Những Chàng Trai Xấu Tính

Chương 7



Chính vì cái chữ “hai đứa” mà Quỳnh Như vô tình buột miệng trong buổi chiều định mệnh kia, tôi càng cương quyết “tẩy chay” những lời cảnh giác của Biền. Thứ ba thứ năm thứ bảy, những “ngày của tôi”, tôi tiếp tục lân la trò truyện với Quỳnh Như. Bây giờ, ngay cả khi xuống nước, tôi cũng tìm cách mon men lại gần nó.

Càng gần gũi Quỳnh Như, tôi càng nhận thấy nó đáng yêu khủng khiếp. Tôi chưa từng thấy đứa con gái nào thùy mị như nó. Tôi cũng chẳng thấy một chút giả trá nào trong cách nó đối xử với tôi. Tình ý của nó dành cho tôi thật nhẹ nhàng đằm thắm. Tôi chỉ cần có vậy. Còn thì tôi bất chấp. Tôi chưa bao giờ gặng hỏi tại sao mỗi tuần nó chỉ thân thiết với tôi có ba ngày, những ngày còn lại nó thích đi đấu hót với Biền. Tôi không hỏi và cũng không lấy thế làm phiền muộn. 

Thỉnh thoảng nghĩ đến chuyện đó, tôi cho rằng Quỳnh Như bản tính vui vẻ, hoạt bát, khi cần đùa cợt lếu láo ắt nó phải tìm đến Biền để giải khuây. Nó không thể và cũng không nỡ trêu ghẹo, đốp chát với một đứa khù khờ chậm chạp như tôi.

Nhưng nó muốn làm gì mặc nó, miễn là khi trở về bên cạnh tôi, nó thu móng vuốt lại để trở thành một con mèo hiền lành ngoan ngoãn là đủ khiến tôi cảm thấy một tuần lễ vẫn nguyên vẹn bảy ngày.

Biền khó chịu ra mặt khi thấy tôi phớt lờ mọi khuyến cáo của nó. Những ngày đầu, thấy tôi cứ lẽo đẽo đi theo Quỳnh Như, nó nhìn tôi bằng nửa con mắt, vẻ khinh bỉ.

Nhưng rồi thấy tôi cứ trơ ra và không ngừng quấn quýt Quỳnh Như, nó đâm tiếc rẻ, lại nhào vô.

Tôi chọc:

- Mày lại chơi với quỷ à?

Biền cười hềnh hệch:

- Tao không nỡ để mày chịu nạn một mình. Tao sẽ dang ra, nếu mày cũng vậy!

- Không đời nào!

Biền gật gù:

- Nếu vậy tao phải tiếp tục đeo đuổi để em có cái mà so sánh, chọn lựa! - Rồi nó nhìn tôi, vẻ hăm doạ - Hiện nay thì em san sẻ tình cảm đồng đều cho tao và mày, nhưng rồi có đứa sẽ phải “giã từ vũ khí“. Như chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh vậy. Mày liệu thần hồn đấy!

- Tao chẳng việc gì phải lo! - Tôi hừ mũi - Tao là Sơn Tinh!

- Sơn Tinh cái khỉ mốc! Mày là yêu tinh thì có!

Biền cười lên hô hố, rồi bỏ đi. Tôi đứng nhìn theo, tức muốn nổ đom đóm mắt.

Kể từ hôm đó, tôi và Biền không hẹn mà cùng ngấm ngầm thi đua với nhau. Đứa nào cũng muốn chiếm người đẹp làm của riêng, cho đứa kia ra rìa. Hai tư sáu, Biền diệu võ dương oai. Ba năm bảy, tôi phô trương thanh thế.

Rồi thấy tấn công bằng nước bọt không ăn thua. Biền lại giở mửng cũ. Nó “quà cáp biếu xén” hòng lấy lòng người đẹp. Tôi không chịu lép, hễ hôm trước Biền tặng Quỳnh Như món gì, hôm sau tôi đáp lễ bằng món khác liền. Nó tặng tập thơ Xuân Diệu, tôi tặng tập thơ Nguyễn Bính. Nó mua hộp bánh Trung Quốc, tôi mua bịch kẹo Thái Lan. Nó “nộp” lọ nước hoa, tôi “nộp” lọ keo xịt tóc...

