Âu Khánh Xuân nói với Tiêu Đồng rằng, cô đã đi công tác mấy ngày không phải là mượn cớ mà là hoàn toàn sự thực. Mấy ngày trước cô đã đến Thiên Tân và huyện Ninh Hà của tỉnh Hà Bắc. Lần này không phải cô đi một mình là Lý Xuân Cường đã phái Đỗ Trường Phát theo làm trợ thủ cho cô. Trong ba ngày, họ đã trực tiếp tiếp xúc với mười một phạm nhân ma túy tại nhà giam Thiên Tân và nông trường lao động cải tạo Trà Điện, kết quả khá mỹ mãn. Trong số mười một phạm nhân đang thi hành án ấy chí ít cũng đã có ba người nhận ra Hồ Đại Khánh từ trong tấm ảnh, đồng thời còn cung cấp một số hành vi mà hắn đã đã làm trong quá khứ cũng như tên giả mà hắn thường dùng. Từ những thông tin của họ, có thể xác định rằng Hồ Đại Khánh không phải là tên buôn ma túy hạng xoàng. Hắn đã buôn bán trót lọt nhiều lần, lại có quan hệ vô cùng mật thiết với những tên trùm ma túy, số lượng ma túy qua tay hắn là rất lớn, hoàn toàn vượt ra ngoài những tính toán của Khánh Xuân và tổ hình sự.
Sau khi hai người quay về Bắc Kinh, Lý Xuân Cường đã tổ chức một cuộc họp chuyên bàn về cách xử lý chuyên án này có sự tham dự của Mã Chiếm Phúc. Anh cũng thừa nhận đây là một vụ trọng án hiếm có trên địa bàn.
Kết luận của Khánh Xuân trong cuộc họp là: Thứ nhất, đầu mối buôn bán ma túy của Hồ Đại Khánh rất rộng. Chỉ dựa vào sự cung cấp của các phạm nhân cũng đã thấy đường dây của hắn rải khắp Bắc Kinh, Thiên Tân, khu Đông Bắc và đến tận Quảng Đông, có thể nói là khắp trong nam ngoài bắc, bên ngoài và bên trong Vạn Lý trường thành. Thứ hai: Hắn thường dùng một số tên giả cũng như giấy chứng minh nhân dân giả để ngủ trong những khách sạn cũng như ăn ở các nhà hàng sang trọng. Bộ âu phục hiệu Đăng Hỷ Lộ hắn đã bỏ lại tại khu giải trí Khang Hồng theo thời giá cũng phải đến mười nghìn đồng, chứng minh rằng việc buôn bán của hắn đang phất to và vốn liếng của hắn cũng không hề nhỏ. Thứ ba, lúc nào hắn cũng kè kè vũ khí trong người và sẵn sàng giết người, thủ đoạn rất tàn bạo nhưng lại rất có kinh nghiệm. Với ba điểm này đủ để chứng minh hắn không phải là hạng buôn bán ma túy cò con. Cũng từ việc thu giữ số lượng heroin tại hiện trường trong ngôi nhà kiểu Tây ngày ấy mà xét, chỉ một lần giao dịch là hắn đã tung ra cả nghìn gam heroin cho thấy hắn không phải là loại bán lẻ mà lại là đầu mối cung cấp hàng.
Trong khi Khánh Xuân báo cáo kết quả, Mã Chiếm Phúc không hề lên tiếng hỏi nhưng nhìn nét mặt anh, ai cũng hiểu là anh đang rất chú ý tập trung nghe Khánh Xuân. Sau khi Khánh Xuân kết thúc, Mã Chiếm Phúc cũng không vội vàng bày tỏ thái độ mà yêu cầu Lý Xuân Cường phát biểu ý kiến riêng.
