Một bên là Diệp Nhị Nương mồm năm miệng mười nói toàn một giọng phong tình, một bên Vương Ngọc Yến nét mặt đỏ gay, vừa tức vừa thẹn.
Ðoàn Dự muốn nói mấy câu an ủi nàng, nhưng không biết nói thế nào cho phải.
Mộ Dung Phục vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng, đưa mặt lườm Diệp nhị Nương một cái, nhưng không nói gì đến mụ, Y để hết tinh thần vào Ðoàn Diên Khánh.
Bọn Huyền Nạn, Cưu Ma Trí, Ðinh Xuân Thu, Tô Tinh Hà, Khang Quảng Lăng cũng chú ý theo dõi hành động của Ðoãn Diên Khánh.
Ðoàn Diên Khánh mắt vẫn đăm đăm nhìn bàn cờ. Lão ngưng thần suy nghĩ hồi lâu, lâu lắm rồi cây trúc trựơng bên tay trái lão thò vào hộp con cờ. Ðầu gậy của lão thò vào hộp con cờ. Ðầu gậy của lão tựa hồ như có hấp lực hút chặt lấy một con cờ đen đặt lên bàn.
Huyền Nạn khen rằng:
- Võ công họ Ðoàn nước Ðại Lý quả là thứ võ công độc đáo cõi Thiên Nam. Tiếng đồn thật đã không ngoa.
Ðoàn Dự đã được xem thái tử Diên Khánh ngày trước đấu cờ với Huỳnh Mi Tăng, nên biết rõ: chẳng những lão nội công thâm hậu mà lại rất cao cờ. Có khi lão phá được thế cờ này cũng chưa biết chừng.
Tô Tinh Hà vốn biết là một thế cờ thiên biến vạn hóa, mọi bước đi lão thuộc hết, nên vừa thấy thái tử Diên Khánh hạ cờ xuống đi, lập tức lão lấy một con cờ trắng đi luôn. Ðoàn Diên Khánh lại nghĩ một lúc rồi đi nước khác.
Tô Tinh Hà khen rằng:
- Các hạ đi nước cờ này thật là cao minh. Nhưng để còn xem những nước sau liệu có phá được quan ải tìm ra lối thoát chăng?
Nói xong lão đặt con cờ trắng xuống để cản đường.
Ðoàn Diên Khánh lại hạ con cờ khác xuống.
Nhà sư trẻ tuổi chùa Thiếu Lâm là Hư Trúc bỗng kêu lên:
- Nước này e rằng hỏng mất!
Nam Hải Ngạc Thần cả giận la lên:
- Nhà sư nhóc con này! Mi dám biểu đại ca đi nước đó không được!
Lão nắm lấy lưng nhà sư nhắc lên.
Ðoàn Dự thấy vậy nói ngay:
- Ðồ đệ ơi! Ðừng hại vị tiểu sư phụ đó!
Nam Hải Ngạc Thần từ lúc mới đã nhìn thấy Ðoàn Dự trong lòng lão hổ thẹn. Lão tính rằng hay hơn hết là đừng nói gì với chàng. Ngờ đâu chàng lại gọi lão, lão tức quá nhưng không làm sao được, đàng hậm hực đáp trống không:
- Ðừng hại thì thôi chứ sao? Cái đó có gì quan hệ?
Mọi người thấy Nam Hải Ngạc Thần chịu nghe lời Ðoàn Dự và chàng kêu lão bằng đồ đệ cũng không cãi lại, thì đều thì đều lấy làm ngạc nhiên.
Ðoàn Diên Khánh đi mỗi nước cờ lại phải nghĩ một hồi mới đi được nước khác càng về sau càng nghĩ lâu. Khi lão đi được hơn hai mươi nước thì mặt trời đã xế về Tây.
Mọi người đều thấy đói bụng.
Huyền Nạn thốt nhiên cất tiếng nói:
- Ðoàn thí chù! Mười nước thí chủ đi theo đường chính. Nhưng từ nước thứ mười một trở đi lại rẽ sang đường chếch, càng về sau càng lệch lạc mất đi, không còn cách nào cứu vãn được nữa!
