Nhất Kiếm Động Giang Hồ

Chương 4: Bệnh tây thi

Đông Môn Trường Thanh quét mắt khắp lượt hỏi chung :

- Ta muốn nêu một câu hỏi: Ai đã cho các vị biết tin Lý Tam Lang có mặt tại Quan Đế miếu?

Tư Mã Thường đáp :

- Ta nghe thiên hạ đồn. Các vị chắc cũng vậy.

Đông Môn Trường Thanh nói :

- Đấy, vấn đề là ở chỗ đó. Ai cũng chỉ nghe thiên hạ đồn cả. Điểm đáng ngờ là chỗ đó!

Tư Mã Thường hỏi :

- Đáng ngờ điều chi?

Đông Môn Trường Thanh đáp :

- Lý Tam Lang có mặt tại Quan Đế miếu. Câu này không ai biết đã do kẻ nào nói ra đầu tiên. Chính kẻ ấy đã dụng tâm phao tin nhằm một lý do nào đó.

Đỗ Thập Nương chớp chớp mắt hỏi :

- Theo lão bá kẻ đã tung tin ấy nhằm tư ý gì?

Đông Môn Trường Thanh giải thích :

- Kẻ ấy đã mượn cửa miệng của mọi người truyền bá ra tin tức về Lý Tam Lang, mục đích thứ nhất là thu hút các nhân vật giang hồ khắp nơi tề tựu đến Quan Đế miếu này.

Đỗ Thập Nương lại hỏi :

- Nhưng làm như vậy có lợi gì?

Đông Môn Trường Thanh cười lạt nói :

- Kẻ ấy đã không thể mở đại yến mời thì dùng mồi Lý Tam Lang mà gọi võ lâm giang hồ đến Quan Đế miếu để làm gì...

Lão bỏ lửng câu nói.

Tư Mã Thường cau mày xen lời, hỏi :

- Chiếu theo luận điệu của lão thì kẻ phao tin có thể là Lý Tam Lang chăng? Để tung một mẻ lưới triệt hạ cả giang hồ chăng?

Đỗ Thập Nương rạng rỡ dung nhan, đôi mắt đắm đuối nhìn vào khoảng không, rồi tươi cười nhìn mọi người reo mừng :

- Nếu là Lý Tam Lang tung tin giăng mẻ lưới này, thì riêng đối với ta chàng sẽ không hạ thủ, vì ta là của chàng và chàng là của ta...

Nam Cung Thu Lãnh ngắt lời :

- Nhưng Lý Tam Lang e rằng không biết thương hương tiếc ngọc đâu!

Đỗ Thập Nương quắc mắc hằn học trả đũa :

- Lý Tam Lang không biết thương hương tiếc ngọc thì các hạ biết chăng? Hừ, các hạ làm gì hiểu chuyện bằng ta. Cho các hạ hay, tiểu Tam Lang của ta là con người hào hoa phong nhã nhất, đa tình đa cảm nhất, ôn nhu dịu dàng nhất, phóng khoáng, hiệp nghĩa nhất... Chớ đâu phải như các hạ, tối ngày chỉ biết băng giá lầm lì, chỉ biết sát nhân!

Nam Cung Thu Lãnh gượng cười nói :

- Nhưng riêng đối với nương tử ta không đối xử như thế đâu!

Đỗ Thập Nương hững hờ :

- Tình ý ấy của các hạ chỉ đáng cho ta nghe qua rồi bỏ...

Nam Cung Thu Lãnh hơi gắt giọng :

- Xem chừng nương tử đã khinh người quá!

Đỗ Thập Nương đảo tròn đôi mắt đẹp, gương mặt vẫn rạng rỡ, nhưng dường như phảng phất một làn sát cơ nói :

- Tưởng các hạ nên tự soi gương, xem đã có được bao nhiêu đức tính. Ta không chê các hạ đâu, mà nói thiệt, dù các hạ nguyện ý rửa chân ta cũng không xứng... Ban nãy ta đã nói như vậy rồi.

Nam Cung Thu Lãnh giương mày trừng mắt, thanh đao trong tay lại lăm le, cười lạt gằn giọng :

- Ta cũng đã nói rồi, sẽ có ngày ta chiếm trọn con người nương tử, hoặc giết đi.

Không thấy Tư Mã Thường cử động mà đã đứng chắn trước mặt Đỗ Thập Nương, cặp mắt xanh biếc xạ vào Nam Cung Thu Lãnh.

