Trinh-Dung chắp tay hành lễ với thầy đồ Trọng-San:
– Thưa thầy! Thầy là bậc khiêm khiêm quân tử, xin thầy dạy cho một điều: người quân tử có cần phải giữ lễ với kẻ thô lậu, tiểu nhân không?
Trọng-San nói với Quang-Minh:
– Quang-Minh, đức người quân tử như gió, đức của tiểu nhân như cỏ. Cho nên phàm làm người quân tử, phải dùng đức mà cảm hóa kẻ tiểu nhân. Lê cô nương dù ít học, nhưng con cũng phải giữ đạo, đừng để mất cái đức cung đi. Cô Trinh-Dung trách cứ ta đúng đấy.
Đoàn Quang-Minh vẫn bướng:
– Thưa thầy vâng. Nhưng con dám quả quyết rằng con mọi kia mà giải thích được chữ lễ, thì con xin quỳ gối gọi nó là sư mẫu.
– Ở đây có hai thầy chứng cho. Con cũng xin thề rằng, nếu con không giảng được chữ leã trong Nho-giáo, thì con xin làm đầy tớ cho Đoàn huynh cả đời.
Trịnh Quang-Thạch cười nhạt nói với ông bà Thiết:
– Đấy nhá! Chính miệng con nặc nô này nó nói đấy nhá. Nếu nó thua, thì ông bà đừng có mà than thở.
Bà Thiết chắp tay cúi rạp người xuống:
– Bẩm lạy quan lớn. Dù nó thua hay nó được, mà quan lớn nhận nó làm tôi mọi, thì cũng phúc cho đời nó lắm đấy ạ!
Thầy đồ Thái nói với thầy đồ Trọng-San:
– Minh là học trò huynh. Đệ là học trò đệ. Bây giờ chúng ta thay phiên nhau hỏi chúng. Huynh hỏi Minh-Đệ. Đệ hỏi Quang-Minh. Cứ như thế, trong năm câu, nếu như ai trả lời đúng nhiều câu hơn, thì người đó thắng cuộc.
Trọng-San tuy là thầy Quang-Minh, nhưng ông lại là nhà Nho chính-thống, đem đạo thánh đi truyền cho thiên hạ. Nên dù Quang-Minh thắng hay Yến-Loan thắng ông cũng không bận tâm. Ai đọc nhiều, học nhiều, thì biết nhiều. Ai học ít, đọc ít thì bị thua. Thua thì lại tiếp tục học cho giỏi bằng người. Ông đáp:
– Vâng. Quang-Minh lớn tuổi hơn Minh-Đệ, vậy xin huynh hỏi y trước cho.
Thầy đồ Thái hướng Quang-Minh:
– Đoàn huynh! Cứ như Đoàn huynh biết thì chữ lễ có từ bao giờ? Ai là người định ra chữ lễ đầu tiên?
– Thưa thầy chữ lễ có từ thời Khổng-tử. Khi Khổng-tử chưa thành danh, mà đã được vị quan nước Lỗ là Trọng-tôn Cồ gửi hai người con đến học leã. Như vậy chính ngài là người định rõ thế nào là lễ.
Nghe Quang-Minh ứng đối sai lạc, thầy đồ Trọng-San thở dài, lắc đầu. Ông hy vọng Minh-Đệ cũng không hơn học trò mình. Ông hỏi Minh-Đệ:
– Lê cô nương, Quang-Minh trả lời có đúng không?
– Thưa thầy sai. Sai hoàn toàn. Đức thánh giỏi về lễ, không có nghĩa rằng ngài đặt ra lễ nghi đầu tiên. Chính ngài là người san định kinh Lễ, chứ không phải ngài đặt ra lễ. Nay kinh Lễ tuy mất, nhưng cũng còn một thiên Lễ ký. Ngài nói: Thuật nhi bất tác, nghĩa rằng ta chỉ thuật lại những gì của người xưa, chứ không sáng tác. Vì vậy lễ nghi của Nho gia vốn có từ trước Khổng-tử.
Thầy đồ Trọng-San không ngờ kiến thức Yến-Loan lại rộng như vậy. Mỗi lời Yến-Loan nói ông lại gật đầu. Tuy học trò ông thua, nhưng ông giữ đạo Trung-dung, nên khi thấy một cô gái quê mà giỏi như vậy, ông lại vui vẻ. Ông thủng thỉnh nói:
– Câu đầu Quang-Minh đáp sai. Lê cô nương giảng đúng. Người thua rồi.
Tuy nói vậy, nhưng ông vẫn hy vọng vào câu khác, may ra Quang-Minh gỡ được. Ông hỏi Yến-Loan:
– Bây giờ tới lượt tôi hỏi Lê cô nương. Thế chữ Lễ để chỉ điều gì?
Yến-Loan đáp không suy nghĩ:
– Thưa thầy tối cổ chữ lễ dùng để chỉ việc cúng tế, có tính cách tôn giáo. Sau dần dần, gồm cả phong tục, tập quán như: quan, hôn, triều, sính, tang, tế. Rồi tới thời Khổng-tử thì còn có nghĩa là điển chương, hình pháp.
Quang-Minh lắc đầu:
– Bịa đặt! Bịa đặt! Xin dẫn chứng?
Yến-Loan cười khỉnh:
– Tôi xin dẫn chứng. Trong Tả-truyện chép:
«...Tấn hầu bảo Nhữ Thúc-Tề « Lỗ hầu cũng giỏi về Lễ đấy nhỉ?”. Đáp « Đó là nghi thức, không thể gọi là lễ. Lễ để giữ nước, thi hành chính lệnh mà không mất lòng dân” (1).
Câu trên đã phân biệt nghĩa hẹp của lễ là nghi, tức là quan, hôn, tang, tế. Câu dưới nói rõ lễ là điển chương, luật pháp. Nhưng lễ khác với luật ở chỗ lễ có mục đích giáo hóa, ngăn ngừa tính ác, việc ác chưa xẩy ra. Còn luật pháp để trị cái ác đã xẩy ra rồi.
Ghi chú,
(1) Nguyên văn: Tấn hầu vi Nhữ-thúc-Tề viết: « Lỗ hầu bất diệc thiện ư lễ hồ?”. Đối viết: « Thị nghi dã, bất khả vị lễ. Lễ sở dĩ thủ kỳ quốc, hành kỳ chính lệnh, vô thất kỳ dân giả dã”.
Quang-Minh lắc đầu:
– Láo, ngụy biện.
Thầy đồ Trọng-San xua tay:
– Minh thua rồi, Lê cô nương giảng đúng. Lê cô nương thắng hai câu. Thế nhưng Quang-Minh lại bảo là sai, thì Quang-Minh thua một câu nữa. Bây giờ xin thầy Thái hỏi Minh.
– Đoàn huynh cho biết lễ nghĩa là gì?
– Thưa thầy trong Lễ ký đã định nghĩa trọn trong mấy chữ: Lễ là cái thực của nghĩa. (2)
Ghi chú,
(2) Nguyên văn: Lễ dã giả, nghĩa chi thực dã.
Minh-Đệ lắc đầu:
– Lễ không giản dị như vậy đâu. Lễ có rất nhiều nghĩa. Một là lễ dùng để làm phạm giới cho cung, cẩn, dũng.
Quang-Minh kêu lên:
– Bậy! Bịa đặt.
Minh-Đệ lại cười rất tươi hướng ông đồ Trần:
– Thưa thầy, xin thầy cho biết câu này do ai nói:
« Cung kính mà không có lễ thì phiền; cẩn thận mà không có lễ thì thành sợ hãi; dũng mà không có lễ thì thành ra loạn; chính trực mà không có lễ thì thành ra hấp tấp ».
– Cô nói lễ có nhiều nghĩa. Đây mới là một. Một không phải là nhiều? Vậy thứ hai, thứ ba, thứ tư là gì?
– Tôi đã trình bầy hết đâu? Nghĩa thứ hai của lễ do chính Khổng-tử nói: « chỉ kẻ bất nhân mới không có lễ ».
Quang-Thạch biết Yến-Loan nói kháy mình. Y hừ một tiếng:
– Mi khỏi nói kháy nữa. Nếu mi không dẫn chứng được nghĩa này, thì ta lột da đầu mi.
– Dạ, quân hầu khỏi đe dọa. Câu đó nguyên văn như sau: « Nhân nhi bất nhân, như lễ hà”. Ngài còn nói: Người ta sinh ra tính vốn trực. Như vậy con người càng tự nhiên thì càng có lễ. Ngài cực ghét bọn ngồi trên mà làm láo (xảo ngôn lệnh sắc). Nhưng ngài cũng định rõ: chất phác mà thiếu văn vẻ thì quê mùa. Văn vẻ mà thiếu chất phác thì rườm rà. (4)
Ghi chú,
(4) Nguyên văn: Chất thắng văn tắc dã. Văn thắng chất tắc xử.
