Suốt đêm hôm đó gã ngủ một giấc nặng nề, không cựa mình, mãi đến khi người đưa thư đi chuyến sáng tới, đánh thức gã dậy. Gã cảm thấy trong người mệt mỏi, không buồn cất nhắc chân tay, gã lật giở những bức thư đó không nhằm một mục đích gì. Có một chiếc phong bì nhỏ mỏng, của một tờ tạp chí ăn cướp, trong có một ngân phiếu hai mươi hai đôla. Gã đã thúc đòi nó một năm rưỡi nay. Gã nhìn số tiền một cách dửng dưng không xúc động. Cái rộn ràng trước kia mỗi khi nhận được ngân phiếu của một nhà xuất bản nay đã qua rồi. Không giống như những ngân phiếu đầu tiên, ngân phiếu này không hứa hẹn những điều to tát vĩ đại sẽ tới. Đối với gã, đó chỉ là một tờ ngân phiếu hai mươi hai đôla, thế thôi, và nó sẽ giúp gã mua được một thức gì ăn dễ dàng.
Trong chuyến thư đó, còn có một ngân phiếu khác của tờ "New York tuần báo" trả ột bài thơ trào phúng nào đó của gã đã được nhận đăng từ mấy tháng trước. Một ngân phiếu mười đôla. Một ý nghĩ đến với gã, và gã bình tĩnh suy xét. Gã không biết mình sẽ làm gì, gã cảm thấy không cần vội vàng làm một việc gì cả. Trong lúc đó thì gã phải sống. Gã cũng còn đang nợ rất nhiều món. Đem mua tem dán lên tất cả đống bản thảo khổng lồ ở dưới bàn kia, và cho chúng đi chu du một chuyến nữa, biết đâu lại chẳng là một chuyến đầu tư có lời. Một, hai bản thảo sẽ có thể được nhận. Cái đó sẽ giúp gã sống. Gã quyết định làm cái chuyện đầu tư này, và sau khi đem ngân phiếu ra lĩnh tiền ở ngân hàng khu Oakland, gã mua mười đô la tiền tem. Ý nghĩ quay về nhà nấu ăn sáng trong căn phòng nhỏ hẹp, ẩm mốc làm gã thấy khó chịu. Lần đầu tiên, gã mặc kệ không nghĩ gì đến những món nợ. Gã biết gã có thể nấu một bữa sáng có đầy đủ chất bổ trong căn phòng của gã với giá tiền chỉ mười lăm đến hai mươi xu. Nhưng gã vẫn đi tới tiệm "Forum" gọi bữa ăn sáng mất hai đô la. Gã cho người hầu hai hào rưỡi, và bỏ ra năm mươi xu mua một gói thuốc lá Ai cập. Đây là lần đầu tiên gã hút thuốc kể từ khi Ruth bảo gã đừng hút nữa. Nhưng bây giờ gã thấy không vì cớ gì lại không hút, hơn nữa, gã lại muốn hút. Tiền nong thì có kể gì? Bỏ ra năm xu gã có thể mua một gói thuốc lá chưa cuộn Durham 1 và một tập giấy nâu để cuốn bốn mươi điếu - nhưng hà tiện thế để làm gì? Đối với gã, tiền bây giờ không có nghĩa lý gì ngoài những thứ nó có thể mua ngay được. Gã không có hải đồ, không có bánh lái, không có bến bờ nào để cập, mặc cho cuộc đời trôi đi tức là sống ít nhất, vì sống là đau khổ.
Ngày giờ cứ trôi qua, mỗi đêm gã ngủ đều đặn tám tiếng. Tuy bây giờ, trong khi chờ đợi thêm tiền nhuận bút, gã vẫn ăn ở quán ăn Nhật bản, mỗi bữa mất mười xu, nhưng cái cơ thể bị sọp đi của gã cũng đã đẫy lại, cũng như đôi má hóp của gã. Gã không tự hành mình bằng những giấc ngủ ngắn, bằng làm việc quá mức, học tập quá mức nữa. Gã không viết gì cả, sách đọc cũng gấp lại. Gã đi bộ nhiều, lên các ngọn đồi, lang thang hàng giờ trong các công viên yên tĩnh. Gã không có bạn hữu, không có người quen mà gã cũng chẳng làm quen với ai. Gã không còn có một hứng thú gì cả. Gã đang đợi chờ một sự thúc đẩy nào đó, mà cũng không biết ở đâu tới nữa, để làm cho cuộc sống bị ngưng trệ của gã lại hoạt động. Trong lúc đó thì cuộc sống của gã vẫn cứ trôi đi, không kế hoạch, trống rỗng và biếng nhác.
