Nhu Phúc Đế Cơ

Chương 5-2: Gió Bắc

Nghe Chu Thắng Phi nói vậy, Triệu Cấu cũng ý thức được mình đã thăng chức cho Vương Uyên quá nhanh, dễ dẫn tới dư luận bất bình, lòng người bất mãn, quả thực không thể không đề phòng. Bởi thế ngày tiếp theo liền lập tức hạ chỉ: "Bãi chức Đồng kiêm thư xu mật viện sứ của Vương Uyên, không được phép tiến vào Thư áp bản viện làm việc." Lệnh cho Vương Uyên không được tới Xu mật viện công tác, có ý muốn xoa dịu sự phẫn nộ của đám người Miêu Phó.


Thế nhưng lúc này oán khí của đám người Miêu Phó đã dâng cao, nhất quyết đòi giết Vương Uyên, Khang Lý. Trung đại phu Vương Thế Tu ngày thường cũng cũng căm ghét sự ngang ngược của nội thị liền móc nối với Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn, cùng nhau hiệp lực dâng tấu can gián.


Ngày Quý Mùi tháng Ba là ngày giỗ của Thần Tông Hoàng đế Triệu Húc, bách quan theo lệ phải vào triều dâng hương cầu nguyện. Triệu Cấu mệnh Kiểm giáo thiếu phó, Phụng quốc quân tiết độ sứ, Chế trí sứ Lưu Quang Thế phụ trách việc tuyên bá quan vào điện chúc tụng với tư cách Kiểm giáo thái bảo, Điện tiền đô chỉ huy sứ. Sau khi nghi thức cầu nguyện kết thúc, bách quan xuất cung về nhà, khi đi ngang qua cầu Thành Bắc Vương Uyên xuống kiệu liền bị Vương Thế Tu dẫn phục binh ập tới, Vương Uyên không chút cảnh giác liền bị kéo xuống khỏi ngựa. Vương Uyên vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ lớn tiếng quát mắng những binh sĩ kéo ông xuống ngựa. Những binh sĩ kia không thèm để ý, chỉ im lặng đè chặt ông bắt quỳ dưới đất.


Sau đó một viên quan mặc trang phục cưỡi ngựa chậm rãi bước tới trước mặt Vương Uyên, trên tay cầm một thanh kiếm.


Vương Uyên ngẩng đầu nhìn, tức giận nói: "Lưu đại nhân, trò đùa này của ngài cũng hơn quá trớn rồi đấy!"


Lưu Chính Ngạn tuốt kiếm khỏi vỏ, nói: "Vương Uyên cấu kết với hoạn quan, ý đồ mưu phản, Chính Ngạn thuận theo ý trời, vì quân vương trừ hại." Nói đoạn, thanh kiếm trong tay liền vung lên cắt qua cổ Vương Uyên, Vương Uyên lập tức tắt thở chết. Lưu Chính Ngạn lệnh cho binh sĩ dưới trướng chặt đầu Vương Uyên đem đi, sau đó dẫn quân đi tới nơi ở của Khang Lý, chia nhau ra lùng bắt hoạn quan, ra lệnh: "Phàm là những kẻ không có râu đều giết hết!"


Lúc ấy vừa may Khang Lý vẫn chưa về tới nhà, giữa đường được một thân tín biết tin ngăn lại báo cho việc này. Y kinh hãi thất sắc, cuống cuồng chạy về cung, quỳ sụp xuống trước mặt Triệu Cấu khóc lóc. Triệu Cấu cũng vừa kinh ngạc vừa tức giận, nói: "Trẫm đã hạ chỉ bãi chức của Vương Uyên, bọn họ vẫn không chịu buông tha?" sau đó quay sang lệnh cho nội thị: "Mau triệu Chu Thắng Phi vào cung nghị sự!"


Chu Thắng Phi vừa vào đến cung đã lại có nội thị tới bẩm báo: "Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn hiện giờ đang dẫn binh tới cửa cung, muốn cầu kiến quan gia, nói có việc muốn bẩm báo."


Triệu Cấu hỏi: "Bọn chúng dẫn theo bao nhiêu binh tướng?"


Nội thị đáp: "Số lượng cụ thể không rõ, thế nhưng nhìn đen kịt một mảng lớn, chỉ e toàn bộ binh tướng dưới trướng bọn họ đã được điều tới."


Lòng Triệu Cấu thoáng rét lạnh, ngồi thẳng lưng lên, lại hạ lệnh nói: "Truyền Trung quân thống chế quan Ngô Đam." Ngô Đam là quân quan bảo vệ hoàng cung, lĩnh quân canh gác cửa Bắc cung thành, phụ trách bảo đảm an toàn cho nội cung, quân binh dưới trướng chưa chắc nhiều bằng hai người Miêu Lưu, thế nhưng cũng có thể chống cự được tạm thời. Triệu Cấu muốn mệnh Ngô giữ chắc cửa thành, trong thời khắc khẩn cấp có thể bảo vệ y phá vòng vây thoát ra ngoài.


