Viết đơn vào Đảng, niềm vui thì ít mà bực dọc thì nhiều. Tại sao con đường
đi của một đứa tiểu tư sản bao giờ cũng nhiều chông gai đến vậy? Đành
rằng vì tính chất giai cấp, nhưng mình vẫn thấy rõ một điều ngoài cái lẽ dĩ nhiên ấy. Có một cái gì đó bắt bẻ, gọi là bắt bí của một vài cá nhân có trách nhiệm. Chẳng biết nói sao, đời nó là như vậy đó. Dù thành tích anh có cố gắng bao nhiêu cũng không bằng một anh khác ở thành phần cơ
bản chỉ vừa mới giác ngộ bước đầu. Hường hồi còn sống thường động viên
mình rằng đó là chỗ hơn của một người tiểu tư sản!!! Hơn gì? Hơn khó
khăn, hơn cực nhọc hở Hường? Mình như một đứa con không gia đình lâu
ngày tìm về mẹ nhưng người mẹ ghẻ còn bận nâng niu những đứa con riêng
nên thờ ơ lạnh nhạt với đứa con chồng. Muôn người đã tạo nên một người
hiền vĩ đại là Đảng, nhưng trong muôn người mẹ ấy có một người mẹ (và
chắc không phải một người đâu) y hệt là một bà mẹ ghẻ trong câu chuyện
cổ tích!
27.8.68
Một cas mổ quan
trọng đã kết quả: thận giập nát đã được may lại. Máu ngừng chảy, nước
tiểu người bệnh nhân ấy đã trong lại bình thường. Lẽ ra niềm vui ấy sẽ
tràn trề, một mạng người được cứu sống nhưng sao mình rất bình thản
trước nụ cười và đôi mắt cảm phục của người bệnh nhân ấy. Một dòng máu
đã ngưng chảy nhưng bao dòng máu khác đã chảy và đang chảy? Phải hàn gắn được vết thương trên mình tổ quốc chúng ta kia. Bọn Mỹ như những con
quỷ khát máu đang cắn trộm chúng ta. Bao giờ đuổi được hết chúng ra khỏi đất nước Việt Nam lúc đó máu mới ngừng chảy.
29.8.68
Nhận thư Thúy Phượng từ Quy Nhơn gửi về. Chưa hề được gặp cô cháy xinh đẹp
ấy, nhưng mình thương Phượng vì lòng nhiệt tình, vì cuộc đời của Phương. Trong dịp đầu xuân, Phượng trên đường đi tòng quân đã bị Mỹ tập kích
bắn bị thương và ở tù từ đó đến nay. Vừa rồi Phượng đã thoát khỏi lao tù nhưng còn suy yếu nên chưa về được.
Cầm lá thư Phượng
gửi về, một tờ pơ luya dài nét chữ mềm mại bỗng nhiên mình nhớ tới Khiêm và thương Khiêm vô hạn. Phượng là bạn học của Khiêm, rất quý Khiêm. Nếu còn sống mình hy vọng một tình cảm tốt đẹp sẽ đến với những người ấy.
Hôm nay Phượng ở tù về nhưng Khiêm không còn nữa. Phượng ơi, nói như
cháu đó, những người đã ngã xuống một cách vẻ vang như vậy là hạnh phúc
rồi. Còn chúng ta… chúng ta cần phải sống với ngọn lửa căm thù cháy rực
trong tim, phải dùng ngọn lửa ấy đốt cháy kẻ thù. Nhớ nghe Phượng, hãy
nhớ rằng trên mảnh đất hôm nay đã thấm đượm máu và nước mắt chúng ta hai mươi năm rồi.
30.8.68
Mỗi ngày nghe tin thắng lợi trên hai miền đất nước, niềm vui tràn ngập nhưng nỗi buồn cũng nặng trĩu tâm tư.
Vì sao ư? Vì còn giặc Mỹ thì còn đau thương tang tóc, vì còn giặc Mỹ thì không có một hạnh phúc nào cả.
Anh Liên vào chơi hỏi vì sao mình xử sự như xưa nay đã đối với M.? Vì sao
hở anh, có trăm ngàn lý do mà chẳng hiểu nên giải quyết cách nào khác
cách giải quyết của em. Anh tưởng rằng em không đau khổ ư? Không đâu, nụ cười trên môi không phải là nụ cười trong lòng. Em không muốn nghĩ tiếp những điều mà càng nghĩ chỉ càng thấy buồn da diết. Em biết tin ai. Tin M.? Hay tin trăm nghìn dư luận quanh chuyện riêng tư của em? Em làm
theo ai? Theo mơ ước của em hay theo một thực tế mà rất nhiều người đã
chỉ cho em thấy?
