Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 24: Ngưu phố lang mắc vòng kiện tụng. bão văn khanh kiếm kế sinh nhai



Ngưu Phố từ khi lấy con gái họ Hoàng ở An Đông, họ Hoàng cho cả một dãy ba bốn gian nhà ở trước mặt để ở. Trước cửa nhà Ngưu dán một tờ giấy đề mấy chữ: "Ngưu Bố Y, làm thơ làm văn"v.v... Sáng hôm ấy, Ngưu đang ngồi trong phòng thì có người gõ cửa. Ngưu ra mở cửa mời vào. Thì chính là người hàng xóm cũ ở huyện Vu Hồ họ Thạch biệt hiệu là "chuột nhắt". Hắn nổi tiếng là tên lưu manh, nhưng ngày nay đã già. Ngưu Phố thấy hắn thì giật mình đánh thót một cái, đành phải vái chào mời ngồi, và thân hành rót trà. Người vợ ở sau bình phong nhìn ra, nói với chồng:



- Ông này chính là người cậu của mình năm ngoái đến đây, bây giờ ông ta lại đến.



Ngưu nói:



- Hắn có bà con gì với ta đâu!



Trà bưng ra, Ngưu mời "chuột nhắt" uống. "Chuột nhắt" nói:



- Tôi nghe nói "cậu" gặp may lại mới lấy vợ ở đây, thật là khoái!



- Đã lâu không gặp ông! Lâu nay ông làm ăn có phát tài không?



- Tôi đi lưu lạc khắp cả Hoài Bắc, Sơn Đông, nhân qua đây, bao nhiêu tiền đi đường đều hết sạch. Tôi đến thăm "cậu" vay "cậu" vài lạng bạc để tiêu. Thế nào "cậu" cũng phải giúp tôi một ít đấy!



- Tôi với ông tuy trước là láng giềng, nhưng không bao giờ cùng làm ăn với nhau cả. Vả chăng, tôi là người lạ ở đây, sống với cha vợ tôi, tiền của đâu mà cho ông!



"Chuột nhắt" cười nhạt:



- Mày là thằng bất nhân lắm! Thế mày không nhớ cái ngày tao tiêu tiền như nước sao? Lúc ấy mày tiêu mất bao nhiêu tiền của tao. Nay tao thấy mày đã lấy được vợ, tao cũng muốn giữ mày giữ mặt cho mày mới không nói toạc ra. Bây giờ mày còn ăn nói như thế à?



Ngưu Phố bực mình:



- Ông nói gì vậy? Ông tiêu tiền như nước nhưng tôi thấy tiền của ông mấy lần? Thấy "nước" của ông mấy lần? Già như ông, thì phải lo làm ăn. Đằng này cứ lo suốt đời đi bịp người ta!



- Ngưu Phố Lang! Mày đừng có mở miệng nói cái câu ấy! Mày không nhớ những việc xấu xa mày đã làm từ lúc còn nhỏ sao? Mày chỉ lừa được người ta chứ không lừa được tao đâu! Đồ bỏ vợ để lấy vợ khác! Trước kia mày lừa con gái họ Bốc nay lại bịp con gái họ Hoàng... như thế thì đáng tội gì? Nếu mày không "xuỳ" ngay ra mấy lạng bạc thì tao sẽ đến báo ngay cho quan huyện An Đông cho mà xem.



Ngưu Phố chồm dậy:



- Mầy tưởng tao sợ mày lắm à! Tao với mày cùng lên huyện An Đông nào!



Hai người kéo nhau ra ngoài cửa nhà họ Hoàng đi thẳng đến huyện, thì gặp hai người lính ở huyện. Nhận ra Ngưu Phố, mấy người lính vội vàng cản lại hỏi có việc gì. "Chuột nhắt" kể lại lúc nhỏ Ngưu Phố là người hư hỏng như thế nào. Sau khi đã lừa cháu gái cụ Bốc, hắn ta đến đây lừa con gái nhà họ Hoàng, lại còn mạo danh làm việc bậy. Ngưu Phố nói:



- Thằng này nổi tiếng lưu manh ở quê tôi! Người ta đặt tên cho nó là thằng "chuột nhắt". Đến nay càng già hắn lại càng vô sỉ. Năm ngoái, hắn đến nhà tôi. Không có tôi ở nhà, hắn xưng bừa là cậu tôi để kiếm cơm ăn. Năm nay, hắn lại đến tìm tôi vòi tiền thật là vô lý hết sức!



