Tôi để lại Adam, Kim và Willow ở trong sảnh rồi hoảng loạn chạy xuyên suốt bệnh viện. Tôi không nhận ra mình đang tìm khu nhi cho tới khi tôi đến đó. Tôi rơi nước mắt khi chạy ngang qua hành lang, qua các căn phòng với những đứa trẻ bốn tuổi căng thẳng đang chìm trong giấc ngủ chập chờn trước lúc cắt a-mi-đan vào ngày mai, qua ICU sơ sinh với nhiều đứa trẻ nhỏ xíu như con cá, bị gắn nhiều dây rợ hơn cả tôi, qua khoa ung thư nhi nơi những bệnh nhân ung thư trọc đầu đang ngủ dưới bức tranh tường cầu vồng vui mắt và đám bóng bay. Tôi tìm thằng bé, dẫu cho tôi biết mình sẽ không thể tìm thấy. Nhưng tôi vẫn tìm kiếm.
Tôi mường tượng ra đầu nó với những lọn tóc xoăn nhỏ. Tôi thích được vùi mặt mình trong mái tóc xoăn ấy, từ khi nó còn bé tí. Tôi vẫn chờ cho đến ngày nó đẩy tôi ra, nói rằng chị làm em xấu hổ, giống như nó bảo với bố khi bố cổ vũ quá ầm ĩ trong trò bóng chày đập. Nhưng cho tới nay, chuyện đó chưa từng xảy ra. Cho tới nay, tôi vẫn luôn được cho phép rúc vào đầu nó. Cho tới nay. Giờ thì không còn nữa. Kết thúc rồi.
Tôi tưởng tượng bản thân vùi vào tóc của nó một lần cuối, và tôi không thể hình dung ra hình ảnh ấy mà không thấy bản thân mình đang khóc, nước mắt của tôi làm duỗi những lọn xoăn của nó.
Teddy sẽ không bao giờ tốt nghiệp từ bóng chày đập sang bóng chày. Nó sẽ không bao giờ mọc râu. Nó sẽ không bao giờ tham gia ẩu đả hay bắn một con hươu hay hôn một cô gái hay làm tình hay yêu đương hay cưới xin hay làm cha đứa trẻ tóc xoăn của riêng mình. Tôi chỉ hơn nó mười tuổi, nhưng dường như tôi đã được trải nghiệm cuộc sống quá nhiều. Thật không công bằng. Nếu có một người nên được ở lại, nếu có một người nên được trao cơ hội sống sót, đó phải là thằng bé.
Tôi chạy ào ngang bệnh viện như một con thú hoang bị bẫy. Teddy? Tôi gọi. Em ở đâu? Quay lại với chị đi!
Nhưng nó không đáp. Tôi biết chỉ vô dụng thôi. Tôi từ bỏ và lê bước về ICU. Tôi muốn phá vỡ cánh cửa đôi. Tôi muốn đập tan trụ sở của y tá. Tôi muốn tất cả biến hết. Tôi muốn bỏ đi. Tôi không muốn ở đây. Tôi không muốn ở trong cái bệnh viện này. Tôi không muốn ở trong một tình thế lơ lửng khi tôi có thể thấy mọi chuyện diễn ra, khi tôi nhận thức được những gì mình cảm nhận được mà không hề thật sự cảm thấy nó. Tôi không thể gào thét cho tới khi rát họng hoặc dùng nắm đấm đập cửa sổ cho tới khi chảy máu, hay giằng giật mái tóc cho tới khi cơn đau trên da đầu vượt qua được nỗi đau đớn trong trái tim tôi.
Tôi nhìn vào bản thân, vào Mia đang 'sống', nằm trên giường bệnh. Tôi cảm nhận được cơn thịnh nộ đang dâng trào. Nếu có thể tát vào gương mặt bất động của chính mình kia, tôi sẽ làm vậy.
Thay vì thế, tôi ngồi xuống ghế và khép mắt, ước rằng mọi chuyện sẽ trôi qua. Nhưng tôi không thể. Tôi không thể tập trung bởi những tiếng ồn ào bất chợt vang lên. Máy giám sát của tôi đang kêu bíp bíp và hai y tá đang vội vàng chạy tới bên cạnh.
“Huyết áp và lượng oxi trong máu của cô bé đang giảm,“ một người kêu lên.
