Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 2: Thiên Khải

Sau tiệc Chu Tuế, Lâm Dịch lại bắt đầu hết ăn lại ngủ, hết ngủ lại ăn. Cuộc sống chỉ ăn với ngủ lẽ ra là điều mà bao người hâm mộ mà không được, nhất là lúc đối với những kẻ ghét đi học, suốt ngày chỉ kết bè kết đảng sống phóng túng, thì đó chính là cuộc sống lý tưởng. Nếu được như thế, chắc đến ngủ cũng sẽ mỉm cười. Chỉ là khi trải qua mới hiểu được, những ngày như vậy sẽ từ từ bóp chết ham muốn tồn tại, nhất là đối với một người như Lâm Dịch, tâm trí thành thục trong cơ thể hài đồng. Việc có thể làm nhiều nhất chính là khuya tay múa chân. Cho dù muốn tập đi một chút, nha hoàn ma ma bên cạnh đều hoảng sợ.


Một năm trôi qua, cảm giác muốn ngủ cũng không còn nhiều nữa, thay vào đó suốt ngày dùng thời gian yên tĩnh để tiêu hóa việc xuyên qua này, chủ yếu là cũng không có thời gian đắn đo việc khác, vì hiện tại cũng đã tỉnh ra nhiều, chuyện có thể làm lại càng ít hơn. Mỗi sáng tinh mơ, ngủ đến trưa dậy gặp mẫu thân cổ đại, sau một canh giờ lại bú sữa một lần. Nó đã được một tuổi, xem ra đã đến lúc cai sữa. Đáng tiếc không ai nghe nó nói, mà tự mình ăn thì chắc sẽ bị đói chết. Tri phủ lão cha bình thường cứ cách một ngày lại đến thăm một lần, chỉ là cho tới bây giờ vẫn chưa ôm nó lần nào. Đại khái ở cổ đại có quan niệm ôm cháu, không ôm con, so với lão ba ở hiện đại thì kém xa. Nghĩ đến những năm học trung học cơ sở, lão ba còn cõng cô trên vai! Nghĩ xa quá! Bất đắc dĩ, Lâm Dịch lại đem thời gian để suy ngẫm xem mấy nha hoàn đang nói cái gì.


Trong tiểu thuyết đều nói đạt được nhân tâm là học cao hiểu rộng gì đó, đều là lời vô căn cứ, ít nhất nó sẽ không thể hiện năng lực như vậy, trái lại ăn cũng mệt không kém. Đại khái đã hình thành một lối nghĩ, đối với các nha hoàn nói tiếng địa phương cứ theo bản năng mà hiểu là được: phiên dịch tiếng phổ thông trong lời thì làm sao mà phiên dịch được. Thành ra, khi nói còn có thêm cảm giác, nói chẳng ra ngô ra khoai gì, khiến cho mẫu thân cổ đại luôn cảm thán, "Rõ ràng là xuất thân ở Giang Nam, tại sao khi nói thì có giọng kinh đô, Tam nhi chúng ta chắc là người kinh đô gửi hồn vào phải không nhỉ?" Không thể không nói, mẫu thân, đúng như vậy mà!


Lúc hai tuổi, Lâm Dịch đã học được tám phần phương ngôn của Giang Châu, tuy rằng bình thường nói khẩu âm có chút khác. Phùng ma ma và đám người kia uốn nắn không được, đành không làm nữa. Trao đổi vài câu thông dụng đã không thành vấn đề. Chẳng qua Lâm Dịch cũng không dám làm gì quá giới hạn, để miễn người khác lại gọi là "Thần tiên đại đế" rồi bị cưỡng ép thổi phồng thành phù thủy gì đó.