Ðoàn Diên Khánh mặt trơ như xác chết trôi, không tỏ vẻ gì khác lạ, chỉ có trong cổ họng phát ra thanh âm:
- Ðại sư phái Thiếu Lâm là một chính tông, vậy theo tôn ý thì nói đường chính đạo làm thế nào để phá vỡ được thế cờ này?
Huyền Nạn thở dài nói:
- Thế cờ này chính không, tà không ra tà. Dùng chính đạo phá không xong, mà theo tà phá cũng không được!
Ðoàn Diên Khánh giơ đầu gậy trúc lên rồi dừng lại ở trên không. Người lão run lên, nghĩ mãi không đi được.
Hồi lâu lão lên tiếng:
- Phía trước không có đường đi, mặt sau lại có quân đuổi theo. Ði ngay thẳng không được, theo nẻo tà không xong. Thế mới khổ chứ!
Ðoàn Diên Khánh nguyên là phái võ chính tông họ Ðoàn nước Ðại Lý, nhưng về sau lão đi vào tà đạo. Huyền Nạn nói câu vừa rồi khiến cho lão xúc động can tường. Hoàn cảnh lão cũng tương tự như Mộ Dung công tử, dần dần lạc lõng vào cõi tà ma.
Thế cờ này biến ảo trăm chiều. Nó tùy theo bản ngã của con người mà thay đổi. Kẻ tham tài thì vì lòng tham mà sai lầm. Người hay nóng giận thì lại vì nóng giận mà lỡ nước.
Ðoàn Diên Khánh có cái hận suốt đời là sau khi thành người tàn phế, không bỏ chính tông không được, nên đành học pháp thuật bàng môn tả đạo. Mỗi khi lão phải để hết tâm thần vào việc gì thì ngoại tà xâm nhập khiến cho đầu óc lão đâm ra hoang mang hỗn loạn.
Ðinh Xuân Thu cười hề hề nói:
- Phải rồi! Con người ta ở đường chính đi vào nẻo tà thì dễ, chứ cải tà qui chánh thì khó lắm. Trời ơi! Cái cuộc đời này hỏng rồi, hỏng rồi! Ôi! Tiếc cho mình: Lỡ bước gây thành thiên cổ hận, hơi đâu trở lại cũng không xong!
Lão thốt ra những câu này đầy vẻ tiếc thương hối hận!
Bọn Huyền Nạn cùng những tay cao thủ đều biết rõ Tinh Tú Lão Quái nói những câu đó chẳng tử tế gì còn chứa chất bao nỗi nham hiểm.
Ðoàn Diên Khánh nghe lão, quả nhiên ngồi thộn mặt ra, nói bằng một giọng thê thảm:
- Lão phu đang ở ngôi cao cả là một vị hoàng tử trong nước Ðại Lý, thế mà nay phải lạc lõng chốn giang hồ, chìm đắm vào cảnh thân tàn ma dại này, thực xấu hổ với tiền nhân.
Ðinh Xuân Thu nói:
- Các hạ chết xuống cửa tuyền còn mặt mũi nào trông thấy tiền nhân họ Ðoàn nửa? Nếu các hạ còn biết liêm sỉ thì bằng tự vận quách cho rồi. Như thế cũng đáng kể là hành vi của bậc anh hùng hào kiệt. Ôi Thôi! Các hạ nên tự tử đi thôi, nên tự tử đi thôi!
Lão nói bằng một âm điệu ôn tồn uyển chuyển khiến người nghe phải động tâm. Nếu là hạng công lực tầm thường thì nghe lời lão, tinh thần phải mê man buồn ngủ.
Ðoàn Diên Khánh lẩm bẩm một mình:
- Tự tử đi là hơn!
Lão cầm cây trúc trượng giơ lên từ từ điểm vào trước ngực mình. Nhưng công lực lão rất thâm hậu, lão ngấm ngầm hiểu rằng không được, tựa hồ trong thâm tâm lão có thanh âm phát ra:
- Không được! Không được! Nếu điểm mạnh thì hỏng bét!
