Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 34: Bàn lễ nhạc danh lưu hội bạn đủ nghi văn thiên tử vời hiền



Đỗ Thiếu Khanh từ biệt Trì Hành Sơn về hỏi người đầy tớ:



- Người sai nhân nói gì vậy? - Anh ta nói có công văn đến. Cụ Lý đã bảo quan huyện mời Thiếu Gia lên kinh làm quan. Quan huyện Đặng hiện nay đang ở chùa Thừa Ân. Sai nhân nói muốn mời Thiếu Gia về nhà để quan huyện Đặng có thể thân hành đến mời.



- Nếu đã như thế thì ta không đi vào cửa trước. Mày mau mau gọi một chiếc đò để ta đi dưới sông lên theo lan can mà vào nhà.



Người đầy tớ thuê một chiếc thuyền ở cầu Hạ Phù. Đỗ về nhà, vội vàng mặc áo cũ, đội mũ cũ, lấy khăn mặt ướt đắp lên đầu, leo lên giường nằm và gọi đầy tớ đến dặn:



- Mày ra ngoài nói với sai nhân rằng ta đang mắc bệnh, cụ Đặng hãy khoan đến thăm. Khi nào khỏi bệnh, ta sẽ đến tạ ơn cụ.



Đầy tớ ra nói lại với sai nhân như vậy, sai nhân đi ra. Vợ của Đỗ mỉm cười hỏi:



- Triều đình mời ông ra làm quan, tại sao ông lại cáo ốm không đi?



- Mình ngốc lắm! Nam Kinh này là nơi vui thú như vậy, ta ở nhà mùa xuân và mùa thu cùng mình xem hoa, uống rượu. Như thế chả hơn sao? Mình bắt ta lên kinh để làm gì? Giả thử ta phải đem cả mình lên Kinh, ở Kinh trời lạnh mình lại yếu, một ngọn gió thổi là đủ chết cóng. Như thế được cái gì, chi bằng không đi là hơn.



Người đầy tớ trở về nói:



- Cụ Đặng đã đến! Hiện nay, cụ đang ngồi ở ngoài phòng khách. Cụ nhất định thế nào cũng gặp ông cho được.



Đỗ bảo hai người đầy tớ vực mình dậy, làm ra vẻ bệnh tình nặng lắm, đi không vững, ra lạy chào quan huyện để lạy tạ. Vừa lạy xuống thì không dậy được nữa. Tri huyện vội vàng đỡ dậy. Hai người cùng ngồi. Tri phủ nói:



- Triều đình muốn làm lễ lớn theo ngày xưa, cụ Lý muốn mượn cái danh tiếng của ngài. Không ngờ ngài bệnh nặng như vậy. Không biết bao giờ ngài có thể cố gắng lên đường?



- Tôi không may mắc bệnh nặng, việc sống chết chưa thể nói trước, xin cụ từ chối giúp cho...



Đỗ lấy trong tay áo ra một cái đơn đưa cho tri huyện. Tri huyện nhìn quang cảnh này, biết rằng ở lâu cũng không tiện bèn nói:



- Tôi xin tạm biệt, sợ ở lại làm ông mệt. Tôi sẽ viết công văn bẩm lên quan trên để xem ý kiến.



- Rất mong ngài giúp đỡ, tôi mắc bệnh không làm sao tiễn ra cửa được.



Tri huyện từ biệt lên kiệu đi. Sau đó viết công văn nói: "Đỗ Thiếu Khanh đau nặng không thể lên đường". Bấy giờ cụ Lý đã đổi đi làm tuần vũ Phúc Kiến, cho nên việc này cũng thôi. Đỗ thấy cụ Lý đã đi nơi khác, trong lòng rất lấy làm mừng rỡ nói:



- Tốt lắm! Thế là chấm dứt cái đời tú tài của ta! Sau này, không đi thi Hương, chỉ vui chơi ngày tháng và lo công việc của mình mà thôi!



