Trường Cung thần y khám thân thể, kinh mạch của Nguyên Huân hết sức kỹ lưỡng, ông nhíu mày nói :
- “Kinh kỳ, bát mạch của Trần thiếu hiệp quả thật vô cùng đặc dị, trong Vạn Dược kinh cũng có ghi sơ lược, nhưng trong đời ta mới được thấy lần đầu. Độc khí âm hàn tuy đã được thiếu hiệp dùng công lực thuần dương tách rời, nhưng các huyệt Bách Hội, Sinh Tử Huyền Quan vẫn còn tồn đọng một lượng khí âm hàn rất mạnh.
Rất may, thiếu hiệp đã không hấp tấp dùng Tiên Thiên công hóa giải để phục hồi công lực, bởi vì, nếu công lực thiếu hiệp mà tìm lại được tám thành, thì âm hàn khí độc gia tăng gấp ba lần; không một ai trong võ lâm có công lực ấy mà khu trừ, tống xuất hàn khí ra khỏi cơ thể được.
Hiện nay, công lực thiếu hiệp mới chỉ phục hồi được bốn thành, tuy nhất thời đi lại được, nhưng cứ vào đầu giờ Tý, khí âm cực thịnh, huyệt Bách Hội nhức buốt, Sinh Tử Huyền Quan tê dại, nửa mặt bên trái mất hết cảm giác, thay vì nửa mặt bên phải của người có kinh mạch thuận, chân khí bình thường đi từ Đan Điền ngược kinh Nhâm mạch, qua Ấn Đường, lên Bách Hội huyệt, là nơi phân ranh giữa Nhâm và Đốc vòng xuống Sinh Tử Huyền Quan, chuyển xuống Tỳ Khu huyệt, đến Khí hải, giáp vòng thuận. Nhưng người có kinh mạch đảo ngược như thiếu hiệp, chân khí thay vì đi từ âm sang dương, thì lại di ngược từ dương xuống âm; nghĩa là vòng qua Trung Cực huyệt, Khúc Cốt huyệt, qua Tỳ Khu, lên Mệnh Môn, qua Đại Trùy xung phá Sinh Tử Huyền Quan, thoát ra Bách Hội.
Ngày thiếu hiệp trúng thương, nếu là người bình thường, thương vong ở vùng ngực, khí âm hàn xâm nhập, lên đến Bách hội, dẫn về Sinh Tử Huyền Quan. Đoạn đường từ huyệt Đản Trung đến Sinh Tử Huyền Quan ngắn hơn theo chiều nghịch, nghĩa là vòng qua Khúc Cốt, Tỳ Khu, do đó nặng hơn người có kinh mạch nghịch đảo; thiếu hiệp giữ được mạng sống là do đó mà ra.
Tuy nhiên, hiện Sinh Tử Huyền Quan chứa nhiều hàn khí, mà Sinh Tử Huyền Quan là cửa ngõ giữa cái sống và cái chết, cực kỳ mong manh, mong manh thì dễ vỡ. Nay lão phu phải xung phá Sinh Tử Huyền Quan cho thiếu hiệp, nếu công lực lão phu đủ thì thiếu hiệp sống, nếu không đủ, cái chết sẽ đến tức khắc cho thiếu hiệp. Đó là lời chân thực, lão phu không giấu, cũng chẳng ngại hao tổn nguyên khí, hao tổn nội gia chân lực mà thoái thác. Thiếu hiệp tự lựa chọn!”
Nguyên Huân đưa mắt nhìn Kiến Nghiệp đại sư ngồi kế bên, Đại sư nhìn lại chàng :
- Việc liên hệ đến sống chết, thí chủ phải tự quyết định. Nếu không chữa trị, không đi vào cái chết để tìm cái sống, thì cho dù theo hiện trạng, có thể sống được chín, mười năm, nhưng chỉ là cái sống vô dụng!
Nguyên Huân vòng tay thưa :
- Vãn bối không màng đến chuyện sống chết, sống mà vô ích thì có chết vẫn hơn. Dám xin Đại phu hỷ xả mà cứu giúp; dẫu thành, dẫu bại tiểu tử chẳng dám quên ơn!
Trường Cung thần y cười dễ dãi nói :
- Thiếu hiệp hà tất phải nói đến ơn nghĩa. Làm người thấy kẻ lâm nạn mà còn so đo lợi hại, ơn nghĩa, thì làm sao còn gọi là con người được. Thiếu hiệp đã phó thác sinh mạng vào tay lão phu, thì lão phu cũng đem hết khả năng mà chữa trị cho thiếu hiệp, xin thiếu hiệp hãy an tâm! Có một điều lão phu phải căn dặn, bỏ sự sống cái chết ngoài tai, không lý đến, tâm hồn thư thái để bước vào cõi tâm hư, đại định, đó là điều thứ nhất. Việc thứ hai là phải làm theo đúng mọi điều trong lúc trị thương. Kiên trì với một ý chí ham sống mãnh liệt, có như thế mới đem đến thành quả tốt đẹp được!
Nguyên Huân nhất nhất vâng lời.
Ngay buổi chiều hôm đó, chàng bắt đầu nhịn ăn, ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt. Chàng vận dụng toàn bộ ý chí để chịu đựng, vì không được vận dụng đến công lực nội thân. Chàng đưa trí tưởng đến những vùng trời sa mạc, với ánh mặt trời bỏng cháy, những ngọn hỏa sơn phun lửa rực trời những ngày hè đốt thiêu vạn vật, cỏ cây... trí tưởng chàng cứ miên man như thế, để chịu đựng cái lạnh bên trong và bên ngoài cơ thể tương khắc. âm cộng âm sinh dương, ngày qua ngày, thân nhiệt tự nhiên phát tác. Sự kỳ diệu của đại định đã phát sinh thần lực.
Thực ra, thân nhiệt không phải tự nhiên mà có, bởi lẽ, khí âm hàn khi bị cái buốt lạnh từ bên ngoài xâm nhập tự khắc, từ Sinh Tứ Huyền Quan tỏa ra khắp châu thân, cái lạnh hai bên dần tương đồng, nên cảm giác ấm áp do đó mà có.
Qua ngày thứ năm, Nguyên Huân được đưa vào một thạch động nằm sâu trong lòng núi Trường Bạch. Thạch động thiên nhiên, có ánh sáng từ đỉnh cao chiếu xuống. Đường vào dài hun hút và hẹp, càng đi ánh sáng càng mờ nhạt. Hai vách và trần động có lúc thu hẹp lại chỉ vừa một người ới lọt, có lúc nở phình ra. Đường đi càng lúc càng chúi xuống, và không khí dày đặc một mùi lưu huỳnh và diêm sinh. Có tiếng động như tiếng sấm vang vang, ì ầ m bất tận, có lúc như tiếng sóng vỗ vào bờ đá dựng những ngày biển động...
Nguyên Huân bỗng thấy dưới chân xâm xấp nước, nhưng nước không lạnh như những con suối khác mà nóng ấm, Mạc On Tuyền, Nguyên Huân nghĩ thầm.
Thần y đi ở phía trước, không nói năng; dáng đi của ông nhẹ như mây, ung dung và nhàn nhã. Cây gậy trúc xanh bóng trên tay ông chỉ như một vật trang trí. Nguyên Huân, từ lúc đi vào vùng bóng tối, chàng lấy viên Dạ minh châu cầm trong tay, viên ngọc tỏa ánh sáng xanh dịu nhẹ, đủ cho nhãn lực cả hai người nhận thấy chung quanh.