Nhưng cây trượng ở tay trái cứ dần dần tiến vào từng tắc một.
Huyền Nạn lẩm bẩm:
- Chao ôi! Hỏng bét rồi!
Nhà sư có ý muốn nói để lão tỉnh lại. Nhưng muốn thốt ra lời cho có hiệu quả thì cần có nội lực tương đương. Nếu không thì chẳng ích gì mà còn tai hại nữa. Những tay cao thủ xung quay thì có Huyền Nạn lấy đạo từ bi làm gố và có ý muốn cứu viện, nhưng công lực đã bị mất hết không làm gì được.
Tô Tinh Hà nhớ lại lệ luật của sư phụ ngày trước dựng ra, không dám cứu viện.
Mộ Dung Phục biết Ðoàn Diên Khánh không phải là người tốt. Nếu lão có chết đi thì bớt cho thiên hạ được mối hại lớn có phải hay hơn không?
Cưu Ma Trí là con người ưa gieo tai rắc họa, lão chỉ cười hì hì rồi thỏng tay ngồi nhìn. Ðoàn Dự cùng Du Thản Chi tuy công lực thâm hậu nhưng lại không hiểu biết xâu xa hậu quả thế nào.
Vương Ngọc Yến tuy biết nhiều những môn võ công các phái, song công lực lại bình thường. Ðối với những công phu các bàng môn tả đạo nàng chỉ hiểu đôi chút. Tuy trông thấy hoàn cảnh xày ra trước mắt, má lại không hiểu tại sao có hoàn cảnh đó.
Diệp Nhị Nương thì nhất tâm muốn lấy lòng Ðinh Xuân Thu dĩ nhiên mụ không phá hoại những cuộc mưu đồ của lão. Bọn Ðặng Bách Xuyên, Khang Quảng Lăng chẳng những mất hết công lực, mà họ cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện cứu viện.
Tựu trung chỉ còn Nam Hải Ngạc Thần là ra chiều sốt sắng, lão thấy đầu trượng Ðoàn Diên Khánh chỉ còn cách trước ngực chừng vài tất. Nếu chần chừ giây lát đầu gậy sẽ đưa vào tử huyệt là hết đời.
Lão liền nghĩ tới Hư Trúc, liền la lên:
- Lão đại ca! Hãy đón lấy nhà sư này!
Nói xong liền xách nhà sư tuổi trẻ liệng tới trước mặt Ðoàn Diên Khánh.
Hư Trúc người cao lênh khênh đang bị ném về phía Ðoàn Diên Khánh thì Ðinh Xuân Thu phóng chưởng ra la lên:
- Cút đi! Ðừng đâm vào rắc rối câu chuyện!
Nam Hải Ngạc Thần đã dùng sức rất hùng hậu để liệng Hư Trúc mà vẩn bị phát chưởng mềm mại của Ðinh Xuân Thu hất nhà sư bật ngược trở lại về phía Nam Hải Ngạc Thần.
Nam Hải Ngạc Thần đưa hai tay đón lấy Hư Trúc toan liệng lại lần thứ hai về phía Ðoàn Diên Khánh. Lão không ngờ chưởng lực của Ðinh Xuân Thu rất mạnh, nên vừa mó vào Hư Trúc, đột nhiên hai mắt lão trợn tròn xoe, loạng choạng lùi lại ba bước, lão sắp đứng vững thì luồng hậu lực thứ hai lại đến khiến cho hai chân lão nhũn ra ngồi phệt xuống.
Nam Hải Ngạc Thần đã tưởng đến đây là hết. Không ngờ lại còn luồng hậu lực thứ ba dồn tới khiến cho lão ngồi không vững phải ngã lăn ra lộn đi một vòng. Hai tay lão đang nắm lấy Hư Trúc.
Hư Trúc bị lão đè lên một lần rồi lão lăn người y lại trật ra ngoài.
