- Vị này là Tiểu Quyên đây! Tiểu Quyên là phương danh bà nhưng khắp thiên hạ ngoài tôi ra không ai dám gọi đến!
Ðơn Chính vừa tức vừa buồn cười, nói:
- Thế ra đó là phương danh của Ðàm bà đây. Tại hạ không biết, dám mạo muội nói ra. Vậy xin thứ lỗi.
Triệu Tiền Tôn ra vẻ tức giận, trừng mắt nói:
- Kẻ không biết là không có lỗi. Nhưng chỉ phạm lần đầu còn có thể tha thứ, chứ phạm đến lần hai thì không tha thứ được.
Ðơn Chính nói:
- Tại hạ tuy bấy lâu ngưỡng mộ đại danh Ðàm ông, Ðàm bà ở động Xung Tiêu núi Hoa Sơn nhưng chưa có cơ duyên được quen biết. Tại hạ tự xét mình chưa bao giờ phê bình chuyện người khác lúc vắng, thì làm gì đắc tội với Ðàm bà?
Triệu Tiền Tôn tức giận nói:
- Tôi vừa hỏi "Tiểu Quyên! Gần đây vẫn vui vẻ chứ?" Bà chưa kịp trả lời thì năm ông con quý tử của các hạ làm bộ tịch nghênh ngang đi vào, làm gián đoạn câu chuyện của bà, cho đến bây giờ bà vẫn chưa kịp trả lời tôi. Ðơn lão hiệp! Lão hiệp thử hỏi xem Tiểu Quyên là hạng người nào? Tôi, Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương là ai? Chẳng lẽ chúng tôi đang nói chuyện với nhau cứ để các ông làm gián đoạn hay sao?
Ðơn Chính nghe y nói có vẻ ngô nghê thì trong bụng cười thầm, đáp:
- Tại hạ có điều chưa rõ cần thỉnh giáo các hạ.
Triệu Tiền Tôn nói:
- Ðiều chi? Tôi mà cao hứng lên thì chỉ rõ đường lối cũng chả ngại gì.
Ðơn Chính nói:
- Ða tạ. Các hạ bảo phương danh của Ðàm bà khắp thiên hạ chỉ mình các hạ nói ra được, có đúng thế không?
Triệu Tiền Tôn đáp:
- Ðúng lắm! Nếu các hạ không tin để tôi gọi lại mà xem. Các hạ thử hỏi có phải tôi đây là Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương, Phùng Trần Chữ Vệ, Tưởng Thâm Hàn Dương, đã cùng các hạ thách thức nhau rồi không?
Ðơn Chính đáp:
- Không, không! Dĩ nhiên là tôi không dám gọi đâu, nhưng chẳng lẽ Ðàm ông cũng không dám gọi ư?
Triệu Tiền Tôn Lý mặt giận xám xanh, lẳng lặng hồi lâu. Mọi người đều tưởng rằng Ðơn Chính hỏi lại Triệu Tiền Tôn câu ấy để y khó trả lời. Không ngờ Triệu Tiền Tôn khóc rống lên, nước mắt giàn giụa, tiếng khóc cực kỳ bi thảm. Mọi người thấy vậy đều không ai hiểu ra sao cả.
Ai cũng cho là con người chẳng biết sợ trời đất là gì, to gan dám trêu chọc chống báng cả thiết diện phán quan. Một câu nói nhẹ nhàng mà khiến cho y bật lên tiếng khóc hờ trời hờ đất.
Ðơn Chính thấy y khóc rất thảm thương, bao nhiêu lửa giận từ nãy đến giờ đều tắt ngấm, lại an ủi y, nói:
- Triệu huynh! Ðó là tại hạ có lỗi.
Triệu Tiền Tôn nức nở nói:
- Tôi không phải họ Triệu.
Ðơn Chính càng lấy làm lạ, hỏi:
- Vậy quý tính các hạ là gì?
Triệu Tiền Tôn nói:
- Tôi chả có họ gì cả. Các hạ đừng hỏi nữa! Các hạ đừng hỏi nữa!
Bấy giờ trong rừng hạnh, những tay cao thủ đều đoán là Triệu Tiền Tôn tất có điều chi cực kỳ thương tâm không thể nói ra được. Nhưng chẳng ai biết là việc gì.
Nếu y không tự nói ra thì người ngoài cũng không tiện hỏi.
Mọi người thấy Triệu Tiền Tôn cứ ấm ức khóc mãi.
Ðàm bà dằn giọng nói:
- Ngươi phát điên rồi sao? Trước mặt quý vị đây ngươi không sợ mất mặt ư?
Triệu Tiền Tôn nói:
- Bà bỏ tôi đi lấy cái lão Ðàm ông bất tử kia, tôi không thương tâm sao được.
Tim tôi tan nát, ruột tôi đứt đoạn, còn mỗi cái mặt bên ngoài, mất thì mất chứ để làm gì?
Mọi người nghe, trông nhau mỉm cười. Nguyên trước Triệu Tiền Tôn cùng Ðàm bà có một đoạn tình sử. Sau không biết sao Ðàm bà lại đi lấy Ðàm ông khiến cho Triệu Tiền Tôn phải đau lòng, thậm chí muốn vứt cả tên họ đi, như điên như rồ, như ngây như dại.
Bây giờ thấy ông bà Ðàm công đã ngoài sáu mươi cả rồi mà Triệu Tiền Tôn còn nhớ đến mỗi tình cũ kỹ đã mấy chục năm trời vẫn còn quyến luyến.