Thần y bỗng lên tiếng :
- “Chúng ta đang ở năm dặm dưới mặt đất, trong ruột của Trường Bạch đại sơn. Sở dĩ có tên gọi này là vì đỉnh núi vạn niên tuyết phủ, cái lạnh không thua gì ngọn cao nhất trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng tận trong lòng núi này là một túi lửa lớn. Những tiếng ầm ì như sóng vỗ là do sự trở mình của túi dung nham. Thiên nhiên có những công trình hết sức kỳ diệu.
Từ đây lên đến đỉnh núi, có độ cao không dưới mười lăm dặm, mười lăm dặm của đá núi. Và sau bức vách đá trắng mà chúng ta sẽ tới, cũng ít nhất trên bốn dặm đá cứng của chiều dày bao bọc túi lửa khủng khiếp. Vách đá tuy dày ta vẫn nghe được sự cuộn sôi sùng sục, vì tiếng động truyền đi trong đá cứng lớn hơn rất nhiều lần trong không khí. Vách núi dày trên bốn dặm mà cái nóng vẫn truyền tới như thế này... Nơi đây chính là Thuần Dương động phủ, không một cỏ cây sinh vật nào sống nổi. Ta tình cờ đến được nơi đây tù hai mươi năm trước, ta có dụng tâm làm mộ địa cho ta mai hậu. Sở dĩ thiếu hiệp chưa cảm thấy cái nóng, vì toàn thân thiếu hiệp hiện thời chứa đầy khí thuần âm.
Và đây là điều ta muốn nói với thiếu hiệp, trong khu Hỏa động này đây, ta đã gặp một loài cây thật kỳ dị, thân cây như thạch nhủ, lá như đá, có hoa đỏ như lửa; từ đóa thạch hoa nay, toát ra một mùi hương rất thơm, người hít vào cảm thấy vô cùng khoan khoái. Trong Vạn Độc chân kinh, gọi loại hoa nay là Thạch Hỏa Trầm Hoa, nó có đặc tính cực dương. Sở dĩ nó được xếp vào loại độc, vì dương tính của nó quá mạnh. Hoa không bao giờ tàn, từ nhụy hoa tỏa hương, chảy ra từng giọt như sữa, rớt xuống đá và bị hút ngay, phiến đá dưới tàn hoa vì thế óng lên một màu hồng nhạt, nhạt hơn nhiều lần màu sắc của cánh hoa. Không ai có thể mang những giọt sữa hoa này ra khỏi cây thạch hỏa, không vật gì đựng nó được vì sức thẩm thấu của nó nhục dị thường”.
Chừng một khắc sau, cả hai người đã đứng trước cây hoa đá Cây cao bằng đứa bé bảy tuổi, một bông hoa duy nhất to bằng chiếc đấu, màu đỏ như lửa. Hoa có năm cánh. Từ đài hoa, một mùi hương nhẹ tỏa ra thơm ngọt ngào, và cũng từ nơi đài hoa, từng giọt lệ ứa ra màu trắng hồng, nhỏ xuống rất chậm. Thân cây như gắn chặt vào phiến đá, một phiến đá lớn, phẳng như gương, ánh lên một màu hồng dịu; phiến đá hâm hấp nóng.
Thần y nói :
- Thiếu hiệp cởi bỏ hết quần áo ra, trầm mình trong suối nước, cơ thể buông thả tự nhiên, dẫu có cảm giác gì cũng không được sợ hãi và cử động!
Nguyên Huân làm theo, chàng dựa đầu trên phiến đá, thả người thuận theo dòng nước. Chỉ một lúc, chàng cảm thấy như có những bầy kiến bò trên thân thể, tê ngứa, và lan dần vào các huyệt đạo. Chàng thả lỏng cơ thể, tâm trí như lạc vào cõi hư không, một cảm giác khoan khoái và êm dịu kỳ lạ. Từ từ, chàng nhận ra từ huyệt Bách Hội, Ngọc Chẩm, Đại Trùy và Sinh Tử Huyền Quan những nhói buốt liên tiếp, các tử huyệt còn lại cũng cảm giác ấy, tuy có ít hơn. Cảm giác nhức buốt mỗi lúc một tăng.
Mắt nhắm nghiền, Nguyên Huân đưa trí nhớ về vùng trời Mộc Châu rợp mây trắng, nhớ bờ trúc, lấy tre và mặt hồ Vân Mộng... Chàng nghĩ đến Động Đình hồ thuộc tỉnh Hồ Nam, cũng có tên là Vân Mộng hồ... Và cứ thế, chàng như lãng quên thân xác mình.
Nhớ ngày xưa, thời Tam Quốc, Quan Vân Trường đánh cờ cùng Hoắc Tuấn, để cho Hoa Đà cạo xương. Thế mới biết thần khí mãnh liệt là dường nào? Chàng chìm đi trong cơn mơ im vắng của buổi trưa hè với tiếng gió lao xao trên giậu trúc nơi quê nhà, và chàng mơ hồ nghe tiếng gọi, tiếng gọi... tiếng Trường Cung thần y gọi chàng...
Nguyên Huân mở bừng mắt, Thần y đang cúi xuống dịu dàng :
- Thiếu hiệp, ý lực của thiếu hiệp có một không hai. Đã qua giai đoạn đầu rồi đấy. Bây giờ hãy đứng dậy, đến nằm ngửa người trên tấm hồng thạch, dưới đóa thạch hỏa; làm thế nào để cho lệ hoa nhỏ đúng miệng, tiếp nhận hương nồng, và không được phân tâm trong lúc lão phu điều trị.
Giọt sữa hoa đầu tiên nhỏ vào miệng, một vị thơm như sữa ngọt, như mật ong; hương thơm ngọt ngào tan vào trong chàng. Một luồng khí nóng tỏa ra từ Đan Điền, mỗi lúc một nóng ran như lửa. Thần y phóng nhanh những mũi kim vàng vào các huyệt thuộc Nhâm mạch, trên các huyệt thuộc kinh Tâm Bào, kinh Đại Tràng, kinh Tiểu Tràng, kinh Bàng Quang, Tam Tiêu, Tâm kinh, Phế kinh, Đởm kinh, Can kinh, Tỳ kinh, chạy dài suốt tay và chân. Hơi nóng từ Đan Điền chạy suốt kinh kỳ, bát mạch, nhập vào lục phủ, ngũ tạng, như một luồng lửa ấm, theo chiều nghịch âm dương chuyển tiếp Tỳ Khu. Phần trước ngực, từ giá lạnh, chuyển sang ôn nhu.
Trường Cung thần y, thủ pháp nhanh như chớp, thu hồi các cây kim vàng trên phần Nhâm mạch. Khi Nguyên Huân tiếp nhận đủ tám giọt sữa hoa, ông xoay người chàng cho nằm sấp, tiếp tục điểm những kim vàng vào các huyệt trên Đốc mạch: Hạ, Trung, Thứ, Thương, Liêu, dồn đến Mệnh môn huyệt, là huyệt thứ mười một nằm trên đốt xương sống thứ bảy. Giai đoạn cực kỳ quan trọng đã đến. Luồng hơi nóng lan dần lên Phong Thủ huyệt, ngang qua Sinh Tử Huyền Quan, bỗng nhiên như bị ngăn lại.
Thần y lên tiếng :
- “Thiếu hiệp, giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng đã tới, nay lão phu xử dụng Cửu Dương thần công tăng cường cho luồng nhiệt khí, làm chất xúc tác để hóa giải. Khi âm hàn, dương nhiệt trung hòa, thiếu hiệp vận Tiên Thiên công tiếp thu chân khí, làm vốn cho nội khí, lấy của người làm của mình, hòa với Tiên Thiên công, đưa dần kình khí xung phá Sinh Tử Huyền Quan.