Nam Hải Ngạc Thần như con chim sợ cung tưởng cường lực Ðinh lão quái còn luồng hậu kình thứ tư, Hư Trúc thoát khỏi bàn tay Nam Hải Ngạc Thần liền đưa mắt nhìn Huyền Nạn để xem sư bá tổ xử trí ra sao, thì thấy Huyền Nạn lộ vẻ u buồn tỏ ra không làm gì được.
Tại phái Thiếu Lâm những đệ tử vào hạng tam đại hay tứ đại đều coi những vị cao tăng vào hàng chữ "Huyền" như những vị bồ tát. Bất luận vấn đề khó khăn đến đâu cũng trông vào những bậc này giải quyết cho. Thế mà bay Huyền Nạn đành chịu bó tay không có chước gì, kiên cho Hư Trúc cảm thấy sợ sệt vô cùng.
Hư Trúc tuy võ công bình thường nhưng thiền sư rất mực thông minh tuy y biết Huyền Nạn bị mất hết công lực, nhưng y biết ý Huyền Nạn rất muốn cứu tính mạng Ðoàn Diên Khánh, trong lòng thì xúc động, liền nói:
- Thưa sư bá tổ! Bệnh quỷ quái phải có thuốc tiên! Ðoàn tiền bối nhân thế cờ đã miên man, vậy mình phải dùng thế cờ này để giải trừ cho tiền bối.
Ðinh Xuân Thu vội nói:
- Không kịp nữa rồi! Diên Khánh Thái tử! Lão phu khuyên thái tử nên tự vận đi là hơn! Nên tự vận đi là phải!
Ðoàn Diên Khánh nói:
- Phải rồi sống ở trên đời cũng chẳng ích chi thà chết đi còn hơn!
Lão nói câu này thì đầu thần trượng chỉ còn cách vạt áo trước ngực hai tấc.
Dọc đường Hư Trúc đã bị Ðoàn Diên Khánh, Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần ba người áp chế, y phải chịu bao nhiêu nỗi thống khổ. Nhưng y là người rộng lượng, không nghĩ gì đến thù cũ mà chỉ hoài báo tấm lòng từ bi của kẻ xuất gia.
Y lại nghĩ rằng:
- Sư bá tổ ra chiều muốn cứu người, thì y cũng không muốn Ðoàn Diên Khánh bất đắc kỳ tử. Có điều muốn giải trừ ma chưởng ám ảnh Ðoàn Diên Khánh thì cần giải quyết thế cờ vô cùng phức tạp này.
Y nghĩ đi nghĩ lại chưa ra được kế gì thì thấy Ðoàn Diên Khánh cặp mắt vẫn đăm đăm nhìn bàn cờ không chớp và nguy cơ sắp đến nơi rồi!
Ðột nhiên tâm linh Hư Trúc rung động, y nghĩ thầm:
- Dù ta không phá được thế cờ nhưng cứ đi loạn lên một lúc để cho lão phân tâm, tinh thần tỉnh lại là cứu được.
Nghĩ vậy liền nói:
- Vãn bối lại phá thế cờ đây!
Y lại bên Tô Tinh Hà, thò tay vào hộp lấy một quân cờ đen. Y nhắm mắt đặt quân cờ xuống bàn rồi nổi lên tràn cười ha hả.
Hư Trúc vẫn không mở mắt ra, bỗng nghe Tô Tinh Hà nổi giận nói:
- Ngươi vào đây phá quấy! Làm gì có lối cờ kiểu này?
Hư Trúc mở bừng mắt ra không khỏi tự thẹn, mặt đỏ bừng lên, vì y nhắm mắt đặt con cờ xuống bàn, thế nào đúng vào chỗ những con cờ trắng bao vây.
Bên cờ đen chỉ còn có một điểm đó để làm chỗ thở. Tuy bên cờ trắng có bắt hết. Nhưng nếu đi sai một nước thì lại còn cơ sống sót, phép đánh cờ vây là phải tranh giành đất sống. Thế mà Hư Trúc lại tự đem con cờ đen của mình đặt xuống để chẹn họng không khác gì tự tử. Bên cờ đen mà chết con này nữa là thua cuộc.
