Mê Tông Chi Quốc

Chương 2: Hắc ốc



Đúng như Tư Mã Khôi vẫn thường nói: “Vận xui là một loại vậy may vĩnh viễn không bao giờ bị bỏ lỡ”.



Năm mười lăm tuổi, cha mẹ của Tư Mã Khôi đều bị buộc tội hữu khuynh, kẻ trước người sau lần lượt nhắm mắt xuôi tay vì bạo bệnh ngay trong lớp cải tạo, song thân ra đi vội vã đến nỗi chẳng kịp nhắn nhủ cậu con trai ở lại câu gì. Khi đó không có ai nói cho Tư Mã Khôi hay cậu nên đi đâu học, đến đâu ăn, cũng chẳng người nào thèm để mắt xem cậu sống hay chết. Đợi khi tất cả của cải trong nhà đều bị đem bán sạch trơn, từ trong ra ngoài chẳng có thứ gì đáng giá, cậu mới tỉnh ngộ từ nay về sau chỉ còn biết dựa vào chính mình mà thôi. Để tìm một con đường sống, cậu đành phải chạy đến nơi mà trước đây ngay cả nằm mơ cậu cũng không dám mơ đến – Hắc ốc để mưu sinh qua ngày.



“Hắc ốc” không phải là một tòa địa ốc màu đen mà đó là biệt danh của một xóm nhỏ ở vùng ngoại ô heo hút, con xóm nằm kẹp ngay giữa hai dải núi trọc, quanh năm mưa không thuận, gió không hòa, đất xấu dân nghèo, vô cùng xa xôi hẻo lánh. Thời chiến tranh, nơi đây từng bị máy bay thả bom dữ dội, sau đó xảy ra một trận hỏa hoạn rất lớn, nhà cửa bị thiêu cháy sụp đổ, khắp nơi tang thương, khói lửa dày đặc hun tất cả những bức tường vỡ nát còn sót lại thành một màu đen xì xì, vì thế người dân ở đây gọi nơi này là “Hắc ốc”.



Suốt mười năm loạn lạc, khu vực “Hắc ốc” vẫn chưa được chính phủ trùng tu. Bao nhiêu năm đến giờ không hề có người dân chính thức nào của con xóm quay lại cố hương sinh sống. Nhưng ngay trong lòng thôn xóm hoang tàn lại có một con đường sắt xuyên qua, hàng ngày rất nhiều chuyến tàu chuyên chở hàng hóa chạy đi chạy lại, đã thu hút một lượng lớn số người ăn theo đường sắt đến đây trú ngụ. Ngày qua tháng lại, nơi đây dần dần trở thành cứ địa tụ tập của những cư dân thuộc tầng đáy xã hội.



Đương nhiên ở đây không tránh khỏi việc vàng thau lẫn lộn, cát bùn nhào trộn cả vào nhau. Trong xóm có rất nhiều thành phần, từ trẻ mồ côi không nhà không cửa đến những kẻ nhặt rác lưu lạc tứ phương, những nông dân từ nông thôn chạy lên thành phố kiếm sống, những người nhặt than vụn rơi trên đường sắt, phu khuân vác ở bến tàu, kẻ bán khoai lang dạo, thậm chí còn có cả những thanh niên trí thức không chịu được công việc lao động chân tay gian khổ nơi hoang vu hẻo lánh một mình chạy trốn về đây ẩn náu.



Bọn họ chia bè kết phái sống ở Hắc ốc, đa số đều mưu sinh nhờ vào công việc buôn bán lặt vặt trái phép hoặc đào hầm lấp hố, chẳng người nào có công việc tử tế để làm, đương nhiên trong số đó không thiếu những kẻ phá khóa trộm đồ, bò vào xe lửa ăn cắp, còn có cả bọn lưu manh vô lại chuyên đâm thuê giết mướn kiếm tiền.