Chu Thắng Phi nghe vậy liền cau mày hỏi: "Ngô Đam ngày thường ở hạ doanh Bắc môn, chuyên phụ trách theo dõi những sự việc bất thường, việc hôm nay y có từng sai người tới báo cáo?"


Triệu Cấu lắc đầu: "Không có." Rồi lập tức sinh nghi, âm thầm cảm thấy việc lớn không ổn.


Y vừa dứt lời liền có một người ở ngoài điện lên tiếng đáp lại: "Giờ thần sẽ tới bẩm báo." Vừa nói vừa sải bước tiến vào, người kia chính là Ngô Đam mà Triệu Cấu và Chu Thắng Phi vừa bàn luận.


Thái độ của y khác xa ngày thường, chỉ chắp tay, cũng không quỳ xuống, giọng điệu lạnh nhạt bẩm tấu: "Hai vị đại nhân Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn đã giết chết Vương Uyên, dẫn binh tới đây, chờ ngoài Bắc môn, có việc muốn bẩm báo với bệ hạ. Xin bệ hạ di giá tới đó, đừng để bọn họ đợi lâu."


Triệu Cấu thấy vậy đã hiểu Ngô Đam ắt hẳn cũng cùng phe với hai người Miêu Lưu, ngay tới thị vệ trong cung cũng đã làm phản, kiếp nạn này mình đã không còn cơ may trốn thoát. Y kinh ngạc phẫn nộ phất tay áo đứng lên, giận dữ nhìn thẳng vào Ngô Đam. Ngô Đam cũng không hoang mang, ngẩng mặt nhìn y, thần sắc ngang ngược.


Chu Thắng phi vội vã giảng hòa: "Không cần bệ phải phải đích thân ra đó, thần sẽ tới hỏi rõ đầu đuôi sự tình, rồi báo lại để bệ hạ tính toán."


Triệu Cấu gật đầu, Chu Thắng Phi liền gấp rút chạy tới lầu cao, thấy đám người Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn và Vương Thế Tu đang đứng dưới chân lầu, đem đầu Vương Uyên xiên lên cây cọc tre, quân lính gươm đao sáng quắc đứng phía sau đang chờ bọn họ chỉ huy.


Chu Thắng Phi nghiêm giọng hỏi: "Hoàng thượng đã hạ chỉ bãi chức của Vương Uyên, làm vừa lòng các ngươi. Các ngươi vì lẽ chi vẫn tự ý giết hại Vương Uyên, sau đó dẫn binh tới vây thành, có ý đồ gì?"


Miêu Phó ngẩng đầu cao giọng đáp: "Miêu Phó không phụ quốc gia, chỉ đang trừ hại cho thiên hạ. Chu tướng công xin hãy về đi, chúng tôi muốn diện kiến Hoàng thượng, nếu ngài kiên quyết không chịu đi ra, thì chúng tôi đành phải tiến vào vậy."


Chu Thắng Phi muốn tiếp tục dùng lý lẽ khuyên căn, thế nhưng đám người Miêu Phó không thèm để ý, mà Ngô Đam cũng đã có ý mở cửa cung từ bên trong, nghênh đón đám người Miêu Phó tiến vào. Vừa thấy cửa cung kẽo kẹt, các binh tướng đã hò hét đòi diện thánh, xem chừng sắp sửa xông vào hoàng cung. Tri Hàng Châu Khang Doãn Chi thấy tình thế cấp bách bèn dẫn các quan tới Nội Đông môn cầu kiến, xin Triệu Cấu lên thành lâu lên tiếng an ủi quân dân, nếu không sẽ không cách nào ngăn cản được cuộc binh biến này.


Chính ngọ, Triệu Cấu cuối cùng cũng bước ra khỏi nội điện, lên thành lâu Bắc môn cung thành, bá quan cũng theo sát phía sau. Đám người Miêu Phó thấy ô vàng từ từ xuất hiện liền biết Triệu Cấu đã đích thân tới, thế nhưng vẫn theo lễ nghi hô "vạn tuế" quỳ bái.


Triệu Cấu dựa vào lan can gọi Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn, nghiêm khắc lớn tiếng hỏi: "Hai vị ái khanh có việc gì muốn tâu với trẫm?"