Bọn Cưu Ma Trí, Mộ Dung Phục, Ðoàn Dự thấy vậy bất giác cười ha hả.
Phạm Bách Linh tuy còn mệt nhọc đau đớn cũng không nhịn được cười reo lên:
- Thế này thì quả là thú tuyệt!
Tô Tinh Hà nói:
- Tiên sư lão phụ đã có di mệnh: Thế cờ này công bố với khắp thiên hạ, bất luận là ai cũng có thể vào cuộc phá giải. Hư Trúc tiểu sư phụ tuy đi được nước cờ lạ với lề lối thông thường nhưng vẫn là một nước cờ.
Lão vừa nói vừa nhặt bỏ những quân cờ đen thuộc về loại đã bị bắt bỏ ra ngoài bàn cờ.
Ðoàn Diên Khánh la lên một tiếng thật to, rồi như người đang mơ mộng choàng tỉnh giấc.
Lão đưa mắt nhìn Ðinh Xuân Thu nói:
- Tinh Tú Lão Quái! Ngươi thừa cơ người ta đang gặp lúc nguy nan mà ngấm ngầm thi hành độc kế. Việc này chúng ta không thể bỏ qua được.
Ðinh Xuân Thu quay lại nhìn Hư Trúc bằng con mắt đầy căm tức, oán giận.
Ðoàn Diên Khánh xem thế cờ biến hóa, lão tự biết rằng đáng lý mình chết rồi mà còn sống sót là nhờ ở Hư Trúc cứu viện. Trong lòng lão đâm ra có thiện cảm với nhà sư trẻ tuổi. Lão biết rằng thế nào Ðinh Xuân Thu cũng ôm mối hờn giận và nghĩ kế báo thù nhà sư Hư Trúc. Lão lặng lẽ không nói gì chỉ ngồi bên theo rồi để chiếu cố cho nhà sư.
Lão nghĩ thầm:
- Huyền Nạn đại sư là một vị cao tăng chùa Thiếu Lâm hiện có mặt tại đây, chắc là Tinh Tú Lão Quái cũng không làm gì nổi môn tử môn tôn phái Thiếu Lâm. Nhưng nếu Huyền Nạn cũng bị hôn mê không che chở cho y thì ta ra tay cứu viện, chớ không thể để y vì ta mà uổng mạng.
Bỗng nghe Tô Tinh Hà quay lại hỏi Hư Trúc:
- Tiểu sư phụ! Tiểu sư phụ đã tự giết một lũ quân cờ của mình, bây giờ bên trắng lại áp bức thêm một bước nữa, tiểu sư phụ đối phó thế nào đây?
Hư Trúc tươi cười đáp:
- Tiểu tăng rất kém cỏi về kỳ lý, đi nhăng một nước cốt để cứu người. Thế cờ này bây giờ tiểu tăng không biết đi nước nào nữa. Xin lão tiền bối lượng thứ cho.
Tô Tinh Hà sa sầm nét mặt nói:
- Tiên sư ta bày ra thế cờ này cốt để mời những tay cao thủ khắp thiên hạ đến phá giải. Phá giải không được cũng không sao. Còn nếu để ra tai vạ về sau là lỗi tự mình. Tỷ như ngươi đến phá quấy có ý khinh mạn đến tâm huyết của sư phụ lão phu. Dù người nhiều thế mạnh đến đâu, lão phu tuy vừa câm vừa điếc cũng liều chết để bảo vệ oai nghiêm của tiên sư.
Tuy lão là Lung Á lão nhân (ông già câm điếc) mà thực ra lão chẳng câm chẳng điếc chút nào. Bây giờ lão đang vểnh tai nghe, thế mà lão tự xưng là người vừa câm vừa điếc mới thật buồn cười. Có điều lão nói râu chồng ngược lên, thanh âm choang choảng như tiếng lệnh vỡ, vẻ mặt cực kỳ hung dữ, nên chẳng ai dám bật lên tiếng cười lão.