Lý Xuân Cường nói:
- Tôi đồng ý với những kết luận của Khánh Xuân. Vấn đề ở chỗ, Hồ Đại Khánh có thể hoạt động mua bán với một số lượng lớn và chuyên nghiệp trong một khu vực rộng như vậy, chứng minh hắn không phải là một kẻ làm ăn cá thể mà chỉ có thể là một tập đoàn tội phạm mới làm được những điều ấy. Bây giờ chúng ta đã có thể nêu giả thiết rằng, đây là một tổ chức có hệ thống rất nghiêm nhặt, cũng không loại trừ khả năng là đã được bảo kê. Bọn chúng có người nhập hàng, có nơi tàng trữ, có kẻ vận chuyển, có người bán và cũng có cơ sở rửa tiền, thậm chí là có nơi chuyên điều chế heroin. Thế thì tên Hồ Đại Khánh này có thể chỉ là một đầu mối quan trọng trong mạng lưới tiêu thụ của hệ thống này, cũng có thể coi hắn là một “kẻ buôn sỉ” như người ta thường nói mà thôi. Lúc này, chúng ta tìm Hồ Đại Khánh chẳng qua cũng vì mục đích tìm cho ra kẻ đầu não của hệ thống này, đó mới là thủ phạm chính.
Mã Chiếm Phúc gật đầu, trên mặt điểm một nét cười:
- Rất đúng. Thời gian qua, đội của các anh làm việc rất tốt. Đây là một vụ án rất có ít manh mối. Trong một thời gian ngắn mà các anh đã tìm ra được nhiều chứng cứ như vậy, lại có thể đoán định được tình hình chung quanh tập đoàn tội phạm này, nên cho dù có bắt được Hồ Đại Khánh hay chưa, đây cũng là những kết quả rất quan trọng - Đưa tay lên ấn ấn vào thái dương, anh tiếp tục - Có điều, suy đoán thì có thể cởi mở nhưng những luận chứng thì cần phải cẩn thận. Các anh nên tìm thêm nhiều chứng cứ hơn nữa, đừng vội vàng kết luận. Ngoài ra, các anh cũng phải nhanh chóng viết những kết luận vừa rồi thành một báo cáo chuyên đề để trình lên Cục. Theo tôi, muốn điều tra rõ vụ án này trước tiên phải bắt cho được Hồ Đại Khánh. Muốn bắt được hắn mà chúng ta vẫn cứ lẩn quẩn trong phạm vi chung quanh Bắc Kinh thì hoàn toàn không đủ. Chúng ta có thể đề nghị Cục báo cáo Bộ Công an để hợp tác điều tra, yêu cầu một số thành phố cũng như khu vực niêm yết lệnh truy nã Hồ Đại Khánh.
Những lời biểu dương toàn đội cũng như sự sắp xếp công việc của trưởng phòng Mã làm cho tâm tình Khánh Xuân trở nên dễ chịu hơn. Mấy ngày gian khổ vừa qua kể ra cũng không đến nỗi vô ích, vừa có thể an ủi được linh hồn Tân Dân nơi chín suối, vừa khẳng định năng lực của cô trước toàn đội cũng như trước Lý Xuân Cường. Dù sao Xuân Cường cũng mới được bổ nhiệm, cô biết anh rất quan tâm đến những lời đánh giá của lãnh đạo cấp trên.
Cô thức trắng đêm ấy để viết báo cáo lên Cục, sáng sớm hôm sau đem đến đưa tận tay cho Xuân Cường. Hình như Xuân Cường cũng chẳng thêm bớt gì vào báo cáo và vội vàng chuyển lên cho trưởng phòng Mã. Bởi Mã Chiếm Phúc đã đề ra nguyên tắc “can đảm đặt giả thiết nhưng cẩn thận khi truy tầm chứng cứ” nên Lý Xuân Cường không cần thiết phải chờ đợi ý kiến phản hồi của cấp trên đã bố trí người truy tìm tông tích Hồ Đại Khánh. Đương nhiên Khánh Xuân cũng là một thành viên của nhóm công tác này. Cô đến từng Phân cục để điều tra, thu thập manh mối, công việc rối bù từ sáng đến tối, thậm chí ngay cả bố ở sát bên cạnh mà cô cũng không thể ghé thăm. Buổi sáng, cô rời khỏi nhà khi bố vẫn chưa thức giấc. Buổi tối khi cô về đến nhà thì ông đã đi ngủ. Mỗi ngày cô chỉ để lại một mảnh giấy trên bàn để chào bố mà thôi.
