Hứa Tri Nhan đưa ô cho Trình Liệt xong về đến nhà, Vu Diễm Mai đang làm bữa tối trong bếp. Hứa Chí Tiêu có vắng nhà, lượng đồ ăn cũng không giảm đi.
Cuốn ẩm thực tốt cho sức khỏe để mở trên bệ bếp bằng đá, Vu Diễm Mai nấu y theo thực đơn trong đó.
Hứa Tri Nhan thay dép đi trong nhà, về phòng mình.
Căn phòng chợt ám thêm chút lạ lẫm khó hiểu, bởi hai chiếc ghế còn nguyên trước bàn học. Đó là dấu ấn của người lạ.
Cô gập ghế tròn, trả vào vị trí vốn có của nó.
Có điều, làm vậy cũng không xóa được dấu tích của người kia, bởi tờ bài giải Trình Liệt viết còn lẳng lặng trên bàn, tờ đề anh đem đến cho cô cũng ngay kế bên.
Chữ Trình Liệt dứt khoát, gọn ghẽ mà cứng cáp, toát lên sự kiên định và vững vàng đáng quý. Đây là chữ của nam đẹp nhất mà Hứa Tri Nhan từng thấy.
Anh viết bài giải của câu cuối mất một trang A4, trình tự mạch lạc, lối suy nghĩ rất đặc biệt. Lúc đang giảng, anh còn chỉ ra một vài kiến thức áp dụng trong đó để hệ thống lại, sợ rằng học sinh trung bình – khá như cô không hiểu.
Hứa Tri Nhan cầm tờ giấy lên, đọc lại cách giải thứ hai.
Cũng thú vị lắm.
Xem xong, cô kẹp đáp án cùng với đề, sắp lại cho bằng rồi nhét vào ngăn kéo bên trái cùng với bài thi cuối kỳ của mình.
Hứa Tri Nhan kẹp thẻ đánh dấu trang vào cuốn “Tiểu Mã Tinh Nghịch”, đóng truyện lại và đặt dưới gối.
Trước khi ăn cơm, mình cô ngồi trong phòng làm nửa đề thi thử tiếng Anh.
Vu Diễm Mai vẫn chuẩn bị ba món mặn, một món canh như thường lệ. Gần như trước mỗi bữa ăn, bà sẽ nhắc lại quy định: Không được ăn ít quá, cũng không được ăn nhiều quá.
Hứa Chí Tiêu vắng nhà, không khí trên bàn cơm thêm tẻ ngắt. Hứa Tri Nhan không thích nói chuyện, Vu Diễm Mai luôn lạnh nhạt, sau cùng chỉ có đồ ăn là ấm nóng.
Vu Diễm Mai vốn không định nói chuyện với con gái, sực nhớ ra một chuyện, bà mới ngước mắt, cất giọng đều đều: “Thủ tục chuyển trường gần hoàn tất rồi. Hiệu trưởng trường Hằng Khang muốn phỏng vấn học sinh, lúc nãy họ gọi điện hẹn thứ Hai đến.”
“Vâng.”
“Tốn bao nhiêu công mới xin được đấy, con chuẩn bị cho cẩn thận.”
Hứa Tri Nhan gật đầu, ăn miếng cơm cuối còn sót lại.
Thấy Hứa Tri Nhan ngoan ngoãn ăn cơm hệt như quy định mình đề ra, Vu Diễm Mai rất hài lòng, ngoài ra cũng không có ý kiến hay khó chịu gì khi Hứa Tri Nhan luôn im như thóc đổ bồ.
…
Tám giờ tối, Vu Diễm Mai bưng sữa vào cho Hứa Tri Nhan, lại dặn cô 10 giờ phải tắt đèn đi ngủ như hôm qua, sau đó ra ngoài.
Hứa Tri Nhan nghe tiếng mở/đóng cửa nhưng không biết mẹ ra ngoài làm gì, trước nay bà cũng chưa từng nói với cô.
Cô đoán Vu Diễm Mai lên phố mua len đen, có lẽ bà đã đan hết mấy cuộn trong túi trước đó rồi.
Hứa Tri Nhan làm nốt nửa đề tiếng Anh, lại chờ sữa nguội như hôm qua rồi tưới vào bồn lưỡi hổ.
Cô nghịch lá lưỡi hổ, nhìn nó đầy thương cảm.
Bỗng, Hứa Tri Nhan giật mình vì tiếng trẻ con chí chóe vọng lên từ tầng dưới. Cô chống tay lên bàn, dõi xuống những mấy lần.
Hai cậu nhóc chừng 7 – 8 tuổi đang đấu thẻ dưới vườn hoa của khu.
Một cậu nói: “Tớ có Lưu Bang, 88 điểm công, Hạng Vũ của cậu có mỗi 80 điểm làm sao mạnh bằng được!”
Cậu còn lại nói: “Nhưng tớ có thẻ Gia Cát Lượng lấp lánh 90 điểm công, cậu làm gì có thẻ lấp lánh.”
