệ phản chiếu xuống mặt sông coi rất ngoạn mục. Vào thành phố Rôrio, cậu có cảm giác như là lộn lại các thành phố khác mà cậu đã qua vì trước mặt vẫn thấy những phố dài dằng dặc, thẳng băng và chia các ngả trong một khoảng đất phẳng phiu, hai bên vẫn thấy nhà cửa trắng thấp và diêm dúa như những hoa trang trên bãi bể, trên đầu vẫn thấy những dây điện báo chằng chịt như màng nhện.
Cậu tìm được đến vị cứu tinh ghi trong tấm thiếp, vào hỏi thì người quản gia đáp:
_ Ông chủ và cả gia quyến vừa mới về quê ở Buênox Airex rồi.
Cậu thất vọng kêu:
_ Chết chửa! Tôi làm thế nào bây giờ? Tôi một thân một mình đến đây, cần gặp ông chủ để người giúp cho một việc...
Người quản gia sừng sộ:
_ Đã bảo đi vắng! Giúp cái gì? Ở đây đã thừa dân Italia lắm rồi! Mày trở về nước Italia mà xin ăn.
Biết làm thế nào bây giờ? Từ Rôxario đến Corđôva còn cách một ngày xe lửa nữa mà trong túi chỉ còn có vài lira.
Buồn và mệt, cậu đặt cái vali xuống hè, ngồi lên, lưng dựa vào tường, hai tay bưng mặt...
Chợt có người đến vỗ vai hỏi bằng tiếng Italia:
_ Ngồi làm gì đây?
Cậu ngẩng nhìn thì ra ông lão đồng hương đã cùng đi với cậu một chuyến tàu.
Cậu kể hết sự tình, ông già nghĩ được một diệu kế.
Ông liền đưa cậu vào khách sạn "Ngôi sao nước Italia" giữa lúc những kiều dân Italia đang ăn uống. Ông giới thiệu cậu là một đứa con nhỏ đã vượt trùng dương và chịu đói khát để đi tìm mẹ. Ai cũng có lòng thương hại cậu, vì thế trong có mười phút đã thu được 40 lira.
Sáng hôm sau, cậu lên tàu đi Rôxario, chập tối thì đến nơi.
Nhờ một vị linh mục chỉ đường, cậu tìm đến nhà kỹ sư Mêkinêx gõ cửa, có một bà già cầm đèn ra hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha:
_ Hỏi ai?
Cậu đáp:
_ Tôi hỏi ông kỹ sư Mêkinêx.
Bà già khoang tay vào ngực, lắc đầu đáp:
_ Mày cũng hỏi ông Mêkinêx à? Đã ba tháng nay người ta cứ đến nhiễu mãi. Những tin đăng báo vẫn chưa đủ à? Dễ thường phải yết thị khắp các phố phường là ông Mêkinêx đã dọn đi Tucuman rồi người ta mới để yên?
Marcô phát uất nói:
_ Trời ơi! Có lẽ tôi phải chết ở đây và không được nhìn mặt mẹ tôi!... Xin bà làm ơn bảo giùm tỉnh ấy ở đâu? và cách bao xa?
_ Thành Tucuman cách đây bốn năm trăm dặm.
Marcô nức nở khóc.
Bà già thương hại bảo:
_ Nhà số 3 đầu phố này có người lái buôn thường chở hàng bằng xe bò đi Tucuman. Mày thử lại hỏi xem họ có cho đi nhờ không?
Marcô lại hỏi thì người lái buôn bảo:"Hết chỗ rồi!"
Trong lưng chỉ còn 15 lira, cậu kêu van với người lái buôn xin đưa cả và đi đường có việc gì xin làm giúp.
Người lái buôn nói:
_ Ta không đi Tucuman. Lần này, ta đưa hàng di Satiagơ. Vậy đến chỗ rẽ thì mày xuống. Nhưng còn phải đi bộ đến 20 ngày nữa mới đến Tucuman, mày có đi được không? Đường vắng và khó đi lắm!
_ Thưa ông, được. Tôi chịu được tất cả, miễn là tìm thấy mẹ tôi!...
_ Được thế hôm nay mày ngủ ở xe, mai đi sớm.
Bốn giờ sáng hôm sau, dưới trời sao lấp lánh, một đoàn xe mỗi chiếc do 6 con bò kéo cùng một đàn bò nữa để thay phiên, khởi hành trong một bầu không khí tĩnh mịch.
Khi đi đường, Marco thường bị những phu xe sai bảo và hành hạ. May nhờ được người chủ nhân đạo, bọn kia cũng không dám quá tay và mấy hôm bị chứng sốt rét, cậu được trông nom tử tế.
