Sau khi tôi tỉnh lại, thấy mình đang ở một nơi tối om om. Đầu đau như búa bổ, tôi lắc đầu, day huyệt Thái Dương, từ từ ngồi dậy. Tôi cố gắng nhớ lại những gì đã xảy ra. Nhưng chỉ nhớ lại được từ lúc lên Dương Sơn tìm kiếm Răng Vàng, cho đến khi gặp phải quái vật hình người không mắt mũi móng vuốt dài. Còn những gì xảy ra sau đó, tôi thật sự không thể nào nhớ ra nổi. Tôi nắm lấy rào chắn ở bên cạnh để mượn đà đứng dậy, nào ngờ gáy chợt va đánh bốp vào vật cứng, đau đến mức co rúm cả người lại. Tiếp đó, mặt sàn bên dưới bỗng lắc mạnh, tôi mất thăng bằng ngã lăn chiêng. Đúng lúc này, ánh sáng chợt bừng lên chói lọi, che tay một lúc lâu con mắt mới thích nghi được với ánh sáng, tôi thấy một bóng người đứng ở bên ngoài cười mủm mỉm rồi nói với tôi: "Lão Hồ, nếu anh không tỉnh lại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để làm đám tang cho anh rồi."
Mới đầu, tôi cứ tưởng người đó là Tuyền béo, nhưng ngẫm lại, từ giọng điệu cho đến cách nói đều không giống, thân hình lại nhỏ gọn chứ không kềnh càng như gấu giống cái tên kia. Lúc này, mặt sàn bên dưới lại lắc dữ dội. Tên kia mất thăng bằng, ngã chúi đầu vào bên trong, thiếu chút nữa đã đè tôi bẹp dí. Quan sát kỹ khuôn mặt ở ngay gần, tôi mắng ầm lên: "Bốn mắt nhà anh không có việc gì làm hay sao! Chỗ này là chỗ quái quỷ nào thế?"
Vị luật sư họ Tần cười cười, nhấc ống quần tôi lên, chỉ vào vết thương đã được băng bó cẩn thận, hỏi: "Quên rồi à? Lúc ở Dương Sơn anh đã đau quá ngất đi đúng không?" Tôi gật đầu: "Về sau thế nào? Giờ đang ở đâu đây?"
Tần Bốn mắt kéo phắt cái rèm đen chắn trước mặt chúng tôi ra.
Những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn hiện ra trong tầm mắt. Đến lúc này tôi mới phát hiện ra, chúng tôi đang ở trong thùng một chiếc xe kéo thô sơ, do hai con ngựa lực lưỡng kéo đi ngược lên núi theo đường mòn. Tôi còn đang khó hiểu sao lại chạy đến vùng ngoại ô thế này, một con mèo vằn to lớn nhẹ nhàng nhảy từ trên lưng ngựa xuống rồi chui vào trong thùng xe. Tôi nhận ra đó là con hổ con của Lâm Khôi, tự nhủ chắc cậu ta đang ở đây. Quả nhiên, sau loạt tiếng vó ngựa chạy lại gần, bác sĩ Lâm thò đầu nhìn vào trong qua cửa xe. Cậu ta cười hì hì, cuộn tròn roi ngựa lại: "Ông chủ Hồ ngủ một giấc li bì hai ngày liền, khiến thằng em này lo sốt vó."
Tôi chẳng biết đâu mà lần với hai anh chàng này. May mà Bốn mắt tương đối tinh ý, anh ta chỉ ra ngoài xe, nói: "Chúng ta đã tới khu ruộng bậc thang rồi. Anh đã ngủ li bì sắp được một tuần. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, anh luôn mồm hét lên muốn tìm hai người Shirley Dương. Tôi định chờ đến khi vết thương của anh đỡ rồi mới lên đường, nhưng bên phía Nam Kinh ngày càng kiểm tra ngặt nghèo, nếu không đi nhanh sợ rằng sẽ bị kẹt cứng ở đó. Tôi và bác sĩ Lâm đã bàn bạc với nhau, vừa đúng lúc cửa hiệu phải vận chuyển một ít thuốc men và dụng cụ chữa bệnh đến Vân Nam để trợ giúp cho những khu kinh tế mới còn nghèo khó, chúng tôi đã lợi dụng cơ hội trà trộn vào đội ngũ vận chuyển lẻn ra ngoài. Sáng hôm nay vừa mới đổi xe ngựa, giờ còn cách Giang Thành nửa ngày đường nữa thôi."