Mấy người lính nói:



- Thôi! Ông Ngưu! Ông ta tuổi tác đã già, tuy không là thân thích nhưng cũng là láng giềng cũ. Bây giờ ông ta không có tiền đi đường. Từ xưa có câu: "Nghèo nhà chưa phải nghèo đâu; ra đường nghèo mới giết nhau phen này". Nếu ông có tiền chắc ông cũng không muốn cho vay bây giờ đâu. Chúng tôi sẽ đưa ông ta vài trăm đồng giúp ông để cho ông ta đi cho rồi.




"Chuột nhắt" còn muốn tranh cãi nữa. Mấy người lính nói:



- Đây không phải nơi ông làm ồn. Ông Ngưu là chỗ thân với quan huyện. Ông đã già cả rồi, không nên làm cái trò xấu xa ấy chỉ mang khổ vào thân mà thôi.



"Chuột nhắt" nghe vậy không nói nhiều, nhận lấy số tiền, cám ơn mọi người rồi đi.



Ngưu Phố cũng cảm tạ mọi người rồi về nhà. Vừa đi được mấy bước, bỗng thấy ở ngoài cửa có người hàng xóm chạy ra nói:



- Ông Ngưu! Ông lại đây tôi nói cho mà nghe.



Người ấy kéo Ngưu đến một chỗ vắng rồi nói:



- Bác gái đang ở nhà ngoài to tiếng với người ta.



- To tiếng với ai?



- Ông vừa ra cửa thì có một cái kiệu và một người quẩy hành lý đến. Một người đàn bà trên kiệu bước xuống. Bác gái tiếp bà ta, thì người đàn bà kia nói rằng bà ta là vợ trước của ông muốn đến đây nhìn mặt ông. Hiện nay bà ta đang to tiếng với bà vợ họ Hoàng của ông, bác gái nhờ tôi bảo với ông mau mau về nhà.



Ngưu Phố nghe vậy, như người bị giội một gáo nước lạnh vào sống lưng, nghĩ bụng:



- Thôi! Cái thằng "chuột nhắt" nó đưa người vợ họ Giả của ta đến đây gây sự để làm phiền ta rồi!



Không biết làm thế nào, y đành liều mạng bước vào nhà. Đến cửa, y đứng nghe một lát thì không phải tiếng nói của người vợ họ Giả mà là tiếng Chiết Giang. Y bèn đẩy cửa vào. Người đàn bà kia cùng y đối diện, hai người không nhận ra nhau, người vợ họ Hoàng nói:



- Đấy! Nhà tôi đấy! Bà xem có phải là chồng bà không? Người đàn bà kia nói:



- Ông này là Ngưu Bố Y sao được?



Ngưu Phố nói:



- Tôi không là Ngưu Bố Y thì là ai? Nhưng tôi không biết bà là ai cả.



Bà Ngưu nói:



- Tao chính là vợ Ngưu Bố Y. Mày mạo nhận tên chồng tao treo bảng ở đây, rõ ràng là mày đã giết chết chồng tao rồi! Đừng tưởng tao tha cho mày đâu.



Ngưu Phố nói:



- Trong thiên hạ, người cùng tên cùng họ cũng nhiều. Tại sao bà lại dám đổ cho tôi giết chồng bà? Sao lại có cái việc quái gở như thế?



- Chứ lại không à! Tao đến Cam Lộ huyện Vu Hồ, trên đường hỏi ra thì chồng tao ở An Đông. Nay mày mạo tên hiệu chồng tao thì phải trả chồng tao đây!



Bà vừa nói vừa khóc, bảo đứa cháu lại nắm lấy Ngưu Phố. Bà Ngưu lên kiệu, đi thẳng đến cửa huyện, vừa đi vừa kêu gào. Quan huyện Hướng ra cửa nghe tiếng kêu oan, liền bảo người viết giúp bà một cái đơn. Quan huyện nhận đơn, cho sai nhân gọi mọi người đến, treo biển đợi đến ngày thứ ba sẽ ra công đường xét xử.



Hôm ấy quan huyện ra công đường xét ba vụ kiện.