Đến tận bây giờ, Lâm Dịch vẫn không rõ rốt cuộc đây là triều đại gì, hoàng đế cầm quyền là ai. Đối với mấy người nha hoàn ma ma mà nói, đây là việc quá xa vời. Ở phủ quan Tri phủ với họ mà nói đã là đại quan rồi. Hoàng đế gì đó ngay cả suy nghĩ cũng đã là phạm húy, kiêng kị, chứ đừng nói là bàn luận. Lúc đón tân niên, quý phủ mời đến một gánh hát. Nó và mẫu thân cổ đại xem chẳng khác gì Mẫu Đan Đình Hoàn Hồn Kí (1), cho thấy hiện tại rất ít khi hoặc không hề ra đường. Lúc ở hiện đại, hằng năm người ta dùng Thiên can địa chi (2) gì đó nó cũng không hiểu. Trang phục này nhìn không đoán ra được là Đường hay Tống, dù sao cũng không rõ ràng. Thôi thì xem cái này cũng coi như có chút an ủi. Xuyên qua gì đó thật đủ bực bội rồi, càng đừng nên nhắc bộ dạng nam nhân bây giờ nữa.


(1) "Mẫu Đơn Đình Hoàn Hồn Ký": còn gọi là "Mẫu Đơn Đình," là một vở kịch do Thang Hiển Tổ biên soạn, lấy bối cảnh triều đại Nam Tống, kể về Đỗ Lệ Nương, con gái của Thái Thú Đỗ Bảo. Đỗ Lệ Nương 16 tuổi chưa gả, bị cha giữ trong nhà như bảo vật. Nàng vô tình đọc được cuốn sách do một tú tài viết về mùa xuân mà động lòng, liền cùng nha hoàn lén lút ra sau vườn dạo chơi. Ở đây Lâm Dịch ví cái cảm giác nhìn thấy gánh hát như Đỗ Lệ Nương lần đầu được dạo chơi ở hoa viên, kích động, đầy cảm xúc.
(2) Thiên can địa chi: hay Can Chi là hệ thống đánh số theo chu kỳ của văn hóa Á Đông, xuất phát từ đời nhà Thương ở Trung Quốc. Trong hệ thống thường được biết đến với 10 Can (Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và 12 Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) lặp lại theo chu kỳ. Ví dụ, năm 2018 sẽ gọi là năm Mậu Tuất chiếu theo thứ tự Can Chi. Xem  để biết thêm chi tiết.



Lúc ba tuổi, Lâm Dịch lén lút đến thư phòng của Tô Minh Kiệt, muốn tìm xem có bộ sách sử nào chứng minh triều đại không. Ai dè quyết tâm có thừa mà sức lực không đủ. Thân hình nhỏ này ngay cả giá sách cũng không với tới, đành phải mang ghế dựa cẩn thận trèo lên, nhưng chưa tìm được sách thì đã bị xáo trộn, nó thì cũng bị té từ trên ghế xuống. 


"Đây là..." Mặc kệ đau đớn, Lâm Dịch ngồi bật dậy từ đống áo quần hỗn độn, "Giang Châu... Tô... Khâm mệnh... Tri phủ..." Hẳn là lệnh bổ nhiệm của Tô Minh Kiệt. Lâm Dịch nhanh chóng lật xem mấy trang khác, "Ngày 23, tháng Giêng, năm Thiên Khải thứ hai mươi..."


"Thiên Khải... Thiên Khải... Thiên Khải là niên hiệu của ai nhỉ?" Lâm Dịch cúi đầu suy tư.


"Đường... Tống... Nguyên... Minh..." Đột nhiên một tia sáng lóe lên, "Thiên Khải! Minh Hi Tông (3)!" Lâm Dịch kinh ngạc hét lên, vì phát hiện mà vô cùng phấn khích. Cuối cùng cũng biết rõ triều đại gì, là Minh triều! "Minh triều... Minh triều..." Nhưng mà quan lại triều Minh cũng không dễ làm, luôn phải đề phòng Đông Hán Tây Hán gì đó, ngày cả yên ổn ở nhà ăn cơm cũng không được. Nói thật là Lâm Dịch nhớ được vua Minh Hi Tông này cũng là nhờ phúc của lão cha của hắn, là hoàng đế Minh Quang Tông, người duy nhất của triều Minh chỉ tại vị 30 ngày. Đương nhiên còn có công lao của mấy bộ phim truyền hình, xem hai người Hoàng đế thợ mộc và Ngụy Trung Hiền đến nhập tâm.


