Chập tối, Hà Nội rùng mình vì lạnh. Những cơn gió bấc kèm theo mưa hối hả khiến lòng xáo động, bâng khuâng. Cơm nước qua loa rồi lên giường trùm chăn, nghe mưa diễn vũ điệu của âm thanh trên những mái tôn mà cảm nhận đến tận cùng sự cô đơn trong căn nhà trống trải. Thèm hơi ấm, thèm vòng tay, thèm chiếc hôn nhẹ lên mái tóc, thèm lời rủ rỉ: “Thế là năm nay nhà mình lại có một mùa đông ấm áp”. Tiếng chuông tin nhắn làm giật mình, dòng suy tưởng như con suối nhỏ bỗng dưng bị chặn lại, lừng khừng. “Xuân Hòa chắc lạnh hơn đây nhiều. Không biết bánh đa bây giờ bán mấy”? “Ừ. Không biết bánh đa bây giờ bán mấy”? Buông máy, và chỉ muốn lao ngay ra xe, phóng như bay về một quán bánh đa ấm sực chảo than trong tiếng mưa lộp bộp và gió chốc chốc lại thốc tấm bạt nilông lật phật.
Xuân Hòa là phố núi, đi chưa mỏi chân thì đã hết đường. Xuân Hòa là nơi gió về rồi kẹt giữa các khe núi, đập vào đá xanh và các rừng thông, rừng keo tai tượng, keo lá nhỏ nở hoa vàng rồi phả ra cái lạnh của miền sơn cước. Và cái lạnh là lúc xõa tóc thề, khoác lên mình chiếc áo rét mỏng vừa mua ngày chủ nhật. Xênh xang đội ô trong những cơn mưa dầm dề đến trường trước ánh mắt ngỡ ngàng của cậu bạn khác lớp. Gió mùa làm cả trường như có hội. Ai cũng mới, cũng thay đổi, cũng rạo rực. Dường như quả dậy thì đang tỏa hương vì đã bước vào giai đoạn mọng căng mật ngọt. Và gió mang cái xốn xang ấy vào trong từng giờ học. Gió đập các cánh cửa sơn xanh, gió đưa tiếng trống hết tiết nhanh hơn, và gió không giữ ai lại trong lớp mà gió lùa hết ra hành lang để kiếm tìm một ánh mắt trìu mến và ấm áp dõi sang từ cách đó ba, bốn ô hành lang. Một vài chiếc ô trôi đi trong mưa. Đôi dép nào, dáng đi nào, màu áo nào lấp ló dưới những tán xoay tròn? Yêu vô cùng cái lạnh đầu mùa. Vì dường như, thầy cô cũng bâng khuâng vì quá vãng, cũng lơ đễnh với việc kiểm tra bài cũ để lũ học trò tối qua có vì gió lạnh mà đi ngủ sớm cũng sẽ bớt lo. Những tiết học lướt nhanh, lướt nhanh trong bồng bềnh tiếng gió.
Gió về, hàng bánh đa cũng như mở hội. Mặc mưa thốc gió lùa, những cái lều lung lay, lật phật tiếng gió luôn đỏ lập lòe bởi chiếc quạt nan quạt phập phù. Từng mẻ bánh đa cong mình dưới cái nắng hanh thu như chỉ chờ gió bấc là kìn kìn kéo nhau ra đón đợi lũ học trò đi học thêm buổi tối về sà vào, tự phân chia chỗ ngồi, tự rót tương ớt ra bát, tự bỏ thêm than vào chậu, thậm chí còn tự quạt bánh nếu chủ hàng mải đi đâu đó chưa về. Những câu chuyện liên tu bất tận bên khay bánh đa giòn tan, nóng bỏng tay. Từng miếng nhỏ được bẻ ra, chấm vào tương ớt, nuốt đến đâu là nghe cái giòn, cái cay, cái ngọt, cái bùi thấm vào người đến đó. Gió và mưa đã bỏ ngoài chiếu bánh. Nhưng ánh mắt thì khi đậu lại bên chảo than tàn nở bung như sao sa, khi lại kín đáo hướng về hàng bên kia, nơi một ánh mắt khác cũng đang mải miết kiếm tìm. Đôi môi cứ thế xuýt xoa, và hai má hồng rực lên vì ngồi cạnh chậu than hay vì... Chỉ thế thôi, mà nếu ánh mắt không gặp nhau lấy một lần, thì đêm đông ấy, dù gió lạnh và chăn ấm đến đâu, giấc ngủ cũng như chưa trọn vẹn.