Thiếu hiệp phải hiểu, với người luyện công bình thường, phải có đủ tám mươi năm hỏa hầu mới có thể tự mình xung phá được Sinh Tử Huyền Quan, lúc đó nội lực đã tiến đến tối thượng. Sinh Tử Huyền Quan được khí thông, kinh kỳ bát mạch cũng được khai thông, ý nghĩ đến, là nội gia kình lực đến. Người luyện kiếm gọi là tâm, hoặc ý kiếm. Người luyện chướng pháp gọi là tâm chưởng. Nay, thiếu hiệp còn trẻ, Sinh Tử Huyền Quan khi được xung phá, và có nội gia chân khí của lão phu truyền tặng, thiếu hiệp sẽ có ít nhất thêm bốn mươi năm hỏa hầu công lực.
Giai đoạn đi qua ải sống chết phải thận trọng, không nên vội vã Nếu thấy nhức buốt là phải ngưng ngay, lão phu sẽ tùy cơ mà tăng, giảm nội lực cần thiết”.
Hữu chưởng của Thần y dồn sang cơ thể chàng qua Kỳ Môn huyệt, một luồng chân khí nóng hổi ào như thác cuốn, tỏa ra khắp châu thân chàng trên phần Đốc mạch, xuyên qua Phong thủ huyệt; đến khi đi vào cửa ải Sinh Tử Huyền Quan, thì chân khí Cửu Dương thần công bỗng như sợi chỉ xuyên qua, gặp luồng chân khí của nội thân cũng vừa đến, hòa nhập làm một. Luồng khí âm hàn; trấn ngự ở Sinh Tử Huyền Quan lập tức phát tác, ngăn chặn. Luồng nhiệt khí, rất nhẹ nhàng, xuyên qua, hòa vào âm hàn khí, trung hòa. Một luồng khí ôn nhu, do âm dương tương sinh, như chạy nhẹ lên đỉnh đầu, xoay tròn ở bốn huyệt “Tứ Thần Thông” nằm xung quanh Bách Hội huyệt, giải tỏa hàn khí, và độc khí theo Bách Hội huyệt mà tán xuất... Trên đỉnh đầu Nguyên Huân, xuất hiện một làn khói xanh xám, rất nhẹ, từ Bách Hội huyệt tỏa ra. Luồng ôn khí xuôi xuống Ấn Đường, Nhân Trung, Yết Hầu, Đản Trung, vượt qua Khí Hải huyệt, giáp một chu thiên.
Ngày hôm sau, Trường Cung thần y giúp cho Nguyên Huân vận hành đủ một trăm lẻ tám chu thiên. Sinh Tử Huyền Quan ngày càng mở rộng, và luồng chân khí của Nguyên Huân đã như thác, tràn ngập châu thân chàng. Nguyên Huân bỗng thấy thân thể chàng nhẹ như bông, khu thạch động như sáng ngời; nội công chàng vừa tiến một bậc rất xa, bằng mấy chục năm khổ luyện.
Công lực, nội gia chàng vốn thuần dương, Tinh hỏa của Thạch hoa đã giúp chàng tăng cường công lực. Trương Vô Kỵ, Giáo chủ Minh giáo, nhân vật huyền thoại của võ lâm Trung Thổ, Thiên hạ đệ nhất kỳ nhân đã tặng chàng công lực Nguyên Huân tiếp tục vận công điều khí.
Trong lúc này, thần sắc của Trường Cung thần y hết sức mệt mỏi, ông cũng ngồi yên nhắm mắt dưỡng thần, thu hồi công lực đã mất. Ông biết rằng ít nhất hai năm sau, ông mới phục hồi trọn vẹn.
Chàng nhìn Thần y, lòng vô cùng cảm kích, không biết phải nói năng thế nào cho phải. Thần y mở mắt, chạm cái nhìn ái ngại của Nguyên Huân, ông gượng cười mệt mỏi :
- Hà tất thiếu hiệp phải ái ngại. Ta mừng cho thiếu hiệp đã qua khỏi tai kiếp, võ công lại tăng tiến. Với công lực hiện nay, thiếu hiệp có thể luyện thành bất cứ một môn công phu nào một cách dễ dàng và mau chóng. Ta chỉ có một lời khuyên, cả trăm năm mới có người có được căn cốt kỳ tuyệt như thiếu hiệp. Nay Sinh Tử Huyền Quan đã được xung phá, đó là nỗi ao ước của bất cứ ai luyện công phu võ học. Đạt được ước muốn ấy, trăm năm hồ dễ có một; ta chỉ mong ở thiếu hiệp có một điều: vì công đạo võ lâm mà duy trì chính pháp, chớ nên khai sát nghiệp! Việc gì lấy tấm lòng mà cảm hóa được thì không nên dụng võ. Có nhân thì tất có quả, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà chẳng lọt! Thiếu hiệp nếu giữ được cái chính tâm thì con cháu tránh được tai ương. Họa, phúc trùng trùng, hiểu trời sao thấu!
Nguyên Huân cung kính thưa :
- Đa tạ Đại phu đã ban cho sự sống. Công tái sinh ấy thật như trời biển, vãn bối xin khắc cốt ghi tâm lời dạy bảo vàng ngọc!
- Không dám, lão phu chỉ có mấy lời thô thiển ngỏ cùng thiếu hiệp đó thôi!
Ngày thứ bảy, kể từ lúc đi vào hang động, trên đường đi ra khỏi lòng núi, Thần y nói :
- Tuy thiếu hiệp đã khu trừ hẳn Hàn Ngọc âm chưởng, nhưng nội tạng vẫn còn chưa ổn định, thiếu hiệp cần tịnh dưỡng và dùng thuốc luôn chín ngày, cần nhất không được vọng động. Trong tất cả các huyệt, huyệt Ngọc Chẩm bị tổn thương nặng nhất, phải nên thận trọng. Suốt ba chục năm nay, lão phu có tinh luyện được mười tám viên thuốc, tuy không thể gọi là thần dược, linh đơn, nhưng cũng rất hiệu nghiệm trong chữa trị nội thương, nay tặng thiếu hiệp ba viên; cứ ba ngày, ngậm một viên, xử dụng nội khí chuyển vào các kinh Tâm, Phế, Đại, Tiểu Tràng kinh, Thận kinh, Can kinh, để cho lành hẳn; nhất là Phế kinh, mong thiếu hiệp nhớ lấy!
Ra khỏi cửa động, Thần y đi thẳng đến tảng đá dùng để che lấp cửa thạch động, nói với Nguyên Huân :
- Thiếu hiệp, phiến đá này nặng ước một vạn cân, không ai có sức giở nổi. Trước khi uống hoàn thuốc “Kim Thân ngọc hoàn” này, thiếu hiệp hãy thử vận công chuyển nó xem sao!
Nguyên Huân nhìn phiến đá cực lớn, lắc đầu nói :
- Phiến đá quá nặng, vãn bối không thể lay chuyển nổi!
Thần y cười đáp :
- Nếu lấy sức mà chuyển, thì chẳng ai làm nổi, lấy kình khí của ý lực mà làm, há chẳng được sao?
Nguyên Huân hiểu ý, chàng đến bên phiến đá, xuống tấn, vận toàn bộ nội gia chân lực vào đơn điền. ý vừa động, kình lực đã cuồn cuộn. Chàng lắng đọng tinh thần, tâm hồn phơi phới như một người thoát tục, điều tức hơi thở, và bám lấy phiên đá. ý lực vừa phát sinh, kỳ lạ thay, phiến đá bắt đầu chuyển động theo đôi cánh tay chàng...