Đừng hỏi nữa, tiếng súng trên chiến
trường đang vang dậy, hãy lắng nghe tiếng súng ấy và làm như khẩu hiệu
“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” ấy.
1.9.68
Gửi một món quà cho người bạn ấy, buồn vô hạn. Mình không muốn gửi cho ai
một vật gì chỉ là vật chất, và chắc người nhận cũng không bao giờ muốn
nhận một vật gì chỉ là vật chất. Vậy mà tại sao mình chỉ gửi một món quà không một chữ kèm theo, không một lời giải thích, không một câu thân
thiết dặn dò.
Có ai hiểu được lòng tôi không? Lòng một
cô gái giàu yêu thương, rộng lượng trong tình cảm, đồng thời cũng khắt
khe và đầy tự ái trong vấn đề đó.
Mẩu chuyện nhỏ hôm nay nói với mình những gì? Đó là bài học ư? Không, làm gì có bài học cay
đắng và vô nghĩa ấy, đó chỉ là lòng ghen tị hầu như tất yếu của người
đời. Đã gọi là tất yếu thì sao Th. còn thấy buồn đến xót xa thấm thía hở Th.? Đây là cơ quan, một môi trường mà khó khăn gian khổ đang từng giờ
từng phút thử thách với một cô gái tiểu tư sản như mình. Có gì đâu, nếu
Th. đã sướng nhiều rồi thì bây giờ hãy nếm mùi chông gai cay đắng của
cuộc đời. Biết sống sao đây, tốt hơn hết là Th. hãy ngẩng cao đầu mà
sống, sống với tình cảm trong sáng, với lý tưởng cao đẹp của mình. “Hãy
giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê,
cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin
tưởng…”.
Nói vậy mà vẫn thấy xót xa, cay đắng và cô đơn
lạ lùng. Quanh mình, M. xa rồi, Khiêm hy sinh rồi, Vân xa, chị Hai xa,
Nghĩa, Thường xa… Nỗi niềm tâm sự không phải dễ dàng thổ lộ với mọi
người.
5.9.68
Đêm chia tay với các
học sinh. Lòng mình cũng bồi hồi xao xuyến. Trên chiếc ghế quen thuộc
đêm nay, chị ngồi bên em, nghe em nói những lời thắm thiết tin yêu,
nhưng ngày mai em đi rồi. Em về chiến đấu với trăm nghìn khó khăn gian
khổ. Mong em hãy vững vàng. Chị rất hiểu em, người em đầy nghị lực, đầy
niềm tin và sức mạnh, nhưng… lấy gì để đảm bảo rằng em sẽ còn sống cho
đến ngày chiến thắng! Em dũng cảm vô cùng – chị tự hào vì em nhưng tự
đáy lòng chị vẫn lo âu… Sự lo âu rất chính đáng mà cũng rất sai. Sự lo
âu của một người đứng nhìn người thân của mình lăn vào cuộc chiến đấu
sinh tử.
Chào em, chị nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh
dưới hàng mi dài của em và đã đọc thấy trong đó tất cả những điều em
muốn nói. Đó là lòng tin yêu, sự lo lắng cho chị và sự nhớ thương khi xa cách. Chị hiểu rồi, hứa với em là chị sẽ xứng đáng là người em đã tin
cậy.
6.9.68
Chiều nay khu rừng ồn ào những tiếng người bỗng dưng vắng lặng. Chỉ còn lại tiếng gió gào rít
trên ngọn cây, tiếng ve sầu kêu rền rĩ khắp khu rừng. Gió đã lạnh, ngọn
gió của cơn bão hay ngọn gió lạnh của mùa thu đã về? Mình bỗng thấy
lạnh, cái lạnh làm tê da thịt và tê tái cả lòng. Nỗi nhớ nhung tràn ngập cả tâm hồn. Đây phải chăng là buổi chiều mùa thu khi sương chiều giằng
mờ trên những cánh đồng ngoại thành Hà Nội, một mình mình đạp xe từ ký
túc xá về trên con đường vắng. Gió lạnh vi vút qua các ngọn cây ven
đường, mình khẽ run khi qua một thân cây có hai nhánh.