Hư Trúc chắp tay để trước ngực thi lễ nói:
- Lão tiền bối...
Tô Tinh Hà quát lớn:
- Ðánh cờ thì phải cầm quân đi, nói nhiều làm gì vô ích! Tâm huyết Tiên sư lão phu há để cho người ta đến phá khuấy làm trò tiêu khiển.
Nói xong vung tay phải lên phóng ra một chưởng đánh"sầm"một tiếng.
Cát bụi bay mù, chổ đất trước mặt Hư Trúc thụt xuống thàng một cái hố sâu rộng đến vài thước.
Chưởng lực này mãnh liệt vô cùng, nếu chỉ đánh xích thêm lên thêm một thước nữa thì xương cốt Hư Trúc đã nát như cám, chết uổng mạng rồi.
Hư Trúc sợ quá, trống ngực đánh thình thịch, dương mắt nhìn Huyền Nạn để cầu cứu sư bá tổ đứng ra cứu mình thoát khỏi cơn nguy cấp này.
Huyền Nạn về kỹ thuật đã tầm thường mà võ công lại mất hết thì còn cách nào cứu được y?
Nhà sư đã toan mặt dạn mày dày năn nỷ Tô Tinh Hà tha cho Hư Trúc thì bổng thấy Hư Trúc thò tay vào hộp lấy ra một con cờ đen đặt xuống bàn. Chỗ này ở quảng trống phía sau những con cờ đen đã bị bắt rồi.
Nhà sư trẻ tuổi hạ con cờ này rất đúng phép.
Suốt ba mươi năm trời Tô Tinh Hà đã nghiên cứu thế cờ này rất kỹ, biến ra thành hàng ngàn hàng vạn cuộc, nên bất cứ lối nào nước nào, diễn biến ra sao, hậu quả đi đến đâu, lão đã thuộc lòng. Nhưng chưa bao giờ và cũng chưa có một ai lại đi nước cờ để tự sát bao nhiêu quân của mình. Chỉ có mình Hư Trúc nhắm mắt đi liều một nước kỳ cục như vậy. Nước cờ trái khoáy này thì dù chỉ là người hơi biết cờ một chút, cũng không đi ngớ ngẩn đến thế, chẳng khác gì ngưới học võ bao giờ lại học cầm kiếm để tự giết một khối quân rồi cục diện biến thành sáng sủa hơn.
Bên trắng tuy chiếm được ưu thế, nhưng bên đen cũng rộng đường xoay sở không giống người bị trói chân trói tay như trước, giữ được chỗ nọ bỏ mất chỗ kia.
Cục diện tân kỳ này thì dù Tô Tinh Hà có nằm mơ chăng nữa cũng không nghĩ ra.
Lão tỏ vẻ sửng sốt, suy tính hồi lâu rồi mới cầm cờ trắng đi một nước.
Nguyên Hư Trúc thấy Tô Tinh Hà phóng chưởng ra hâm dọa mà sư bá tổ cũng chẳng nói chẳng rằng hoặc tìm cách gì cứu nguy cho mình, nhà sư trẻ đang lúc hồi hộp luống cuống, bỗng một thanh âm nhỏ xíu lọt vào tai mình:
- Ðặt cờ xuống điểm tam cửu (chỗ hàng ngang thứ ba và hàng dọc thứ chín gặp nhau) ở vị"bình"(góc dưới về mé bên trái).
Hư Trúc chẳng hiểu câu này là ai mách nước, cũng chẳng biết nước này đúng hay sai, cứ cầm quân cờ đen y theo lời mách bảo đặt xuống điểm tam cửu ở vị bình.
Tô Tinh Hà cầm cờ trắng đi rồi, thanh âm nhỏ nhẹ lại lọt vào tai Hư Trúc:
- Ðiểm nhị bát ở vị bình.
Hư Trúc lại đặt cờ vào điểm nhị bát vị bình theo đúng lời mách bảo.
