Một Tay Che Trời

Chương 20: Phiên ngoại

“Lý đại nhân, xin chào!”

Lý Tịch mỉm cười, gật đầu chào với người chẳng biết là thứ bao nhiêu sáng nay hỏi han y. Trong lòng y thật ra đang gào khóc, chẳng biết ai ra cái luật đại thần vào triều phải đi bộ qua cung mới nhập điện được chứ… Trong mắt y bây giờ, cái quy luật này đúng là tra tấn mà. Đương khi ngươi đang đi dọc hành lang thì có biết bao người hầu phải dàn hàng hai bên, cung kính cúi đầu mà chào. Với con người đối nhân xử thế kỳ dị như Lý Tịch chỉ cảm thấy rất không được tự nhiên.

Khi đến gần Kiền Minh cung thì một đám bát nháo khác cũng tụ tập lại với Lý Tịch. Đó là các quan trên đại thần của các bộ và các ti, đồng thời cũng là một đám mà Lý Tịch phải tươi cười bắt chuyện theo. Tuy rằng bổn phận là thừa tướng, y mong trong triều càng nhiều người sẽ càng tốt, vậy y sẽ quản bớt được một chuyện… Nhưng mà… cũng không cần bá quan văn võ đủ mặt cũng đều thích chào hỏi như thế?!

Lý Tịch chậm rãi thở dài một hơi. Đã sắp vào thu rồi nên gió cũng bắt đầu nổi lên thấm vào da thịt, y bèn dấu cái tâm tình bực bội này dưới nụ cười tao nhã lễ độ: “Trần đại nhân, xin chào!” “Chu đại nhân, hôm nay tinh thần sảng khoái lên nhiều đó…” Cứ thế đấy.

Càng ngày càng có nhiều người tụ tập chờ ngoài điện. Tuy tuổi tác quan lại hiện nay tầm nhỏ hơn mười tuổi so với trước đây, nhưng đứng trong gió thu, Lý Tịch phát hiện họ đa phần là lão thái thái run rẩy. Lý Tịch thâu người lại mà thở dài. Tại làm sao đại thần phải chờ đợi đế vương mà không phải đế vương chờ đại thần chứ? Dù biết nghĩ thế là rất bất kính, y cũng không thể khống chế tâm tưởng của mình.

Y lại thở dài cái sượt. Được rồi, y thừa nhận rằng sau chuyện của Ngôn Tông, bản thân y nảy sinh một tâm tình khó hiểu với Hoàng đế. Tay nắm chặt trong áo, Lý Tịch ngẩn ngơ lạc vào cõi mông lung của mình, bỗng nhiên có ai đó bên cạnh khẽ gọi: “Lý đại nhân?”

Lý Tịch sực tỉnh ngay, chưng ra dáng vẻ cười tao nhã mà gật đầu đáp lễ: “Chu đại nhân.” Còn người kia là Chu Khánh Thiện. Chẳng biết quý vị có còn nhớ từng xuất hiện một Ti trưởng trong Công bộ, Chu đại nhân hay không? Trong thời gian hai năm, Chu đại nhân đã vinh dự thăng chức thành Chủ sự của Công bộ, hiện giờ cũng là trụ cột vững chắc của Công bộ. Hơn nữa hắn cũng qua lại với Lý Tịch đôi lần nên được tính là có có chút giao tình với Lý thừa tướng.

Lý Tịch đáp lễ xong, ngẩng đầu lên thấy Chu Khánh Thiện đứng xoa xoa tay thì y thấy lạnh xương sống. Bộ dáng đối phương cứ như mèo đang vờn cá dưới nước, đang cân nhắc nên ra tay thế nào. Lý Tịch trừng mắt, tự nhủ trực giác mình chắc chắn không sai, đoạn dợm hỏi: “Có chuyện gì sao, Chu đại nhân?”

Chu Khánh Thiện cười ha hả hai tiếng, sau lại trầm mặc như dốc hết dũng khí mới ngẩng đầu lên nhìn thẳng y: “Lý đại nhân, năm nay ngài cũng hai mươi tám rồi có phải không?” Hắn cẩn trọng quan sát biểu cảm của Lý Tịch.

Lý Tịch nhíu mày, chẳng hiểu dụng ý đối phương là gì, nhưng y vẫn thành thật gật đầu: “Phải, có gì không?”

“Là như thế này, tiểu nữ nhà ta năm nay mới tròn mười sáu, tri thư đạt lễ, rất chỉnh tề đoan trang…” Chu Khánh Thiện còn chưa dứt câu thì đột nhiên bị ai đó đẩy cái phịch sang bên, Lý Tịch mới giật mình kêu một cái đã có mấy khuôn mặt sốt sắng nháo nhào trước mặt y:”Lý đại nhân! Nữ nhi nhà ta…” (Tiểu nữ, cháu ngoại, vân vân và vũ vũ). Bên tai Lý Tịch nghe ù ù, chỉ nhác nghe biết bao lời ca tụng con gái mình xinh đẹp thể nào, tính tình tốt lành bao nhiêu. Y lau mồ hôi mà rút lui một khoảng cách với các đại thần cuồng nhiệt trước mặt, sau đó… giả nai nói: “Ô… là vậy sao?” Sau đó thì sao? Y đứng đó chớp mắt giả điên chứ sao nữa.

Chúng đại thần nhìn nhau. Ngày thường Lý đại nhân rất khôn khéo, sao giờ lại vờ ngớ ngẩn là thế nào? Thừa dịp chúng đồng sự còn đang sững sờ, Chu Khánh Thiện lại bon chen lên phía trên, sửa sang lại quan phục méo mó, cầm tay Lý Tịch hưng phấn nói một lèo ngay: “Lý đại nhân có muốn gặp mặt Thanh nhi nhà ta hay không?”

Lý Tịch a một tiếng mới trễ tràng mà đỏ mặt, y húng hắng ho. Thì ra… là ý này sao…? Sau đó lòng lại khẽ đau, nhớ đến hoa đào trong gió xuân nơi xa… nhớ nàng thiếu nữ mỉm chi nơi tán đào…

Tay Chu Khánh Thiện bị đám đồng sự tốt kia giằng ra, ai nấy thấy vẻ mặt kinh ngạc của Lý Tịch thì đổ hết tội lỗi lên người Chu đại nhân, lại dìm Chu Khánh Thiện chìm lỉm trong biển người mà bát nháo tiếp: “Phải biết văn nhã một chút chứ! Ngươi dọa thừa tướng sợ rồi kìa!” Chu Khánh Thiện há hốc mồm không nói ra lời, nhưng quên chỉ trích lại các người cũng trí thức đứng rao hàng ỏm tỏi mới nãy chứ đâu.

Chỉ thoáng chốc Lý Tịch đã lấy lại tinh thần, quay sang nhìn đám người hỗn loạn trước mặt. Y cười khổ mà vỗ vai mấy vị quan đang bu quanh: “Các vị đại nhân, mau lâm triều đi, ti lại sắp ra rồi kìa.” Khi này tất cả mới nháo nhào đi.

Lý Tịch phủi phủi y phục mình, đoạn thất thần suy nghĩ, Hoàng đế còn lớn tuổi hơn mình rất nhiều… mà cũng không có thê tử thì sao? Đột nhiên y hoảng hốt. Rõ ràng y quen thuộc với đế vương như vậy, nhưng trong nháy mắt lại nghĩ không ra dáng điệu của Ngôn Ấp.

“Tuyên, nhập điện –” Có một ti lại đứng đầu trước điện hô to, sau đó lần lượt những ti lại đằng sau cúi đầu tuần tự hô nối theo. Các đại thần đi theo cấp bậc chậm rãi vào điện.

Lý Tịch cẩn trọng xem xét phía sau mà thở dài nhẹ nhõm. Cũng may, coi như tránh được một kiếp nạn.

Y không ngờ là cơn phong ba lúc lâm triều này chẳng qua mới bắt đầu mà thôi.

Sau đó vài ngày, một đoàn người mai mối ùa đến trước cửa Lý gia, trong lúc nhất thời, tin tức nóng hổi nhất kinh thành là xem khuê nữ của vị đại thần nào có thể thành công bước vào tân dinh phủ của Lý thừa tướng đây. Bàn luận xung quanh đề tài này, phần đông đoán rằng sẽ có biết bao người ùa đến tranh giành, mà cũng có mấy người ăn không ngồi rồi đánh cược chuyện chung thân đại sự của người ta, cá rằng chuyện hôn sự của Lý thừa tướng một là sẽ thành mối nhân duyên kết hợp hùng mạnh nhất, còn hai là sẽ giai thoại của chuyện móc ngoặc giữa chính trị và thương trường.

Mấy lời xầm xì truyền miệng đó rồi cũng lọt vào tai Chu bá khiến ông ngơ ngáo nửa buổi. Sau đó lão quyết định sai Tiểu Thanh và Tiểu Hồng đem ngày sinh tháng đẻ của Lý Tịch đến miếu Nguyệt Lão để cầu nhân duyên, bói xem tiểu thư nhà nào mới xứng đôi với thiếu gia nhà mình. Đương nhiên, kết quả là bị Lý Tịch tiêu hủy, việc này xem như xếp xó.

Còn Ngôn Ấp nghe tin Lý Tịch sắp lấy vợ thì kinh hoàng đến độ đốt một góc thư án đang cầm trong tay.