Bật cười mỉa mai Nam Cung Thu Lãnh quắc mắt nhìn lại nói :

- Không ngờ “Đại Hoàng Phong” cũng là kẻ phường tuồng biết đóng vai sứ giả hộ hoa.

Nhưng trơ trẽn quá. So sánh ra các hạ còn kém ta nhiều, dù múa may gì đi nữa, giai nhân cũng chả đoái hoài đau. Hãy soi gương...

Tiếng “gương” y thốt ra chưa trọn thì Tư Mã Thường đã thành một đạo hoa quang, cả người lẫn kiếm xô lên bực thềm đá. Đồng thời, từ trên bậc đá Nam Cung Thu Lãnh cũng phóng ra một lằn chớp sáng bạc.

“Choang”!...

Kiếm đao chạm nhau toé lửa.

Tư Mã Thường đã trở về chỗ cũ, đứng vững như trụ đồng cách dưới chân thềm một bước.

Nam Cung Thu Lãnh thoái bộ lên cao thêm một bực đá nữa.

Trong tay Tư Mã Thường cầm chênh chếch thanh trường kiếm kỳ dị.

Nam Cung Thu Lãnh hoành ngang bảo đao trước ngực.

Song phương vừa trao đổi một chiêu nhanh hơn thiểm điện.

Bỗng nghe Đỗ Thập Nương lảnh lót kêu lên :

- Chao ôi! Hai vị đang trò chuyện vui vẻ với nhau sao lại động thủ! Nam Cung các hạ kể cũng tệ, thiếu chi lời hay ý đẹp không dùng, lại nặng tiếng làm gì với Tư Mã huynh, như vậy chẳng sinh sự sao được! Đáng tiếc! Đáng tiếc!

Đông Môn Trường Thanh thản nhiên bước lại một góc đại điện chậm rãi ngồi xuống.

Đỗ Thập Nương tặc lưỡi :

- Lão bá! Lẽ nào lão bá điềm nhiên toạ thị lưỡng hổ xâu xé? Nhờ lão bá khuyên can một lời!

Đông Môn Trường Thanh mỉm cười đáp :

- Khuyên can thế nào đây? Họ đã đến Quan Đế miếu này để tìm Lý Tam Lang nhưng lại nổi hứng muốn sát hạt lẫn nhau trước khi gặp Lý Tam Lang thì càng tốt!

Nam Cung Thu Lãnh mà Tư Mã Thường chưng hửng, mặt lộ sắc e thẹn, chẳng hẹn mà đồng thời đút lẹ đao kiếm vào vỏ.

Đông Môn Trường Thanh thở dài nói thêm :

- Lão phu nhắc lại, tất cả chúng ta đều bị một kẻ nào đó phao tin đánh lừa, tự tập trung lại đây để hứng hoạ vào thân. Đã biết vậy rồi mà chẳng lo biện pháp đối phó, cứ mãi tranh chấp nhau.

Tư Mã Thường chớp chớp cặp mắt ti hí, ngó Đông Môn Trường Thanh khẽ gật đầu, mặc nhiên tỏ ý bội phục và đa tạ lời cáo khéo của lão.

Đỗ Thập Nương cũng nhìn lão băn khoăn hỏi :

- Lão bá! Theo ý lão bá thì vụ này có thể do tiểu Tam Lang chủ động đánh lừa mọi người chăng?

Đông Môn Trường Thanh không trả lời.

Đôi mắt lão bỗng sáng quắc ánh hào quang, xạ về phía hành lang bên phải gần đại điện.

Từ hướng ấy chợt ré lên một tràng cười quái dị và tiếp theo liền một giọng nói ú ớ, ngọng nghịu :

- Không nên ngờ oan cho Lý Tam Lang, người đánh lừa các vị đến đây chính là ta!

Chính là ta!

Nam Cung Thu Lãnh, Tư Mã Thường, Đỗ Thập Nương đều rung động, biến sắc, vội đảo nhãn nhìn qua hành lang hữu.

Liền tiến ra ba người.

Ba người này tay trong tay, vai chen vai nhau, rõ ràng là ba người nhưng bên dưới chỉ có bốn chân.

Ba đầu người, ba thân người, sao lại có bốn chân thôi? Quái lạ!...

Họ gồm hai nam, một nữ.

Nữ nhân đi giữa, hai nam nhân kèm sát hai bên.