Những kẻ rập rình ẩn hiện ở khu vực Hắc ốc hầu như tất cả đều là thành phần đã bị bài trừ ra khỏi hệ thống xã hội, những việc chính phủ nghiêm cấm không được làm chúng đều nhúng tay làm cả. Nhưng trong khi thế giới bên ngoài đang hừng hực đấu tranh chính trị một mất một còn giữa các đảng phái thì ở đây dường như bị đoạn tuyệt hoàn toàn với thị phi tranh chấp, ngay cả tin tức giật gân chữ to in đậm ngay trên bìa báo cũng không lọt đến được nơi này. Mỗi lần có cớm vào xóm truy quét lùng sục, bang Hắc ốc chỉ cần đánh động vài tiếng là cả hội đã rút gọn không còn vết tích, đợi khi sóng yên bể lặng, lại kéo nhau trở về tụ tập. Tất cả các thế lực trong chính phủ dường như đều bất lực, chẳng làm gì được chúng, đành phải nhắm một mắt mở một mắt bỏ qua. Hơn nữa, chỉ cần bọn họ đừng gây ra trọng án kinh thiên động địa thì ai thèm để ý đến lũ “cặn bã của xã hội” sống ở khu ven thành phố bị bỏ hoang phế.




Băng đảng của Tư Mã Khôi là một nhóm gồm toàn những đứa trẻ khoảng tầm mười bốn mười lăm tuổi, trong đó có cả nam và nữ, đa số bọn chúng đều là con cái trong những gia đình có bố mẹ bị quy chụp thành phần cánh hữu, chúng lại chưa đến tuổi nhập ngũ để tham gia quân đội nên đành phải phiêu dạt nay đây mai đó, trôi nổi giữa xã hội, chúng không có việc làm cũng không được đi học, càng chẳng có bà con thân thích nào có thể nương tựa. Bọn chúng đúng là những kẻ “bà không yêu, cậu không chiều, thím nhìn thấy đá cho ba cái, ngay đến chó cũng nguýt dài quay mặt”.



Trong đám trẻ mới lớn này, tuy có một vài đứa cũng được nhận mấy đồng trợ cấp sinh hoạt phí, nhưng số tiền ít ỏi đó chẳng thấm vào đâu, bản năng sinh tồn buộc chúng phải tập hợp lại thành băng nhóm tranh giành cơm áo với xã hội. Khi đó thường thịnh hành khẩu hiệu “Tư tưởng Mao Trạch Đông như luồng gió xuân thổi đến muôn nơi” nên hội Tư Mã Khôi quyết định đặt tên cho nhóm là “Nhóm chiến đấu Xuân Phong” và còn nghiêm trang phát thệ trước tượng đài Mao chủ tịch: “Từ nay cả nhóm phải đoàn kết, đồng cam cộng khổ, cùng làm cách mạng”. Trên thực tế, khẩu hiệu này chỉ là cái cớ để chúng làm loạn, gây họa khắp nơi, quấy nhiễu an ninh khiến chó cắn gà kêu không ngày yên ổn, dân chúng cách mạng trong thành không người nào nhìn thấy chúng mà không muốn chửi mắng cho thỏa giận.



Tính chất của “Nhóm chiến đấu Xuân Phong” có vài phần tương tự với nhóm “Đồng Đảng” trong lịch sử từng nhiễu nhương thành phố sương mù Luân Đôn ở Anh, tuổi đời các thành viên đều tương đối thấp, hoạt động của nhóm có tính chất nguy hại nhất định đối với xã hội. Chẳng bao lâu sau, “Nhóm chiến đấu Xuân Phong” tự thấy rằng thành phố không phải nơi dễ kiếm cơm nên đành rút lui về khu vực gần Hắc ốc. Hội Tư Mã Khôi đánh mấy trận sống mái với bọn lưu manh bản địa, tuy chịu không ít thiệt thòi nhưng “không đánh bất thành bạn”, cuối cùng hai bên đã hóa giải được hận thù và đạt được nhận thức chung một cách không ngờ. Qua nhiều cuộc thương thuyết kéo dài, hai bên đã phân định ranh giới địa bàn của mỗi bên rất rạch ròi, cục diện hỗn loạn từ đó tạm thời ổn định trở lại.