Vụ thứ nhất "Vụ kiện giết cha". Bên nguyên là một vị hòa thượng. Hòa thượng này đang ở trong núi kiếm củi thì thấy người ta lùa một đàn bò đến. Ở trong đàn, có một con bò thấy hòa thượng thì hai con mắt nhìn trừng trừng. Hòa thượng động tâm chạy đến trước mặt con bò. Thấy hòa thượng, con bò rơi nước mắt. Hòa thượng đến trước mặt quỳ xuống. Bò kia lè lưỡi ra liếm trên đầu. Vừa liếm vừa rơi nước mắt, càng liếm nước mắt càng trào ra. Hòa thượng biết con bò này là cha mình hóa thân, bèn khóc và nói với chủ đưa nó cho mình để mình nuôi. Không ngờ người hàng xóm lấy con bò đi giết mất. Cho nên hòa thượng đến đây kiện, đem theo người chủ bò để làm chứng.



Hướng tri huyện nghe lời cung của hòa thượng quay sang hỏi người láng giềng. Người này nói:



- Ba, bốn hôm trước đây, hòa thượng này có đem một con bò đến bán cho con. Con mua xong là giết ngay. Hòa thượng hôm qua lại đến nói với con rằng con bò này là hóa thân của cha ông ta cho nên phải trả thêm hai lạng bạc nữa. Số tiền hôm trước như vậy là không đủ. Con không chịu, ông ta liền mắng con. Con nghe người ta nói: con bò kia không phải hóa thân của cha ông ta đâu! Hòa thượng mấy năm nay thường cạo trọc và bôi muối lên đầu. Thấy bò nhà ai béo nhất là ông ta quỳ xuống để cho nó liếm lên đầu. Bò liếm phải muối, cố nhiên rơi nước mắt. Ông ta bèn nói đó là hóa thân của cha ông ta và khóc xin với người ta. Sau khi nhận bò rồi, ông ta đem bán để lấy tiền. Việc này không phải xảy ra một lần. Xin quan xét cho.



Hướng tri huyện hỏi người chủ bò:



- Có phải ông cho hòa thượng con bò mà không lấy tiền không?



Người kia nói:



- Thực quả con không, không lấy một đồng!



Hướng tri huyện nói:



- Chuyện luân hồi là chuyện hoang đường, làm gì có! Vả chăng, nếu là cha hóa thành bò thì cũng không ai đem bán bò lấy tiền tiêu bao giờ! Lão trọc này chính là một thằng lường gạt!



Tri huyện bèn ra lệnh đánh hòa thượng hai mươi roi và không xét nữa.



Vụ hai: "Dùng thuốc độc giết anh".



Cáo nhân là Hồ Lại, người bị cáo là thầy thuốc Trần An. Hướng tri huyện hỏi cáo nhân:



- Ông ta dùng thuốc độc giết anh của ông như thế nào? Hồ Lại nói:



- Anh con mắc bệnh, mời ông Trần An đến xem. Ông ta cho một đơn thuốc, anh con uống xong thì phát điên lên và nhảy xuống nước chết đuối. Rõ ràng là ông ta cho thuốc giết chết anh con.



Hướng tri huyện nói: - Thường ngày, hai bên có thù hằn gì nhau không? Hồ Lại nói:



- Bẩm không.



Hướng tri huyện hỏi Trần An: - Ông chữa bệnh cho người anh Hồ Lại, dùng thuốc gì? - Trần An nói:



- Ông ta mắc chứng hàn, con dùng thuốc phát tán. Ở trong các vị thuốc có tám đồng tế tân. Lúc bấy giờ trong nhà ông ta có người bà con. Ông này người lùn, mặt tròn, cứ nói ra nói vào rằng dùng ba đồng cân tế tân thì cũng đủ chết rồi! Sách "Bản thảo" có câu ấy không? Người anh ông ta đến ba bốn ngày sau mới nhảy xuống nước chết thì liên quan gì đến thuốc của con! Quan lớn đèn trời soi xét, xin quan xem lại tất cả dược tính của bốn trăm vị, có vị nào mà uống xong thì phát điên nhảy xuống sông chết không. Thật là vô lý. Còn làm thầy thuốc là làm phúc làm đức, lại bị vu cáo như thế này, xin quan xét cho!




Hướng tri huyện nói:



- Thế thì quả là nói láo! Làm thuốc là thương xót yêu quý bệnh nhân! Nhà anh có người mắc bệnh đã không giữ gìn cẩn thận để cho người ta nhảy xuống sông. Cái đó liên quan gì với thầy thuốc? Như thế mà anh cũng đi kiện!



