Cháu ông già bị thương hôm nọ học lớp cô giáo nhu hoà, vui vẻ mà tôi vừa kể chuyện. Hôm nay tôi cũng trông thấy anh vì anh ở với ông nuôi nấng như con đẻ. Tôi vừa chép xong câu chuyện hàng tháng nhan đề là "Chàng viết mướn thành Phirenzê" để đọc tuần sau thì cha tôi bảo:
_ Ta lên tầng thứ tư xem tin tức ông già hôm nay ra sao?
Chúng tôi lên gác, tìm vào một căn phòng tối mò. Ông già đang ngồi trong giường, chống tay lên gối. Bà vợ đứng đầu giường, người cháu đang chơi. Mắt ông còn buộc băng. Thấy cha tôi đến, ông mừng rỡ mời ngồi và nói hôm nay ông đã khá nhiều. Mắt ông không việc gì, mai kia sẽ khỏi hẳn. Ông nói tiếp: "Thật là một cái hạn! Tôi chỉ thương cho thằng bé hôm ấy bị khiếp sợ quá!"
Chợt có tiếng gõ cửa, ông tưởng bác sĩ đến thăm, nhưng cửa vừa hé tôi nhìn thấy anh Garôpphi trùm áo măng tô lù lù đứng ngoài, mắt nhìn xuống đất, không dám bước vào.
Ông già hỏi:
_ Ai đấy?
Cha tôi đáp:
_ Đứa trẻ ném tuyết hôm nọ đấy.
Ông già gọi:
_ Con vào đây. Con đến hỏi thăm người bị thương phải không? Con hãy yên tâm. Hôm nay ta đã bớt nhiều.
Garôpphi thẹn thùng lại cạnh giường và cố nuốt nước mắt. Ông già xoa đầu anh, anh cảm động quá không nói được lời nào!
Ông già nói tiếp:
_ Cảm ơn con đã đến thăm ta. Con về nói với cha mẹ con rằng ta sắp khỏi hẳn và không việc gì để người khỏi băn khoăn.
Garôpphi không nhúc nhích, coi bộ nghĩ ngợi, hình như anh có điều gì trong lòng chưa dám nói ra.
Ông già hỏi:
_ Con muốn gì?
_ Thưa cụ, không.
_ Thôi! Chào con! Con cứ về đi, đừng lo lắng gì nữa.
Garôpphi trở ra, song không hiểu sao anh lại đứng lại nhìn người cháu ông già chòng chọc rồi bỗng dưng rút ở túi ra một gói giấy nhét vào tay cậu bé và bảo:
_ Anh cho em.
Nói xong, anh chạy liền.
Cậu bé đem giấy lại cho ông già mở xem.
Tôi ngạc nhiên quá, vì đó chính là quyển sổ quý báu của anh: "Quyển tem các nước" mà anh đã sưu tập từ lâu, quyển sổ mà anh đã đặt bao nhiêu hy vọng và tốn biết bao nhiêu công trình! Tóm lại, nó là cái bảo tàng của anh, nó là huyết mạch của anh xẻ ra, nay anh thành tâm đem lại để chuộc tội.