Trong “Nhóm chiến đấu Xuân Phong”, Tư Mã Khôi có một người bạn thân tên là La Đại Hải. La Đại Hải khí chất hào hiệp lại rất dũng cảm, cha cậu ta là La Vạn Sơn, từng là bộ đội chuyển ngành làm cán bộ trong tòa án địa phương, sau này do bị điều động công tác nên cả gia đình từ Đông Bắc phải chuyển xuống Hồ Nam. Trong chiến dịch bài trừ hàng ngũ cán bộ suy đồi, ông La Vạn Sơn bị áp giải vào trại cải tạo lao động, còn lại một mình La Đại Hải tứ cố vô thân đành phải phiêu dạt đầu đường xó chợ. Tên tiểu tử này trông khá khôi ngô tuấn tú, tướng mạo đường hoàng, chiều cao và thể lực đều hơn hẳn các bạn cùng trang lứa, cậu ta rất thích ngồi rỗi lo chuyện thiên hạ, hay ra tay dẹp chuyện bất bình, vì thế có sức hiệu triệu rất lớn đối với các thành viên trong nhóm. Chỉ có điều khi còn nhỏ ở Đông Bắc, La Đại Hải bị rét đến nỗi đóng băng hỏng cả lưỡi nên khi nói không mấy rõ ràng, lại thêm cái tật nói nhiều vì vậy bị mọi người ở đây đặt cho biệt danh Hải ngọng.



Vì từ nhỏ Tư Mã Khôi đã bái “Văn Võ tiên sinh” làm thầy nên cũng thủ thân được chút ít bản lĩnh lục lâm, cậu ta không chỉ thân thủ nhanh nhẹn, ra tay gọn gàng, gan to hơn người mà còn rất giỏi ăn nói giảo biện, lại hiểu được các quy tắc của giới giang hồ trước giải phóng, biết rằng “Hành bang các phái, coi nghĩa khí làm trọng”. Trong những kẻ chiếm cứ khu Hắc ốc có không ít tên xuất thân từ xã hội cũ, chỉ có Tư Mã Khôi mới giao lưu được với chúng. Bởi vậy Tư Mã Khôi và La Đại Hải tự dưng trở thành thủ lĩnh của nhóm “Xuân Phong”, cầm đầu cả hơn trăm thiếu niên nam nữ, suốt ngày náo loạn con đường sắt hoang phế, thoát ẩn thoắt hiện, di chuyển nhanh như lốc cuốn.



“Xuân Phong đoàn” tuy đã giao kèo được vấn đề lãnh thổ với “Hắc Ốc bang”, rằng lấy đường sắt làm ranh giới phân định, nhưng vấn đề sinh tồn của hội Tư Mã Khôi vẫn chưa được giải quyết. Cứ theo thành phần xuất thân mà xét, bọn họ tuyệt đối không cam tâm đi nhặt than rơi trên đường sắt hoặc làm các công việc lao động chân tay thấp hèn. May mà Tư Mã Khôi có nhiều tai mắt, lại nhanh trí, cuối cũng cũng nghĩ ra một kế mưu sinh thượng sách. Cậu bảo các thành viên trong nhóm khuân tất cả đồ đạc còn sót lại trong nhà chuyển đến lều trại dựng tạm ở đây để xây dựng cứ điểm hoạt động, đồng thời sai đám con nít nhỏ tuổi lợi dụng hoàn cảnh gia đình bi thảm trở về nhà bếp cơ quan nơi bố mẹ chúng đã làm trước đây để “thuận tay dắt bò”. Kế sách này được gọi là “Khổ nhục kế”. Kế hay ở chỗ cho dù lỡ bị người ta phát hiện cũng không sao, bởi vì thành viên được phái đi thực hiện nhiệm vụ chỉ là những đứa trẻ khoảng trên mười tuổi. Hơn nữa các nhân viên làm trong nhà bếp đa phần lại là đồng nghiệp cũ, quen biết với cha mẹ chúng, chẳng ai nỡ lòng nào tóm cổ chúng giao nộp cho chính quyền, ngược lại phần lớn họ đều lấy cơm thừa canh cặn trong nhà bếp mang ra chia cho đám trẻ.