Biền con nhà giàu, tiền bạc rủng rỉnh, yêu kiểu hao tốn như thế này nó có thể yêu cùng lúc vài chục đứa. Tôi kinh tế khó khăn, đua theo nó vài lần, đồ đạc trong nhà đã muốn biến đi hết ráo. Nhưng đã trót vỗ ngực xưng tên là Sơn Tinh, tôi đành sạt nghiệp vì yêu chứ không mặt mũi nào bỏ cuộc nửa chừng.

Biền càng ngày càng “vung tay quá trán” khiến cuộc chiến tranh tình cảm giữa tôi và nó có nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh kinh tế. Tôi méo mặt nhìn nó khệ nệ khiêng nộp cho Quỳnh Như chiếc đồng hồ lồng trong quả cầu bạc lộng lẫy và to đùng. Nhìn món tặng vật sang trọng trên tay Biền tôi không hiểu nó mua ngoài phố Lê Lợi hay thó ở nhà đem tới. Nhưng dù gì thì gì, sau khi ra xét kỹ lưỡng khả năng tài chính của mình, tôi hiểu rằng lần này trái tim mỏng mảnh của tôi sẽ bị chiếc đồng hồ vĩ đại của Biền cán bẹp dí.

Trong khi tôi buông một tiếng thở dài thưn thượt và chuẩn bị kéo c trắng đầu hàng thì may sao, Quỳnh Như bất ngờ từ chối món lễ vật hậu hĩnh của Biền:

- Anh đem về đi! Những thứ đắt tiền như thế này tôi không nhận đâu!

Biền tái mặt:

- Sao Quỳnh lại...

Quỳnh Như không để Biền nói hết câu. Nó nghiêm mặt:

- Đối đãi với nhau cốt ở tình cảm chứ không ở giá trị vật chất! Anh cứ nghe lời tôi, cầm về đi!

Thái độ của Quỳnh Như nghiêm khắc và trịnh trọng. Biền không dám nài nỉ. Tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, nó ngượng ngập nhét chiếc đồng hồ vào lại trong túi xách.

Tôi hả hê chứng kiến cảnh Quỳnh Như hạ nhục Biền. Nó xử sự như một ông quan liêm khiết khiến tôi bất giác sinh lòng ngưỡng mộ. Nếu bữa nay nó không kịp thời ngăn chặn, tất nhiên Biền sẽ chiếm thượng phong trong cuộc thi marathon về biếu xén này và tôi, nếu không tự lượng sức mình, cứ ngoan cố ganh đua với Biền, chẳng chóng thì chầy sẽ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, tán gia bại sản, đêm đêm vác chiếu ra vỉa hè nằm đuổi muỗi.

Qua sự từ khước của mình, dường như Quỳnh Như còn ngầm bảo tôi rằng trong tình yêu đích thực, chuyện giàu nghèo chẳng là cái cóc gì cả, đừng vì lẽ đó mà dại dột rút lui, xin anh cứ mạnh dạn tiến lên!

Suốt một tuần, cuộc chiến tranh lạnh giữa tôi và Biền cứ nhì nhằng, dằng dai, bất phân thắng bại. Hằng ngày, Biền vẫn đến chở tôi đi bơi nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đã bắt đầu nhuốm vẻ khiêu khích.

Biền nói:

- Hôm qua em bảo em không thể sống xa tao!

Tôi cười:

- Quỳnh Như cũng nói với tao y như vậy. 

Biền lại hắng giọng:

- Em bảo em không chịu nổi những đứa khù khờ!

- Với tao, em lại nói khác! - Tôi khịt mũi - Em bảo em ghét nhất những đứa bẻm mép!

Cứ thế, ngày nào tôi và Biền cũng tìm cách công kích nhau như những tên lưu manh hạng bét. Nhưng tình hình cũng chẳng sáng sủa tí tẹo nào, cứ tối mò mò như bát quái trận. Chẳng đứa nào biết được thực ra thì con nha đầu kia chọn mình hay chọn thằng tình địch làm bố thằng Tèo tương lai, chỉ thấy nó cứ ngã bên này một tí, nghiêng bên kia một tí và hoài hoài như vậy, trông sốt cả ruột.

Một hôm, không nén nổi, Biền hậm hực:

- Tao phải làm cho ra lẽ!

Đã từng chứng kiến Biền đi hết thất bại này đến thất bại khác nên tôi chẳng mặn mà gì với lời tuyên bố hăm hở của nó.

Không đếm xỉa đến vẻ thờ ơ của tôi, Biền hùng hổ tiếp:

- Chiều mai mày đi với tao!

- Đi đâu?