Miêu Phó sẵng giọng nói: "Bệ hạ tin dùng hoạn quan, thưởng phạt bất công, quân sỹ có công không được thưởng, mà kẻ tầm thường cấu kết với nội thị lại có thể làm quan to. Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn làm hại quốc gia ra nông nỗi này, vẫn may còn cứu vãn được. Vương Uyên gặp địch không đánh, thế nhưng sau lưng lại âm thầm cấu kết với Khang Lý, được vào Xu mật viện. Từ sau khi bệ hạ đăng cơ, thần đã lập không ít chiến công, thế nhưng chỉ được cho cái chức Biên viễn quận đoàn luyện sứ cỏn con. Thần đã chém đầu Vương Uyên, cũng đã giết sạch hoạn quan ngoài cung. Hiện giờ thần xin bệ hạ cũng chém Khang Lý, Lam Khuê, Tăng Trạch, để tạ ba quân."


Triệu Cấu liếc nhìn Khang Lý đứng bên đã bị dọa tới mức run rẩy lập cập, nói: "Nội thị phạm sai lầm, nên lưu đày hải đảo, trẫm sẽ xử phạt bọn họ theo pháp luật. Khanh có thể dẫn quân sĩ về doanh trại được rồi."


Miêu Phó không chịu nhượng bộ, quân phiệt nói: "Việc ngày hôm nay hoàn toàn là ý của thần, không liên quan gì tới ba quân. Sinh linh trong thiên hạ vô tội, thế nhưng vẫn bị hại tới mức đầu tơi máu chảy. Đây đều là họa do hoạn quan chuyên quyền gây ra. Nếu không chém đám người Khang Lý, chúng thần quyết không về doanh trại."


Triệu Cấu lựa lời an ủi nói: "Trẫm biết các khanh trung quân ái quốc, giờ sẽ thăng Miêu Phó làm Thừa tuyên sứ, Ngự doanh đô thống chế, Lưu Chính Ngạn làm Quan sát sứ, Ngự tiền phó đô thống chế, quân sĩ đều được miễn tội, thế nào?"


Miêu Phó quay mặt đi không thèm để ý, hoàn toàn không có ý muốn lui binh, mà các binh tướng đều lũ lượt lên tiếng: "Chúng thần nếu chỉ muốn thăng quan thì dẫn hai thớt ngựa tới tặng cho nội thị là được rồi, còn cần đến đây làm gì?"


Triệu Cấu nhất thời không còn kế nào nữa, quay sang hỏi bá quan: "Các ngươi có đối sách gì không?"


Phủ tư cơ nghi văn tự Thời Hi Mạnh quản lý Chiết An cúi người đáp: "Tai họa hoạn quan, quả thực đã tới đỉnh điểm. Nếu nay không mau chóng diệt trừ, chỉ sợ thiên hạ sẽ sớm loạn lạc."


Triệu Cấu trầm mặc không nói. Mấy vị hoạn quan như Khang Lý đã hầu hạ y từ nhỏ tới lớn, hàn huyên thăm hỏi không lúc nào không chu đáo, đã bao năm sớm chiều bầu bạn, dẫu sao vẫn khó mà dứt bỏ.


Quân khí Lam Diệp Tông thấy y vẫn còn đang do dự chưa biết, liền hùa theo Thời Hi Mạnh nói: "Khang Lý chẳng qua chỉ là một hoạn quan, bệ hạ có gì phải nuối tiếc! Hãy chém đầu hắn an ủi ba quân, đừng cho bọn họ lí do để tiến hành phản loạn thêm một bước!"


Trong lòng Triệu Cấu biết hai vị đại thần nói đúng, mà trong khốn cảnh hôm nay thì đích thực cũng chỉ còn cách hi sinh hoạn quan. Bất đắc dĩ, y đành hạ lệnh cho Ngô Đam bắt Khang Lý lại. Khang Lý thấy Triệu Cấu không còn che chở cho mình liền lập tức bỏ chạy, thế nhưng do tuổi cao sức yếu nên không thể nào chạy nhanh hơn được Ngô Đam, chẳng mấy chốc đã bị Ngô Đam bắt được, đích thân giải tới cửa Bắc. Khang Lý tự biết không còn đường thoát, không ngừng khóc lớn gọi: "Quan gia! Lão nô hầu hạ ngài đã nhiều năm, vì sao hiện giờ phải giết lão nô?" Triệu Cấu thở dài, quay đầu đi không nhìn y nữa.


Ngô Đam áp giải Khang Lý tới giao cho Miêu Phó, Miêu Phó lập tức chém ngang lưng Khang Lý bên dưới thành lâu, sau đó xách đầu y lên, xiên vào gậy để đối diện với Vương Uyên.


Thấy Khang Lý đã chết, Triệu Cấu bèn lệnh cho đám người Miêu Phó rời đi. Không ngờ đám người Miêu Phó lại không muốn dừng tay ở đó, yêu cầu đưa ra trước đó đã được chấp nhận mà lại càng ngày càng phẫn hận hơn, ngang nhiên nói lời bất kính: "Hoàng thượng vốn dĩ đã không phải người kế thừa ngôi vị, tương lai nếu như Uyên Thánh Hoàng đế quay về, không biết nên xử lý thế nào?"