Thử nghiệm được vài ngày, các nhà bếp quả nhiên đều tình nguyện để lại cơm thừa cho bọn trẻ. Tư Mã Khôi thấy kế này khả thi liền cho bắc mấy cái bếp ở chân tường đổ nát, rồi đi trộm vài chiếc nồi to. Khi thức ăn kiếm về không đủ liền thả thêm vào đó mấy cọng rau nát, đồ khô thì mang lên hấp, đồ có nước thì cho vào nồi nấu thành một thứ thức ăn hỗn hợp. Vì đây là những đồ ăn thừa ở các nhà bếp khác nhau nên khẩu vị mỗi món một khác, sau khi đổ lẫn vào nhau nấu lên, mùi vị lại hấp dẫn khác thường, mùi thơm tỏa ra khắp nơi. Cả nhóm đắc chí đặt tên cho nó mỹ danh “Khách sạn Lục Quốc”.



Có điều hội Tư Mã Khôi không thèm ăn mấy đồ đó mà bán lại cho bọn “Hắc Ốc bang” ở bên kia đường sắt. Đám người đó đều là dân lao động chân tay, cả năm quần quật làm những công việc nặng, bụng lúc nào cũng rống tuếch, hơn nữa cả đời chưa bao giờ được thưởng thức các món ăn ở nhà bếp cơ quan, chính phủ. Bọn họ nhìn đồ ăn trong nồi của “Khách sạn Lục Quốc” vô cùng phong phú, lại láng một lớp dầu hoa ở bên trên, thấy ngon hơn hẳn đồ ăn thường ngày của mình nên người nào người nấy lần lượt móc tiền trong hầu bao ra mua từng bát lớn. Họ đút cả cơm lẫn cháo vào miệng nhai nuốt ngon lành. Những kẻ không có tiền thì dùng vật để trao đổi. “Khách sạn Lục Quốc” do Tư Mã Khôi phát minh ra ngày nào cũng cháy hàng, nồi niêu sạch trơn, cung không đủ cầu.



Hành động lần này của hội Tư Mã Khôi đã nhiều phần hóa giải được ánh mắt thù địch lẫn nhau giữa hai bang phái bên đường sắt, hơn nữa lại mang đến khoản lợi nhuận không nhỏ giúp cả hội duy trì những nhu cầu của cuộc sống.



Cứ như vậy qua hết mùa xuân, ngày càng lúc càng dài, chớp mắt đã bước vào mùa hè oi bức. Những ngày này chẳng thấy bóng dáng của một giọt mưa, trời hanh vật khô, nóng bỏng như trên chảo lửa. Lúc sắp trưa cũng là thời khắc khu Hắc Ốc yên tĩnh nhất trong ngày, mọi người đều tản ra các ngả lao động kiếm cơm, chỉ có mấy cô gái ở nhà lo chuyện bếp núc, chuẩn bị nấu thức ăn thừa từ ngày hôm trước, để phần cho những người ở lại ăn.



Buổi sáng ngày hôm đó, La Đại Hải đặt bẫy ở khu đất hoang và tròng cổ được một con lợn rừng cỡ nhỡ, liền mang về Hắc ốc giết thịt, mổ bụng lột da, xử lý hết nội tạng rồi ngoắc cả tảng thịt tiết rỏ ròng ròng lên móc câu, thuận tay vứt luôn cái đầu lợn vừa cắt ra khi nãy lên tấm gỗ để ngay bên cạnh, chuẩn bị nổi lửa nấu nồi thịt cải thiện bữa tối cho cả nhóm. Đợi đến buổi trưa mới xong việc, cậu ta liền ngồi phệt đít xuống tấm đá xanh đặt trước cửa trại ngồi nghỉ ngơi hóng mát.



