- Nếu cô này sai người đánh mình một trăm roi thì còn chi là tánh mạng, nhưng việc đã đến thế này nếu mình kiên quyết không chịu, người ta vẫn cứ đánh mình. Vậy mình có chống cự cũng chẳng ăn thua gì.
Gã nghĩ vậy nên không nói gì nữa.
A Tử hỏi:
- Làm sao mi lại lầm lì không nói? Phải chăng trong lòng mi còn có chỗ ấm ức? Ta kêu người đánh mi chắc mi cho ta là bất công phải không?
Du Thản Chi nói:
- Tiểu nhân chân tâm kính phục cô nương, biết rõ cô nương sai đánh tiểu nhân tức là có hảo tâm muốn thành toàn cho tiểu nhân vậy.
A Tử hỏi:
- Thế sao mà rồi mi chẳng nói năng gì?
Du Thản Chi không biết trả lời ra sao, gã ấp úng:
- Cái đó... cái đó... tiểu nhân lúc nào cũng nghĩ đến ơn đức cô nương thâm trọng tày non, tiểu nhân vô cùng cảm kích, không lời nào giải tỏa cho xiết được! Tiểu nhân chỉ nghĩ cách sau này không biết lấy chi đền đáp cô nương cho phải đạo?
A Tử nói:
- Chà mi bảo đền đáp ta? Dền đáp cách nào? Ta sai người đánh mi một roi mi ghi vào góc lòng để căm thù ta chứ gì?
Du Thản Chi khoát tay lia lịa đáp:
- Không không! Không phải! Tiểu nhân nói đền đáp là đúng chân tình. Tiểu nhân đã nhất quyết dù có phải nhảy vào đống lửa hay phải tan xương nát thịt vì cô nương cũng cam lòng.
A Tử nói:
- Nếu vậy thì hay lắm! Thất Lý đâu? Ngươi đánh gã đi!
Thất Lý "dạ" một tiếng rồi rút bì tiên ra quất Du Thản Chi. Lúc đánh được hơn năm chục roi. Du Thản Chi đau tê dại cả người và đầu óc tối tăm không còn biết gì nữa. Hai đầu gối gã nhũn ra từ từ ngã xuống.
A Tử thấy vậy cười hì hì. Nàng chờ cho gã cất tiếng van xin và định bụng hễ gã cất lời năn nỉ thì lại tăng gia năm mươi roi nữa.
Ngờ đâu lúc này Du Thản Chi đã mê man bất tỉnh. Thỉnh thoảng gã khẽ rên ư ử trong miệng chứ không van vỉ chi hết.
Ðánh được hơn bảy mươi roi thì gã ngất lịm đi. Thất Lý vẫn chẳng dung tình, đánh đủ trăm roi mới buông tay ra.
A Tử thấy Du Thản Chi chỉ còn thoi thóp thở. Tình trạng thập tử nhất sinh của gã làm cho nàng cụt hứng. Nàng nói:
- Các ngươi đem gã ra ngoài thôi! Thằng lỏi con này chả còn gì đáng coi nữa.
Rồi nàng quay ra hỏi tên đội trưởng:
- Thất Lý! Ngươi còn có trò gì mới mẻ nữa không?
Thất Lý dường như không nghe rõ, sai mấy tên thuộc hạ khiêng Du Thản Chi đi. Du Thản Chi bị trận đòn này phải dưỡng thương đến hơn một tháng mới khỏi.
Những tên quân Khất Ðan thấy A Tử dường như lãng quên Du Thản Chi rồi, đã lâu nàng không kêu đem gã lại để hành hạ nữa. Chúng liền ghi tên vào danh sách những người Tống mới bị bắt và cho theo bọn này đi làm những công việc đê tiện, như: hốt phân, kì cọ chuồng dê, nhặt phân trâu, lột da cừu, gặp việc gì làm việc ấy.
