Người Ở Bên Tay Trái Của Tôi

Chương 4: 4 Chương 13


Một lát sau tôi về đến nhà.

Nhà tôi là một căn nhà nhỏ nằm khuất trong một con ngõ, ở đầu ngõ có mấy cây phù dung rất to, hè vừa đến những đoá hoa màu hồng phấn đã nở rộ, nhuộm cả không khí trong một mùi hương ngào ngạt.

Vì thế, người ta gọi con ngõ này là “con ngõ Hoa Thụ Lí”.

Tôi ở sân số 27, một cái sân không lớn lắm, có bốn hộ gia đình ở đấy.

Đã bao nhiêu năm qua, người già khuất bóng, trẻ nhỏ chào đời, tổ hợp bốn hộ gia đình này lại chẳng có gì thay đổi.
Lúc tôi đẩy cửa lớn ra, cánh cửa gỗ cũ kĩ phát ra tiếng “kẽo kẹt”.
Bà ngoại đang dọn đồ ăn ra bàn, nghe thấy tiếng động, không quay đầu lại đã nói: “Tiểu Đào về rồi đấy à?”
“Tiểu Đào” là tên mụ bà ngoại đặt cho tôi, bởi vì tôi sinh ra vào tháng 8, lúc bà ngoại bế tôi ra khỏi bệnh viện, khi ấy con đường bên ngoài bệnh viện đầy rẫy người bán đào.

Những quả đào vừa to vừa ngọt, trông có vẻ mọng nước.

Bà ngoại nói, cô nhóc nhà chúng ta thật là xinh đẹp, giống như trái đào mật vậy, hay gọi là Tiểu Đào đi.
Từ đó về sau, bà ngoại khăng khăng gọi tôi là Tiểu Đào.

Dần dần, hàng xóm xung quanh cũng bắt đầu gọi: Tiểu Đào, Tiểu Đào, Tiểu Đào,…
Mỗi lúc như thế tôi luôn cố gắng giải thích: Tên cháu là Đào Oánh.

Bởi vì tôi nhớ mẹ từng nói: Oánh, có nghĩa là óng ánh, trong suốt, nói rằng con gái nhà chúng ta phải luôn có đôi mắt trong veo và một trái tim trong sáng.
Một cái tên trong sáng như vậy hay cỡ nào!
Nhưng mọi người vẫn quên tên của tôi, vẫn cứ kêu: Tiểu Đào, Tiểu Đào, Tiểu Đào,…
Dần dần tôi buông tha cho việc giải thích, bởi vì tôi nghĩ tên gọi cũng chỉ là một nhãn hiệu mà thôi.

Nếu tôi vẫn là tôi, thế thì có là Đào Oánh hay là Tiểu Đào thì cũng chẳng quan trọng nữa.
Bữa tối là món cà tím om sở trường của bà ngoại, và đó cũng là món tôi yêu thích.

Nhưng món cà tím om hôm nay vì việc mời đến gặp của lão Vương mà có vị là lạ.
Ăn được nửa bữa cơm, tôi mới có dũng khí nói cho bà ngoại: “Cô giáo của bọn cháu bảo ngày mai phụ huynh đến gặp một lát.”
Bà nghiêm túc nhìn tôi: “Cháu gặp rắc rối à?”
Tôi mếu máo, liếc nhìn bà một cái: “Bà thấy cháu có giống vậy không ạ?”
Bà không tin: “Thế bảo bà đến làm gì?”
Tôi không có cách nào khác đành phải nói: “Cô giáo muốn nói chuyện với phụ huynh của từng bạn trong lớp.”
Bà nửa tin nửa ngờ: “Thật không?”
Tôi gật gật đầu.
Bà một tay cầm bát, một tay cầm bánh bao nhúng vào phần nước canh còn lại trong bát, vừa nhúng vừa hỏi: “Khi nào?”
“Bốn giờ chiều mai ạ, ở phòng họp lớp mười, cũng chính là văn phòng đối diện với lớp bọn cháu.”
“Ừ, bà biết rồi.” Bà lẩm bẩm, tôi ngẩng đầu nhìn vẻ mặt bà, không có biểu tình gì.
Tối hôm đó, tôi làm bài tập xong ra khỏi phòng, nghe thấy bà ngoại gọi điện thoại cho mẹ tôi.