Nước cờ này vừa đặt xuống bọn Cưu Ma Trí, Mộ Dung Phục, Ðoàn Dự đều reo lên một tiếng kinh ngạc:
- Uí chà!
Hư Trúc ngẩng đầu lên nhìn thì thấy nét mặt người nào cũng ra chiều khâm phục và kinh hãi mình. Nhà sư biết ngay đó là một nước cờ tuyệt diệu.
Chính Tô Tinh Hà cũng vừa khen ngợi vui mừng, vừa tỏ vẻ bồn chồn lo lắng. Cặp lông mày của lão luôn nhíu lại.
Hư Trúc thấy Tô Tinh Hà lộ vẻ vừa thích thú vừa kinh hãi thì trong lòng sinh nghi tự hỏi:
- Làm sao lão lại lộ vẻ thích thú? Hay là ta đi nước này lố mất rồi?
Nhưng rồi y lại nghĩ:
- Bất luận ta đi trúng hay trật, thì cốt sao đánh thêm được với lão mười nước trở lên để tỏ ra ta cũng là người biết đánh cờ chứ không phải đi liều lĩnh phá quấy làm nhục tiên sư lão, thì lão không trách mình vào đâu được nữa.
Tô Tinh Hà ngẫm nghĩ hồi lâu đặt con cờ trắng xuống, y lại nghe thấy thanh âm chỉ thị, liền theo đúng nước đặt cờ đen xuống.
Hư Trúc vừa đi cờ vừa cứ để ý quan sát xem phải chăng là sư bá tổ đã ngấm ngầm chỉ thị cho mình? Nhưng thấy Huyền Nạn vẫn lộ vẻ bồn chồn, huống chi Huyền Nạn thủy chung vẫn không mở miệng.
Thanh âm lọt vào tai Hư Trúc rõ ràng là phép "Truyền Âm Nhập Mật" của người có võ công thượng thừa và nội lực thâm hậu. Lời nói lọt vào tai ai thì chỉ mình người đó nghe thấy, còn người ngoài tuy ngồi ngay ben cạnh cũng không có cách nào nghe rõ. Nhưng bất luận là nói to hay nói nhỏ thì cũng phải có nói mới ra lời.
Hư Trúc để mắt ngó trộm môi miệng mọi người chẳng thấy một ai máy miệng, mà vẫn tiếp tục nghe tiếng mách nước:
- Hạ cờ xuống điểm ngũ lục ở vị khứ.
Hư Trúc nghe rõ, đặt cờ xuống y chỗ rồi tự nhủ:
- Người mách nước cho ta quyết là sư bá tổ chứ không còn ai nữa. Vì những người ngồi đây ngoài sư bá tổ ra, chẳng ai là người thân tình hay quen biết ta từ trước, thì khi nào họ còn dạy ta đi cờ?
Hư Trúc kết luận:
- Chỉ có mình sư bá tổ là chưa nhập cuộc, còn ngoài ra ai nấy đều đã thử qua và đều thất bại. Sư bá tổ mình thần công thật là phi thường! Người dùng phép "Truyền âm nhập mật" mà không cần mở miệng máy môi. Không biết đến bao giờ mình mới tu luyện được đến mức này?
Ðoàn Diên Khánh thấy Tô Tinh Hà ngỏ lời thống trách Hư Trúc và quyết ý hạ sát nhà sư trẻ tuổi, nên ngấm ngầm mách nước để cứu nguy với mục đích là kéo dài thêm mấy nước đặng cho y có đường rút lui.
Lão thiện về thuật phúc ngữ (nói bằng bụng), đã nói năng không cần máy miệng, lại dùng nồi công thâm hậu để thi triển phép "Truyền âm nhập mật" khiến cho những người ngồi bên tuy toàn là cao thủ mà không ai nhìn thấy cơ quan.
Sau khi đi được mấy nước, thế cờ biến đổi rất nhiều.