Liền sai đuổi cả ra.



Vụ thứ ba là vụ bà Ngưu: "Mưu giết chồng người"



Hướng tri huyện gọi bà Ngưu hỏi. Bà kể lại mình đi Chiết Giang đến Vu Hồ như thế nào rồi từ Vu Hồ đến An Đông như thế nào và nói:



- Nay hắn mạo tên chồng tôi. Tôi không hỏi chồng tôi ở hắn thì hỏi ai bây giờ!



Hướng tri huyện nói:



- Làm sao lại có việc này?



Bèn hỏi Ngưu Phố:



- Ông Ngưu có biết bà này không?



Ngưu Phố nói:



- Tôi có biết bà ta bao giờ đâu? Tôi cũng không biết chồng bà ta là ai hết. Bỗng nhiên bà ta đến nhà tôi đòi chồng, thật là một việc ở đâu trên trời rơi xuống, oan uổng cho tôi vô cùng.



Hướng tri huyện nói với bà Ngưu:



- Xem ra ông Ngưu này là Ngưu Bố Y. Trong thiên hạ người trùng tên trùng họ cũng nhiều. Cố nhiên ông ta không biết tung tích chồng bà. Bà nên đi nơi khác mà hỏi.



Bà Ngưu khóc lóc thảm thiết, đòi Hướng tri huyện thân oan cho mình. Tri huyện bực mình nói:



- Được! Tôi sẽ cho hai người sai nhân đưa bà về Thiệu Hưng, bà cứ về quê mà kiện! Tôi không phải là người lo những việc không đầu không đuôi như thế này. Ông Ngưu! Ông cứ về đi!



Nói xong tri huyện vào nhà trong.



Hai người sai nhân đưa bà Ngưu về Thiệu Hưng.



Việc này đưa lên quan trên. Quan trên cho rằng tri huyện Hướng bạn bè với người văn nhân và bỏ qua việc án mạng không chịu xét đến bèn đòi xét xử lại việc đó. Quan Án sát họ Thôi xét hỏi việc này.



Hôm ấy quan Án bảo thư kí viết lại vụ kiện, mình ngồi dưới ngọn đèn để xem: "Về việc trừng trị viên tri huyện mờ ám không làm tròn trách nhiệm để nêu cao chức vụ người làm quan..." Ở trong bản án kể nhiều sự việc của tri huyện Hướng Đỉnh ở An Đông. Y một mình đang ngồi xem rồi đọc, đọc rồi xem. Dưới ánh sáng ngọn đèn nến, bỗng thấy một người quỳ ở dưới. Thôi Án sát đưa mắt nhìn, thì ra người đang quỳ ở dưới đất là người hát tuồng tên là Bão Văn Khanh.



Án sát hỏi:



- Anh muốn nói gì thì đứng dậy mà nói!



Bão Văn Khanh nói:



- Vừa rồi, con nghe cụ lớn muốn xét xử việc của ông huyện Hướng ở An Đông. Con chưa từng gặp mặt ông ta. Nhưng lúc bảy tám tuổi, con đã học tuồng. Thầy con dạy con học những vở tuồng do ông ta làm. Ông ta là một bậc danh sĩ đại tài thế mà lận đận hai mươi năm nay mới làm một chức tri huyện. Kể cũng đáng thương. Vả chăng việc này, ông ta làm cũng vì kính trọng những nhà văn, không biết như thế có được cụ lớn tha thứ cho phần nào chăng?



Án sát nói:



- Ai ngờ một người như anh mà cũng biết tiếc người tài! Như anh mà còn biết thương nhà nho sĩ thì ta há lại không nghĩ tới hay sao! Nhưng nếu bây giờ ta miễn việc cách chức ông ta, thì ông ta vẫn không biết chính anh đã cứu ông ta. Bây giờ ta sẽ viết nguyên do trong một bức thư, rồi anh đưa đến cho ông ta, bảo ông ta đem vài trăm lạng ra để tạ ơn cho anh có món tiền làm vốn.



Bão Văn Khanh dập đầu lạy tạ. Án sát bảo đầy tớ đến nói với thư ký: Việc ông huyện An Đông không xét nữa.