Nàng hướng vào Quang-Minh:
– Nghĩa thứ ba của lễ là phải khoan hòa, không như luật pháp thì tàn bạo. Trong Đại-học đã dẫn lời ngài: xử kiện thì ta cũng xử như người, phải làm sao cho dân dừng kiện nhau mới là người cai trị giỏi. (5). Một nghĩa nữa của lễ mà Khổng-tử định nghĩa rằng phải thành thực, ngay thẳng trước hết. Luận-ngữ, thiên Bát-dật thuật: Tử-Hạ hỏi Khổng-tử rằng. Kinh-thi nói: « Miệng chúm chím cười tươi, mắt đẹp đẽ long lanh, trên nền trắng có bức họa đủ mầu » nghĩa là gì? Ngài đáp: « phải có sẵn nền trắng rồi sau mới vẽ thành bức họa ». Tử-Hạ hỏi tiếp: « thế là phải thành thực, trung chính rồi mới theo lễ ư? ». Ngài khen Tử-Hạ là hiểu được ý ngài. (6)
Cuộc tranh luận về chữ lễ giữa đệ nhất Thái-bảo trường Trung-nghĩa, được coi như văn hay chữ tốt bậc nhất trong vùng cùng với một cô gái quê, chỉ đọc thông văn tự; diễn ra trước mặt lý dịch trong làng Thổ-lội, cùng hơn trăm học trò. Rõ ràng Quang-Minh là người có học thức nhất, thì ngôn từ lại thô tục, cộc cằn; còn Yến-Loan trước mắt mọi người thì chỉ là một thứ rác rưởi, nhưng ngôn từ của nàng lời lời ôn nhu văn nhã, lý luận đanh thép. Ngay chính ông bà Thiết cũng không ngờ kiến thức con mình lại rộng bao la đến như vậy. Chỉ có một người duy nhất không ngạc nhiên, đó là thầy đồ Thái.
Thầy đồ Trần Trọng-San vốn là người quân tử, lại học nhiều, hiểu rộng, chỉ qua mấy câu đối đáp, thầy biết ngay sở học của học trò mình thua xa Minh-Đệ. Ông cung tay nói với thầy đồ Thái:
– Nhân huynh! Tính chung Lê cô nương đáp đúng ba câu, Quang-Minh đáp sai ba câu. Đệ công nhận kiến thức Quang-Minh thua Lê cô nương quá xa. Dù có tranh luận đến mấy nữa cũng vô ích mà thôi. Đệ là thầy Quang-Minh, đệ xin trân trọng nói với nhân huynh rằng Lê cô nương thắng, Quang-Minh thua.
Từ nãy đến giờ, bốn người bạn của Yến-Loan đứng nghe bạn đối đáp về Nho-học, họ quá kinh ngạc, vì trước đây kiến thức của năm người ngang nhau. Thế mà chỉ với hai năm xa cách, mà Yến-Loan đã bước những bước dài trên đường học văn, bỏ xa đệ nhất Thái-bảo trường Trung-Nghĩa.
Trinh-Dung bước ra, hướng Quang-Thạch xá một xá:
– Bẩm quân hầu, cháu là con gái, lại ít học, cháu có vài câu thắc mắc, mong quân hầu giải cho.
– Được cháu cứ hỏi.
– Thưa quân hầu.
Trinh-Dung lễ phép: Không biết trong trường Trung-nghĩa có dạy về đạo người quân tử cho môn sinh không?
– Có, không những dạy, mà còn dạy rất kỹ.
– Thế bẩm quân hầu, chỉ học để biết, hay là còn phải thực hành?
– Tri thì phải hành chứ!
– Như vậy cháu thấy dường như trong trường không dạy về tam cương, ngũ thường thì phải.
– Bậy nào, đó là điều sơ tâm. Môn sinh nào cũng học cả.
– Bẩm quân hầu.
Trinh-Dung cười rất tươi: Anh Đoàn Quang-Minh dường như là đệ nhất nhân trong đám môn sinh của quân hầu, tất văn võ kiêm toàn, mà sao chưa học ngũ-thường.
Quang-Minh nhăn mặt:
– Đạo làm quân tử, Đoàn mỗ có chỗ nào thiếu sót đâu mà tiểu cô nương phải thắc mắc?
– Có, tôi thắc mắc rất nhiều. Trong ngũ thường bao gồm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thế nhưng ban nãy anh thiếu lễ, là mất một trong ngũ thường. Bây giờ mất chữ tín là mất hai thường. Như vậy tôi cho rằng trường Trung-nghĩa chỉ dạy có tam thường thôi.
– Tại sao cô bảo ta không biết về chữ tín?
– Đoàn huynh là đấng quân tử, lại là đệ nhất nhân của trường Trung-nghĩa. Không biết Đoàn huynh có nhớ câu quân tử nhất ngôn không? Hay định làm tiểu nhân tam ngôn, tứ ngôn, thất bát ngôn? Trước khi thi văn, Đoàn huynh đã hứa rằng, nếu Đoàn huynh thua thì phải bái chị Yến-Loan làm sư mẫu. Vây bây giờ chính thầy của Đoàn huynh công nhận Đoàn huynh thua. Đoàn huynh tính sao đây? Nếu Đoàn huynh không chịu bái chị Yến-Loan làm sư mẫu cũng được. Ở đây có đầy đủ lý dịch, dân chúng trong làng. Họ sẽ đi nói khắp nơi rằng Trung-nghĩa chỉ dạy có tam thường thôi. Vì đệ nhất Thái bảo không biết chữ lễ, chữ tín.
Yến-Loan nói mỉa:
– Ngũ-thường, mà mất lễ, với tín, thì không biết đạo người quân tử sẽ thành đạo gì nhỉ? Nho như thế là nho tiểu nhân, cẩu nho mà thôi.
Quang-Thạch muốn cứu học trò, y lấp liếm lời thề của Quang-Minh, nên y quát:
– Quân tử hay tiểu nhân ta không cần bàn với mi. Ta đến đây với mục đích hỏi tội mi về vụ mi dám đánh công sai của ta. Mi có chịu trói hay không?
– Không! Xin quân hầu cho đứa con gái quê mùa này biết nó đã phạm tội gì mà ngài muốn trói nó?
Quang-Thạch hừ một tiếng:
– Trọn đời ta xông tên, đột pháo, đội nắng dầm mưa, lăn mình vào chỗ chết, nhưng chưa từng có kẻ nào dám hoạnh họe ta. Nay mi chỉ là đứa nhãi con, mà cũng đòi lý luận với ta ư? Ta nói cho mi biết rằng có lệnh của quan Tể-tướng, Gia-viễn quốc công truyền rằng: mi thuộc thành phần bất hảo, phải bắt giam mi lại đợi khi hoàng thượng du hành trở về mới thả ra. Ta chỉ biết tuân lệnh của người.
– Thế thì lệnh của quan Tể-tướng đâu, tôi muốn được xem trước khi chịu trói.
– Ta nhận lệnh trực tiếp từ ngài.
– Tôi không tin. Tôi không để cho ai trói tôi vô lý.
Quang-Thạch cười nhạt:
– Mi tưởng mi học được mấy cái múa, rồi coi thường thiên hạ hẳn? Ta nói cho mi biết, hồi mi thắng Đoàn Quang-Minh ở Kinh-Bắc là do mi dùng độc chất, khiến kinh khí của y bế tắc. Hôm nay ta để y dần vào xác mi cho mi biết ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác.
Y quay lại bảo Quang-Minh:
– Con hãy ra túm cổ con mọi kia về cho sư phụ.
Yến-Loan cười nhạt:
– Hơn năm trước, tôi đã đấu với Đoàn huynh tại dinh An-vũ kinh-lược sứ. Đoàn huynh thua rồi. Bây giờ Đoàn huynh lại muốn đấu nữa hay sao?
Quang-Minh cười nhạt:
– Hôm ấy mi dùng độc chất thắng ta. Ta không phục. Vả mi thắng ta một năm trước, không có nghĩa mi thắng ta cả đời. Hôm nay là ngày ta phục thù đây.
Quang-Thạch bảo Quang-Minh:
– Tại sao phải nói với con mọi này nhỉ? Đập vào xác nó cho rồi.
Quang-Minh dạ một tiếng, rồi y bái tổ, đứng thõng tay, đưa mắt nhìn Yến-Loan:
– Ta lớn tuổi hơn mi, mi ra tay trước đi.
Yến-Loan đưa mắt quan sát đối thủ, vì rõ ràng hôm ở Kinh-Bắc, bản lĩnh của nàng không làm bao, mà nàng thắng y dễ dàng. Rồi mấy hôm trước, nàng điểm huyệt bắt y như bắt ba ba trong rọ. Thế mà sao hôm nay y lại cả gan đấu với nàng?
Yến-Loan hít một hơi, nàng vận khí phát chiêu Đông-hải lưu phong trong Đông-a chưởng pháp tấn công. Vì nội công của nàng là nội công âm nhu, nên không có gió. Quang-Minh cười nhạt, y tung mình lên cao, rồi đánh xuống một chưởng. Vèo một tiếng, hai chưởng chạm nhau. Yến-Loan kinh ngạc vô cùng, vì chưởng lực của y mạnh gấp bội hôm y đấu với nàng ở miếu thổ thần. Nhất là nội công của y hoàn toàn khác với nội công hôm trước.
Quang-Minh chuyển tay một cái, y đã phát chiêu thứ nhì. Yến-Loan lại dùng chưởng Đông-a đấu với y. Đấu được hơn năm mươi hiệp, nàng nghĩ thầm:
– Nếu như hôm đấu ở miếu thổ thần, mà y có bản lĩnh như hôm nay, thì mình không phải là đối thủ của y. Cũng may hôm rồi sư phụ, sư mẫu thu mình làm đệ tử, dạy mình biết bao nhiêu bản sự. Ừ, lạ một điều, lần này y dùng một thứ nội công, chiêu số hoàn toàn khác với những lần trước. Hay là y mới được cao nhân nào dạy thêm?