Hứa Tri Nhan tì vào bàn nghe một lúc lâu, cuối cùng nhóc có thẻ bài lấp lánh thắng, nhóc bị thua chẳng giận dỗi, chỉ hẹn ngày mai đấu tiếp. Ba mẹ cao giọng gọi về ăn cơm, bọn trẻ mới ai về nhà nấy.
Sưu tập thẻ.
Hứa Tri Nhan lội ngược dòng ký ức, mang máng hồi tiểu học mình cũng thích chơi trò này.
Không rõ vì được hai cậu nhóc cảm nhiễm hay có hứng thú lại với việc sưu tập thẻ, Hứa Tri Nhan rửa cốc rồi xuống nhà.
Hôm qua đi mua giấy bút, có thoáng thấy tầng một cửa hàng tiện lợi bán mỳ tôm.
Mưa tạnh được vài tiếng, mặt đường không còn lớp nhớp, cái ẩm ướt, mùi mưa và bụi bặm ngày hè đều được rửa trôi. Nhiệt độ dìu dịu, không khí dễ chịu là dư vị đọng lại sau mỗi trận mưa.
Cửa hàng tiện lợi ở bên đường đối diện, Hứa Tri Nhan nhàm chán chờ đèn tín hiệu, đánh mắt sang chợt thấy tiệm hoa mới mở kia đang nhập hàng.
Cô nhớ tiệm không to lắm, không ngờ lại nhập số lượng lớn như vậy
Đèn xanh sáng lên, cô hòa cùng dòng người thưa thớt, đi về phía cửa hàng tiện lợi.
Nhìn một lượt mới thấy kệ cuối cùng có mỳ tôm, ông chủ không nhập nhiều hàng, trên kệ chỉ có mười mấy gói.
Hứa Tri Nhan sờ thử, thấy phía sau có tặng kèm thẻ mới lấy ba gói.
Cô nhớ ngày xưa chỉ có 5 hào một gói, giờ đã thành 1 tệ rồi.
Ra khỏi cửa hàng, cô ngồi xuống ghế băng dưới mái hiên. Nối liền với ghế còn có chiếc bàn màu xanh nhạt in logo hãng nước hoa quả.
Có lẽ không khách nào ngồi đây ăn gì, chủ cửa hàng chỉ mua hai băng ghế liền bàn đặt ở gần cửa ra vào.
Ghế đã khô, Hứa Tri Nhan ngồi xuống, trước khi bóc mỳ ăn còn đọc kỹ hướng dẫn in trên lớp nilon phía sau thẻ..
Cô nhận ra mình không hiểu luật chơi, bản thân cũng không hào hứng bốc thăm trúng thưởng.
Bóc hết lớp nilon lấy được thẻ ra, Hứa Tri Nhan bỗng thấy mất mát.
Tổng ba thẻ, lại có hai thẻ trùng nhau. Một cái là Bàng Thống, hai cái còn lại đều là Trương Phi, điểm công không cao bằng Hạng Vũ của cậu nhóc kia.
Hứa Tri Nhan bày ba tấm thẻ lên bàn, vừa nhìn chúng vừa ăn mỳ.
Thẻ bây giờ không bằng ngày trước, chất lượng có tốt hơn thật, nhưng cỡ nhỏ hơn cầm không có cảm giác. Cô nhớ thẻ hồi xưa to lắm.
Ngày ấy hội con trai hay chơi đập thẻ mỗi khi tan học. Bạn nữ nào ăn mỳ chẳng may trúng thẻ, sẽ được đám con trai sán tới nịnh nọt đủ đường.
Hứa Tri Nhan cũng từng sưu tập thẻ. Trước đây phổ biến nhất là các nhân vật trong truyện Thủy Hử, tuy cô không sưu tập được tất cả, song đó vẫn là một ký ức đẹp.
Đang đọc giới thiệu nhân vật ở mặt sau, bỗng tiếng “meo” vang lên đâu đây, thứ gì đó mềm mại cọ vào bắp chân cô.
Chú mèo hoang nhị thể đang tròn mắt nhìn, muốn cọ đầu vào bắp chân cô.
Tuy là mèo hoang, nhưng nó cũng không gầy trơ xương.
Hứa Tri Nhan ngắt một cọng mỳ, quơ trước mắt nó: “Muốn ăn à?”
Hứa Tri Nhan nhìn nó một lúc, ánh mắt giống như đang nhìn bồn lưỡi hổ.
Cho nó thêm miếng nữa, cô lẩm bẩm: “Ăn xong thì đi đi, đừng theo tao, theo tao không có gì ngon để ăn đâu.”
Mèo còn nhìn thêm vài lần, ăn no xong cũng bỏ đi như cô nói thật, không hề cho người ta cơ hội lại gần.
Hứa Tri Nhan thôi nhìn, tiếp tục ăn mỳ của mình. Cô còn phải mang hai gói thừa về nữa.
Trình Liệt quyết toán sổ sách với bà chủ tiệm đi ra, định sang cửa hàng tiện lợi bên cạnh mua chai nước thì bắt gặp cảnh ấy.