Không ngờ trong lúc tôi hôn mê lại có nhiều chuyện xảy ra như vậy. Tôi vội hỏi anh ta A Tùng và Răng Vàng đâu. Hai cái kẻ xui tận mạng này, Răng Vàng thì bị đá đè gãy xương sườn, nếu không chạy chữa kịp thời sẽ có khả năng nguy hiểm tới tính mạng; Còn A Tùng, người của Thảo Đường thì lại biến mất ngay trước mặt chúng tôi, chỉ sợ... Bốn mắt đã máy môi định nói, nhưng sau khi liếc nhìn sang Lâm Khôi lại không chịu nói câu gì. Lâm Khôi thản nhiên nói với tôi: "Mỗi người có số mệnh của riêng mình, ông chủ Hồ không cần phải lo lắng cho anh ta. Cửa hiệu đã phái người đi tìm rồi, nếu như không tìm thấy thì chỉ có thể trách anh ta vắn số!"
"Không thể nói như vậy được! Nếu không phải vì giúp chúng tôi tìm người, anh bạn A Tùng làm sao có thể gặp nhiều rủi ro như vậy được. Nếu như anh ấy xảy ra chuyện, lỗi đương nhiên hoàn toàn thuộc về tôi." Trong đời mình, tôi ghét nhất là gặp phải người chỉ biết phủi tay đổ lỗi cho số mệnh, nghe Lâm Khôi nói chuyện A Tùng thản nhiên như vậy, tôi lập tức cảm thấy hết sức khó chịu, vừa mới định lên lớp cho cậu ta một bài cho bỏ ngay cái tư tưởng độc đoán phong kiến cổ hủ đi thì bị Bốn mắt kéo lại. Anh ta khuyên giải tôi, bảo rằng chúng ta không quen thuộc phong tục tập quán nơi đây, ngay cả hai người Tuyền béo vẫn còn chưa thấy bóng dáng, nếu làm găng với người nhà Lâm thì sẽ chẳng có lợi lộc gì với chúng ta cả.
Tôi thừa hiểu anh ta nói có lý. Nói gì thì cũng vẫn là người nhà họ Lâm mất người, có khi Lâm Khôi đã sinh lòng thù hận nên mới cố ý nói vậy để kháy tôi cũng chưa biết chừng. Tôi hít sâu một hơi, quyết định nói sang chuyện khác, hỏi hiện giờ chúng tôi đang ở đâu. Lâm Khôi đáp: "Hôm qua vừa dỡ một ít hàng ở Côn Minh, giờ đã sắp vận chuyển tới Giang Thành rồi. Xa hơn chút nữa là địa phận của người Miêu, khu vực hồ Phủ Tiên, người Hán không dễ vào. Giang Thành là trạm dừng chân cuối cùng của mọi người trước khi vào Miêu, tôi thực sự chỉ có thể đưa mọi người đến đó thôi."
Bốn mắt tiếp lời: "Lúc ở Côn Minh, chúng tôi đã cố liên lạc với Shirley Dương rồi. Cô ấy đã dùng cái túi thêu Ngũ Hạc để lại lời nhắn ở tất cả các hiệu thuốc lớn, bảo rằng Tuyền béo nôn nóng không đợi chúng ta nữa, hai người đã đi Giang Thành để thăm hỏi ông lão kia trước rồi. Đó là lời nhắn từ hai ngày trước. Bác xà ích bảo rằng trước khi trời tối là sẽ đến được Giang Thành, chẳng bao lâu nữa là chúng ta sẽ được hội họp với họ rồi."