Đứng ngoài quan sát trận đấu, mặt Quang-Thạch cau lại thực khó coi. Ký ức giúp y nhớ lại trận đấu ở chùa Từ-quang với một nhà sư trẻ tuổi. Hôm đó nhà sư đã dùng một thứ võ công giống hệt võ công của Yến-Loan hôm nay. Chiêu số là chiêu số Đông-a, trong khi nội công là nội công Mê-linh. Y nghĩ thầm:
– Hay con mọi này là học trò của nhà sư đó? Biết đâu hai đứa không học cùng một thầy?
Đấu được hơn trăm hiệp, Yến-Loan nghĩ thầm:
– Mình thực đoảng. Từ hôm sư phụ dạy võ công Mê-linh cho mình đến giờ, mình chưa hề xử dụng qua. Bây giờ mình phải thử xem.
Nghĩ vậy, thình lình nàng đổi chưởng pháp. Bộp mot tiếng hai chưởng chạm nhau, Quang-Minh bật lui đến năm bước. Y chưa lấy lại được bình tĩnh, thì Yến-Loan đã đánh tiếp một chưởng nữa. Y vung tay đỡ, người bay tung về sau, mặt nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn vô cùng. Yến-Loan đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nàng phóng liền hai chưởng nữa. Quang-Minh đỡ được một chưởng. Đến chưởng thứ nhì, y bật tung lên cao, rồi rơi xuống đất nằm thẳng cẳng.
Quang-Thạch xẹt tới vung chưởng tấn công Yến-Loan, để cứu Quang-Minh. Yến-Loan cười nhạt, nàng trở về với chưởng Đông-a. Hai chưởng chạm nhau. Bộp một tiếng, Quang-Thạch tỉnh ngộ:
– Thì ra thằng trọc con hôm trước cũng chính là con mọi này. Hỡi ơi, mình thực ngu. Bây giờ mình chỉ còn một cách vờ rút lui, rồi dùng số đông thắng y thị mà thôi.
Nghĩ vậy y quát lên một tiếng, rồi nhảy lùi lại, miệng hô:
– Này, vợ chồng gã kia. Các người là dân trong ấp của ta, mà không biết dạy con, để nó vô lễ như thế này, thì ta sẽ chặt đầu vợ chồng mi, rồi tịch thu điền sản. Mi có biết không?
Bà Thiết chạy tới trước mặt Quang-Thạch quỳ gối xuống rập đầu binh binh:
– Bẩm quan, con đã từ nó rồi. Nó không còn là con của con nữa. Xin quan cứ giết chết nó đi.
Yến-Loan nghĩ rất nhanh:
– Bây giờ mình chịu cho chúng trói, thì chúng sẽ giết mình để rửa nhục, rồi chúng cũng giết cha mẹ mình sau. Sự thể đã ra thế này, âu là mình bỏ chạy, thì chúng còn gờm mình mà không dám hại cha mẹ mình. Nhược bằng chúng giết cha mẹ mình, thì mình cũng còn giữ được cái thân mai hậu để trả thù.
Nghĩ vậy, nàng chỉ tay vào mặt Quang-Thạch:
– Này, Trịnh thái giám. Mi tự thị rằng trường Trung-nghĩa của mi đào tạo ra những bậc văn mô vũ lược. Những gì là Tam-anh, Thất-hùng, Bát-tuấn, nhưng cuối cùng cũng bị người con gái quê mùa như ta đả bại, bại cả văn lẫn võ. Ngay chính bản thân mi, mấy tháng trước, bị ta lột mặt nạ mãi quốc cầu vinh, rồi đánh cho đau đớn đến phải kêu cha gọi mẹ. Hôm nay, mi dẫn bọn học trò tôm, học trò tép của mi đến đây hòng uy hiếp ta. Uy hiếp ta không được, mi uy hiếp cha mẹ ta ư?
Nàng ngừng lại một lát rồi tiếp:
– Mi được phong là Trung-nghĩa đại tướng quân, mà mi đi nhận vàng của Thái-tử Tống là Tần-vương để chia rẽ võ-lâm Đại-Việt, chia rẽ hậu cung triều Lý, rồi chờ khi quân Tống sang đây, mi sẽ làm nội ứng cho giặc. Như vậy mi còn xứng đáng là trung, là nghĩa nữa không? Được, mi có giỏi, hãy cứ động đến cái lông, sợi tóc của song thân ta mà xem, ta sẽ đánh Hồng-chung tố cáo mi giữa triều đình, liệu toàn gia mi có khỏi bị tru di hay không? Ta sẽ đi Thiên-trường, tố cáo mưu gian của mi với phái Đông-a. Đại-hiệp Tự-An, Kinh-Nam vương sẽ giết toàn gia mi đến con gà, con chó cũng không sót.
Lời tố cáo của Yến-Loan làm Quang-Thạch phát run. Từ thầy đồ Thái, thầy đồ San cho tới hương dịch đều kinh hoàng về những gì Yến-Loan nói. Nàng tiếp:
– Hiện giờ trên từ mi cho tới tên Quang-Minh, con Minh-Can, nếu không có thuốc giải của ta, thì chỉ mấy hôm nữa sẽ chết. Chính mi biết thế, mi định dùng số đông đến áp chế ta để có thuốc giải. Nhưng mi lầm. Ta nói cho mi biết, mi không có quyền bắt ta.
Nàng móc tấm thẻ bài trong túi ra đưa cho Quang-Thạch, rồi cười:
– Chắc mi muốn biết ta học võ công của ai mà hạ được mi phải không? Đây, mi hãy coi cái này thì biết rằng ta là đệ tử của vua bà Bắc-biên. Sư mẫu ta cho ta tấm thẻ bài. Người dặn rằng, trong thế gian này, kể cả đức vua cho tới Tể-tướng, khi người nào biết ta có tội chỉ có thể mách sư mẫu ta, để người trừng phạt ta, mà không có quyền bắt ta. Mi có gan thì bắt ta đi! Ta thách đấy.
Quang-Thạch không cần cầm lấy thẻ bài. Y chỉ liếc nhìn qua, tấm thẻ bằng ngọc xanh biếc, từ kích thước, cho đến mầu sắc, y đã từng thấy nhiều lần. Vì vậy y phát run. Y chưa kịp có phản ứng gì, thì Yến-Loan đã tung mình lên cao, rồi phóng ra đường mất hút.
Xa giá Chương-thánh Gia-khánh hoàng-đế đến chùa Pháp-vân vào ngày rằm. Hộ giá nhà vua có quan Vạn-thảo quốc-công Dương Bình. Hồi nhà vua còn là thái-tử thì Dương Bình được cử làm Thái-phó dạy học. Nên khi nhà vua lên ngôi, thì Dương Bình trở thành thái sư tước phong tới Quốc-công. Nay Dương quốc công tuổi cao, xin về hưu để hành y đạo cứu người. Tuy nhiên, trong dịp nhà vua hành hương chùa Pháp-vân, Quốc-công cũng hộ giá, hầu chăm sóc bệnh cho ngài. Ngoài ra còn có Thượng-Dương hoàng hậu, ba công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh với hai Phò-mã. Thái-bảo Lý Thường-Kiệt chỉ huy toàn bộ thị-vệ, cung nga, thái giám theo hầu.
Kể từ hôm rằm, mỗi ngày chư tăng làm một tuần chay. Hằng ngày, vào buổi trưa, trước giờ Ngọ, là nhà vua lại sai đem cơm nắm, xôi, oản, khoai, ngô cùng những thực vật cúng Phật, cúng cô hồn để chính tay ngài phát chẩn cho dân nghèo. Ăn mày, kẻ khó khắp nơi, nghe tiếng, ùn ùn kéo về chùa.
Hồi đầu thì chỉ có người nghèo tới xin bố thí. Nhưng sau, người ta tò mò muốn biết long nhan của nhà vua ra sao, nên cũng xếp hàng khất thực. Lại có người mang xôi, mang hoa quả tới dâng nhà vua, để nhà vua phát chẩn. Nhà vua trang phục như một cư sĩ, đích thân trao tận tay phẩm vật cho đám người bần khổ. Quan thái-bảo Lý Thường-Kiệt, quan tổng lĩnh đạo Ngự-long là hữu-thiên ngưu vệ thượng tướng quân Dư Phi, quan tổng lĩnh đạo Đằng-hải là Tả-thiên ngưu vệ đại tướng quân Ngô Thường-Hiến (em ruột Thường-Kiệt) luân phiên theo hộ giá.
Vì chùa có lệ không thể cho nữ tín chủ ở lại, nên Thượng-Dương hoàng hậu, cùng các phi tần theo hầu phải đóng hành doanh ở dinh Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu. Trịnh Quang-Thạch cho các thanh nữ trong trang ấp của y thay nhau chầu hầu nhà vua cùng hoàng-hậu, hy vọng xem trong đó có người nào là Hằng-Nga giáng thế không.
Đến ngày thứ ba mươi, nhà vua cùng Thượng-Dương hoàng-hậu đang phát thực phẩm cho kẻ khó, thì có người ăn mày liệt hai tay đến trước nhà vua:
– Này ông ơi, ông có phải là vua không?