Ngày thứ 16 là hôm cậu khỏi bệnh và cũng là hôm cậu phải rời đoàn xe để về lối Tucuman.
Sau mấy câu dặn dò, người chủ xe bắt tay từ biệt.
Marco một mình lủi thủi xách vali đi về phía tây, trong dạ buồn rầu.
Nhưng một điều làm cho cậu phấn khởi đôi chút là trước mặt cậu, ở chân trời hiện ra một dãy trường sơn, ngọn cao và trắng coi tựa dãy Alpe, cậu tưởng tượng như được ở gần quê hương cậu. Nhưng nào có phải là núi Alpe đâu, chính là dãy núi Anđex tục gọi là "sống lưng" của Tân thế giới, đi từ Xích địa miền Nam cho đến Băng dương miền Bắc.
Hôm thứ nhất Marcô đi cho đến lúc kiệt lực rồi nằm ngủ ở cạnh gốc cây. Hôm sau lại khởi hành nhưng chậm hơn và kém phần hăng hái. Hôm thứ ba: giày rách chân đau, dạ đói! Tối đến, cậu giật mình thon thót vì người ta nói ở đây lắm rắn độc!
Mặc dầu mỏi mệt, đói khát, cậu vẫn cố đi, đi mãi, đi qua những chòm cây lạ mắt, qua những đồng mía xanh tươi, qua những đồng cỏ mênh mông, trước mặt vẫn nhìn thấy ngọn núi xanh lởm chởm trong nền trời không vẩn một đám mây.
Bốn hôm, năm hôm, một tuần lễ qua. Sức cậu đã cùng. Chân cậu đổ máu. Thì chiều hôm ấy, người ta bảo cậu:
_ Tucuman còn cách đây 50 dặm.
Marcô mừng rỡ reo lên và đi rảo bước ; bụng bảo dạ:
_ Mẹ ơi bây giờ mẹ ở đâu? Mẹ có biết con đang ở gần mẹ không?
Khốn khổ thay cho Marcô. Nếu cậu biết rõ tình trạng mẹ cậu lúc ấy thế nào thì cậu muốn mọc ngay cánh để kịp bay đến cạnh người.
Lúc ấy, bệnh tình mẹ cậu đang ở trong thời ký trầm trọng. Vợ chồng viên kỹ sư Mêkinêx đang đứng bên giường bệnh khuyên bệnh nhân nên để cho Bác sĩ mổ thì mới có cơ qua khỏi.
Bệnh nhân đáp:
_ Cám ơn ông bà có lòng nhân đức trông nom tôi tựa người nhà. Nhưng tôi không còn đủ sức để chịu sự mổ xẻ. Tôi sẽ chết. Xin ông bà để yên cho tôi chết. Chồng con tôi không có tin tức, chắc bị tai biến gì đây... Tôi còn sống làm gì?..
Vợ chồng viên kỹ sư cố nài hai ba lần nữa, song bà ta chỉ khóc và ngất đi.
Ông bà Mêkinêx hết sức chăm sóc cho người mẹ đáng khen ấy đã vì sinh kế của gia đình đem thân đến một nơi xa quê hương hơn 3000 dặm, sau khi chịu bao nhiêu nỗi cơ khổ gian lao!
Sáng sớm hôm sau, vali đeo trên lưng, Marcô, hốc hác và rách rưới, thất thểu vào thành Tucuman một thành phố mới mở vào hạng phồn thịnh nhất nước Arhentina.
Marcô đang ngẩn ngơ chưa biết hỏi ai, bỗng thấy một cửa hàng ngoài đề chữ Italia, cậu liền đánh bạo vào hỏi:
_ Thưa ông, ông có biết nhà ông kỹ sư Mêkinêx ở đâu, xin ông làm ơn bảo giúp?
Chủ hiệu đáp:
_ Ông Mêkinêx không ở đây nữa.
Marcô choáng người, kêu lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Chủ hiệu đỡ dậy, hỏi chuyện rồi bảo:
_ Em đừng nản lòng. Ông kỹ sư tuy không ở Tucuman nữa, nhưng ở gần đây, đi bộ vài giờ thì tới nơi.
_ Thưa ông, ở đâu? Ở đâu? Ở đâu?
_ Ở bờ sông Salađinô. Ở đấy người ta đang xây một nhà máy làm đường, kỹ sư ở khu nhà bên cạnh. Đến đấy hỏi ai cũng biết.
Một người hàng xóm nghe tiếng kêu vừa chạy sang thấy vậy nói tiếp:
_ Hai tuần lễ trước tôi đã vào đấy, có gặp kỹ sư.