Tôi cố nhớ lại thông tin về ông lão chuyên gia chơi cổ mà chú Tiết đã nói lúc trước. Chỉ biết ông lão đó là người Miêu, hình như vì một cuộc tranh chấp không hồi kết mà đã gây thù chuốc oán với một vị quyền quý bản địa, cho nên đã bị ép phải rời khỏi Miêu Trại. Người này đồng lứa với chú Tiết, do hai mắt thong manh chỉ còn lòng trắng, cho nên anh em bạn bè đã gọi ông cụ là "Bạch Nhãn Ông". Bởi ra nước ngoài đã nhiều năm, chú Tiết phải cử người nghe ngóng kiếm tìm khắp nơi mới biết được Bạch Nhãn Ông vẫn còn sống, hiện giờ đang ở ẩn bên bờ hồ Phủ Tiên. Chú bảo mấy người chúng tôi chịu khó đi một chuyến mà hỏi thăm, cho dù không tra ra được lai lịch của lão già thần bí kia đi nữa, thì với vốn kiến thức về cổ của mình, Bạch Nhãn Ông vẫn nhất định có thể cung cấp thêm rất nhiều manh mối cho chúng tôi. Mặc dù đã gặp phải rất nhiều trắc trở ở Nam Kinh, nhưng nếu đã vào Miêu thì không thể tiếp tục chán nản như thế này. Tôi thở ra một hơi như để trút hết bức bối trong lòng. Nhận ra tôi đang phiền muộn trong lòng, Bốn mắt an ủi: "Những gì xảy ra trong hai ngày qua không phải toàn là xấu cả, ít nhất hiện giờ Răng Vàng cũng đã an toàn, chứng từ mua bán ngọc chúng ta đã nắm trong tay, tôi đã nhờ đồng nghiệp trong nước làm hồ sơ trước. Đến khi hoàn thiện, chúng ta sẽ quay về Nam Kinh lật lại bản án. Hiện giờ, chúng ta không thể nôn nóng mà hỏng việc, tuần tự nhi tiến, chậm mà chắc. Tôi và anh thừa biết có bàn tay đang thúc đẩy mọi việc từ phía sau, trừ phi cáo kiêng ăn thịt gà, nếu không thì sớm muộn cũng sẽ lòi đuôi."
Tôi không ngờ về nước một chuyến, trình độ ngữ văn của Bốn mắt lại bay vọt đạt tới một trình độ cao đến thế, ngay cả cách nói ẩn dụ cũng thông thạo. Tôi không nhịn được, phì cười. Tôi nói ngủ lâu như vậy, xương cốt đã rão ra hết cả rồi, phải tranh thủ tập luyện một chút. Nói xong, tôi đứng dậy bảo bác xà ích dừng xe lại, sau đó nhảy vọt lên lưng một con ngựa. Lâm Khôi vội vàng bảo tôi cẩn thận một chút, trong thùng xe phía sau toàn là thuốc men đắt tiền. Tôi nói, khi tham gia đội sản xuất ở nông thôn ngày trước, ngày nào mà mình chẳng cưỡi ngựa đánh xe vận chuyển cỏ cho đội, thành dân chuyên nghiệp rồi. Nhìn đất trời bao la, hít thở không khí tươi mát nơi hoang dã, tôi bỗng thấy tâm hồn rộng mở. Vận động xương cốt đã gần một tuần nay không hoạt động, tôi vung roi thúc ngựa lao đi như tên bắn. Trời cao biển rộng thỏa sức bay lượn, tâm trạng vô cùng khoan khoái dễ chịu. Không được bao lâu, tôi chợt nghe thấy tiếng gọi nôn nóng của Lâm Khôi hòa lẫn trong gió núi: "Ông chủ Hồ, quay lại đi, bên đó là vực sâu!"
Điền Trì là vùng có nhiều đồi núi kênh rạch, cho dù giờ đã là thời cải cách mở cửa, vùng này vẫn còn rất nhiều nơi chưa từng in dấu chân người. Không cần nói đâu xa, ví như đích đến chuyến đi này của chúng tôi là Giang Thành chẳng hạn, các loại phương tiện giao thông như ôtô, xe buýt không có đường nào để đi vào được cả.
Người dân nơi đây vẫn giữ nguyên tính cách hoang dã từ cả trăm năm trước. Toàn bộ hàng hóa được vận chuyển bằng các đoàn ngựa thồ. Người ta phải dùng ngựa, la trèo đèo lội suối vượt hơn 50 km để thồ hàng từ bên ngoài vào. Nếu như sợ đường núi hiểm trở dễ xảy ra tai nạn thì vẫn còn một cách vận chuyển nữa, đó là đi theo đường thủy. Xuất phát từ Trừng Giang, vượt qua hồ Phủ Tiên là có thể tới được thủy vực của Giang Thành. Tuy nhiên, nghe bác xà ích nói, đi theo đường thủy thì thứ nhất là chậm, thứ hai là quanh hồ Phủ Tiên có vô vàn lời đồn đại rợn cả người liên quan đến người dân tộc thiểu số. Cho nên đại đa số thời điểm, vì đảm bảo đi được tới đích an toàn, những thương nhân bán hàng rong ở khắp mọi nơi vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra thuê đoàn ngựa thồ "Vó Ngựa" để vận chuyển hàng. Những cửa hiệu đủ tài lực để nuôi riêng một đội ngựa thồ thì chắc chỉ có nhà họ Lâm, những nhà khác không cần nói tới.