- Đi bơi chứ đi đâu!

Tôi trố mắt:

- Ngày mai là chủ nhật mà!

- Thì chủ nhật! Biết đâu con nha đầu kia chẳng có mặt ở đó!

Tôi chớp mắt:

- Chuyện đó có liên quan gì đến mình?

- Sao lại không liên quan! - Biền hừ giọng - Trước nay nó “đãi ngộ” tao với mày ngang nhau, mày “lãnh” ba năm bảy, tao “lãnh” hai tư sáu, do vậy tỉ số cứ 3-3 hoài. Bây giờ tao với mày thử đi bơi ngày chủ nhật, xem nó sẽ dành cái ngày đặc biệt này cho đứa nào!

Biền quả sáng láng hơn tôi nhiều. Chỉ mỗi kế cỏn con vậy mà tôi nghĩ không ra. Từ trước đến giờ chúng tôi vẫn ở nhà ngày chủ nhật và quên khuấy đi mất rằng ở các hồ bơi người ta vẫn lao đầu xuống nước bất kể hôm đó có phải là ngày nghỉ hay không. Ngày mai dẫn xác đến đó, có thể chúng tôi sẽ gặp Quỳnh Như. Chắc chắc nó phải bày tỏ thái độ và qua đó chúng tôi sẽ biết tỷ số 4-3 nghiêng về đứa tốt phước nào trong chúng tôi.

Thấy tôi trầm ngâm nghĩ ngợi, Biền nóng lòng hỏi:

- Ý mày sao?

- Được thôi! Tao sẽ đi!

Tôi đáp, cố nén phập phồng. Tôi sẽ đi. Ừ thì hẳn nhiên tôi sẽ đi, nhưng đi đến bờ hạnh phúc hay đi lưu đày tận nơi hoang mạc xa xăm, tôi chẳng thể nào biết được. Chốn nào tôi đến, thiên đường hay địa ngục, trên thế giới này chỉ có một người hiểu rõ. Đó là Quỳnh Như. Và ngày mai dù muốn dù không nó cũng phải chỉ ra.

 

Tôi và Biền hồi hộp tiến về phía cánh cổng màu trắng... tang tóc. Như hai thí sinh lần đầu đi thi đại học, mặt đứa nào đứa nấy căng thẳng đến tội. Tôi nhát cáy, phấp phỏng đã đành. Biền gan lì hơn tôi, sao bộ tịch nó chẳng tự tin gì hơn tôi trước giờ thử thách.

Vừa bước ra qua khỏi cổng, tôi đã hấp tấp ngó quanh. Chiều chủ nhật người đi bơi đông nghịt. Nhưng sau một hồi láo liên dòm dỏ, tôi chẳng thấy Quỳnh Như đâu. Tôi quét mắt dọc bờ hồ, chỉ thấy nhà lực sĩ thể hình La Kim Bụng đang hồn nhiên nhún nhẩy. Lia mắt xuống nước, toàn những mỹ nhân ngư lạ hoắc lặn hụp nhởn nhơ.

Tôi chưa kịp thở phào vị sự vắng mặt kỳ diệu của vị “nữ giám khảo” tâm địa khó lường này thì đã giật bắn người vì cú huých của Biền:

- Nó kìa!

- Đâu? - Tôi nghe bụng mình thóp lại.

- Đằng căng-tin! - Rồi không để cho tôi kịp trấn tĩnh, Biền cầm tay tôi kéo đi - Tao với mày lại đó!

Quỳnh Như đứng tựa vai vào bục gỗ trước quầy giải khát, đang nói gì đó với cô gái ngồi phía trong. Có lẽ nó vừa mới tới, trên người vẫn mặc bộ trang phục technicolor. Nhìn chiếc áo sặc sỡ quen mắt này, tôi không rõ nó có hàng trăm chiếc như thế hay chỉ có mỗi một chiếc duy nhất. Chỉ biết từ khi quen nó, nó chỉ mặc độc một màu sắc và kiểu dáng đó thôi.

Trong khi tôi đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì Quỳnh Như thình lình quay người lại. Nhác thấy hai đứa tôi, mặt nó lộ vẻ sửng sốt.

Tôi mỉm cười duyên dáng và vểnh tai chờ tiếng reo “Ôi, anh Tưởng” quen thuộc. Sau một thoáng ngạc nhiên, Quỳnh Như reo lên thật. Nhưng mỗi tiếng reo của nó như mỗi nhát búa gõ vào đầu tôi:

- Ôi, ễnh ương mà cũng đi bơi ngày chủ nhật! Trời sắp mưa rồi!