Nhà vua đáp:
– Đúng, ta là vua.
– Thế vua là gì? Có nhớn hơn Lý-trưởng không?
Dư Phi đáp thay vua:
– Lớn hơn nhiều lắm lắm.
– Bằng ông tiên chỉ không?
– Hơn nữa.
– À, như vậy là bằng ông chánh tổng hẳn?
Dư Phi chỉ lên trời:
– Nhỏ hơn trời một chút.
– Như vậy là ông trời con.
Thượng-Dương hoàng-hậu cau mày đáp:
– Vua là con trời, do trời sai xuống hạ giới cai trị trăm họ. Vua là chúa tể tất cả mọi người trong nước, có quyền cho ai sống thì được sống, có quyền bắt ai chết thì phải chết.
– Tưởng gì, chứ vậy thì vua không khác chi tên đồ tể giữa bầy lợn, bầy gà. Người đồ tể muốn cho con lợn, con gà nào sống thì được sống, muốn bắt con nào chết thì phải chết. Ối! Tôi không tin, vì người ta đồn ông Vua này tốt lắm.
Thượng-Dương hoàng-hậu quát:
– Mi biết cái gì mà nói? Mi có câm cái mõm đi không?
Người ăn mày cũng không vừa:
– Vậy mà người ta bảo vua là người có phúc trạch nhất thiên hạ. Phúc thì có hai phần, một phần do tiên tổ để lại, một phần do mình tích lũy thêm. Hôm nay vua đi cầu siêu, cầu có con, tìm Hằng-Nga, mà lại đem cái người thất đức, vừa mở miệng ra là gấu ó như quỷ A-tu-la, thì làm sao mà đắc phúc nhỉ?
Hoàng-hậu chỉ mặt người ăn mày:
– Thị vệ đâu, đem tên này ra chém tức thì về tội đại bất kính.
Viên thái giám già, lĩnh chức Chi-hậu nội nhân Nguyễn Bông là người hầu cận Hoàng-hậu từ khi tiến cung. Y đứng cạnh đó, nghe Hoàng-hậu ban chỉ, y định gọi thị-vệ bắt người ăn mày.
Nhà Vua phất tay ra hiệu ngừng lại:
– Để cho người ta nói.
Người ăn mày vẫn tỏ vẻ không sợ:
– Này ông Vua, cái bà nói năng như A-tu-la kia là ai vậy? Tôi trông tướng, dường như bà có điều gì uất ức đến vài chục năm nay mà chưa giải được, vì vậy trong lòng bà oán hận không ít. Thân bà tuy đứng cạnh ông Vua, mà lòng e lại không chí tình với ông. Ôi! Hoàng-hậu là mẫu nghi thiên hạ, là cội phúc của giòng giống nhà vua sau này mà như thế ư?
Nhà vua trao cho y một phẩm oản, với quả chuối. Người ăn mày nói:
– Tay tôi bị tê. Ông vua đút cho tôi ăn được không?
Nhà vua chỉ tảng đá gần đó:
– Người ngồi xuống đây, trẫm đút cho mà ăn.
Nhà vua đưa oản đút cho người ăn mày. Y cắn oản ăn ngon lành vô cùng. Trong khi đó Thượng-Dương hoàng hậu bực mình nhìn đi nơi khác. Sau khi cho người hành khất ăn hết phẩm oản, với quả chuối, nhà vua còn bưng bát nước vối đưa lên miệng cho y uống. Uống xong người ăn mày cung tay:
– Vật bố thí không bằng cung cách bố thí. Từ tiền cổ đến giờ, dù vua Hùng, vua An-Dương của Đại-Việt; dù Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang của Trung-quốc cũng không có vị nào lại nhân từ thương dân như bệ hạ. Đức trạch này, nhất định bệ hạ sẽ gặp lại Hằng-Nga, và sau đó Hằng-Nga sẽ sinh cho bệ hạ hai hoàng nam. Trong hai hoàng nam ấy, thì một là Thanh-Y đồng tử, một là Tiên-Đồng con vua Xích-Đế. Sau này hai vị đó sẽ làm lên những sự nghiệp kinh thiên động địa, hiển hách cho Đại-Việt.
Ngay từ lúc thấy người ăn mày, nhà vua đã biết đây là dị nhân, nhưng ngài vẫn vui vẻ, xem dị nhân định làm gì. Trong khi đút oản, chuối cho dị nhân, ngài thấy rõ ràng một tay y nắm lấy huyệt Thái-khê trái, một tay án vào huyệt Thận-du phải của mình. Một luồng nội lực cực kỳ hùng hậu, chính đại quang minh tuôn vào người ngài như thác đổ, như băng tan. Ngài nghĩ thầm:
– Người này là ai mà nội lực Tiêu-sơn lại mạnh đến như thế? Ta tưởng trên đời này chỉ chị Bảo-Hòa, Bình-Dương cùng anh Thiệu-Thái mới luyện đến trình độ tối cao mà thôi. Y còn trẻ, mà sao thiền-công Tiêu-Sơn coi bộ muốn ngang với quốc-sư Huệ-Sinh?
Nhà vua hỏi:
– Xin dị nhân cho biết cao danh quý tính?
– Danh ư? Tính ư? Tôi chẳng có. Hoặc giả bệ hạ muốn gọi, xin cứ coi tôi như con chó, con mèo, hay con trâu, con bò cũng được.
Nói rồi người ăn mày xá nhà vua, thủng thẳng bỏ đi. Hoàng-hậu đưa mắt cho Chi-hậu Nguyễn Bông. Y theo sát sau lưng người ăn mày. Tất cả những hành động của người hành khất không qua được mắt được Vạn-thảo quốc-công Dương Bình với thái-bảo Lý Thường-Kiệt. Dương Bình hỏi nhà vua:
– Tâu bệ hạ, vì vị tiểu sư phụ đó đã dồn thiền-công Tiêu-Sơn vào người bệ hạ quá nhiều, xin bệ hạ vận khí theo vòng Tiểu chu-thiên, để hòa hợp với nội công Tản-viên.
Nhà Vua kinh ngạc:
– Dị nhân đó là một vị tăng ư?
– Tâu bệ hạ đúng vậy. Vì thần thấy người đội cái mũ vải che kín hết đầu, lại hơi có mùi hương, thì biết là một vị tăng. Có điều vị tăng này còn quá trẻ, mà sao Thiền-công đã cao đến trình độ như vậy? Trên đời, thần chỉ thấy bồ tát Minh-Không, với phò mã Thân Thiệu-Thái là luyện tới mức này mà thôi. Thần e Quốc-sư Huệ-Sinh cũng không bằng.
Nhà vua hỏi:
– Có ai biết gốc tích tiểu hoà-thượng ấy ra sao?
Dư Phi tâu:
– Tâu bệ hạ, tiểu-hòa thượng đó không ai biết tu ở chùa nào, thuộc giòng nào. Ông thường mặc quần áo rách rưới đi khất thực. Khất thực được gì, ông đem chia cho đám ăn mày cùng khổ. Tối tối ông ra chợ, ngủ với chúng, giảng đạo lý cho chúng. Dân Thăng-long gọi ông là Khất hoà-thượng. Tuổi ông dường như còn nhỏ, chưa quá hai mươi lăm. Không rõ ông học thuốc với ai, từ bao giờ, mà y thuật rất cao minh. Một lần gặp Quốc-sư Huệ-Sinh, ông gọi quốc-sư là sư đệ. Sau đó không biết Quốc-sư bàn gì với ông đến nửa ngày, rồi Quốc-sư bái ông, gọi ông là Bồ-tát Minh-Không tái đầu thai trở lại Đại-Việt.
Thường-Kiệt là quản Khu mật-viện, ông tâu:
– Tâu hoàng-thượng, ngài họ Nguyễn, tên là Lộ, quê ở vùng Hải-thanh (Nay thuộc Thái-bình). Ngài đích thực là Bồ-tát giáng sinh. Tuy tuổi còn trẻ, mà ngài không hề phân biệt nam nữ. Vì vậy có kẻ ghét ngài, bảo ngài có tính dê xồm. Ngài vui vẻ tự nhận là Lão Dương, thành ra người ta tưởng ngài họ Dương. Vì không biết rõ tên ngài là gì, chúng nhân gọi ngài là Dương Không-Lộ, hay Không-Lộ. Khi gặp Quốc-sư Huệ-Sinh, ngài gọi Quốc-sư là sư đệ. Ngài xưng là hậu thân của Bồ-tát Minh-Không. Quốc-sư và phái Tiêu-sơn đã cật vấn ngài về hành trạng của Bồ-tát Minh-Không, ngài đáp đúng hết. Cho nên người ta gọi ngài là Minh-Không.
– Như vậy thì đây là một vị Bồ-tát giáng thế rồi.