Lấp kín xong cửa thạch động, Nguyên Huân mừng rỡ, chàng đứng ngẩn người :
- Kỳ diệu thật!
Thần y cười nói :
- Đại định mà thành, thần lực phát sinh là như vậy!
Nguyên Huân vừa mừng vừa xúc động, chàng sụp xuống toan quỳ lạy, gặp luồng phản khí kềm chế, chàng biết ý Thần y muốn khảo hạch công lực, chàng vận toàn bộ chân khí phản ứng lại. Tuy chàng không thể quỳ xuống được như ý nhưng Thần y cũng không thể bắt chàng đứng thẳng dậy được Hai người, một già, một trẻ trong một tư thế trông thật kỳ dị.
Thần y từ từ thu hồi đại lực. Nguyên Huân cũng giảm bớt từng thành. Thần y trong lòng thầm kinh ngạc: “Thân thủ của gã trẻ tuổi này còn tiến xa hơn nhiều. Ta đã có người thay ta, ta không cần phải dấn thân vào chân bụi trần nữa”.
Kiến Nghiệp đại sư thấy Nguyên Huân từ trong sơn cốc đi ra, mặt mũi chàng hồng hào, quầng khí đen trên Ấn Đường đã biến mất, Đại sư hết sức vui mừng :
- Bần tăng có lời mừng thí chủ!
Nguyên Huân vòng tay thưa :
- Vãn bối có được ngày hôm nay là do Đại sư toàn thành cho, xin cho được lạy một lạy để vãn bối tỏ lòng biết ơn!
Nói xong, chàng quỳ xuống, đập đầu binh binh ba lần, mặc cho Đại sư vận khí công ngăn lại.
- Kỳ diệu! Thật là kỳ diệu!
Ông ngẩn ngơ nhìn Nguyên Huân, chỉ thốt được bấy nhiêu lời Qua ngày thứ chín, chàng đã uống xong ba viên “Kim Thân ngọc hoàn”.
Trong suốt bốn ngày, Đại sư Kiến Nghiệp cùng Trường Cung thần y bàn luận về việc tổ chức “Kình Dương đại hội”. Đại hội sẽ được khai triển sau đại hội của các đại phái danh gia khoảng chừng một tháng. Địa điểm được chọn lựa là một vùng núi thuộc tỉnh Hà Nam. Thời gian tổ chức sẽ được thông báo trong thiếp mời, gửi đến từng nhân vật danh tiếng trong võ lâm Trung Thổ.
Đại sư từ giã ra đi, Nguyên Huân tạm thời ở lại cho đến khi hồi phục hẳn. Trong suốt chín ngày ấy, Nguyên Huân được gặp Trường Cung Hoa, con trai của Thần y. Hai chàng trai hết sức tương đắc. Nguyên Huân ngày càng yêu mến Cung Hoa bởi tính tình trầm tĩnh, chín chắn. Hai người cùng trạc tuổi nhau. Tuy Trường Cung Hoa không hề đá động đến võ công, nhưng Nguyên Huân biết chắc rằng, Cung Hoa đã được Thần y chân truyền toàn bộ võ học, và đã đạt đến tinh hoa nội liễm, người có con mắt tầm thường không thể nhận biết được.
Thể Dung là gái, nhưng tính tình nàng rất khoáng đạt, không bị ràng buộc quá đáng trong qui luật khắt khe của nền đạo đức, do đó, nàng cùng với anh trai trò chuyện với Nguyên Huân hết sức cởi mở và hồn nhiên. Thể Dung mang trong người nàng giống máu của sa mạc, của bộ tộc du mục Mông Cổ; nên nàng vừa có cái duyên dáng của Hán tộc, vừa có cái mộc mạc bình dị của Nguyên tộc. Nàng thường rủ anh trai và Nguyên Huân đi câu cá. Thể Dung câu rất giỏi, nàng bảo Nguyên Huân :
- Huân đại ca, tiểu muội đi câu cá với huynh trưởng chán chết đi được. Cả ngày ngồi trầm ngâm như một cụ già, sau này cô nào mà vớ phải thì thật là tội nghiệp!
Cung Hoa bảo em :
- Chứ ai lại như hiền muội bao giờ, con gái mà lúc nào cũng cười cười, nói nói!
Thể Dung cãi lại :
- Tiểu muội có miệng để cười, để nói những điều đáng nghe, chứ có phải có miệng để ăn như huynh trưởng đâu!
Cung Hoa trêu em gái :
- Nhưng mà hiền muội ăn cũng vào hàng cao thủ đấy!
- Ấy đấy, Huân đại ca nghe có lọt tai không? Có ăn thì phải có nói, có cười, nghĩa là ăn cũng phải thanh cao như cười nói vậy, chứ ai lại cứ lầm lì ăn uống, thấy mà phát chán!
Nguyên Huân cười, giải hòa :
- Thể Dung cô nương vui tính thật, nhưng mỗi người mỗi lính, trời sinh ra vậy, biết làm sao được!
- Trời đất gì đâu, chẳng qua là lại nhớ vị cô nương nào đấy, nên tương tư không nói không cười. Cuộc đời quạnh hiu lắm, cười nói là liều thuốc bổ!
- Huân ca nói với cái con nhỏ lẻo mép ấy làm gì, mệt đứt hơi đi ấy!
- Ái chà! Huynh trưởng nhớ nhé, dám nói tiểu muội lẻo mép. Được rồi, hôm nào phụ thân khảo hạch y lý, gặp chỗ bí, đừng có mong mà năn nỉ người ta!
Nói xong, Thể Dung xụ mặt, nhưng chỉ được một lát, giật được chú cá lớn, tính hồn nhiên và vui vẻ trở lại ngay với nàng :
- Con này là con thứ tám, huynh trưởng được những một con, lớn bằng ngón tay; thế mới biết cá nó cũng lựa người dễ ưa mà đến. Huân đại ca được mấy con rồi?
- Tại hạ được ba con, tài nghệ còn thua cô nương xa lắm!
- Cái đó là điều dĩ nhiên, tiểu muội nổi danh sát cá ở vùng này, Huân đại ca bì làm sao được!
Nguyên Huân cười nói :
- Có lẽ cá nó thích tính tình của cô nương nên chúng mới tranh nhau đớp mồi, để cô nương được vui chăng?
- Đúng đấy, chứ cá nào nó thèm chơi với người chậu bậu bao giờ. Ái chà, lại một chú nữa. Cắn câu mạnh vào... Thế đó! A ha, chú thứ chín này hám ăn quá. Hám ăn thì chết, chú mấy không biết hay sao?
Thể Dung bỏ con cá vào giỏ, cuốn dây câu, nói :
- Con số chín là con số lớn nhất. Con số ba cũng lớn, con số một lại càng lớn hơn, có phải không huynh trưởng?
- Chứ còn sao nữa, số một không lớn sao lại đứng đầu, cái con bé dốt nát kia!
Thể Dung chu mỏ, trợn mắt nói :
- Hay quá! Một con cá nhiều hơn chín con cá, thế mới biết huynh trưởng giỏi thật, tiểu muội thua là phải!
Trường Cung Hoa làm nghiêm, quay sang Nguyên Huân :
- Tình trạng sức khỏe của huynh đài ra sao?
- Cảm ơn Trường Cung đại ca đã hỏi, tiểu đệ đã hoàn toàn bình phục. Sáng mai, tiểu đệ xin phép lão nhân gia, huynh đài và Trường Cung cô nương cho phép tiểu đệ lên đường. Tiểu đệ thật lòng không dám mở lời cảm ơn, vì ơn đức của chư vị ban cho lớn như trời bể. Chỉ mong có ngày báo đáp...