Triệu Cấu bị y công kích, cũng không biết đối đáp thế nào, mệnh Chu Thắng Phi xuống lầu uyển chuyển khuyên bảo. Miêu Phó nói Hoàng đế vô năng, nên mời Long Hựu Thái hậu buông rèm nhiếp chính, lại sai sứ sang Kim nghị hòa, xin đón hai vua quay về. Triệu Cấu bất đắc dĩ chỉ đành đáp ứng từng việc, lập tức hạ chiếu cung thỉnh Long Hựu Thái hậu buông rèm cùng nghe chính sự. Lúc tuyên chiếu, bá quan đều xuất cung, thế nhưng hai người Miêu, Lưu vẫn chưa hài lòng, nói: "Ngai vàng này Hoàng thượng hình như không nên tiếp tục ngồi thì phải? Nay đã có Hoàng thái tử có thể lập, huống hồ đã có tiền lệ nhường ngôi của Đạo quân hoàng đế."


Bộ tướng của Miêu Phó cũng lũ lượt phụ họa: "Dân là quý nhất, sau đó tới xã tắc, quân vương là sau cùng. Nay bệ hạ nên vì xã tắc, bách tính mà suy nghĩ, tiến hành nhường ngôi." Bá quan nghe vậy đều kinh hãi thất sắc, hiểu ra bọn họ đang công khai ép Triệu Cấu phải thoái vị.


Các quan quay về cung điện nói cho Triệu Cấu hai người Miêu, Lưu không tiếp chỉ, không quỳ bái. Triệu Cấu hỏi lý do, chúng nhân đều tái mét mặt, không ai dám đáp lời. Triệu Cấu thấy vậy đã hiểu ra, miễn cưỡng gượng cười, nói: "Bọn họ muốn ép trẫm nhường ngôi phải không?"


Bá quan thấy y sắc mặt tiều tụy, đôi mắt ẩn chứa nét sầu muộn, nghe lời này của y vừa cảm khái vừa khiếp sợ, không dám tiếp lời. Trong điện nhất thời không một tiếng động, chỉ có gió lặng lẽ lướt qua, thổi bay rèm mỏng hai bên, khiến chúng phất phơ trong ánh sáng ảm đạm của một ngày mây mù.


Cuối cùng Thời Hi Mạnh cũng bước ra khỏi hàng, thở dài nói: "Hiện giờ có hai kế có thể hiến cho bệ hạ: một là dẫn bách quan kháng chiến, chết vì xã tắc; hai là nghe theo lời của ba quân, tiến hành nhường ngôi."


Thông phán Hàng Châu sự phố Thành Chương Nghị lập tức quở mắng: "Nói gì vậy! Lời của ba quân, bệ hạ há có thể nghe theo!"


Triệu Cấu phất tay ngăn ông lại, nói với đám người Chu Thắng Phi: "Trẫm có thể thoái vị, thế nhưng trước tiên phải báo với Thái hậu đã."


Chu Thắng Phi lắc đầu nguầy nguậy, nói: "Phản quân uy hiếp ép thoái vị, nào có cái lý này!"


"Không thoái vị thì biết làm sao được nữa?" Triệu Cấu lạnh nhạt nói: "Trước mắt còn cách giải quyết nào hay hơn chăng?"


Chúng nhân cũng không đáp nổi. Lát sau, lại có một vị đại thần khác Nhan Kỳ kiến nghị: "Nếu Thái hậu ra mặt khuyên bảo được ba quân, đám người Miêu Phó sẽ không thể làm gì được nữa."


Triệu Cấu gật đầu, lệnh cho Nhan Kỳ dâng tấu mời Thái hậu ra mặt, lại mệnh Ngô Đam truyền khẩu dụ cho đám người Miêu Phó: "Đã cho mời Thái hậu tới Ngự lâu thương nghị việc thoái vị rồi."


Ngày hôm ấy gió Bắc lạnh lẽo, thổi qua mặt như dao cắt. Cửa điện nơi Triệu Cấu ngồi không còn rèm buông, chiếc ghế tre cũng không còn nệm ấm, lâu dần không tránh khỏi ngấm lạnh, đôi môi cũng dần tím ngắt. Vì đã mời Thái hậu tới ngự lâu, Triệu Cấu bèn đứng lên bước tới bên cột trụ cung kính chờ, không ngồi yên nữa. Bá quan nói phải chờ một lát nữa Thái hậu mới tới, mời y quay về chỗ ngồi. Triệu Cấu lắc đầu, buồn bã nói: "Trẫm đã không còn xứng đáng ngồi ở đây nữa."