Lúc đó hắn đang ở trong thư phòng đọc văn kiện đến mờ mắt, mỏi mệt quá nên đứng lên đi qua lại cho thư giãn. Thanh Bác khẽ gõ cửa, muốn vào thắp thêm đèn. Thật ra đây là bổn phận của tiểu lại trong cung, nhưng do Ngôn Ấp đã quen Thanh Bác nên dần dà thằng nhóc trở thành người thắp đèn ngự dụng.

Khi cánh cửa mở ra thì gió lạnh và ánh trắng đều ùa vào. Thanh Bác đang tính đóng cửa thì Ngôn Ấp nhấc tay bảo hắn đừng.

Cơn gió thổi lùa từng trận vào, tuy đèn có chao đậy nhưng gió vẫn thổi nó lay động. Ngọn đèn lung lay nên hắn thuận tay đưa cuốn sách lên chắn gió. Thanh Bác cúi người mau mắn mở chụp đèn ra châm dầu thêm.

Ngôn Ấp vừa đứng chắn gió vừa hỏi: “Bên ngoài có lạnh lắm không? Đợi ti lại và thủ vệ bên ngoài thay phiên rồi cho họ đem chút rượu theo để uống cho ấm.”

“Tạ ơn Hoàng thượng.” Thanh Bác kính cẩn đáp, xong nói thêm: “Nhưng họ không sao đâu, trời cũng không lạnh tới vậy. Với lại hồi nãy cả bọn còn tụ tập tán chuyện được mà, mới bị nô tài phạt đây.”

“Hở? Bàn luận gì náo nhiệt đến độ không thấy ngươi tới vậy?” Ngôn Ấp thuận miệng hỏi.

“Cũng không có gì, nghe nói là Lý thừa tướng muốn cưới thê tử.” Thanh Bác châm dầu xong quay người với chụp đèn đậy lại, bỗng nghe phực một tiếng làm nó thót mình.

Sách Ngôn Ấp đang cầm phực cháy.

Thanh Bác nhào tới giật cuốn thư án quăng xuống đất, đoạn cởi áo ngoài ra đập đập lên. Cũng may nó phản ứng nhanh nên chỉ cháy một góc mà thôi. Lúc thằng nhỏ ngước mắt lên thì Hoàng đế bệ hạ đang dựa vào góc bàn, sắc mặt âm tình bất định nhìn trân trân cuốn thư đen góc dưới chân. Thanh Bác sợ hãi quỳ xuống: “Xin Hoàng thượng giáng tội!”

Ngôn Ấp hồi phục tinh thần lại rồi phẩy tay: “Không phải lỗi ngươi, không gì đâu, ra ngoài đi.” Dứt lời hắn liền ra sau thư trác ngồi xuống. Thanh Bác còn muốn nói thêm, nhưng nhìn thần sắc Hoàng đế khác thường nên cùng Vệ tổng quản trong cung lập tức cáo lui. Trước khi đóng cửa, nó nhác thấy bộ dáng Hoàng đế giữa khe cửa mà cả kinh.

Vầng trăng rọi vào khuôn mặt Ngôn Ấp, khóe môi hắn kiên nghị như đang suy nghĩ chuyện đáng sợ gì.

-0-

Ngày hôm đó là theo thường lệ Hoàng đế bàn chuyện với thừa tướng, nhưng mới vào cửa Lý Tịch đã bắt gặp ánh mắt lạnh lùng của Hoàng đế. Y tự nhủ, xem ra tâm tình Hoàng đế có gì đó không tốt, bản thân phải cẩn thận làm việc. Nhưng bàn bạc trao đổi đến cuối thì ánh mắt hắn chỉ hơi âm trầm mà thôi. Không khí cổ quái vẫn kéo dài đến khi chấm dứt công sự. Y cúi đầu nắm chặt tay lại, đây là lần đầu tiên y thấy Hoàng đế bệ hạ kỳ dị như thế.

Lúc y muốn cáo lui thì lại bị Ngôn Ấp gọi: “Đợi đã. Lý Tịch, nghe nói gần đây nhà ngươi có tin vui?”

Lý Tịch ngơ ngẩn người đáp: “Sao Hoàng thượng nói vậy?”

“Còn giấu à? Những ti lại trong cung đều biết, người ta đồn rằng mấy ngày nữa ngươi sẽ cưới vợ.” Ngôn Ấp mỉm cười rất hòa ái, nhưng lại khiến y rúng cả mình. Có điều chữ “lời đồn” từ miệng Hoàng đế bệ hạ càng khiến y xúc động hơn: “Hoàng thượng nghe ai nói vậy? Ai lại dám xuyên tạc như thế?”

Có lẽ biểu tình của y hiện rõ trên mặt nên Ngôn Ấp cười rất dịu dàng, cơn nhuệ khí cũng giảm chút ít: “Nói vậy tin đấy là giả?”

Lý Tịch lau mồ hôi đang túa tán: “Thật sự Lý Tịch không biết những lời ấy từ đâu mà ra.”

“Tin đồn vô căn cứ chưa chắc không có căn do. Lý Tịch, có phải ngươi gieo rắc phong tình chỗ nào, giờ để người ta tìm đến tận nhà đòi không hả?”

Lý Tịch nghe tiếng cười gằn của ngôn Ấp mà sống lưng lạnh ngắt. Tuy rằng tiếng cười này cởi mở nhiều hơn so với cơn âm trầm trước đây, nhưng không hiểu sao y nghe vẫn thấy kỳ quái. Y lại nắm chặt tay, quả nhiên gần đây có điềm xấu thật sao?

Hắn từ tốn ngả lưng vào ghế dựa, tay thong thả buông ra. Thấy vẻ mặt hơi đề phòng của Lý Tịch thì tâm tình hắn lại tốt lên, có ý muốn châm chọc y: “Cũng phải nói Lý Tịch ngươi cũng thật trưởng thành rồi, thật sự không lo cưới vợ? Dân gian có nói là cưới vợ rồi sẽ khá giả cả năm. Năm nay là năm thứ hai ngươi vào triều rồi, thật có chịu được cô đơn không đó?”

Lý Tịch không nhịn nổi ngẩng đầu lên nhìn sắc mặt cười cợt của vị quân vương kia, chẳng biết có phải bị ảo giác hay không mà thấy cảnh này rất quen thuộc. Tâm tư y sực tỉnh, bỗng nhớ đến khi hai người đi trà lâu nói chuyện, Ngôn Ấp đã từng nói đùa nửa thật nửa giả thế này. Trong lòng Lý Tịch thấy rất khó khăn, lại hơi đỗi hờn giận nên cúi đầu nói: “Hoàng thượng giễu cợt rồi. Xin cho Lý Tịch cáo lui.” Y xoay ngoắt người đi.

Y không thấy được, sau khi rời khi, ánh mắt Ngôn Ấp lại lộ ra ý sâu sắc.

Kết quả chưa đến vài ngày, có ai đó rảnh rỗi lại đề nghị với đế vương lúc lâm triều: “Hoàng thượng, Lý thừa tướng tận tâm trung thành với quốc gia, nhưng tục ngữ có câu là phải lập nghiệp trước mới thành gia thất sau. Lý đại nhân giờ cũng nên chăm lo cho tư gia thì hơn. Hoàng thượng nói có phải không?” Câu vừa dứt thì một số đã phụ họa cười theo, bảo là sao nói trúng tim đen của y rồi chứ.

Trong thoáng chốc, y nhận ra mình có thể giả cười chuyện mai mối của mình trước đám nhôn nhao này, nhưng thế nào y cũng không cười đùa chuyện hôn sự của mình trước mặt Ngôn Ấp được. Y hơi ngẩng đầu nhìn hắn, cõi lòng vô vàn sợ hãi hắn sẽ nói câu ‘lấy vợ sẽ khá giả cả năm” nữa.

Nhưng Ngôn Ấp nhìn y thật sâu sắc, đoạn nói với chúng đại thần: “Người ta nói ‘cưới vợ nên cưới vợ hiền’, nhưng Lý Tịch tao nhã như thế phải nên đổi câu đó thành ‘cưới vợ nên cưới người y muốn.’ Các ngươi cũng đừng thúc giục y như thế, Lý thừa tướng bận rất nhiều quốc sự, hãy thư thả cho y có thời gian tìm ý trung nhân của mình. Nếu Lý Tịch vừa mắt khuê tú nhà ai, bất kể là danh gia vọng tộc hay con gái bình dân, ta nhất định sẽ mai mối cho, tuyệt không nuốt lời.”

Câu nói của hắn làm chúng thần xầm xì cười rộ với nhau, có điều thật sự không ai dám rầy rà y nữa.

Lý Tịch không kềm được mà ngước nhìn hắn lần nữa, đúng lúc bắt gặp ánh mắt đối phương nhưng lại không đọc được ý tứ trong mắt hắn.

-0-

[Thoáng chốc hai năm đã trôi qua, trong lúc các vị độc giả lơ đãng, Lý Tịch đã ba mươi tuổi, còn Ngôn Ấp thì ba mươi bảy… Hây, đều đã lớn tuổi… thành chú bác cả rồi còn đâu].

Mùa đông năm đó đến rất sớm, mới đầu tháng mười một mà tuyết đã rơi ngập kinh thành. Bước vào tháng chạp, trong kinh đã ngập đến năm trượng tuyết khiến năm đó là lạnh lẽo nhất trong hai mươi năm qua.