Thế là hết! Tôi tuyệt vọng nhũ thầm. Cái chữ “ễnh ương” trước đây Quỳnh Như dùng để gọi xách mé Biền sao bây giờ nó cất lên nghe ngân nga và êm tai quá thể. Nếu không nặng tình với Biền, giọng điệu của “con nha đầu” này sẽ không đượm mừng vui đến thế. Thế mà hồi nào đến giờ tôi cứ tưởng bở. Tôi ngỡ Quỳnh Như chỉ để ý đến tôi, còn nó trò chuyện với Biền chẳng qua để... giải lao cho đỡ buồn, thay vì chơi brickgame hay hát karaoke như những kẻ ham vui khác.

Tôi đứng chôn chân tại chỗ có đến mười lăm phút, mặt thất thần như nhà nghèo mất của. Chẳng ai buồn để ý đến tôi, Biền và Quỳnh Như dính nhau như nam châm hút sắt, đứng tíu tít cả buổi chả biết ngượng mồm.

Mãi một lúc lâu, chợt nhận ra sự thừa thải vô vị của mình, tôi lếch thếch bỏ đi về phía phòng thay đồ. Rồi cô đơn, sầu muộn, không mục đích, hệt như vua Lia vừa từ bỏ ngai vàng, tôi nhắm mắt gieo mình xuống nước... bơi đi.

Tôi không quanh quẩn trong hồ như con cá tội nghiệp bị bốn bề giăng lưới, lòng không nguôi thổn thức. Nhưng nước mát như một người mẹ hiền hết lòng vỗ về tôi. Ngâm mình trong nước một hồi, lòng tôi đã thôi hờn tủi. Nhưng cứ mỗi lần nhớ đến câu thơ “ngực anh hai vết thương đâm thủng, một vết lành rồi một vết đau”, tôi không khỏi ngậm ngùi. Hai vết thương trong tim tôi không những không lành mà còn bị Quỳnh Như lụi thêm một nhát thứ ba sâu hoắm như miệng núi lửa Vésuve.

Đang “bùi ngùi tự truyện”, tôi bỗng nhớn nhác nhìn theo một bóng người vừa bơi ngang. Đúng là Quỳnh Như rồi, không thể lầm được! Tôi lẩm bẩm và nghe tim đập thình thịch. Tỉ số 4-3 đã nghiêng về phía Biền rõ rệt mà không hiểu sao vừa nhác thấy Quỳnh Như tôi bỗng bồi hồi quá thể.

Tôi nhìn quanh xem Biền lẩn quất ở đâu nhưng chẳng thấy tăm hơi nó. Quỳnh Như lúc này đang bơi ngược lại. Nó cắc cớ nhắm ngay chỗ tôi, lao tới y như thể trêu ngươi. Tôi lật đật nép sát vào mép hồ. Để nó ủi đầu vào ngực tặng thêm vết thương thứ tư, tôi có nước đi chầu ông vải sớm.

Tôi tưởng Quỳnh Như sẽ bơi lướt qua tôi. Nhưng không, tới trước mặt tôi, nó trồi đầu lên, mỉm cười rủ:

- Hai đứa bơi thi đi!

Quỳnh Như làm tôi dở cười dở khóc. Đến giờ này nó còn nhẫn tâm dùng cái từ “hai đứa” ngọt ngào kia. Hay là nó muốn vờn tôi ngất ngư trước khi ăn thịt?

- Bơi thi? - Tôi bần thần hỏi lại.

- Ừ! - Quỳnh Như bám tay vào bờ hồ, miệng vẫn cười thân mật.

- Thật không? - Tôi lại ngẩn ngơ hỏi. 

- Thật không chuyện gì? 

- Chuyện bơi thi ấy!

Quỳnh Như tròn mắt nhìn tôi:

- Anh làm sao vậy?

- Tôi có làm sao đâu! - Tôi nhăn nhó và như không kềm được, những cay đắng trong trong lòng bật tuôn ra - Sao Quỳnh Như không chơi với Biền, xuống đây rủ tôi bơi thi làm gì? Khi nãy Quỳnh Như có thèm nói chuyện với tôi đâu!

