Thân là đại tổng quản phủ Nội vụ, những công việc mua sắm bình thường đã không còn cần Mã Vĩnh Thành phải tự thân xuất hiện; nhưng hôm nay việc mua bán hơi lớn, hôm qua tiệm lụa Thành Ký lớn nhất kinh thành xưa nay luôn cung ứng nhu cầu về tơ lụa cho đại nội hoàng cung lại đột nhiên đưa tin muốn nâng giá do chi phí vận chuyển tăng.
Như vậy một năm sau số tiền chiết khấu mà Mã Vĩnh Thành chắt bóp ra từ trong đó nào sẽ chỉ giảm đi vạn lượng? Điều này làm cho lão Mã giận đến sôi gan. Nhưng ông chủ thật sự chống lưng cho cửa tiệm này là Thành quốc công Chu Cương, Mã Vĩnh Thành có tiền mà không có quyền cho nên thực không dám gây sự với lão ta, vì vậy sáng sớm đã lên kiệu chạy đến Thành Ký định bụng dò hỏi hàm ý của nhà họ Chu.
Mã Vĩnh Thành xuống kiệu, ngạo nghễ bước vào trong tiệm. Lão là khách hàng lớn nhất của Thành Ký cho nên tuy có câu nói rằng “tiệm lớn ép khách” nhưng ông chủ tiệm cũng không dám chậm trễ, vội vã mỉm cười đón lão vào phòng khách nội sảnh.
Mã Vĩnh Thành ngồi trên ghế mũ quan (1), bắt chéo chân, nâng chén hớp một ngụm trà thơm, rồi cười nhạt hỏi:
- Thành chưởng quỹ, ta và ông làm ăn cũng không phải mới một ngày hai ngày, sao giá cả nói đổi là đổi vậy? Chúng ta thẳng thắn với nhau nhé, lượng tơ lụa này hẳn là do thuyền quan của Dương đại nhân ở Nội xưởng giúp ông mang về đúng không? Ta đã tính sơ cho ông, e rằng phí vận chuyển chẳng những không cao, mà thậm chí còn bớt được ít nhất năm vạn lượng đấy, vậy việc tuỳ tiện nâng giá này là từ đâu mà ra vậy? Không biết là ý của Chu lão công gia hay là chưởng quỹ ông tự chủ trương nhỉ?
Thành chưởng quỹ cười nịnh nọt đáp:
- Lão Thành tôi nào có lá gan đó chứ? Từ lúc hoàng hậu nương nương và hai vị quý phi tiến cung, nhờ Mã gia chiếu cố mà buôn bán của cửa tiệm chúng tôi càng lúc càng lên, lão Thành nhờ vả ngài còn không kịp, nào dám tuỳ tiện nâng giá chứ?
Rồi lão ta nén giọng, nói nhỏ:
- Nâng giá chẳng qua chỉ là cái cớ, thật ra có người muốn gặp Mã gia cho nên mới nói như vậy, làm phiền Mã gia cực khổ một chuyến, tiểu nhân quả thực áy náy.
Nói đoạn Thành chưởng quỹ nhét vào lòng bàn tay Mã Vĩnh Thành một tờ giấy. Mã Vĩnh Thành nhìn kỹ, thấy đó là tờ ngân phiếu ba ngàn lượng, lập tức vui vẻ cười ha hả:
- Xem ông kìa, có chuyện gì thì cứ gọi một tiếng không phải là được rồi à. Không nể mặt ông thì ta cũng không dám không nể mặt mũi Chu lão công gia mà. Ha ha ha, là ai muốn gặp ta vậy? Nếu là cống dâng vào trong cung thì cũng dễ xử lý, ta gật đầu một cái là được thôi. Có điều ta phải cảnh cáo trước, những đồ dâng lên cho các vị nương nương dùng nếu là đồ không đáng giá thì đừng làm mất mặt ta.
- Ha ha ha. Mã công công, không biết ta thì có đáng giá hay không? - Rèm cửa chợt được vén lên, Dương Lăng mỉm cười bước ra.
Mã Vĩnh Thành kinh ngạc đứng bật dậy, nước trà vẩy cả lên người. Lão kinh ngạc kêu lên:
- Dương... Sao ngài... Không phải là ngài vẫn đang ở Giang Nam sao?
