Nguyệt Hiên

Chương 24: Hồi kết

Ba ngày sau.

Với kỹ thuật phẫu thuật đệ nhất thiên hạ của hai lão thái y, sự trợ giúp đặc biệt bằng tâm linh của con rễ trưởng tộc Hỷ tộc – Lý Thiên Vũ, việc ghép mắt của đức vua thành công và hôm nay là ngày tháo băng để thu kết quả.

Từng vòng băng bằng lụa vàng được cẩn trọng tháo xuống, Thanh Long từ từ mở mắt, ánh sáng lại trở về. Thanh Long quay người nhìn sang hoàng huynh đang ngồi bên cạnh. Người anh song sinh giống mình như tạc hiện đang ngồi đó, bên cạnh chàng, gần thật gần mà xa thật xa. Dáng vẻ đó phong trần hơn chàng tưởng, gầy hơn ngày từ biệt ở hoàng cung, tóc đã vương sợi bạc và bây giờ đây đôi mắt sáng kia không còn nữa, vùng mắt đó hiện bị băng kín bởi những vòng băng trắng muốt.

Đôi bàn tay Thanh Long chạm vào khuôn mặt sạm đi vì nắng gió, Kim Long cũng đưa tay nắm lấy bàn tay quyền quý của em mình.

- Hoàng huynh. Đệ đã nhìn thấy huynh…

Nhị vị thái y, thái giám và Thiên Vũ biết lúc này mình nên lánh mặt cho anh em họ được tự do nói chuyện, vì vậy bọn họ cúi đầu chào rồi lui hết ra ngoài.

Đôi mắt Thanh Long rưng rưng lệ khi nhìn thấy hoàng huynh đổi thay nhiều đến vậy. Kim Long cười hiền từ:

- Hoàng thượng, đừng như vậy, đừng khóc, đệ đã trưởng thành rồi chứ đâu phải trẻ con.

- Huynh hà tất phải làm như vậy, huynh có thể thay đệ nắm giữ hoàng vị. Anh em ta tuy hai mà một, thiên hạ này vốn thuộc về huynh…

- Thuộc về ta hay thuộc về ai không quan trọng, chỉ cần bách tính được no ấm không phải sống cảnh túng thiếu lầm than thì ai làm vua mà chẳng được. Ba năm qua, phiêu bạt giang hồ ta chợt nhận ra nơi đó thích hợp với ta hơn sống cảnh tù túng ở hoàng cung. Đệ lại quen ngày ngày được quần thần chúc tụng nếu kể từ nay mọi sự đổi thay hẳn là buồn tẻ lắm…

- Đệ không quan tâm.

- Dù sao mọi chuyện đã xong rồi, mắt ta giờ trên người đệ, hãy dùng đôi mắt đó nhìn thiên hạ, cũng như ta nhìn thiên hạ vậy. Mấy năm qua đệ đã thông thấu cách trị dân, sai lầm đã qua của ta lẫn đệ đều là bài học đáng giá, hãy khắc phục nó, ta tin đệ sẽ là vị quân vương tốt nhất trên đời…

- Đệ không tốt, không hề tốt, luôn lấy đi những thứ quan trọng đối với huynh, Như Nguyệt và cả đôi mắt…

- Hoàng thượng đừng nói nữa…

- Huynh không muốn trở về hoàng cung vì không muốn nhớ đến Như Nguyệt phải không?

- Ừ.

- Huynh hận phụ hoàng phải không? Nếu không vì kế hoạch của phụ hoàng, huynh không phải rời cung, bôi nhọ thanh danh, Như Nguyệt không chết, Lâm lão không làm phản…

- Đừng nói nữa, mọi chuyện đã qua rồi, tất cả đã là dĩ vãng.