“Nhịp tim nhanh,“ người kia hét. “Chuyện gì xảy ra vậy?””Mã xanh, mã xanh trong Trauma,“ phụ tá y tế hô hoán.
Một bác sĩ có cặp mắt lờ đờ nhanh chóng gia nhập đội ngũ y tá, dụi mắt để thoát khỏi cơn buồn ngủ trên bờ mi, nơi đang thâm sì với một quầng đen. Ông ấy giật chăn xuống và vạch chiếc áo bệnh nhân của tôi lên. Tôi trần trụi từ bụng trở xuống, nhưng chẳng ai để tâm đến điều này. Ông ấy sờ lên bụng tôi, nơi đang sưng phồng và cứng ngạnh. Cặp mắt ông ấy mở to rồi nheo lại thành một đường mảnh. “Căng bụng,“ ông ấy bực bội nói. “Chúng ta cần siêu âm.”
Cô y tá Ramirez chạy vào căn phòng phía sau và đẩy ra một thứ trông như máy tính xách tay với thiết bị phụ dài màu trắng. Cô bôi ít gel lên bụng tôi, rồi bác sĩ kia chạy thiết bị phụ trên bụng tôi.
“Chết tiệt, đầy chất lỏng,“ ông ấy nói. “Bệnh nhân vừa phẫu thuật chiều nay à?”
“Cắt lá lách,“ y tá Ramirez đáp.
“Có lẽ một mạch máu đã không được đốt,“ bác sĩ bảo. “Hoặc sự rỉ chậm từ một vết thủng ruột. Tai nạn xe cộ phải không?”
“Vâng, bệnh nhân được chuyển đến bằng trực thăng sáng nay.”
Vị bác sĩ lật xem những biểu đồ của tôi. “Bác sĩ Sorensen đã mổ cho cô bé. Cậu ta vẫn còn trong ca. Gọi cậu ta, đưa cô bé vào phòng phẫu thuật. Chúng ta cần vào trong và tìm xem thứ gì đang bị chảy, nguyên nhân nữa, trước khi cô bé chảy thêm nhiều hơn. Chúa ơi, chấn thương sọ não, xẹp phổi. Đứa bé này đúng là một đoàn tàu đổ nát.”
Cô y tá Ramirez nhìn bác sĩ với ánh mắt khinh bỉ, như thể ông ta vừa mới lăng mạ tôi.
“Cô Ramirez,“ bà y tá cục cằn ở bàn trực gắt lên. “Cô có bệnh nhân của mình để mà chăm sóc. Luồn ống khí quản cho cô gái trẻ này rồi chuyển vào phòng phẫu thuật đi. Chuyện đó sẽ tốt hơn cho cô ấy thay vì mấy trò vô bổ loanh quanh.”
Các y tá nhanh nhẹn gỡ máy giám sát và các ống thông, luồn một cái ống khác xuống họng tôi. Hai người phục vụ chạy vào với một cái cáng đẩy và nhấc tôi lên đó. Tôi vẫn trần truồng từ eo xuống khi họ đẩy tôi ra, nhưng ngay trước khi tôi tới cửa sau, y tá Ramirez gọi, “Khoan!” rồi nhẹ nhàng khép cái áo dài bệnh viện quanh chân tôi. Cô dùng ngón tay gõ ba lần trên trán tôi, giống như đó là một thông điệp bằng mã Morse. Sau đó tôi đi vào mê cung hành lang dẫn đến phòng phẫu thuật hoặc một ngã rẽ luẩn quẩn khác, nhưng lần này tôi không đi theo cơ thể mình. Lần này tôi ở lại ICU.
Tôi đã bắt đầu hiểu ra. Ý tôi là, tôi vẫn chưa hiểu được hoàn toàn. Không phải là bằng cách nào đó tôi đã ra lệnh cho một mạch máu đứt ra và chảy vào bụng tôi. Không phải tôi mong đợi một cuộc phẫu thuật khác. Nhưng Teddy đã đi rồi. Bố mẹ đều đi rồi. Sáng nay tôi lên xe với gia đình mình, và giờ thì tôi ở đây, hoàn toàn đơn độc. Tôi mới mười bảy tuổi. Đáng lẽ mọi chuyện không như thế này. Cuộc đời tôi đáng lẽ không rẽ ngoặt như thế này. Trong một góc lặng của ICU, tôi bắt đầu nghiêm túc suy ngẫm về những điều đau khổ mà tôi đã cố lờ đi trong suốt ngày hôm nay. Sẽ như thế nào nếu tôi ở lại? Sẽ như thế nào nếu tỉnh dậy và mồ côi? Sẽ không bao giờ ngửi thấy mùi tẩu thuốc của bố? Không bao giờ đứng bên mẹ thủ thỉ tâm sự mỗi khi rửa bát? Không bao giờ đọc cho Teddy một chương mới của Harry Potter? Sống mà không có họ?Tôi không chắc đây còn là thế giới mà tôi thuộc về nữa hay không. Tôi không chắc mình có muốn tỉnh lại hay không.