Dương Lăng khoát tay với Thành chưởng quỹ, Thành chưởng quỹ hiểu ý bèn khom lưng nói:
- Hai vị thong thả trò chuyện, lão Thành ra ngoài tiếp khách đây.
Thành chưởng quỹ vừa rời khỏi phòng, Dương Lăng liền sầm mặt, cười nhạt với Mã Vĩnh Thành và nói:
- Ta đang ở Giang Nam sao? Nếu như ta về muộn hơn vài ngày thì chỉ có thể chờ dọn xác ông rồi. Mã Vĩnh Thành, ông chết đến nơi rồi mà còn không hay biết họa lớn đã ập đến rồi ư?
***
- Dương Lăng đã đến đâu rồi? - Phạm Đình hỏi một tên phiên tử đứng trước mặt, trên mặt có vẻ hào hứng.
Trương Thọ nghe phiên tử trả lời xong thì không khỏi sững ra:
- Thiên Tân vệ? Hắn muốn dừng thuyền ở Thiên Tân vệ ư? Khốn kiếp, thuyền quan của hắn đã rẽ vào nội hải tại sao không bẩm báo sớm một chút? Phạm công công, ông nói Dương Lăng đang có ý gì vậy, chẳng lẽ... hắn đã có cảnh giác với hành tung của chúng ta?
Phạm Đình cười lớn nói:
- Nội xưởng cũng có tai mắt mà, nếu như không có phát hiện ra gì thì mới là lạ đó. Nhưng vậy thì đã sao? Cái tên ngu xuẩn này trong triều không hề có căn cơ, chỗ dựa duy nhất là Hoàng thượng thế nhưng hắn không cấp tốc hồi kinh xin Hoàng thượng cứu giúp mà lại bày đặt giương đông kích tây, bày kế nghi binh này nọ, thật đúng là tự tìm đường chết.
Đới Nghĩa vờ cúi đầu uống trà, trong lòng lại hơi lo lắng: "Dương đại nhân đang làm cái quỷ vì vậy? Chẳng lẽ Ngô đại đương gia không truyền tin tức của mình cho y sao? Mình đã nói là Cẩm y vệ và Đông xưởng hợp mưu mà y còn chạy đến quê nhà của Cẩm y vệ, chẳng phải là tìm chết ư? Không đúng, Dương Lăng đâu có ngu ngốc đến vậy..."
Trương Thọ thấy sắc mặt lão nặng nề, bèn hỏi:
- Đới công công cũng cảm thấy có gì không đúng à?
Đới Nghĩa thoáng giật mình, bèn vội đáp:
- Đúng vậy, một người gặp phải nguy hiểm thì phản ứng đầu tiên chính là tìm đến người đáng tin cậy và có khả năng giúp đỡ hắn nhất mới phải. Hắn lại thủng tha thủng thỉnh chạy đến Thiên Tân vệ để làm gì?
Trương Thọ lắc đầu đoạn vỗ tay một cái, một đáng đầu rón rén bước vào. Trương Thọ hỏi:
- Người phái đi theo dõi phủ Uy Vũ bá có phát hiện ra điều gì lạ thường không?
Đáng đầu nọ cung kính đáp:
- Bẩm Trương gia, không hề có động tĩnh gì. Ty chức chẳng những cho tăng cường chú ý đến người ra vào Dương phủ và toàn bộ đám người trong ấy, mà ngay cả rau thịt mà Dương phủ mua về cũng đã phái người mỗi ngày tra hỏi. Nếu như Dương Lăng về phủ, cho dù hắn che giấu giỏi cỡ nào thì toàn bộ Dương phủ cũng không thể không để lộ bất cứ dấu vết gì.
- Bất luận hắn có về phủ hay khong, nếu hắn dùng kế kim thiền thoát xác lặng lẽ hồi kinh, nhất định sẽ vào cung để gặp Hoàng thượng. Người được phái đến cửu môn (*) phải tăng cường phòng bị, chú ý tất cả những ai ra vào hoàng cung. Còn nữa, bảo mấy tên nhãi hầu bên Hoàng thượng phải gia tăng chú ý lên mười hai vạn lần, bất kể là Hoàng thượng gặp ai, nói những gì, đều phải lập tức hồi báo.