Mấy hôm sau, quả nhiên có sai nhân cầm thư cùng đi với Bão Văn Khanh đến huyện An Đông. Tri huyện Hướng mở thư ra xem, kinh ngạc, vội vàng bảo mở cửa mời ông Bão vào. Tri huyện Hướng chạy ra đón. Bão Văn Khanh mặc áo xanh, mũ đỏ, bước vào cửa, quỳ xuống lạy chào tri huyện. Tri huyện đưa hai tay đỡ dậy, vái chào Bão. Bão nói:



- Con là người như thế nào dám bắt quan thi lễ!



Hướng tri huyện nói:



- Ông là người ở nhà môn quan trên. Ông đã làm ơn với tôi, tại sao tôi không thi lễ? Ông mau mau đứng dậy để cho tôi lạy tạ.



Nói hai, ba lần, Bão vẫn không chịu. Tri huyện đẩy Bão ngồi xuống, Bão vẫn không dám ngồi. Tri huyện không biết làm sao, nói:



- Cụ lớn Thôi đưa ông đến đây. Nếu tôi đãi ông như thế, sợ ngài không bằng lòng!



Bão Văn Khanh nói:



- Tuy ngài đối đãi với con một cách khác thường, nhưng việc này quan hệ đến cả tôn ti triều đình, nhất định con không dám nhận.



Bão đứng dậy, buông thẳng hai tay, trả lời tri huyện rồi bước vào hành lang. Tri huyện bảo người thân thích trong nhà ra tiếp, Bão vẫn không chịu. Sau đành bảo người quản gia ra tiếp. Bão rất mừng rỡ, ngồi trong phòng khách vừa nói vừa cười.



Hôm sau, tri huyện sửa soạn tiệc rượu bày trong thư phòng, tự mình ngồi tiếp, rót rượu mời Bão. Bão quỳ xuống đất không dám nhận rượu. Tri huyện bảo Bão ngồi, Bão nhất định không chịu ngồi. Tri huyện không biết làm sao đành phải bảo đặt tiệc xuống đất, gọi người quản gia ra cùng ăn. Bấy giờ Bão rất mừng rỡ. Tri huyện viết một bức thư cảm tạ quan Án sát, gói năm trăm lạng bạc đưa cho Bão để cảm ơn. Bão không nhận một ly, nói:



- Tiền này là tiền bổng lộc triều đình cấp cho ngài, con là người bần tiện, dám đâu dùng bạc triều đình! Nếu con lấy tiền này mà nuôi gia đình thì gia đình con chết mất. Xin quan làm ơn giữ tính mạng cho con!



Hướng tri huyện thấy Bão nói thế, cũng không dám ép; bèn đem những lời nói này viết lại trong thư bẩm với Án sát. Lại giữ Bão ở lại mấy hôm rồi sai người đưa về.



Án sát nghe vậy, cho Bão là một thằng ngốc, rồi thôi. Một thời gian sau, Án sát lại thăng lên Đô sát viện nên đem Bão Văn Khanh lên kinh. Không ngờ lên kinh, Án sát mắc bệnh mất, Bão Văn Khanh không còn chỗ nương tựa, lại vốn là người Nam Kinh nên phải thu thập hành lý trở về Nam Kinh.




Nam Kinh là nơi Minh Thái Tổ đóng đô. Thành trong mười ba cửa, thành ngoài mười tám cửa. Đi xuyên qua dọc bốn mươi dặm, đi vòng quanh một trăm hai mươi dặm. Trong thành có mấy mươi con đường lớn, mấy trăm con đường nhỏ, đều là những nơi phố xá như nêm, lâu đài tráng lệ. Trong thành có một con sông gọi là sông Tần Hoài, từ bến sông phía đông sang bến sông phía tây dài hơn mười dặm. Lúc nước sông đầy, những chiếc thuyền hoa mang theo những người thổi sáo, đánh đàn, ngày đêm không ngớt. Trong thành, ngoài thành, cung điện nguy nga, đền chùa lộng lẫy. Trong thời Lục Triều, có tất cả bốn trăm tám mươi ngôi nhà. Đến nay, ít nhất cũng đến bốn ngàn tám trăm ngôi. Đường lớn, đường nhỏ, có tất cả sáu ngàn bảy trăm quán rượu, và tiệm trà nào cũng đều thấy treo đèn lồng, cắm bó hoa tươi, đun ấm nước mưa trong vắt. Những tiệm trà này bao giờ cũng đông khách. Đến chiều tối, hai bên quán rượu, đèn thắp sáng như ban ngày. Người đi đường không phải mang đèn lồng. Những đêm có trăng trên sông Tần Hoài, càng khuya càng nghe tiếng nhạc, tiếng ca ở các thuyền đưa lại. Thật là thánh thót du dương, làm rung động cả lòng người! Những cô gái ở các nhà hai bên bờ sông, mặc áo quần lụa mỏng, giắt hoa lài trên đầu, cũng đều cuốn rèm lên tựa vào lan can lặng lẽ đứng nghe. Cho nên hễ tiếng trống trong các thuyền vang lên, thì rèm ở các nhà hai bên sông cũng đồng thời cuốn lên và mùi thơm của long diên hương và trầm hương ở các nhà cũng bốc lên ngào ngạt, hòa lẫn với ánh trăng tỏa khắp dòng sông. Nhìn ra xa, như người tiên sống nơi Lạc Uyển, Giao Trì! Lại có những kỹ nữ của nhà nước trên mười sáu cái lầu, áo quần lộng lẫy, đón tiếp khách tứ phương. Thật là : "đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyện tiêu!"