Cậu hỏi luôn:
_ Thế anh có gặp người vú già nhà kỹ sư, người Italia không?
_ Có, tôi có trông thấy!
Cậu sung sướng quá vừa khóc vừa nhảy lên.
Mọi người khuyên cậu nên nghỉ ngơi cho lại sức, mai sẽ đi Salađinô. Nhưng cậu khăng khăng nói:
_ Cảm ơn các ông. Tôi đi cốt để tìm mẹ tôi! Dù chết ngay giữa đường, tôi cũng đi!
Vài phút sau, vali lại đeo trên lưng, cậu khập khiễng lên đường, rồi biến trong đám cây rậm rạp.
Đêm ấy là đêm ghê gớm nhất cho bệnh nhân. Bà đau đớn, rên rỉ, lắm lúc mê man. Bác sĩ bảo: bà đau về chứng bệnh thì ít mà về tinh thần thì nhiều.
Sáng hôm sau, ông bà Mêkinêx lại đưa bác sĩ vào thăm. Bác sĩ khuyên:
_ Nếu bà cho mổ thì thế nào cũng khỏi, bằng không thì không còn phương gì cứu được nữa.
Bà ta lắc đầu nói trong hơi thở:
_ Cảm ơn bác sĩ, tôi còn có can đảm để đợi chết, chứ không còn lúc để chịu đau đớn một cách vô ích. Xin bác sĩ cho tôi chết yên lặng thì hơn!
Xong bà quay lại trối với bà chủ:
_ Thưa bà sau khi tôi chết rồi xin bà làm ơn nhờ toà lãnh sự Italia gửi ít tiền tôi để dành về cho chồng con tôi. Tôi mong rằng chồng con tôi vẫn được bình yên. Và bà nhớ bảo giúp rằng lúc lâm chung tôi vẫn nhớ đến chồng tôi, hai con tôi và nhất là thằng Marcô.
Ngoài phòng có tiếng động. Mấy phút sau, bác sĩ và ông Mêkinêx cùng vào, nét mặt có vẻ khác. Hai người nói nhỏ với nhau:"Đỡ ngay lập tức "! Bệnh nhân không hiểu sao cả.
Ông Mêkinêx cất tiếng run run nói:
_ Chị ơi! Tôi có một tin hay muốn báo cho chị biết. Chị hãy định thần lại để nhận tin ấy. Tin ấy sẽ làm cho chị được hài lòng.
Con ngươi bệnh nhân mở rộng.
_ Chị hãy sửa soạn để tiếp một người... một người mà chị yêu mến nhất, nhớ thưong nhất!
Bà Guixếpa sẻ ngẩng đầu lên nhìn tứ phía.
Kỹ sư nói tiếp:
_ Người ấy đã lặn ngòi ngoi nước đến đây một cách bất ngờ... và đã ở đây rồi!
Bệnh nhân thở hổn hển hỏi:
_ Ai? Ai thế?
Tức thì Marcô rách rưới, lấm láp, ở ngoài bước vào. Bác sĩ đứng trong ngưỡng cửa, cầm cánh tay cậu giữ lại.
Bệnh nhân kêu ba lần:
_ Chính con tôi! Con tôi! Con tôi!
Marcô chạy vào, như có phép thần thông giúp đỡ, mẹ cậu nhỏm dậy ôm lấy cậu như một con hổ đói mồi, vừa cười vừa khóc, hôn cậu và hỏi:
_ Sao con lại đến đây? Con độ này lớn quá! Ai đưa con đi? Hay con đi một mình? Con có ốm không? Chính con là Marcô của mẹ? Không phải là giấc mộng chứ? Con nói cho mẹ hay...
Nói đến đây bà chợt đổi giọng và bảo:
_ Khoan đã! Con sẽ nói sau.
Rồi quay lại bảo bác sĩ:
_ Thưa bác sĩ bây giờ tôi muốn khỏi bệnh. Tôi sẵn sàng để ngài cứu cho... Xin ngài cấp cứu cho... Con hãy ra ngoài đợi một lát...
Kỹ sư đưa Marcô ra.
Bác sĩ và y sĩ ngoại khoa mang các khí dụng vào và đóng cửa phòng lại.
Lát sau bác sĩ hớn hở ra phòng bảo Marcô:
_ Mẹ con đã được cứu thoát!
Marcô liền quỳ trước mặt bác sĩ khóc nức nở nói:
_ Đội ơn bác sĩ đã cứu sống cho mẹ con!
Bác sĩ đỡ Marcô dậy và khen:
_ Con hãy đứng dậy. Con thực là một đứa trẻ phi thường. Chính con đã cứu sống mẹ con!