Trên đường đi, ba chúng tôi bàn bạc sơ lược kế hoạch hành động. Lâm Khôi nói, Giang Thành là khu vàng thau lẫn lộn, tiểu thương qua lại như mắc cửi, muốn tìm người, đặc biệt những người lạ mặt dễ nhận dạng như Tuyền béo và Shirley Dương ở khu vực này thì chẳng có gì là khó khăn cả. Nhưng ông lão mà chúng tôi goi là "Bạch Nhãn Ông" gì đó thì tới giờ anh ta chưa bao giờ từng nghe ai nhắc đến. Theo lý thuyết, ông lão này là một người có số má, nếu quả thật sống ở Giang Thành, vậy thì biệt danh của ông cụ chắc chắn phải như sấm bên tai từ lâu rồi. Xét theo đó, ông lão này có nhiều khả năng không thường trú ở Giang Thành.
"Trường hợp xấu nhất là ông lão sống trong khu Miêu." Lâm Khôi giải thích, "Phía đông Giang Thành là khu hồ Phủ Tiên, nơi đó là địa bàn của người Miêu, người ngoài rất khó vào trong. Nếu như ông lão các anh muốn tìm sống ở trong đó... đội ngựa thồ của tôi không thể vào được."
Tôi nói: "Chẳng lẽ trên đời này lại có nơi mà bác sĩ Lâm không thể tới được hay sao? Thảo Đường các cậu chẳng phải vẫn thường cung ứng thuốc men cho khu Miêu sao?"
"Muốn đi vào khu hồ Phủ Tiên, chỉ có một cách là thuê đoàn ngựa thồ chuyên nghiệp dẫn đường. Họ quanh năm hoạt động ở khu vực đó, trong đoàn ngựa thồ có cả người Miêu lẫn người Hán, thậm chí còn có cả những người chăn ngựa dân tộc thiểu số khác. Cư dân nơi đây không quá bài xích những người đó, bởi những vật tư sinh hoạt khan hiếm hoàn toàn phải nhờ vào họ vận chuyển tới bằng ngựa thồ. Chính vì vậy, trong khu hồ Phủ Tiên đa sắc tộc, các đoàn ngựa thồ quy mô lớn mới thật sự là Ông vua không ngai. Cho dù là nhà họ Lâm chúng tôi, muốn đổi bạch dược với người Miêu, cũng phải thông qua đoàn ngựa thồ để giao dịch, chấp nhận nhường cho họ một phần chênh lệch."
Nghe nói rắc rối như vậy, tôi bèn hỏi Lâm Khôi có quen biết đoàn ngựa thồ nào không. Cậu ta bảo có thì có đấy, nhưng đoàn đội đó quanh năm bôn ba làm ăn ở bên ngoài, Giang Thành chỉ là một cứ điểm thứ yếu mà thôi, có thể gặp được họ hay không thì phải hoàn toàn dựa vào may rủi. Tần Bốn mắt làm việc luôn vạch sẵn đường đi nước bước rồi mới tiến hành, khi nghe nói tình hình có nhiều khả năng không giống như đã dự tính, anh ta bắt đầu cằn nhằn như đàn bà, vặn hỏi hết cái này đến cái kia. Tôi nói, giờ chưa biết đâu vào với đâu, ngài luật sư anh đã vội bực tức cái gì, biết đâu hai người Shirley Dương đã tìm được người, giờ đã có sẵn ba chân ở Giang Thành, chỉ chờ chúng ta tới nơi là đủ sắp một bàn mạt chược thì sao. Có khi chúng tôi không nhất thiết phải vào khu hồ Phủ Tiên. Có ngờ đâu, anh ta lại nói như đinh đóng cột: "Đi theo anh được một thời gian dài rồi, tôi đã suy ngẫm rất cẩn thận. Chỉ cần có dính dáng đến lão Hồ nhà anh, bất cứ việc gì rồi cũng sẽ không thể giải quyết dễ dàng, chắc chắn là sẽ gặp phải vướng mắc."
Tôi định phản bác luận điệu phản động vô căn cứ của anh ta, nhưng ngẫm lại cho kỹ, hình như những gì xảy ra trong suốt thời gian vừa rồi không sai lệch gì so với anh ta nói lắm thì phải. Trong lòng tự nhiên cảm thấy bức bối, tôi chỉ hi vọng chuyến đi Giang Thành này có thể thẳng đường mà tiến, đừng có quá nhiều ngoắt ngoéo.