Thể Dung nheo mắt nói :
- Huân đại ca khách sáo vừa thôi chứ, ai làm ơn mong được trả ơn bao giờ. Đại ca khi nào nhớ nơi này, trở về thăm chúng tôi thế là đủ, hà tất phải nghĩ ngợi lôi thôi như thế!
Trường Cung Hoa thấy em gái mình bộc trực như vậy, nên vỗ vai Nguyên Huân, cười nói :
- Tính tình Thể Dung như thế, nghĩ gì nói vậy, mong huynh đài đừng để tâm!
Nguyên Huân vội vàng đáp :
- Không đâu, cô nương nói chí phải, tính tình cô nương rất dáng quý, có gì đâu mà tiểu đệ phải bận tâm!
Thể Dung bĩu môi nói :
- Huân đại ca nói thực lòng không đấy? Đã là chỗ quen biết, thật tình người ta đã gọi, một điều Huân đại ca, hai điều Huân đại ca, mà đại ca khách sáo đáng ghét. Một điều cô nương, hai điều cô nương. Sao không gọi quách là đại cô nương đi cho rồi!
Nguyên Huân lúng túng, không biết phải làm sao, ấp úng :
- Tiểu đệ gọi cô nương là tỷ tỷ được không?
Thể Dung vui mừng nói :
- Ái chà, chú em này khá lắm, Huân... Huân đệ tự ý chú không có ai ép đâu đấy nhé!
Trường Cung Hoa nghiêm sắc mặt :
- Thể Dung không được vô lễ, năm nay hiền muội bao nhiêu tuổi?
- Chẳng nhẽ huynh trưởng không nhớ sao, tiểu muội đã hai mươi sáu rồi đấy.
- Hay thật! Ta đây chưa đến hai sáu tuổi, hiền muội là em mà lại hơn tuổi thì nghĩa là sao?
- Hừ! Huynh trưởng thật không biết gì. Hai, ba năm nữa thì tiểu muội cũng hai mươi sáu tuổi, có gì là lạ?
Nguyên Huân cười đáp :
- Dẫu Thể Dung tỷ tỷ mười chín, hai mươi hoặc lên bảy, lên tám, ngu đệ gọi bằng tỷ tỷ cũng có sao đâu!
Thể Dung tươi ngay nét mặt :
- Phải rồi, phải nói như vậy mới là người lịch sự, cứ như huynh trưởng thì suốt đời ở giá!
Có bóng người đi tới, Nguyên Huân nhận ra Sư thái, chàng mừng rỡ kêu to :
- Sư thái, vãn bối đã hồi phục rồi!
Tâm Hư sư thái bước nhanh đến chỗ ba người, bà chăm chú nhìn Nguyên Huân, nét mừng lộ ra mặt :
- Ta có lời chia vui cùng thí chủ, thật là không ngờ, trời xanh còn ngó lại. Thật là hữu phúc hữu duyên!
Bà quay sang hai anh em Cung Hoa :
- Chẳng hay hai vị này là ai thế?
Nguyên Huân lên tiếng xin lỗi, và đáp :
- Trường Cung nhị vị, Sư thái đây pháp danh Tâm Hư, là Chưởng môn nhân của Nga Mi phái. Hai vị này, là Trường Cung Hoa và Trường Cung Thể Dung, trưởng nam và thứ nữ của Trường Cung thần y!
Cả hai cúi đầu làm lễ tương kiến. Tâm Hư sư thái nhìn Cung Hoa và Thể Dung đăm đăm, bà nghĩ thầm: “Giống thật, nhất là con bé, giống mẹ như đúc”. Tự nhiên trong lòng bà phát sinh một cảm giác u buồn. Sư thái không muốn để cho lòng phiền muộn nảy sinh, bà nói :
- Cô nương và công tử, bần ni vốn cùng lệnh phụ và lệnh mẫu là chỗ quen biết. Thể Dung cô nương giống phu nhân như tạc!
Thể Dung nghe nói reo lên :
- Sư thái, Sư thái quen biết mẫu thân của điệt nữ đó sao! Ôi chao, khi mẫu thân qua đời, cháu còn nhỏ lắm. Sư thái, sư thái nói về Má má của cháu đi?
Tâm Hư sư thái bỗng dưng thấy quý mến người thiếu nữ hồn nhiên này, bà trìu mến cầm bàn tay Thể Dung :
- Không những cô nương giống lệnh phu nhân về hình dạng, nhan sắc, mà ngay cả tính tình nữa!
Thể Dung sung sướng, nàng ôm lấy tay Sư thái :
- Sư thái gọi chúng cháu bằng cháu đi. Sư thái, huynh trưởng của cháu có giống Má má cháu chút nào không?
Tâm Hư mỉm cười :
- Trương công tử giống tướng công nhiều hơn!
Thể Dung tròn mắt, ngạc nhiên hỏi :
- Sao Sư thái lại lầm lẫn vậy? Gia gia cháu họ Trường Cung cơ mà!
Sư thái lắc đầu nói :
- Không phải đâu, Gia gia cháu thuở xưa họ Trương, tên Vô Kỵ, một thiên hạ kỳ nhân đấy, cháu không biết sao?
- Thế còn Má má cháu?
- Phu nhân là một vị Quận chúa của Nguyên triều!
Cung Hoa điềm đạm thưa :
- Xin mời Sư thái ghé lại tệ gia, Gia gia chúng cháu chắc sẽ rất mừng khi được gặp lại Sư thái!
Thể Dung có vẻ đăm chiêu, nàng níu tay bà nói :
- Việc này đến nay Sư thái không nói ra, chúng cháu cũng chẳng làm sao biết được. Cháu phải hỏi Gia gia cho ra nhẽ, họ Trương có gì là xấu mà phải đổi họ...
Thể Dung đột ngột im bặt; rồi nàng lên tiếng, giọng nhẹ đi.
- Cháu hiểu rồi, thì ra chữ Trương, chiết tự thành ra là Trường Cung. Nhưng cháu chưa hiểu được tại sao Gia gia phải làm thế? Sư thái quen biết với Gia gia cháu từ khi nào vậy?
- Lâu lắm rồi cháu ạ! Ngày ấy ta là cô bé mới năm, sáu tuổi còn Gia gia cháu khoảng bảy, tám tuổi. Đã năm mươi năm qua rồi!
Thể Dung hồn nhiên đùa :
- Vậy mà ngày ấy cháu không biết đấy.
Cung Hoa mắng em :
- Em không được đùa giỡn vô lễ như thế!
Thể Dung khoác tay dìu Sư thái Tâm Hư đi, bỏ cần câu, bỏ cả cá; Nguyên Huân phải lễ mễ mang, xách cho nàng.
Tâm Hư sư thái chợt thấy lòng an ủi, bà hỏi :
- Thể Dung, Gia gia con có mạnh khỏe không?
- Gia gia sống âm thầm như chiếc bóng, cả ngày chăm sóc vườn dược thảo. Mấy chục năm, không nghe nói có bạn bè, không thấy bà con thân thuộc đến thăm!
Sư thái nói :
- Gia gia của con có nỗi khổ tâm riêng, nên mới thâm sơn ẩn tích. Thay tên đổi họ là vì thế. Con có học võ công không?
- Không, con chỉ học y, dược thôi!
- Vậy là hạnh phước đấy con ạ!
- Sư thái, không biết tại sao, mới gặp lần đầu mà con thấy yêu quý Sư thái thế!