Nhà vua than: Từ khi đạo đức Thế-tôn vào Đại-Việt, đã có không biết bao nhiêu Bồ-tát đắc đạo. Phải rồi, việc này trẫm đã được Lễ bộ tâu đầy đủ. Khi ngài Minh-Không sắp viên tịch, hoàng-khảo là đệ tử của người cũng hiện diện. Ngài có phán: sẽ đầu thai trở lại để giúp tộc Việt giữ nước, cùng độ cho người có duyên. Sau đó người để lại bốn bài kệ, niêm phong thực kín, trao cho Quốc-sư Huệ-Sinh, dặn rằng khi có vị tăng nào xưng là ngài, thì cứ bắt phải đọc bốn bài kệ kia. Nếu đọc đúng, thì chính là ngài. Cho nên hôm Quốc-sư gặp nhà sư trẻ xưng là Minh-Không, người yêu cầu viết bốn bài kệ ra. Quả nhiên nhà sư trẻ viết không sai một chút. Phái Tiêu-sơn còn cật vấn nhà sư đến hơn trăm điều về hành trạng của ngài Minh-Không, nhà sư đều đáp trúng hết. Nên chi phái này nhận nhà sư chính là ngài Minh-Không tái sinh (7).
Ghi chú,
(7) Luật Luân-hồi nhà Phật đã được chép rất nhiều trong Thiền-sử Việt. Ngày nay, Phật-giáo Tây-tạng vẫn còn giữ nguyên. Đức Đạt-lai Lạt-ma là đức Quan-âm luân hồi tái sinh. Ngài cùng các vị Lạt-ma Tây-tạng, trước khi viên tịch thường để lại những mật thư, mật kệ trao cho để tử giữ kín, đợi đến khi các vị tái đầu thai, sẽ tìm gặp. Đệ tử bắt người ấy phải nói hết những bí mật trong mật thư, mật kệ kia, rồi còn phải trả lời hằng trăm câu hỏi về tiền kiếp. Sau khi người ấy đáp đúng, thì tiền kiếp mới được xác nhận.
Dương Bình vẫy tay cho mọi người im lặng để nhà vua vận công. Nhà vua vội ngồi ngay ngắn lại rồi vận khí. Ngài chỉ vận có ba vòng Tiểu chu-thiên là chân khí Tản-viên với Tiêu-sơn hòa lẫn với nhau ngay. Dương Bình chạy lại bắt mạch nhà vua. Ông nhíu mày suy nghĩ, rồi nói một mình:
– Sao lại có thể thế được nhỉ?
Thượng-Dương hoàng-hậu hỏi Dương Bình:
– Tên trọc đó đã làm hại Hoàng-thượng chăng?
– Tâu Hoàng-hậu trái lại, vị tiểu-sư-phụ đó đã mở tâm Bồ-đề dồn chân khí để trị bệnh cho Hoàng-thượng.
Hoàng-hậu cau mày:
– Bệnh Hoàng-thượng đến Quốc-công cũng chịu thua, thì cái tên trọc con thối tha kia làm sao mà trị được?
– Tâu Hoàng-hậu, hồi niên thiếu Hoàng-thượng ở trên Tản-lĩnh một thời gian lâu. Khí hậu trên Tản-lĩnh rất lạnh, vì vậy vệ khí cơ thể Hoàng-thượng chống không nổi, nên đã bị bệnh phong thấp.
– Lạnh mà làm thành phong thấp ư? Xin Quốc-công giảng cho nghe về chứng bệnh này!
Dương Bình nghĩ thầm:
– Mình đã từng giảng cho bà Hoàng-hậu hữu danh vô thực này nhiều lần về chứng phong thấp, mà sao nay bà ta còn hỏi lại làm gì đây? Ừ thì thôi ta cũng giảng lần nữa, có mất gì đâu?
Ông tiếp: tâu Hoàng-hậu phong thấp trong y-học còn gọi là tý-chứng. Tý nghĩa là tê. Nên đôi khi tiếng Việt gọi là tê-thấp. Nguyên do chứng này có hai phần. Một là ngoại nhân, hai là nội nhân. Ngoại thì do phong, hàn, thấp từ ngoài nhập vào cơ thể. Thế nhưng tại sao có rất nhiều người cùng sống trong một vùng, mà phong, hàn, thấy không nhập được vào cơ thể? Như hồi hoàng-thượng sống trên Tản-lĩnh; bấy giờ tiên-nương Bảo-Hòa cũng ở trên ấy, Thái-bảo Thường-Kiệt cũng ở trên ấy, bốn tiên cô Thân Mai, Thân Lan, Thân Cúc, Thân Trúc cũng ở trên ấy; biết bao nhiêu đệ tử phái Tản-viên cũng ở trên ấy, mà không ai bị phong thấp cả?
Hoàng-hậu mở to mắt ra, tỏ vẻ suy nghĩ. Đứng sau nhà vua, Thái-bảo Thường-Kiệt nhìn Hoàng-hậu, lòng đầy thương cảm:
– Hồi niên thiếu mình với Hồng-Hạc đã từng sống với nhau biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ ở Bắc-cương. Thế rồi nàng bị tiến cung do mưu đồ lớn của ông nội nàng. Nàng tuy được phong làm Hoàng hậu, nhưng hữu danh vô thực. Suốt hơn hai mươi năm qua, Hoàng-thượng không chung chăn gối với nàng, thành ra cho đến lúc này, nàng cũng vẫn chỉ còn là cô gái đồng trinh mà thôi. Tội nghiệp, hai mươi hai năm sống trong tẻ lạnh, nay nhan sắc đã tàn phai, khóe mắt ngoài đã có vết dăn như hai chân vịt, dưới bọng mắt có hai cái bìu như hai quả nhót... Nhưng mình... mình bị kẻ gian đầu độc rồi tĩnh thân, mà cho đến nay mình cũng không biết kẻ hại mình là ai? Ai cũng bảo là Hồng-Hạc hại mình. Nhưng mình thấy Hồng-Hạc yêu thương mình rất mực, chắc không phải nàng hại mình. Mình đã thề, nếu tìm ra kẻ nào hại mình, thì mình sẽ giết cả họ nó để trả cái hận thiên thu này. Dường như sư phụ Bảo-Hòa, sư thúc Thanh-Mai, Tự-Mai đã biết thủ phạm là ai, nhưng các người không nói ra mà thôi.
Tiếng Dương Bình vẫn giảng:
– Ngoại tà gồm phong, hàn, thấp. Sở dĩ chúng nhập được vào cơ thể là vì nội nhân. Nội nhân là gì? Là vì cơ thể suy nhược. Nhưng bộ phận nào trong cơ thể suy nhược kia chứ? Đầu tiên là huyết hư. Huyết thuộc âm, khi huyết hư thì cơ thể không đủ âm chất bảo vệ nên phong là dương tà từ ngoài nhập vào. Thứ nhì là thận-dương hư. Thận dương chủ dương khí bảo về toàn thân. Khi thận dương hư, không đủ chống với lạnh, thì hàn từ ngoài nhập vào cơ thể. Thứ ba là tỳ dương hư. Tỳ chủ vận, hóa, luân chuyển chân khí, chủ chống với ẩm ướt, tức là thấp. Khi tỳ dương hư, không đủ bảo vệ cơ thể, nên thấp nhập cơ thể qua đường da.
Ông ngừng lại, rồi tiếp:
– Phong thấp sinh ra, do ba nguyên nhân trong con người là huyết hư, thận dương hư, tỳ dương hư; rồi ba ngoại tà phong, hàn, thấp thừa hư nhập cơ thể. Ngoài ra còn một loại phong thấp nữa là phong thấp nhiệt, nhưng hơi hiếm. Phong thấp nhiệt thì do phong, nhiệt, thấp nhập cơ thể, bởi vì huyết, thận âm hư, và tỳ hư.
Thường-Kiệt hỏi:
– Kính sư thúc, thế làm sao mà biết rằng mình bị phong thấp nó hành? Nhiều người cứ thấy đau khớp xương thì vội kêu là phong thấp, rồi mua thuốc uống bừa, tiền mất, tật mang.
Dương Bình thấy Thường-Kiệt gọi mình là sư thúc, thì cảm động, ông nói:
– Cũng không khó lắm đâu. Chứng trạng chung của phong-thấp là chân tay thấy tê dại, đi đứng khó khăn, người cảm thấy ớn lạnh, đôi khi lên cơn sốt, rồi các khớp xương như cổ, vai, cùi chỏ, đầu gối, cuối lưng sưng đỏ lên. Cũng có người bị bệnh lâu rồi, thì chân, tay co rút gấp lại không được; vai bị bế tắc không dơ tay lên nổi. Thường thì cơn đau nhức không trị, đôi khi cũng biến mất. Rồi sau đó hoặc là mệt mỏi, hoặc là cảm mạo, hoặc ăn uống thực vật khó tiêu, hoặc là thời tiết đang nắng ráo đổi sang âm u, mưa bão lại tái phát.
Một cung nữ hầu cận nhà vua, hỏi:
– Thưa Quốc-công, tiểu tỳ là Trịnh Huyền, chầu hầu Hoàng-thượng bấy lâu thì chỉ thấy người đau ở ngang lưng, đôi khi ở bàn tay trái. Còn Linh-Cảm thái-hậu thì lại đau nhẹ thôi, đa số ở đầu gối. Trong khi đó quan Chi-hậu nội nhân Nguyễn Bông đây; thì hôm nay đau cổ, ngày mai đau vai, rồi có khi lại đau đầu gối. Có gì khác lạ giữa ba cơ thể không?