Ðàm bà mặt đầy dăn deo, da mồi tóc bạc, vừa cao vừa lớn, không biết lúc trẻ tuổi nhan sắc bà thế nào mà làm rung động Triệu Tiền Tôn đến già cũng không quên được.
Ðàm bà có vẻ bẽn lẽn, nói:
- Sư huynh còn nói đến chuyện cũ làm chi? Nay Cái Bang gặp việc trọng đại cần giải quyết, sư huynh phải ngoan ngoãn mới được.
Triệu Tiền Tôn nghe Ðàm bà thỉnh thót mấy lời dường như lọt tai lắm. Y nói:
- Vậy nàng phải quay lại cười với tôi một cái tôi mới chịu nghe!
Ðàm bà chưa cười thì người chung quanh đã cười ồ, mà Ðàm bà dường như không hay biết gì, quay lại nhìn Triệu Tiền Tôn rồi cười.
Triệu Tiền Tôn nhìn bà như ngây như dại, tâm thần mê mẩn.
Ðàm ông ngồi bên tỏ vẻ vô cùng tấm tức nhưng không sao được.
Ðoàn Dự trông tình cảnh này bất giác cả kinh, nghĩ thầm: "Ba người này thâm tình như vậy, họ đặt hết thảy người đời ra ngoài cuộc. Mình... mình cùng Vương cô nương liệu rồi đây có khỏi lâm vào tình trạng này không?
Không! Không! Ðàm bà này đã có tình ý với sư huynh, còn Vương cô nương thì thuỷ chung không quên biểu huynh nàng là Mộ Dung công tử. Ðem mình so với Triệu Tiền Tôn thì mình hãy còn thua xa."
Triệu Tiền Tôn cùng Ðàm công, Ðàm bà sôi nổi lên một lúc về ân xưa oán cũ, Kiều Phong nghe, đoạn nghĩ lung lắm: "Té ra Triệu Tiền Tôn không phải họ Triệu, lại là sư huynh Ðàm bà. Ta thường nghe Ðàm ông, Ðàm bà ở động Xung Tiêu núi Hoa Sơn nhờ môn tuyệt kỹ của phái Hoa Sơn mà danh vang thiên hạ. Nay nghe giọng nói thì ba người này tựa hồ không cùng một môn phái. Vậy thì Ðàm ông thuộc phái Hoa Sơn hay Ðàm bà mới thuộc phái Hoa Sơn?" Kiều Phong còn đang nghi hoặc, bỗng nghe Triệu Tiền Tôn nói:
- Mấy năm nay mình không xuống Giang nam, nghe đâu ở đất Cô Tô này ra gã Mộ Dung Phục chuyên dung ngón "gậy ông đập lưng ông". Gã cả gan làm càn, giết hại người vô tội. Mình muốn xen bản lĩnh gã thế nào, liệu có dùng được chính sách "gậy ông đập lưng ông" với Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương này không?
Triệu Tiền Tôn vừa nói xong mấy câu này, bỗng lại nghe tiếng người khóc rống lên, cũng thê thảm, cũng nức nở hệt như tiếng y vừa khóc xong. Mọi người đều lấy làm lạ thì thấy người đó vừa khóc vừa kể lể:
- Sư muội ơi! Ta đây có điều chi không phải với sư muội mà sao sư muội lại đi lấy cái lão họ Ðàm, để cho ta đêm thương ngày nhớ không lúc nào khuây, Tiểu Quyên sư muội ơi! Ta nhớ lại lúc Sư phụ hãy còn, coi ta và nàng như con ruột người. Sư muội bỏ ta thì còn mặt mũi nào mà trông thấy Sư phụ sau này nữa?
Từ lời nói cho đến âm thanh không khác Triệu Tiền Tôn chút nào. Giả tỷ mà mọi người không chính mắt trông miệng y há hốc ra, vẻ mặt kinh dị thì ai cũng cho là chính y đang khóc, đang nói. Mọi người quay đầu nhìn lại thì người phát ra tiếng khóc là một thiếu nữ mặc áo hồng lạt.
Khi thiếu nữ đó quay lại thì chính là A Châu. Ðoàn Dự cùng A Bích và Vương Ngọc Yến đã biết A Châu rất sở trường về cách bắt chước cử chỉ cùng giọng nói người khác nên không lấy gì làm lạ. Còn ngoài ra ai cũng ngạc nhiên và buồn cười. Mọi người đã tưởng Triệu Tiền Tôn thấy A Châu nhái mình tất nhiên nổi giận.
Không ngờ y nghe nàng khóc lóc nói lại càng xúc động tâm tình, cũng mắt đỏ hoe,miệng méo xệch, hai hàng lệ chạy quanh rồi bật lên tiếng khóc hoà điệu với A Châu.
Ðơn Chính chỉ lắc đầu, lên tiếng dõng dạc:
- Ðơn mỗ tuy là họ Ðơn nhưng năm thê bảy thiếp, con đống cháu đàn chứ chẳng cô đơn chút nào. Còn Song Oai đại huynh đây tuy họ Song mà chỉ một mình một bóng, lúc nào cũng tịch mịch thê lương. Tình trạng này chẳng biết ăn năn từ trước, bây giờ đã quá muộn rồi, hỗi cũng không kịp nữa. Song huynh ơi! Hôm nay chúng
ta được Mã phu nhân mời đến đây phải chăng để bàn về việc hôn nhân đại sự (!) của các hạ?
Triệu Tiền Tôn lắc đầu, đáp:
- Không phải.
Ðơn Chính nói:
- Thế thì chúng ta đến đây để thương nghị việc trọng yếu của Cái Bang mới là vấn đề chính.