Lý Tịch mới bước ra khỏi Truyền Mô các đã nhảy mũi cái mạnh, sụt sùi chùi mũi. Trong các có lò sưởi ấm hỉnh khiến người ta quên mất nhiệt độ băng giá bên ngoài. Ti lại đứng sau cẩn thận hỏi: “Thừa tướng, hay là ngồi kiệu đi? Gió bên ngoài rét như thế, cẩn thận sức khỏe của đại nhân vẫn hơn.”

Lý Tịch chỉ phất hờ tay. Mấy năm qua y đã quen cái tật là mỗi lần vào cung đều thích đi bộ. Bệ hạ đại nhân nào đó cứ thường trêu: “Thân thể Lý Tịch đúng là có khí phách, vậy sẵn rèn luyện sức khỏe luôn.”

Chắc già thật rồi nên y thấy hễ nằm lâu là mỏi, đứng dậy còn nghe được xương mình nó răng rắc, nói trêu ngươi là cứ như ai đó giẫm đạp lên người vậy.

Nói đi cũng phải nói lại, cái giường tre mới càng trầm trọng, mỗi lần xong chuyện là đa phần Lý Tịch đều nằm sấp chẳng cử động gì được. Nhưng vị nhân huynh nào đó sẽ thản nhiên trêu chọc khiến người ta cảm thấy rằng ông trời thiên vị quá mà.

Y nghĩ tới đây thì thân người loạng choạng, lúc bước xuống cầu thang thì thấy hoa đầu choáng cả mặt. Rõ ràng là đêm khuya mà cứ chói chang như giữa trưa. Ti lại đi phía sau cẩn trọng nhắc: “Thừa tướng đừng lo, tuyết mới rơi một trận nên vẫn chưa dọn dẹp kịp, chắc phải đợi tảng sáng mới xong. Đại nhân cẩn thận đường trơn trợt đó.” Bọn họ biết Lý Tịch không thích có người kề kề đằng trước hay đằng sau nên đều đi rất xa, cũng không dám đỡ y.

Lý Tịch mỉm cười: “Ngoài trời lạnh lắm, cứ đưa đèn để ta tự đi được rồi. Các ngươi cũng đi nghỉ sớm đi, lại phiền các ngươi thức khuya nữa, thật sự xin lỗi.”

“Sao thừa tướng nói vậy? Đại nhân vất vả ngày đêm thế, chúng nô tài thì đáng chi.” Ti lại thấy bàn tay vươn ra kiên quyết của Lý Tịch, đắn đo một hồi cũng đưa ***g đèn qua. Ti lại chậm rãi cáo lui, càng cảm thấy xúc động bùi ngùi bèn quyết định về ti ốc đằng sau tuyên truyền đức độ của Lý đại nhân thêm nữa.

Y bước đi trong từ tốn, gió lùa ngọn đăng lay động tạo ra bóng hình kỳ dị trên nền tuyết trắng. Bước chân trên nền tuyết phát ra thanh âm nhẹ nhàng. Đằng xa có thể thấy thủ vệ tuần đêm đang đi dọc dãy hành lang, ánh đèn trong tay dạ lên khuôn mặt trẻ trung của y. Y khẽ thở dài mà kéo áo lông cừu sát người, trong đêm chỉ có tiếng quét tuyết vang lên.

Từ Truyền Mô các đến cửa cung điện là một đoạn tường rất dài, trong đêm đầy yên tĩnh chỉ còn tiếng bước chân của y. Bước được nửa chừng y chợt nghe có tiếng chân vừa mau mắn vừa đầy sức sống vang lên. Y mỉm cười rồi dừng bước. Một trận gió lạnh thoáng qua khiến ngọn đèn lấp lóe còn y thì rúc cổ. Bỗng gió ngừng thổi, một tiếng trầm thấp vang lên: “Lại khuya thế này?”

Y nhoẻn cười quay lại đã thấy đôi chân mày cau có của Ngôn Ấp. Đứng đằng xa trong góc tường là Thanh Bác đang cung kính khom người hướng về y.

“Chẳng phải ngươi cũng thức khuya sao?” Lý Tịch xoay người đi tiếp, thân thể Ngôn Ấp gần sát bên quả thật ấm áp. Tiếng bước chân hai người trên tuyết hòa hợp với nhau, suýt soát, suýt soát nên không còn tịch mịch nữa.

“Đúng rồi, hai ngày nay tình hình kinh thành vẫn tốt chứ?”

“Đã mở được mười thiện đường, lương thực và áo ấm cũng chuyển đến đủ cả. Có điều các nơi báo số người chết cóng trong kinh là một trăm hai mươi người, đa số là tuổi già sức yếu nhưng lại không thích vào thiện đường, còn có hơn hai mươi người là khất cái.”

“Ta nhớ năm ngoái số người chết là một trăm lẻ ba người. Năm nay tuyết lớn cứ rơi liên tục, xem ra các Bộ và các Ti cũng làm hết sức mình rồi.” Ngôn Ấp dừng một chốc thì nói thêm, “Ngươi cũng đừng trách mình quá mức.”

Bước chân Lý Tịch hơi hoãn lại: “Hôm qua ta đến phía thành Tây thì thấy thiện đường đang khiêng quan tài một vị lão bá ra. Ta nhìn mặt lão vừa xanh trắng lại vừa đáng sợ. Nghĩ đến bản thân mới bỗng thấy cuộc đời này thật sự là hư không vô cùng mà.”

Hai người cứ thế trầm mặc sánh đôi. Chợt Lý Tịch buồn bã mỉm cười: “Kỳ thật người dưới trướng của ngươi và ta đâu chỉ vài nhân mạng mà thôi. Ta vào kinh thành cũng được năm năm rồi, biết bao nhiêu chuyện nên làm mà chưa làm được, biết bao mạng người cần cứu mà cứu chưa xuể. Mỗi lần nghĩ đến thì thấy hổ thẹn và bất an lắm.”

Ánh đèn dập dềnh dưới màn trời đêm, đảo mắt nhìn lại thấy chân trời cứ trải rộng không dứt. Trong trời đất tựa như chỉ còn mỗi dãy tường dài miên man của cung điện kia.

Lý Tịch chưa kịp đa sầu đa cảm gì thì người kia đã nắm lấy tay y. Ngón tay Ngôn Ấp đan vào tay y khiến y cảm nhận tấm áo da cừu mềm mại. Y ngước mắt nhìn thì hắn vẫn đỉnh đạc ngẩng cao mà cười: “Cái gọi là tận sức mình rồi hãy chờ thiên mệnh, đạo đức hạnh phẩm của ta và ngươi không thẹn với lương tâm là được.”

Lý Tịch mỉm cười. Câu này bất luận thế nào cũng không giống tính cách Ngôn Ấp, chẳng lẽ hắn muốn an ủi y hay sao?

Cứ thế y mỉm cười, nắm chặt tay hắn mà sánh đôi tiếp.

Gió lớn nổi lên nhưng đèn ***g vẫn không bị tắt. Tiếng nói nhỏ nhẹ truyền ra xa: “Tết sắp đến rồi. Thanh Bác, năm nay trích một khoản tiền trong cung đưa cho Hộ bộ đi.”

“Dạ, Hoàng thượng.”

“Năm nay dự tính thế nào đây?”

“Thì vẫn vậy… Phải rồi, cũng đã một năm rồi… Lý Tịch, ngươi phải chuẩn bị tâm lý đó…”

Tiếng cười của ai đó nghe rất ư gian tà.

“Hả… chuyện gì?”

“Có tiền hay là không tiền, cưới vợ sẽ khá giả cả năm. Tuy rằng năm nay tuyết lớn nên thiên hạ không còn lòng dạ nào mà hóng chuyện, nhưng ta nghe nói Chu Khánh Thiện vẫn một lòng nhắm vào Lý thừa tướng đó.”

“Đùng” một tiếng trong đầu như có chó cạp phải chân cái phập, sau đó là tiếng khóc thét vang lên: “Vì cái gì chứ!!! Rõ ràng ngươi cũng độc thân! Tại sao giỏi bức ta mà không bức ngươi!”

“Đợi tới lúc bọn chúng có gan, ngươi mới gào tiếp đi.”

-0-

Sau khi bãi triều, Lý Tịch và chúng thần hành lễ cáo lui rồi lặng lẽ ra ngoài điện. Người nào đó trên điện thâm thúy nhìn y một cái, y chẳng đếm xỉa gì tới cái người chễm chệ trên cao kia, nhanh chân bước ra ngoài như tránh ác lang sắp vồ mồi. Ngôn Ấp từ tốn nhìn chúng thần chậm rãi đi ra, thân ảnh của Lý Tịch đã sớm khuất bóng đằng xa. Hắn nhắm mắt lại, khóe môi dợm cười.

Quả nhiên như dự đoán của Ngôn Ấp, giữa tháng chạp, cánh cửa Lý gia lại nghênh đón làn sóng mai mối đã lắng đọng được một năm. Bắt đầu từ hai năm trước, mỗi lần năm mới đến là không ít vương công đại thần nhờ người cậy quỷ để lọt vào mắt xanh của Lý thừa tướng. Thế nhưng thừa tướng của Lý gia cứ như khúc cây gỗ, cứng đầu đến mất cả linh. Như khi này vậy, sau khi Lý đại nhân nhấc bước rời đi, không biết có bao nhiêu người e ngại đế vương còn ngồi trên thượng tọa mà không dám chạy theo. Cho nên Lý đại nhân cũng không hay có biết bao đại thần siết chặt tay mà vuột mất cơ hội, nhân tiện than oán trong lòng, chẳng biết khuê nữ nhà mình có thể ngồi chờ qua một năm xuân sắc nữa không. Lý đại nhân ơi, ngài hại biết bao thiếu nữ thanh xuân chậm rãi thành lão bà cả rồi… Chỉ tiếc không ai có gan lớn chơi trò ngang ngược ép uổng, nên cũng đành chờ Thừa tướng đại nhân mở đường thôi.

