Mùa Trôi Trên Quang Gánh

Chương 6: Những buổi tối mùa hè

- Đi chơi trốn tìm chúng mày ơi...

Đấy là tiếng thằng Tôm. Cứ nghe thấy tiếng nó là các bước chân rầm rập chạy theo từ ngõ này sang ngõ khác. Có đứa còn đang ăn cơm, và vội miếng cuối cùng rồi ngồm ngoàm chạy đi. Có đứa thì đang tắm, nhảy bổ ra, quần mặc trái, áo thì tay nọ xỏ ống kia, hớt hải hét: “Chờ tao với”. Phải hôm nào trăng chưa lên, trời tối nhập nhoạng, ngã dúi dụi là chuyện thường. Không nhanh thì tàn cuộc chơi đến nơi, vì thằng Tôm phải theo bố mẹ đi lên máng đá đập đá, cả ngày trần mình dưới cái nắng như thiêu đốt để đập những hòn đá to thành đá dăm vì bố mẹ nó là công nhân của xí nghiệp khai thác đá xây dựng. Người nó gầy gò, đen nhẻm, nhanh nhoăn nhoắt, chỉ mỗi đôi mắt là lúc nào cũng sáng như được thắp đèn ở trong. Chỉ từ 7 giờ tối trở đi nó mới được sổng cẳng để đi chơi. Rồi cũng chỉ được đến 10 giờ đêm là nó phải về ngủ để sáng mai còn có sức mà đập đá. Mà thằng Tôm thì nổi tiếng đầu têu các trò hay.

Có thằng Tôm cầm đầu, trò trốn tìm trở nên hấp dẫn hơn hẳn. Nó là đứa nghĩ ra một cách chơi hoàn toàn mới, đấy là “trốn tìm chỉ điểm”. Nghĩa là tìm được đứa nào, đứa ấy phải chỉ cho người đi tìm được chỗ nấp của đứa khác, nếu không chỉ được, ngay lập tức đứa ấy phải trở thành người đi tìm. Cả sân bóng rộng mênh mông, xung quanh là những lùm cây rậm rạp, đi trốn còn đỡ, chứ đi tìm mò mẫm, trèo lên được các cành cây, sờ được đúng người rồi mà trời tối đen thui, không gọi được đúng tên thì cũng mệt người. Còn chưa kể có khi bị người trốn dọa ma cho thót cả tim.

Trò khó, chơi vài ngày bắt đầu chán, Tôm lại nghĩ ra ngay trò khác. Nó tập hợp đội quân gan dạ nhất, khéo léo nhất “đột kích” vào vườn nhà bà Đặng. Ban ngày có cho kẹo cũng chẳng đứa nào dám chạm gan hùm, chỉ đứng ngoài hàng rào cúc tần nuốt nước bọt nhìn những chùm xoài lủng lẳng đung đưa trước gió, những quả ổi đào bị chim khoét nham nhở vỏ vàng ruột đỏ hay chùm dâu da chín đỏ mọng rụng lộp độp. Bà Đặng nổi tiếng là ghê gớm, ai động vào bà cứ gọi là ăn chửi từ đầu hôm đến sớm mai, nhưng bọn trẻ chúng tôi thì không sợ tiếng chửi, đôi khi còn lấy làm thích thú, vừa nghe vừa cười bò ra nữa. Cái đáng ngại là đàn chó nhà bà. Bốn, năm con chó béc giê, mực, đủ loại, mắt tinh tai thính, lúc nào cũng nhe hàm răng sắc nhọn hùng hổ đi tuần quanh vườn. Động một tí, cả lũ nhảy xổ ra, có leo lên cây cũng bị những tiếng sủa inh ỏi, những cú nhảy đớp điên cuồng làm cho chết khiếp.

Nhưng buổi tối thì khác. Bà Đặng ở một mình, cài then đóng cửa từ lúc gà lên chuồng. Những con chó cũng được bà xích hết ở trước mái hiên. Không biết thằng Tôm nghe được ở đâu, biết bà Đặng rất sợ ma nên nó đặc biệt chọn những đêm tối trời, không trăng sao, thậm chí cả những đêm mưa bão để hành động.