Triệu Tiền Tôn thốt nhiên nổi giận, hỏi:
- Sao? Chỉ có đại sự của Cái Bang mới là vấn đề chính yếu, còn việc giữa tôi và Tiểu Quyên không phải vấn đề chính yếu hay sao?
Ðàm ông nghe đến đây không thể nhịn được nữa, nói:
- A Tuệ! A Tuệ! Nếu mình không ngăn cấm thằng cha phát điên rồ kia thì tôi không chịu được nữa đâu!
Mọi người nghe đến hai chữ A Tuệ, nghĩ thầm: "Thế ra phương danh của Ðàm bà là A Tuệ, còn Tiểu Quyên là do Triệu Tiền Tôn đặt ra".
Ðàm bà dậm chân, nói:
- Không phải y phát điên phát rồ đâu. Ông làm hại y thân tàn ma dại đến thế còn chưa mãn nguyện sao?
Ðàm ông lấy làm lạ, hỏi:
- Tôi... tôi ... làm gì mà hại y?
Từ trưởng lão cùng Ðơn Chính trông nhau, lắc đầu nghĩ thầm: "Ba người già từng ấy tuổi vẫn chưa trót đời, mà lại là những nhân vật kỳ cựu có danh tiếng trong võ lâm. Ai lại giữa chỗ công chúng còn đem câu chuyện trai gái đời xửa đời xưa ra mà tranh chấp nhau, thật đáng buồn cười".
Từ trưởng lão đằng hắng một tiếng rồi nói:
- Ông bà họ Ðàm cùng huynh ông đây giá lâm tệ bang, khiến cho toàn bang chúng tôi từ trên chí dưới rất là hân hạnh. Mã phu nhân! Phu nhân đem đầu đuôi công việc của phu nhân ra trình bầy đi!
Từ nãy tới giờ, Mã phu nhân vẫn đứng một bên thõng tay cúi đầu, giờ nghe Từ trưởng lão gọi, nàng mới từ từ quay đầu lại, nói rất nhỏ:
- Tiên phu chẳng may qua đời, tiểu nữ chỉ đau buồn cho số phận long đong, lại chưa được chút con nào để nối dõi nhà họ Mã.
Tuy nàng nói nhỏ nhưng thanh âm trong trẻo, rõ ràng từng tiếng một lọt vào tai mọi người, nghe rất êm ái. Nàng nói tới đây, câu nói trở nên nhát gừng vì nàng đang nức nở khóc thầm.
Bao nhiêu vị anh hào trong rừng hạnh nghe nàng nói bất giác động mối thương tâm. Cùng là tiếng khóc: Triệu Tiền Tôn khóc thì khiến cho người ta phải bật cười: A Châu khóc thì làm cho ai nấy đều kinh dị, Mã phu nhân khóc thì khiến cho người ta chua xót trong lòng.
Mã phu nhân lại tiếp:
- Sau khi tiểu nữ an táng tiên phu rồi, kiểm điểm lại những di vật của chàng, có bắt được một phong mật thư và cũng là lời di chúc, ngoài bì đề: "Sau khi ta chết yên lành, thì đem phong thư này đốt ngay lập tức. Nếu mở ra xem tức là huỷ hoại thân thế ta, dù ta đã ở dưới suối vàng cũng không yên giấc. Gặp trường hợp mà ta bị bất đắc kỳ tử thì phải đem phong thư này trình các trưởng lão để quý vị cùng nhau hội đồng mở ra xem. Việc này trọng đại vô cùng, không được lầm lỡ."
Mã phu nhân nói tới đây, trong rừng hạnh im phăng phắc, ai cũng lắng tai nghe đoạn chót về việc trình bày của nàng ra sao. Mã phu nhân ngừng lại giây lát rồi từ từ cởi bọc trên lưng ra, nàng mở cái túi nhỏ, rút một phong thư bọc trong giấy dầu đưa lên, nói:
- Ðây là di thư của tiên phu. Sau khi phát giác phong thư này, thấy lời căn dặn viết rất kỹ càng, tiểu nữ biết là một việc trọng đại, vội đem lên trình Bang chúa.
May mà lúc này Bang chúa cùng các vị trưởng lão đều xuống Giang Nam về việc báo cừu cho tiên phu. Vì lẽ đó tiểu nữ chưa trình được thư.
Mọi người nghe nàng nói có vẻ khác lạ, lại nhấn mạnh vào những chữ "may mà", "vì lẽ đó", ai cũng liếc nhìn Kiều Phong.
Kiều Phong thấy từ hồi hôm xảy ra mấy cuộc âm mưu trọng đại mà việc nào cũng nhằm vào mình. Tuy việc Toàn
Quang Thanh cùng tứ lão gây ra phản nghịch đã lắng xuống nhưng chưa gọi là kết thúc được, thì bây giờ lại mọc ra việc Mã phu nhân.
Nghe tới đây, ông cảm thấy khoan tâm, sắc mặt rất bình tĩnh vì ông tự nghĩ:
- Họ muốn âm mưu điều gì thì cứ nói ra cho hết đi. Bậc đại trượng phu phải cho quang minh lỗi lạc. Kiều mỗ này bình sinh không làm việc gì ám muội thì còn sợ gì ai phao vu hãm hại.
Mã phu nhân lại tiếp:
- Tiểu nữ biết phong thư này có quan hệ lớn đến bản bang, Bang chúa cùng các trưởng lão đã không có mặt ở Lạc Dương, sợ để chậm sẽ lỡ thời cơ, nên phải qua Trịnh Châu bái kiến. Từ trưởng lão đệ trình phong thư này nhờ lão gia tác chủ. Vậy nội dung bức thư ra sao và công việc hệ trọng thế nào, tiểu nữ xin Từ trưởng lão nói cho mọi người nghe.