Vì đã nói với tri huyện mắc bệnh nặng để cáo từ, cho nên một thời gian Đỗ không đi đâu. Hôm ấy, một người hương thân họ Tiết ở đường Cổ Lâu mời Đỗ đến uống rượu, nhưng Đỗ từ chối không đi. Trì Hành Sơn đến trước, rồi Mã Thuần Thượng, Cừ Dật Phu và Quý Vi Tiêu đều đến. Lại có hai vị khách nữa, một người là Tiêu Bá Tuyền ở Dương Châu, một người là Dư Hòa Thanh ở Thái Thạch, là hai người danh sĩ trẻ tuổi. Cả hai mặt mày trắng trẻo, môi đỏ như son, ăn mặc rất diêm dúa, bôi nước hoa thơm nức, cử chỉ phong lưu. Hai người này còn có hai bí danh nữa. Một người là "Dư Mỹ Nhân" một người là "Tiêu Cô Nương" hai người chào mọi người rồi ngồi xuống. Tiết nói:



- Hôm nay mời các vị, tôi có một ông bạn họ Tiền ở cầu Hoài Thanh đến tiếp; nhưng ông ta bận việc không đến được.



Quý Vi Tiêu nói: - Này bác! Có phải bác nói cái ông Tiền Mặt Rỗ làm nghề hát tuồng không?



- Đúng đấy.



Trì Hành Sơn nói:



- Tôi và các vị danh sĩ đến đây ăn tiệc. Tại sao ông lại để cho người con hát cùng ngồi với chúng tôi!



- Tục lệ xưa nay vẫn làm thế! Hôm nay tôi có mời cụ Cao Tính cụ rất thích nói chuyện với những người hát tuồng, cho nên tôi cũng mời ông Tiền đến.



Trì Hành Sơn hỏi:



- Cụ Cao là ai nhỉ?



Quý Vi Tiêu nói:



- Cụ người ở Lục Hợp, hiện nay làm thị độc ở viện hàn lâm.



Mấy người đang nói chuyện thì người giữ cổng vào báo:




- Cụ Cao đã đến!



Tiết chạy ra mời vào.



Cụ Cao đội mũ sa, mặc áo mãng bào bước vào chào mọi người, rồi ngồi ghế đầu. Nhận ra Quý Vi Tiêu, cụ Cao nói:



- Ông Quý! Rất tiếc hôm trước ông đến thăm, tôi không ở nhà để tiếp. Tôi chưa đọc những bài văn ông đưa tôi. Hai vị trẻ tuổi này là ai?



"Dư Mỹ Nhân" và "Tiểu Cô Nương" đều nói họ tên của mình. Cụ Cao lại hỏi đến Cừ Dật Phu và Mã Thuần Thượng. Mã Thuần Thượng nói:



- Chúng tôi là những người soạn quyển "Lịch khoa trình - mặc trì vận" bán ở các hiệu sách.



Dư Mỹ Nhân nói: - Ông Cừ là cháu nội cụ thái thú Nam Xương. Thầy tôi trước cũng làm quan chấm thi ở Nam Xương. Như vậy, tôi với ông Cừ là chỗ anh em.



Hỏi xong, lại hỏi đến Trì Hành Sơn. Trì Hành Sơn nói: - Tôi họ Trì tự là Hành Sơn.



Quý Vi Tiêu nói: - Ông Trì giỏi về lễ nhạc, là một danh sĩ ở Giang Nam này.



Cụ Cao nghe vậy không nói gì nữa. Uống ba tuần trà xong, mấy người cởi áo ngoài và vào thư phòng. Mặc dầu cụ Cao là bậc tiền bối nhưng cụ không hề để ý đến việc đó, mà vẫn vui cười nói chuyện với tất cả mọi người không cần giữ gìn gì. Vừa vào thư phòng, cụ Cao đã hỏi:



- Tại sao không thấy ông Tiền đến?



Tiết nói:



- Hôm nay ông ta chưa về.



- Thật là mất thú! Thế là bữa tiệc hôm nay mất vui! Tiết bày ra hai bàn tiệc. Mọi người ngồi vào bàn. Trong lúc ăn tiệc, mọi người nói đến những người danh sĩ ở Chiết Giang, nói đến phong cảnh ở Tây Hồ, nói đến hai anh em họ Lâu kết giao với những người tân khách.



Dư Mỹ Nhân nói:



- Riêng tôi, tôi không thích những chuyện này, tôi chỉ thích cô Song Hồng trong nhà ông Cừ Dật Phu. Nói đến cái tên cô ta, trong miệng của tôi cũng đã thơm phức lên rồi.



Quý Vi Tiêu nói:



- Có gì là lạ! Ông là một mỹ nhân thảo nào ông chỉ thích các mỹ nhân thôi.