Bánh đa Xuân Hòa chỉ bán khi ánh ngày đã tắt. Và cũng chỉ chờ gió bấc phất hiệu lệnh là rộ lên. Hàng bánh ngon nhất là hàng bà Na. Vừa quạt than phành phạch vừa luôn mồm... nói tục nhưng như những người bán hàng có duyên khác, bà xua đi không hết khách. Chỉ khi nào hàng bà đã chật chỗ, nhắm chừng phải chờ nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt thì khách mới chịu sang hàng khác. Đắt khách là bởi chỉ riêng nhà bà mới làm những chiếc bánh ngon hơn nhà khác mà giá lại không đắt hơn. Chiếc bánh dày dặn, hai mặt bánh rắc nhiều nhân lạc, dừa, vừng và bóng láng mỡ, ăn vào vừa béo vừa bùi, lại không ngấy vì tương ớt vừa cay vừa ngọt đã quyện vào nhau tạo nên một vị rất mùa đông. Đấy là bánh đa mặn. Còn bánh đa gấc thì phải đảm bảo là được làm bằng gấc thật chứ không phải phẩm màu. Gấc quả sẽ tạo nên vị ngọt, pha chút hăng hăng. Đôi khi gặp ngày ẩm trời, bánh hút ẩm, quạt lên chín nóng giẫy mà vẫn không thể giòn thì bánh cũng có sự thú vị riêng. Bẻ, vặn miếng bánh còn dính thịt gấc, chấm ít tương ớt thôi, bánh sẽ dẻo quánh trong miệng. Thịt gấc ngọt và dai, tinh bột gạo mềm ra khiến ta liên tưởng đến miếng thịt bò mà lại không phải thứ thịt gia súc. Nó hoàn toàn là ngũ cốc, là hoa quả hạt từ thiên nhiên, trong lành. Và ăn để thưởng thức hay ăn cho đầy cái bụng của lũ học trò đang tuổi bẻ gãy sừng trâu sau những giờ đánh vật với con chữ để thực hiện ước mơ vào đại học thì bánh vẫn là bánh đa, là thứ khai vị để đón chào một mùa đông thuở xúng xính đến trường.
Rời khỏi quán bánh đa, đường Xuân Hòa thênh thênh gió, hai bên đường những chậu than hoa vẫn phập phồng hồng rực. Thi thoảng gió thổi mạnh, than nỏ reo xèo xèo. Mỗi ngả mỗi vòng xe. Hình như có tiếng đạp rất chậm đằng sau. Đường về sao gần thế, để khi dừng lại, ngoái ra sau thì cái lưng quen đã hút ngược về xa. Thương, chẳng lẽ chạy theo đưa chiếc ô. Vì mưa lại bắt đầu nặng hạt.
Giờ thì bánh đa đã bán cả những đêm hè. Lũ trẻ lớn lên không còn biết vị chờ đợi thấm trong lưỡi mỗi khi ăn bánh đa đầu đông ngon ra sao. Lũ trẻ ngày xưa cũng chẳng mấy khi tụ về để ăn với nhau chiếc bánh đa, xuýt xoa trong gió lạnh và nói với nhau những câu chuyện “sin cốt, đạo hàm” hay tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” hoặc kì thi này sẽ chia phòng, rọc phách. Cũng chẳng có chuyện gán ghép trêu đùa đỏ mặt thẹn thùng, vì đứa đã chồng, đứa đã con, cũng có đứa chỉ còn là tấm ảnh. Bánh đa bây giờ mấy nghìn, khi ăn cũng chẳng phải góp tiền mà sao nhớ, sao thương cũng không thể về, không thể ăn, không thể kiếm tìm nhau qua chậu than hoa bay tí tách.
Chỉ biết, số tiền mỗi chiếc bánh tăng lên càng nhiều, thì đường về tuổi thơ càng thêm xa ngái.