Trên đầu Du Thản Chi lại chụp chiếc lồng sắt, mọi người nhằm vào đó mà chế nhạo, khinh mạn gã. Cả đến người Hán đồng bào với gã cũng coi như một con quái vật.
Du Thản Chi ráng sức chịu đựng, ai nói ngược nói xuôi cũng mặc không bao giờ đối đáp, cơ hồ gã biến thành kẻ câm điếc. Có ai đánh mắng gã, gã cũng không hề chống cự. Chỉ trừ phi có người cưỡi ngựa đi ngang qua là gã mới ngẩng đầu lên nhìn một cái.
Du Thản Chi chỉ còn một điều tâm nguyện là mong có ngày được "cô nương" gọi gã đến để đánh cho một chặp. Gã coi việc mình không được gặp A Tử là một cực hình còn đau khổ hơn việc bị đánh đòn.
Thời gian lặng lẽ trôi hơn hai tháng nữa, tiết trời đã đỡ lạnh.
Một hôm Du Thản Chi đang theo mọi người ra ngoài thành Nam kinh vác đất, khuân gạch để bồi đắp cho tường thành dầy thêm, bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập.
Mấy người cưỡi ngựa từ cửa nam ra, một âm thanh trong trẻo cười nói:
- A ha! Gã Thiết Sửu chưa chết ư? Ta tưởng gã bỏ mạng từ lâu rồi.
Ðoạn nàng gọi:
- Thiết Sửu! Mi lại đây!
Ðó chính là A Tử.
Du Thản Chi mơ tưởng ngày đêm chỉ mong đến lúc được nghe người sang sảng tiếng vàng. Vừa nghe gọi, gã cuống cả lên hai chân dường như đóng chặt xuống đất không sao cất bước nổi nữa. Trái tim gã rạo rực dường như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực. Lòng bàn tay gỉ mò hôi ra ướt đẫm.
A Tử gắt lên:
- Thiết sửu! Thằng chết kia! Ta kêu mi lại đây mi không nghe thấy hay sao?
Du Thản Chi vội đáp:
- Dạ! Cô nương!...
Gã xoay mình chạy lại trước ngựa A Tử. Ðang chạy, gã không nhìn được ngẩng đầu lên nhìn nàng.
Thấm thoát đã bốn tháng, bây giờ Du Thản Chi mới lại được thấy mặt người tiên. Nàng da dẻ thêm phần hồng hào, vẻ đẹp lại càng tăng lên gấp bội.
Du Thản Chi trong lòng xiết bao hồi hộp, gã vừa đi vừa nghếch mặt lên, vấp chân một cái ngã lăn ra. Mọi người thấy vậy đều cười rộ. Gã lổm ngổm đứng dậy và không dám nghếch mặt lên nhìn A Tử nữa.
A Tử trong lòng hớn hở, cười hỏi:
- Thiết Sửu! Sao mi lại chưa chết?
Du Thản Chi đáp:
- Tiểu nhân đã có lời nói:
Phải tìm cách để báo đáp ơn đức cô nương, khi nào đã chết được?
A Tử lại càng khoan khoái cười khanh khách nói:
- Ta đang tìm một tên nô bộc hết dạ trung thành để làm một việc trọng đại. Ta e rằng người Khất Ðan tay chân cục mịch làm hỏng việc của ta. Nay mi chưa chết thì hay lắm. Mi theo ta đi!
Du Thản Chi đáp:
- Xin vâng.
Rồi đi theo sau ngựa A Tử.
A Tử vẫy tay ra hiệu cho Thất Lý cùng ba tên vệ sĩ Khất Ðan trở lại, không phải đi theo nàng nữa.
Thất Lý đã biết A Tử nói đâu là đúng thế, không ai khuyên can được. Vả lại thằng lõi mặt sắt, con người hèn hạ nhu nhược dù có theo nàng quyết cũng không xảy ra biến cố gì. Y chỉ dặn một câu:
- Xin cô nương về sớm cho.