(3) Minh Hi Tông (1621-1628): là vị Hoàng đế thứ 16 của nhà Minh. Ông được coi là người trực tiếp lẫn gián tiếp tạo nên sự suy yếu cho triều đại này. Minh Hi Tông trị vì 7 năm, lấy một niên hiệu duy nhất là Thiên Khải. Ở triều đại của Minh Hi Tông, hoạn quan Nguỵ Trung Hiền chuyên quyền kết bè phải gây lũng đoạn triều cương. Vua ham chơi, mê khắc gỗ, bị người đời gọi là "Ông vua thợ mộc".


"Minh triều... Minh triều... Thì ra là Minh triều..." Lâm Dịch cúi đầu lẩm bẩm, trong đầu hình như hiện lên gì đó, "Không đúng! Minh Hi Tông chỉ trị vì có 7 năm, sao lại có đến năm Thiên Khải thứ 20?"


"Tam nhi, con đến thư phòng làm gì?"


Còn chưa làm rõ được khó hiểu trong lòng, Lâm Dịch đã bị tiếng gọi phía sau làm cho hoảng sợ, lững thững đứng lên. Lúc này mới cảm nhận được sự đau đớn ở đầu gối. Song, bây giờ nó không có tâm trạng mà để ý. Người cổ đại xem thư phòng như thánh địa, nó mà không đối đáp tốt thì sẽ bị ăn vài gậy như chơi, đó là chưa kể nó vốn hơi sợ lão cha cổ đại hay xụ mặt này.


"... Cha... Con... Sách..." Phải nói thế nào cho tốt đây? Lâm Dịch tròn mắt đảo quanh, khuôn mặt béo tròn nhỏ nhắn cũng trở nên nghiêm túc, con người mà nó vốn quen thuộc cả đời này nói cho nó biết rằng nó sắp sửa phải nói dối, "Mẫu thân thường dạy đại ca, nhị ca thuở nhỏ trí tuệ, ba tuổi đã bắt đầu học đọc, học viết "Thiên Tự Văn" (4), "Bách Gia Tính" (5) gì đó. Con muốn..." Muốn nói lại thôi, nói như vậy mới là nghệ thuật!


(4) Thiên Tự Văn – 千字文: do Châu Hưng Tự (周興嗣)  thời Nam Lương biên soạn. Tương truyền Châu Hưng Tự là dựa vào bản thư pháp do Vương Hi Chi (王羲之), nhà thư pháp tài hoa thời Đông Tấn, viết để chép lại. Ông mất một đêm, chép lại đúng một ngàn chữ, một ngàn từ vựng không trùng lặp mà dâng lên cho vua. Thiên Tự Văn được đánh giá cao, và cũng được xem là sách vỡ lòng cho trẻ em học Hán Văn ở Trung Quốc
(5) Bách Gia Tính: là sách được biên soạn dưới thời Bắc Tống, hiện vẫn chưa rõ tác giả là ai, nhằm ghi chép về các họ ở Trung Quốc. Ban đầu vì có 100 họ nên được gọi là bách tính. Từ sau khi được ghi chép bài bản, có 411 họ được lưu lại. Đến bây giờ đã có đến 505 họ, trong đó có 445 họ đơn và 60 họ kép.


Quả nhiên, sắc mặt Tô Minh Kiệt bỗng nhiên tốt lên rất nhiều, "Hài nhi của ta có thể giác ngộ được điều này thật hiếm có, vi phụ năm xưa cũng là qua sinh thần ba tuổi mới bắt đầu học, con cũng đã đến tuổi nên học vỡ lòng rồi." Nói xong, Tô Minh Kiệt cố ý vuốt vuốt chòm râu suy ngẫm, "Chờ một thời gian, vi phụ sẽ tìm cho con một tiên sinh. Từ mai trở đi, con cứ đến thư phòng. Sau bữa trưa, vi phụ sẽ tự mình dạy cho con học hai canh giờ (6). Bút lông, nghiên mực ta sẽ phân phó mẫu thân con chuẩn bị. Khi đã bắt đầu học thì không được lười biếng, rõ chưa?"