- Huynh sẽ tha thứ cho phụ hoàng không? Trước lúc lìa xa cõi thế gian này người chỉ nhắc đến huynh, nói rằng người có lỗi với huynh rất nhiều…

- Ta không oán giận ai hết, càng không oán giận phụ hoàng thì có gì để phải thứ tha. Tất cả là do ta tự nguyện, mọi thứ kết thúc rồi… À đúng rồi, người giúp đệ thay mắt thành công không chỉ hai vị thái y mà còn một vị bằng hữu của ta. Hắn là người Hỷ tộc, trước đây phụ hoàng từng đàn áp bộ tộc họ hơi hà khắc, hắn muốn nổi dậy chống đối nhưng cuối cùng ra tay giúp chúng ta, trị thương giúp cho đệ…

- Huynh muốn đệ làm gì? Ban tước quan cho hắn sao?

- Tước quan có thể hắn không cần, nếu đệ ban tước quan cho hắn có thể hắn dùng tước quan để đổi lại sự tự do cho bộ tộc. Hắn sẽ xin giữ lại những tín ngưỡng thần linh của bộ tộc trước kia đã bị phụ hoàng buộc họ phải bỏ đi.

- Chẳng lẽ huynh định sống cả đời vì bằng hữu như vậy sao?

Kim Long lắc đầu:

- Không, ta không phải sống vì bằng hữu, ta sống vì đệ. Với ta thứ quan trọng nhất không phải phụ hoàng, mẫu hậu hay nữ nhân, càng không phải là bằng hữu. Người quan trọng nhất, người ta yêu thương nhất sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ chính là đệ. Dù xảy ra chuyện gì, dù biến đổi thăng trầm ta vẫn muốn đệ bình yên khỏe mạnh, thân thể vẹn nguyên, chỉ cần bao nhiêu đó ta thế nào cũng được.

- Hoàng huynh.

- Ta đang giúp đệ lấy lòng bách tính để cái ghế ngồi của đệ càng thêm bền vững. Vả lại bây giờ mắt ta đã cho đệ rồi, nếu có loạn lạc ta không thấy đường để chạy đâu… Cho nên, đệ hãy cố mà giữ cho đất nước này yên bình càng lâu càng tốt.

Chàng nói rồi bật cười như đó là một chuyện vui vậy. Thanh Long nín bặt vì lời nói chàng bị nghẹn ngay cuống họng.

- Đến lúc ta phải đi rồi.

Kim Long vừa nói vừa đứng lên. Thanh Long vội gọi:

- Hoàng huynh, huynh muốn đi đâu?

- Kẻ sĩ giang hồ bốn biển là nhà, ta muốn đi khắp nơi trên đất nước này. Hoàng thượng, Kim Long kể từ hôm nay sẽ chết đi một lần nữa, vĩnh viễn chết đi…

- Hoàng huynh…

- Đệ đệ, cả đời này ta sống chỉ vì đệ, làm tất cả cũng vì đệ. Hãy bảo vệ thật tốt những thứ ta cho đệ, những thứ ta giúp đệ lấy được…

- Vâng, hoàng huynh.

- Ở nơi xa, ta ngày đêm nguyện cầu cho đệ luôn được vui vẻ, hạnh phúc. À, mau tìm cho ta cô em dâu nhé…

Đến lúc này Thanh Long không kiềm được nước mắt, giọt lệ nóng lặng lẽ lăn trên má. Kim Long mỉm cười:

- Thật tình, lại mít ướt rồi.

- Huynh biết đệ khóc sao? Huynh vẫn còn cảm nhận về đệ được sao?

- Ừ.

- Vậy tại sao đệ không cảm nhận được về huynh?

- Ta không biết. Thôi, đệ mới khỏe lại hãy nằm nghỉ ngơi thêm, hai hôm nữa hãy hồi cung. Ta đi đây…

- Hoàng huynh.

- Đầu giường có chiếc ô phải không, lấy đưa cho ta.

Kim Long chìa tay ra chờ đợi. Thanh Long lấy chiếc ô đặt vào tay anh trai mà cánh tay muốn run lên vì xúc động. Cổ họng nghẹn đắng không nói được lời nào.

Kim Long đưa tay gở những lớp lụa đang băng trên mắt xuống để lộ hai hốc mắt trống không. Chàng quay về phía Thanh Long mỉm cười, căn dặn lần cuối:

- Đệ nhớ đừng quên những gì ta nói hôm nay đấy!