Ðoạn cả bốn tên nhảy xuống ngựa đón chờ ở ngoài cổng thành. A Tử lỏng buông tay khấu cho ngựa đi thong thả. Ði chừng được bảy tám dặm thì đường lối càng hoang vu tịch mịch. Sau đến một nơi khe núi âm u rậm rạp.
Du Thản Chi chân dẫm xuống đất lõm bõm, vì những lá rụng và cỏ thối lâu năm nhão ra thành bùn. Lại đi chừng hơn một dặm, đường núi cũng gập ghềnh. A Tử phải xuống ngựa, tay cầm dây cương dắt ngựa đi một quãng nữa.
Nàng đưa mắt nhìn ra bốn mặt thấy chỗ này âm u mờ mịt. Gió lạnh rít từng cơn theo khe núi thổi vèo vèo, khiến cho người rét buốt thấu xương.
Nàng nói:
- Hay lắm! Chỗ này được đây!
Nàng buột ngựa vào gốc cây rồi dặn Du Thản Chi:
- Những việc gì mi trông thấy bữa nay phải nhớ kỹ rằng không được tiết lộ với một ai và ngay với chính ta mi cũng không được đề cập đến nữa. Mi nghe rõ chưa?
Du Thản Chi đáp:
- Vâng vâng!
Lúc này gã mừng như điên. Dù A Tử gọi gã đi theo ra nơi hẻo lánh này để đánh gã một trận nhừ xương, gã cũng vui vẻ can tâm.
A Tử thò tay vào bọc lấy chiếc đỉnh ngọc màu xanh biếc đặt xuống đất nói:
- Lúc mi thấy những loài sâu bọ cổ quái xuất hiện, ta cấm mi không được sợ sệt và nhất là không được lên tiếng.
Du Thản Chi lại đáp gọn:
- Vâng.
A Tử lại lấy trong bọc một cái túi vải nhỏ xíu mở ra thì bên trong có mấy viên sắc vàng, sắc đen, sắc tía, sắc đỏ.
Nàng véo lấy mỗi thứ một chút bỏ vào trong đỉnh ngọc quẹt lửa đốt lên, rồi đậy nắp đỉnh lại. Nàng nói:
- Chúng ta ngồi gốc cây này để coi chừng.
A Tử ngồi xuống gốc cây. Du Thản Chi không dám ngồi bên nàng, chạy lại ngồi trên một tảng đá, cách chỗ nàng chừng hơn một trượng. Gió lạnh căm căm vẫn thổi đều, quyện mùi thơm ngát từ quần áo A Tử tiết ra đưa vào mũi Du Thản Chi, khiến cho gã ngây ngất đê mê. Gã nghĩ rằng cuộc đời gã mà còn được giây phút như lúc này thì bấy nhiêu lâu gã có chịu cực nhọc đau đớn ê chề cũng là được trả một cách quá hậu rồi! Gã chỉ mong A Tử vĩnh viễn ngồi dưới gốc cây, để cho gã đứng xa xa hầu tiếp nàng là mãn nguyện lắm rồi.
Tâm hồn Du Thản Chi đang bay bỗng lên chín tầng mây thì bỗng nghe dưới bụi rậm có tiếng sột soạt, một giống rắn rết gì đang bò lại.
Du Thản Chi tuy không có tài cán gì, nhưng gã sở trường về nghề bắt rắn rết... Gã vừa nghe tiếng động đã biết ngay có vật kì dị.
Quả nhiên trong đám cỏ xanh rậm rạp có vật gì đang động đậy nhìn kỹ thì là một con rết toàn thân nó lấp lánh. Ánh sáng đầu nó đỏ như máu khác hẳn với giống rết thường.
Con rết này ngửi mùi hương từ trong đỉnh ngọc bay ra liền tìm đến ngay. Nó thấy đỉnh ngọc có lỗ thủng nên chui vào không ra nữa.
Du Thản Chi sắp la lên:
- Con rết này độc ghê gớm!
Thì phía sau lại thấy tiếng "xì xì", một con bò cạp sắc vàng ở trong bụi cỏ đang bò rất nhanh.