Lúc những người kia đi ra thì đã không thấy bóng dáng Lý Tịch nữa. Cung điện to lớn như thế mà người nọ lại đi nhanh đến vậy.

Có người thở nhẹ: “Cái gì Lý đại nhân cũng tốt hết, chỉ đáng tiếc…”

“Nghe nói ngài ấy có ý trung nhân, nhưng sau nàng ta đi lấy chồng nên từ đó Lý đại nhân buồn bực, trả thù đời bằng cách chung tình, không yêu nữa.”

“Chung tình là chuyện tốt, nhưng đôi khi tuyệt vọng quá cũng nên mở mắt ra chứ…”

“Phải đó, phải đó, vậy mới khiến người ta tiếc hận. Lấy quyền thế và địa vị của Lý đại nhân, phải nên thành gia lập thất mới được xem là viên mãn chứ. Giờ thì tình cảnh thế nào chứ?”

“Ngươi nói có phải… Lý đại nhân… có gì bất ổn không?”

“Đừng có nói hàm hồ!” Người vừa nói câu đó ra đã bị ai đó quát một cái, giọng gằn thấp.

Đợi chúng đại thần chậm rãi tản ra, Lý Tịch đang trốn trong góc phòng mới dám ló mặt ra vừa lúc bắt gặp Thanh Bác đang đứng ngoài điện. Thanh Bác hiểu ý chỉ mỉm cười, nhìn Lý Tịch mồ hôi ròng rã cười khổ.

Thanh Bác bật cười: “Lý đại nhân, cứ trốn như vậy cũng không phải là cách đâu.”

“Ngoại trừ trốn ra, ta còn làm gì được đây?” Lý Tịch hơi bộc phát oán hận, rõ ràng chuyện hôn nhân là việc riêng của người ta, vì sao tới hẹn lại lên cứ như chó hoang cấu xé thế? Lúc họ nói chuyện thì có người đi ra, tất nhiên là Ngôn Ấp bệ hạ của chúng ta. Lý Tịch và Thanh Bác đồng hành lễ. Ngôn Ấp phất tay rồi cười: “Lý đại nhân còn chưa đi sao?”

Lý Tịch nghe ý cười đùa trong câu nói của hắn thì nghiêm mặt cúi đầu: “Vậy thần cáo lui.”

Ngôn Ấp biết người kia đang giận nên khẽ sờ mũi, đang tính mở miệng thì thấy có ti lại đang chạy từ dưới điện lên. Dưới bầu trời trong xanh quang đãng, sắc mặt người kia lại rất sợ hãi. Lý Tịch đang đi mà thấy ti lại kia thì sắc mặt cũng nghiêm túc.

Lập tức Thanh Bác bước xuống nhận lấy tấu chương từ tay ti lại, thì thầm với hắn mấy câu thì sắc mặt thằng nhóc trắng bệch. Lúc hắn xoay người lại thì nhìn lên hai người đang sóng vai đứng trên điện, Thanh Bác bước tới trước mặt đế vương, Lý Tịch lặng lẽ thối lui hai bước ra sau. Thanh Bác nói: “Hoàng thượng, Nam Định vương đã qua đời.”

Vừa nghe câu này, phản ứng đầu tiên của Lý Tịch là ngẩng đầu lên nhìn Ngôn Ấp. Từ góc này, y có thể thấy khóe môi nghiêm nghị của hắn bặm xuống. Hắn chỉ lặng thinh trong nháy mắt thì đưa tay ra, Thanh Bác mau mắn trình tấu chương kia lên. Lý Tịch lặng lẽ lùi xuống hai bước nữa, không nhìn sắc mặt của đế vương. Trong khoảnh khắc trầm mặc đó, y đã thấy nơi đen tối nhất tận sâu lòng của đế vương.

-0-

Năm Bình Nguyên thứ sáu, mồng mười tám tháng chạp, cuộc đời Nam Định vương Ngôn Tông đã kết thúc. Ba tháng sau đó vào lúc đầu xuân, người con cả kế vị của Nam Định vương là Ngôn Vọng bị đệ đệ của mình ám sát. Từ đó, lãnh thổ của Nam Định vương bị phân chia trong loạn ly. Mà trong trận tranh quyền lực này, thái độ đế vương Ngôn Ấp vẫn bình thản, bất kể biết rằng cháu mình đang tàn sát lẫn nhau, hoặc hai chi phái trong vương tộc đang khởi binh tranh đấu.

Người sáng suốt đều nhìn được mấu chốt vấn đề, Ngôn Ấp vốn không cảm tình với Ngôn Tông đã chết, nên muốn thừa dịp cuộc phản loạn này tiến lên đoạt binh quyền đang suy yếu của Nam Định vương. Nhưng ngay cả vậy, tình thế vẫn diễn ra theo định liệu của Ngôn Ấp.

Mùa xuân đã đến khiến khắp kinh thành hết mực náo nhiệt, nước chư hầu loạn ly xa xôi ngàn dặm cứ như một thế giới khác. Khói lửa phía nam chưa hề chạm đến kinh thành, ngoại trừ một số trái cây rau quả và trân bảo của phía nam đột nhiên không thấy nữa, mọi thứ đều như bình thường. Cũng chỉ có những thân nhân của người phía nam trong kinh thành mới nhắc đến: “Thế đạo này, khi nào mới thái bình được đây…”

Đối với người trong kinh mà nói, cuộc sống mới yên bình làm sao, hết chuyện muối dầu củi lửa, tương dấm gạo đong thì cũng là nữ nhi, ít khi có sóng gió gì. Đương nhiên, thái bình thịnh thế cỡ nào cũng không tránh có chút kịch vui, cái màn lần này là… Lý Tịch Lý đại thừa tướng bị buộc hôn nha!

Nhắc tới vị Lý đại thừa tướng này thật quá phi thường mà, vừa tuổi trẻ tài cao lại rất độ anh tuấn bất phàm, thái độ làm người thì nho nhã đoan chính lắm, quả nhiên là một nam nhân rất tốt. Nhưng cũng không hiểu làm sao Lý thừa tướng đã ba mươi tuổi rồi mà trong nhà không vợ cũng chẳng con, thiếp cũng không có nửa bóng. Khắp phố phường lại tám rằng có lẽ nào Lý đại thừa tướng không mập hợp được, cũng có người ác mồm ngờ vực vu vơ rằng chẳng hiểu Lý gia đại nhân có mê nam sắc hay không nữa…?

Hây da, đáng tiếc thay, theo tin báo đáng tin cậy (từ cô em chồng của bằng hữu tốt của con dâu của Trương bá giao rau cải thường ra vào Lý gia) thì người hầu trên dưới Lý gia không nhiều lắm, chỉ có một lão nô (rất ư là già, không có đủ đẹp, không đáng xếp vào hàng phải lo lắng), bốn gia nô (mà tướng mạo bốn vị này lại rất đường đường chính chính nha… Ngưng, không cần chảy nước dãi như thế, mất vệ sinh lắm… Bốn người này đã có thê tử con cái rồi, hơn nữa gia đình rất hòa thuận, không có tin lục đục gì), hai người hầu gái (hai người này thì bình thường, không nổi bật gì… nhưng cũng đã thành hôn, mà hôn phu đúng là hai trong số bốn gia nô kia). Trừ bảy người này ra thì những người hầu trong quý phủ Lý gia đều làm trong năm năm thì luân chuyển đến những gia đình phú hộ khác, không có gì đáng lo. Huống chi mấy người đó đa số không dung mạo cũng chẳng tài hoa gì…

Qua một loạt điều tra này trên cơ bản có thể khẳng định, cơ hội Lý thừa tướng giấu tiểu tỳ hay tiểu đệ xinh đẹp rất thấp. Còn hành tung của Lý đại nhân cũng trên cơ bản chỉ có một đường và hai điểm (triều đình rồi về nhà, xong từ nhà vào triều), cũng không có ra đường trêu hoa ghẹo nguyệt… Thế chẳng lẽ đúng như dân tình nó đồn thổi, người ấy không mập hợp được sao?

Mà có không mập hợp được thì chức vị thê tử của Lý đại nhân vẫn là ngôi người người tranh đoạt. Lý Tịch là người tâm phúc đương triều, hơn nữa với tư thái kia thì sẽ còn hưng thịnh đỏ lộc, chức quan đai tím dài cũng tầm hai mươi năm nữa. Cô nương nhà ai mà lọt vào mắr xanh người đó thì chắc chắn đắc đạo rồi.

Giống như một hồi đại chiến nổi lên, mà nguồn cơn chiến dịch này là ở ba năm trước, từ vị đại nhân họ Chu nào đó đang trong triều mà chủ động “đề cử” tiểu nữ nhà mình. Cách ba năm rồi mà chiến dịch này càng ngày càng gay cấn. Theo tin đồn thì cứ cách hai tháng là Lý gia nhận tranh họa các khuê tú đến dùng xe đẩy mỏi tay. Còn vị quản gia Chu bá kia mỗi lần ra cửa là bị vô số kẻ vây quanh chặn đường. Đơn giản là trong Lý gia ngoại trừ chủ nhân ra, Chu bá là người có quyền uy nhất, mà cũng do giờ không ai lớn mật đi chắn đường đương chủ nhân Lý thừa tướng cả… Rất nhiều lời đồn dấy lên, đủ thứ giả thuyết bày ra cũng chỉ gút có một điểm, nếu quăng được khuê nữ lên giường Lý thừa tướng cho màn gạo nấu thành cơm được thì nhất định cái giường kia của Lý thừa tướng sẽ bị chim yến hao gầy làm sập mất…

Mà nói loạn đả chỉ thiên như thế, dân tình sao lại không pha thêm chút chuyện chính trị quan trọng mà lạt lẽo vào chứ?