Ngày cuối tuần cũng chẳng có một chút thời gian rỗi. Buổi sáng Chủ nhật, cả đội hội ý chớp nhoáng, sau khi giải tán, Lý Xuân Cường hạ lệnh: Buổi chiều toàn đội không làm gì cả, nghỉ thôi!
Chờ cho các đội viên ra về gần hết, Xuân Cường gọi Khánh Xuân lại và mời cô chiều nay đến nhà anh ăn cơm tối.
- Mẹ anh bảo mời em đến. Tối nay mẹ anh sẽ làm món cá hoa vàng hấp tỏi, trước đây em đã từng ăn món này. Mẹ anh còn nhớ là em thích món này do tự tay bà làm nhất.
Suy nghĩ một lát, Khánh Xuân lắc đầu từ chối:
- Thôi để lần sau vậy. Mấy ngày nay bố em chỉ để một mảnh giấy trên bàn là rất muốn ăn một bữa cơm với con gái. Tối nay em muốn ăn cơm với bố.
Thực ra thì lý do từ chối lời mời của Xuân Cường không chỉ có chừng ấy. Tân Dân ra đi chưa đầy một tháng, cô không nên quá thân thiết với Xuân Cường.Trên đường về nhà, cô ghé qua một siêu thị mua mấy cân chân gà. Bố cô rất thích món này và ông chế biến cũng cực ngon. Nhưng chưa về đến nhà, máy nhắn tin của cô đã reo lên liên hồi. Theo phản xạ, hễ nghe máy nhắn tin kêu lên là cô giật mình. Toàn bộ lỗ chân lông trên người như muốn co lại vì không biết có chuyện khẩn cấp gì đang xảy ra. Nhưng cho dù là bất cứ chuyện gì, kế hoạch ăn cơm cùng bố tối nay coi như không còn hy vọng gì nữa.
Đây là một số điện thoại mà cô chưa hề quen biết. Cô vào nhà và chạy sang phòng khách nhà bố để gọi điện thoại. Khi đầu dây bên kia có người nhấc máy, tâm trạng của cô mới bình thường trở lại. Người nhắn cho cô lại là cậu sinh viên khoa Pháp luật Trường Đại học Yên Kinh Tiêu Đồng!
Giọng Tiêu Đồng trong máy giống như dung mạo của anh, tràn trề vẻ thanh xuân. Nhận ra điều này, tâm tình Khánh Xuân bỗng nhiên bị một cảm giác quen thuộc nhưng đã mất từ lâu làm cho choáng ngợp. Tiêu Đồng hỏi cô buổi chiều có thời gian rảnh hay không, cô cố ý giả vờ thành thật hỏi anh: Có chuyện gì không? Tiêu Đồng nói: Không có chuyện gì quan trọng, chỉ có vài chuyện vặt, có thể gặp nhau được không? Cô hỏi: Cuối cùng thì là chuyện gì, về lĩnh vực nào? Tiêu Đồng nói: Đây là điện thoại công cộng, nói chuyện lâu không tiện, tốt nhất là gặp nhau hẵng nói. Thấy Tiêu Đồng có vẻ bí mật, Khánh Xuân cười thầm trong bụng. Cô muốn anh tìm đến nhà mình nhưng do dự giây lát, cô hẹn anh đến một địa điểm khác.