***
Tôi mới chỉ tham dự một lễ tang trong đời và đó là của một người tôi không thân thiết lắm.
Đáng ra tôi đã có thể dự lễ tang của bà bác Glo sau khi bà chết vì viêm tụy cấp, nếu như nguyện vọng về nơi an nghỉ cuối cùng của bà không cụ thể như thế. Không buổi tang lễ truyền thống, không chôn cất trong địa sản gia đình. Thay vì thế, bà muốn hỏa táng và rắc tro cốt của mình theo nghi lễ thiêng liêng của thổ dân Mỹ ở đâu đó gần núi Sierra Nevada. Gran khá khó chịu về chuyện này, nói chung là khó chịu về bà bác Glo, người Gran nhận định rằng luôn luôn ra sức hô hào sự chú ý về sự khác biệt của mình, kể cả sau khi chết. Cuối cùng thì Gran tẩy chay buổi lễ rắc tro, và nếu bà không đi, chẳng có lý nào chúng tôi sẽ đi.
Peter Hellman, người bạn chơi trombone từ hội trại âm nhạc của tôi, đã chết hai năm trước, nhưng tôi không biết chuyện này cho tới khi quay lại trại hè và phát hiện cậu ấy không có mặt. Không mấy người trong đám chúng tôi biết cậu ấy bị ung thư bạch huyết. Đó là một điều ngộ nghĩnh về trại hè âm nhạc, bạn chơi thân với mọi người cả mùa hè, nhưng có một luật bất thành văn là bạn sẽ không liên hệ với họ suốt khoảng thời gian khác trong năm. Dù sao đi chăng nữa, chúng tôi đã có một buổi hòa nhạc truy điệu tại trại hè để tưởng niệm Peter, nhưng nó không thật sự là một buổi tang lễ.
Kerry Gifford là một nghệ sĩ chơi nhạc trong trấn, một người cùng thời với cha mẹ tôi. Không giống như bố và chú Henry, những người đã chín chắn và có gia đình, chuyển từ những người chơi nhạc sang những người sành nhạc, Kerry vẫn độc thân và trung thành với tình yêu đầu tiên của mình: Chơi nhạc. Chú ấy đã từng chơi trong ba ban nhạc và kiếm sống bằng cách chỉnh nhạc trong những câu lạc bộ địa phương, một công việc khá lý tưởng bởi ít ra thì một trong những ban nhạc của chú ấy được biểu diễn ở đó hàng tuần, vì thế chú ấy chỉ phải vận hành sân khấu rồi để cho ai đó làm việc với đống máy móc của mình, tuy thỉnh thoảng bạn cũng có thể thấy chú ấy nhảy vào giữa đống máy và tự điều chỉnh dàn loa. Tôi biết Kerry từ hồi nhỏ khi đi xem biểu diễn với cha mẹ tôi, rồi cũng coi như gặp lại chú ấy khi Adam và tôi quen nhau rồi tôi lại bắt đầu đi xem biểu diễn.
Một buổi tối trong lúc chú ấy đang làm việc, chỉnh âm cho một nhóm nhạc Portland tên là Clod, đột nhiên chú ấy gục xuống bảng mạch âm thanh. Chú ấy chết trước khi xe cứu thương đến, vỡ túi phình động mạch não.
Cái chết của Kerry gây ra một sự náo động trong thành phố của tôi. Chú ấy như một nhân vật cố hữu ở đây, một người đàn ông thẳng thắn, rất hòa đồng với những lọn tóc tết dài hoang dã trên gương mặt da trắng. Tất cả những người chúng tôi quen biết đều dự định tham dự lễ tang của chú ấy, nó sẽ được tổ chức trong thị trấn nơi chú ấy trưởng thành, một ngọn núi cách đây vài giờ lái xe. Đương nhiên bố và mẹ đều đi, Adam cũng vậy. Thế nên dù tôi phần nào cảm thấy mình như một kẻ mạo danh trà trộn vào ngày tang lễ của một ai đó, tôi vẫn quyết định đi theo. Teddy ở lại với Gran và Gramps.