(6) Canh giờ: Cách tính giờ của Trung Quốc cổ đại, 1 canh giờ = hai tiếng. Lâm Dịch học 2 canh giờ một ngày sẽ tương đương 4 tiếng theo giờ hiện đại.


"Vâng, hài nhi ghi nhớ!" Lâm Dịch cung kính đáp lời, trong lòng thật muốn vả vào miệng mình. Không có việc gì, tự nhiên nói chuyện này làm gì, thân thể nhỏ bé này chỉ mới có ba tuổi, mỗi ngày lại học bốn tiếng, chịu sao nổi? Có điều có thể biết chữ xem như cũng tốt.


"Tốt lắm, con về trước đi, ra ngoài kêu người tới dọn thư phòng một chút."


Tô Minh Kiệt phất tay áo. Lâm Dịch đành chịu đau ở đầu gối, giả vờ không có gì mà lui ra.


"Chuyện này là sao ta, rốt cuộc có phải là nhà Minh không?... Đường... Tống... Nguyên... Minh... Thanh.... Đường Tống Nguyên Minh Thanh... Thiên Khải... Thiên Khải... Trong lịch sử rốt cuộc có bao nhiêu người có niên hiệu là Thiên Khải đây?" Lâm Dịch ngồi trên hành lang gấp khúc, hai chân lắc lư giữa không trung, dưới chân là hoa sen nở rộ trong hồ nước nhân tạo. Vài động vật nhỏ lâu lâu lại nhảy lên nhảy xuống trên mặt hồ. Cảnh đẹp như vậy cũng khó mà xua tan sự khó chịu trong lòng nó. Lấy tay bới tung cái đầu không quá nhiều tóc, nó thật muốn hét lên vài tiếng. Chỉ là, nó chưa kịp làm thì đã nghe tiếng hét của nha hoàn bên cạnh.


"Tiểu công tử, không được mô!" Phịch một tiếng, tiểu nha hoàn liền quỳ xuống đất khóc lóc, "Trên nớ nguy hiểm, xin tiểu công tử mau trèo xuống đi! Nếu phu nhân biết được sẽ đánh chết nô tỳ đỏ!"


Lâm Dịch xoay người khinh khỉnh. Nha đầu này thật là, sao lại làm như thể nó muốn tự sát vậy. Hơn nữa, đó gọi là khuyên chủ tử sao, chủ tử nào mà quan tâm đến sống chết của nha hoàn chứ? Đúng là quá non nớt.


"Được, ta leo xuống là được, ngươi đừng khóc." Lâm Dịch men theo đường vòng vèo của lan can mà nhảy xuống, cảm thấy đầu gối lại đau âm ỉ, "Nhị Nha, người đi lấy thuốc trị thương đến đây cho ta. Thuốc lần trước ta đưa cho ngươi có còn không?"


"Vẫn còn," tiểu nha hoàn sau khi trả lời thì mặt đầy lo lắng, "Công tử, cậu bị thương hở? Có cần mời đại phu khôn?"


"Chỉ không cẩn thận vấp té, không cần mời đại phu. Mà này, đừng cho ai biết."


"Tại răng?" Nhị Nha trừng mắt cảm thấy mơ hồ, "Công tử nên noái với phu nhân, hồi tê nô tỳ bị đau cũng noái cho nương của nô tỳ biết, nương sẽ chuẩn bị đồ ăn ngon cho nô tỳ, bây giờ..." Có lẽ là muốn nói giờ đã bị bán vào trong phủ, tông giọng của tiểu nha đầu giảm dần.


"À, cũng không có gì nghiêm trọng. Ngươi chăm sóc ta là được." Lâm Dịch nhịn không được nói, "Ngươi không định nghe lời chủ tử sao?"


Nhị Nha không còn cách nào, đành phải nghe theo.


"Nha đầu ngốc này, nếu như phu nhân biết, ngươi có thể không bị đánh hả?"


______________________________