Đặt ống nghe xuống, Khánh Xuân đem tất cả những thực phẩm đã mua cho vào tủ lạnh rồi nhìn lướt qua phòng ngủ của bố. Cửa phòng đang khép hờ, bên trong chẳng có âm thanh nào. Cô gọi: Bố! Vẫn không có tiếng trả lời. Cô đẩy cửa bước vào. Bố cô đang ngủ trên giường, hơi thở có vẻ nặng nhọc. Cô gọi thêm tiếng nữa, ông mới cất giọng mệt mỏi:
- Về rồi à?
Giường ngủ của bố rất rộng, những hộp thuốc và cốc uống nước nằm lăn lóc khắp nơi. Khánh Xuân không kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì đã phát hiện ra gương mặt xanh xao và bộ râu mấy ngày không cạo của bố. Cô giật mình:
- Sốt cao rồi! Sao lại thế? Bố ốm từ lúc nào, đã đi khám chưa?
- Mấy ngày rồi, chắc cũng sắp khỏi rồi.
Khánh Xuân lo lắng vô cùng vì bố vẫn đang sốt rất cao. Cô vội vàng đỡ bố ngồi dậy, miệng thì gắt gỏng:
- Bố làm gì mà không đi khám bác sĩ. Không đi được thì gọi con chứ! Mấy ngày rồi, không chừng đã biến chứng rồi cũng nên.
- Mấy ngày nay con quá bận rộn. Bố định gọi điện cho con nhưng nghĩ lại, không gọi nữa.
- Ngày nào bố cũng viết giấy gửi cho con, sao bố không nói?
- Bố có thuốc rồi. Kể từ khi mẹ con mất, mỗi lần ốm bố đều làm thế và đều qua cả thôi. Con chạy cả ngày bên ngoài, bố không muốn con mệt mỏi thêm.
Khánh Xuân giúp bố mang giày:
- Có phải là bố đang mắng con không quan tâm đến bố đấy phải không? Bố không nói chứ con có thể nghỉ phép mà.
- Tuổi con phải chăm lo cho sự nghiệp, bố cản trở con làm gì. Bố đã nghĩ kỹ rồi, sau khi mẹ con mất, bố có thể tự lo được, quyết không làm liên lụy đến người khác... Con mang giày cho bố làm gì, bố không đến bệnh viện đâu, bố có thuốc...
Khánh Xuân giận dỗi nói:
- Sao bố lại xem con là “người khác” cơ chứ?
Cô ép bố phải mang giày, điện thoại gọi taxi. Trong lúc chờ xe, cô không quên gọi vào máy nhắn tin của Tiêu Đồng: “Tôi đưa bố đến bệnh viện Bình An, cuộc gặp bị hủy. Thành thật xin lỗi!”.
Nửa tiếng đồng hồ sau taxi mới đến. Bố cô vẫn nằng nặc không chịu đến bệnh viện khiến Khánh Xuân phải dùng sức vừa dìu vừa lôi ông xuống lầu. Bố cũng đã sáu mươi tuổi, nếu bệnh trầm trọng hơn làm sao mà qua được, nghĩ vậy nên cô cương quyết buộc ông đến bệnh viện.
Bình An là bệnh viện gần nhà Khánh Xuân nhất, cũng là bệnh viện hợp đồng với đơn vị của bố từ trước đến giờ. Từ nhà đến bệnh viện đi xe chỉ mất năm phút, tiền taxi kể cả vòng chạy không đến nhà cô chỉ mất hai tám đồng. Nhưng chuyện phiền toái đã xảy ra, cô đưa cho lái xe tờ một trăm đồng, anh ta không có tiền để trả lại. Khánh Xuân lục lọi toàn bộ túi quần áo, cuối cùng cũng chỉ moi ra hai mươi đồng lẻ. Lái xe nói: Cô cứ để lão đồng chí này ngồi trên xe, chạy đi đổi tiền lẻ. Cô nói: Chung quanh không có cửa hàng, không có quán ăn, làm sao đổi được? Lái xe nói: Cô có thể vào quầy thu viện phí trong bệnh viện để đổi. Khánh Xuân nói: Quầy thu viện phí phải sắp hàng. Cũng chưa biết là người ta có chịu đổi tiền cho hay không nữa. Hai người đang lời qua tiếng lại thì bỗng nhiên có một bàn tay nắm lấy cửa xe giật mạnh và một bàn tay khác đưa ba tờ mười đồng đến trước mặt lái xe kèm theo câu nói: Đây là ba mươi đồng, không cần phải trả lại đâu.