Trong khoảnh khắc đó, ở nơi trà lâu nào đấy, có hai người nào đó là nguyên nhân mà dân tình tán chuyện đến văng nước miếng khắp nơi đang cười. Điều khác nhau là một người thì cười khổ mà kẻ kia thì cười hiểm.

Người cười khổ dĩ nhiên là nam chính thứ nhất trong màn xầm xì kia, Lý Tịch Lý thừa tướng, kẻ còn lại là một nửa kia, Ngôn Ấp Ngôn đại đế vương.

Lý Tịch cười khổ sở, nhấm ngụm trà thì nhìn người đang tủm tỉm kia mà ngao ngán hỏi: “Ngươi cười đủ chưa?”

“Thật tình mà nói… Chưa đủ.”

“Ngươi cười cũng ba năm nay rồi, sao không thấy chán vậy?”

“Đề tài tươi mới đáng giá mỗi ngày như vậy sao ta thấy chán chứ?” Sắc mặt tươi cười của Ngôn Ấp rất ư là khiếm nhã.

Lý Tịch nhìn hắn một cái mà không nói gì nữa, chỉ lẳng lặng nhìn dòng người ngược xuôi ngoài song cửa, bỗng nhiên cất tiếng: “Ngươi xem, hôm nay có chợ hoa nên người ta lui tới nhiều quá.”

Ngôn Ấp nhìn xuống thì bắt gặp khuôn mặt tươi cười của một tiểu cô nương. Cô bé mặc áo gấm hồng chỉ tầm mười tuổi rất là xinh, được một thiếu phụ dắt đi, tay cô bé đang cầm một bó hoa cúc vàng. Có lẽ thấy lá cờ phất phới của trà lâu nên tiểu cô nương ngước lên nhìn mới bắt gặp Ngôn Ấp. Ánh mắt cô bé sáng ngời, tròn xoe tò mò nhìn đế vương, sau đó hồn nhiên cười với hắn.

Trong lòng Ngôn Ấp thấy ấm áp. Trước kia hắn chưa hề biết bản thân sẽ đa cảm thế này. Từ khi quen biết Lý Tịch rồi, trái tim hắn cũng mềm mỏng rất nhiều. Cũng bởi vì hắn yêu người kia tha thiết, tuy nhìn y bình tĩnh nhưng bên trong là người rất dịu dàng cẩn mực. Càng tiếp cận y thì càng bị rung động.

Lý Tịch nhìn bóng dáng đi khuất của tiểu cô nương thì nói thêm: “Ngươi đã xem tấu chương trình lên hôm nay chưa? Thành trì báo rằng bọn thổ phỉ phía nam làm loạn, mấy trăm hộ dân bị đánh cướp, có mấy chục gia đình bị giết.”

Tức thì sắc mặt Ngôn Ấp sầm xuống. Lý Tịch chậm rãi xoay người, nhìn thẳng vào Ngôn Ấp ngồi trước ánh mặt trời: “Ngươi… còn không khởi binh sao?”

Ngôn Ấp không trả lời, sau mới nói: “Ngươi biết rõ lòng ta, nhiều lời cũng vô ích.”

“Thế nhân vốn vô tội, cần sự thông cảm của bệ hạ.” Lý Tịch chau mày lạnh lùng nói. Y cũng không để ý hai người đang ở trong phố xá náo nhiệt mà trực tiếp dùng kính ngữ.

“Ta còn tự hỏi sao ngươi chọn hôm nay mà hẹn ta ra, thì ra là nói chuyện này.” Thanh âm của Ngôn Ấp lạnh băng.

“Còn bệ hạ thì sao? Ta nghe nói, gần đây sở dĩ các đại thần khơi chuyện hôn sự của ta chắc hẳn là ý tứ của bệ hạ rồi? Ta biết ngươi không thích ta chú ý nhiều đến Nam cương, nhưng dùng thủ đoạn như thế với ta thật khiến Lý Tịch thất vọng.”

Bầu không khí cô đọng như băng, hai người đối mặt giằng co, chẳng ai nhường bước. Mãi qua một lúc lâu, ánh mắt Lý Tịch mới dịu dàng cúi xuống: “Trong kinh thành trăm hoa đua nở, mà miền Nam cương lại gió thảm mưa sầu, bệ hạ, cần gì nhẫn tâm như thế?”

“Chuyện gì ắt cũng dứt bỏ được.”

Lý Tịch không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng nhìn Ngôn Ấp thật sâu. Ấn đường của hắn có lằn nhiu rất sâu, kết quả hắn chỉ thở dài một hơi.

Khi hai người ra khỏi trà lâu thì Lý Tịch bước nhanh ở đằng trước, còn Ngôn Ấp trông thấy bóng dáng quật cường của người kia thì bàn tay hắn siết chặt thành nắm đấm. Trên thế gian này, duy chỉ có một người dám đi phía trước đế vương mà thôi. Tuy ngày thường Lý Tịch hết mực kính cẩn, nhưng không ai hiểu rõ hơn Ngôn Ấp rằng dưới sự kính trọng đó là tính cách quật cường đến cỡ nào. Cũng chỉ có người này sẽ đâu lưng với hắn.

Hối hận sao?

Ngôn Ấp thở dài một hơi, bước chân vội đuổi theo y.

-0-

Tiểu lại Dược Vũ nhẹ bước tiến lên châm thêm dầu cho đèn, xong mới phát hiện động tĩnh của mình không khuấy động được người ngồi trên bàn. Bộ dáng Lý Tịch trước mắt đã tái nhợt, nhưng thần sắc lại hơi phiền não. Dược Vũ suy nghĩ một hồi thì đến gian kế bên bưng chén trà đưa tận tay Lý Tịch. Khi này y mới sực tỉnh, ngước lên nói câu đa tạ.

Dược Vũ nhỏ nhẹ nói: “Lý đại nhân cũng nên nghỉ ngơi đi, chẳng lẽ đêm nay lại ngủ ở Truyền Mô các nữa sao? Ngài phải cẩn thận thân thể mình mới được.”

“Không gì đâu. Ta không sao mà, nhờ ngươi bảo A Nam bên ngoài qua gian kế bên ngủ đi. Cứ trải đệm chăn cho ta bên trong là ngươi đi nghỉ được rồi.”

“Đại nhân…” Dược Vũ hơi khó xử, nhưng y đã cắm mặt xuống không nghe hắn nữa. Dược Vũ khẽ nhíu mày, không còn cách nào khác nên hắn đành nghe lời.

Hắn mới bước ra ngoài thì gia đinh A Nam của Lý gia đã đi đến hỏi nhỏ: “Đại nhân lại ngủ ở Truyền Mô các nữa à?”

“Ừ.” Dược Vũ gật đầu. “Đã mười ngày rồi, thân thể đại nhân có chịu nổi không?”

“Tính tình của đại nhân nhà ta cố chấp thế đó, lôi kéo thế nào cũng không về. Dược Vũ, ngươi cứ nghe theo người đi. Về Chu bá thấy một cái thì tẩm bổ người một ngày ba bữa là không có chuyện gì ngay.” A Nam hờ hững phất tay bảo.

Dược Vũ bật cười: “Thật không biết Lý đại nhân là đại nhân của nhà ngươi hay là đại nhân của ta nữa, cần ngươi nói sao? Lý đại nhân bảo ngươi nghỉ ngơi trước đó, vào đi.” Hắn nói xong thì kéo cửa mở ra. A Nam đã quen nên bước vào trong, cũng không cần Dược Vũ thu xếp mà đi thẳng vào gian bên trong chuyên dành cho ti sự, trong đó có chiếc giường có thể ngả lưng. Dược Vũ lại vào nội đường, sắp xếp sự vụ đâu vào đó mới cáo lui, nhưng Lý Tịch đang vùi đầu vào công văn không có nghe tiếng hắn xin lui.

Khắp nơi yên ắng như tờ, chỉ nghe tiếng đèn thi thoảng bập bùng cháy.

Bỗng cửa mở ra kéo theo cơn gió lạnh vào. A Nam bước ra khỏi gian ti sự, ánh mắt cảnh giác trông thấy người tiến vào lập tức hắn lùi xuống, tính hành lễ đã bị người đó chặn. Ngôn Ấp phất tay, A Nam hiểu ý liền lui vào trong.

Động tĩnh như thế mà Lý Tịch vẫn trơ ra chẳng nghe gì. Cho đến khi bóng Ngôn Ấp che khuất tầm nhìn y mới ngước lên kinh hoàng la một tiếng, hắn vội nắm lấy bả vai y: “Đừng sợ, là ta.”

Lý Tịch lấy lại bình tĩnh mà hỏi: “Khuya thế này mà Hoàng thượng không nghỉ ngơi, lại đến Truyền Mô các thế này chẳng lẽ có việc khẩn gì?”