Thanh Long chỉ có thể gật đầu chứ không nói được gì. Kim Long giương chiếc ô lên rồi chìa qua sang bên như che cho ai đó chứ không phải cho mình, chàng dịu giọng:

- Nguyệt, chúng ta đi.

“Vâng, Phong ca.”

Giọng nói dịu nhẹ cất lên đáp lời chàng nhưng chỉ mỗi mình chàng nghe thấy, ngoài ra không ai có thể nghe được. Và kể từ bây giờ Kim Long sẽ lại trở về là Toàn Phong, Toàn Phong của Tuyết Nguyệt. Họ cùng nhau rời khỏi đại quân doanh của hoàng đế Thanh Long.

Thanh Long nhìn thấy anh mình bước đi, không dùng gậy dò đường cũng không dùng tay mò mẫm vẫn có thể đi thẳng ra trước. Chàng không thấy bên cạnh anh mình có người nhưng hoàng huynh lại cứ một mực che ô về phía đó, và cứ nghiêng tai về phía ấy như cố lắng nghe chiếc ô nói chuyện. Tuy quái dị nhưng chàng biết cô gái đó đang bên cạnh hoàng huynh, nàng làm đôi mắt cho hoàng huynh như đã cứu chàng trong trận chiến ngày hôm trước. Diễn biến bất ngờ xảy ra trước khi trận chiến kết thúc là gì, bao câu hỏi dồn nén trong đầu, hai ngày trước hoàng huynh đã nói cho chàng biết, và chàng tin linh hồn chẳng những tồn tại mà còn có sức mạnh rất kinh hoàng. Chàng tin từ nay trên con đường phiêu bạt hoàng huynh không cô độc vì có người con gái ấy luôn bên cạnh, trò chuyện, sẻ chia…

Ngay sau đó Thanh Long cho gọi Lý Thiên Vũ vào luận công ban thưởng. Nhưng hoàng huynh chàng nói đúng, Thiên Vũ không nhận chức quan, chỉ xin chàng duyệt cho Hỷ tộc của y giữ lại những tính ngưỡng thờ cúng thần linh. Họ chấp nhận nộp thuế và phụ thuộc vào luật pháp của quốc gia.

_o0o_

Sau đó, mọi thứ lần nữa chìm vào quên lãng, đối với những người từng tham dự đều nhận định trận chiến kinh hoàng ấy kết thúc như một giấc mơ. Vì vậy, trăm năm sau hậu thế chỉ biết được ngày kinh hoàng đó qua những trang sử sách đã bị cắt xén rất nhiều. Sử chỉ viết hoàng đế thân chinh, cùng Trần Anh thống lĩnh sáu vạn quân đánh tan mười lăm vạn quân Mã quốc, đường bộ ở lộ Chân và đường thủy ở sông Bạch. Huy hoàng nhất là chiến thắng của Trần Anh với kế hoạch dùng bẫy cọc nhọn đâm thủng thuyền chiến quân Mã quốc, bắt sống được kẻ cầm đầu…

Nhưng đó là chuyện của sau này, những năm tháng này, sau khi chiến sự tàn chưa lâu thì khắp mọi nơi trên Đại Quyển quốc người dân tụ tập lại với nhau bàn tán về cuộc chiến. Người nói hoàng đế có thuật phân thân một mình phân hai chiến đấu ở cả lộ Chân và mật lộ. Có người đoán, có vị tướng lãnh giả danh hoàng đế thống lãnh quân nhưng những người lính bị thương giải ngũ trở về ai cũng khẳng định người thống lĩnh họ chiến đấu trên hai mặt trận đều là hoàng đế.