Tôi ghé vào cánh cửa, bà ngoại bị lãng tai nên giọng rất to, tôi nghe thấy rõ ràng.
Bà ngoại nói: “Cô giáo bảo phụ huynh đến, đáng lẽ bọn con làm cha mẹ nên ra mặt, cuối cùng lại phải tìm bà lão không minh mẫn này, chẳng có ai làm cha mẹ như bọn con cả…”
Bà cằn nhằn phàn nàn, phàn nàn việc cha mẹ đẩy tôi đến chỗ bà, phàn nàn cha mẹ lâu rồi không về nhà, phàn nàn bọn họ đi xa quá, không thèm quan tâm con cái của mình…
Tôi không nghe nổi nữa, quay về phòng mình.
Tôi cảm thấy sống mũi hơi cay cay, nhìn tấm ảnh “gia đình” trên bàn, cố gắng nhớ lại bóng dáng của cha mẹ.
Nhưng đáng buồn thay — nếu không có ảnh chụp, tôi chẳng thể nhớ nổi dáng vẻ của cha mẹ như thế nào.
Chỉ nghe bà ngoại từng kể, mười tháng tuổi, tôi vừa mới cai sữa, mẹ đã phải đi Tây Bắc; một tuổi ba tháng, cha cũng đi Tây Bắc.

Kể từ lúc đó một mình tôi tự học và trưởng thành — trong những năm tháng không biết cô đơn là gì, nỗi cô đơn đã len lỏi khắp mọi nơi.

Ân Nhiên ở sân số 36 cuối tuần nào cũng được mẹ dẫn đi vẽ tranh tại trường tiểu học trực thuộc Học viện Nghệ thuật, cậu ấy còn thường xuyên phàn nàn, luôn tìm cách trốn học.

Dĩ nhiên cậu ấy không biết tôi cũng rất thích vẽ tranh, nhưng chẳng ai quan tâm sở thích này của tôi cả.

Rồi lên tiểu học, tôi mê đàn Organ nhưng cũng chẳng có người cha nào cho tôi đi học đàn.

Dần dần, ngoại trừ đi học và đọc rất rất nhiều sách ngoại khoá, hình như tôi chẳng có thú vui nào khác nữa.

Nghĩ đi nghĩ lại, tuổi thơ của tôi thật buồn tẻ biết bao.
Nhưng mà cũng may, tôi có rất rất nhiều sách.

Của cha mẹ tôi, bọn họ ở tận nửa kia đất nước, không biết gì về giai đoạn trưởng thành của con gái, cũng không dám dựa dẫm hoàn toàn vào sự dạy dỗ của bà ngoại vốn mắt đã mờ.

Cách đối phó duy nhất của bọn họ là sách, đằng sau những cuốn sách rực rỡ sắc màu chính là thế giới trong sách tràn đầy hấp dẫn.

Vì thế ngay từ hồi tôi còn nhỏ, bọn họ luôn nhấn mạnh niềm vui của việc đọc sách, hy vọng dùng cách thức này để điều chỉnh hành vi của tôi.

Trong suốt những năm tháng trưởng thành, tôi không còn bướng bỉnh và nghịch ngợm nữa, mà sẽ yên tĩnh đọc sách.

Họ nên cảm thấy may mắn vì đã thành công — đối với tôi của ngày hôm nay, chỉ khi đọc sách ngoại khoá mới có thể cảm nhận được niềm vui.

Bởi vì những lúc ấy, tôi mới cảm thấy bản thân đang nói chuyện với những người bạn muôn hình muôn dạng trong sách.
Nhưng mà dần dần, cuộc sống của tôi cũng vì thế mà ngày càng đơn điệu, cô độc.

Dường như tôi không thể tách khỏi những cuốn sách ngoại khoá nhiều màu sắc này — lúc đi học tôi đọc sách ngoại khoá, tan học cũng đọc sách ngoại khoá, về nhà lại tiếp tục đọc sách ngoại khoá.

Cứ thế, trong 72 người của lớp 10-12, thành tích của tôi giảm xuống hạng thứ 60 và ổn định ở đấy.

Về cơ bản, trạng thái này có thể miêu tả bằng một câu thơ cổ: “Nước bay thẳng tắp ba nghìn thước / Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây” (Xa ngắm thác núi Lư – Lí Bạch | Dịch thơ Tương Như)
Bởi vì sách, tôi cô đơn, mà không cô độc.
Những người bạn của tôi, họ đứng xung quanh tôi, lẳng lặng nhìn tôi lớn lên — ở trong phòng tôi, bốn bức tường đều là sách.