Chúng tôi di chuyển đến quê nhà của Kerry với một đoàn người, chen chúc chung một cái xe với Henry và Willow, cô đang có bầu nên dây an toàn không cài vừa cái bụng đang to lên. Mọi người lần lượt kể những câu chuyện vui về Kerry. Kerry công khai theo cánh tả, phản đối chiến tranh Iraq bằng cách hô hào một nhóm trai tráng mặc đồ nữ và đến trụ sở chiêu mộ quân sự địa phương để xin tuyển quân. Kerry là một người vô thần ngoan cường, ghét sự phổ biến tràn lan của Giáng Sinh, vì thế chú tổ chức buổi lễ Chúc mừng Phản-Giáng-Sinh thường niên tại câu lạc bộ, nơi chú mở một cuộc thi xem ban nhạc nào có thể chơi nhiều phiên bản xuyên tạc các bài thánh ca Giáng Sinh nhất. Rồi chú còn mời mọi người thảy hết đống quà cáp dớ dẩn của mình vào một cái cột to giữa sàn câu lạc bộ. Nhưng tương phản với suy đoán của người dân địa phương, Kerry không châm lửa thiêu cháy đống đồ đó, bố kể với tôi rằng chú ấy quyên góp chúng cho St. Vincent de Paul.Khi mọi người nói về Kerry, bầu không khí trong xe rất rôm rả và hào hứng, giống như chúng tôi đang đến một rạp xiếc, không phải một đám tang. Nhưng nó lại có vẻ đúng đắn, đúng với Kerry, người luôn luôn sôi trào nhiệt huyết.
Mặc dù vậy, lễ tang lại hoàn toàn trái ngược. Nó trầm lắng kinh khủng, không chỉ bởi nó dành cho ai đó đã có một cái chết bi thảm khi còn trẻ và lý do không gì khác ngoài vận số xui xẻo. Lễ tang được tổ chức trong một nhà thờ lớn, điều có vẻ kỳ lạ khi mà Kerry là một người vô thần công khai, nhưng chuyện này tôi có thể hiểu. Ý tôi là còn nơi nào khác để tổ chức một lễ tang chứ? Vấn đề là ở buổi lễ. Rõ ràng là mục sư chưa từng gặp Kerry, bởi vì ông ta nói về Kerry rất chung chung, rằng Kerry tử tế như thế nào, và dù thật đau buồn rằng chú đã ra đi, chú ấy vẫn sẽ nhận được 'phần thưởng thiên đường' của mình.
Thay vì vài lời tán dương đến từ những đồng nghiệp cùng ban nhạc hay những người trong thành phố mà chú ấy ở bên trong mười lăm năm cuối đời, một người bác đến từ Boise đứng lên và kể chuyện dạy Kerry đạp xe đạp khi chú lên sáu, như thể học đạp xe là thời khắc huy hoàng trong cuộc đời của Kerry vậy. Ông ta kết luận bằng cách tái khẳng định Kerry đang dạo bước với Chúa ngay lúc này. Tôi có thể thấy mặt mẹ đỏ bừng lên khi ông ta nói thế, và tôi hơi nghi ngại rằng mẹ sẽ lên tiếng. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đến nhà thờ, và không phải mẹ có ý gì chống đối tôn giáo, nhưng Kerry thì rõ ràng là có, và mẹ có sự bảo hộ mãnh liệt với những người mình yêu quý, nhiều đến mức mẹ cảm thấy bị sỉ nhục cùng với họ. Bạn của mẹ lắm lúc gọi bà là Gấu Mẹ cũng vì lý do này. Hơi nước hầu như bốc hơi qua tai mẹ khi buổi lễ kết thúc với màn biểu diễn xúc động “Gió thổi dưới đôi cánh tôi” của Bette Midler.
“Cũng tốt là Kerry đã chết, bởi vì lễ tang này sẽ khiến cậu ta hoàn toàn tuyệt vọng,“ Chú Henry nói. Sau buổi lễ tại nhà thờ, chúng tôi quyết định bỏ qua tiệc trưa nghi thức và trở về ăn tối.