Tiêu Bá Truyền nói:



- Riêng tôi, tôi thích nhất là những người ở hàn lâm viện. Tôi tiếc rằng không được gặp Lỗ Biên Tu, nhưng nghe cách nói năng và phong thái ông ta, tôi chắc ông ta là một người quân tử. Nếu được gặp ông ta thì tôi thế nào cũng xin thỉnh giáo. Thật đáng tiếc, nay ông ta đã qua đời.



Cừ Dật Phu nói:



- Những hành động hào hiệp của nhà cậu Lâu của tôi thật bây giờ không làm gì có nữa.



Quý Vi Tiêu nói:



- Anh Cừ! Anh nói cái gì vậy? Anh em họ Đỗ ở Thiên Trường sợ còn hào hiệp hơn cậu của anh nhiều.



Trì Hành Sơn nói:



- Trong hai người này thì Thiếu Khanh lại càng tốt hơn. Cụ Cao hỏi:



- Có phải các ông nói đến người con quan tri phủ Cống Châu không?



Trì Hành Sơn nói:



- Thưa vâng, chắc cụ cũng biết chứ?



Cụ Cao nói:



- Lục Hợp ở sát vách Thiên Trường tại sao tôi lại không biết? Nhưng nếu các ông cho phép tôi nói thì cái anh Thiếu Khanh kia quả là một tay phá của đệ nhất trong nhà họ Đỗ. Tổ tiên anh ta mấy mười đời làm thuốc, để lại nhiều âm đức, có nhiều tiền, nhiều ruộng. Đến đời người ông thì phát đạt. Nhưng mặc dầu làm quan mấy mươi năm ông ta vẫn không kiếm được bao nhiêu tiền. Người cha của Thiếu Khanh thi đỗ tiến sĩ, làm quan tri phủ, nhưng cũng là một anh ngốc. Lúc làm quan không biết kính trọng quan trên, chỉ lo làm sao cho vừa lòng dân. Suốt ngày chỉ nói toàn những câu ngốc nào là "đôn đốc việc hiếu đễ", "khuyến khích việc nông nang", những câu khỉ này chẳng qua là những sáo ngữ để làm đầu đề văn bát cổ mà thôi. Ông ta lại tưởng đó là sự thực! Kết quả là quan trên không thích ông ta, cách chức ông ta. Đến đời anh còn thì lại ngông cuồng quá đỗi! Suốt ngày chỉ lo chơi bời với những người hòa thượng, đạo sĩ, làm thơ, ăn mày, chẳng biết chơi với những người chính quân, quân tử. Trong vòng mười năm nay, anh ta tiêu hết sạch sáu bảy vạn lạng bạc. Anh ta ở phủ Thiên Trường không được nữa, phải lên Nam Kinh, ngày ngày dắt vợ ra quán rượu ăn uống, một tay cầm cái chén rượu bằng đồng giống như một thằng ăn mày ấy. Một cái nhà như thế mà lại đẻ ra một con người như thế! Lúc dạy con cháu học ở nhà, tôi thường bảo chúng lấy ông ta làm gương. Mỗi đứa phải dán trên bàn một tờ giấy viết: "Chớ có bắt chước Đỗ Thiếu Khanh ở Thiên Trường!".



Trì Hành Sơn nghe xong mặt đỏ gay nói:



- Gần đây triều đình có mời ông ta ra làm quan ông ta không ra!



Cụ Cao cười nhạt:



- Ông nói như thế là lầm rồi! Nếu ông ta có học thì ông ta đã thi đỗ rồi!



Rồi lại cười mà rằng:



- Cái việc mời ra làm quan có phải là con đường chính để xuất thân đâu!



Tiêu Bá Tuyền nói:



- Cụ Cao nói thế là đúng!



Và quay về phía mọi người nói:



- Tất cả bọn hậu bối chúng ta nên lấy những lời cụ Cao làm châm ngôn.



Họ uống rượu và nói chuyện suông một hồi, tiệc tan. Cụ Cao lên kiệu ra về. Trên đường về, Trì Hành Sơn nói với mọi người:



- Vừa rồi cụ Cao nói như thế rõ ràng là mắng Đỗ Thiếu Khanh. Không ngờ rằng chính cụ lại làm cho Đỗ Thiếu Khanh nổi tiếng. Thưa các vị, từ xưa đến nay không có mấy người được như Thiếu Khanh đâu.



Mã Thuần Thượng nói:



- Tuy vậy lời nói của cụ Cao cũng có chỗ đúng đấy!