Bão Văn Khanh ở cửa Thủy Tây. Cửa Thủy Tây ở gần cửa Tụ Bửu. Ngày trước ở Tụ Bửu, mỗi ngày có một trăm con bò, một ngàn con lợn, hàng vạn gánh lương thực đi qua. Bấy giờ thì có đến một ngàn con bò, một vạn con lợn và lương thực thì vô kể! Bão Văn Khanh vào cửa Thủy Tây - về nhà gặp vợ. Nhà Bão vốn mấy đời đóng trò. Nay lại trở về nghề cũ.



Ở cầu Hoài Thanh, có hai xóm tuồng và một nhà thờ Tổ sư. Ở cửa Thủy Tây cũng có một xóm tuồng và một nhà thờ Tổ sư. Ở xóm tuồng treo bảng danh sách các ban tuồng. Ai muốn diễn thì trước đấy mấy ngày, phải đến ghi tên mình và ngày mình định diễn vào một cái bảng. Tên Bão Văn Khanh ghi ở xóm Thủy Tây. Luật lệ của phường tuồng rất là chặt chẽ! Phàm ai trong ban hát làm một việc gì sai lầm thì tất cả ban đều đến nhà thờ Tổ sư, đốt hương rồi đem việc đó ra bàn, đáng đánh thì đánh, đáng phạt thì phạt. Người lầm lỗi không được cãi lại một lời. Lại có những ban bắt đầu thành lập từ niên hiệu Hồng Vũ, mỗi ban mấy mươi người, dựng một cái bia đá ở đền thờ Tổ sư, cả mười mấy người khắc tên vào một cái bia. Hơn nữa, ai có tên cha ông được khắc vào bia thì con cháu đi học diễn tuồng đều được xem là "con nhà nòi", mặc dầu ít tuổi cũng được gọi là "bậc đàn anh". Lúc bàn việc gì chung đều phải nói với các bậc đàn anh trước rồi mới dám làm. Tên của ông nội Bão Văn Khanh ở vào cái bia thứ nhất.



Bão về nhà. Sau khi lo sắm những việc cơm nước trong nhà, Bão bảo lấy sáo, tiêu, đàn tì bà, đàn tam huyền ra xem. Có cái thủng cả mặt, có cái bụi bặm bám đầy. Bão xem xong, để lại một nơi và đi đến một cái quán trà bên cạnh xóm hát để xem những người bạn hát. Vừa bước vào quán đã thấy một người đang ngồi ở đấy, đầu đội mũ cao, mình mặc áo ngọc thạch, chân đi giày đen đế trắng, đang ngồi một mình uống trà. Bão Văn Khanh đến gần nhìn xem thì ra người cùng ban hát với mình là Tiền Mặt Rỗ. Mặt Rỗ thấy Bão bèn nói:



- Ông Văn Khanh, ông về từ bao giờ thế? Mời ông vào quán uống trà chơi!



Bão Văn Khanh nói:



- Tôi mới ở xa về. Nhìn ông tưởng đâu là ông cụ Hàn Lâm, Học đạo nào bước lầm đến đây uống trà! Té ra ông bạn nối khố ngày nảo ngày nào!