Hai nam nhân lùn tịt, mập ú như hai quả cầu thịt, lưng như cái thùng tròn gồ hẳn lên, mắt tròn xoe, lúc đi những mảng thịt khắp khắp châu thân đều nhảy múa.

Đầu gần như liền với mình, tựa hồ như không có cổ, nhưng dưới cằm lại thừa cái nọng thật to. Hai chân lớn không kém chân voi, từng bước kêu huỳnh huỵch và các đụng thịt chạm nhau “phạch, phạch”. Trông họ quá phục phịch nặng nề, tưởng chừng cả nửa ngày mới đi được một bước mà thôi.

Cả hai đều đội mũ văn nhân, đều mặc y phục bông hoa sặc sỡ và đều cài trường kiếm trên lưng, chuôi kiếm nhô lên khỏi đầu.

Nữ nhân ở giữa nhưng khỏi đi mà ngồi trên hai cánh tay ngắn ngủn của hai nam nhân lùn câu vào nhau.

Nữ nhân ngồi thật thoải mái như ngồi kiệu, hai tay choàng lên hai vai nam nhân lùn hai bên, trông rất gắn bó nhau, nhưng càng làm nổi bật sự khác biệt trái ngược hẳn nhau: hai nam nhân thì mập ú thái quá mà nữ nhân lại gầy gò đúng mức!

Chính vì một nữ ngồi, hai nam khiêng như thế nên bên trên ba người mà bên dưới chỉ có bốn chân.

Về niên kỷ thì hai nam nhân xuýt xoát nhau, chừng ba mươi tuổi trở lại. Nữ nhân khoảng trên năm mươi.

Nữ nhân tuy gần xấu nhưng đánh phấn tô môi rất kỹ, tóc búi cao, giắt thêm một đoá hoa hồng. Đôi mắt “nàng” cực kỳ nham hiểm, mũi không thấy sống, chỉ thấy hai lỗ đen ngòm, mồm nhỏ mà nhọn. “Nàng” vận một bộ cung trang màu hồng chói lọi khiến nét xấu càng thêm già xấu.

Đỗ Thập Nương nhíu mày lẩm bẩm :

- Quái gở, gớm ghiếc đến đứng tim mất!

Nữ nhân mới tới ngó Đỗ Thập Nương chẩu môi tựa như cười hỏi :

- Đại tẩu! Vẫn an khang chứ? Sao mà nhăn nhó thế? Đã mang thai rồi chăng? Cung hỉ!

Cung hỉ!...

Đỗ Thập Nương vốn không sợ trời, chẳng sợ đất, bất chấp ai mỉa mai, mắng nhiếc thế nào cũng coi thường. Nhưng nàng kỵ nhất khi bị gọi “đại tẩu” và chúc mừng nàng mang thai.

Mặt hoa thoắt tái nhợt nộ, nàng vụt lướt tới vung song chưởng tống thẳng vào ngực nữ nhân gầy xấu.

Nàng ra chiêu thần tốc, hoàn toàn bất ngờ, vận dụng toàn thân công lực quyết đánh một đòn cho vàng tan đá nát mới đã nư giận.

Cả hai chưởng Đỗ Thập Nương đều đánh trúng.

Nhưng nàng bỗng rú lên, loạng choạng lùi lại, ngồi phệt luôn xuống đát, song chưởng đau nhức tê buốt như vừa đập vào vách sắt tường đồng.

Thì ra trong chớp mắt qua, khi song chưởng nàng đánh tới, nữ nhân chẳng buồn để mắt tới, chỉ riêng nam nhân lùn phía tả xoay người một cái, đưa lưng hứng trọn chưởng lực, rồi lại hoàn bộ đứng như cũ, như chẳng hề có chuyện gì xảy ra hết.

Xú nữ nhân chưng hửng ngó Đỗ Thập Nương rồi quay lại, véo tai nam nhân lùn bên tả, cất giọng ngọng ngịu hỏi :

- Cưng! Cưng đã làm gì khiến đại tẩu có vẻ khó chịu thế?

Nam nhân lùn dựng mặt lên đầy đắc ý, the thé lên tiếng :

- Ái hậu! Đừng lo, đại tẩu không mất mạng đâu! Chẳng qua là vì ta không thể để vóc ngọc ngà của ái hậu phải va chạm với bàn tay phàm tục, xấu xa của đại tẩu nên ta đưa lưng ra che chở cho ái hậu vậy mà!