Ngôn Ấp bị ngữ khí xa lạ của đối phương tạt vào khiến khuôn mặt mỉm cười tắt lịm, rốt cuộc hắn nhẫn nại kềm chế tính nóng của mình mà thiện ý hỏi: “Ngươi cũng biết đã khuya rồi sao? Mấy hôm nay đêm nào ngươi cũng thức khuya, vậy sao chịu được chứ?”

Lý Tịch ngẩn ngơ nhìn văn thư trên bàn, chẳng biết y suy ngẫm gì mà không trả lời.

Ngôn Ấp nhịn không được đè tay lên văn thư: “Rốt cuộc ngươi muốn làm sao đây?”

Ánh mắt y thư thả dời từ bàn tay trên bàn lên khuôn mặt lạnh băng đầy phẫn nộ của Ngôn Ấp. Một lát sau y nói: “Xin Hoàng thượng chấp thuận cho Lý Tịch đi Nam cương.”

Tay hắn trượt xuống khỏi bàn, hắn nhìn gương mặt nghiêm túc của y, mãi lâu sau mới mở miệng được: “Ngươi… muốn đi Nam cương…”

“Đúng thế, Lý Tịch nhất định phải đi.” Trong ánh đèn, đôi mắt y sáng ngời khiến người khác không nhìn gần được.

Ánh nến tắt cái vụt khiến bốn bề tối sầm, vầng trăng tỏa vào soi chiếu sắc mặt trắng nhợt của hai người.

-0-

Năm Bình Nguyên thứ bảy, tháng năm, đương triều thừa tướng Lý Tịch đột nhiên đến Nam cương phúng điếu một cách lạ kỳ. Đương nhiên ai cũng rõ, nói là phúng điếu nhưng thật ra là bình loạn. Sau ba tháng lặng thinh, đây là lần đầu tiên ý định của triều đình về lãnh thổ của Nam Định vương rõ ràng như thế.

Lần đi phúng điếu này, Lý Tịch đảm nhiệm chức Khâm sai mà lại dẫn theo một ngàn tinh binh, Hoàng đế còn ban cho thêm một quân lệnh để điều khiển binh mã (binh phù điều động quân lực của nhà Trần có ba cấp, quân lệnh mà Lý Tịch nhận là cấp thứ nhì, tức là không cần sự chấp thuận của thống lĩnh trực thuộc địa phương mà được tùy ý sai khiến quân đội, nhưng mỗi lần chỉ điều động được hai ngàn nhân mã).

Ngay cả vậy thì hành động này vẫn khiến nhiều người cực kỳ quan tâm. Có phải cử chỉ này đồng nghĩa với việc đương triều hoàng đế Ngôn Ấp đã từ bỏ khúc mắc với huynh trưởng đã tạ thế? Hay là Ngôn Ấp vẫn muốn nhân cơ hội này mà thâu nắm chính quyền lại?

Nhưng cử ít người đi như vậy cơ hồ không giống lắm… Mà người được chọn đi cũng là đề tài nóng nha. Lý Tịch là người giật dây đằng sau chuyện thất thế của Ngôn Tông năm đó, lúc này cho y đi Nam cương là có ý đồ gì chứ?

Trong tình huống mù mịt thế này lại sôi nổi lên một tin bỏng tay mới ra lò. Chúng nó đồn rằng có phải Lý Tịch bị trong nhà bức hôn quá mức nên ra hạ sách chạy đến Nam cương tị nạn hay không?!

Lời đoán mò này mới sinh ra đã có không ít trí thức bàn tán, hơn nữa nghe cũng có căn cứ, luận bàn cũng có lý có lẽ. Lý Tịch dẫn ít người như thế đi rõ ràng là không muốn can thiệp chuyện của Nam cương. Nếu không muốn can thiệp thì đi làm gì? Đây là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai, Lý Tịch là người tâm phúc trong triều, là chủ sự đại thần mà Hoàng đế tín nhiệm, có lẽ nào vô cớ cho thừa tướng tự thân xuất mã chứ? Cũng đâu phải trong triều thiếu người tài.

Lý do thứ ba, Lý Tịch là quan văn, quan văn đi tới chỗ loạn thì làm được gì?

Tổng hợp tất cả thì chỉ có một nguyên nhân có thể miễn cưỡng tin, khẳng định là Lý đại nhân nhàm chán cuộc sống oanh vàng nên mượn cớ bỏ trốn…

Tuy rằng nghe qua nó hoang đường quá, nhưng trong lúc lơ là thì đây lại thành đề tài nóng bỏng từ đầu đường cuối ngõ. Tội nghiệp cho mục đích xuất phát của Lý Tịch cứ thế bị bẻ cong trong im lìm.

Hôm Lý Tịch ra khỏi thành, y đứng trước bá quan văn võ cả triều mà tiếp nhận binh phù trong tay đế vương. Cái lướt mắt của đế vương là ánh mắt lạnh lùng đầu tiên trong mấy năm qua. Nhưng thừa tướng đại nhân chỉ yên lặng tiếp nhận, cúi người hành lễ.

Lúc y đi theo binh sĩ thì không hề quay đầu lại, thế nên, y không thấy được ánh mắt đáng sợ kia của Ngôn Ấp.



Tối đó, đêm thanh trong như nước, khi Lý Tịch thu xếp ổn thỏa thì đã là nửa đêm. Y đứng trong mảnh đất trống của doanh tướng, xa xa lửa trại đang cháy phừng phực. Không gian thật sự tĩnh lặng, có thể thoáng nghe tiếng côn trùng mờ ảo kêu vang. Vầng trăng dịu dàng rọi xuống ngón tay như dòng suối trong lững lờ trôi qua kẽ tay.

Y nâng tay mình lên, hốt nhiên nghĩ đến người ấy nơi phương xa, liệu có phải cũng đang ngắm vầng trăng này, cũng nâng tay mà muộn phiền hay chăng?

Tối đó, đêm thanh trong như nước, Ngôn Ấp vẫn không ngủ được, rốt cuộc khoác áo choàng rồi đi đến bên song cửa. Trước song cửa có treo cây đèn mơ hồ dạ ra thân ảnh của thủ vệ.

Tất cả thật rất lặng yên, ánh trăng kia như con suối trong chảy nhè nhẹ vào song cửa của hắn, soi ra căn phòng trong trẻo nhưng lạnh lẽo.

Hắn mơ màng tự hỏi nếu người kia ở đây, y có mỉm cười nhìn hắn, nâng bàn tay lên như đón lấy ánh trăng trong ngần kia?

Tương tư người cách xa ngàn dặm trùng non, tư vị này ai có thể hiểu cho?

-0-

Hành trình của Lý Tịch làm cho bộ hạ rất khó hiểu. Rõ ràng lộ trình có thể đi một ngày đường mà y lại kéo dài thêm nửa ngày nữa khiến tướng sĩ xầm xì, quả nhiên là tác phong quan văn mà. Mỗi lần A Nam thấy khó hiểu mà thúc giục thì y lại ra dáng bình chân như vại, không chút hoang mang khiến người ta sốt ruột đến chết. Rốt cuộc chừng bảy ngày sau, đoàn người của Lý Tịch cũng đến biên giới Nam cương.

Nói theo mấy lời truyền miệng của binh sĩ mà nói thì thật sự là “cơm canh gì cũng nguội lạnh cả rồi.” Thế nhưng lại có phát triển ngoài ý muốn, Lý Tịch bước vào Nam Cương không có bắt gặp ánh mắt lạnh lùng như mọi người dự đoán. Sớm biết được tin, hai đứa con thứ nhì và thứ tư của Ngôn Tông đều đến nơi, hy vọng có thể chiêu đãi Khâm sai từ phương xa đến.

Lý Tịch mỉm cười, dẫn theo một ngàn nhân mã hiên ngang vào Nam Cương, đến nơi chỉ thấy hai vị vương tử dốc lòng khoản đãi hết mực. Ven đường không hề thấy cảnh máu me nhuộm đầy. Xem ra tin báo quả nhiên đến sớm, ngay cả chiến trường được đồn đãi kia cũng dọn dẹp sạch sẽ. Cứ như thế dưới sự dẫn dắt của hai người kia, Lý Tịch bước vào đô thành của Nam Cương.

Khi này, lý do mà Lý Tịch công bố với hai vị vương tử là: “Hoàng thượng nghe nói ở Nam Cương có thổ phỉ làm loạn, lại nhớ đến sơ tang của huynh trưởng và cái chết bất đắc kỳ tử của Ngôn Vọng, tất nhiên hai vị vương tử sẽ bi thống trong lòng. Hoàng thượng thương cảm nên ra lệnh cho vi thần đến giúp Nam Cương gánh chút việc mọn, đồng thời cũng thay mặt Hoàng thượng mà phúng điếu.” Buổi nói chuyện diễn ra viên mãn tốt đẹp. Hai người con là Ngôn Lâm và Ngôn Già gật đầu dạ vâng, tỏ vẻ cảm kích rất nhiều. Dáng vẻ thuần phục này khiến những người sau lưng Lý Tịch đều đắc ý, xem ra chuyện nơi này không kết thúc đơn giản đâu.

Đêm đầu tiên ở Nam Cương, Lý Tịch không có chọn nghỉ ngơi ở nơi mà hai vị vương tử đặc biệt an bài, ngược lại đi thẳng vào ngôi chùa nổi danh của Nam Cương mà trú ngụ. Hành vi này khiến hàng tá người trố mắt, đình đài tốt lành không chịu ở, lại muốn làm bạn với thanh đăng mõ cổ trước Phật đường sao? Tuy có nghe Lý thừa tướng thanh tâm quả dục, tâm rất trong sáng… cũng không thể như thế được… Tốt xấu gì binh sĩ cũng cần nghỉ ngơi cho khỏe chứ, vậy mà y cố tình ra lệnh cho họ đóng binh xung quanh mảnh đất trống của ngôi chùa.