Quý Vi Tiêu nói:



- Dẫu sao cái nhà ở bên bờ sông của ông ta cũng là đẹp tuyệt. Ngày mai chúng ta cùng đến đấy bảo ông ta mua rượu uống đi!



Dư Hòa Thanh nói:



- Hai chúng tôi cùng sẽ đi thăm.



Ngay đó, công việc bàn bạc xong. Hôm sau Đỗ vừa mới dậy đang ngồi trong cái nhà bên bờ sông thì người láng giềng là Kim Đông Nhai đã đưa đến một quyển "Tứ thư giảng chương" của mình làm để nhờ phê giúp. Đỗ đặt nó trên bàn, vừa mới đọc xong mười đoạn, thì Kim Đông Nhai chỉ vào một đoạn mà hỏi:



- Này ông, ông nói: "dương táo" là cái gì. Dương táo tức là dái dê. Tục ngữ nói: "chỉ cốt trứng dái dê, chứ không kể đến tính mạng nó"; vì vậy thầy Tăng Tử không ăn 1.



Đỗ Thiếu Khanh cười mà nói:



- Người xưa giảng nghĩa các kinh cũng có chỗ giảng sai và xuyên tạc. Ông nói như thế là khác người đấy.



Đang lúc nói chuyện, thì Trì Hành Sơn, Mã Thuần Thượng, Cừ Dật Phu, Tiêu Bá Tuyền, Quý Vi Tiêu, Dư Hòa Thanh đều đến, vái chào và cùng ngồi xuống. Thiếu Khanh nói:



- Mấy lâu nay tôi không ra khỏi nhà cho nên không có dịp được các vị dạy bảo. Hôm nay tại sao các vị lại đến đây đông đủ như vậy? Xin các vị cho biết họ tên.



Tiêu Bá Tuyền và Dư Hòa Thanh tự nói họ tên, Thiếu Khanh hỏi:



- Tại sao không thấy ông Cảnh Lan Giang?



Cừ Dật Phu nói:



- Ông ta hiện nay vừa mở một hiệu buôn mũ ở đường Tam Sơn để kiếm ăn.




Đầy tớ bưng trà ra. Quý Vi Tiêu nói:



- Chúng tôi đến không cốt uống trà, chúng tôi hôm nay muốn uống rượu cơ.



Đỗ Thiếu Khanh nói:



- Cái đó là dĩ nhiên, nhưng hãy nói chuyện đã.



Trì Hành Sơn nói:



- Hôm trước ông đưa cho tôi xem quyển "Thi Thuyết" của ông, tôi rất phục. Ông có thể cho biết một vài điểm về cách chú giải kinh thi của ông không?



Tiêu Bá Tuyền hỏi:



- Có phải ông nghiên cứu "Kinh Thi" là cốt dùng vào việc thi cử phải không?



Mã Thuần Thượng nói:



- Tôi chắc ông căn cứ vào quyển "Vĩnh Lạc đại toàn" 2 mà chú giải.



Trì Hành Sơn nói:



- Chúng ta hãy nghe ông Thiếu Khanh bàn về kinh thi đã.



Thiếu Khanh nói:



- Khi Chu Tử chú giải các kinh thì ông lập một học thuyết của riêng mình, cũng muốn để người đời sau so sánh với các nhà nho khác để tham khảo. Nhưng ngày nay, người ta bỏ các lời chú giải của những người khác mà chỉ giữ lời của Chu Tử mà thôi. Đó chẳng qua là cái sai lầm của người sau không có liên quan gì đến Chu Tử. Tôi đã xem tất cả các thuyết của các nhà nho. Tôi cũng thấy có một hai ý kiến muốn bàn với các ông. Chẳng hạn trong thiên "Khải Phong" 3 chú giải trước kia bảo rằng bài này nói có một người đàn bà bảy con nay muốn tái giá, tôi cho là không đúng. Đàn bà đời xưa hai mươi tuổi mới lấy chồng nuôi được đứa con thứ bảy khôn lớn thành người thì đã năm mươi tuổi rồi còn nghĩ gì đến việc tái giá nữa? Cái câu nói rằng: "Nhà cửa không yên" theo như ý tôi đó là bà nói đến việc ăn mặc không vừa lòng; vì vậy bà đã cãi lộn trong nhà và bảy người con nhận thấy rằng mình làm không phải. Điều này người trước không hề nói đến.



Trì Hành Sơn gật đầu nói:



- Nói có lý!