Khi thốt ra những lời trách móc nặng nề đó, tôi đinh ninh Quỳnh Như nếu không đỏ mặt vì xấu hổ thì ít ra nó cũng tìm cách thanh minh. Nhưng lạ làm sao nó vẫn tỉnh bơ, mặt không hề biến sắc. Đợi tôi trút xong hờn giận, nó giở giọng tinh nghịch đáp:

- Thì Quỳnh Như vẫn đang đứng chơi với anh Biền đó chứ!

Trong khi tôi đang ngơ ngác vì câu nói bí hiểm đó thì Quỳnh Như bật cười khanh khách và chỉ tay lên chỗ quầy giải khát:

- Anh nhìn kìa!

Tôi ngạc nhiên nhìn theo tay chỉ của Quỳnh Như và bất giác rùng mình đưa tay dụi mắt. Trong một thoáng, tôi tưởng tôi đang nằm mê và có ai đó đang áp cả tảng băng lên sống lưng tôi lạnh toát. Bên quầy giải khát, Biền vẫn đứng nguyên chổ cũ, tay vung loạn xạ, đang say sưa trò chuyện với... Quỳnh Như.

Sực nhớ ra điều gì, tôi hốt hoảng quay phắt lại. Tôi sợ Quỳnh Như vừa trò chuyện với tôi là ảo giác. Nhưng tôi chỉ lo hão. Mụ phụ thủy mặc áo tắm đứng bên cạnh tôi đúng là “người thật việc thật“. Nó đang cười với tôi bằng ánh mắt ranh mãnh:

- Anh hết giận dỗi rồi chứ?

Giận thì tôi quả đã hết giận rồi, nhưng tôi vẫn không kềm được thắc mắc:

- Vậy chứ ai đứng trên đó vậy?

- Đó là Quỳnh Dao, chị sinh đôi của tôi! - Quỳnh Như nheo nheo mắt, láu lỉnh đáp.

Tôi vừa cáu vừa buồn cười. Hèn gì trước đây Quỳnh Dao bảo tên nó là Quỳnh Dao, tôi và Biền cứ tưởng nó chơi trò đố vui để... ghẹo. Hai chị em giống nhau như đúc, từ ánh mắt làn môi đến cả cách ăn mặc hàng ngày, hai đứa tôi có tài thánh mới khỏi trông gà hóa cuốc! Quỳnh Dao và Quỳnh Như chỉ khác nhau ở mỗi chỗ tính nết thì thằng Biền bộp chộp kia không phân nếp tẻ đã vội “quy kết” là do ăn uống khiến bao nhiêu màn kịch diễn ra đầy đủ cả bi hài.

Tôi nhìn Quỳnh Như, trách:

- Vậy là hai đứa tôi bị chị em Quỳnh Như cho vào xiếc dài dài!

Quỳnh Như rụt cổ:

- Anh đừng trách oan tôi! Toàn bộ chuyện này là do chị Quỳnh Dao bày ra hết!

- Nhưng tại sao hai người lại thay phiên nhau đi bơi mà không đi chung như bữa nay? Cố ý làm cho tụi này hoa mắt chứ gì?

- Không phải đâu! - Quỳnh Như mỉm cười - Hai chị em đều đi học thêm ngoại ngữ vào buổi chiều. Nhưng khác trung tâm. Chị Quỳnh Dao học ba năm bảy, tôi học hai tư sáu, làm sao đi bơi chung với nhau được!

Tôi không hỏi nữa. Và cũng không cần hỏi, một khi với những gì vừa biết được, tôi đã có thể tự tay vén lên bức màn nghi vấn vẫn bao phủ con người Quỳnh Như trước nay, từ việc “nó” ngang nhiên nhận thư tỏ tình của cả hai đứa đến việc “nó” bị cả một sư đoàn serotonin trong hai đĩa chè chuối của Biền tấn công mà không hề suy suyển. Vâng, hỏi làm gì một khi tỉ số 4-3 đang nghiêng về phía Biền bỗng dưng biến thành một trận hòa 1-1 tuyệt diệu và nhất là từ nay về sau tôi đã có thể yên tâm Quỳnh Như của tôi chẳng quan tâm gì đến cái bản mặt của Biền. 

Thằng Biền không biết tất cả những điều đó nên vừa từ trong phòng thay đồ lơn tơn bước ra nó đã đứng ngay cán cuốc, miệng há hốc, khi nhìn thấy con nhỏ Quỳnh Như mới trò chuyện tình tứ với nó đằng căng-tin kia giờ đã lại sát cách bên tôi mười phần âu yếm.