(*) chỉ chín cổng thành Bắc Kinh.
- Dạ! - Đáng đầu nọ đáp một tiếng, rồi vội vàng lui ra.
Vương Nhạc đang nằm dựa hờ trên đầu giường. Do tuổi đã cao, tinh thần cũng không tốt, nãy giờ lão đã ngủ được một lúc.
Lão Vương Nhạc dụi mắt, run rẩy ngồi dậy nói:
- Xem bộ dạng như lâm đại địch của các ngươi kìa, chẳng phải là Vương Quỳnh đã bị y giết hay sao? Lúc này toàn bộ ngoại đình hẳn là cũng đã nhận được tin rồi, sẽ còn có ai đứng về phía hắn chứ? Khi tiên đế còn tại thế, ngài sợ nhất là phải nghe lời can gián của bá quan. Đương kim Hoàng thượng còn nhỏ lại không có chủ kiến, còn có thể chống đỡ nổi tấu chương đè xuống như núi ư? Chỉ cần Hoàng thượng hạ ý chỉ thì Dương Lăng còn không bó tay chịu trói sao.
Vị Vương công công này không tài không cán, lại không có dã tâm, nhưng cũng chính vì vậy mới được vua Hoằng Trị uỷ thác trọng trách. Lão cư xử độ lượng không hề chuyên quyền, có đầu lĩnh trên danh nghĩa như lão toạ trấn ở trên, đám người ai nấy có dã tâm riêng như Phạm Đình và Trương Thọ mới có thể sống chung hoà thuận không tranh chấp với nhau, cho nên những người này rất mực kính trọng lão.
Nghe Vương Nhạc nói vậy, Phạm Đình cười lớn nói:
- Không thể không cẩn thận đâu à lão gia, đương kim Hoàng thượng thật không thể so được với tiên đế. Tiên đế chỉ mới tảo triều trễ có hai lần đã bị bá quan trách mắng cho một trận phải vâng dạ mà hạ chiếu tự trách. Nhưng đương kim Hoàng thượng thì sao? Ngừng Kinh Diên, bỏ ngọ triều, tảo triều thích thì đi không thích thì dẹp. Bá quan khuyên nhủ tới tấp như tuyết rơi, Hoàng thượng lại nhắm mắt làm ngơ bỏ hết ngoài tai, có bao giờ để ý tới đâu.
- Về phần bá quan trong triều thì...Chỉ có đám mọt sách Ngự Sử đài và Hàn Lâm viện mới thật sự tin vào cái “diệt trừ gian nịnh”, “duy trì chính nghĩa” gì đó thôi. Thứ mà đám lão già lăn lộn lâu năm trên quan trường đó thật sự quan tâm đến là một khi bọn họ không còn gây được ảnh hưởng với Hoàng đế, không khống chế được Hoàng đế nữa thì rất có thể những quốc sách và và chính sách mà bọn họ tự cho là đúng ấy sẽ bị Hoàng thượng vì nghe theo những lời của đám tân sủng này mà bãi bỏ. Đáng tiếc là bọn họ lại không thèm kết giao với đám người mới (tân sủng) này cho nên mới phải nghĩ cách trừ khử chúng đi.
Trương Thọ mỉm cười phụ hoạ:
- Đúng vậy! Trong đám nội thị, kẻ lôi kéo Hoàng thượng ăn chơi không chỉ có Bát Hổ và Dương Lăng. Tuy bọn chúng chỉ cần nịnh hót dù chưa lập được tấc công lao gì mà đã một bước lên mây nhưng cũng chưa từng làm chuyện gì quá ác. Cho dù bọn chúng ác thì liệu có ác hơn loại như Mạc Thanh Hà và Viên Hùng không? Ngoại đình vắt óc ra trăm phương ngàn kế như vậy là bởi bọn chúng phát giác rằng Dương Lăng không phải là bạn đồng hành của bọn chúng, và Hoàng thượng cũng không còn bị bọn chúng khống chế được nữa. Cho nên bọn họ muốn diệt trừ Dương Lăng và Bát Hổ không phải vì chúng làm quá nhiều điều xằng bậy mà là để phát ra một tín hiệu cảnh cáo: Những kẻ có dã tâm muốn lật đổ quan văn và gây ảnh hưởng đến Hoàng đế đều phải cút xa, để Hoàng đế kiến thức được lực lượng của chúng mà ngoan ngoãn đi làm một Hoàng đế "tốt" theo sự an bài của chúng.
Kiến thức của hai người Lý Vinh và Hà Đại Xuân thua xa Phạm Đình và Trương Thọ, nghe xong những lời phân tích này thì cảm thấy rất sốt ruột. Lý Vinh nói:
- Quan tâm đến việc bọn chúng xuất phát từ mục đích gì làm gì, chỉ cần chúng cùng chung mục tiêu với chúng ta là được rồi. Hiện nay Dương Lăng đã nắm ty Thuế Giám, đám thủ hạ của chúng ta biết ăn gì, uống gì đây? Chỗ lão Phạm còn đỡ chứ chỗ của ta quả thực càng lúc càng túng quẫn, chỉ cần sớm thu thập được cái tên ranh con này là mọi chuyện ổn thỏa.
Phạm Đình cười giễu cợt nói:
- Tầm nhìn hạn hẹp! Ông còn chưa hiểu sao? Nếu như lấy chúng ta làm phụ, lấy bá quan làm chủ khiến Hoàng thượng hạ chỉ chém Dương Lăng và Bát Hổ thì ngoại đình sẽ có thể phô trương thanh thế, Hoàng đế sẽ hoàn toàn nằm trong tay bọn chúng rồi. Khi đó Dương Lăng và Bát Hổ sẽ trở thành tấm gương cho chúng ta, chúng ta sẽ thành như một cây đao đã qua sử dụng, bất cứ lúc nào bọn chúng cũng có thể vứt bỏ vào kho, giải giáp quy điền (*). Nếu như...khà khà... Dương Lăng chết ở trong tay chúng ta trước, vậy thì sẽ khác.
(*) cởi giáp về quê, ý nói thiên hạ thái bình, mọi thứ đã xong xuôi)
Lúc này Hà Đại Xuân mới hiểu ý, bèn nói:
- Như vậy xem ra bất luận ngoại đình có xin được Hoàng thượng hạ thánh chỉ hay không thì chúng ta đều phải tranh tiêu diệt Dương Lăng và Bát Hổ trước rồi.
Phạm Đình gật đầu nói:
- Đúng vậy, ngoại đình lợi dụng chúng ta, chúng ta cũng không phải không đang lợi dụng ngoại đình. Không có bọn chúng hăm doạ và chống đỡ, nếu chúng ta tự ý giết chết Dương Lăng và Bát Hổ thì sẽ phải dè chừng bị Hoàng thượng trừng trị, song giờ thì không phải lo về vấn đề này nữa. Ông xem, tin Vương Quỳnh bị giết vừa truyền vào kinh thì ba đại học sĩ cũng không thể đàn áp được sự kích động và phẫn nộ của đám ngôn quan Hàn Lâm. Bọn họ vốn định chờ thời cơ tốt nhất mới ra tay, đường đường chính chính trở thành công thần lớn nhất diệt trừ gian nịnh. Nhưng những bá quan vốn luôn theo sau nghe bọn họ sai bảo giờ lại muốn thúc giục bọn họ phải lập tức xin hạ chỉ giết người rồi. Ha ha ha...
Vương Nhạc thấy lão ta đắc ý cười to, chợt kinh hãi thốt lên:
- Phạm Đình! Không phải Vương Quỳnh là do ngươi giết đó chứ?
Phạm Đình trông thấy mọi người dùng ánh mắt nghi ngờ nhìn lão thì không khỏi biến sắc la lên:
- Công công, lời này cũng chỉ có chúng ta nói cho nhau nghe trong phòng này thôi, nếu để truyền ra ngoài là chết đó. Nếu nô tài có gan ám sát Vương Quỳnh, chi bằng trực tiếp sai người ám sát Dương Lăng, hà tất còn phải mượn sức của ngoại đình để trấn áp, để tránh bị Hoàng thượng giáng tội làm gì?
Vương Nhạc yên tâm nói:
- Vậy thì tốt, vậy thì tốt, vạn lần không thể làm ra chuyện đó. Công phu lần ra manh mối của đám ngoại đình đó không giống như nha sai chúng ta đâu, nếu để chúng nắm được sơ hở thì... Nhớ năm xưa Lý Quảng rơi đài, toàn bộ những nội quan mà ngoại đình nhìn không vừa mắt đều bị quy là bè đảng của Lý Quảng hết. Chậc! Phải nói là một mẻ hốt sạch sành sanh.
Đúng vào lúc này, một đáng đầu vội vã chạy vào bẩm báo:
- Bẩm công công, thám mã thứ bốn mươi tám chuyển cấp báo về.
Phạm Đình lộ vẻ kích động nói:
- Mau lấy cho ta xem!
Lão tháo xi niêm phong trên tin báo, xem lướt qua một lượt, rồi cười khẩy nói:
- Dương Lăng quả nhiên không ngu, hắn dùng kế minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương (2). Theo tin mới nhất thì thuyền của hắn đi được nửa đường rồi cập vào bờ lúc nửa đêm, hơn bốn mươi người xuống thuyền rồi chạy thẳng đến kinh thành bằng đường bộ, hiện đã đến địa phận Thương Châu rồi.
Lý Vinh vội hỏi:
- Xác định chứ? Có tận mắt trông thấy Dương Lăng không? Hay đó cũng là kế nghi binh của hắn?
Phạm Đình do dự một chút rồi nói:
- Kiệu Dương Lăng ngồi đích thị là kiệu tám ngựa (3), tốc độ chậm hơn so với cưỡi khoái mã mấy phần. Thám mã chưa từng thấy Dương Lăng xuống xe, có điều thấy hắn thi thoảng dừng chân nghỉ ngơi và mua đồ ăn tại thị trấn ven đường. Người của chúng ta xác nhận từng nghe trong xe có người phân phó hành động. Vẻ mặt của đám người đi theo âm thầm bảo vệ đó cung kính tự nhiên, nếu tùy tiện tìm một tên tiểu tốt giả mạo, thì đám phiên tử mới rời khỏi quân doanh không lâu, kẻ nào kẻ nấy đều ương bướng dữ dằn đó, sẽ không lý nào không để lộ chút sơ hở.
Đới Nghĩa âm thầm thất kinh, lão cầm lấy phong thư xem một chút rồi nói hộ cho Dương Lăng:
- Vậy cũng chưa chắc. Nghe nói Dương Lăng biết cách dùng binh, quân kỷ nghiêm minh, lúc chống giặc Oa tại Hải Ninh đã lấy một chọi trăm. Những binh sĩ đó nếu đã nhận nghiêm lệnh của hắn thì ai dám vì trong xe không có Xưởng đốc mà sẽ tuỳ ý làm càn chứ? Nếu như tên thiên hộ và hai bách hộ mà Dương Lăng tín nhiệm nhất đều ở trên thuyền vậy thì khả nghi lắm. Nếu hắn thật sự bỏ thuyền dùng xe thì sao có thể không mang thân tín theo bên mình?
Phạm Đình cười nói:
- Nữ tỳ lúc nào cũng như hình với bóng của hắn cũng ở trong xe, nghe nói nữ tỳ xinh đẹp đó có quan hệ mờ ám với hắn, hằng ngày thường hay ra vào phòng hắn. Chiếc kiệu xe bé xíu đó chỉ có thể ngồi sát với nhau, hắn nỡ để người con gái yêu mến của mình và người đàn ông khác kề tai áp má hơn chục ngày sao?
Đới Nghĩa nghe vậy không khỏi kinh ngạc, Hà Đại Xuân sốt sắng nói:
- Như vậy không phải tốt lắm sao? Nay Vương Quỳnh chết đi, Dương Lăng đã bị bao người chỉ trích, bá quan trong kinh không còn ai dám bảo vệ cho hắn nữa thì hiện tại phải mau chóng sai người chặn đường, thừa lúc hắn đang thân cô thế bạc mà tiêu diệt là tốt nhất!