Dương Bình liếc nhìn người cung nữ, rồi trả lời:
– Cô nương hỏi vậy thực phải. Khi mắc bệnh, thì tùy trình độ cơ thể hư nhược khác nhau. Nếu như huyết hư nhiều hơn, thì phong nhập mạnh. Phong là dương tà, thiện hành, đa biến, nên hôm nay đau chỗ này, mai đau chỗ khác. Loại này gọi là hành tý tức phong thấp chạy. Còn thận dương hư nhiều hơn, hễ đau chỗ nào thì đau mãi ở chỗ đó, chỗ đau sưng đỏ sờ vào thấy lạnh. Nếu chỗ đau gặp nóng, thì giảm. Ngược lại chỗ đau gặp lạnh thì cảm thấy đau hơn. Loại này gọi là thống-tý. Loại thứ ba thì cảm thấy chân tay tê dại, nặng nề, đi đứng khó khăn, chỗ đau cố định, nhưng cơn đau không gắt, người mập ra. Đây là trường hợp tỳ dương hư nặng hơn, thấp lưu lại trong cơ thể nhiều mà sinh ra.
Nhà vua hỏi:
– Như vậy là trẫm bị thống tý từ hồi niên thiếu. Nhưng sau khi về kinh, thầy đã trị cho trẫm khỏi rồi kia mà? Dường như thầy cho trẫm uống ba thang thuốc, thì hết đau. Sau lại cho trẫm uống thuốc bổ nữa, nên suốt hai chục năm qua, bệnh không trở lại, sao bây giờ thầy lại nhắc tới, như là bệnh trẫm tái phát vậy?
– Tâu bệ hạ năm ấy thần dâng bệ-hạ thang thuốc trị phong thấp như sau:
Ma-hoàng 3 tiền, Bạch-thược 3 tiền,
Hoàng-thị 4 tiền, Cam-thảo 2 tiền,
Ô-đầu 2 tiền, Mật ong 4 tiền,
Uy-linh tiên 2 tiền, Khương-hoàng 3 tiền.
Vì sợ rằng sau khi bị tỳ chứng, có thể đưa đến không con, nên lúc bệ hạ khỏi đau, thần dâng phương thuốc tễ để bổ thận, tráng dương. Thành phần như sau: Địa-hoàng 8 lạng, Sơn-dược 4 lạng, Sơn-thù du 4 lạng, Trạch-tả 3 lạng, Phục-linh 3 lạng, Mẫu-đơn-bì 3 lạng, Quế-chi 1 lạng, Phụ-tử một lạng. Thần thêm mật ong để chế tễ, mỗi viên bằng hạt ngô. Ngày bệ hạ uống 15 tới 25 viên, uống với rượu vào buổi sáng sớm. Vì vậy kể từ đấy, chứng phong thấp của bệ hạ không tái phát nữa (8).
Ghi chú,
(8) Chứng phong thấp (Rhumatisme) cho đến nay, y học Tây phương chỉ có thể dùng thuốc trấn thống (anti-antalgique), trấn viêm (anti-inflamatoire) để giúp bệnh nhân thoát cơn đau, sưng. Nhưng không trị dứt được. Y học Đại-Việt thời Lý đã trị đứt được chứng này, trên cơ sở lý luận rất vững. Ngày nay chúng tôi còn dùng để trị bệnh phong thấp, vẫn thu được kết quả tốt.Phương thuốc mà Dương Bình trị cho vua Lý Thánh-tông ở trên, ngày nay vẫn còn dùng được. Kết quả tốt.
Hoàng-hậu vẫn chưa chịu ngừng:
– Quốc-công nói bệnh Hoàng-thượng khỏi rồi, sao ban nãy quốc-công tâu rằng thằng trọc con chữa bệnh cho hoàng-thượng?
– Tuy hồi đó bệnh Hoàng-thượng đã khỏi, nhưng chân dương yếu. Con người ta, dù tiên, dù thánh, dù thần, rồi cũng không thể qua cái tuổi già, qua cái chết. Bệ-hạ nay niên kỷ đã trên bốn mươi, nên chân dương càng kém, như thế thì sao có thể sinh hoàng nam? Vì vậy vị tiểu sư phụ đã phát tâm Bồ-đề, dồn chân khí sang trợ bệ hạ. Chân khí của tiểu sư phụ là chân khí của đồng tử, của người đi tu. Chân khí đó hợp với chân khí bệ-hạ, thành một chân khí mới.
Đến đó người xếp hàng xin phát chẩn càng đông, nhà vua vội quay lại bố thí. Sau khi bố thí xong, nhà vua nháy Dương Bình, Thường-Kiệt cùng dạo chơi quanh chùa. Nhà vua hỏi Dương Bình:
– Theo như thầy biết, liệu trẫm có thể sinh hoàng nam không?
– Tâu bệ hạ có. Nhưng...
– Ở đây chỉ có Quốc-công là thầy trẫm, Thường-Kiệt là ruột gan trẫm, dù có gì bí ẩn đến đến đâu cũng xin thầy nói cho trẫm nghe.
– Mấy năm nay, tuy bệ hạ có nhiều phi tần, nhưng gần như bệ hạ không thể gần được người nào.
– Đúng vậy, đôi khi trẫm thèm ân ái, nhưng dương v*t cử lên một lát rồi lại xẹp xuống. Hơn nữa trẫm nhìn những phi tần, mà cảm thấy rửng rưng. Như vậy là thận dương của trẫm bị liệt chăng? (9)
Ghi chú
(9) Như vậy nhà vua bị bất lực sinh lý. Bất lực sinh lý gồm có 18 loại. Loại của nhà vua gọi là « Cúi đầu e thẹn ». Chứng bệnh này Tây-y bó tay. Tuy nhiên tổng hợp y học Âu-Á thì trị được. Tác giả đã trình bầy phương pháp trị chứng « Cúi đầu e thẹn » trong đại hội quốc tế về tình dục học (Sexology) năm 1992. Sau phụ đính bộ Anh-linh thần võ tộc Việt, do Xuân-thu Hoa-Kỳ ấn hành 1994. Xin đọc: Giáo-huấn tình dục bằng y học Trung-quốc cùng tác giả.
Dương Bình nói nhỏ:
– Không phải! Không phải! Chẳng qua là không có phi tần nào được bệ hạ sủng ái mà thôi. Nếu như có người nào mà bệ hạ sủng ái thì lập tức dương cử ngay.
Nhà vua nắm lấy tay Dương Bình:
– Thầy như nhìn thấu tim gan trẫm. Trẫm đi hành hương kỳ này mục đích để tìm người đó đấy.
Sau khi làm bẩy tuần chay ở chùa Pháp-vân, để cầu cho oan hồn tướng sĩ, cùng dân chúng thác oan trong lần bảo quốc chống Tống xâm lăng, cùng trận phản công của Đại-Việt. Chương-thánh Gia-Khánh hoàng đế lên đường trở về Thăng-long.
Lần đi, khi ngài qua tất cả các thôn xóm dọc dường, mỗi làng, mỗi thôn ngài đều ngừng lại xem các thanh nữ múa, hát. Ngài chăm chú quan sát từng nét mặt, từng cử chỉ, xem thanh nữ nào có khuôn mặt giống như Hằng-Nga, mà ngài đã thấy trong giấc mơ năm xưa. Mỗi khi long nhan hướng vào cô nào, thì từ cha mẹ, anh em của cô, chính cô đều hồi hộp, tràn đầy hy vọng ngài nhận ra cô là Hằng-Nga. Khi ngài quay ra nhìn các cô khác, thì cha mẹ, anh chị cô, cho đến cô đều thất vọng ê chề. Thế rồi ngài đi qua hết các làng xã, mà chưa tìm ra Hằng-Nga trong mộng của ngài.
Hôm nay, đức vua trở về, bô lão, hương dịch, cha mẹ các cô, cùng các cô lại hy vọng nữa. Cô nào cũng mặc quần áo thực đẹp, tô diểm thực diễm lệ, cùng đứng bên đường để đón chờ hồng ân ban xuống. Khác với lần đi, đức vua cỡi ngựa. Hôm nay trên đường trở về Thăng-long, ngài lại ngồi kiệu có màn che, thành ra không ai nhìn rõ long nhan.
Đi đầu đoàn hộ tống là một vị tướng quân, giáp trụ sáng ngời, ngồi trên mình ngựa, lưng đeo bảo kiếm. Phía sau, một trăm hai mươi thiết kị, xếp hàng bốn, lưng đeo bảo đao, vai đeo cung tên, tay cầm giáo dài. Đội thiết kị qua đi, tới một đội thị-vệ, lưng đeo bảo kiếm, vai mang côn đồng, ngồi trên mình ngựa xếp hàng ba ruổi bước, móng ngựa vỗ lốp bốp nhịp nhàng. Rồi tới đội quân Ngự-long xếp hàng bốn.
Đội Ngự-long qua đi, thì tới tám con ngựa, xếp hàng bốn, do tám vị đại tướng quân cỡi đi trước. Tiếp, tới hai tên quân cầm hai lá cờ đi trước một vị tướng. Vị đại tướng dáng người thực uy vũ, mặt cực đẹp, giáp trụ bằng bạc sáng choang, cỡi con bạch mà long câu. Một lá cờ có chữ « Thái-bảo, Tả kiêu vệ đại tướng quân », Một lá có chữ « Thái-hà hầu Lý ». Kiệu đức vua đi ngay sau vị tướng đó. Hai bên kiệu là năm ngựa của ba công chúa, hai phò mã đi kèm.