Không, chiều nay gió lạnh nhưng lòng mình lạnh không phải vì thiếu một người
thân yêu mà là thiếu nhiều người thân yêu. Những người đó là ai ư? Là ba má, là các em, các cậu ngoài Bắc, là những đứa em ở dưới đồng bằng đang ngày đêm lăn lộn trong cuộc chiến đấu sinh tử, là những người đồng chí
thân yêu đã ngã xuống vì ngày mai thắng lợi. Và còn ai nữa ư? Phải chăng là những đứa em, những người đồng nghiệp trẻ mà bấy lâu nay vẫn quấn
quít bên mình hăng say học tập. Tất cả mọi người đã tạo nên một tình
thương vĩ đại đối với tôi… Xa mọi người sao htấy nhớ đến da diết vô vàn.
Tố Hữu nói:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng nương
Nhà thơ của mình sao lần này nói không đúng với riêng mình nhỉ? Bởi vì nỗi
nhớ với M. rất mờ nhạt, thậm chí Th. đã bắt mình quên đi nữa. Hay Tố Hữu đã nói đúng, bởi vì… M. đâu phải người yêu! Có ai yêu nhau mà lại như
M. đối với Th. đâu. Đó chỉ là một người bạn. Và đã là người bạn thì chỉ
có như vậy! Đâu phải là dễ dàng gì để mình nói như hôm nay hở M.?
8.9.68
Cơn bão số bảy. Năm nay bão nhiều, toàn những cơn bão lớn. Ở đây khu rừng
im lặng mà ở đó gió gào rít, những nhà sẽ đổ, những cây sẽ ngã. Có tai
nạn gì không hở miền Bắc thân yêu? Bão ngoài đó mà lòng mình cũng bão.
Lo âu, thương nhớ. Miền Bắc ơi, hãy vững vàng nhé, hãy hiên ngang như
những ngày chiến thắng. Dù sao chắc chắn cũng nhiều khó khăn. Trai tráng đã lên đường ra trận tuyến, những bàn tay phụ nữ ở nhà chống chọi với
bão chắc sẽ khó khăn.
Chiều nay sao mình tưởng như mình
đang ở trong căn nhà nhỏ của một xóm gần ven biển. Gió chiều se lạnh,
cầm chiếc áo len đan trong tay mà lòng xao xuyến nhớ thương. Gió lạnh
đầu thu đã về rồi đấy, mùa thu thứ hai xa gia đình, mùa thu thứ hai lăn
mình trong cuộc chiến đấu.
Và chiều nay những người thân yêu của ta đâu nhỉ? Những đứa em thân yêu dưới đồng bằng. Một người bạn đang xông vào tuyến lửa. Và một người thân đã yên nghĩ dưới nắm đất quê hương. Khiêm ơi, trời chiều đã đổi sang tím nhạt. Ở đó chắc Khiêm nghe
được tiếng sóng vỗ rì rào. Ở đó Khiêm có thể nhìn thấy con đường quen
thuộc từ Qui Thiện ra xóm mới. Có nhớ chăng những buổi chiều tím nhạt ấy hở Khiêm? Sao Khiêm im lặng? Khiêm đã im lặng vĩnh viễn không trả lời
Thùy nữa rồi.
10.9.68
Đọc thư Thuận. Bồi hồi cảm động trước tình thương nhớ thiết tha và rất đỗi chân thành của
Thuận. Lòng mình bỗng thấy ấm áp như có thêm một ngọn lửa nhỏ. Thuận ơi, tình cảm của em là một trong những nguồn cổ vũ chị trước mọi khó khăn,
giục chị đi lên hoàn thành nhiệm vụ. Hoàn cảnh và nghị lực của em là một tấm gương cho chị học tập và học tập mãi mãi.
Em buồn
và hỏi tại sao chị không nhận em là em trai như Thường và Nghĩa ư? Vì
chị muốn rằng tình chị em phải thiêng liêng cao cả. Chị thương em nhưng
chắc là chưa hiểu hết hoàn toàn về em và ngược lại chắc em chưa hiểu
hiết về chị. Vậy thì khoan đã nghe em.
Đêm nay chị ngồi
bên ngọn đèn khuya nghĩ nhiều về đứa em thông minh đầy nghị lực. Hãy
biết trân trọng những tình cảm cao đẹp mà ta đã dành cho nhau. Hãy thủy
chung trong tình cảm cao đẹp mà ta đã dành cho nhau. Hãy thủy chung
trong tình cảm và hãy xứng đáng với lòng tin cậy của nhau.
15.9.68
Về dự đại hội phụ nữ huyện. Sống giữa tình thương của các anh chị mình cảm thấy sung sướng. Đời là vậy! Đâu có phải chỉ là những lúc cô đơn.