Lại trong thiên "Gái nói gà gáy" theo ý các ông cắt nghĩa như thế nào?



Mã Thuần Thương nói:



- Đó là bài thơ trong "Trịnh Phong" nói người đàn bà không dâm loạn chứ còn cách giải thích gì khác nữa!



Trì Hành Sơn nói:



- Cũng được đấy, nhưng nghe nó vẫn không sâu sắc, thú vị.



Đỗ nói:



- Không phải thế! Số là những người quân tử sau khi đã làm quan thì kiêu ngạo đối với vợ. Còn các bà vợ thì muốn làm phu nhân nhưng không được thành ra mọi việc đều không vừa lòng nên cãi lộn với chồng. Các anh xem: cặp vợ chồng kia không để ý gì đến công danh phú quý, đánh đàn uống rượu vui mệnh trời, vui đời mình chẳng phải là những con người quân tử biết tu thân, tề gia của thời tam đại 4 đó không? Việc này người xưa vẫn không thấy nói đến.



Cừ Dật Phu nói:



- Nói như vậy thì thực là hay! Thiếu Khanh nói:



- Ông Cừ xem bài thơ "Trăn vị" chỉ thấy nói hai vợ chồng cùng đi chơi với nhau. Có gì dâm loạn đâu!



Quý Vi Tiêu nói:



- Thảo nào, hôm trước anh đi chơi với chị ở vườn họ Diêu. Anh đánh đàn, uống rượu, hái hoa lan, tặng hoa thược dược thực là phong lưu!



Mọi người nghe vậy đều cười vang. Trì Hành Sơn nói:



- Ông Thiếu Khanh nói thật là hay, nghe ông Thiếu Khanh nói chuyện như là uống rượu tiên ấy!



Dư Hòa Thanh nói:



- Rượu tiên đến đây rồi!



Mọi người nhìn ra thì thấy người đầy tớ đã mang rượu đến.



Trên bàn bày rượu và đồ nhắm, tám người cùng ngồi. Quý Vi Tiêu uống thêm mấy chén say và nói:



- Anh Thiếu Khanh! Anh thực là phong lưu tuyệt trần. Cứ như ý tôi, ngồi ở đây xem hoa, uống rượu với một người đàn bà đã ngoại ba mươi thật là mất hứng. Những người tài danh như anh, lại ở nơi xinh đẹp như thế này, tại sao anh không lấy một người vợ xinh đẹp lại có tài, đa tình để rồi "Tài tử giai nhân vui chơi kịp thời", như thế chẳng hơn sao?



Thiếu Khanh nói:



- Anh Vi Tiêu! Anh không nghe Án Tử 5 nói sao? Khi vợ tôi đã già và xấu thì tôi nhớ lại ngày vợ tôi trẻ và đẹp. Vả chăng cái việc lấy thiếp, tôi không thấy nó hợp với lẽ trời. Trong thiên hạ chẳng qua chỉ có bấy nhiêu người. Nếu một người đàn ông lấy mấy người đàn bà thì trong thiên hạ thế nào cũng có người không có vợ. Tôi muốn triều đình đặt ra phép tắc: ai quá bốn mươi tuổi mà không có con thì mới được lấy vợ lẽ. Nếu người vợ lẽ này cũng không có con nữa, thì họ có quyền lấy người khác. Như thế là những người không có vợ trong thiên hạ sẽ bớt đi. Cũng là một cách bồi bổ nguyên khí của trời đất vậy!



Tiêu Bá Tuyền nói:



- Quả là một lối trị nước yên dân thực phong lưu!



Trì Hành Sơn thở dài nói:



- Nếu như những người tể tướng mà lo lắng việc nước như vậy thì thiên hạ sẽ thái bình ngay.



Uống rượu xong, mọi người từ biệt ra về.



Vài hôm sau, Trì Hành Sơn đến một mình. Thấy Đỗ ở nhà, Trì Hành Sơn nói:



- Đền thờ Thái Bá nay đã bắt đầu dựng lên. Tôi đã thảo một bản về lễ nhạc, đến đây cùng bàn với anh để anh châm chước.



Thiếu Khanh cầm tờ giấy nói:



- Việc này cần bàn với một người nữa.



- Ai vậy?



- Ông Trang Thiệu Quang.



- Hôm trước ông ta đã đi Chiết Giang rồi.



- Tôi cũng muốn đi. Tối nay tôi và ông, chúng ta cùng đi Chiết Giang.