Ai cũng biết vị tướng giáp trụ trắng đó là Lý Thường-Kiệt. Nhưng trong ba công chúa, thì người ta không phân biệt được công chúa nào là công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh; cũng như không ai phân biệt được hai phò mã, người nào là chồng của công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên.
Kiệu đức vua vừa tới đầu làng Thổ-lội, thì người có chức vị lớn nhất làng là Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu Trịnh Quang-Thạch cùng các đệ tử, phân ra Tam-anh, Thất-hùng, Bát-tuấn đứng hai bên đường để cản dân chúng tràn ra, ngăn lối. Hầu mặc triều phục, cất tiếng hô lớn:
– Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu, Trịnh Quang-Thạch cùng chư đệ tử trường Trung-nghĩa khấu đầu trước Pháp-thiên, Ứng-vận, Sùng-nhân, Chí-đức, Anh-văn, Duệ-võ, Khánh-cảm, Long-tường, Hiếu-đạo, Thánh-thần hoàng đế. Kính chúc thánh hoàng vạn vạn tuế.
Tiếng Thái-bảo Lý Thường-Kiệt nói:
– Hoàng-thượng miễn lễ cho quân hầu cùng chư đệ tử.
Một phò mã tiếp:
– Hoàng-thượng miễn lễ cho lý dịch cùng bách tính.
Hôm trước, khi đức vua đi qua, người người phải qùy gối, cúi mặt, nên không ai nhìn rõ long nhan cũng như tùy tùng ra sao. Hôm nay, vì đức vua ngồi trong kiệu buông màn, nên mọi người tha hồ ngắm ba công chúa, cùng các phò mã.
Đội nhạc tổng Dương-quang tấu bản Nguyên-thọ, một đội thanh nữ mười tám cô, quần áo mầu xanh, dây lưng hồng, cổ quấn khăn hồng, vừa múa, vừa hát:
Minh minh thiên tử,
Vạn dân sở vương,
Hiển hiển lệnh đức,
Như Khuê, như Chương.
Tuyên chiêu nghĩa vận,
Trường phát kỳ tường.
Thiên tích thuần hỗ,
Vạn thọ vô cương.(10)
Ghi chú,
(10) Dịch:
Vua ta sáng suốt,
Vạn dân ngước nhìn,
Đức tốt rừng rực,
Như ngọc Khuê, Chương.
Ban, gọi nghiã trọng,
Điềm lành tứ phương.
Trời ban phúc lớn,
Thánh thọ vô cương.
Đội thanh nữ hát xong, đứng vào bên đường thành hàng dài. Đội thứ hai, khăn mầu hoa cà, quần áo mầu hồng nhạt lại đến trước kiệu, vừa múa, vừa hát:
Vi viên củng ngọc thần,(11)
Thư hóa nhật (12), áng tường vân.
Cửu ngũ long phi(13), kiến đại nhân,
Tam thiên hổ bái khánh xương thần.
Ngư li (14) vịnh đức trạm lộ (15) ca nhân,
Đan bệ hưởng thiều quân,
Cận chúc thiên xuân.(16)
Ghi chú,
(11) Ngọc-thần: theo thần thoại, đó là vị sao trên trời chủ trung thành.
(12) Hóa nhật: tức ngày hóa quốc, có ý nghĩa mong cho vua thọ, để ban ân bố đức cho dân.
(13) Cửu ngũ long phi: quẻ Càn trong kinh dịch, tượng trưng cho vua thánh ra đời.
(14) Ngư li: Chữ trong Kinh-thi, ý nói vạn vật thịnh vượng.
(15) Trạm lộ: Ý trong Kinh-thi, nói các nước chư hầu về chầu vua, yến ẩm vui vẻ.
(16) Dịch:
Sao Tử-vi hướng Bắc thần,
Ngày mở nước dài mênh mông,
Mây đẹp phủ khắp bầu trời.
Ngôi cửu ngũ phi long hiện,
Mừng thay thấy vua đức lớn,
Ba nghìn chư thần chúc thọ,
Vui vì thời vận vinh xương,
Vạn vật thịnh vượng thánh đức,
Dân làm thơ tụng đức nhân.
Nhạc thiều vang lừng hôm nay,
Chúc vua ta sống nghìn năm.
Lời ca dứt, thì đội thứ nhất lại tiến ra, cùng đội thứ nhì hợp ca, múa hát:
Thánh đức vận kiên cương,
Hành bất tức, chiếu vô phương.
Hoà thuận kiền,
Khôn nhược vũ,
Dương thanh bình giao,
Các tập lân, hoàng.
Khung, kì tiến chỉ,
Lư lạp tĩnh quang.
Đế đức nhật thư trường,
Thánh thọ vô cương.(17) Ghi chú,
(17) Dịch:
Đức vua như thời chiếu xuống,
Lan ra, rộng lớn vô cùng,
Không sót nơi nào không hưởng,
Âm dương mưa thuận nắng hòa.
Lân, phượng trong cung ngoài nội,
Hòa hót mừng nước thanh bình.
Trời đất tiếp phúc mãi mãi,
Thôn dã an ninh, phồn vinh.
Thánh đức ngày càng dài rộng,
Tuổi thọ vua ta vô cùng.
Hai đội thiếu nữ múa hát xong, lui vào đứng thành hàng dài bên đường. Cô nào cũng tưởng tượng rằng đức vua đang ngắm nhìn mình sau bức màn kiệu. Minh-Can cũng có mặt trong đội vũ đó. Ả ẹo ẹo nghiêng vai ngiêng đầu, tay vuốt tóc làm dáng, trong tâm tưởng ả cho rằng mình là Hằng-Nga, và đức vua sẽ truyền đem ả về cung phong làm hoàng-hậu ngay.
Bỗng đâu đó có tiếng tiếng tiêu thổi lên véo von, ai cũng nhận ra đó là bài tiêu của bọn mục đồng thường tấu. Rồi có tiếng hát rất trong vọng lại:
Đức vua ngự ở trong cung,
Gian thần che phủ, mắt trông thấy gì?
Đức vua chỉ thấy cung phi,
Quần là, áo lụa, thấy gì nữa đâu?
Trăm họ đói rách, khổ đau,
Đức vua lễ Phật để cầu gì đây?
Cầu Phật, Phật ở phương Tây,
Sao không cầu đức, cầu ngay lòng mình.
Ta nay muốn nói thực tình,
Dẫu đao kề cổ, há đành chịu câm?
Tiếng hát rất rõ ràng, vọng lại ai cũng nghe thấy. Hương lý đều tái mặt hướng về nơi phát ra tiếng hát, thì ở đó có một cô gái quần lụa đen, áo cánh nâu đang đứng dựa gốc cây lan, quay lưng lại, nên không ai nhìn rõ mặt.
Trung-nghĩa đại tướng quân bảo đệ tử:
– Người ra bắt con nhỏ nào đó, đem chặt đầu tức thời.
Tên học trò dạ một tiếng, rồi tung mình vượt qua khoảnh vườn, tới chỗ cô gái đứng. Y vung tay chụp cổ áo cô. Ai cũng tưởng cô gái sẽ bị túm cổ nhắc bổng lên. Nhưng không ngờ, vù một tiếng, tên võ sinh bay bổng lên cao, rồi rơi xuống nằm dài ra như một khúc cây, không ai rõ y còn sống hay chết.
Cô gái lại cầm tiêu thổi một bản nhạc đồng quê, rồi cô cất tiếng hát:
Vua, quan nào phải ông trời?
Nhân, nghĩa không đủ, hại người chưa thôi?
Người xưng trung, nghĩa, là ai?
Là quân hại nước, xin trời thấu cho.
Rồi cô gái lại thổi tiêu.
Từ hôm Yến-Loan tố cáo Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu là phường bất trung, bất nghĩa, mãi quốc cầu vinh, dân làng ngày đêm thì thào bàn tán không ít. Trịnh Quang-Thạch phải cho mõ rao khắp trang ấp, ai mà nhắc đến chuyện đó thì y cho cắt lưỡi. Thế nhưng dân làng vẫn cứ thì thầm. Hôm nay, giữa lúc đức vua qua làng, mà cô gái này lại hát những câu như trên làm cho Quang-Thạch kinh hoảng. Y ra lệnh cho mười đệ tử:
– Xuống vây, bắt con chăn trâu đó chém ngay.
Nhưng có tiếng đức vua gọi Tả-kiêu vệ đại tướng quân Lý Thường-Kiệt. Ngài nói rất nhỏ, đến độ chỉ mình Thường-Kiệt nghe rõ. Thường-Kiệt vẫy tay bảo đám đệ tử trường Trung-nghĩa:
– Trở về chỗ, để đó cho ta.
Ông bảo một cung nữ đi sau kiệu vua:
– Người mời cô gái đến đây yết kiến hoàng thượng.
Người cung nữ băng qua khu vườn tới sau cô gái nói:
– Này chị. Đức vua tuyên chỉ gọi chị tới hầu.
Cô gái vẫn không quay lại. Cô lên tiếng hỏi người cung nữ:
– Ông vua của chị gọi tôi đấy à? Ông là vua của chị chứ không phải là vua của tôi. Tôi không tới đâu.