Đường về đi bên suối nhỏ bỗng nhiên mình nhớ và thương Thuận lạ lùng. Tình
thương ấy chỉ là tình chị em mà sao cũng làm mình nao nao một cách kỳ
lạ. Mình ìhnh dung như thấy một căn nhà lạnh lẽo với ngọn đèo hiu hắt
trên bàn thờ. Thuận đi công tác về lủi thủi một mình ăn khuya rồi cột
võng nằm, điếu thuốc trên môi và khói vương trong gian nhà vắng. Còn ai
nữa đâu ngoài bạn bè anh em đồng chí. Khi trở về nhà, Thuật một mình một bóng. Muốn dùng tình cảm chân thành động viên và sưởi ấm cuộc đời đứa
em tội nghiệp đó. Gửi thư cho Thuận rồi vẫn thấy rằng nói chưa được một
phần ý nghĩa. Thuận ơi! Em có xứng đáng với tình thương của chị không?
17.9.68
Nghe chị Cấp kể lại ngày Khiêm hy sinh càng thương Khiêm đến đứt ruột. Khiêm chết rồi, đầu giập nát, chân tay bay mất một bên. Khiêm nằm phơi trên
bãi cát quê hương. Cha Khiêm hai tay bị trói chặt, vai ròng ròng máu vì
vết thương. Khi nhìn thấy xác Khiêm dòng nước mắt ông tuôn trào, trong
đôi mắt rực lửa căm thù và đau xót ấy người ta đã thấy tình thương vĩ
đại của người cha.
Khiêm chết rồi, mẹ Khiêm đứng trước
xác con mà không còn biết gì nữa, cho đến hôm nay bà vẫn chưa hồi phục
lại. Những lúc tỉnh táo là những lúc bà khóc thương con.
Khiêm ơi! Ở bên kia thế giới có thấy hết nỗi đau buồn của những người còn
sống không Khiêm? Ba má Khiêm chưa cạn dòng nước mắt và một bạn gái
Khiêm chưa cạn dòng máu chảy trong tim.
19.9.68
Đại hội huyện đoàn Thanh niên, sống giữa niềm vui của lớp thanh niên lớn
lên trong chiến đấu. Được gặp và nghe các em thiếu nhi báo cáo điển
hình.
- Em Hoàng 14 tuổi trong sáu tháng đầu năm giết
được 6 lính Mỹ, đánh lật 2 xe tăng bằng vũ khí tự tạo, lấy được 7 súng
giặc trong đó có 2 cối cá nhân và các loại khác.
- Em An Phổ Châu lấy 5 súng, có 2 cối cá nhân, một đài RC.
Các em đã anh hùng từ trứng nước.
Tự hào thay tuổi trẻ của chúng ta.
27.9.68
Kết nạp Đảng.
Cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”.
Còn niềm vui, sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hở Thùy?
Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã
mệt rồi, miếng sữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái
thú vị của nó nữa.
Và trong giờ mặc niệm những người đã
hi sinh vì sự nghiệp của Đảng, mình đau xót nhớ thương những người thân
yêu trên đất Đức Phổ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh sinh tử này.
5.10.68
Một cas tử vong phẫu thuật cắt đoạn(17). Đó là một bệnh nhân già sáu mươi
sáu tuổi nhưng sức còn khỏe, đó là một Đảng viên già đã hai mươi ba năm
trời liên tục chiến đấu. Gia đình và bệnh xá đã tận tình cứu chữa mà
cũng không sao cứu thoát cho ông già. Riêng mình – dù tập thể và chính
con trai ông già đã xác định và thừa nhận mình không có lỗi mà chỉ có
lòng tận tình cứu chữa – nhưng mình vẫn thấy xót xa. Vì sao ông chết? Vì kỹ thuật? Cũng không phải, tuy là cas đầu tiên cắt cụt nhưng mình cũng
vẫn bình tĩnh vẫn đảm bảo thời gian và kỹ thuật. Vậy thì vì sao? Vì
không truyền được lọ plasma? Nhưng sự việc này cũng không biết nói sao,
cứ truyền đúng vào, ven lại trật ra do ông già quẫy cựa. Buồn vô cùng!
Sao một cas tử vong không đáng tử cong lại không rút ra được bài học gì
đích đáng cả?
6.10.68
Có những lời nửa
đùa nửa thật ghen với tình thương mà mọi người đã dành cho mình. Mình
cũng suy nghĩ về những lời nói đùa đó nhưng suy ra cho cùng đâu phải mọi người thương mình vì hai chữ Bác sĩ. Những lá thư thắm thiết, những món quà gửi đến mình gói ghém tình thương của nhiều người với một người
thân, hoàn toàn không phải là một lễ vật đối với một thầy thuốc mà chỉ
là tình cảm của những người chị, người em, người anh, người bạn đối với
mình mà thôi. Có điều đôi lúc mình cũng tự hỏi rằng người ta có thực hay không, sao mà nhiều đứa em, nhiều người bạn dành cho mình một vị trí
duy nhất thương yêu trong tình cảm như vậy?