Ngước đầu lên nhìn, Khánh Xuân nhận ra đó là Tiêu Đồng, kêu lên kinh ngạc:
- Sao cậu lại ở đây?
Tiêu Đồng cười một cách đắc chí:
- Chỗ nào mà không có mặt tôi!
Cả hai cùng đỡ bố Khánh Xuân bước lên những bậc tam cấp. Trong suốt quá trình khám bệnh, Khánh Xuân chỉ ở bên cạnh bố. Còn một loạt những việc như lấy số, nhận đơn thuốc, nộp viện phí, lãnh thuốc... đều giao phó hoàn toàn cho Tiêu Đồng. Bố cô bị viêm phổi, may mà đến bệnh viện kịp thời để tiêm Penicilin, nếu không e rằng sẽ biến chứng. Lòng Khánh Xuân thoáng sợ hãi, nên dù bố không bằng lòng, cô cũng cương quyết buộc ông phải nằm viện. Bác sĩ nói
- Nằm viện cũng được, không nằm viện cũng không sao. Nếu không nhập viện thì cứ theo đơn thuốc mà tiêm ở nhà cũng được.
- Không thể không nhập viện, chẳng may bệnh biến chứng, trong bệnh viện lúc nào cũng có bác sĩ trực may ra còn có cách đối phó. Vả lại, chuyện tiêm thuốc ở nhà cũng không thuận tiện lắm - Khánh Xuân nói.
Do vậy mà bệnh viện bố trí cho bố cô nhập viện. Khánh Xuân quay về nhà lấy một số vật dụng thường ngày của bố, Tiêu Đồng tự nguyện ở lại bệnh viện để chăm nom cho ông. Khánh Xuân cảm thấy khó xử nên đề nghị anh ra về, anh nói: Chị đã ở bệnh viện để chăm nom tôi, lúc này cũng nên cho tôi một cơ hội để báo đáp. Khánh Xuân không thể khách sáo được nữa, đành nói:
- Thế cũng được! Cũng sắp đến giờ ăn tối rồi, cậu vào hỏi ông muốn ăn gì, cậu đi mua giúp tôi. Ngoài ra cậu cũng nên chú ý bình truyền đạm trên đầu giường, nếu hết phải báo ngay cho bác sĩ.
Giao phó mọi việc xong xuôi, Khánh Xuân quày quả về nhà. Cô không gọi taxi mà lại đi xe buýt. Đây là giờ tan tầm cao điểm nên phải mất đến nửa tiếng đồng hồ, cô mới về đến nhà. Những vật dụng hàng ngày của bố đều do ông sắp xếp, để nơi nào Khánh Xuân không biết rõ lắm, gần một tiếng đồng hồ mới tìm đủ bàn chải đánh răng, quần áo lót, radio và cặp kính lão. Vừa định rời nhà thì chuông cửa đã vang lên và Lý Xuân Cường xuất hiện, trên tay anh cầm một chiếc hộp, trong hộp là món cá hoa vàng mà mẹ anh đã làm. Nghe Khánh Xuân nói về bệnh tình của bố, anh nói: May quá, em cứ đem món cá này đến bệnh viện để bố thưởng thức.