Hai người cùng thuê một cái thuyền đến cầu cửa Bắc. Lên bờ, họ đến một cái nhà ngoảnh mặt về hướng nam. Trì Thành Sơn nói:



- Đây là nhà ông ta.



Hai người bước vào nhà. Người nhà chạy vào báo với Trang Thiệu Quang. Thiệu Quang ra tiếp. Trang tên là Thượng Chí, tự là Thiệu Quang là con một nhà dòng dõi. Năm mười một, mười hai tuổi, Thiệu Quang đã biết làm một bài phú dài bảy ngàn chữ. Cả thiên hạ đều biết tiếng. Bây giờ Thiện Quang đã gần bốn mươi tuổi và nổi danh nhưng vẫn đóng cửa viết sách, ít khi giao thiệp với người. Hôm ấy, nghe tin có hai người khách đến, Thiệu Quang ra tiếp. Chỉ thấy một người đầu đội mũ sa tròn, mình mặc áo màu lam, râu thưa, da mặt trắng, Thiệu Quang cung kính chào hai người khách và nói:



- Anh Thiếu Khanh! Xa nhau mấy năm nay, tôi nghe tin anh ở sông Tần Hoài làm cho phong cảnh nơi này lại càng đẹp thêm. Hôm trước tôi bận ngao du ở Quán Giang, anh đến rồi đi ngay kể cũng quá vội.



- Hôm ấy tôi định đến thăm nhưng gặp lúc có người bạn cũ mất, phải đến đó ít ngày. Đến khi trở về thăm ông thì ông đi Chiết Giang rồi.



- Anh Hành Sơn thường vẫn ở nhà, tại sao không hay đến chơi?



- Tôi cứ mải lo đến đền thờ Thái Bá, chạy vạy bao nhiêu ngày. Bây giờ đền đã bắt đầu dựng lên. Tôi đã viết bản lễ nhạc, đem nó đến đây để được anh chỉ giáo.



Hành Sơn bèn rút trong ống tay áo ra một quyển đưa cho Trang. Trang cầm lấy xem từ đầu đến cuối rất kỹ rồi nói:



- Việc này là việc lớn, nghìn năm mới có một lần. Cố nhiên tôi sẽ xin hết sức góp phần. Nhưng hiện nay tôi có việc phải đi, nhiều là ba tháng, ít nhất là hai tháng mới trở về. Bấy giờ tôi sẽ lại cùng bàn bạc với ông.



Trì Hành Sơn hỏi:




- Ông đi có việc gì vậy?



- Ông Từ Mục Hiên làm tuần vũ Chiết Giang hiện nay làm Thiếu Tân Bá có tiến cử tôi lên Kinh, cho nên tôi phải đi.



Trì Hành Sơn nói:



- Như thế thì không trở về được!



- Anh cứ yên tâm, tôi sẽ trở về, không để lỡ việc tế đền Thái Bá đâu.



Thiếu Khanh nói:



- Việc tế này mà thiếu ông thì không được. Phải về cho sớm đấy!



Trì Hành Sơn hỏi xem công văn. Người đầy tớ lấy tờ giấy ra. Hai người cùng xem. Tờ giấy viết: Lễ bộ thị lang Từ về việc tiến cử người hiền tài, phụng thánh chỉ mời Trang Thượng Chí lên kinh bệ kiến. Khâm thử". Hai người xem xong nói:



- Chúng tôi xin chào. Không phải tiễn đưa làm gì! Nói xong Thiệu Quang tiễn hai người ra cửa. Buổi tối, Trang làm bữa tiệc để tạm biệt vợ. Vợ hỏi: - Ông thường không chịu ra làm quan. Bây giờ tại sao có lệnh ông lại ra?



- Ta không phải như một người ẩn sĩ ở chốn sơn lâm. Một khi đã có chiếu chỉ ban ra để triệu thì không thể ngạo mạn không theo cái lễ vua tôi. Mình cứ yên tâm, ta sẽ trở về. Nhất định không để cho vợ của Lão Lai Tử 6 phải cười.



Hôm sau, khi các quan ở phủ địa phương là phủ Ứng Thiên đến giục, thì thấy Thiệu Quang đã đi rồi. Thiệu Quang gọi một cái kiệu nhỏ, đêm theo một người đầy tớ quẩy một gánh hành lý theo cửa sau, đi ra cửa Hán tây.