Từ trưởng lão lại hắng giọng mấy tiếng rồi mới nói:
- Việc này nói ra mang ân mang oán rất nhiều. Lão phu thật khó nghĩ quá!
Trưởng lão vừa nói ra hai câu lạnh toát mà lúc này trời cũng vừa tối, một lớp sương dày đặc bay phủ rừng hạnh, trong lòng mọi người đều cảm thấy lạnh lẽo âm u.
Từ trưởng lão đưa tay đón lấy phong thư ở trong tay Mã phu nhân rồi tuyên bố:
- Mã Ðại Nguyên từ thời tằng tổ, qua tổ phụ đến phụ thân đều là người ở Cái Bang, không là trưởng lão thì cũng làm đến "bát đại đệ tử" (đệ tử tám túi). Tôi đã từng chơi với Ðại Nguyên từ nhỏ đến lớn nên rất thuộc mặt chữ của y. Tôi xác nhận từng chữ trên phong bì đây do chính Mã Ðại Nguyên viết ra. Lúc Mã phu nhân trao thư này đến tay tôi, vẫn còn niêm phong y nguyên, chưa có một chút dấu vết nào chứng tỏ đã có người mở ra. Tôi e rằng chờ phiên hội đồng đông đủ các trưởng lão thì lỡ việc lớn của bản bang nên mở thư ra xem. Lúc mở thư có mặt Thái Sơn thiết diện phán quan Ðơn huynh đây minh chứng đây.
Ðơn Chính xác nhận:
- Ðúng như vậy, lúc đó tại hạ đến thăm Từ trưởng lão tại nơi ẩn cư, có được mắt trông thấy trưởng lão mở phong thư này.
Từ trưởng lão lấy hai ngón tay mở rút thư ra rồi nói:
- Tôi xem chữ viết trong thư, nét bút cứng rắn không phải là chữ Ðại Nguyên, đã lấy làm lạ. Trên đầu thư đề bốn chữ: "Kiếm nhiệm đại ca" càng làm cho tôi ngạc nhiên. Uông Bang chúa qua đời đã lâu sao có người viết thư cho ông với cách xưng hô như vậy. Thế rồi tôi chưa xem nội dung bức thư vội, lại nhìn xuống cuối cùng xem người thư danh (ký tên) là ai? Khi xem đến càng ngạc nhiên hơn nữa. Bất giác, tôi buột miệng kêu lên: "ủa! Thì ra là y!" Ðơn huynh động tính hiếu kỳ, ngoái đầu sang coi rồi cũng bật lên tiếng "ủa! Thế ra là y!"
Triệu Tiền Tôn nói xen vào:
- Lão Ðơn kia! Thế là không được! Ðó là mật thư của Cái Bang. Lão đã không phải là hàng đệ tử một túi, hai túi mà cũng chưa nhập tịch Cái Bang nữa. Sao người ta không mời mà tự nhiên dẫn xác đến, còn xem trộm mật thư của người ta?
Nếu không nhìn thấy vẻ mặt ngây ngô của Triệu Tiền Tôn mà chỉ nghe mấy câu này thì thấy lời y rất hợp tình hợp lý. Ðơn Chính hơi đỏ mặt, nói:
- Tôi... tôi... chỉ ngó chỗ ký tên chứ không nhìn gì đến nội dung bức thư.
Triệu Tiền Tôn nói:
- Dù kẻ ăn cắp một ngàn lạng vàng hay ăn cắp một đồng tiền cũng là phường ăn cắp. Chẳng qua chỉ khác ở chỗ ăn cắp nhiều hay ăn cắp ít mà thôi. Ngó trộm thư người ta thì không phải là người quân tử. Ðã không phải là quân tử thì là tiểu nhân, đã là tiểu nhân thì là hạng đê hèn bỉ ổi. Ðã đê hèn bỉ ổi thì nên giết quách đi.
Ðơn Chính nhìn năm con rồi xua tay ra hiệu bảo không được vọng động, cứ để cho y mặc sức nói càn rồi sau sẽ hay. Tuy lão trong lòng căm giận nhưng cũng cảm thấy có điều gì khác lạ.
Lão nghĩ thầm: "Từ lúc thằng cha này gặp mình, y chỉ tìm cách trêu chọc mình, hay là y có thù oán gì với mình từ trước? Trong đám giang hồ có mấy người dám coi thường Ðơn gia ở Thái Sơn. Không biết thằng cha này là ai
mà mình nghĩ mãi không ra?"
Mọi người chỉ mong Từ trưởng lão đem tên họ người thư danh ở cuối bức thư nói ra cho nghe để sẽ là nhân vật nào mà khiến cho trưởng lão cùng Ðơn Chính phải kinh dị đến thế. Khi họ nghe Triệu Tiền Tôn nói chuyện lôi thôi rắc rối thì nhiều người trừng mắt nhìn y ra chiều tức giận.
Ðàm bà thốt nhiên nói:
- Các người nhìn gì mà nhìn lắm thế? Sư huynh ta nói phải lắm.
Triệu Tiền Tôn thấy Ðàm bà bênh mình, bất giác quên cả giận dữ, nói:
- Các người coi đó! Ðến Tiểu Quyên cũng hiểu vậy, ta còn nhầm lẫn ở chỗ nào?
Tiểu Quyên đã nói câu nào hay làm việc gì không có bao giờ nhầm lẫn hết.