Mà chuyện khiến người khác giật mình là Ngôn Lâm và Ngôn Già cũng lần lượt vào trú trong chùa, bảo muốn thành tâm cầu khấn cho phụ thân và huynh trưởng. Kết quả là ba con người có quyền lực và quan hệ tế nhị trong Nam Cương lại trú ngụ vào ngôi chùa nho nhỏ, thật chỉ khiến trụ trì quýnh quáng cả tay chân. Vất vả lắm mới giữ cho chùa không bị khói lửa hủy mất, giờ ba người này vào đây là có ý gì? Chẳng lẽ là tai bay vạ gió hay sao?

Vài ngày sau, mọi chuyện bình thản trôi qua. Ngôn Lâm và Ngôn Già cung kính cẩn mật đối đãi với Lý thừa tướng, gần như là nói gì nghe đấy khiến những người xung quanh hơi kinh ngạc.

Tình hình khiến A Nam vò đầu bứt tai không lý giải được, rốt cuộc đến ngày thứ ba hắn thành thật lãnh giáo chủ nhân điều huyền ảo trong đó. Lúc đó Lý Tịch đang xem bản “tình hình tai họa” các nơi do Ngôn Lâm và Ngôn Già trình lên, sau đó nghe A Nam hỏi thì mỉm cười, ngẩng đầu lên nói: “Thế lực hai vị vương tử này ngang nhau nên mới có thể giằng co ba tháng mới phát động biến cố, nếu không thì ba tháng trước Ngôn Vọng đã an vị vào chỗ Nam Định vương rồi. Nhưng hai tháng sau này thì hai mãnh hổ giao tranh đã gần sức cùng lực kiệt. Ta đến vào lúc này lại cho họ một nấc thang bước lên để sống còn, ai có thể ‘thỉnh mời’ đương triều thừa tướng đi theo thì kẻ đó nắm phần thắng. Ngươi nói bọn họ có thể không nghe lời ta sao?”

A Nam tỉnh ngộ ra, cười hắc hắc rồi đi ra ngoài, hắn sờ bảo kiếm mà cảm khái anh hùng không có đất dụng võ.

Nhưng thế sự đều không xảy ra như định liệu của Lý Tịch. Bài giáo huấn này rất thấm với Tiểu Tiệm, rất thấm với Ngôn Ấp, nhưng mà thừa tướng đại nhân của chúng ta thì không có nhớ cái giáo huấn lợi hại này.

Cho nên khi đối mặt với bảo kiếm phẫn nộ của Ngôn Vọng thì y ngây ngẩn cả người. Nhìn mũi kiếm chĩa thẳng vào yết hầu mình mà Lý Tịch còn hơi để ý chuyện ngoài lề rằng ‘bảo kiếm thật là tốt.’ Con người trước mắt gầy gò tái nhợt, nhưng đôi mắt thì rất quen thuộc khiến dự cảm xấu trong lòng y chực thốt: “Ngôn Vọng?!”

Tay đối phương bắt đầu run rẩy đến độ Lý Tịch lo thanh kiếm sẽ rơi bất cứ lúc nào. Sau đó, ánh mắt người nam tử trở nên kiên cường, vững tay kiếm chạm sát lạnh vào cổ họng y…

Bốn bề rất mực êm ắng, bốn bề vô cùng căng thẳng.

Đó là một buổi tối yên ả, côn trùng rả rích kêu trong đêm hè, Ngôn Lâm thiết yến tiệc để đãi Lý Tịch. Lý Tịch nhận lời nên sang phủ hắn dự. Nhưng trên đường đến nơi thì Ngôn Già cũng nhập tiệc, mới vào tiệc được một chốc thì hai huynh đệ lại tranh chấp ì xèo với nhau. Lý Tịch bị sự vụ rối loạn của Nam Cương làm cho đau đầu, thấy bầu không khí nặng nề liền cẩn thận thoát lui ra hoa viên để hít thở không khí. Vừa mới dựa người vào thân cây đã bị bóng người đằng sau vụt ra làm hoảng sợ. Hắc y nhân kia nắm tay y khẩn trương hỏi khẽ: “Đại quan từ kinh thành tới đang ở đâu?”

Đám mây tách vầng trăng ra soi sáng hai người, đôi bên đồng thời ngẩn ngơ. Lý Tịch nhìn ra đôi mắt quen thuộc kia hơi xếch lại ướm nỗi u buồn. Người đó còn trẻ, toàn thân vận hắc y, lúc thấy Lý Tịch thì hắn lắp bắp kinh hãi, sau đó bặm môi lại. Chẳng hiểu sao y lại thấy rất quen.

Người thanh niên kia thấy quan phục lộng lẫy của Lý Tịch thì chĩa kiếm ngay yết hầu y: “Ngươi chính là Lý Tịch?”

Lý Tịch không đáp lời. Lưỡi kiếm lấp loáng khiến lòng y giao động, bầu không khí căng thẳng khiến y nghĩ đến một người khác. Y thốt: “Ngươi là Ngôn Vọng?” Vừa vặn hôm qua y nhìn thấy bức họa của Ngôn Tông với đứa con Ngôn Vọng. Họa sĩ vẽ bức tranh rất sinh động. Ngôn Tông thì không nhắc đến, nhưng đôi mắt của Ngôn Vọng lại tràn ngập biết bao uất ức và căng thẳng… Cũng như đôi mắt của người thanh niên này.

Tay người đối diện bắt đầu run rẩy khiến Lý Tịch mở to mắt, phản ứng của hắn khiến y thấy sợ hãi. Rõ ràng Ngôn Vọng đã chết rồi mà?

“Phải, là ta.” Rốt cuộc hắn cũng trả lời.

“Vì sao chứ?”

“Cái gì mà vì sao?”

“Ngươi không sao à?”

“Ai cũng đều nói ta chết thật à?” Nam tử cười gằn khiến lòng bàn tay Lý Tịch toát mồ hôi, tiếng cười đó mang nỗi thống khổ dị thường, không phải là tiếng cười của vương tôn quý tộc.

Y lại mở lời: “Không có sao là tốt rồi. Ngôn Vọng, mấy hôm nay ngươi đã ở đâu?”

“Không có sao là tốt à? Ta nghĩ các người đều mong ta chết đi mà!” Ánh mắt người thanh niên càng thên phẫn nộ.

Lý Tịch cảm nhận cổ họng mình nuốt hơi mấy bận, đoạn dợm cười: “Tại sao ngươi lại nói vậy? Ngươi tìm ra có chuyện gì sao?”

“Không cần ở đó giả nhân giả nghĩa, hai chúng ta đều biết rõ kẻ muốn ta chết nhất chính là Ngôn Ấp và ngươi!”

Y đanh mặt lại: “Ngôn Vọng, dù ta không biết ngươi gặp phải chuyện gì, nhưng tên của đế vương là để cho ngươi gọi thế sao?”

“Ngươi còn giả mù sa mưa? Nếu ta chết đi, các ngươi có thể danh chính ngôn thuận dấy lên chiến loạn trong Nam Cương, lại đường hoàng mưu lợi bất chính! Lý Tịch, khắp thiên hạ đều biết tâm tư của các ngươi, chứ sao đến giờ ngươi mới vào cuộc, ngươi tưởng ta không biết sao?” Giọng nói của Ngôn Vọng dần dần kích động khiến y chột dạ, cảm thấy tình thế dần vuột khỏi tầm tay. Nhưng có lẽ ai cũng đổ dồn vào bữa tiệc nên không kẻ nào phát hiện góc khuất nhỏ này.

Mây đen dần che khuất ánh trăng, thanh âm Ngôn Vọng vang lên: “Hôm nay ta sẽ giết ngươi, để cho Ngôn Ấp biết hắn thấy chết mà không cứu có hậu hoạn gì!”

Lý Tịch nhắm mắt lại – Mạng ta thế là xong.

“Khoan đã!”

Có một người bước ra sau hòn giả sơn, Ngôn Vọng giật mình quay đầu lại, Lý Tịch cũng thấy được con người ngàn vạn lần không ngờ sẽ xuất hiện nơi đây – Ngôn Ấp.

Ngôn Vọng trố mắt nhìn người nam tử phong trần gió bụi kia, mãi một lúc mới lắp bắp: “…Hoàng thượng…”

“Buông Lý Tịch ra.” Ngôn Ấp đứng phía bên phải của Ngôn Vọng, hắn thoáng nhìn khuôn mặt tái nhợt của Lý Tịch thì lạnh lùng bảo Ngôn Vọng: “Thả y ra.”

Tay nắm kiếm của Ngôn Vọng càng thêm siết chặt: “Ngươi dựa vào cái gì chứ?”

“Ta biết trong lòng ngươi không phục ta, ngươi nhắm vào Lý thừa tướng chẳng qua muốn đả kích ta thôi. Được, hôm nay ta không phải là hoàng đế hay thúc thúc của ngươi, chúng ta chỉ dùng thân phận nam nhân. Ta yêu cầu ngươi thả Lý Tịch ra.”

Biểu tình Ngôn Vọng hoang mang: “Vì cái gì? Nếu ngươi không phải quân vương cũng chẳng phải trưởng bối ta, vậy ngươi có tư cách gì yêu cầu ta hả?”