Nguyên thế cờ này chổ bí mật nhiệm mầu là bên đen phải tự mình hy sinh đi một số quân lớn ngay nước đầu, thì về sau mới biến ra được những nước kỳ diệu. Có điều lối tự mình ra tay để giết quân mình là một đường lối trong cờ vây từ ngàn xưa chưa ai nghĩ tới, dù là những tay cao thủ đánh cờ đã đến mức siêu việt nhập thần.
Ngàn người như một ai cũng chỉ nghĩ đến phương pháp độc nhất là tím cách thoát khỏi nơi bị vây hãm để tìm đường sống, chứ cổ kim chưa ai nghĩ đến đi vào tử lộ.
Giả tỷ Hư Trúc không nhắm mắt đi bừa một nước cờ này thì e rằng đến ngàn năm sau cũng không một ai phá nổi thế đó.
Ðoàn Diên Khánh vốn là tay cao cờ đặc biệt. Năm trước đã thi đấu với Huỳnh Mi Tăng ở nước Ðại Lý. Huỳnh Mi Tăng bị thua xiểng liểng. Nhưng cuộc cờ ngày đó là lấy ra một số quân cờ đen rồi đem đặt xuống dần dần không giống như thế này, quân đen chỗ nào cũng bị vây hãm.
Bọn Cưu Ma Trí, Mộ Dung Phục, Ðoàn Dự không biết Ðoàn Diên Khánh ngấm ngầm mách nước, chỉ thấy Hư Trúc đi những nước cờ tuyệt diệu ăn luôn hai đám quân cờ trắng thì không nhịn được, reo lên khen ngợi.
Ban đầu Ðoàn Dự chú ý đến cuộc cờ rồi sau chỉ nhìn Vương Ngọc Yến chằm chặp. Chàng càng nhìn càng đau lòng vì Vương Ngọc Yến thủy chung chỉ để ý nhìn Mộ Dung Phục.
Ðoàn Dự than thầm:
- Về đi thôi! về đi thôi! nếu còn ngồi nữa chỉ tổ rước cái đau khổ váo mình, không chừng tức điên học máu ra mất.
Tuy than vậy thì than nhưng dời khỏi Vương Ngọc Yến mà đi thế nào được? Chàng lẩm bẩm:
- Ta hãy chờ Vương cô nương quay lại để nói với nàng mốt câu: "Vương cô nương! Cô nương đã tìm thấy Biểu ca rồi, tại hạ xin đi thôi!" Nếu nàng biểu: "Vâng! Xin công tử tùy tiện." Bấy giờ sẽ ra đi. Nếu nàng biểu: "Việc chi mà gấp vậy? Tôi còn có điều muốn nói với công tử", thì ta hãy chờ lại xem nàng có dặn gì không?
Thực ra Ðoàn Dự nghĩ như vậy là lòng lại dối lòng để có cớ mà ngồi lại. Chàng biết rõ rằng từ lúc Vương Ngọc Yến thấy biểu ca nàng rồi, nàng chưa từng quay đầu lại nhìn chàng lấy một lần.
Ðột nhiên, mớ tóc mềm mại phía sau gáy Vương Ngọc Yến hơi động đậy, trống ngực Ðoàn Dự đánh thình thình. Chàng lẩm bẩm:
- Nàng sắp quay đầu lại rồi!
Nhưng chỉ nghe thấy Vương Ngọc Yến thở dài, khẽ gọi:
- Biểu ca!
Mộ Dung Phục chú ý nhìn bàn cờ, thấy bên đen đã có vẻ thắng thế, mỗi nước lại dồn bên trắng vào thế bí. Y lẩm bẩm một mình:
- Mấy nước cờ sau này, mình cũng có thể nghĩ ra. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Nước đầu tiên mới thật quái gở, dù mình có nghĩ suốt đời cũng không ra.
Bao nhiêu tâm thần Mộ Dung Phục để hết vào thế cờ nên Vương Ngọc Yến lên tiếng khẽ gọi, y không nghe thấy.
Vương Ngọc Yến lại buông một tiếng thở dài từ từ ngoảnh đầu lại.
Ðoàn Dự thấy vậy, trái tim dường như muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực.