Bọn Ðoàn Chính Thuần đang lúc đau thương, bỗng nghe lời A Tử nói ra chiều khinh bạc thì trong lòng ai nấy không khỏi căm tức.
Bọn Phạm Hoa trợn mắt lên nhìn cô bé, giả tỷ cô không phải con gái Chúa công thì họ đã phát khùng lên rồi.
Ðoàn Chính Thuần cũng khí tức xông lên đến tận cổ, giơ tay định tát vào mặt A Tử.
Nguyễn Tinh Trúc trông thấy vội giơ tay ngăn lại hậm hực nói:
- Mười mấy năm trời chàng đã bỏ con chàng cho người khác nhìn đến, sống chết cũng không hay. Bữa nay mới được trùng phùng chàng còn nhẫn tâm đánh con nữa ư?
Ðoàn Chính Thuần tự cảm thấy hổ thẹn với Nguyễn Tinh Trúc vì đã bỏ phóng nàng một nơi, nên bây giờ nàng nói gì ông cũng qua. Ông không muốn có sự xích mích với nàng trước mặt bọn thuộc hạ nên vừa giơ tay ra sắp chạm vào cáng tay Nguyễn Tinh Trúc, lại thu về ngay. Ông làm mặt giận mắng A Tử :
- Người ta đã chết vì mi đó, mi có biết chăng?
A Tử vênh mặt lên nói:
- Người ta đều gọi gia gia bằng Chúa công. Thế thì con là tiểu chủ nhân bọn họ. Giết chết một vài tên nô bọc có gì là quá đáng.
Về triều đại nhà Tống thân phận kẻ làm tôi đối với nhà Vua là nghiêm khắc cho nên có câu nói: "Vua bắt tôi chết, là phải chết".
Bọn Lăng Thiên Lý ở vào địa thần tử trong triều đình nước Ðại Lý, cố nhiên là đối với nhà họ Ðoàn phát xuất tự phái võ ở Trung Nguyên, nên nhất nhất cũng vẫn giữ đúng quy cũ giang hồ. Bọn Phạm Hoa, Lăng Thiên Lý dù là thần tử họ Ðoàn, song Ðoàn Chính Minh, Ðoàn Chính Thuần trước vẫn coi họ như anh em.
Hồi Ðoàn Chính Thuần còn ít tuổi, thường bôn tẩu giang hồ tại đất Trung Nguyên. Lăng Thiên Lý vẫn kề cận ông, từng trải bao phen nguy hiểm, cùng xuất sinh nhập tử, đâu có phải như bọn nô bọc tầm thường?
A Tử nói mấy câu này khiến bọn Phạm Hoa rất không hài lòng.
Nên biết rằng bọn Phạm Hoa làm đến chức Tam công. Trừ khi ở triều đường không kể, còn ngoài ra, chính Bảo định đế Ðoàn Chính Minh cũng lấy hai tiếng anh em để xưng hô bọn họ. Huống chi Ðoàn Chính Thuần chưa lên ngôi hoàng đế mà A Tử chẳng qua là đứa con tư sinh của Ðoàn Chính Thuần đã ăn nói khinh bạc.
Ðoàn Chính Thuần đang đau khổ vì chết mất Lăng Thiên Lý, lại bị đứa con ngỗ nghịch như vậy, ông rất thẹn với mọi người, liền chống kiếm đi ra, trỏ vào mặt Ðoàn Diên Khánh nói:
Ngươi muốn giết ta thì động thủ đi! Họ Ðoàn ta chỉ lấy nhân nghĩa để trị nước, vì nghĩ rằng tàn sát người vô tội thì dù có được nước cũng chẳng bền lâu.
Tiêu Phong cười thầm trong bụng, lẩm bẩm:
- Cái miệng mi nói thật dễ nghe! Ðã đến lúc này mà mi còn khéo giả bộ mặt quân tử để bịp đời .
Ðoàn Diên Khánh chí đầu trượng xuống băng mình đi một cái đã đến trước mặt Ðoàn Chính Thuần.
Lão hỏi:
- Phải chăng mi đấu cùng ta một chỉ chọi một, không can thiệp đến người ngoài?
Ðoàn Chính Thuần nói:
- Ðúng rồi! Mi cũng chỉ giết mình ta đây rồi về nước Ðại Lý giết nốt Hoàng huynh ta nữa là đủ mãn nguyện. Những người thuộc hạ cùng gia nhân ta không liên quan gì đến công việc giữa ta với mi.
Ðoàn Chính Thuần biết võ công Ðoàn Diên Khánh ghê gớm quá. Hôm nay chắc mình phải mất mạng vì tay lão, ông chỉ mong lão đừng làm khó dễ đến Nguyễn Tinh Trúc, A Tử, cùng bọn Phạm Hoa.
Ðoàn Diên Khánh nói:
- Ta phải giết cả nhà ngươi và sẽ tha cho bọn thuộc hạ. Trước kia phụ hoàng ta vì có lòng nhân nghĩa không giết hại hai anh em mi nên mới xảy ra cái họa phản nghịch, cướp ngôi.
Vừa dứt lời, gã phóng trượng ra điểm vào trán Ðoàn Chính Thuần.