Lúc này, Hải ngọng nóng bức đến nỗi mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng trên đầu vẫn đội khư khư chiếc mũ quân nhân rách nát đi cướp được từ đời thủa nào, miệng phì phèo điếu thuốc, vừa hút vừa thao thao bất tuyệt nói chuyện với Tư Mã Khôi, chủ đề vẫn quanh quẩn mấy chuyện đợi khi nào bố cậu ta phục chức trở lại làm việc như trước, bọn rác rưởi dám đăng tin việc nhà cậu lên trang nhất hãy chống mắt lên mà xem cậu đây trả thù như thế nào.



Tư Mã Khôi tuy tuổi còn nhỏ nhưng lại trải nghiệm không ít những gập ghềnh trên đường đời, điều đó khiến tâm lí phản nghịch xã hội của cậu trở nên vô cùng nghiêm trọng. Dường như cậu đã sớm dập tắt hết mọi hi vọng trong lòng nên nghe Hải ngọng nói vậy chỉ ậm ừ đáp bừa vài câu lấy lệ.




Đúng lúc này, cậu chợt nhìn thấy một lão già đi vào trong ngõ. Tư Mã Khôi vô cùng thính tai tinh mắt, bất kể gió lay cỏ động khẽ khàng thế nào cũng không lọt khỏi tầm mắt. Chững lại thầm ước lượng một lát, cậu cảm thấy kẻ mới đến có chút gì đó khá cổ quái.



Quay đầu nhìn kỹ, chỉ thấy lão già đó ăn mặc rách rưới, quê cục, hơn nữa trông mặt rất lạ, chắc chắn không phải là người sống ở bên khu Hắc ốc hoang phế này. Lão già xem chừng tầm hơn năm mươi tuổi, dáng người nhỏ thó, mắt la mày lém, hai bên mép còn để hai chòm râu chó, cổ đeo chuỗi “bánh đả cẩu”, đầu đội chiếc mũ chóp cao rách nát, tay cầm bồ cào, vai cõng một túi vải đay phồng to cồm cộm, trên người mặc chiếc áo khoác bằng da trông khá cũ, trước ngực áo còn có một hàng séc, quần dài áo dài, chân đi đôi giày đen đế dày cộp đá bò bò chết, mũi giày há hoác miệng lòi ra góc tất trắng bên trong. Bây giờ đúng là ngày hạ chí, trời nóng như đổ lửa nhưng nhìn cách ăn mặc đông không ra đông, hè không ra hè của lão già khiến người ta không khỏi cảm thấy khác thường.



Lão già lạ mặt đó dùng cặp mắt cú vọ ngó đông nhìn tây một hồi, đợi lúc đi đến trước cửa căn lều gỗ của Tư Mã Khôi, hốt nhiên lão ta dừng lại, giả bộ quỳ xuống xách giày, đồng thời thò đầu vào trong lều ngó nghiêng dò xét.



Cử chỉ này của lão có thể che mắt mọi người nhưng không thể che mắt Tư Mã Khôi. Tư Mã Khôi quan sát hành động và cách ăn vận của người này, trong lòng cảm thấy vô cùng quái dị, lập tức đề cao tinh thần cảnh giác, đồng thời mở miệng dò hỏi một câu: “Xem lão gia không quen mặt, chẳng biết từ đâu đến thế?”



Lão già nghe hỏi lập tức đứng thẳng người dậy, đuôi mắt quét quanh một lượt, liền nhận ra Tư Mã Khôi và La Đại Hải chính là chủ nhân căn lều hoang phế này, lập tức ngoác miệng cố nặn ra một nụ cười trên khuôn mặt già nua. Lão ta nói với hai người: “Không dám nhận lão gia, mỗ đây họ Triệu, quê ở Quan Đông, từ trước đến nay không có biệt hiệu gì, những người quen biết đều gọi mỗ là Triệu Lão Biệt. Trước giải phóng mỗ lưu lạc đến đây, mấy năm nay phiêu dạt khắp nơi trong ngoài thành, dựa vào công việc đan làn cỏ, nhặt phế liệu sống qua ngày. Hôm nay đến vùng đất quý này là muốn đổi một số vật phẩm thiết yếu trong cuộc sống”.