Họ cãi nhau, đôi khi còn gây gỗ nhau. Những lúc gây nhau đến đổ cả máu mới kinh. Nhưng bọn họ không hề lo lắng, cãi nhau, đánh nhau đổ máu thì chỉ cần đến một nơi vết thương của họ hết rất nhanh và không phải tốn tiền. Đó là một vị đại phu “quái đảng”, với họ đó là vị đại phu kỳ quái nhất thế gian nhưng tài y dược của y lại rất cao cường, chỉ cần chưa chết bệnh gì y cũng chữa được. Nhưng mỗi lần người bệnh đến không cần biết là nam hay nữ y sẽ nói lầm rầm gì đó một mình rồi mới quyết định chữa trị hay không, vì vậy người ta gọi y là "đại phu quái đãng"; một phần vì ba điều cấm kỵ đối với vị đại phu ấy; một, người Mã quốc không chữa; hai, từng giết phụ nữ không chữa và ba, người chết không chữa.

Nhưng bản chất của sự quái đảng kia chính là bất cứ bệnh nhân nào tìm đến y cũng nói lầm rầm một mình đôi ba câu rồi mới quyết định chữa hay không. Nếu người đó thuộc điều cấm kỵ một và hai y sẽ không chữa, dù người kia cố che đậy y vẫn biết. Còn điểm thứ ba thì bất khả kháng rồi, không có gì bàn cãi.

_o0o_

Hôm nay, trong y quán nồng đậm mùi thảo dược, hai người đàn ông dìu nhau bước vào, gấp gáp gọi đại phu. Họ bị thương ở chân rất nặng, chỉ chỗ cho họ ngồi rồi vị đại phu ấy lầm rầm han hỏi:

- Lung Linh, hai người họ thế nào?

Có tiếng trả lời mềm ngọt nhưng chỉ mỗi vị đại phu quái đảng kia nghe thấy:

“Có thể chữa trị.”

- Đêm nay nàng muốn ăn món gì ta nấu cho nàng.

Giữa hư không truyền đến tiếng nói nhu mì của nữ tử:

“Gà quay, năm con, huynh hứa phải giữ lời đó!”

- Nàng thật tham ăn.

Hai vị bệnh nhân chỉ còn biết trợn mắt nhìn nhau, nghe có vẻ vị đại phu này đang nói chuyện với một người nhưng lại không thấy ai. Có người bảo y bị tâm thần phân liệt vì thương nhớ vị cô nương nào đó tên Lung Linh…

_o0o_

Lộ Chân sau những tháng rộng năm dài giờ trở thành khu phố phồn hoa. Cứ mỗi độ xuân về nơi đó xuất hiện một vị thầy đồ. Vị thầy đồ không già với đôi mắt xếch cực kỳ ấn tượng, chữ viết ông rất đẹp nên rất nhiều người đến xin chữ. Ông ngồi giữa khu phố náo nhiệt và cho chữ từ hai tháng trước Tết, đến hai mươi tám Tết là ông ta không cho chữ nữa, ông biến mất… có người nói ông trở về nhà, nhưng có người đi theo xem ông đi đâu vào những ngày Tết đến thì thấy ông đi vào rừng. Ông dừng lại giữa cánh rừng bạt ngàn, ngồi ôm ấp tấm bia mộ không tên suốt những ngày giáp Tết. Có khi ông ngồi đó năm ngày, có khi ông ngồi đó bảy, tám ngày, không ăn không uống. Ông nói lảm nhảm rất nhiều.

- Kim Linh nàng có hận ta không vì ta đã giết nàng?

- Kim Linh, ở nơi đó nàng có nhớ ta không, dù sao mình cũng là phu phụ…

- Kim Linh, quê hương nàng bây giờ đang có pháo hoa…

- Kim Linh, mộ bia không tên là ta muốn tốt cho nàng, để người ta không biết nàng là ai. Nếu để người ta biết nàng sẽ bị bới lên ném đi…

- Kim Linh,...

Người ta không hiểu Kim Linh là ai chỉ đoán là tên người nằm dưới nấm mộ kia. Người đó hẳn là thê tử đã khuất của thầy đồ ấy, ông hẳn là một người rất yêu thương vợ…

Mấy trăm năm sau đó khi Mã quốc và Đại Quyển quốc bang giao, người dòng họ Mã của Mã quốc có sang tìm kiếm di hài của những vị tướng lĩnh trong trận chiến ngày xưa là Mã Thế Phong và Mã Kim Linh, nhưng sự tìm kiếm đó chỉ hoài công, không có bất kỳ nấm mộ nào trên vùng đất ấy được viết tên hai người bọn họ.