“Gió thổi dưới đôi cánh tôi?” Adam hỏi, lơ đãng cầm tay tôi trong lòng bàn tay anh và thổi hơi vào nó, điều anh hay làm để sưởi ấm những ngón tay lúc nào cũng lạnh lẽo của tôi. “Sao không phải 'Ân điển diệu kỳ'? Ít ra nó vẫn truyền thống...”
“Nhưng nó không khiến cháu buồn nôn.” Henry chen vào. “'Ba con chim nhỏ' của Bob Marley cũng được, phù hợp với bản chất của Kerry hơn. Bài gì đó tôn vinh con người khi còn sống của cậu chàng.”
“Lễ tang này không hề kỷ niệm cuộc đời của Kerry,“ mẹ càu nhàu, giật mạnh cái khăn của mình. “Nó phủ nhận cuộc đời cậu ấy. Giống như họ đang giết cậu ấy thêm lần nữa.”
Bố đặt bàn tay xoa dịu lên nắm tay đang siết chặt của mẹ. “Thôi nào. Đó chỉ là một bài hát thôi.”
“Nó không chỉ là một bài hát,“ mẹ nói, giằng tay bà ra. “Nó là thứ biểu trưng, tất cả những trò nực cười ở đó. Đáng ra hơn ai hết anh phải hiểu.”
Bố nhún vai và mỉm cười buồn bã. “Có lẽ thế. Nhưng anh không thể nổi cáu với gia đình cậu ấy. Anh cho rằng lễ tang này là sự cải tạo đứa con trai theo cách của họ.”
“Làm ơn đi,“ mẹ nói, lắc đầu. “Nếu họ muốn đòi lại đứa con của mình, sao họ không tôn trọng cuộc sống mà cậu ấy đã lựa chọn? Cớ gì mà họ chưa từng đến thăm hỏi? Hoặc ủng hộ âm nhạc của cậu ấy?””Chúng ta không biết họ nghĩ gì về tất cả những chuyện đó,“ bố đáp. “Đừng xét đoán quá khắt khe. Hẳn đã rất đau lòng khi họ phải chôn cất đứa con của mình.”
“Em không tin nổi là anh đang biện hộ cho họ,“ mẹ chỉ ra.
“Anh không làm thế. Anh chỉ cho rằng em săm soi thái quá vào sự lựa chọn âm nhạc.”
“Còn em thì nghĩ anh đang lẫn lộn giữa người đồng cảm và kẻ ba phải!”
Cái nhăn mặt của bố gần như vô hình, nhưng nó đã đủ để Adam siết chặt tay tôi, đồng thời cho Henry và Willow trao đổi một ánh nhìn. Henry xen vào, để giải cứu bố, tôi nghĩ thế. “Nó khác với cậu, với cha mẹ cậu,“ chú ấy bảo bố. “Ý mình là họ cổ hủ nhưng luôn luôn ủng hộ những điều cậu làm, và kể cả trong thời điểm ngông cuồng nhất, cậu vẫn luôn là một người con tốt, một người cha tốt. Luôn ở nhà vào bữa tối chủ nhật.”
Mẹ tôi cười ha hả, như thể câu nói của chú Henry đã củng cố quan điểm của bà. Chúng tôi đều quay lại nhìn bà, biểu cảm choáng váng của chúng tôi dường như đã đẩy bà ra khỏi trạng thái quá khích. “Rõ là em chỉ đang xúc động,“ bà nói. Bố hiểu rằng đó đã đủ là một lời xin lỗi mà mình nhận được ngay lúc này. Ông đặt tay lên tay mẹ, lần này bà không hất ra nữa.
Bố ngừng lại, do dự trước khi lên tiếng. “Anh chỉ nghĩ rằng tự bản thân lễ tang đã rất giống cái chết. Em có thể có những ước nguyện, những kế hoạch, nhưng đến cuối ngày, nó không còn nằm trong tầm kiểm soát nữa.”
“Không đời nào,“ Henry nói. “Sẽ không nếu như cậu gửi gắm nguyện vọng cho đúng người.” Chú ấy quay sang Willow và nói với cái bụng bầu của cô. “Thế nên nghe này, gia đình. Vào lễ tang của anh không ai được mặc đồ đen. Về phần âm nhạc, anh muốn thứ gì đó vui nhộn và cổ điển, như Mr. T Experience.” Chú nhìn Willow. “Em hiểu chưa?”