Tư Mã Khôi nghe lão trình bày khá rõ ràng, trong lòng ngầm giảm bớt cảm giác đề phòng, tiếp tục hỏi Triệu Lão Biệt: “Sao Triệu sư phụ lại ăn mặc như vậy? Trời hè oi bức, lão không sợ ủ thối người ra à?”



Triệu Lão Biệt mỉm cười nhẹ, trả lời ngay: “Bậc hậu sinh các cậu không hiểu đấy thôi, chiếc áo mỗ đây mặc được gọi là áo khoác anh hùng như ý, tứ bề thông thoáng, rất thoát gió đấy”.



Tư Mã Khôi nghe thấy mấy lời lão già nói có vài phần giống tiếng lóng trong giới giang hồ, người thời nay làm gì còn ai nói năng như vậy nữa? Lòng càng cảm thấy kỳ quái hơn, cậu bèn hỏi gặng: “Xem lão nói năng không phải hạng phàm tục, chân tay lại khá nhanh nhẹn nhưng sao đi vào nơi ngói vỡ gạch nát hoang tàn này, không sợ bị què chân, lạc đường ư?”



Triệu Lão Biệt hiểu ngay ẩn ý trong lời lẽ của Tư Mã Khôi, nhưng dường như không thể tin những lời ấy lại phát ra từ miệng một đứa trẻ ranh như cậu, nên liền nảy ý thăm dò lại. Lão ta bước lên một bước, chân trước chân sau đứng chéo nhau, không ra hình chữ đinh, cũng không ra hình chữ bát rồi nói: “Mỗ đây chân cứng, đế dày, đi chắc, đứng vững, cất bước tiêu dao hoạt bát”.



Đoạn đối đáp của hai người toàn bộ là ám ngữ của thế giới ngầm trong “Đáy biển giang hồ”, Hải ngọng đứng bên cạnh nghe chẳng hiểu gì, ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, nhưng Triệu Lão Biệt và Tư Mã Khôi thì ngấm ngầm hiểu đối phương không phải hạng tầm thường nên tuyệt đối không dám khinh xuất.



Triệu Lão Biệt dường như không có ý định bỏ đi ngay, lão nói trời nắng chang chang, trên đường đi vừa mệt vừa khát, muốn xin hai vị “đầu lĩnh” cho trú chân nghỉ ngơi giây lát uống ngụm nước chè. Miệng chưa nói xong, không đợi chủ nhà đồng ý, lão đã tự ý ngồi sụp xuống ngay trước lều.



Tư Mã Khôi cũng muốn xem rốt cục người này muốn làm gì cho nên cũng chẳng xua đuổi làm gì, ngược lại còn mang cho lão một chiếc bát, bên trong là nước trà “Lão Âm” vừa mới cắt ban sáng.



Triệu Lão Biệt chỉ “cảm ơn” hai tiếng rồi giơ tay đón lấy bát nước uống ực một hơi, cạn đến tận đáy, xong mới ngẩng mặt lên khen: “Loại trà Lão Âm có sâu trà quả đúng là thức uống giải khát bậc nhất”. Nói đoạn lão liền móc ra một tẩu thuốc, dốc ngược đáy xuống gõ mấy cái lên bàn, rồi nhét đầy sợi thuốc lá vào trong, châm lửa đầu tẩu thuốc, tí ta tí tách hút liền mấy hơi, vừa hút vừa chuyện trò mấy câu vô bổ cùng Tư Mã Khôi và La Đại Hải. Lòng vòng một hồi lâu cuối cùng lão cũng chịu đi vào chuyện chính.



Lão già Triệu Lão Biệt này tự nhận mình bước chân vào giang hồ mưu sinh từ rất sớm, thông thạo nhân tình thế thái, bây giờ lão ta có mối quan hệ rất tốt với một số đường dây đặc biệt trong thành, không những có thể hối lộ mà còn có thể lấy được rất nhiều đồ tốt trong thế giới ngầm. Cuộc nói chuyện khi nãy với Tư Mã Khôi khiến lão nhận thấy cậu tuy trẻ tuổi nhưng khá thông hiểu các quy tắc ngầm, chắc hẳn phải xuất thân từ một gia đình thế tộc, gốc gác không phải hạng vừa. Tục ngữ nói rất hay “Trọc đầu thì vào chùa, đội mũ thì làm quan”, nay người cao tay lại gặp bậc kỳ tài, thật đúng là duyên trời sắp đặt, vì thế lão tình nguyện để Tư Mã Thiên và La Đại Hải đi theo mình cùng hưởng phúc.




Giống như lão biết phép thần thông biến hóa vậy, lời nói vừa dứt thì lôi ngay từ trong túi vải đay rách nát của mình ra ba tút thuốc lá thơm hảo hạng, cười tít mắt bày cả lên mặt đất.



Gia thế nhà La Đại Hải cũng thuộc hạng có gốc gác, cậu ta lại là người khá trải đời nên vừa nhìn thấy liền biết loại thuốc lá này chỉ cung cấp hạn chế cho các cán bộ cấp cao, chứ lão bách tính thường dân hầu như chẳng bao giờ được nhìn thấy, cho dù ở chợ đen cũng khó lòng tìm ra, có tiền cũng không mua được. Lão già này xuất chiêu độc thật, một phát rút ra liền ba tút khiến Hải ngọng hai mắt vụt sáng, vội vã thò tay ra lấy, miệng còn nói: “Hôm nay, chúng ta coi như bèo nước tương phùng, lần đầu gặp mặt mà lão đã rộng rãi như thế, khiến anh em bọn tôi thấy xấu hổ vô cùng. Thế lão ở đơn vị nào? Lần sau anh em bọn tôi nhất định sẽ viết bức thư biểu dương, tỏ lòng cảm tạ sự giúp đỡ vô tư và khẳng khái này của lão”.



Triệu Lão Biệt cũng nhanh tay không kém, liền giơ tay ngăn không cho La Đại Hải rờ vào mấy tút thuốc: “Người anh em xin đừng vội, thứ này mỗ đâu dễ kiếm nhưng bất kể nói thế nào chúng ta gặp được nhau đúng là có duyên, hôm nay kết giao thành bằng hữu, hai bên xem như không còn vấn đề gì khúc mắc nữa. Hai vị đầu lĩnh thử xem, mỗ có thể dùng ba tút thuốc lá hảo hạng này để đổi lấy một … một vật trong căn lều của hai cậu không?”



La Đại Hải cười to: “Lão Triệu ơi lão Triệu, chẳng giấu gì lão, anh em bọn tôi đúng là những kẻ “Sói vàng bị cắt mất đuôi – trên người chẳng còn nửa cọng lông đáng tiền”, chỉ cần lão không chê mấy đồ giẻ rách trong căn lều của chúng tôi, nhìn thấy vật gì thích hợp lão cứ thỏa sức mà lấy”.



Tư Mã Khôi nhìn thấy tình hình như vậy, trong lòng không khỏi ngầm cảm thấy kỳ lạ, tuy cậu cũng muốn giữ ba tút thuốc lá thơm nhưng đầu óc vẫn khá tỉnh táo, nên liền tiến đến cạnh ngăn Triệu Lão Biệt rồi nói: “Khoan đã! Cuộc trao đổi này e rằng chưa xong, trước hết lão phải nói rõ xem rốt cục muốn đổi lấy vật gì trong lều đã”.



Triệu Lão Biệt dường như không thể nhẫn nại thêm nữa, con ngươi đảo một vòng rồi thò tay vào túi vải đay lấy ra một hộp tai lợn kho tàu, bốn ống thịt bò hộp chất cả lên mặt đất, đoạn nói: “Muốn đổi lấy vật gì, thì phải vào lều chọn xem mới biết được. Nhưng Triệu Lão Biệt mỗ cũng nói trước, trong hai thứ đồ ăn và thuốc lá, các cậu chỉ được đổi lấy một món, tuyệt đối không được lấy hơn”.