Lom khom, rón rén, cả lũ tiến vào vườn. Vượt qua hàng rào, thằng Tôm đã làm đủ những thứ tiếng giả gió gào, cú kêu, nghe cũng thấy rờn rợn. Hàng tràng những tiếng chó sủa gay gắt đáp lại, thấy cả đèn trong nhà bà Đặng bật sáng, cả lũ thót tim, định co cẳng chạy nhưng thằng Tôm ra dấu im lặng, ấn từng đứa một xuống. Rất lâu sau, cả khu vườn im ắng trở lại, nó lại làm tiếng cú kêu, tắc kè. Lại tiếng chó sủa, nhưng tịnh không thấy tiếng mở cửa. Luôn vài lần như thế, trong khi cả lũ sốt ruột vì bị muỗi cắn, bị gai chọc, bị nước mưa rỏ vào đầu hay bị sấm chớp làm cho nản chí thì thằng Tôm vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Mãi đến khi nó thấy lũ chó chán chả buồn sủa thì mới phát hiệu lệnh. Cả lũ, đứa nào gần cây nào thì tác chiến ngay cây ấy. Ôm đầy bụng, treo đầy vai, đầy cổ xong là rút lui êm, ra sân bóng tập hợp chiến lợi phẩm. Ổi xanh, xoài xanh, dâu da xanh, nhãn xanh, hồng xanh, đủ cả. Thứ chát thứ chua, có khi hăm hở hái đấy mà thấy không ăn được lại chán lè, vứt bỏ ngay tại sân bóng. Có đứa may mắn thì vớ được quả chín, tranh giành nhau ăn túi bụi. Bao giờ cũng thế, thằng Tôm là đứa hái được thứ quả ngon nhất. Có khi nó còn ôm được cả quả mít chín thơm lừng, rút dao ra bổ ngay tại trận. Phải hôm nào không gặp may thì nó chọn quả đã già, lấy cọc xoan đóng vào cuống, giấu kĩ trong bãi cỏ, chỉ hai, ba ngày sau là đã được ăn. Ăn xong, tìm chỗ chùi mồm cho kĩ chứ về nhà mẹ nó ngửi thấy thì chỉ có nước ăn đòn nát đít.

Ăn thành quen mùi, nhiều đứa hong hóng chờ tối nào cũng được đi ăn trộm, nhưng thằng Tôm có “nguyên tắc” rõ ràng. Tuần chỉ được một lần. Ấy là thông lệ. Còn chiều nào nó nhắm thấy bà Đặng đi gọi người sáng hôm sau đến bẻ quả bán thì bỏ qua, kiếm trò khác chơi. Mấy đứa kia ấm ức lắm, nhưng không có thằng Tôm cầm đầu, chẳng đứa nào dám tự ý mò vào vườn. Những lúc ấy, thằng Tôm lại dẫn một lũ hiếu kì lên tận dãy núi đất sau thị trấn để “đồi rinh” (tức… rình đôi). Ban ngày, đây là thiên đường của lũ chăn trâu, cắt cỏ và lũ trẻ con được nghỉ hè. Chạy chơi cũng có, kiếm củi, vặt cỏ chân rết làm cái đun cũng có, kiếm quả sim chín, bưởi bung, canh châu hay lá chua me bỏ vào miệng cũng có. Nhưng buổi tối, núi rộng mênh mông, gió hú ì ào, cây đùa xào xạc, lại thêm những lô cốt, tháp canh từ thời chống Pháp còn nằm đen sì, im lìm chứa chấp bao nhiêu câu chuyện về ma Tây, ma Tàu mà người lớn vẫn truyền tai nhau khiến bọn trẻ chỉ nghĩ đến cũng có đứa són tiểu ra quần.

Có thằng Tôm dẫn đầu, đương nhiên nỗi sợ giảm đi rất nhiều, chỉ còn sự kích thích, tò mò đầy hứng khởi. Chân đồi đầy cỏ mật xanh mượt mà, nấp sau mỗi lùm cây sim tùm tòa, thể nào cũng có một đôi nào đó ngồi “tâm sự”. Trẻ con không thể hiểu được tại sao các anh chị lớn cứ phải tìm chỗ vắng vẻ mà chơi riêng, chơi lẻ như thế. Thế là, cứ chỗ nào có bóng áo trắng, áo xanh động đậy, đá viên, đá cuội lia ào ào về chỗ đó. Tiếng chị con gái kêu ré lên, trồi khỏi gốc cây, nhảy choi choi. Anh con trai thể nào cũng bực tức chửi toáng lên, đuổi lũ trẻ chạy toán loạn, mỗi đứa một hướng, thành ra chả bắt được đứa nào mà “dần cho một trận”. Yên được chục phút, đôi nào vào đôi nấy rồi thì đá lại ném rào rào, có khi cùng lúc hơn chục đôi phủi mông quần bồm bộp, dắt nhau bỏ đi trong tràng cười rinh rích của lũ trẻ.