Không trao đổi gì nhiều, hai người rời khỏi nhà và cùng đến bệnh viện, Khánh Xuân ôm bọc vật dụng của bố còn Xuân Cường thì cầm hộp cá. Khi đến bệnh viện bố cô vừa được tiêm và đang húp cháo. Không bỏ lỡ cơ hội, Xuân Cường vội vàng mang hộp cá ra mời, lí nhí mấy lời động viên an ủi. Bố Khánh Xuân nhìn hộp cá, khen mấy câu lấy lòng rồi bảo mang về ăn với nhau. Xuân Cường nhất quyết để lại, còn nói rằng, loại cá này không cần ăn nóng, càng nguội ăn càng ngon. Bố nói cảm thấy không khỏe lắm nên không ngon miệng, không thích mùi dầu mỡ, muốn ăn mấy ngày cháo trắng để cho bụng dạ sạch hơn một tí...
Từ phía sau, Tiêu Đồng cất tiếng chen ngang:
- Lúc này bác đang thích ăn cháo, đã ăn xong hai bát rồi. Tôi đã từng biết mùi vị của cơm bệnh viện rồi, chi bằng ăn cháo trắng còn hơn.
Xuân Cường nhìn Tiêu Đồng như có ý hỏi Khánh Xuân: Đây là ai? Cô không biết giới thiệu như thế nào đành nói bừa:
- Đây là một người bạn của em, có thể nói là một người em.
Tiêu Đồng thể hiện sự lịch thiệp cũng như năng động của tuổi trẻ, đưa tay phải ra, chủ động làm quen:
- Chào anh!
Xuân Cường cũng nắm lấy tay anh một lát, gật đầu. Khánh Xuân nói:
- Đây là đồng nghiệp của tôi.
Trời đã sập tối, bác sĩ bước vào nói to:
- Nếu không phải là người chăm sóc bệnh nhân thì đi về. Nhanh lên một tí, ngày mai lại đến!
Không còn cách nào khác, cả ba đành phải bước ra ngoài. Ra đến phố, Khánh Xuân nhận thấy bụng mình đang sôi ùng ục nên đề nghị kiếm một quán ăn nhanh. Hai người đàn ông đồng loạt tán thành.
Đi gần hết con đường họ mới phát hiện một quán ăn, không biết là hộ làm ăn cá thể hay cửa hàng quốc doanh. Nhường nhau đôi ba phen, cuối cùng thì Khánh Xuân là người gọi món, không gọi rượu. Trong khi chờ đợi thức ăn, Tiêu Đồng lấy từ trong túi xách ra chiếc khung ảnh bằng thủy tinh đã mua từ rất lâu, mở ra và đưa cho Khánh Xuân xem, hỏi:
- Chị có thích không?
Khánh Xuân gật đầu:
- Rất đẹp! Vừa nhã nhặn vừa thanh lịch.
Nhận xét của Khánh Xuân khiến mặt mày Tiêu Đồng tươi lên trông thấy. Anh nói:
- Tôi cũng đoán là chị sẽ thích nó. Đây là món quà tôi tặng chị.
- Thật sao? Thế thì khó xử quá. Có điều, cậu có đôi mắt khá lắm, biết mua quà.
Thức ăn đã được mang đến, Khánh Xuân đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. Hai người đàn ông so đũa chờ đợi. Xuân Cường cần chiếc khung kính lên ngắm nghía rồi buộc miệng hỏi:
- Cậu mua nó ở chỗ nào? Bao nhiêu tiền?
- Anh nhìn không ra ư? Nói để anh hay, đây là đồ thủy tinh, hai nghìn tám. Nhưng anh đừng nói với chị ấy, nếu không chị ấy sẽ chửi em đấy.
- Cậu quan hệ như thế nào với cô ấy? Sao lại tặng cho cô ấy một vật quý như thế này?
Tiêu Đồng không che giấu vẻ hưng phấn, nói:
- Không có gì, bạn bè thôi mà. Em thấy chị ấy rất tốt nên mới tặng, cho dù phải tốn bao nhiêu đi chăng nữa nhưng mình đã tự nguyện thì cảm thấy thư thái vô cùng.
