Hồi bé bé, buổi tối hay đi xem phim bãi, phim màn ảnh rộng chiếu ngoài bãi đất hoang nên gọi là phim bãi. Chiều chiều nhìn từ xa thấy cái phông vải trắng bóc dựng lên là biết ngay tối nay kiểu gì cũng có cái để xem.
Điện ảnh Liên Xô khi ấy đang thịnh hành, những bộ phim đã thành huyền thoại được chiếu đi chiếu lại mãi không chán, như “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, “Khi đàn sếu bay qua”... xem cũng hay nhưng nhân vật của bọn này hay ăn uống nhồm nhoàm nên nhìn rất ngứa mắt, vì dân mình khi ấy đang thời kỳ đói ăn. Cứ thấy mấy thằng béo tốt, ăn bánh mỳ với râu ngô, uống sữa... là ở dưới chửi râm ran “Định mệnh, an chi lắm rứa? Làm tụi tau thèm!”
Phim đang hay tự nhiên tắt cái rụp gọi là hết phim. Hết phim thì việc đầu tiên là cả rạp - à quên rạp gì - cả bãi chứ, ồ lên như bây giờ đang ăn cơm thì mất điện; tiếp theo là... chửi. Chửi ai? Thì chửi đoàn chiếu phim cái đã, mặc dù bọn ấy không cố tình để cho phim hết. Chửi có vẻ không ăn thua bèn chuyển sang nhặt đá ném rào rào vào loa. Công nhận kỹ thuật chế tạo loa khi ấy tốt thật, ném boong boong mà chả việc gì, có lẽ phải tốt như nồi nhôm Liên Xô khi ấy.
Cơ mà tài thật, những thằng chửi to nhất, tục và mất dạy nhất lại là những đứa chẳng bao giờ mua vé. Những đứa ném đá mạnh tay nhất cũng là những đứa xem chùa. Tài hơn nữa là “công chúng” trong bãi coi họ là những người hùng. Chỉ có người hùng mới dám chửi và dám ném đá!
À mà nếu bữa đấy phim mới quá, không đứt lần nào thì các người hùng có vẻ không ưng lắm. Không chửi và ném đá thì đếch thằng nào biết mình là người hùng nữa? Có phí không? Phim thời ấy có đặc điểm là cứ nhân vật chuẩn bị hun nhau là lập tức nó chĩa máy quay lên ngọn cây, đám mây hay thậm chí một đàn sếu đang bay dập dờn... ra vẻ gợi mở cho khán giả biết đoạn sau kiểu gì chúng nó cũng hun nhau, chúng tôi quay chim cò cho vui thôi, tự tưởng tượng đi! Những lúc như thế các người hùng lại vò đầu, bứt tóc chửi xa xả:
- Mịe.... đang hay thì....
- Tiên sư thằng quay phim đểu!
Lúc đó mình mới 9, 10 tuổi, hay nghịch ngu và lãng mạn vặt. Phim đánh nhau thì mình ưng, ngồi xem không chớp mắt mặc dù biết tỏng kiểu gì kết thúc phim cũng ta thắng, địch thua. Gặp những hôm chiếu phim Ba Lan, phim Liên Xô (nói chung là phim tây) xì xồ nhức hết cả đầu là mình cun cút lẻn về trước.
Về ngang qua lùm cây bên hàng rào nhà hàng xóm đêm nào cũng dừng lại hít hít hương của một loài hoa nào đó. Mùi nó thanh thanh, ngọt ngọt, nói theo văn vở bây giờ là rất nồng nàn. Tên hoa ý là gì thì chịu, vì hay đi về một mình mà những lúc đi một mình thường nghĩ lung tung và ngửi linh tinh nhất, giờ vẫn thế!
Lớn lên tí nữa, lúc này choai choai và bắt đầu thích gái rồi, vẫn chưa biết hoa ấy là hoa gì. Đi qua chỗ lùm cây rậm rạp này vẫn băn khoăn câu hỏi, hoa gì mà thơm thế? Rồi tưởng tượng nó màu tím ngắt, cánh e ấp, mong manh nhìn đẹp ơi là đẹp. Những hôm xem phim Liên Xô, phim Ba Lan ăn nhiều hơn bắn nhau là mình lại mò về một mình, cứ đi ngang qua chỗ có cái mùi nồng nàn kia thì dừng lại hít lấy hít để, nhưng sáng hôm sau đi học chả nhớ mẹ gì nữa.
Một hôm buổi trưa đi bắn chim, thằng bạn trèo lên cây hái xuống mấy chùm hoa vàng vàng, cánh dài thõng như ngón tay thằng nghiện, bảo ê hoa dẻ này. Mình đón lấy, hít mấy hơi, thì té ngửa vì nhận ra mùi này chính là cái mùi đêm nào đi xem phim bãi cũng gặp.
Khỏi phải nói, mình thất vọng ê chề! Hoa gì mà xấu kinh, đã thế đến cái tên cũng tởm lợm: Hoa Dẻ! Nhìn nó trần trụi trước mặt mà chán chả thèm ngửi nữa. Tưởng huyền bí, thơm tho và thánh thiện như nào, té ra cũng chả khác đám hoa lang, hoa muống và hoa cứt lợn mấy. Hoa cứt lợn tên văn học còn đẹp hơn: Hoa Xuyến Chi!
Sau hôm ấy về buồn mất mấy ngày.
Tự thấy ngu vì trót đi đến tận cùng của sự tò mò, để rồi bẽ bàng nhận ra rằng, nếu muốn yêu một thứ gì đó tốt nhất nên hiểu về nó ít thôi.