Bỗng lại thấy một giọng nói giống hệt Triệu Tiền Tôn nhại lại:
- Phải mà! Ðến Tiểu Quyên cũng hiểu vậy, ta còn nhầm lẫn ở chỗ nào? Tiểu Quyên đã nói câu nào hay làm việc gì không có bao giờ nhầm lẫn hết. Nàng lấy Ðàm ông, không chịu lấy ngươi cũng hoàn toàn là đúng!
Người đó chính là A Châu. Nguyên từ lúc Triệu Tiền Tôn ra điều khinh miệt Mộ Dung công tử, nàng vẫn còn ôm một mối căm hờn, nên cứ nhè y để khiêu khích.
Triệu Tiền Tôn nghe A Châu nói thì dở cười dở mếu. A Châu đã khéo dùng những cái mâu thuẫn của Triệu Tiền Tôn để chế giễu y, chẳng khác gì thủ pháp "gậy ông đập lưng ông" của Mộ Dung công tử.
Lúc này A Châu được hai người đưa mắt thầm cám ơn nàng. Bên trái là tia mắt của Ðàm ông, bên phải là tia mắt của Ðơn Chính. Cũng giữa lúc này, một bóng người thoáng qua, Ðàm bà đã nhảy đến trước mặt A Châu, giơ tay lên tát nàng một cái thật mạnh và quát hỏi:
- Ta lấy chồng đúng hay lấy chồng nhầm thì việc gì đến con tiện tỳ này?
Bà ra tay cực lẹ, A Châu muốn tránh mà không kịp, người bên cạnh cũng không có cách nào cứu viện. Nàng bị cái tát, mặt trắng nõn nà bỗng lằn lên năm vết ngón tay tím bầm.
Triệu Tiền Tôn cười ha hả, nói:
- Cho con tiện tỳ này một bài học thế là phải. Ai bảo mi hay mồn năm miệng mười.
A Châu nước mắt chạy quanh, toan khóc lên thì Ðàm ông đã thò vào trong bọc lấy ra một cái hộp bằng ngọc nhỏ, mở nắp hộp, bôi dầu vào đầu ngón tay xoa lên má nàng. Những thương tích ở trên mặt nàng bớt xanh xám ngay, rút tay về là xong rồi. Những động tác của Ðàm ông xoa thuốc cho nàng lại càng mau lẹ hơn.
Nàng chưa kịp né tránh, dầu đã bôi vào mặt rồi.
Nàng còn đang ngạc nhiên, mặt đang nóng bừng, má sưng lên, thốt nhiên nàng thấy dễ chịu, đồng thời trong tay trái có một vật nho nhỏ. Nàng nhìn lại thì ra cái hộp bằng ngọc thạch sáng bóng, biết ngay là của Ðàm ông tặng cho. Hộp này đựng thuốc trị vết thương linh nghiệm vô cùng. Bất giác nàng đổi sầu làm tươi.
Từ trưởng lão không lý gì đến việc Ðàm bà càu nhàu với Ðàm ông. Lão nghiêm nét mặt nói với mọi người:
- Các anh em! Người viết bức thư này, bây giờ không tiện nói ra. Từ mỗ ở bản bang đã dư mấy mươi năm, chẳng còn sống ở đời được bao và đã vào thâm sơn ở gần ba mươi năm nay, không muốn trở lại chốn giang hồ để cùng người tranh chấp koặc kết oán thù, Từ mỗ đã không con cháu lại không đồ đệ, mình tự hỏi mình, lòng không mảy may tư vị. Anh em có tin như thế không?
Mọi người Cái Bang đáp:
- Từ trưởng lão đã nói còn ai là người không tin?
Từ trưởng lão lại quay sang nhìn Kiều Phong, hỏi:
- Ý kiến Bang chúa thế nào?
Kiều Phong đáp:
- Kiều mỗ trước nay vẫn một lòng kính trọng trưởng lão, hẳn trưởng lão đã rõ.
Từ trưởng lão lại nói:
- Sau khi tôi xem thư rồi, trong lòng nghi hoặc, vừa đau thương lại vừa phẫn nộ.
Từ mỗ e mình có chỗ sai lầm liền trao lại cho Ðơn huynh coi. Ta nên biết rằng Ðơn huynh cùng người viết thư là chỗ bạn thân để nhìn nhận nét chữ. Việc này quan hệ lớn lắm. Từ mỗ phải nhờ Ðơn huynh suy nghiệm cho rõ bức thư này là chân hay giả.
Ðơn Chính nhìn Triệu Tiền Tôn ra điều hỏi: "Ngươi còn nói gì nữa thôi?"
Triệu Tiền Tôn nói:
- Từ trưởng lão trao cho lão thì dĩ nhiên lão có thể xem được. Nhưng lần đầu lão đã ngó trộm thì cũng tỷ như một tên ăn cắp đã được tiền rồi, về sau phát tài không đi ăn cắp nữa. Thế thì dù có trở nên phú ông vẫn không rửa được cái tiếng xuất thân là tên ăn cắp.
Từ trưởng lão nói:
- Ðơn huynh! Xin Ðơn huynh tuyên bố cho mọi người hay bức thư là chân hay giả!
Ðơn Chính nói:
- Tôi cùng người viết thư kết bạn lâu năm, trong nhà hãy còn nhiều thư tín của người đó. Ngay lúc bấy giờ tôi có dẫn Từ trưởng lão cùng Mã phu nhân về tệ xá lấy những bức thư cũ đem ra so sánh, bút tích quả nhiên giống hệt, cả phong bì ngoài cũng cùng một kiểu, thì đúng là thư của người đó rồi.
Từ trưởng lão nói:
- Lão phu chẳng còn sống được mấy năm nữa nên làm việc gì cần thận trọng.