Rồi nàng nói một mình:
– Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân quý nhất, thứ đến đất nước. Vua không đáng gì). Tôi là dân, thì tôi đáng quý nhất, rồi tới xã tắc. Cái ông vua của chị chỉ đứng vào hàng thứ ba so với tôi mà thôi. Tại sao cái người đứng bậc ba, mà lại gọi người đứng bậc một tới nhỉ? Tại sao vua không tới đây để hầu tôi?
Nàng nói với cung nữ:
– Chị về hỏi đức vua của chị rằng: phàm làm vua, thì phải ưu tiên thiên hạ chi ưu; lạc hậu thiên hạ chi lạc. (Lo trước cái lo của dân. Vui sau cái vui của dân). Thế trong nước hiện có bao nhiêu người bị oan khuất nhà vua có biết không? Trong nước có bao nhiêu con gái nhà nghèo phải bán mình ở đợ, nhà vua có biết không? Trong triều, ngoài biên có bao nhiêu gian thần, phản quốc nhà vua có biết không? Nếu nhà vua của chị trả lời được bằng ấy câu hỏi, thì tôi sẽ đến trước ngài rập đầu tạ tội. Còn không, thì xin ngài hãy về kinh mà sửa đức.
Tiếng nói của nàng rất trong, rất rõ. Khi những lời đó lọt vào tai thầy trò Trịnh Quang-Thạch, thì tất cả đều tái mặt. Nhưng cũng những tiếng nói đó lọt vào tai Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế cùng Thái-bảo Lý Thường-Kiệt, công chúa Thiên-Thành, phò mã Thân Cảnh-Long, thì cả bốn người cùng rúng động.
Màn kiệu mở ra, hoàng-đế tung mình khỏi kiệu, rồi phóng lại phía cô thôn nữ. Trịnh Quang-Thạch vẫy tay cho mười học trò của y cùng vọt theo sau đức vua để hộ vệ. Nhưng thấp thoáng ba bóng xẹt tới trước mặt chúng. Rồi bình, bình, bình, thầy trò Quang-Thạch lại bay tung về chỗ cũ, giống như chúng nhảy trở về vậy.
Mọi người nhìn lại, thì ra Thái-bảo Thường-Kiệt cùng công chúa Thiên-Thành, phò mã Cảnh-Long ra tay ngăn cản. Công chúa nói bằng giọng uy nghiêm:
– Các người không được vọng động!
Đức vua tiến đến trước mặt cô gái. Ngài ngây người ra một lúc, rồi tay ngài như run run nắm lấy tay cô. Ngài cất tiếng:
– Yến-Loan, em đấy ư? Anh nhớ em đến chết được. Anh tìm em khắp nơi mà không thấy. Anh phải bầy ra việc đi hành hương để tìm em.
Cô gái đó quả thực là Yến-Loan, nàng run run hỏi:
– Trời ơi, thì ra anh là vua đấy à? Sao anh nói dối rằng anh là nho sĩ Dương Tông? Tể tướng họ Dương bảo anh là quân trộm cướp, đã đột nhập hoàng thành ăn cắp nữ trang của Hoàng-hậu đem tặng em. Tể tướng bắt anh xung quân rồi.
Đức vua vẫn nói trong hơi thở:
– Khi mới gặp em, anh chả nói rồi, mà em cứ mắng anh là nói thánh, nói tướng. Hôm đó, Thường-Kiệt núp phía sau nghe em với anh đối thoại. Anh đã nói rằng y thấy anh là bỏ chạy kia mà. Tại sao? Vì y là dưỡng tử của anh.
Bây giờ Yến-Loan mới biết người yêu của mình lại chính là Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế. Hèn gì hôm đi chơi ở Thăng-long, nàng chê đức vua là thiếu đức nhân, thì lập tức Dương Tông quát lớn lên. Nàng tự chửi thầm:
– Mình đáng chết thực, hôm đầu chàng chẳng từng nói tên chàng là Dương Tông đó sao. Tên của nhà vua là Nhật-Tông. Nhật tức mặt trời, mặt trời là thái dương. Vậy Dương Tông hay Nhật-Tông cũng vậy.
Nhà vua ban chỉ:
– Thôi, chúng ta xa cách như vậy đủ rồi. Em hãy theo anh về cung để cùng kiến tạo đất nước này thành đất nước thời vua Hùng, vua Trưng, sao cho muôn người đều hạnh phúc.
– Em không về đâu!
Nhà vua chưng hửng:
– Sao vậy?
– Anh đã trả lời mấy câu hỏi ban nãy của em đâu?
– Được rồi, ngay khi về Thăng-long, anh sẽ ban chỉ đại xá thiên hạ, anh sẽ bỏ tiền ra chuộc tất cả con gái nhà nghèo phải bán mình cho người, rồi đem gả cho người góa vợ, hoặc người nghèo không tiền cưới vợ. Anh lại ban chỉ xá thuế trên toàn quốc một năm. Sau đó em với anh sẽ bắt hết bọn gian thần, tặc tử dạy dỗ chúng nó trở lại chính đạo. Như vậy em đà vui lòng chưa?
– Em cũng không về. Em không muốn làm vợ vua.
– À, em không muốn làm vợ vua thì thôi. Hôm đó em với anh đánh cuộc. Anh nói rằng nhất định Thường-Kiệt không dám xuất hiện. Còn em thì bảo sư huynh sẽ xuất hiện. Chúng ta ước hẹn, nếu ai thua thì phải làm một việc cho người thắng. Hôm ấy Thường-Kiệt đâu có xuất hiện? Như vậy là em thua rồi. Em thua thì phải làm cho anh một việc chứ?
– Điều anh muốn là... em về Thăng-long, làm vợ anh.
Yến-Loan dơ tay định đánh sẽ vào vai nhà vua, để tỏ một cử chỉ yêu đương. Nhưng nàng vội dụt tay lại, vì người đứng trước nàng không còn là Dương Tông đa tình nữa, mà là Hoàng-đế. Nàng cười, hai mắt óng ánh đầy tình tứ:
– Thôi, em chịu thua rồi.
Tuy hai người đối đáp rất nhỏ, nhưng quan Thái-bảo Lý Thường-Kiệt, cùng công chúa Thiên-Thành, phò mã Thân-cảnh-Long cũng nghe rõ mồm một. Công chúa vận nội lực nói lớn:
– Hoàng thượng đã tìm thấy Hằng-Nga rồi. Hằng-Nga đang cùng hoàng thượng đàm thoại về việc sao cho dân giầu, nước mạnh.
Dân chúng khắp làng Thổ-lội đều đã nghe nói nhiều về Yến-Loan. Nào là học một biết mười, nào là đức hạnh, nào là tề gia nội trợ giỏi, nhưng do số kiếp an bài, nên bị mẹ ghét bỏ, bị em hành hạ, bị người ở khinh khiến. Họ thường đem chuyện nàng ra bàn luận với tất cả thương cảm. Rồi tự nhiên nàng biến mất, hai năm mới trở về với nhan sắc diễm lệ. Mới đây nàng đấu văn thắng đệ nhất thái bảo trường Trung-nghĩa, đấu võ thắng cả Trung-nghĩa đại tướng quân. Sau khi thắng, nàng mắng y là bất trung, bất nghĩa, là gian thần bán nước. Thế nhưng y không dám hại cha mẹ nàng. Họ than thở với nhau: nàng đẹp như vậy, nhưng không chịu ra cho làng tuyển vào đội ca vũ đón đức vua. Bây giờ họ thấy đức vua nói chuyện thân mật với nàng như một cặp tình nhân dân dã. Ngài lại tuyên chỉ rằng nàng chính là Hằng-Nga trong giấc mộng năm xưa. Người người nhìn nàng mặc quần áo quê mùa, nhưng đẹp huyền ảo, đi cạnh đức vua. Ai cũng suýt xoa:
– Hằng-Nga giáng thế có khác.
Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế đắt Yến-Loan trở về kiệu. Yếm-Loan thấy bốn người bạn Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Thanh-Thảo, Ngọc-Nam trong đội thiếu nữ múa hát. Nàng vẫy tay gọi bốn người:
– Em về Thăng-long, rồi sẽ đón bốn chị cùng về, để Hồng-hà ngũ tiên mưu hạnh phúc cho dân, tạo hùng khí Đại-Việt như thời vua Trưng.
Đức vua cùng Yến-Loan lên kiệu. Nhã nhạc lại tấu khúc Hồi-loan.
Ghi chú,
Trong kiệu, đức vua với Yến-Loan bàn bạc những gì? nói với nhau những gì? và... làm những gì? Cho đến nay, sau ngót nghìn năm không ai đoán ra nổi. Chúng tôi đã tìm tòi hết chính sử, dã sử, huyền sử không có sách nào thuật để người sau biết. Độc giả Nam-quốc sơn vốn thông minh, xin cứ tùy tâm mà đoán. Nếu độc giả có đoán sai cũng không sao, tôi tin rằng anh hồn hai vị cũng không trừng phạt đâu. Bởi Chương-thánh gia khánh hoàng đế là ông vua nhân từ. Còn Ỷ-Lan sau trở thành Linh-Nhân hoàng thái hậu, về già lại đi tu, đắc quả Bồ-tát, đầy từ bi hỷ xả, tuy ngài rất thiêng, nhưng không chấp nhất bậc cháu chắt như chúng ta.