Có một lần gã đến San Francisco để thăm "bọn hạ lưu chân chính." Nhưng đến phút cuối, khi đã bước chân lên lối cầu thang, gã bỗng lùi lại, quay ra, rồi chạy trốn qua cái khu công nhân lúc nhúc những người ấy; gã sợ hãi khi nghĩ rằng gã sẽ lại phải nghe tranh luận về triết học, gã chạy trốn một cách lén lút, sợ sẽ có người nào đó trong "bọn hạ lưu chân chính" tình cờ bắt gặp và nhận ra gã.
Đôi khi gã liếc nhìn các tờ tạp chí, các tờ báo để xem bài thơ "Phù du" đã bị rầy khổ như thế nào. Nó đã được hoan nghênh. Nhưng mà hoan nghênh cái kiểu gì không biết. Mọi người đều đọc và mọi người đều tranh luận xem nó có thực là thơ không. Những tờ báo địa phương hàng ngày nêu vấn đề, và hàng ngày có những cột đăng những bài phê bình có tính chất học thuật, những bài xã luận hài hước và cả những bức thư đứng đắn của độc giả nữa.
Helen Della Delmar (được công bố rùm beng là một nữ sĩ vĩ đại của nước Mỹ) đã cự tuyệt không để cho Brissenden có một chỗ ngồi bên cạnh mình trên con Pegasus 2, cô ta viết cơ man nào là thư cho công chúng chứng minh rằng Brissenden không phải là nhà thơ thẩn gì cả.
Tờ "Parthenon" ra số sau, tự tán tụng mình đã gây được một dư luận sôi nổi, một mặt thì cười nhạo Ngài John Value, một mặt thì bóc lột cái chết của Brissenden bằng một lối buôn bán vô cùng bất nhân. Một tờ báo hàng ngày đã tăng số phát hành lên tới mức kinh khủng, một nửa triệu số, đăng một bài thơ độc đáo thanh thoát của Helen Della Delmar cười nhạo Brissenden. Cô ta cũng chính là thủ phạm một bài thơ thứ hai trong đó cô ta nhại Brissenden.
Martin nhiều lần thấy sung sướng vì Brissenden đã chết. Brissenden vô cũng căm ghét quần chúng, và đây, tất cả cái tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của anh, đã bị ném cho quần chúng. Hàng ngày người ta vẫn tiếp tục mổ xẻ Cái Đẹp. Bất cứ một thằng ngốc nào trong nước cũng đua nhau đưa bài in bừa bãi, đem cái tôi khô xác nhỏ bé của nó trôi nổi trước công chúng trên cái vĩ đại như sóng cồn của Brissenden. Một tờ báo viết: "Cách đây ít lâu, chúng tôi nhận được thư của một độc giả, ông đã viết một bài thơ giống như bài thơ đó, duy có điều là hay hơn." Một tờ báo khác, hết sức trang nghiêm đã trách Helen Della Delmar về bài thơ nhại của cô ta: "Chắc chắn rằng cô Delmar viết bài đó trong một lúc bông đùa và tỏ ra thiếu sự kính trọng mà một nhà thơ lớn cần phải có đối với một nhà thơ khác, có thể là một nhà thơ lớn nhất. Tuy nhiên, dù cô Delmar có ghen ghét hay không đối với người đã sáng tạo ra bài "Phù du" chắc chắn rằng cô, cũng như hàng nghìn người khác, vẫn bị bài thơ làm cho say mê, và rồi một ngày nào đó cô cũng sẽ cố gắng viết được những dòng thơ như thơ của Brissenden."
Các giáo sĩ đã bắt đầu lên tiếng công kích bài "Phù du" trong những bài thuyết pháp, có một giáo sĩ và quá hăng hái ủng hộ đại bộ phận nội dung bài thơ đó, đã bị trục xuất vì tội tà giáo. Cái bài thơ vĩ đại này đã đóng góp vào sự vui vẻ của người đời. Những anh chàng viết thơ trào phúng, những kẻ biếm họa nắm lấy đề tài này, và cười lớn trong mục "việc riêng" ở những tờ báo của tầng lớp thượng lưu thường có xen vào những câu chuyện đùa đến nỗi Charley Frensham đã phải nói riêng với Archie Jennings rằng năm dòng của bài "Phù du" sẽ làm người ta đánh què người khác, mười dòng sẽ làm cho có người đâm đầu xuống sông.
Martin không cười mà gã cũng không nghiến răng lại vì tức giận. Kết quả chỉ làm cho gã thấy buồn ghê gớm.
Trong sự đổ vỡ của cả cái thế giới của gã với tình yêu ở đỉnh cao nhất thì sự đổ vỡ của giới báo chí, và những độc giả thân mến thực chỉ là một sự đổ vỡ nhỏ bé. Brissenden hoàn toàn đúng khi nhận định về báo chí, còn gã, Martin, đã phải tốn mất bao nhiêu năm trời gian khổ, vô ích để tìm ra điều đó ình. Báo chí là tất cả những cái mà Brissenden đã nói, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Phải, gã đã hát xong lời ca, gã tự an ủi mình như vậy. Gã đã kéo cái xe của gã lên tới một vì sao, và bị rơi xuống một bãi lầy độc hại. Cảnh Tahiti - Tahiti thanh tao êm đềm - đến với gã nhiều hơn. Và cả đảo Paumotus thâm thấp và đảo Marquesas 3 cao cao. Bây giờ gã thường thấy mình trên những chiếc tàu buồm buôn lớn hay trên những chiếc thuyền nhỏ nhẹ ra đi từ lúc bình minh qua dải đá ngầm ở Papeete 4, bắt đầu cuộc hành trình qua những hòn đảo san hô màu ngọc bích tới Nukahiva và vịnh Taiohae, nơi mà gã biết rằng Tamari sẽ giết lợn ăn mừng gã đến, nơi mà các cô gái của Tamari đeo những vòng hoa, sẽ nắm lấy tay gã cất tiếng hát, tiếng cười và khoác vào cổ gã những vòng hoa. Biển miền Nam đang gọi, và gã biết rằng không sớm thì muộn gã sẽ trả lời tiếng gọi đó.
Trong lúc này thì gã cứ sống buông trôi, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cho hồi sức sau một cuộc hành trình dài qua lĩnh vực của tri thức. Khi tờ "Parthenon" gửi cho gã tấm ngân phiếu ba trăm năm mươi đô la, gã đã chuyển cho người luật sư đảm nhiệm những công việc của Brissenden để trao cho gia đình. Martin đưa ngân phiếu và lấy biên nhận, đồng thời viết giấy nhận nợ một trăm đô la mà Brissenden đã đưa cho gã trước đây. Cái thời gian mà Martin không còn là khách quen ở quán ăn Nhật bản cũng không lâu la gì nữa. Chính lúc gã từ bỏ cuộc đấu tranh thì thời vận lại đến. Nhưng nó đã đến quá muộn. Gã mở chiếc phong bì mỏng của tờ "Millennium," lòng không một chút rung động, gã đưa mắt nhìn tấm ngân phiếu ba trăm đô la, và biết rằng đây là số tiền trả cho truyện ngắn "Mạo hiểm" được nhận đăng. Mọi món nợ của gã ở trên đời này, kể cả món ở cửa hiệu cầm đồ này với tiền lãi của nó, cũng chưa đến một trăm đô la. Khi đã trả xong các khoản nợ và đến nhà luật sư của Brissenden thanh toán với ông ta một trăm đô la, gã vẫn còn hơn một trăm đô la trong túi. Gã đến hiệu thợ may may một bộ quần áo và ăn tại hiệu ăn ngon nhất thành phố. Gã vẫn ngủ tại gian phòng nhỏ nhà Maria, nhưng những bộ quần áo mới của gã đã khiến lũ trẻ hàng xóm thôi không đứng trên mái nhà kho để cúi, hoặc ở hàng rào đằng sau gọi gã là "thằng mà cà bông" hay "đồ vô công rồi nghề" nữa.
"Wiki - Wiki" truyện ngắn viết về Hawaii của gã cũng được tờ "nguyệt san Warren" mua với giá hai trăm năm mươi đô la. Tờ "Bình luận phương Bắc" cũng nhận bài luận văn "Chiếc nôi của cái đẹp," tờ tạp chí "Mackintosh" nhận bài "Người xem tướng tay," bài thơ gã viết tặng Marian.
Những ông chủ bút, những người soát bài đã đi nghỉ hè về, và những bản thảo của gã được nhận ngay. Martin không thể hiểu được một sự thay đổi tính nết kỳ quặc nào đã khiến các ông ấy đồng lòng nhận những tác phẩm mà các ông ấy đã khăng khăng gạt bỏ đi trong hai năm trời. Trước kia, không có một cái gì của gã được đăng. Trừ khu Oakland, còn không ở đâu người ta biết đến tên gã và ở Oakland với một số ít người tưởng rằng họ biết gã, thì gã được nổi tiếng là một kẻ áo đỏ, một kẻ thuộc đảng xã hội.
Vậy là, không có gì để giải thích việc bất chợt những món hàng của gã được người ta nhận. Đó chỉ là một trò múa rối của số mệnh.
Sau khi bị nhiều tạp chí từ chối, gã làm theo lời khuyên của Brissenden mà trước đây gã đã không chấp nhận là gửi tập "Sự hổ thẹn của mặt trời" đến khắp lượt các nhà xuất bản. Sau nhiều lần từ chối, công ty xuất bản Singletree Darnley đã nhận và hứa sẽ cho xuất bản vào mùa thu. Khi Martin viết thư đề nghị trả trước một số tiền ứng trước về bản quyền tác giả, họ trả lời là nhà xuất bản không có lệ như vậy, sách loại này khó bán được hòa vốn, họ còn ngại sách của gã không biết có bán nổi một nghìn cuốn không. Martin phác tính gã sẽ được bao nhiêu tiền với con số sách xuất bản như vậy. Mỗi cuốn bán một đô la, tiền bản quyền tác giả mười lăm phần trăm, như vậy gã sẽ được một trăm năm mươi đô la. Gã quyết định nếu phải làm lại từ đầu thì gã sẽ chỉ chuyên viết tiểu thuyết. Truyện ngắn "Mạo hiểm" chỉ dài bằng một phần tư thôi là gã đã nhận được của tờ "Millennium" một món tiền gấp đôi. Té ra, bài báo về tiền nhuận bút mà gã đã đọc từ lâu là đúng sự thật. Những tạp chí loại nhất khi nhận đăng bài là trả tiền ngay, và họ trả khá hậu. Tờ "Millennium" đã trả gã không phải là hai xu mà là bốn xu một chữ. Họ còn mua những tác phẩm hay, vì họ đã chả mua tác phẩm của gã là gì? Nghĩ như thế, gã cười gằn một tiếng.
Gã viết thư cho công ty xuất bản Singletree Darnley ngỏ ý muốn bán bản quyền bài "Sự hổ thẹn của mặt trời" lấy một trăm đô la, nhưng họ không muốn làm chuyện mạo hiểm như thế. Lúc này gã cũng không cần tiền, bởi vì rất nhiều truyện ngắn của gã đã được nhận và đã được trả tiền. Gã hiện thời đã mở một tài khoản ở Ngân hàng. Không còn nợ nần gì ai ở trên đời, ở Ngân hàng gã đã có mấy trăm đô la.
"Quá hạn" sau khi bị một số tạp chí cự tuyệt, cuối cùng đã đến nằm yên vị tại Công ty xuất bản "Meredith-Lowell." Martin nhớ tới năm đô la mà chị Gertrude đã cho gã, gã quyết định trả lại chị một trăm lần hơn; vì vậy gã viết thư cho nhà xuất bản yêu cầu đặt trước năm trăm đô la tính vào bản quyền tác giả. Gã ngạc nhiên khi nhận được một ngân phiếu ghi số tiền đó có kèm theo một tờ hợp đồng gửi qua bưu điện. Gã đem tờ ngân phiếu đi lĩnh toàn những đồng năm đô la tiền vàng và gọi điện cho chị Gertrude bảo gã cần gặp chị.
Bà chị tới, thở hổn hển vì quá vội. Bà sợ có chuyện không hay xảy ra cho cậu em, nên đã thủ sẵn mấy đô la, số vốn liếng ít ỏi của chị, đút vào một cái túi nhỏ mang theo; đinh ninh cậu em đã gặp chuyện bất hạnh, chị vừa khóc nức nở vừa lảo đảo bước vào, ngã vào cánh tay Martin, đồng thời chị yên lặng dúi cái túi cho gã. Gã nói:
"Đáng lẽ em đến chỗ nhà chị mới phải. Nhưng em không muốn xô xát với ông Higginbotham và chuyện đó chắc chắn thế nào cũng xảy ra."
"Sau một thời gian anh ấy cũng sẽ quên đi thôi," chị an ủi. Chị vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra với Martin. "Trước hết, tốt nhất em nên kiếm một công ăn việc làm lương thiện. Báo chí đăng cái chuyện đó làm anh ấy giận sôi lên. Chưa bao giờ chị thấy anh ấy giận như thế?"
"Em chẳng đi kiếm việc gì hết." Martin vừa nói vừa cười. "Chị có thể nói lại với anh ấy như thế hộ em. Em không cần kiếm công việc, và đây là chứng cớ."
Gã dốc một trăm đồng vàng vào lòng chị, tiền đổ xuống lanh canh, sáng lóe.
"Chị có còn nhớ chị đã cho em năm đô la khi em không có tiền đi xe không? Vâng, đây, nó đây, với chín mươi chín đồng anh em của nó, tuy tuổi tác khác nhau nhưng cùng một khuôn khổ."
Lúc bước chân đến đây, Gertrude đã sợ hãi, bây giờ chị lại vô cùng kinh hoàng. Nỗi kinh hoàng của chị đến mức trở thành sự thật. Chị không còn nghi ngờ. Chị đã tin chắc. Chị kinh hãi nhìn Martin, dòng suối vàng làm đầu gối nặng nề của chị quỵ uống, như nó đang đốt cháy da thịt chị.
"Số tiền này là của chị đấy," gã cười.
Chị bật lên khóc và bắt đầu rên rỉ: "Cậu em tội nghiệp của chị! Cậu em tội nghiệp của chị!"
Gã bối rối một phút. Rồi đoán được nguyên nhân nỗi kích động của chị, gã liền đưa chị xem bức thư của nhà xuất bản "Meredith-Lowell" gửi kèm theo tờ ngân phiếu. Chị ngập ngừng đọc, thỉnh thoảng lại dừng lại để lau nước mắt; khi đọc xong, chị nói:
"Có nghĩa là cậu đã kiếm được tiền một cách lương thiện?"
"Còn lương thiện hơn là trúng xổ số nữa. Tiền làm việc khó nhọc kiếm ra đấy."
Dần dần niềm tin trở lại với chị, chị đọc lại bức thư một cách cẩn thận. Gã đã phải mất một lúc lâu hơn nữa để nói cho chị hiểu rằng số tiền này thực là của chị và gã không cần đến nó.
"Chị sẽ gửi nó vào ngân hàng cho em," cuối cùng, bà chị nói.
"Chị đừng làm thế. Nó là của chị đấy, chị muốn dùng nó làm gì tùy chị, nếu chị không nhận, em sẽ đem cho chị Maria. Chị ấy sẽ biết cách dùng nó. Tuy nhiên em cũng khuyên chị nên thuê một người làm và chị thì hãy nghỉ ngơi một thời gian dài cho khỏe."
"Chị sẽ kể hết với Bernard," chị nói khi ra về.
Martin nháy mắt rồi cười.
"Vâng, chị cứ kể," gã nói. "Rồi ông ấy sẽ lại mời em đến ăn cơm không chừng!"
"Tất nhiên, anh ấy sẽ mời cậu. Chị chắc thế nào anh ấy cũng sẽ mời cậu!" Chị kêu lên một cách nhiệt thành; rồi kéo gã lại gần, chị ôm chặt lấy gã mà hôn.
Chú thích:
1. Một loại thuốc lá rẻ tiền.
2. Pegasus: theo thần thoại Hy lạp, đó là một con ngựa biết bay, biểu tượng của thi hứng.