Huống chi việc này có quan hệ đến việc hưng suy của bản bang, cùng thanh danh và tính mệnh của một vị anh hùng hào kiệt thì khi nào còn dám mạo muội, cẩu thả.
Mọi người nghe Từ trưởng lão nói đến đây, ai cũng đưa mắt nhìn Kiều Phong vì họ biết rằng vị anh hùng hào kiệt mà trưởng lão nói đó ám chỉ Kiều Phong. Có điều không ai dám nhìn thẳng ông. Khi chạm luồng nhãn quang ông là lập tức họ cúi đầu xuống.
Từ trưởng lão lại nói:
- Lão phu biết rõ hai ông bà họ Ðàm ở Hoa Sơn cùng người viết thư quen biết nhau từ lâu, nên đã lên Hoa sơn vào động Xung Tiêu để thỉnh giáo. Ðàm ông, Ðàm bà đã đem hết các điều uỷ khúc nói rõ với lão phu. Lão phu không nỡ đem việc này nói rõ ra, thật là một điều đáng thương, đáng tiếc, đáng buồn và ngán ngẩm!
Từ trưởng lão nói đến đây thì ai cũng rõ vợ chồng Ðàm ông cùng Ðơn Chính lục tục kéo đến đây là do lời mời của Từ trưởng lão để chứng minh việc này.
Từ trưởng lão lại nói:
- Lúc đó Ðàm bà bảo có một vị sư huynh đã được mục kích việc này. Nếu mời được chính vị này lại thì rõ ràng lắm. Vị này chính là Triệu Tiền Tôn tiên sinh.
Nhưng tiên sinh này tính khí khác người, không ai mời được tiên sinh đến. Chỉ có Ðàm bà là tiên sinh rất kính nể. Bức thư của bà vừa bay tới nơi, tiên sinh quả nhiên ứng hậu ngay.
Ðàm ông đột nhiên nổi giận, nhìn Ðàm bà hỏi:
- Sao? Sao? Mình đã gọi thằng cha này đến đó ư? Sao không bảo tôi biết trước, muốn bưng mắt cả tôi để thầm lén vơi nhau?
Ðàm bà cũng giận, đáp:
- Ông nói cái gì bưng mắt, cái gì thầm lén? Tôi viết thư rồi Từ trưởng lão cho người đem đi. Ðó là việc quang minh chính đại. Nói với ông làm gì để ông bèo nhèo.
Ðàm ông nói:
- Làm việc giấu chồng, không giữ đạo vợ, như thế không được!
Ðàm bà cũng không nói nữa, giơ tay tát bốp vào mặt Ðàm ông. Kể về võ công thì Ðàm ông bản lĩnh còn hơn Ðàm bà nhiều. Song bà đưa tay ra tát Ðàm ông đã không đánh lại cũng không né tránh. Ngồi yên như tượng để chịu cái tát.
Ðoạn ông móc bọc ra một cái hộp nhỏ lấy dầu bôi vào má, những vết tím bầm tiêu dần ngay. Cái tát đã lẹ, cách trị lại càng lẹ hơn. Lửa giận hai ông bà đều tiêu tan. Người ngoài ngó thấy ai cũng phải buồn cười.
Bỗng thấy Triệu Tiền Tôn thở dài sườn sượt, nói lên bằng một giọng bi ai thống thiết:
- À ra thế đấy! à ra thế đấy! Hỡi ôi! Nếu mình biết thế này thì ngay từ lúc ban đầu chịu để cho nàng tát mấy cái, phỏng có khó gì!
Giọng nói đầy vẻ hối hận. Ðàm bà cũng ra vẻ buồn rầu, nói:
- Ai bảo sư huynh bị tôi đánh một tát là đánh lại ngay, chứ không bao giờ chịu nhượng bộ.
Triệu Tiền Tôn ngây ngây ngô ngô đứng đực người ra, hồi tưởng lại mối tình ngày xưa: cô tiểu sư muội này xinh đẹp, óng ả nhưng phải tính hung hăng, động một tý là đánh người, nhiều khi không có duyên cớ gì cũng đánh, nhất là trong lòng có điều gì bực tức thường hay giận cá chém thớt, gây lộn với mọi người.
Vì thế mà mối lương duyên ông và Ðàm bà không thể thành toàn được. Bây giờ Triệu Tiền Tôn mắt thấy Ðàm ông bị tát cứ lẳng lặng chịu đòn không dám oán hận, y mới tỉnh ngộ và trong lòng hối hận vô cùng, tự trách mình không biết nhẫn nhục.
Trước nay y không hiểu tại sao tiểu sư muội đi quyến luyến người khác, tưởng là vì những nguyên nhân trọng đại, té ra chỉ vì đối phương nhịn đòn không đánh lại mà công hiệu như vậy. Biết thế này thì khi trước mình đi cầu nàng tát còn chưa được, vì được nàng tát là phúc cho mình lắm.
Từ trưởng lão nói:
- Triệu Tiền Tôn tiên sinh! Xin tiên sinh tuyên bố cho một câu, những việc viết trong thư này có đúng sự thật không?
Triệu Tiền Tôn vẫn lẩm bẩm một mình: "Mình thật là thằng ngốc! Sao bấy giờ không nghĩ ra? Học võ công là đi đánh kẻ thù, đánh người ác, đánh những hạng tiểu nhân đê hèn. Làm sao lại cứ để ý vào những việc phản kháng người trên, với ý trung nhân của mình. Người ta có đánh mình vì tình, có mắng mình là vì yêu, đánh cho vài cái tát mà làm sao cũng không chịu nổi?"