Thằng Tôm đặc biệt chú ý đến một cái dáng cao gầy, lỏng khỏng, lưng gù chúi về đằng trước. Nó cũng đặc biệt “ưu đãi” người này bằng đá nhọn, đá quết phân trâu, có khi cả đá trộn tí mắm tôm quệt trộm của mẹ nó, giấu kĩ trong lá mướp. Dính một đòn “đạn” này của thằng Tôm, người kia chỉ có nước tan cuộc hẹn hò sớm. Sáng ra, thấy thầy Diện gò lưng đạp xe ra chợ mua xà phòng, môi, mặt có vài vết sứt sẹo. Ai cũng biết, thầy đang tán tỉnh cô Hải. Bọn trẻ thì biết rõ, trong năm học thầy rất hay phạt thằng Tôm, bắt nó đi dọn nhà vệ sinh, đi nhặt rác, thậm chí cả san vườn, trồng cây cho nhà trường vì chân tay nó lúc nào cũng lem nhem mực. Chắc chắn thầy tức nó lắm, nhưng không thể tố cáo tội lỗi của nó với bố mẹ nó. Chẳng lẽ lại bảo: Con ông bà ném mắm tôm vào tôi trong lúc tôi đang đi tán gái?

Yên bình nhất là những đêm trăng thanh gió mát. Lúc ấy, thằng Tôm đặc biệt thích đến chơi nhà tôi, vì nhà tôi là nhà duy nhất trong thị trấn có mái bằng. Buổi chiều đi làm về, nó tự ý xông sang, xách vài thùng nước đổ lên mái nhà cho nguội. Buổi tối, sau khi rá lạc luộc lẫn hạt mít chỉ còn lại vỏ, cả lũ nằm ườn ra trên chiếc chiếu, lưng dán xuống trần, mắt dán lên trời. Gió mát hơn quạt hầu, trời trong như tấm gương. Chòm Đại hùng tinh nằm ở góc nào, sao Thần nông đang cúi hay đang nghỉ, đâu dải ngân hà, đâu đàn vịt con, đâu sao Bắc đẩu, thằng Tôm đều chỉ vanh vách. Có khi, nó còn đưa tay lên trời, vẽ thành những hình mà chúng tôi cố lắm cũng không thể hình dung được đó là hình gì. Vầng trăng sáng vằng vặc và những vì tinh tú kéo chúng tôi lên lơ lửng trên không, mơ được làm bầy chim thiên nga, được cưỡi thảm bay, chổi thần lao vèo vèo trên cao để nhìn xuống hạ giới mọi thứ đều nhỏ như hạt đỗ.

Giấc mơ vụt sáng khi có ngôi sao băng chạy ngang bầu trời. Thằng Tôm bảo, nhìn thấy sao băng, ước ngay một điều, thế nào cũng thành hiện thực. Thế là chúng tôi chăm chăm tìm sao băng. Đứa nào thấy trước, reo lên được nửa tiếng thì vội ngậm miệng lại, thầm ước ngay trong đầu kẻo sợ đứa khác ước mất. Chả nói ra, nhưng ước mơ của chúng tôi giản dị lắm, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là đôi dép mới, vào năm học có cặp sách, quần áo mới. Đứa sang hơn thì ước có chiếc xe đạp để đạp đi học. Còn đa phần đều chỉ mong ngày mai được ăn bữa thịt chán mồm, được cắn một miếng giò ngập răng cũng là tốt lắm rồi. Riêng thằng Tôm, bao giờ nó cũng bảo: “Tao chỉ ước buổi trưa nào cũng được đánh một giấc căng đến tận chiều”. Trưa nào cũng chỉ ngủ được một giờ rồi dậy đi làm, có khi vừa đập đá vừa gà gật, búa giáng vào tay, bật cả máu. Nó nói nhiều quá, đến mức tối hôm ấy, nhìn thấy một ngôi sao băng rất to, tôi không reo lên mà khẽ huých nó, ra hiệu ước đi. Nó nhắm mắt, mơ màng ước. Còn tôi chợt nhớ, ngày trước khi bà còn sống, bà hay bảo tôi: Mỗi một ngôi sao băng vụt cháy lên rồi tắt là một người vừa lìa bỏ cõi đời.