Xú nữ nhân thích quá cười rộ, giọng cười “ạp ạp” giống hệt vịt kêu, khen ngợi :

- Hay quá! Cưng nói nghe hay tuyệt! Nào, cho ta “thơm” một cái!

Dứt lời thị liền vít lấy đầu hán tử lùn, chõ môi hôn vào má hắn thật lâu. Hắn lim dim mắt, mồm quên ngậm lại, đê mê cả hồn phách.

Hán tử lùn bên hữu bỗng “hừ” một tiếng, nhắm mắt lại trề môi quay mặt đi.

Xú nữ nhân lại cười “ạp ạp” nói :

- Ui chao! Cưng của tôi ăn giấm chua, nổi ghen rồi. Nào, chóng ngoan cho ta “thơm” một cái.

Và thị lại tái diễn ngay trò hôn hít với hán tử lùn bên hữu khiến hắn cũng đắm đuối y như hán tử bên tả.

Từ Đỗ Thập Nương đến Nam Cung Thu Lãnh, Tư Mã Thường đều lợm giọng trước hoạt cảnh trơ trẽn ấy, phải cau mày quay mặt, chẳng dám nhìn.

Riêng Đông Môn Trường Thanh vẫn an tương, điềm nhiên ngồi bất động cơ hồ không trông thấy tần tuồng trước mắt.

Mãi đến bây giờ Đỗ Thập Nương mới sực nghĩ ra, mắt nàng sáng lên, buột miệng hô :

- Bệnh Tây Thi!

Nam Cung Thu Lãnh và Tư Mã Thường đồng sửng sốt chấn động tâm thần.

Xú nữ nhân ạp ạp cười híp mắt, thao thao nói một hơi dài :

- Đại tẩu, rốt lại đã nhận ra ta là ai rồi! Trên thế gian có bốn đại mỹ nhân, tuy kể theo thứ tự thì ta đáng đứng sau rốt nhưng luận về sắc đẹp thì ta đáng đứng đầu. Bao Tự phải lùi xuống, hồ ly Đắt Kỷ phải nhường ta, Dương Quý Phi thì bì với ta thế nào được.

Trong truyện cổ có tứ đại mỹ nhân: tiếu Bao Tự, hận Đắt Kỷ, túy Dương Phi, bệnh Tây Thi.

Trong đương thế võ lâm cũng có đủ bốn nữ nhân thu lấy danh hiệu như thế, mà hiện tại Bệnh Tây Thi đang có mặt tại đây.

“Tứ đại mỹ nhân” của võ lâm vốn lợi hại ở chỗ nào và thiện nghệ về tuyệt kỹ gì không ai biết rõ, chỉ hiểu rằng người võ lâm, hễ mười là có đến chín đều phải sợ bốn nàng. Cứ nghe nói có một trong bốn nàng đó đến là người ta phải lẹ lẹ chạy lánh cho xa.

Đỗ Thập Nương lập tức tiêu tan hết những uất ức, giận hờn, mau mau bò dậy, phủi quần áo, cúi đầu êm êm lùi ra một góc. Nàng biết, chẳng nên trêu vào Bệnh Tây Thi, âu là nhịn nhục cho xong.

Nhưng Bệnh Tây Thi vẫn chưa chịu buông tha, đôi mắt ngó theo nàng gọi to :

- Tào đại tẩu! Không phải!... xưng hô như vậy có điểm thiếu cung kính, cần phải kêu bằng thiếu phu nhân mới đúng. Ồ lạ nhỉ? Tại sao thời khắc này thiếu phu nhân không nhàn hạ ở “An Lạc sơn trang” mà hưởng phúc tiên lại lẻ loi đến đây một mình vậy? Tại sao không thấy vị “Ngọc Lang Quân” Tào thiếu trang chủ cùng đi với thiếu phu nhân? Hỡi ôi! Đã như song phụng song ngư mà tách rời, thiếu phu nhân thì đi ngoài ngàn dặm tìm Lý Tam Lang, còn Thiếu trang chủ ở nhà một mình sao khỏi cô đơn, làm thế nào ăn ngon, ngủ yên cho được!

Chẳng đặng đừng Đỗ Thập Nương phải ngẩng đầu lên tươi cười thiên kiêu bá mị ứng tiếng :

- Tây Thi đại thư! Đều là nữ nhân, đều cũng đến đây tìm Lý Tam Lang như nhau sao đại thư lại hỏi làm chi những điều ấy?