Cô bạn nào đó mua những ba gói mỳ, vậy mà lại chỉ hứng thú với món đồ tặng kèm phía sau như đứa bé con. Có lẽ vì đồ tặng kèm không đúng ý, cô tiu nghỉu lắc đầu, ngán ngẩm ngồi ăn mỳ.
Không hết được ba gói, nhưng vẫn cố ăn.
Anh không nghe thấy lúc cô khom người nói chuyện với mèo, chỉ thấy ánh mắt ấy tràn đầy thương cảm và xa cách.
Bản tính của mèo hoang là vậy, muốn xin ăn sẽ cọ mình đầy thân thiết, no rồi sẽ xách mông chạy xa. Mắt chúng chẳng có gì ngoài đề phòng, thân hình thoăn thoắt hòa cùng màn đêm, nào có mảy may ngoảnh đầu nhìn lại.
Tuy vẫn cần cầu cứu để sinh tồn, song chúng chẳng còn tin tưởng loài người.
Cô bạn ấy chẳng thèm đoái hoài, vẫn tiếp tục ăn mỳ của mình, nuốt không nổi nữa cũng ăn.
Nếu là người khác, Trình Liệt sẽ nhìn thoáng rồi đi luôn, song đây này là học sinh mới của anh.
Một học sinh thông minh, hứng thú với việc học, điểm thi lại nhàng nhàng như bao người khác.
Một học sinh sáng sủa, tự tin, tinh thần lại ủ dột đến lạ.
Và cùng là một học sinh khá đáng yêu vào thời khắc này.
Trình Liệt thôi nhìn, bước về phía cửa hàng tiện lợi.
Hứa Tri Nhan tập trung ăn, không chú ý thấy Trình Liệt gần đó. Mãi đến khi anh lại gần hơn, cô mới thấy người này quen quen.
Mấy nhà cách cửa hàng tiện lợi và tiệm hoa không làm ăn được phải đóng cửa, quãng đường đó cũng không có đèn. Đèn đường và ánh sáng từ tiệm hoa phác họa bóng anh trong đêm đen.
Tới trước cửa hàng tiện lợi, ánh sáng vuốt ve đường nét khuôn mặt ấy. Mũi cao, mắt sâu, góc cạnh dứt khoát, có khác thì là anh không đeo kính gọng bạc như ban chiều.
Không đeo kính trẻ trung hơn khá nhiều.
Hứa Tri Nhan nhai nuốt chậm lại, biểu cảm không thay đổi quá nhiều, duy đôi mắt dài, xinh đẹp ánh lên đôi chút ngạc nhiên.
Cô không ngờ gia sư của mình còn ở đây, có khi nào nhà anh gần chỗ này không?
Trình Liệt không lờ đi, thậm chí còn gật đầu, coi như chào hỏi.
Vì anh chào trước, Hứa Tri Nhan cũng đáp lại bằng nụ cười mỉm lễ độ.
Không lên tiếng, anh tiến vào cửa hàng tiện lợi.
Hứa Tri Nhan tiếp tục chiến đấu với mỳ tôm của mình.
Lúc sau sực tỉnh, cạnh cùi chỏ đã xuất hiện thêm chai nước khoáng. Cô nhìn lên thấy Trình Liệt đứng cạnh, đang cầm một chai khác.
Hẳn là anh khát lắm, tu một hơi hết nửa chai, yết hầu nhấp nhô quyến rũ hệt như lúc rít thuốc vậy.
Trình Liệt uống rồi mới nhìn chai nước mua cho cô: “Ăn mỳ khô lắm, uống nước đi. Ở đây không có nước ấm, chỉ có nước thường.”
Hứa Tri Nhan sững ra, một giây sau chợt nở nụ cười. Cô cười lên mi mắt cong cong như hồ ly, không cười hay cười đều đầy ý vị.
Cô nói: “Cảm ơn anh.”
Trình Liệt buông khóe miệng, nụ cười chỉ đọng nơi vành môi. Anh không định trò chuyện nhiều với cô, liếc về phía xa, nói: “Đi đây.”
Anh hạ giọng, tiếng nói trầm thấp và nhàn nhạt như cơn gió lạnh ẩm ướt ban đêm.
Hứa Tri Nhan không biết nên nói gì tiếp, chỉ gật đầu đáp: “Vâng.”
Để cảm ơn vì chai nước này, cô ngồi lại, dõi theo anh một đoạn đường.
Sau cùng, Hứa Tri Nhan phát hiện Trình Liệt leo lên con xe van màu bạc, cũng chính là con xe mới đưa hàng cho tiệm hoa.
Cô nắm được hai nguồn tin mới, một là Trình Liệt kiêm shipper ngoài dạy gia sư, hai là anh khá cần tiền.
Xe Trình Liệt mau chóng khuất bóng ở lối rẽ.
Hứa Tri Nhan vặn nắp chai, uống một ngụm rồi sực nhớ hôm qua cũng có người gọi tên anh ở đây.