Ai ngờ, cả điều ước của Tôm lẫn kí ức của tôi đều linh nghiệm. Chiều hôm sau, thằng Tôm không bị đánh thức dậy để đi làm như mọi lần. Nó bị đánh thức bởi tiếng ồn ào, tiếng than khóc của mẹ nó cùng mấy cô hàng xóm. Bố nó bị đá chèn, nằm sâu trong vách núi. Chả là gần cuối tháng, thấy cả nhà đập đá rã tay vẫn chưa đủ định mức, bố nó cố tham ở lại buổi trưa lúc người ta đặt mìn phá đá để chọn gánh những viên đá nhỏ về đổ vào ô nhà mình. Đá nhỏ đập thành đá dăm nhanh hơn, lại đỡ tốn sức hơn. Chiều mới ra thì những người khác nhanh tay đã gánh hết mất. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, bố nó nấp gần chỗ đặt mìn quá, đá sập chạy không kịp.

Suốt đêm người ta chăng đèn pha, huy động cần cẩu, xà beng, cuốc xẻng để san lấp, đào bới. Cả đêm, khu nhà chúng tôi chong mắt chờ đợi. Chẳng ai còn nghĩ đến chuyện ăn uống, chỉ biết, sáng ra thấy anh em thằng Tôm lả đi bên vách đá. Thầy Diện lòng khòng đạp xe ra chợ, lát sau mồ hôi mồ kê nhễ nhại mang về mấy cái bánh mì. Thằng Tôm lắc đầu uể oải không nuốt được, thầy đành ngồi bón từng miếng cho em gái nó ăn. Bố nó được đưa về nhà, khói nhang nghi ngút. Mấy tiếng sau, chiếc xe tải của xí nghiệp bốc cả bố nó, mẹ con nó về quê. Suốt mấy tối mùa hè, cả xóm chúng tôi người lớn thì ngồi với nhau trầm lặng, còn trẻ con, chẳng đứa nào thiết cười đùa.

Một tuần sau, chỉ có mẹ thằng Tôm trở lại. Căn nhà bán vội, đồ đạc lại chất lên xe tải, mang về quê. “Bố cháu không còn, ở đây ba miệng ăn không sống nổi, thôi em về bám ruộng, bám vườn, may ra các cháu còn có tương lai”. Mẹ thằng Tôm đi khắp xóm, nước mắt ầng ậng, chào như thế. Lũ chúng tôi quá bé, chẳng biết nói câu gì, chẳng biết hỏi thăm Tôm ra sao, chỉ ngồi ngẩn ngơ. Tôi thấy thầy Diện đưa cho mẹ thằng Tôm ít sách vở, bảo cố cho con học hành tiếp. Tôi thấy bà Đặng vừa dúi vội cho mẹ thằng Tôm một bao tải, trong lòi ra những gai mít, lại thêm một túi xoài ương rồi vội vã lau nước mắt, chạy đi. Những người lớn khác cũng đều gửi quà, an ủi động viên mẹ Tôm. Chiếc xe đi khuất rồi, chiều ấy nắng vàng yên ắng đến ngột thở.

Từ đấy, những buổi tối mùa hè chẳng còn rộn rã như xưa.

Tôi rất sợ ngắm sao, sợ nhất là nhìn thấy những vì sao băng vụt lóe lên rồi tắt.

Tôi sợ đôi mắt sáng trưng của thằng Tôm đã nhạt màu đi, u uẩn...

Một vài năm sau, thị trấn phát triển ồ ạt, tối đến đứa nào đứa nấy dán mắt vào xem tivi, chẳng còn ai muốn ra khỏi nhà. Tối mùa hè, thị trấn chỉ còn tiếng xe máy chạy vèo vèo ngoài đường, tiếng thanh niên say rượu cười đùa trêu ghẹo, cãi cọ, văng tục, đánh nhau ồn lên một lúc rồi lại chìm vào im lặng.