Có thể là con số hai nghìm tám làm cho Xuân Cường cảm thấy không thoải mái lắm. Giá trị của chiếc khung kính này ngang bằng với món quà cưới của anh tặng cho Khánh Xuân. Anh cau mày nói:
- Cậu không phải là sinh viên sao? Tìm đâu ra nhiều tiền như vậy, có phải là khoét của ông bà già hay không?
Tiêu Đồng hơi lặng người, chưa kịp nghĩ ra câu trả lời thì Xuân Cường đã nói tiếp:
- Cậu nhóc! Sau này muốn tặng người khác một món quà quý như thế này thì phải dùng tiền tự mình kiếm ra, đừng thò tay vào két sắt của gia đình nhé, thói quen này không tốt tí nào đâu.
Hình như Tiêu Đồng tỏ ra rất phản cảm với những lời lên lớp của Xuân Cường nên không cười nữa:
- Em chưa có công việc, được bố mẹ chiếu cố là rất chính đáng. Em đã tiết kiệm tiền ăn mặc của bố mẹ cho để mua một món quà cho người em quý. Đó là một việc làm hợp lý và hợp pháp, em không thấy nó không có chỗ nào là không tốt cả.
Lý Xuân Cường tỏ ra mặt dạn mày dày:
- Cậu thích cô ấy sao? Cậu bao nhiêu rồi?
Tiêu Đồng cũng có chút ngạo ngược:
- Hơn hai mươi, thế thì sao nào?
Đúng vào lúc căng thẳng ấy, Khánh Xuân xuất hiện, cười nhẹ nói với Tiêu Đồng:
- Làm sao thế? Đang báo cáo hộ khẩu à?
Hai người đàn ông câm bặt, đồng loạt cầm đũa nhưng trong lòng đã nhen nhóm một cảm giác đối nghịch. Không ai nói năng gì, chỉ mở miệng một khi Khánh Xuân nói đến một vấn đề gì đó.
- Hai người có biết vì sao bố tôi không thích nhập viện không? Khánh Xuân hỏi và tự trả lời - Ngày nào ông cũng xem tivi. Trong bệnh viện không thể xem được tivi.
Tiêu Đồng có vẻ đồng cảm với bố Khánh Xuân nên lên tiếng phụ họa:
- Đúng thế. Tôi đã từng nằm viện một thời gian, vừa xuất viện là tôi đã ôm lấy chiếc tivi, ngay cả quảng cáo cũng không bỏ sót. Chị có xem tivi không, chị thích xem tiết mục nào?
Khánh Xuân chưa kịp trả lời thì Xuân Cường đã lên tiếng:
- Làm công việc như chúng tôi bận túi bụi cho đến tối, chúng tôi không thể so sánh được với sự nhàn nhã của tầng lớp người như cậu, không có việc gì phải làm nên mới ôm lấy chiếc tivi.
Khánh Xuân đưa mắt liếc nhìn Xuân Cường, nhất thời không hiểu trong câu nói của anh muốn ám chỉ gì. Tiêu Đồng nghe không rõ hay không để ý lời Xuân Cường nên vẫn cứ bô bô bình luận:
- Bây giờ trên tivi có quá nhiều các tiết mục xem thấy mà chán. Phim lịch sử thì chỉ toàn đặt điều, thêm mắm thêm muối. Phim hiện đại thì chỉ toàn viết bậy, cho dù là viết về ăn trộm, gái điếm hay viết về những người hiến dâng sinh mệnh cho đất nước vân vân..., phần nhiều đều không thực, quá xa vời với thực tế.
Xuân Cường nghiêm sắc mặt nói:
- Ăn trộm gái điếm thì có thể viết ẩu, nhưng viết về những người anh hùng thì sao có thể viết bậy được? Những gì có nhận diện ra trong cuộc sống thì càng phải nên viết, càng phải đề xuất và tuyên dương. Tác phẩm văn nghệ đương đại viết về tinh thần hy sinh, tinh thần hiến thân, tinh thần cao thượng quá ít ỏi rồi.