Du Thản Chi vừa toan đưa chân ra giẫm chết, thì A Tử vội quát lên:
- Ô kìa! Không được giẫm chết nó. Mi thật là ngu ngốc!
Du Thản Chi còn đang giơ chân phải lên chưa giẫm xuống, gã nghe A Tử la, liền dừng lại. Con bò cạp cũng chạy mau lại phía đỉnh ngọc rồi chui vào.
Chỉ trong chớp mắt, trong đỉnh ngọc nổi lên những tiếng"chi chi." Con rết cùng bò cạp đánh nhau.
Du Thản Chi vốn ưa coi loài côn trùng đấu chơi. Từ thuở nhỏ gã vẫn nuôi dế để xem chúng chọi chơi. Lúc này gã muốn mở nắp đỉnh để coi rết và bò cạp chọi nhau, xem con nào thắng con nào bại. Nhưng gã khiếp oai A Tử không dám cử động hấp tấp.
Lúc con rết và con bò cạp đang chọi nhau trong đỉnh ngọc thì từ góc Tây Bắc một con thạch thùng chạy lại, từ góc Tây Nam cũng có một giống côn trùng chạy ra không biết là giống gì. Con này tròn như quả cầu toàn thân lấp lánh. Hai giống côn trùng này đều chạy về phía đỉnh ngọc. Lập tức có những tiếng kỳ dị phát ra loạn cả lên.
Du Thản Chi đưa mắt nhìn về phía A Tử thì thấy nàng lộ vẻ vui mừng.
Nàng xoa hai bàn tay nhỏ nhắn vào nhau khẽ nói:
- Bốn con đến rồi quả nhiên hương liệu mình rất linh nghiệm!
Nàng chưa dứt lời, thì lại thêm một con nhện chạy vào trong đỉnh ngọc.
Bấy giờ Du Thản Chi mới hiểu là cô này tìm đến đây vì chỗ này rậm rạp ẩm thấp có nhiều trùng độc. Nhưng gã chưa hiểu cô dẫn dụ những trùng độc đến để làm gì. Nếu muốn xem chúng chọi nhau thì sao lại không mở nắp đỉnh?
Bỗng nghe một tiếng "tạch" con bò cạp từ trong đỉnh ngọc bị hất ra, không nhúc nhích, vì nó đã chết rồi.
Một lát sau, lần lượt đến con nhện, con thạch thùng và con vật mình tròn không biết tên đều bị đẩy ra ngoài và đều chết cả rồi.
A Tử vỗ tay cười nói:
- A ha! Con rết đầu đỏ lợi hại hơn hết.
Du Thản Chi hỏi:
- Cô nương! Cô đốt hương liệu gì mà dẫn dụ bao nhiêu thứ côn trùng độc bò đến?
A Tử sa sầm nét mặt nói:
- Ta đã bảo mi không được hỏi lôi thôi. Mi quên rồi hay sao? Nếu lần sau mi còn lắm miệng thì ta cho ăn trăm roi đòn đó!
Du Thản Chi cúi đầu nói: Vâng! Tiểu nhân cao hứng, không kịp suy nghĩ buột miệng nói ra, xin cô nương lượng thứ cho...
A Tử không thèm nói gì với gã nữa. Nàng móc trong bọc lấy một cái túi vải ra. Trong túi có một mảnh đoạn rất dày. Miếng đoạn này có hào quang lóng lánh, hình như những ánh ngũ sắc không nhất định. Mỗi khi tay nàng cử động một chút thì màu sắc rực rỡ lại biến ảo ly kỳ.
A Tử tiến lại gần cái đỉnh ngọc phủ tấm đoạn lên gói cái đỉnh lại. Du Thản Chi nhìn xuống con bò cạp cùng mấy con vật bị chết nằm dưới đất thì thấy bốn con này đều xác xơ. Bao nhiêu chất nước trong mình chúng đều bị hút khô kiệt.
A Tử lấy mảnh đoạn gói chặt đỉnh ngọc, dường như sợ con rết ở trong bò ra mất, rồi nàng bỏ vào trong một cái túi da treo ở cổ ngựa.
Nàng cười nói:
- Chúng ta về thôi!
Ðoạn giục ngựa cho đi!
Du Thản Chi theo sau A Tử, nghĩ thầm: Cái đỉnh ngọc này đã cổ quái. Nhưng chất hương liệu lại càng kì dị hơn. Chỉ thắp lên là dẫn dụ được bọn côn trùng tìm đến.
A Tử về đến điện Ðoan Phúc dặn bọn thị vệ trong điện dọn một buồng xép bên cạnh cho Du Thản Chi ở.
Du Thản Chi cả mừng, gã biết rằng từ nay thường được thấy mặt A Tử luôn.
Quả nhiên sáng hôm sau A Tử cho gọi Du Thản Chi đến tòa điện phụ. Chính nàng đong cửa điện lại. Trong điện chỉ có hai người. A Tử chạy lại đầu phía Tây điện, mở một cái lọ sành ra cười nói:
- Ngươi coi đây có hùng vĩ không?
Du Thản Chi nhìn vào thì thấy con rết bắt được hôm qua đang chạy rất nhanh trong lọ.
A Tử nói:
- Bữa nay chúng ta lại đi bắt một con trùng độc khác đem về...
Du Thản Chi xiết đỗi hoài nghi, nghĩ bụng: Một cô gái xinh đẹp như thế kia, thiếu gì trò chơi mà phải đi tìm những trùng độc dơ dáy mà nguy hiểm về chơi." Nhưng gã không dám hỏi nhiều, chỉ đáp gọn một tiếng:
- Vâng!
A Tử dẫn Du Thản Chi đến một khe núi khác. Nàng cũng đốt hương liệu bỏ vào ngọc đỉnh như hôm trước và cũng dẫn về được năm thứ trùng độc. Sau một phen tranh đấu, lần này còn lại được con nhện đen.
A Tử lại mang về bỏ vào lọ khác nuôi.
Nàng gọi Du Thản Chi đem chăn chiếu vào căn điện phụ để tối ngủ tại đó canh chừng mấy con trùng độc.
Du Thản Chi xem qua đã biết những loại côn trùng này có thể đục lỗ vì chúng ở trong chỗ kín mít không có kẽ hở, có khi lại tự khoét vết nứt để trốn ra. Gã nghĩ thầm:
Bất luận là để con rết hay con nhện chạy mất mình cũng phải tội trước tiên. Huống chi A Tử đã tổn hao bao nhiêu tinh thần mới bắt được chúng về. Nếu mình để chạy mất một con, có khi nàng nổi hung giết mình đi thế là uổng mạng. Vì vậy, nên lúc nào gã cũng nơm nớp để ý trông coi hai cái lọ này. Gã chợp ngủ chốc lát, lúc chợt tỉnh dậy lại quẹt lửa soi xem ngay.
Chiều hôm sau, A Tử lại dùng phương pháp đó đi bắt được một con cóc.
Ngày thứ tư đi bắt thì dẫn dụ toàn những giống côn trùng rất nhỏ, rõ ràng chất độc không được mạnh lắm, A Tử chưa vừa lòng lại đi thêm hơn mười dặm mới bắt được con bò cạp xanh biếc. Suốt ngày thứ năm không bắt được thứ gì, cả ngày thứ sáu cũng vậy.
Ðến ngày thứ bảy mới bắt được con rắn xanh nhỏ. A Tử ra chiều vui thích, sai Du Thản Chi mỗi ngày phải giết một con gà trống lấy tiết để nuôi những con trùng độc này. Nuôi được hơn mười ngày, một buổi sáng kia, A Tử lại vào tòa điện nhỏ để xem năm thứ trùng độc rồi nói:
- Ðược rồi!
Nàng lại lấy đỉnh ngọc và hương liệu thắp lên rồi bảo Du Thản Chi:
- Mi mở nắp năm cái lọ sành ra.
Du Thản Chi tuân mệnh mở hết các lọ rồi đứng sang một bên.
Bỗng nghe thấy tiếng sột soạt, năm con trùng độc ngửi thấy mùi hương tranh nhau chui vào đỉnh ngọc. Tiếp theo là tiếng chọi nhau chí chí.
Năm con trùng độc này con nào cũng hút hết những chất độc của bốn con khác nên trong mình chúng đều có chất độc kịch liệt. Chúng lại ăn tiết gà lâu ngày, dương khí rất vượng, vừa gặp những loại khác, chúng cắn xé nhau đến chết ngay lập tức.
Ðầu tiên là con cóc bị chết trước, thứ hai là con rắn xanh bị chết theo.
Còn ba con nữa đấu nhau một lúc thì con nhện và con bò cạp đều nhảy ra ngoài đỉnh ngọc, trong đỉnh chỉ còn con rết bắt được hôm đầu tiên là lợi hại hơn cả.
Con rết toàn thắng rồi bò ra ngoài đỉnh ngọc đi hút những chất độc ở mấy con kia. Rồi mình nó cũng sưng vù lên. Cái đầu đỏ biến sang sắc tía, rồi từ sắc tía biến sang sắc biếc, sau cùng biến ra màu đục.
A Tử rất lấy làm mừng khẽ nói:
- Xong rồi! Thế là môn phái ta lại có thể luyện được môn tuyệt kỹ này!
Du Thản Chi lẩm bẩm:
- Té ra cô này đi bắt những con trùng độc để luyện một môn tuyệt nghệ gì đây.
Con rết ăn những chất độc no rồi lại quay về đỉnh ngọc.
A Tử hỏi Du Thản Chi:
- Thiết Sửu! Ta đối với mi thế nào?
Du Thản Chi đáp:
- Cô nương đối với tiểu nhân ơn nặng tày non.
A Tử hỏi:
- Mi biểu rằng dù có phải vì ta mà tan xương nát thịt hoặc nhảy vào đống lửa mi cũng can tâm. Câu đó là ngươi nói thực hay nói dối?
Du Thản Chi đáp:
- Tiểu nhân không dám dối cô nương. Cô nương có việc gì xin cứ sai bảo, tiểu nhân quyết không từ chối.
A Tử nói:
- Nếu vậy thì hay lắm! Ta cho mi hay ta muốn luyện một môn tuyệt kỹ cần có người trợ giúp mới xong. Mi có ưng giúp ta không? Giả tỷ luyện được thành công, nhất định ta sẽ trọng thưởng cho mi.
Du Thản Chi nói:
- Lý đơn nhiên là tiểu nhân phải tuân theo lời cô nương sai bảo, cô nương bất tất phải quan tâm đến chuyện ban thưởng.
A Tử nói:
- Thế thì lại càng tuyệt nữa! Vậy chúng ta bắt đầu luyện thôi.
Nói xong nàng ngồi xếp bằng, hai tay sát vào nhau, nhắm mắt vận khí một hồi rồi nói:
- Mi đưa tay ra bắt láy con rết đó lại đây. Thế nào con rết cũng cắn mi, nhưng mi đừng có nhúc nhích, để yên cho nó hút khí huyết của mi, càng hút càng hút được càng hay.
Du Thản Chi từ thuở nhỏ đã quen chơi rắn rết, biết rằng những loài này tuy hình thù nhỏ xíu màchất độc lợi hại vô cùng. Nếu người sơ ý để nó đớp một miếng, vết thương cũng sưng vù hàng mấy ngày chưa khỏi.
Con rết này hình thù quái dị, mấy con rắn con nhện... không nọc độc bằng, nó cắn chết thì đủ biết nó độc cỡ chừng nào!
Du Thản Chi nghe A Tử bảo mình để cho con rết hút máu, gã rùng mình ghê sợ hơn là bị đánh trăm roi, vẻ băn khoăn lộ hẳn ra ngoài mặt.