Tối ngày hôm đó, chúng tôi đã đặt chân tới thủy trại Giang Thành. Vùng Vân Nam non nước nối liền, phong cảnh đẹp tuyệt vời. Mặc dù trên lý thuyết, Giang Thành là thành thị, nhưng trên thực tế nó lại là một Thủy trại với nhân khẩu thường trú chưa đầy 10.000. Nơi đây là vùng trũng, bốn bề bị nước bao quanh, số lượng kênh rạch cầu cống trong trại nhiều gấp mấy lần so với đường bộ, đặc biệt là vịnh Hành Mã nổi tiếng nhất trong số mười tám vịnh. Đến nơi đây, xe ngựa của chúng tôi buộc phải gửi ở trạm ngoài trại, toàn bộ hàng hóa cũng phải chuyển sang vận chuyển bằng thuyền. Người bản địa có câu "Đạo vô loa mã, thủy trung phi thiên", có nghĩa là trong Thủy trại Giang Thành, làm ăn bằng đường bộ hoàn toàn không có tương lai, nhưng chỉ cần xuống nước là có thể một bước lên trời. Mặc dù nói hơi phóng đại một chút, nhưng chỉ khi nào tận mắt nhìn thấy quang cảnh phồn thịnh trên mặt nước của nơi này thì mới biết được câu nói đó không ngoa chút nào.
Nghe nói cậu chủ Thảo Đường nhà họ Lâm đích thân tới giao hàng, các hào mục địa phương đã tập trung trên du thuyền chờ đón ở tận cửa vào mười tám vịnh. Chúng tôi theo sau Lâm Khôi, được một đám đông tiền hô hậu ủng đưa lên chiếc du thuyền đánh dầu bóng loáng có thể soi gương, mà trong lòng giật thon thót. Hóa ra vị bác sĩ Lâm này rõ ràng có địa vị rất cao trong lòng quần thể dân tộc thiểu số, vậy mà ngày nào tôi và Bốn mắt cũng dè bỉu chê bai sau lưng người ta.
Chiếc du thuyền này dài gần 10m, chia làm ba khoang chính, một trên và hai dưới, nghe nói là biểu tượng của trại và chỉ giương buồm mỗi khi nghênh đón khách quý. Mặc dù giờ đã là lúc chạng vạng tối, nhưng trên mặt sông vẫn sáng trưng đèn đuốc. Thuyền buôn đậu chi chít trên mặt nước, gần như làm tắc nghẽn cả đường thủy. Tôi đứng ở đầu thuyền, trông thấy trên bờ chỉ có thưa thớt vài chục gian hàng nhỏ, so với cảnh tượng đông nghìn nghịt trên mặt nước, quả thực là xơ xác tiêu điều đến đáng thương. Bởi vậy có thể thấy được, chợ nổi Giang Thành tuyệt đối không chỉ có mỗi cái tên.
Lâm Khôi đã ""mời"" toàn bộ già trẻ trong đội ngũ đón tiếp của thương hội ra ngoài, độc chiếm toàn bộ chiếc du thuyền này, bảo rằng muốn yên tĩnh ngắm nhìn phong cảnh nơi đây cùng với khách quý. Kết quả, tôi và Bốn mắt lập tức biến thành tâm điểm của mọi ánh mắt, mọi người đoán già đoán non lai lịch của hai thằng. Tôi nói, cậu là một bác sĩ cao quý, làm sao có thể dối gạt tình cảm của quần chúng như vậy được. Lâm Khôi đáp trả: "Với tính cách hào phóng, người Giang Thành nổi tiếng là hiếu khách, anh không phát hiện ra rượu Phần(1) chất đầy ở đuôi thuyền hay sao, đủ chuốc say chết người đó. Không dọa họ, chúng ta làm sao có thể dễ dàng thoát thân như vậy." Đến lúc này tôi mới nhận ra chỗ đuôi thuyền chất đầy vò rượu, vội vàng cảm ơn Lâm Khôi. Bốn mắt chưa bao giờ từng nhìn thấy phiên chợ nổi nào náo nhiệt thế này, dường như đã quên tuột cả mục đích của chuyến đi này, chỉ chăm chăm cò kè mặc cả với các thuyền buôn nhỏ, mua một đống hàng thủ công nghệ mà chẳng biết dùng để làm gì.