Thiệu Quang đi đường thủy qua sông Hoàng Hà và thuê một cái xe ngày đi đêm nghỉ đến Sơn Đông. Khi đi khỏi Duyên Châu bốn mươi dặm đến một nơi gọi là trạm Tân Gia. Thiệu Quang dừng xe ở đấy uống trà. Hôm ấy, trời còn sớm. Thiệu Quang giục đánh xe thêm vài mươi dặm, nhưng chủ quán nói:



- Không giấu gì ông, gần đây ở miền này trộm cướp như rươi. Khách bộ hành đều phải đi muộn nghỉ sớm. Mặc dầu ông không phải là một người buôn bán giầu có gì, nhưng cũng nên cẩn thận thì hơn.



Trang Thiệu Quang nghe vậy, bảo người đánh xe hãy dừng lại để nghỉ. Người đầy tớ chọn một gian phòng, mang hành lý vào, trải nệm giường để cho Thiệu Quang nghỉ và đem trà đến cho Thiệu Quang uống. Bỗng nghe tiếng nhạc lừa kêu vang ở ngoài, trên một trăm con lừa đi đến, mang theo ống gỗ đựng bạc, có một người mặc áo quần nhà võ áp tải. Cùng đi với ông ta là một người trạc ngoại sáu mươi, râu lốm đốm bạc, đội mũ lông chiên, mặc áo giáp, ở lưng đeo một cái ná, chân đi giày da bò. Hai người nhảy xuống lừa và xách roi cùng vào quán, nói với chủ quán.



- Chúng tôi đem tiền thuế từ Tứ Xuyên đến kinh đô. Hôm nay trời đã sắp tối; nghỉ ở đây; ngày mai sẽ đi sớm. Các ông phải hết lòng săn sóc.



Chủ quán vâng vâng dạ dạ. Người áp tải dốc suất những người phu đi chân khiêng tiền vào quán. Khi lừa đã vào chuồng cả rồi, y treo roi, bước vào quán với người kia rồi quay lưng lại chào Trang Thiệu Quang. Triệu Quang hỏi:



- Các ông đem tiền từ Từ Xuyên về kinh à? Không dám, xin cho biết quý danh.



Vị quan áp tải tiền nói:



- Tôi họ Tôn làm chức thủ bị. Bạn tôi họ Tiêu, tự là Hạo Hiên người ở phủ Thành Đô.



Nhân tiện họ hỏi Thiện Quang lên kinh có việc gì?



Thiệu Quang nói họ tên và kể việc mình được mời lên kinh như thế nào.



Tiêu Hạo Hiên nói:



- Đã lâu tôi nghe nói ở Nam Kinh có ông Trang Thiệu Quang là người danh sĩ. Không ngờ hôm nay đột nhiên được gặp ở đây.



Tiêu Hạo Hiên tỏ ra rất kính trọng Trang Thiệu Quang. Thiệu Quang thấy Hạo Hiên dáng người hiên ngang, khác hẳn người thường bèn nói chuyện thân mật. Thiệu Quang nói:



- Nước nhà lâu nay thái bình vô sự. Gần đây quan địa phương chẳng qua làm việc qua loa, bọn trộm cướp hoành hành mà họ hoàn toàn không chịu nghĩ đến cách dẹp giặc yên dân. Tôi nghe nói trên đường trước mặt có nhiều cướp cho nên chúng tôi phải ở đây phòng bị.



Tiêu Hạo Hiên nói:



- Xin ông cứ yên tâm. Tôi bình sinh có chút nghề mọn, ở trong vòng một trăm thước, bọn cướp có đến thì chỉ cần giương ná là bách phát bách trúng, nếu bọn cướp đến, tôi chỉ cần giương ná lên là chúng khôn đường chạy thoát, người người bỏ mạng, chẳng sót một ai.



Vị quan áp tải nói:



- Nếu ông không tin tài năng của ông bạn chúng tôi thì chúng tôi xin làm để thỉnh giáo.



Trang Thiệu Quang nói: - Tôi thích xem lắm, không biết như thế có được không? Tiêu Hạo Hiên nói:



- Có hề gì! Tôi xin trổ chút nghề mọn.