_o0o_

Tiếng đàn nhị não nề của người đàn ông nọ đã trở về con phố ấy…

Người đàn ông với đôi hốc mắt trũng sâu, có lẽ ông ta đã bị như thế từ lâu lắm và hẳn ánh sáng đối với ông là điều xa xỉ nhất thế gian. Từ đây đến cuối đời ông không bao giờ có được.

Trên tay là cây đàn nhị cũ kĩ bạc màu, bộ y phục sắp tả tơi vì nắng gió. Ông cứ đi khắp các phố thị, kéo chiếc đàn nhị thành bài nhạc nao lòng nào đó… người qua kẻ lại lắng tai nghe, họ nghe và chìm đắm trong tiếng nhạc, lúc sau nhất định có những giọt nước mắt rơi xuống. Họ bật khóc.

Dường như chỉ chờ những giọt nước mắt đó, người đàn ông dừng bản đàn trả mọi người về thực tại, còn ông đứng dậy rời đi. Người đàn ông đó tuy rách rưới và tiều tụy nhưng sau những bản đàn người ta cho tiền ông không nhận, ông chỉ nhận thức ăn nếu ai đó có lòng tốt mua cho. Ông chỉ là người “bán tiếng đàn mua nước mắt”.

Không gậy dò đường, không chiếc ô che những nắng mưa, ông chỉ có bạn là cây đàn nhị. Người ta không biết tên ông, không biết ông từ đâu đến và sẽ về đâu, chỉ biết khắp nẻo đường tả ngạn Bảo Định giang đều có bước chân ông qua lại, ai cũng được nghe tiếng đàn ông ít nhất một lần.

Khi nghe những người chung quanh bàn về chiến thắng mùa xuân năm ấy của hoàng đế ông thường dừng lại rất lâu, khi nghe người ta bảo nhau hoàng đế có phép thần thông một mình thống lĩnh hai mặt trận, người đàn ông ấy mới mỉm cười tiếp tục cất bước đi.

Và một điều nữa, cứ mỗi lần tấu xong khúc nhạc, mua được những giọt nước mắt của người nghe, những người chung quanh thường nghe ông ta nói chuyện một mình.

- Tuyết Nguyệt, tiếp theo nàng muốn đi đâu?

Người ta không nghe tiếng trả lời vì câu hỏi đó không biết ông ta hỏi ai. Sau đó ông ta lại hỏi:

- Tử Thành à?

Một địa danh! Và ít ngày sau người ở Tử Thành hẳn thấy ông ta đi loanh quanh nơi ấy, lại dạo những bản đàn mua nước mắt người nghe.

Những ai từng thể nghiệm tiếng đàn của người đàn ông nọ nói lại rằng, tiếng đàn đó như có ma lực khơi gợi chuyện bi thương trong lòng khiến cho bọn họ không thể ngăn mình rơi lệ. Chỉ có điều một khi họ để nước mắt rơi rồi nỗi bi thương dường như cũng nhạt nhoà, người đang nghĩ quẩn tinh thần cũng phấn chấn hơn, tự tìm được cách hoá giải nan đề mình gặp, không còn muốn kết liễu cuộc đời mình nữa.

Sau trận chiến kinh hoàng mùa xuân đó, nhị hoàng tử Kim Long, chủ trại cướp Vũ Toàn Phong trong mắt thế gian đã vĩnh viễn không còn tồn tại nữa. Mọi người không ai nhắc đến và có lẽ cũng không còn ai nhớ đến. Họ càng không quan tâm đến người mù kỳ lạ nọ, nên chẳng ai nhận ra đôi khi ông không khảy đàn để "mua nước mắt thế nhân" mà nổi hứng hát vu vơ:

"Xa rồi những giấc mơ...

Xa rồi những nụ cười...

Ta lãng quên đời hay đời lãng quên ta...

Khúc đàn ấy ta tấu lên gửi tặng một người...

Đất nước ơi hãy yên bình thịnh trị..."

- Hết -