Bệnh Tây Thi cười ạp ạp nói :

- Thiếu phu nhân nhắc khéo ấy. Đáng tiếc, dù cùng là nữ nhân, thương nhau lắm nhưng ta không thể dành ngoại lệ cho một ai được. Mà bất luận kẻ nào, bất luận nam hay nữ đã đặt chân vào Quan Đế miếu này rồi thì đều nhất luật không còn một ai rời thoát!

Từng tiếng cuối câu thị nhấn mạnh, lạnh như băng, hiển nhiên không phải là lời nói đùa.

Mọi người tại đương trường đều ngầm ngầm khẩn trương. Bầu không khí trở nên im phăng phắc, âm u như mộ địa.

Một hồi, bỗng Đông Môn Trường Thanh buông chuỗi thở dài từ từ nói :

- Các bằng hữu đều nghe rõ cả đấy. Bệnh Tây Thi cô nương lợi hại đến bực nào chúng ta đều biết. Vậy đừng ai nuôi chủ ý bỏ chạy nhé, không được đâu. Nào, chư vị đều đã đến đủ kia rồi, sao còn chưa vào đây họp mặt cho vui?

Lão vừa dứt lời liền nghe tứ phía phần phận tiếng gió, ào vào đại điện với hàng loạt bóng người.

Thêm mười mấy nhân vật võ lâm xuất hiện.

Họ gồm đủ hạng già, trẻ, cao, lùn, gầy, mập... trong số đó có một nam tiểu hài nhi, đầu để tóc trái đào.

Tiểu hài nhi phi thân vào đại điện sau rốt. Chỉ là một tiểu hài nhi thôi, mà những nhân vật khác thoạt trông thấy liền biến sắc, đều lùi lại một bước, cách xa chỗ gã vừa đặt chân đáp xuống.

Gã đứng đó, nét mặt lạnh lùng.

Mười mấy nhân vật mới tới đều là những đại cao thủ khét tiếng võ lâm. Có người đeo kiếm, có người mang đao, có người dùng roi da, có người giắt bút, có người cầm ngân thương...

Chỉ riêng tiểu hài nhi là dùng loại binh khí khác hẳn. Hai bên hông gã mang hai chiếc phèng la lớn, nước đồng sáng loáng, không ngời chớp động, choá mắt mọi người.

Bệnh Tây Thi ạp ạp cười một tràng dài nói :

- Thạnh hội! Đúng là đại thạnh hội! Không ngờ cái chiêu bài Lý Tam Lang lại có sức hấp dẫn mãnh liệt như thế này. Bình thời, dễ gì gặp đông đủ bằng bây giờ. Để ta xem có những vị nào... À, đây “Trung Nguyên song kiếm” này! “Liêu Đông tam đao” này! Kia là “Mang Sơn Quỷ Tiều”! Và “Đồng Tiên”! Với “Song Thương Tương”! Lại có “Tứ Đại Chùy”!

Cũng có mặt cả “Phi Bạt Đồng Tử” tiểu huynh đệ...

Tiểu hài nhi “hừ” một tiếng lạnh lùng ngắt lời :

- Cái gì mà tiểu huynh đệ? Tuổi của ta e rằng còn lớn hơn phụ thân ngươi nhiều!

Bệnh Tây Thi hững hờ nói :

- Khổ nổi, dáng dấp mặt mũi thì oắc con mà cứ ham được người ta gọi là ông lão!

Phi Bạt Đồng Tử trợn mắt cảnh cáo :

- Xú bà nương! Hạng nhãi ranh phải giữ mồm giữ mép trước mặt ta, nghe chưa!

Hai hán tử lền nhất tề quát :

- Tiểu tử! Ngươi vừa gọi lão bà của ngươi bằng gì?

Phi Bạt Đồng Tử lạnh lùng đáp :

- Xú bà nương, nghĩa là con mẹ xấu xí dơ bẩn! Nghe rõ chưa?

Hai hán tử lùn tái mặt, rập ràng đặt Bệnh Tây Thi xuống đất.

Động tác của hai gã thật ăn khớp, mới trông thì phục phịch chậm chạp nhưng kỳ thực hết sức gọn gàng, thần tốc.

Bệnh Tây Thi thản nhiên, chẳng nói gì.

Hai hán tử lùn đồng quay lại, nhãn tuyến rực lửa vào Phi Bạt Đồng Tử.

Toàn trường lặng trang chờ đợi trong chớp mắt sẽ diễn ra một trận quyết đấu khốc liệt...