Mọi người nghe y nói lẩm nhẩm thì vừa buồn cười, vừa thương y là một gã thất tình. Cái Bang hiện đương lâm vào tình trạng có việc trọng đại cần phải giải quyết, thế mà y chỉ nói đi nói lại mấy mươi lần những câu vô ích đó.
Từ trưởng lão lại nhắc:
- Triệu Tiền Tôn tiên sinh! Chúng tôi mời tiên sinh đến đây là để nói về việc nội tình cái thư này.
Triệu Tiền Tôn vẫn trả lời đi đâu:
- Ðúng rồi! Ðúng rồi mà! Trưởng lão hỏi về việc cái thư chứ gì? Cái thư ấy tuy ngắn nhưng ý tứ sâu xa vô cùng tận: "Trước đây bốn mươi năm là bạn đồng song với nhau, tình cảnh ấy còn như in trước mắt. Mỗi lần tôi nhớ đến tưởng sư huynh bây giờ tuy mái tóc đã hoa râm mà bộ mặt tươi cười chẳng khác năm xưa."
Từ trưởng lão hỏi Triệu Tiền Tôn về việc phong thư của Mã Ðại Nguyên thì y lại đọc thuộc lòng cái thư của Ðàm bà gửi cho y mới chán.
Từ trưởng lão không biết làm thế nào, quay lại nói với Ðàm bà:
- Ðàm phu nhân! Xin phu nhân hỏi lại tiên sinh cho.
Ngờ đâu Ðàm bà nghe Triệu Tiền Tôn đem cái thư tầm thường của mình ra đọc trơn như cháo chảy, bất giác cũng thả hồn vào cõi hư vô, trong lòng xiết bao cảm động.
Má bà ửng đỏ, nói:
- Sư huynh! Sư huynh nói việc hiện tại đi!
Triệu Tiền Tôn nói:
- Phải mà! Tình trạng hiện tại cũng như ngày xưa, tôi nhớ rõ cả. Nàng chải đầu rẽ tóc hai bên, kết thành hai búi, mỗi búi buộc túm lại bằng một sợi chỉ đào. Hôm đó sư phụ dạy chúng ta ra chiêu "Thâu long chuyển phượng".
Vương Ngọc Yến nghe đến "Thâu long chuyển phượng" thì sẽ gật đầu, tựa hồ nàng đã hiểu chiêu này.
Ðàm bà từ từ lắc đầu, nói:
- Sư huynh! Không phải thuật lại việc ngày xưa của chúng ta.
Từ trưởng lão hỏi :
Sư huynh về việc ngoài cửa ải Nhạn Môn Quan năm nọ, đã xảy ra cuộc huyết chiến trong hang đá. Sư huynh đã trông rõ tình hình lúc đó thế nào, thuật lại cho mọi người nghe đi.
Triệu Tiền Tôn đáp bằng một giọng run run:
- Ngoài ải Nhạn Môn Quan... trong hang đá... tôi... tôi...
Y thốt nhiên biến sắc xoay mình một cái, trông về góc Ðông Nam là chỗ khôngngười, co giò chạy tuốt, thân pháp cực kỳ mau lẹ. Mọi người trông thấy Triệu Tiền Tôn dường như đi thẳng không trở rừng hạnh nữa, mà muốn đuổi theo cũng không kịp, đều lớn tiếng gọi:
- Triệu Tiền Tôn tiên sinh! Ði đâu đấy? Trở lại đã!
Triệu Tiền Tôn không nói gì, càng chạy nhanh hơn trước. Bỗng thấy tiếng nói dõng dạc:
- Hai mái tóc đã hoa râm, vẻ mặt hớn hở tươi cười không còn được như xưa nữa.
Triệu Tiền Tôn thốt nhiên dừng bước, quay lại hỏi:
- Ai hỏi đó?
Vẫn tiếng nói vừa rồi đáp:
- Nếu không thế thì sao trông thấy Ðàm ông mà phải tự thẹn mình kém cỏi, co giò chạy trốn?
Mọi người nhìn xem ai nói thì ra Toàn Quang Thanh.
Triệu Tiền Tôn hỏi giật giọng:
- Ai tự thẹn mình kém cỏi? Lão Ðàm bất quá chỉ hơn ta một môn "chịu đòn không đánh trả" chứ bằng ta thế nào được.
Bất thình lình lại nghe bên kia rừng hạnh có tiếng một ông già nói:
- Biết "chịu đòn không đánh trả" là người giỏi nhất thiên hạ, há phải chuyện tầm thường?
Mọi người quay đầu nhìn lại thì thấy sau khóm hạnh một người đi ra, mình mặc áo thầy chùa sắc tro, mặt vuông, tai lớn, tướng mạo coi rất oai nghiêm.
Từ trưởng lão reo lên:
- Trí Quang đại sư trên núi Thiên Thai đã tới! Hơn ba mươi năm chưa được thấy mặt, đại sư vẫn tinh thần tráng kiện như xưa!
Trí Quang hoà thượng tuy không lừng danh trong võ lâm và đám hậu bối ở Cái Bang ít người biết đến lai lịch đại sư. Kiều Phong, sáu vị trưởng lão, Toàn Quang Thanh đều đứng lên nghiêm cẩn cung kính, biết là một nhân vật có chí nguyện khác thường, dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi.
Ðại sư ra tận ngoài hoang đảo xa xăm tìm cỏ cây kỳ lạ về chế thuốc chữa bệnh ngã nước cho trăm họ miền Chiết Giang, Phúc Kiến và Lưỡng Quảng. Vì thế mà đại sư mấy phen bị bệnh, võ công mất hết. Nhưng đại sư làm ơn cho trăm họ được nhiều. Mọi người tới tấp chạy lại thi lễ.
Trí Quang đại sư nhìn Triệu Tiền Tôn, cười nói:
- Võ công không bằng đối phương mà ra chiêu "chịu đòn không đánh trả" đã là khó. Võ công giỏi hơn đối phương thì chiêu "chịu đòn không đánh trả" lại càng khó hơn nữa.
Triệu Tiền Tôn cúi đầu ngâm nghĩ ra chiều tỉnh ngộ.
Trí Quang đại sư lại nói:
- Lão tăng ngẫu nhiên qua đây, không biết có cuộc quần anh đại hội. Thật là mạo muội! Bần tăng xin cáo từ.
Từ trưởng lão vội nói:
- Trí Quang đại sư! Ơn đức đại sư thấm nhuần rất rộng, ai cũng kính trọng.
Chúng tôi bữa nay có một việc lớn chưa giải quyết được, may gặp đại sư đến đây thật là phúc lớn cho Cái Bang. Mời đại sư đến còn chưa được, có lý đâu lại để cho đại sư bỏ đi. Bất luận đại sư có việc gì khẩn yếu cũng xin dừng Phật giá lại một lúc.
Triệu Tiền Tôn nói:
- Cuộc đại chiến trong hang đá ngoài ải Nhạn Môn Quan, Trí Quang hoà thượng cũng có dự phần. Vậy đại sư thuật lại đi!
Trí Quang vừa nghe nói đến việc hang đá ngoài ải Nhạn Môn Quan, nét mặt thoáng thấy một vẻ kỳ dị, tựa hồ như phấn khởi, như sợ sệt, như thê thảm không muốn nhìn thấy gì nữa. Sau cùng lộ ra vẻ mặt từ bi, thương xót, than rằng:
- Cuộc chém giết đó ghê gớm quá! Nói đến việc đó thật đáng xấu hổ. Các vị thí chủ! Trong hang đá cách đây ba mươi năm xảy ra cuộc chém giết rùng rợn, việc đó còn nhắc đến làm chi?
Từ trưởng lão nói:
- Vì hiện nay bản bang xảy ra cuộc biến cố rất trọng đại, mới tìm ra được phong thư dính líu đến người đó.
Nói xong cầm thư đưa ra. Trí Quang đón lấy thư, xem đi xem lại hai lượt rồi lắc đầu nói:
- Mối oan khiên nên cởi chứ đừng thắt chặt. Sao còn đem việc cũ ra mà bàn tán.
Theo ý kiến bần tăng thì nên xé bỏ bức thư này mất tích đi hay hơn.
Từ trưởng lão nói:
- Mã Phó Bang chúa ở bản bang bị chết thê thảm, nếu không tra xét cho ra thì nỗi oan của Mã Phó Bang chúa không bao giờ rửa sạch được, mà bản bang có cái nguy cơ tan vỡ.
Trí Quang đại sư gật đầu, nói:
- Nói thế là phải! Nói thế là phải!
Lúc này mảnh trăng lưỡi liềm ở trên trời chênh vênh chiếu xuống. ánh sáng trong trẻo mà lạnh lùng buông xuống ngọn cây hạnh.
Trí Quang nhìn Triệu Tiền Tôn rồi nói:
- Hay lắm! Lão tăng làm việc lầm lẫn bất tất phải che giấu, đành nói thật ra là xong.
Triệu Tiền Tôn nói:
- Chúng ta vì nước vì dân, sao lại có những hành động lầm lẫn được.
Trí Quang lắc đầu, nói:
- Lầm toét ra rồi sao còn tự dối mình và đi dối người. Ba mươi năm trước đây, các tay hào kiệt ở Trung Nguyên nhận được tin báo nước Khất Ðan có dư hai trăm võ sĩ muốn vào cướp chùa Thiếu Lâm, mưu toan đoạt lấy những đồ phổ trân quý về võ công trong chùa từ mấy trăm năm.
Mọi người khẽ bật lên tiếng "úi chà!" và nghĩ thầm: "Cái dã tâm của bọn võ sĩ Khất Ðan thế thì gớm thật!" Nên biết rằng những môn tuyệt kỹ về võ công phái Thiếu Lâm là những thứ chí bảo về võ thuật Trung Nguyên. Nước Khất Ðan gây cuộc binh cùng nhà Ðại Tống bao nhiêu năm liền, nếu quả chúng cướp được những bí quyết về võ công của phái Thiếu Lâm đem về truyền bá cho quân nhân thì quan binh nhà Ðại Tống không thể nào địch nổi.
Trí Quang nói tiếp:
- Ðó là việc tày trời! Giả tỷ mà Khất Ðan thành công trong vụ này thì nhà Ðại Tống có cái vạ mất nước. Thế thì bọn con cháu của đức Hoàng đế ta có khi đến phải diệt chủng ở dưới lưỡi gươm dài, dao bén của quân Liêu cẩu.
Bọn ta thấy việc khẩn cấp, không kịp thương nghị kế hoạch. Vừa nghe võ sỹ Khất Ðan toan qua ải Nhạn Môn Quan, liền một mặt thông báo về chùa Thiếu Lâm đề phòng cho nghiêm mật, một mặt đem người ra phục ngoài cửa Nhạn Môn để phục kích bọn Liêu cẩu để tuyệt diệt.
Mọi người nghe tin Khất Ðan muốn vào xâm lấn, thảy đều chau mày nghiến răng vì nhà Ðại Tống mấy đời thường chịu quân Khất Ðan lăng nhục, bị thua trận đã nhiều, nào chết quan, mất đất, nào nhân dân bị giày xéo dưới gót sắt của chúng không phải là ít.