Tâm Hư mỉm cười, cảm động nói :
- Thể Dung! Cảm ơn con, ta mừng lắm!
Trời đã vào xuân, những cành cây khẳng khiu đã nhú mầm, đâm chồi nẩy lộc dưới ánh nắng hồng dịu dàng. Trên cao, rải rác những đám mây trắng, như bông nõn, nhởn nhơ trôi nhẹ trong không trung; đất lẫn trời êm êm ẩn niềm mong đợi Trường Cung thần y chống gậy trúc bước ra cửa, đôi mắt ông dừng lại trước một dáng người sư nữ cũng vừa đặt chân vào cổng trúc.
Tâm Hư sư thái thoáng rùng mình. Người đàn ông trước mặt bà, đúng là chàng thuở trước. Chàng của chí tình và chàng bội bạc! Tay bà run nhẹ trong bàn tay Thể Dung. Thể Dung hết nhìn Sư thái lại nhìn cha già. Đôi bạn cũ đầy bí ẩn, bao nhiêu năm trời gặp lại!
Thần y bước những bước nặng nề và dừng lại. Trước mắt ông, vị Sư thái, đôi mắt đầy u uẩn, ông đã nhận ra bà, dẫu cách xa đã trên ba mươi năm, không phải bằng trí nhớ, mà bằng cảm xúc. Cả hai đứng im nhìn nhau, trong đôi mắt Thần y thoáng như có một trời quá khứ, trong đôi mắt người sư nữ đầy ắp nỗi xót xa, đớn đau và hờn tủi, và hai dòng lệ, không giấu được đã bao năm trời nay, tuôn tràn trên đôi má; dòng lệ chất chứa những ân tình, nhớ nhung, và oán hờn, thù hận.
Ba người trẻ tuổi đứng đó, biết rằng, giờ phút gặp gỡ giữa hai người bạn cũ, giờ đã già nua, có một điều gì vô cùng trân quý, nên cả ba nín lặng. Thần y bước thêm hai bước lại gần, con người khét tiếng thiên hạ đệ nhất nhân năm xưa, giò đây như không chịu nỗi gánh đời quá nặng, ông lên tiếng như hơi gió thoảng :
- Chu hiền muội, có phải hiền muội đó không?
Tâm Hư sư thái dường như đã quên bẵng mình, như quên tất cả chỉ còn lại trong bà một vùng trời quá khứ; chỉ còn lại trong bà nỗi thương yêu và nỗi giận hờn, bà nghẹn ngào :
- Vô Kỵ ca ca... Vô Kỵ ca ca...!
Bà không nói thêm được câu nào, cả hai lại rơi vào sự im lặng. Thần y lên tiếng phá tan không khí nặng trĩu :
- Hiền muội, trên ba mươi năm mới gặp, không ngờ còn có ngày nay!
Đôi mắt đầy trách móc, Sư thái nhằm Thần y :
- Vô Kỵ ca ca, ca ca không ngờ được, nhưng tiểu muội, tiểu muội vẫn tin là có. Suốt trên ba mươi năm, tiểu muội đi tìm ca ca khắp cả Tứ di, Bát hoang, suốt cả nẻo Trường Giang, nên mới có ngày nay...!
Thần y cúi đầu không nói, cây gậy trúc đập nhè nhẹ lên nền gạch, âm vang lóc cóc vang lên lẻ loi trong buổi sáng xuân tĩnh lặng. Một lúc sau, ông nói :
- Chu muội, thôi đừng trách nhau làm chi, ngày ấy...
Tâm Hư cướp lời :
- Xin đừng nhắc đến, hãy để quá khứ ngủ yên trong mộ sâu Tiểu muội không còn nhớ gì nữa cả. Đã trên ba mươi năm trôi qua, bao nhiêu lượng nước đã qua cầu; mà tiểu muội chỉ có một thời để sống. Vô Kỵ ca ca, điều gì không nhớ được, thì đừng nên cố nhớ, điều gì phải quên thì hãy quên đi. Chỉ một điều tiểu muội trách ca ca. Ngày Trương chân nhân, trước lúc viên tịch, nhìn tiểu muội đứng hầu bên gối, Người đã tha thứ cho tiểu muội những lỗi lầm. Ngày ấy tại sao ca ca không trở về? Chẳng nhẽ mọi điều phù sinh kia lại hơn được đôi mắt mỏi mòn của Thái sư phụ hay sao?!
Trường Cung thần y ngậm ngùi :
- Tiểu muội trách ta như thế còn chưa đủ, quả thật ta...
Tâm Hư sư thái cay đắng :
- Ca ca, chẳng ai hiểu được điều ca ca muốn nói. Không phải đến hôm nay, tiểu muội tìm kiếm ca ca khắp cùng thiên hạ, chỉ là để nói có bấy nhiêu? Ngày Trương chân nhân đem ca ca lên Thiếu Lâm, vì ca ca mà phải đi qua cửa nhỏ. Một tông sư của một đại môn phái có khi nào chịu vậy! Rồi Chân nhân giao ca ca cho Thường thúc thúc đi tìm Hồ Điệp tiên sinh... Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, ca ca còn nhớ không?
Thần Y giọng đau đớn :
- Chu muội, ta nhớ hết!
- Đáng lẽ ca ca phải quên đi, để trọn một điều! Điều gì ca ca cũng nhớ cả, thì suốt đời ca ca chẳng trọn được điều gì.
Thần y đau khổ đáp :
- Quả vậy, ta đã không trọn được điều gì; điều gì cũng lỡ dở, ân oán bất phân minh, ân nghĩa không tròn... chỉ có mỗi một điều, suốt mấy chục năm trời, ta...
- Mấy chục năm trời đối với ca ca như chớp mắt, với tiểu muội thì đằng đẳng... Thôi, ca ca ơi, có nhớ cũng bằng không, có trách cũng bằng không. Chút hương phai tàn của quá khứ, sau bằng ấy năm của một đời người, thì vẫn còn nguyên đấy. Hôm nay, tiểu muội đến đây có làm cho ca ca phiền não không?
- Chu muội, xin đừng nói thế, vào trong nhà đã!
- Vâng, chả lẽ trên ba mươi năm tìm kiếm ca ca, đến khi gặp lại, ca ca lại chẳng muốn tiếp tiểu muội hay sao?
Thần y quay lưng bước vào nhà, Tâm Hư sư thái lặng lẽ theo sau. Bọn Nguyên Huân, Cung Hoa và Thể Dung trước sau, nghe hai người đối đáp, chỉ biết nhìn nhau, ngỡ ngàng vị nữ tu này đã trên ba mươi năm tìm kiếm Thần y, và những lời lẽ đau buồn, hờn giận, chua chát, “Chuyện gì đã xảy ra giữa vị Sư thái này và cha ta trên ba mươi năm về trước?”, Thể Dung tự hỏi, nàng muốn biết, nhưng không được lệnh của cha, nên không dám theo Sư thái vào khách sảnh.
Dường như cả Sư thái và Thần y đã lấy lại bình tĩnh, Tâm Hư nhìn đăm đăm Thần y một lát, rồi nói :
- Con gái của ca ca dễ thương thật, cô bé giống mẹ như đúc; sao ca ca không truyền thụ võ công cho nó?
Thần y thở dài bảo :
- Chu muội tha lỗi cho, người con gái học võ nghiệp, đi lại giang hồ, mấy ai được hạnh phúc!
- Thuở trước, tiểu muội có tầm sư học đạo đâu. Mỗi người đều có số phận an bài!
Thần y đắn đo một lúc, rồi nói :
- Chu hiền muội, hiền muội lặn lội tìm ta, hẳn có điều quan trọng?