(1) Một loại rượu ngon, sản xuất ở Phần Dương, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc
"Lúc này là giờ cao điểm của buổi tối, thuyền của chúng tôi quá nổi bật dễ làm người khác chú ý, muốn đi cũng đi chẳng nổi, tốt nhất là chúng tôi cứ ăn cơm chiều đã. Sau đó sẽ thuê một chiếc thuyền nhỏ để lên bờ, tôi sẽ dẫn các anh tới Nhà thủy tạ nghe ngóng tin tức của mấy người Shirley Dương."
Nhà thủy tạ của Thủy trại tương tự như quán trà của chúng ta, khách khứa đến từ khắp mọi miền, là nơi tin tức nhạy bén nhất Giang Thành. Không nói quá chút nào, chỉ cần anh cua trong đó một vòng, ngày hôm sau, ngay cả người bán báo trong thành đã biết anh có bao nhiêu đất cắm dùi trong dòng họ nhà mình. Bởi vậy, nghe ngóng tin tức trong nhà thủy tạ là sự lựa chọn không thể chính xác hơn. Chúng tôi ăn thịt muối hầm cách thủy, lại dùng bếp trên thuyền để hâm nóng một bình rượu Phần. Đến khi trăng nhú đầu non, Nhà thủy tạ đốt chiếc đèn lồng đỏ khổng lồ lên báo hiệu bắt đầu mở cửa bán hàng, chúng tôi mới tìm một chiếc thuyền mủng nhỏ rồi chèo vào trong bờ.
Không biết có phải bị ám ảnh mãi bởi chuyến đi Nam Hải hay không, lúc ở trên thuyền tôi cứ đứng ngồi không yên, mãi đến khi giẫm chân lên bờ mới cảm thấy an toàn. Đường thủy trong Thủy trại Giang Thành hẹp hơn ở phía ngoài sông, đa phần những ngôi nhà ven bờ được xây nhô một nửa ra ngoài dòng chảy. Phần mặt nước bên dưới nhà, hoặc có thể làm chỗ đậu thuyền, hoặc có thể mở cửa hiệu. Cho dù là ở vùng phương nam, nơi được gọi là quê hương sông nước, cũng khó mà bắt gặp cảnh tượng như thế này. Lâm Khôi thuyết minh, con đường mà chúng ta đang đi là phố Nam Giang Thành. Đi thêm một đoạn nữa, vượt qua một cái cầu đá là sẽ tới phố đông. Phố Nam là khu buôn bán, phố Đông là khu nhà ở, tuy nhiên đại đa số người ở đây vẫn giữ thói quen sống trên mặt nước. Còn Nhà thủy tạ treo đèn lồng tua đỏ thếp vàng khổng lồ mà chúng tôi sắp bước chân vào, chính là quán rượu lớn nhất ở nơi đây. Quán rượu này chẳng có biển hiệu, nhưng chỉ cần nhắc đến ba chữ "Nhà thủy tạ" ở vùng này, thì nhất định là muốn nói tới nơi này.
Tôi nhìn dòng người qua lại trên đường, đa phần mặc áo đen quần xanh, có người còn gánh đặc sản tự nhiên của miền núi trên vai, chỉ cần nhìn cũng biết là thợ săn người dân tộc đang vào thành để bán đồ. Cũng có cả người Hán như chúng tôi, hai bên đang cùng ở nơi xa xứ, cho nên dù không quen biết thì vẫn tự nhiên có cảm giác thân thiết, mỉm cười với nhau từ xa thay cho lời chào. Lâm Khôi giật áo hai thằng tôi, nói: "Đừng có mà giàu trí tưởng tượng! Nơi đây có rất nhiều kẻ lừa đảo. Ở cái vùng Giang Thành này, số người Hán chết oan chết uổng mỗi năm, dù không tới một trăm thì cũng phải hơn chín mươi." Tôi giật mình choáng váng, hỏi cậu ta nguyên nhân tại sao. Lâm Khôi đáp: "Ở đâu có người thì ở đó có mâu thuẫn. Nơi này xa xôi hẻo lánh, mất tích vài người thì có ai thèm quan tâm. Giết người vì cướp của, cũng có khi chỉ vì xả giận. Lừa đến chỗ tối, xiết cổ, nhấn xác chìm sâu dưới nước, có trời mới biết được. Với cách ăn mặc như du khách như thế này, các anh rất dễ biến thành con mồi cho kẻ khác săn. Lát nữa vào Nhà thủy tạ, các anh đừng bao giờ nhìn bên này ngó bên kia như thế này nữa."