Tiêu Đồng không quan tâm đến chuyện tranh luận nên ngước mặt về phía Khánh Xuân, cười nói:
- Viết ít là vì trong cuộc sống hiện thực có quá ít những con người kiểu ấy. Ai ai cũng trở thành Lôi Phong, anh có tin được không? Khi nói về Khánh Xuân thì giọng Tiêu Đồng chợt nhẹ hẳn đi, ngọt lịm - Riêng chị Khánh Xuân thì tôi bái phục thật lòng. Chị ở bên cạnh tôi bao nhiêu đêm với ý đồ gì? Cứ cho là chị vì người chồng chưa cưới của chị đi thì việc làm của chị cũng làm tôi cảm động tận đáy lòng. Do vậy trong thâm tâm tôi, chị là một con người vĩ đại!
Khánh Xuân cười nhẹ. Cô cười vì sự ấu trĩ và chân thành của Tiêu Đồng:
- Tiêu Đồng! Bên cạnh cậu còn có rất nhiều thầy giáo và bạn bè, trong số đó không có ai cao thượng cả sao? Nhất định là có nhưng cậu không chú ý và phát hiện ra mà thôi. Người trẻ thì bao giờ cũng đầy nhiệt huyết, dễ dàng hiến thân vì một việc gì đó.
- Chị đang nói chuyện đời xưa mà thôi - Tiêu Đồng nói.
Xuân Cường cau mày cắt ngang:
- Em đừng nói chuyện ấy, cậu ta không hiểu đâu. Khi chúng ta học đại học, suy nghĩ của chúng ta về cuộc sống không giống như lớp trẻ bây giờ. Đúng là thế hệ sau không bằng thế hệ trước.
Gương mặt Tiêu Đồng vẫn tỏ ra bất phục, không nhìn Xuân Cường mà chỉ nhìn Khánh Xuân, nói:
- Nhưng cuộc sống trên thế gian này vẫn luôn hướng về phía trước!
Không biết nguyên nhân vì đâu nhưng Khánh Xuân đã nhận ra giữa hai người đàn ông một lớn một bé này có cách nghĩ hoàn toàn khác nhau nhưng lại vô cùng thú vị. Cô cười nhẹ rồi bằng giọng điệu khoan dung đầy mẫu tính, nói:
- Nay không bằng xưa chẳng qua là một cách nói thể hiện các thế hệ không hiểu nhau mà thôi, từ xưa vốn đã có rồi. Một số ông già trong đơn vị chúng ta cũng có cảm giác là chúng ta không bằng họ. Nhưng anh Xuân Cường không những đã là đội trưởng mà trong tay lại đang phụ trách một vụ trọng án. Anh đừng xem Tiêu Đồng lúc này không ra gì như vậy, biết đâu rằng nay mai thôi, cậu ấy sẽ trở thành một anh hùng. Người xưa nói, “Thời nào cũng có kẻ anh tài xuất hiện để làm nên một sự nghiệp mấy trăm năm”. Không thừa nhận điều này là không được. “Sóng Trường Giang lớp sau đùn lớp trước” là một quy luật của tự nhiên. Lúc này chúng ta làm tốt công việc của mình, tương lai thiên hạ lại thuộc về lớp người của Tiêu Đồng.
Xuân Cường không muốn tranh luận với Khánh Xuân nhưng Tiêu Đồng lại trừng mắt nhìn cô nói:
- Ôi chà, tuổi tác của chúng ta cũng không lệch nhau bao lăm, sao chị lại có giọng điệu của một người trên tôi cả một thế hệ như vậy?
Khánh Xuân không trả lời, chỉ cười nhẹ rồi cầm cốc nước lên cụng với Xuân Cường rồi Tiêu Đồng, nói:
- Vì anh hùng trước mặt và anh hùng tương lai, trăm phần trăm!