“Mr. T Experience. Em nhớ kỹ rồi.”
“Cảm ơn, còn em thì sao hả cưng?” chú hỏi cô.
Không bỏ lỡ giây nào, Willow đáp ngay: “Chơi bài 'P.S You Rock My World' của Eels. Em muốn có một lễ tang xanh nơi mình được chôn dưới một tàng cây. Như thế lễ tang sẽ trở nên thiên nhiên. Không hoa hoét. Ý em là, tặng em bao nhiêu mẫu đơn anh muốn khi em sống đều được, nhưng một khi em đã chết, tốt nhất là quyên góp dưới tên em cho một tổ chức từ thiện uy tín như 'Bác sĩ không biên giới'.”
“Cô lên kế hoạch đến từng chi tiết rồi,“ Adam nói. “Đó có phải tính cách của y tá không?”
Willow nhún vai.
“Theo lời của Kim, thế có nghĩa là cô sâu sắc,“ tôi nói. “Cậu ấy bảo rằng thế giới chia ra làm những người tưởng tượng về lễ tang của bọn họ và những người không, thường thì người thông minh và có máu nghệ sĩ sẽ rơi vào nhóm trước.”
“Còn em thì sao?” Adam hỏi tôi.
“Em muốn Khúc cầu hồn của Mozart,“ tôi đáp. Tôi quay sang bố mẹ. “Bố mẹ đừng lo, con không có ý định tự tử đâu.”
“Làm ơn đi,“ mẹ nói, tâm trạng của bà khá hơn khi bà lắc cốc cà phê của mình. “Khi trưởng thành mẹ từng vẽ vời một cách kỹ lưỡng về lễ tang của mình. Ông bố vô dụng của mẹ và tất cả những đứa bạn từng chơi xấu mẹ sẽ than khóc trên quan tài của mẹ, cái sẽ có màu đỏ, đương nhiên, và họ sẽ chơi James Taylor.”
“Để em đoán,“ Willow nói. “Lửa và mưa?”
Mẹ gật đầu, rồi bà với cô Willow bắt đầu cười ngất ngưởng, ngay sau đó tất cả mọi người trên bàn hưởng ứng quá khích đến mức chảy cả nước mắt. Rồi chúng tôi khóc, kể cả tôi, người không biết rõ về Kerry cho lắm. Khóc rồi cười, cười rồi khóc.
“Giờ thì sao ạ?” Adam hỏi mẹ khi chúng tôi bình tĩnh lại. “Vẫn giữ một màn cho ngài Taylor ạ?”
Mẹ ngừng lại và chớp mắt mấy cái, chuyện bà thường làm khi suy nghĩ về vấn đề gì đó. Rồi bà với sang để vuốt ve má bố, một biểu hiện hiếm hoi thể hiện tình cảm trước công chúng. “Trong kịch bản lý tưởng của em, người chồng ba phải đa cảm của em và em sẽ chết nhẹ nhàng cùng một lúc khi đến tuổi chín mươi hai. Em không chắc bằng cách nào. Có lẽ chúng ta đang trong đoàn đi săn ở Châu Phi - bởi vì trong tương lai, chúng ta giàu có; này, đó là ước mơ của em - và chúng ta sẽ kiệt sức vì một chứng bệnh kỳ lạ nào đó, chìm vào giấc ngủ ngon như thường lệ và không bao giờ tỉnh lại. Không có James Taylor. Mia sẽ chơi trong tang lễ. Nếu, vấn đề là, chúng ta có thể tách con bé ra khỏi New York Philharmonic.”
Bố đã lầm. Đúng là bạn không thể kiểm soát được tang lễ của chính mình, nhưng đôi khi bạn có thể lựa chọn cái chết cho bản thân. Tôi không thể không nghĩ rằng một phần điều ước của mẹ đã trở thành sự thật. Bà ra đi với bố. Nhưng tôi sẽ không chơi nhạc trong tang lễ của bà. Rất có thể tang lễ của bà cũng là của tôi. Có chút gì đó khuây khỏa khi nghĩ về điều này. Chết đi với cả gia đình. Không ai bị bỏ lại. Nhưng phải nói, tôi nghĩ rằng mẹ sẽ không vui về chuyện này. Trên thực tế, Gấu Mẹ hẳn sẽ hoàn toàn điên tiết với những gì đã xảy ra trong ngày hôm nay.