Tâm Hư sư thái nhìn Thần y bằng ánh mắt giận hờn đáp :
- Giả dụ chẳng có việc gì quan trọng, tiểu muội tìm gặp ca ca có được không?
- Sao lại chẳng được? Sở dĩ ta không đi lại giang hồ nữa, vì đã có lời thề. Bởi không còn ham muốn, dính líu đến những chuyện thị phi, chứ trong thâm tâm ta, lúc nào cũng nhớ tới hiền muội!
- Vô Kỵ ca ca, ca ca nói thật chứ!
- Chẳng lẽ ta lại biết nói dối sao?
- Cảm ơn ca ca, tiểu muội chỉ muốn biết bấy nhiêu là đủ. Thuở trước, tiểu muội đối với ca ca cũng có nhiều điều không nên không phải, ca ca còn giận không?
- Chính vì vụ Tống Thanh Thư mà ta phiền giận hiền muội, bây giờ thì không còn giận nữa, nhưng nỗi buồn thì khó nguôi ngoai lắm!
Tâm Hư sư thái cúi đầu ngậm ngùi :
- Tình yêu thật đáng sợ, lòng hờn ghen càng đáng sợ hơn. Ngày ấy, tiểu muội chỉ muốn trả thù ca ca, nên mới thành nông nổi, chứ thật lòng... có bao giờ quên được ca ca!
Đôi mắt như nhìn vào cõi xa xăm, Thần y nói, như nói với chính mình :
- Thân thể ta mang hai vết thương của Ỷ Thiên, đến bây giờ ta còn trân quý nó...
Dường như chợt nhận ra mình lỡ lời, ông vội tiếp :
- Thoắt chốc đã gần bốn mươi năm, ta và Chu muội mỗi người mỗi cảnh, tất cả đã già đi, nhưng kỷ niệm dẫu có thế nào vẫn đẹp. Chu muội, ta xin lỗi đã làm Chu muội nhớ đến những điều đã quên...
- Tiểu muội đã mong điều ấy, pháp đanh của tiểu muội là Tâm Hư. Thế mới biết, thật khó khăn lắm thay! Vô Kỵ ca ca, hôm nay tiểu muội đến đây còn một việc khác nữa!
Thần y ân cần hỏi :
- Chu muội, Chu muội nói đi, việc gì thế?
Tâm Hư cúi đầu, hai giọt lệ chảy dài trên gò má, bà vẫn im lặng... Thần y áy náy hỏi :
- Chuyện gì khiến Chu muội đau lòng, Chu muội nói ra đi cho nhẹ bớt, đừng khóc nữa!
- Vô Kỵ ca cao ngày ở Vạn Bảo tháp, bị vây khốn trong lửa đỏ, ân sư căm giận ca ca, bắt tiểu muội thề độc là phải làm xong hai việc, thu hồi hai bảo vật cho môn phái rồi mới được nghĩ đến thân mình, và phải nhận chức Chưởng môn Nga Mi. Suốt trên ba mươi năm nay, lời thề độc địa trói buộc tiểu muội, đến nỗi quên cả đời mình, đến nỗi làm cho ca ca ghét bỏ. Thế mà đến ngày nay vẫn chưa làm xong. Những điều chẳng ra gì, thế mà trói buộc, làm tan tác một đời. Vô Kỵ ca ca, ca ca có thấu chăng?
Thần y an ủi :
- Việc này ta có nghe thiên hạ mơ hồ nhắc đến, nhưng chẳng rõ lời thề ấy thế nào?
- Thu hồi Ỷ Thiên và Đồ Long, vốn là báu vật truyền nhân của bản phái. Tổ sư Quách Tường là con của Quách, Hoàng nhị hiệp. Ỷ Thiên và Đồ Long do Quách đại hiệp dùng khối huyền thiết trong thủy động ở Kinh đô Lâm An đúc thành... Ca ca ơi, xin ca ca giải lời thề ấy cho tiểu muội!
- Ỷ Thiên và Đồ Long trước đây đã... làm hai. Đồ Long được Chưởng kỳ sứ Liệt Hỏa kỳ Nhan Bổn hàn lại, còn Ỷ Thiên thì y nhất định không chịu hàn, bởi y hận cánh tay bị Ỷ Thiên chặt đứt trong trận Quang Minh năm xưa. Gần đây, Phạm hữu sứ cùng Nhan Bổn có đến đây, nhắc đến lời thơ truyền tụng :
“Bảo đao Đồ Long
Võ lâm chí tôn
Hiệu lệnh thiên hạ
Mạc cảm bất tòng
Ỷ Thiên tái xuất
Thùy dữ tương phong...”
Ngày nay Thành vương bạo ngược, cha y nắm được trong tay linh hồn của Đồ Long đao, nên đã đưa Chu Nguyên Chương lên ngôi báu, thu đoạt thiên hạ. Thực là “Hiệu lệnh thiên hạ”.
Đến đời y, nghe lời Dương Tiêu, làm nhiều điều hà khắc, bạo tàn, gây nạn binh đao, sinh linh đồ thán; nhất là bọn “Lạc Hộ” bị đày ải, đớn đau không sao kể xiết. Thế cho nên hai câu cuối của bài thơ phải được thực hiện “Ỷ Thiên tái xuất Thùy dữ tương phong”. Do đó, Nhan Bổn đã vừa hàn lại Ỷ Thiên để tái xuất giang hồ. Cả hai món binh khí ấy, ta hiện đang giữ. Nay trao lại cho Chu muội là đúng lắm, bởi chính ta cũng không muốn dây dưa đến chuyện giang hồ, lại nữa, Dương Tiêu vốn là Tả sứ của Minh giáo, đối với ta có chút phận dưới trên, ta không thể cầm gươm đọ sức cùng y được, thiên hạ sẽ cho ta vì cá nhân mình mà danh xưng thiên hạ, điều ấy ta khó nghĩ vô cùng. Cứ theo lời Phạm Dao, võ công của Dương Tiêu cao diệu lắm, mà ta đã gần bốn mươi năm nay, không hề đụng đến kiếm đao, chỉ tu đạo mà di dưỡng tinh thần, e cùng y khó bề đối địch.
Sư thái nói :
- Chính tiểu muội cùng với Kiến Nghiệp đại sư liên thủ giao đấu với y mà không phân được thắng bại, vậy nên đơn độc giao thủ với y, trên giang hồ chỉ còn duy có mình ca ca là có thể làm cho y thành bại tướng. Ngoài ca ca, quả thực chẳng còn ai!
- Chu sư muội, lớp sóng sau đè lớp sóng trước. Thiên ngoại hữu thiên, ngoài vòm trời này có vòm trời khác, biết thế nào được! Thiếu niên anh hùng đời nào chẳng có!
- Ý của ca ca là thế nào?
- Danh có chính thì ngôn mới thuận, danh mà còn có chỗ bị thiên hạ hiểu lầm, thì ngôn làm sao thuận. Chỉ có một người, danh ngôn đều thuận, võ học cũng không phải tầm thường!
- Người này là ai vậy?
- Một thanh niên người phương Nam, dòng dõi anh hùng vô địch một thời, là con trai duy nhất của Tam gia, trong nhóm “Bát đại danh gia” năm xưa, người họ Trần.
- Có phải ca ca muốn nói đến Trần Nguyên Huân?
- Phải, chính y.
- Y có danh thuận là thế nào?