“Chúng ta là nam nhi của Ngôn gia, người gia tộc chúng ta chưa bao giờ đùn đẩy sai lầm và trách nhiệm của mình lên đầu người khác. Phụ thân đã khuất của ngươi chưa từng làm như vậy, các huynh trưởng của ta cũng chưa bao giờ như thế, cả điệt nhi của ta… Ngôn Khiêm cũng chưa từng làm như vậy. Việc của mình làm dù đúng hay sai cũng phải do bản thân gánh vác. Chỉ có như thế thì người của Ngôn gia mới chưởng quản được thiên hạ này. Còn ngươi thì sao hả? Dù ngươi không có thế lực gì trong số các huynh đệ, nhưng vài năm gần đây ngươi được phụ thân thiên vị rất nhiều. Bản thân ngươi cũng không ngu ngốc, đương nhiên hiểu rõ không dễ ngồi vững vị trí vương hầu này. Đối mặt với dã tâm của đệ đệ mình, chẳng những ngươi không có tăng phòng bị ngược lại dễ dàng trúng quỷ kế của bọn chúng – Ta nghe nói ngươi bị ám sát là lần đầu tiên trong ba tháng trước – Tình trạng của ngươi hôm nay liệu có phải do ta và Lý Tịch không trợ giúp không? Ngôn Vọng, ngươi hãy đặt tay lên ngực tự vấn, ngươi có hổ thẹn hay không? Hôm nay ngươi lỗ mãng xuất hiện, dù có thế giết được Lý Tịch thì ngươi có năng lực đào thoát sao? Chẳng lẽ ngươi muốn mấy lão thần đã dốc sức giúp ngươi đào thoát vứt bỏ tính mạng sao? Ngôn Vọng, nếu thật vậy thì số trời định ngươi sẽ không nắm được giang sơn. Nếu Ngôn Lâm và Ngôn Già không giết được ngươi lần này thì lần tới sẽ được!” Dưới ánh trăng, ánh mắt Ngôn Ấp sáng ngời trong khi đôi mắt Ngôn Vọng càng ngày càng ảm đạm. Hắn dứt lời thì lặng thinh, chỉ lạnh lùng nhìn Ngôn Vọng.

Vầng trăng từ tốn ló ra khỏi mây đen, ánh trăng rọi xuống cây lá khiến bóng cây phủ lên mặt Ngôn Vọng. Ánh mắt hắn nhắm lại, rốt cuộc kiếm rơi cái choang xuống đất. Hắn lảo đảo thối lui trong thất thần bấn loạn.

Đợi khi bóng người nọ khuất hẳn sau đường nhỏ Lý Tịch mới thở hốc ra. Người kia ôm chặt y vào lòng, trên người hắn còn đầy mùi vị cát bụi gió sương. Ngôn Ấp vùi mặt vào bên cổ Lý Tịch mà thở dài một hơi: “Tên tiểu tử đó cũng còn chút tự tôn.”

Lý Tịch lặng thinh ôm lấy người yêu của mình, bước chân lùi về tới khi lưng đụng phải thân cây đằng sau. Qua một hồi lâu y mới đẩy hắn ra, sắc mặt hắn đang vui mừng mà y thì chỉ bình thản: “Tại sao ngươi lại đến đây?”

Ngôn Ấp không trả lời, dưới ánh trăng, ánh mắt Lý Tịch nói cho hắn biết rằng sẽ có người nào đó bị xử lý.

Y tiếp tục nói: “Ngươi biết rõ bản thân không được hoan nghênh ở Nam Cương mà còn dẫn theo ít binh như thế đến đây? Rõ ràng ngươi mong cục diện của Nam Cương càng rối rắm thêm mà, vì sao lại đến đây?”

Ngôn Ấp không có đáp lời.

Y lại hỏi tiếp: “Ngươi cũng biết lỡ như ngươi có mệnh hệ nào thì sẽ có ảnh hưởng gì đến nhà Trần chúng ta không hả? Ngươi cũng biết ta hao tâm tổn trí mới đổi được chút thái bình cho Nam Cương, ngươi lại tính làm gì đây?” Có lẽ vì chuyện vừa rồi bị hoảng hồn chư trấn tĩnh mà câu hỏi của y nghe rất hung hăng.

Hắn vẫn đứng đó lặng thinh.

Lý Tịch phất tay áo, sắc mặt đanh lại mà thối lui: “Nếu bệ hạ không trả lời được thì Lý Tịch chỉ có thể xin bệ hạ mau quay về càng nhanh càng tốt, để tránh nhiều chuyện đa đoan.”

Y tính phủi tay mà đi nhưng chưa gì đã bị người kia níu lại. Y uất giận quay đầu thì hắn lại ôm chầm y vào lòng: “Ngươi không có sao là tốt rồi…”

Cái ôm ấm hỉnh khiến lòng dạ Lý Tịch xót đau. Cơn sợ hãi khi mũi kiếm chỉa vào cổ họng giờ mới dậy lên, lúc này y mới thấy tay chân mình lạnh ngắt.

Ngôn Ấp siết tay y mà trìu mến bảo: “Được rồi, là ta đã sai.”

Y nhắm mắt lại.

Thanh âm người nọ vẫn vang lên: “Ta không nên vì ham muốn cá nhân mà tùy hứng làm loạn. Sự việc đúng là có cách giải quyết hay hơn, những lời nói với Ngôn Vọng khi nãy là sai. Bàng quan chính là trợ giúp.”

Lý Tịch choàng tay ôm lấy con người kiêu ngạo đang cúi đầu kia.

Tiếng ve sầu mùa hè lại ra rả kêu, gió nhẹ thổi lướt qua ngọn cây, tiếng côn trùng thấp thoáng lúc vang lúc dịu trong đêm. Đây là buổi tối trong lành nhưng lại ấm áp, xa xa ánh đèn sáng tỏ, tiếng ăn uống linh đình náo nhiệt của yến tiệc vang dội ra. Nhưng tất cả đều rất xa xôi.

Ánh trăng như nước trong ngày trời quang đãng chiếu soi chỗ hai người đứng. Một cảnh sóng vai như thế tựa như có thể chống đỡ hết thảy mưa gió thất thường.

-0-

Nửa tháng sau, Lý thừa tướng khải hoàn quay về đại công cáo thành. Ngôi vị Nam Định vương truyền cho người con thứ hai là Ngôn Lâm, cuộc loạn lạc của Nam Cương cũng bình định sau Ngôn Lâm. Còn người con thứ tư, Ngôn Già thì được ban thưởng thái ấp vốn thuộc về Nam Định vương, là vùng đất phì nhiêu màu mỡ của Nam Cương. Nói tóm lại, kế của Lý Tịch không mới nhưng hữu dụng, đúng là “hai phương giao chiến ba mươi hồi nhưng đều được thưởng.” Cho người hiện đại nhìn vào cũng chỉ biết kêu quả là chiến thuật “đại bổng gia kim nguyên, cây quý thêm tiền tài” mà.

Tuy không phải nước cờ cao minh gì, nhưng vì giai đoạn trước Ngôn Lâm và Ngôn Già giằng co với nhau đều tự tiêu hao sức lực mình nên cả hai đều vô lực phản kháng. Từ đó về sau Nam Cương được yên ổn rất nhiều năm. Đương nhiên lúc sau lại có biến loạn nổi lên, nhưng chuyện đó nằm ngoài ngoại truyện này rồi.

Nói đi cũng phải nói lại, khi Lý thừa tướng quay về thì rốt cuộc mọi người đã hiểu ra nỗi khổ không thành thân của y. Theo nguồn tin đáng tin cậy thì Lý thừa tướng là đệ tử thành kính của lễ Phật, nếu chẳng phải do cớ vì thiên hạ thì ngài đã sớm vứt đi trần duyên mà xuất gia. Nhưng Lý thừa tướng tiều tụy đứng trước Phật mà thề rằng, cuộc đời này tuyệt không thành thân, nguyện tận tâm tận sức cho thiên hạ bá tánh.

Vì sao biết được những lời đó ư? Nghe nói hình như thì là mà vị cao tăng nào đó ở Nam Cương biết được. Lý Tịch thừa tướng đại nhân vừa vào Nam Cương thì trước tiên là bái phỏng vị cao tăng này đó!

Tuy lý do này kể ra khiến người ta rất ư là phiền muộn, nhưng rồi có người trong số kẻ trung thần nghĩa sĩ với Lý Tịch đại nhân cũng tọc mạch đi nghiên cứu, xem vị cao tăng kia có phải mỹ thiếu niên hay không. Kết quả đương nhiên là thất vọng ê chề mà về, lại bị một cú đau từ “đội hộ vệ của Lý thừa tướng” mới nổi dậy nên không giải quyết được gì.

Cũng chính là từ sau đó mà Lý Tịch đại nhân có được một đám người trung thành ủng hộ, đại đa số là nữ tử từ mười sáu tuổi đến sáu mươi tuổi, nguyên do là… “Người ta đủ anh tuấn mà lại đủ sầu muộn, hơn nữa ai cũng không thể chiếm y được!” Khi nói câu này, thể nào bằng hữu nữ cũng chỉ ra tâm trạng của Tây Thi, chỉ tội cho nam tử xung quanh thấy muốn hộc máu ghê.

Mà chính cái gọi là thật thật giả giả, giả giả thật thật, không ai biết cái nào là thật mà cái nào là giả đó.

– Hết bộ –