8.10.69
Nắng đầu thu tươi vàng óng ả tràn ngập cả khu rừng. Nắng đầu thu với những
cơn gió se môi và se cả lòng người. Lại nhớ… nhớ mênh mông sâu thẳm như
lòng đại dương đang ôm tròn thân mình dải đất Việt Nam. Nhớ từ một người bạn hiền lành, kín đáo có ngôi nhà nhỏ cuối phố Đội Cấn, nhớ đến đứa em tinh nghịch có mái tóc mềm kẹp bổng lên cao, nhớ một đứa em trai miền
Nam vừa gửi thư tạm biệt trước lúc lên đường đi học, nhớ một đứa em thân thiết có đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài và nhớ sao một người thân
yêu đã vĩnh viễn nằm yên nghỉ trên bờ biển quê hương.
Đất nước ơi! Bao giờ cho nhớ thương nguôi bớt, bao giờ cho đất nước thanh
bình? Mình biết ngày thắng lợi không xa nữa nhưng sao vẫn thấy hạnh phúc xa vời quá. Liệu có được thấy ngày hạnh phúc ấy nữa không? “Người cộng
sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần vẫn có thể nhẹ nhàng mà chết được”.
Chết mà vẫn yêu sao cuộc sống, cuộc sống mà người ta đã đổi bằng mồ hôi
nước mắt và máu xương suốt hai mươi ba năm nay.
10.10.68
Kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô trên đất miền Nam rực lửa. Một cảm giác bồi hồi xao xuyến. Hà Nội giải phóng… Hình dáng tiều tụy của những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua chiếc cầu Long Biên đi về hướng bắc. Hà Nội giải phóng mười bốn năm rồi, dù trong bom đạn Hà Nội của ta vẫn
đứng lên mạnh khỏe. Mình vẫn nghe được tiếng cười trong trẻo của các em
học sinh trên sân trường. Mầm non ở đường Hàng Bông Nhuộm(18), vẫn như
nghe thấy tiếng tàu điện chạy leng keng trên đường phố. Hà Nội ơi, nhớ
Hà Nội bao nhiêu lại thương Sài Gòn, Huế và hàng trăm thị xã thành phố
trên mảnh đất còn đau thương khói lửa bấy nhiêu. Cuộc đấu tranh này ác
liệt chưa từng thấy và trong ác liệt ấy chúng ta đã chiến đấu dũng cảm
kiên cường chưa từng thấy. Ai còn ai mất khi nước nhà được độc lập? Nếu
như mình có chết cũng đã được hưởng những ngày XHCN rồi. Còn trăm nghìn
vạn những người lớn lên chỉ biết có đau thương gian khổ khư Khiêm,
Hường, Lý, Tuấn, Hùng, Thọ… và còn nhiều nữa ngã xuống mà chưa hề được
hưởng một ngày hạnh phúc. Đau xót biết chừng nào!
11.10.68
Nghe tâm sự một người bạn muốn gửi niềm hy vọng ở mình và yêu cầu mình trả
lời. Không do dự mình trả lời chỉ xem anh như một người bạn, không có gì hơn. Mình nói thêm: Lòng mình đã dẹp mọi mơ ước riêng tư để tập trung
vào công tác.
Mình đã nói thực với lương tâm nhưng chưa
thực với con tim mình. Thực ra mối tình với M. vẫn làm trái tim mình rớm máu. Muốn quên đi, lòng tự ái đã giúp mình quên M. nhưng vẫn có những
lúc mình nhìn lại đau xót như người vừa đánh vỡ một vật quý vô giá mà
không sao tìm lại được nữa. Đêm nay mở lại những trang thư cũ lòng biết
bao cay đắng xót xa. M. ơi, nét chữ anh chưa nhòa trên trang giấy mà sao hình ảnh anh đã phai nhòa trong cuộc sống của em. Anh đã chôn vùi một
mối tình đẹp đẽ, anh đã làm trái lại điều mà em nâng niu trân trọng suốt tám năm ròng. Ai cũng nói với em rằng chắc rồi mọi chuyện sẽ qua đi,
rồi ta lại về với nhau như bao người mong muốn. Nhưng riêng em, em hiểu
rằng vậy là hết – một tấm gương đã vỡ làm sao cho lành lại được nữa? Một chén nước đã đổ rồi làm sao hớt lại được nữa đâu?