- Thứ nhất, dân tộc Đại Việt của y đang bị xâm lấn, đô hộ; chính sách cai trị tàn bạo, tài nguyên của cải bị thu vét, dân Đại Việt oán hận thấu trời xanh. Bàn tay của Thành Tổ, Dương Tiêu vấy đầy máu đỏ. Thứ hai, Thân phụ y, cả gia tộc y bị Dương Tiêu đích thân ra tay sát hại. Thứ ba, Dương Tiêu vốn họ Tiêu, người nước Khiết Đan, được Dương Ly Cát lão tiền bối nhận làm dưỡng tử. Dương lão tiền bối vốn là đích tôn của Thần Điêu Hiệp Lữ và Tiểu Long Nữ thuở xưa. Y được người họ Dương ở núi Chung Nam này chân truyền võ học, nhưng sau đó y giết chết Dương lão tiền bối sau khi đã tiếp thu toàn bộ sở học. Tội khi sư diệt tổ không thể dung tha!
- Vô Kỵ ca ca, việc sau có liên hệ gì đến Nguyên Huân?
- Liên hệ lắm chứ! Việc này, sở dĩ ta biết ra được là do Nguyên Huân kể lại. Bởi vì Nguyên Huân được nhận làm dưỡng tử đời thứ tư của Tuyệt Tình đàm, bốn đời là: Long, Lân, Quy, Phượng; Y được lão nhân Dương Long Điêu truyền thụ khẩu quyết võ học nhà họ Dương, nhưng chưa có thời gian luyện thành. Y là Phượng Thánh, Dương Phượng Thánh! Chu muội còn nhớ cô gái áo vàng năm xưa không? Đó là Dương Qui Loan!
- Tiểu muội còn nhớ Hoàng y nữ hiệp, võ công của cô ta na ná như tiểu muội!
- Đúng thế, cùng một mối mà ra!
Tâm Hư sư thái kinh ngạc :
- Ca ca nói gì vậy?
Thần y cười đáp :
- Chu muội học được võ công trong Cửu Âm chân kinh, cô ta cũng thế. Chu muội có biết ai đã truyền Cửu Âm chân kinh cho Quách đại hiệp không?
- Trong tộc phổ phái Nga Mi, thì Quách đại hiệp tình cờ lấy được Cửu Âm chân kinh trong người của xác đồng Trần Huyền Phong, y cùng với Mai Siêu Phong thây sắt, làm một cặp vợ chồng, thiên hạ gọi là Hắc Phong song sát, đệ tử của Đào Hoa đảo chúa Đông Tà Hoàng Dược Sư, một trong Võ Lâm ngũ bá năm xưa. Xem đó, thì Quách đại hiệp có ai truyền thụ cho đâu!
- Nhưng khi biết Cửu Âm chân kinh quá sức ác độc, Đại hiệp không chịu luyện. Châu Bá Thông, khi tự giam mình trong hang đá ở đảo Đào Hoa, đã truyền thụ cho Đại hiệp khẩu quyết nói thác là truyền một môn võ học khác: “Phàm trong trời đất, điều gì thừa thì dùng chẳng đủ, thiếu thì dùng khôn cùng”, do đó Đại hiệp mới mắc bẫy mà thuộc. Bản chính thì do Châu Lão Ngoan Đồng giữ, sau khi rời Đào Hoa đảo thì hủy đi, bản phụ chép trên một tấm da người, còn một bản nữa do Phu nhân của Hoàng Dược Sư chép lại, nhưng những đoạn sau không đầy đủ. Do đó, Châu Bá Thông, vì dạy cho Quách Tỉnh mà thuộc lòng Cửu Âm chân kinh. Sau này Châu lão kết nghĩa với Thần Điêu Hiệp Lữ Dương Qua, bởi thế mà nhà họ Dương cũng có công phu này. Tuy nhiên Chu muội, ngày ấy, vì buồn đau căm giận nên chiêu số biến thành tàn độc. Thiện, ác, chính, tà, lành, dữ, tất cả đều do cái tâm mà ra...
Sư thái nín lặng không nói. Một lúc lâu, bà hỏi :
- Vẫn biết Nguyên Huân có ba điều danh thuận, nhưng bản lãnh của y làm sao địch lại Dương Tiêu?
Thần y mỉm cười tiếp :
- “Ngày xưa, Thái sư phụ ta có kể lại: Khi Người còn nhỏ, có được nghe nói đến một công phu võ học kinh người, đó là “Sát Na Vô Lượng thần công”, có điều đó là một môn công phu dị đặc, người có căn cốt, nội tạng khác người mới luyện thành... Loại người này, trong Y kinh cũng có nhắc đến, hàng trăm ngàn may ra có một.
Cách đây hai trăm năm, một người đã luyện thành môn công phu đó, người này là một đại anh hùng của Đại Việt, đã lãnh đạo nhân dân đánh tan ba cuộc xâm lược của con cháu Thành Cát Tư Hãn, tước hiệu của ông ta dài đến nỗi xưa nay ít có: Thượng phụ, Tiết chế Thượng Quốc công, Nhập Nội Hành Khiển, Bình Bắc đại nguyên soái, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đó là ông Tổ năm đời của Trần Nguyên Huân. Bí kíp “Sát Na Vô Lượng” lưu truyền trong con cháu, nhưng không một ai luyện thành, tuy rằng trong dòng họ không thiếu những người võ công lừng lẫy, như thân phụ của Nguyên Huân chẳng hạn. Không một ai luyện được bí kíp truyền đời nay.
Và Dương Tiêu biết được, y xúi giục Thành Tổ khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Đích thân y đã giết chết Tam gia, Thất gia, Bát gia, đả thương trầm trọng Lục gia trong nhóm Bát đại danh gia. Sách quý “Vạn Kiếp Bí Truyền”, trong đó có lưu Bí kíp “Sát Na Vô Lượng thần công” cũng thất lạc mất tích từ đó...
Đến nay, hai trăm năm sau trong dòng tộc của họ Trần, như Chu muội đã thấy, Nguyên Huân là người hội đủ căn cốt để có thể luyện tập. Điều đáng mừng hơn nữa, là y đã thu hồi được bảo kíp của Tổ tiên, của Đại vương Trần Hưng Đạo Cơ duyên nào thì Trần Nguyên Huân sẽ nói cho Chu muội rõ!
Công lực của Nguyên Huân hiện nay đã có đủ hỏa hầu. Vừa rồi trị thương cho y, ta đã đả thông Sinh Tử Huyền Quan, âm hàn độc khí đã được tống xuất, đồng thời ta giúp y đôi chút chân lực của ta, tương đương với bốn mươi năm công phu khổ luyện. Do đó, ta hy vọng chắc chắn chỉ trong vòng thời gian một năm, y có thể thấu luyện môn võ học bí truyền của Tổ tiên. Nếu đạt thành, y sẽ là một nhân vật với võ công tuyệt kỹ. Đến như ta, vị tất sau này đã là đối thủ của y! Nay ta để cho y, vì võ lâm thiên hạ, vì công đạo mà rửa hờn cho nước, rửa thù cho cha, quét sạch cửa ngõ môn hộ, giải ách thống trị hà khắc cho lương dân. Đúng là danh chánh, ngôn thuận. Chu muội nghĩ sao?
- Việc này ca ca đã nói với Nguyên Huân chưa?
- Ta chưa kịp nói, nhưng ta biết y sẽ vô cùng hoan hỷ để nhận lãnh trọng trách vinh dự này. Bởi vậy, ta sẽ giao lại cho Chu muội thanh đao Đồ Long, còn Ỷ Thiên kiếm, ta tạm giao cho y, nhân danh thiên hạ mà hành sự. Hiền muội có đồng ý không?
- Ngày nay được gặp lại ca ca, ca ca dạy thế nào tiểu muội cũng vâng theo!