Giá sách được cha tự tay làm, mỗi giá sách có năm tầng, cha tôi cẩn thận quét sơn trắng lên, khiến chúng trông rất là sáng sủa.

Sau đó chúng tôi cùng nhau xếp hơn một nghìn đầu sách báo lên đó, xan xát nhau, giống như hàng ngũ ngay ngắn, trật tự.

Mỗi sáng lúc rời giường, nhìn thấy những cuốn sách này, tôi sẽ cảm thấy thật hạnh phúc.

Đó là niềm hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống tẻ nhạt này; đó là niềm hạnh phúc nhất của tôi, ngoại trừ những ảo tưởng về hoàng tử.
Dường như tôi chưa từng nghĩ tới, nếu có một ngày, giấc mộng này trở thành sự thật thì sao?
Dẫu vậy, tôi luôn bí mật ghi lại những đoạn liên quan đến Trương Dịch trong nhật ký của mình và lặng lẽ quan sát cậu ấy — dáng vẻ cậu ấy học, dáng vẻ cậu ấy cười rộ lên, dáng vẻ cậu ấy cau mày làm đề… Nhưng người ưu tú như cậu ấy, đối với một cô gái bình thường lại tự ti như tôi, giống như một ngọn núi xa xôi, mơ hồ, không thể với tới.
Chưa từng nghĩ rằng, khoảng cách của chúng tôi, sẽ nằm trong khoảng 50 mét.
Cho nên lúc tôi nghe thấy chủ nhiệm lớp tuyên bố để Trương Dịch làm bạn cùng bạn của tôi thì vô cùng sửng sốt!
Cả lớp ai cũng ngạc nhiên!
Thậm chí tôi còn không ngờ cuộc gặp mặt giữa bà ngoại và cô Vương chủ nhiệm lớp lúc bốn giờ chiều sẽ thay đổi vận mệnh của cuộc đời tôi.
Sau đó nghe bà ngoại nói, cô Vương đã kể cho bà nghe câu chuyện và nỗi xấu hổ của một cô gái thuận tay trái.

Cô ấy xin phép bà ngoại cho tôi ngồi một mình một bàn, ở bên cạnh bục giảng.
Bà ngoại cũng không nói đồng ý hay không.

Bà chỉ kể về tuổi thơ của một cô bé: Vừa sinh ra sức khoẻ đã không tốt, thường xuyên bị ốm đau bệnh tật, thậm chí có lúc còn hôn mê; cha mẹ không ở bên cạnh, từ nhỏ đã phải trưởng thành trong sự bấp bênh, đường học tập luôn dài hơn các bạn cùng trang lứa; cuối cùng cũng học được cách viết chữ, nhưng lại thuận tay trái, sửa thế nào cũng không được; một cô bé thuận tay trái không xinh đẹp, không thông minh, sau khi đi học luôn bị các bạn cười chê, dần dần trên gương mặt bầu bĩnh chẳng còn xuất hiện nét tươi cười…
Bà nói, bà chưa bao giờ mong đợi cháu ngoại mình có thể thi được hạng nhất, tâm nguyện duy nhất của bà là đứa nhỏ này có thể lớn lên khoẻ mạnh, học được thêm vài điều là được…
Cuối cùng, bà ngoại khóc, cô Vương cũng khóc.
Bà ngoại nói cô Vương là một cô giáo tốt.

Cô ấy ngỏ ý ngay lúc đó: Không những không thể để tôi ngồi một mình mà còn muốn tôi ngồi cùng bàn với Trương Dịch – học trò mà cô tâm đắc nhất!
Cô ấy nói với bà ngoại, cô tin tưởng người tốt tính, có phong thái như Trương Dịch sẽ khoan dung và cảm thông với cô bé thuận tay trái cô đơn từ nhỏ đến giờ là tôi.
Cứ thế, vào tháng mười một năm ấy, khi trận tuyết đầu mùa của mùa đông còn chưa đổ, cô bé thuận tay trái là tôi, có một người bạn cùng bàn mới.
Cậu ấy tên là Trương Dịch, là cậu bạn đẹp trai, ưu tú nhất lớp 10-12, là bí mật cao ngất như cây bạch dương trong cuốn nhật ký màu xanh nhạt có ổ khoá nho nhỏ của tôi.