A Tử sa sầm nét mặt hỏi:
- Sao? Mi không muốn thế ư?
Du Thản Chi ấp úng:
- Không phải là tiểu nhân không muốn. Có điều... có điều...
A Tử nói:
- Có điều con rết này độc quá, mi sợ chết chứ gì?
Du Thản Chi không biết nói thế nào. Gã nhớ lại lời hứa tự nguyện vì nàng dù tan xương nát thịt, vì nàng nhảy vào đống lửa... Nhưng giờ gặp cảnh nguy nan gã lại sợ co vòi.
Du Thản Chi ngẩng đầu lên nhìn A Tử, thấy mặt nàng đỏ nhừ, môi chúm lại ra chiều khinh miệt gã vô cùng! Gã mê hoảng như người bị ma ám, nói:
- Hay lắm! Tiểu nhân xin vâng mệnh cô nương.
Ðoạn gã nghiến răng nhắm mắt lại, tay trái mở nắp đỉnh ngọc, tay phải thò vào trong đỉnh.
Vừa thò vào đầu ngón tay giữa đau nhói như bị kim đâm. Du Thản Chi cố nhịn đau, gã mở bừng mắt ra, nhìn thấy con rết đang cắn ngón tay giữa mình, quả nhiên để hút máu. Gã khiếp quá khắp người sởn gai ốc. Gã toan vẫy tay cho con rết rơi ra, chân gã đạp mạnh xuống đất, nhưng dù gã không nhìn cũng biết cặp mắt sắc như dao của A Tử đang nhìn chòng chọc vào lưng mình nên gã lại không dám nhúc nhích.
Thực ra thì lúc con rết hút máu gã không đau lắm, nhưng gã nhìn con rết thấy mỗi lúc một phồng lên mà ngón tay gã tím bầm lại. Quầng máu tím trước lợt sau đã mồi dần dần thẫm lại.
Sau một lúc vết thâm từ ngón tay loang ra bàn tay rồi từ bàn tay lên ngón tay.
Ðến lúc này thì Du Thản Chi không còn nghĩ gì đến tính mạng mình nữa, gã trở lại bình tĩnh, miệng lộ vẻ tươi cười, nhưng vì mặt gã chụp lồng nên A Tử trông không được rõ. Con rết này từ khi hút nhiều chất độc, cái đầu đỏ biến thành màu lục, bây giờ lại từ màu lục trở lại màu hồng.
Du Thản Chi lẩm bẩm:
- Bao nhiêu chất độc ngươi đã truyền vào người ta. Hay lắm. Ta là Thiết Sửu thì bây giờ lại biến thành Ðộc Sửu.
A Tử cười khánh nói:
- Mi hãy còn cười nói được kia ư?
Miệng nàng nói vậy hai mắt chú ý nhìn con rết, để hết cả tâm thần vào đó. Ðột nhiên, con rết buông ngón tay Du Thản Chi, nằm phục xuống trong lòng đỉnh ngọc. Một lát sau lỗ đỉnh có máu rươm rướm chảy ra.
A Tử lộ vẻ vui mừng đưa ngón tay đón lấy huyết dịch, nàng ngồi xếp bằng vận nội công cho huyết dịch thấm vào trong da bàn tay.
Du Thản Chi nghĩ thầm:
- Thế là huyết dịch ta thấm vào trong người nàng. Xem chừng nàng đang luyện môn "ngũ độc chưởng" chi đây.
Gã là người hủ lậu hẹp hòi, nên không biết cái đỉnh ngọc này là vật chi bảo của phái Tinh Tú, mang danh là "Bích Ngọc Vương Ðỉnh" và môn tuyệt nghệ của A Tử luyện kêu bằng: "Hóa công đại pháp", một môn tuyệt học của tà phái đã làm cho các tay hào kiệt võ lâm phải kinh hồn táng đởm. Con rết tiết hết huyết độc xong lăn ra chết liền.