Bèn cầm lấy ná trong tay bước ra ngoài sân lấy hai viên đạn ở cái túi bên sườn bắn viên thứ nhất rồi bắn viên thứ hai tiếp theo ngay. Hai viên gặp nhau nổ tung trên không. Trang Thiệu Quang thấy thế khen ngợi mãi không thôi. Chủ quán nhìn thấy cũng giật mình kinh sợ. Tiêu Hạo Hiên cất ná rồi bước vào nhà ngồi nói chuyện. Một hồi sau, mọi người ăn cơm và đi ngủ. Hôm sau, trời chưa sáng, Tôn đã dậy giục đánh lừa đi. Những người đi theo chuyển bạc lên lưng lừa, trả tiền trọ rồi đi. Tất cả mọi người đi được mươi dặm, lúc bấy giờ trời chưa sáng, sao mai còn lấp lánh trên không, bỗng thấy ở cánh rừng trước mặt, thấp thoáng có những bóng đen. Những người đánh lừa kêu lên:



- Nguy rồi! Trước mặt có cướp.



Hơn một trăm con lừa đều được đánh xuống ở một bên đường mé đồi. Tiêu Hạo hiên nghe vậy, vội vàng rút cái ná cầm ở tay, Tôn tuốt kiếm, ngồi yên trên mình ngựa. Bỗng nghe tiếng mũi tên bay vù ra. Mũi tên vừa bay qua thì thấy vô số những người cưỡi ngựa ở trong rừng chạy ra. Tiêu Hạo Hiên thét lên một tiếng, bắn một phát. Không ngờ chỉ nghe một tiếng "phật" dây ná đứt làm hai đoạn. Mấy chục tên cướp cưỡi ngựa reo hò chạy đến trước mặt. Tôn sợ hãi quay ngựa chạy, những người gánh, người dắt lừa đều sợ hãi nằm rạp xuống đất, bọn cướp bắt tất cả một trăm con lừa, lấy hết tiền bạc theo con đường nhỏ đi mất.



Trang ngồi ở trong xe một hồi lâu, không nói nửa lời, cũng không hiểu bên ngoài có việc gì. Khi thấy cái dây ná bị đứt, Tiêu Hạo Hiên không trổ tài được, liền quay ngựa chạy lui. Chạy đến một cái quán nhỏ; dừng ngựa ở ngoài quán, chủ quán nhìn thấy, đoán ngay là Tiêu Hạo Hiên đã bị mất cướp. Chủ quán hỏi:



- Tối qua ông ngủ ở đâu?



Tiêu Hạo Hiên kể lại đầu đuôi.



Chủ quán nói:



- Thằng chủ quán kia là tay chân của tên tướng cướp Triệu Đại. Chính nó đêm qua đã cắt đứt mấy dây ná của ông đấy!



Tiêu Hạo Hiên tỉnh ngộ, hối cũng không kịp nữa. Nhưng trong lúc hoảng hốt thì lại nghĩ ra một kế. Tiêu lấy tóc trên đầu buộc lại dây cung rồi phi ngựa quay lại. Gặp Tôn, Tôn nói quân cướp đã theo con đường nhỏ đi về hướng đông. Bấy giờ trời đã sáng. Tiêu Hạo Hiên phi ngựa như bay. Ngựa chạy được một quãng thì thấy đằng trước bọn cướp đang ra sức dắt những con lừa chở bạc chạy. Tiêu liền phi ngựa như bay về phía trước rồi bắn loạn xạ như mưa vào bọn này. Bọn này bị bắn ôm đầu chạy như chuột, để lại tiền bạc. Tiêu và Tôn lấy lại bạc và lừa rồi cùng ra đường cái lớn. Ở đấy họ gặp Trang, Thiệu Quang. Trang nức nở khen. Họ cùng đi nửa ngày. Trang Thiệu Quang hành lý nhẹ cho nên từ giã hai người rồi đi trước. Đi được mấy ngày thì gần đến Lư Cầu Kiều. Chợt một người cưỡi lừa đi đến. Thấy xe của Trang y liền hỏi:



- Xin cho biết vị khách ở trong xe là gì?



Người phu xe nói:



- Ông Trang.



- Có phải ông Trang ở Nam Kinh đến đây không?



Vừa nói vừa nhảy xuống lừa. Trang Thiệu Quang định xuống xe, thì người kia đã quỳ lạy ở dưới đất.



Chỉ nhân phen này khiến cho:



Triều đình có đạo, sửa đại lễ để tôn hiền;



Nho giả tiếc mình, từ cáo quan mà chẳng chịu.



Muốn biết việc sau thế nào hãy xem hồi sau phân giải.