Bão liền ngồi xuống uống trà. Mặt Rỗ nói:



- Ông Văn Khanh! Ông ở Kinh Sư thấy quan nhiều rồi. Bây giờ về nhà đem trò Hàn Lâm, Học đạo ra dọa anh em phải không?



- Này anh! Chỗ anh em với nhau tôi đâu dám thế? Nhưng anh ăn mặc, giày dép thế kia thì chắc chắn là bọn hát tuồng chúng tôi không dám làm. Anh ăn mặc như thế, rồi hạng nhà nho người ta ăn mặc cái gì?



- Bây giờ khác! Hai mươi năm trước đây quả như thế thực! Nhưng nay bọn hương thân ở Nam Kinh nếu có tiệc mừng thọ hay tiệc vui mà tôi cầm một ngọn đèn sáp đến là họ sẽ giữ tôi lại ngồi ở bàn. Dù họ là ông quan to đến đâu cũng cứ phải ngồi dưới! Còn trong bàn tiệc mà có anh chàng nào mới thi đỗ, thật tôi không có thèm liếc mắt nhìn đâu!



- Này anh! Anh nói thế là anh không biết an phận. Như thế thì đến kiếp sau anh vẫn còn phải làm anh hát tuồng, rồi còn phải làm lừa, làm ngựa cũng là đáng đời!



Mặt Rỗ cười vỗ vai Bão một cái. Người hầu bàn mang đồ điểm tâm lên. Øn xong, thấy ở ngoài có một người bước vào, đầu đội một cái mũ cao, mình mặc áo lụa, chân đi giày đen đế trắng, tay chống một gậy trúc đầu rồng.



Mặt Rỗ nói:



- Cụ Hoàng! Mời cụ đến đây uống trà!



Cụ Hoàng nói:



- Tôi tưởng là ai! Té ra hai ông! Đến trước mặt mới nhận ra. Lạ thật! Năm nay tôi đã tám mươi hai tuổi rồi, mắt cũng kém đi. Ông Văn Khanh! Ông về bao giờ thế?



- Tôi mới về nhà được vài hôm thôi, chưa đến thăm cụ được. Thật là thì giờ thấm thoắt, cách nhau như thế mà đã mười bốn năm rồi! Nhớ hôm tôi ra đi, tôi thấy cụ diễn tuồng "Người Hầu Trà" ở phủ Từ quốc công. Bây giờ cụ có ở trong ban không?



Cụ Hoàng hoa tay nói:



- Đã lâu tôi không đến nữa.



Mấy người lại ngồi xuống và đem thêm đồ điểm tâm ra ăn. Cụ Hoàng nói với Mặt Rỗ:



- Hôm trước ông Cử Trương ở ngoài Cửa Nam mời tôi với ông đến chơi cờ, tại sao ông lại không đi?



Mặt Rỗ nói: - Hôm ấy ban hát tôi có việc. Ngày mai là ngày sinh nhật ông Tiết ở ngoài Cổ Lâu. Ông ta mời ban hát của tôi đến diễn một buổi. Mai chúng tôi phải đến hát mừng ông ta.



Văn Khanh hỏi: - Ông Tiết là ai?



Cụ Hoàng nói:



- Ông ta đã từng làm tri phủ Đinh Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ông ta cùng tuổi với tôi - tám mươi hai tuổi. Triều đình cho ông ta làm tiên chỉ.



Bão Văn Khanh nói: - Nhìn thấy cụ chống gậy đi bộ ung dung như thế, theo tôi cũng đáng là tiên chỉ đấy?



Lại nói:



- Anh em xem cụ Hoàng có thua gì một ông tri phủ không? Ngay đến cả thượng thư và thị lang cũng đến như cụ Hoàng là hết nước!



Cụ Hoàng không hiểu rằng Bão lấy mình ra đùa, nên lấy làm đắc ý. Mấy người uống trà xong, ra về. Mặc dầu Bão Văn Khanh không thích cách cư xử của họ, Bão vẫn không nói gì. Bão muốn tìm một vài đứa trẻ để lập một ban mới của mình, vì vậy, Bão đi tìm khắp cả phố. Hôm ấy đến Cổ Lâu, gặp một người.



Nhân việc này:



Dịp may gặp gỡ, bạn bè kết nghĩa thêm thân;



phải lúc kết hôn, con em chịu ân càng nặng.



Muốn biết người Bão Văn Khanh gặp là ai, hãy xem hồi sau phân giải.