Tư Mã Khôi nhận thấy Triệu Lão Biệt dường như có ý rất quyết tâm muốn lấy bằng được vật đó, chưa đâu vào đâu, lão đã chủ động nâng giá, có câu “Càng mời càng không mua, càng hối càng không bán, nếu hối thúc quá đáng, mua bán cũng bất thành”, lão đã không tiếc mang ra bao nhiêu đồ quý hiếm để đổi lấy thứ trong căn lều thì thứ đó chắc hẳn cũng không phải loại tầm thường, làm sao Tư Mã Khôi có thể chấp nhận trao đổi dễ dàng như vậy.



Hơn nữa Tư Mã Khôi còn nhớ lại một việc, trước đây khi cậu còn ở miền Bắc, từng nghe người ta kể về truyền thuyết “Man di biệt bảo”, trong đó nói những nơi phong thủy tốt đều chôn giấu báu vật, không những vậy báu vật ấy vô cùng quý giá do trời đất tạo hóa, được thần quỷ ngầm bảo vệ. Nếu ai tự tiện sờ vào khó tránh khỏi rước họa vào thân, muốn đoạt được tất phải dùng những bí thuật kỳ môn cổ xưa mới xong. Bởi vậy họ không thể nói với người ngoài mình là kẻ quật táng, trộm ngọc mà nói lóng thành “biệt bảo”.



Nghe nói bí thuật “biệt bảo” khởi nguồn từ khu vực Giang Tây, muốn học món bản lĩnh này tất phải luyện tập từ nhỏ, người ta mang đứa trẻ vừa mới sinh nhốt vào mật thất kín mít không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, đợi đến ngày thứ 100 mới ẵm ra ngoài, từ đó nhãn lực của đứa bé trở nên khác biệt với mọi người, có thể phân biệt được mọi báu vật trên đời, họ gọi khả năng này là “Khai địa nhãn”, những loại truyền thuyết kiểu này là thật hay giả, người ngoài khó lòng mà biết.



Tư Mã Khôi thấy cách ăn vận và cử chỉ của Triệu Lão Biệt vô cùng kỳ quái, rõ ràng thần bí khó lường, không biết có trùng hợp với mấy truyền thuyết đó không, xem ra lão ta chắc hẳn là bậc kỳ tài hiểu biết về dị thuật biệt bảo. Chỉ có điều trong căn lều mà mình đang sống chỉ dặt đũa gẫy, bát sứt, bàn ghế chẳng cái nào còn nguyên lành, hoàn toàn không giống với dáng vẻ ngôi nhà để người ta sinh sống, quả đúng như lời La Đại Hải vừa nói, trong căn lều ngay cả chiếc bát uống trà tử tế cũng chẳng tìm thấy, thì làm gì có bảo vật gì đáng giá? Không biết thứ mà Triệu Lão Biệt muốn lấy rốt cục là thứ gì? Hơn nữa, lão ta lại vừa chân ướt chân ráo đến đây, làm sao phát hiện ra nơi này có giấu bảo vật dị thường?



Trong khi Tư Mã Khôi còn đang suy đoán mông lung thì Triệu Lão Biệt sớm đã thò đầu vào trong lều dò xét, ánh mắt nhìn chằm chằm vào một chiếc cọc gỗ lớn, đó chính là chiếc án dài cổ xưa, dùng để giết mổ gia súc, đã bị mục nát nhiều phần, ngày thường vẫn dùng để thái thịt, băm rau, nên mặt án trông nhớt nhát bẩn thỉu, bốc mùi tanh hôi, không hề bắt mắt. Ai ngờ thứ mà Triệu Lão Biệt nhìn trúng ý lại là vật này, ánh mắt tham lam của lão đậu mãi trên chiếc án, không chịu rời sang chỗ khác.