Ánh mắt Trương Thọ chợt loé lên, lão nói:
- Chính vì không có gì khả nghi nên mới càng đáng nghi. Nếu hắn đã có cử động này, vậy rõ ràng đã cảm giác được hành động của chúng ta. Hắn xuất thân là tú tài, có gan chỉ vẻn vẹn dẫn mấy mươi tên hộ vệ hồi kinh ư?
Theo ta thấy, người thì vẫn nên phái đi, tuy nhiên mặt khác cũng nhờ Trương Tú về Thiên Tân vệ chuẩn bị trước, hai bên quăng lưới thể nào cũng sẽ bắt được con cá to thôi. Còn về phần trong kinh thì... cứ giao cho bá quan trong triều làm khổ hắn đi.
***
Bá Châu của Hà Bắc, vùng đất kế bên thiên tử mà lại lắm đạo tặc.
Ba bốn chục kỵ mã bảo hộ một chiếc kiệu xe tám ngựa đang phóng băng băng trên đồng không mông quạnh. Lúc này sắc trời chạng vạng, những con ngựa hồng hộc thở ra hơi thở nóng rực, hiển nhiên trong đêm đã không biết đi hết bao nhiêu con đường. Trên vùng hoang vu mọc đầy cỏ lau nhưng thưa thớt hơn bãi Lạc Nhạn rất nhiều.
Kiệu xe không lớn, ngựa phóng nhanh khiến nó không ngừng lắc lư nhưng trên chỗ ngồi đều lót đệm dày nên tuy rằng xóc nảy song lại không đến nỗi khiến người ta bị xóc đến rã người. Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận cải nam trang đang ngồi đối diện với nhau.
Thành Khởi Vận vận trang phục giống hệt Dương Lăng, khuôn mặt được trang điểm anh tuấn văn nhã, cặp mày, nhìn từ xa trông giống Dương Lăng đến năm phần. Trên nóc kiệu xe treo một ngọn đèn dầu (dầu cá). Đặt giữa hai người là một bàn cờ đá nam châm, hai người đang bày ra bố cục, đã đánh được hai trăm mười bốn nước.
Cao Văn Tâm cầm quân đen đi trước, hai bên đều đã đặt bố cục Tinh Tiểu Mục (4). Lúc đầu Cao Văn Tâm còn thủ vững đánh chắc đủ đấu một trận, đáng tiếc trong ván nàng thấy rồng lớn (5) của đối phương khó tránh kiếp nạn thì mừng rỡ khổ tâm vắt óc bày ra một nước hay hòng giết sạch rồng lớn của đối phương. Kết quả rồng lớn vận cao, nàng chỉ lo để mắt đến nó mà không nghĩ đến những nước khác, thế là rồng lớn còn chưa giết được mà thế cờ đã loạn.
Cao Văn Tâm trông thấy quân mình đã hoàn toàn tan rã, ở góc trái bên dưới cờ đen mất đi cơ sở, bên trên cờ sống đang bị chèn ép, bên phải tuy có thể đánh một trận nhưng nếu phát triển nơi đó thì con rồng lớn mà mình vất vả vùng vẫy trong ván sẽ bị Thành Khởi Vận nuốt mất, thật sự không còn sức để đánh thắng. Nàng nhìn một hồi lâu đành phải đẩy bàn nhận thua.
Cao Văn Tâm tự xưng kỳ nghệ cao minh nhưng dọc đường lên bắc đánh với Thành Khởi Vận mấy chục hiệp mà chưa từng thắng được một ván, quả thực trong lòng có phần chán nản.
Thành Khởi Vận đắc ý cười nói:
- Đời người như cờ, phải biết nhìn xa. Ta thấy cô nương đánh cờ thường hay lấy giết rồng làm vui, thật ra đó là sự cố chấp. Đánh cờ là để thắng chứ không phải là ham muốn khoái lạc nhất thời. Kỳ nghệ của cô vốn không tệ, có điều chưa từng suy xét toàn cục, thường vì để đánh ra một nước cờ hay mà không tiếc mọi giá thành ra vì ngọn mà bỏ mất gốc đi.