Ðoàn Chính Thuần đã nghe chuyện Hoàng huynh mình là Ðoàn Chính Minh và Huỳnh Mi Tăng nói đến võ công Ðoàn Diên Khánh và biết lão sử dụng võ công bổn phái làm môn chính thống. Ngược lại, lão còn biết bao nhiêu tuyệt nghệ cực kỳ quái dị của các phái gì không rõ lai lịch từ đâu, thì nghĩ thầm: Ðoàn Chính Thuần này có chết cũng phải giữ cho đàng hoàng không để người ta chê cười rồi lạng mình về mé tả, nhìn thi thể Lăng Thiên Lý chắp tay nói:
- Lăng hiền đệ! Hôm nay Ðoàn Chính Thuần này cũng biết song đôi trong công cuộc kháng địch.
Ông quay lại nói với Phạm Hoa:
- Phạm Tư Mã! Sau khi tôi chết, Tư Mã để phần mộ tôi ngang hàng với phần mộ Lăng hiền đệ, đừng phân biệt vua tôi chi cả.
Ðoàn Diên Khánh cười nói:
- A ha! Mi giả nhân nghĩa khéo đấy! Phải chăng mi định phục nhân tâm để mong người ta liều chết cho mi.
Ðoàn Chính Thuần không nói gì nữa, tay trái thủ thế, tay phải phóng kiếm ra chiêu "kỳ lợi đoạn kim" trong "Ðoàn gia kiếm" ra chiêu mở đầu cuộc đấu của bản phái.
Ðoàn Diên Khánh đã biết rõ những biến hóa về chiêu này, liền rút trượng ra trả đòn một cách đường hoàng.
Cả hai bên lúc khởi sự đều sử dụng những môn võ gia truyền của họ Ðoàn. Ðoàn Diên Khánh dùng trượng thay kiếm. Lão cũng định bụng chỉ thi triển võ công "Ðoàn gia kiếm".
Ta nên biết rằng lão cùng Ðoàn Chính Thuần xảy ra cuộc chiến đấu không phải vì thù oán, mà vì tranh cướp ngôi vua nước Ðại Lý. Hiện giờ tam công nước Ðại Lý đều có mặt tại đây. Nếu lão dùng võ công của phái tà để giết Ðoàn Chính Thuần tất quần thần không phục và cho là lão không phải dòng dõi chính thống. Còn như dùng "Ðoàn gia kiếm" để thủ thắng thì thật là danh chính ngôn thuận, không còn ai can thiệp gì đến quần thần cả. Rồi đây lão lên ngôi vua cũng dễ dàng cho mình nhiều.
Ðoàn Chính Thuần thấy lão sử dụng toàn võ công bản môn cũng yên lòng được một chút. Ông khoan thai để ý phóng kiếm, chiêu nạp cũng vững chải. Những người bàng quang đều là tay võ nghệ tinh thâm, thấy Ðoàn Chính Thuần chân bước vững vàng, phóng kiếm ra chiêu nào công thủ cũng đúng phép tắc, ai cũng khen thầm.
Trong tay Ðoàn Diên Khánh cầm hai cây gậy trúc đen rất lạ, nó cứng như gang thép nên đụng vào cây trường kiếm của Ðoàn Chính Thuần vẫn chẳng có gì!.
Hai bên cùng sử dụng môn "Ðoàn gia kiếm" chính tông. Thế kiếm công thủ rất trầm trọng, vững vàng, không làm mất thể thống vương giả.
Tiêu Phong tự nhủ:
- Hôm nay thật tình là mình gặp được cơ hội ngàn năm hiếm có. Mình vẫn băn khoăn về phép "Nhất dương chỉ" và "Lục Mạch Thần Kiếm" của họ Ðoàn cực kỳ ghê gớm thì khéo sao lại là kẻ đối thủ vô cùng lợi hại với Ðoàn Chính Thuần tìm đến. Phép "Lục Mạch Thần Kiếm" ghê gớm đến mực nào chỉ lát nữa là mình biết rõ.
Ông chăm chú theo dõi tỉ mỉ kiếm pháp cả hai bên. Mới xem dư chục chiêu, ông đã nhận ra rằng khí giới của hai người đều không tương hợp với "Ðoàn gia kiếm" vì chiêu thức của môn nầy rất cổ kính cần có cây trường kiếm dài sáu thước để tiện vung lên vừa chém vừa phát mới hết được chỗ sở trường của nó. Thế mà Ðoàn Diên Khánh lại sử dụng cây gậy trúc đen nhẹ quá, nên đòn đánh chỉ hời hợt trúng không được trầm trọng, còn cây kiếm của Ðoàn Chính Thuần cũng nhỏ và nhẹ quá.
Tiêu Phong lại xem đấu hơn mười chiêu nữa, thì thấy cây gậy trúc đen của Ðoàn Diên Khánh mỗi lúc một trầm trọng thêm, các chiêu sử dụng nó có vẻ trì trệ hơn trước, và mỗi lần cây trượng đẩy trường kiếm của Ðoàn Chính Thuần bật văng đi mỗi lúc mạnh hơn.
Tiêu Phong là tay sử cây "Ðả cẩu bổng" thuần thục đã nổi công bất giác lẩm nhẩm gật đầu: "Tuyệt nghệ của họ đã thò ra dần dần đây"!
Cây gậy trúc nhẹ lâng lâng mà lão sử nặng tựa hồ cây thiết hơn tám mươi cân thì thật là một nghệ thuật phi phàm.
Ta phải biết rằng những tay cao thủ tuyệt vời thường thường cất nhắc vật nặng một cách nhẹ nhàng hay là sử dụng những thứ trầm trọng coi nhẹ như trên. Còn cất nhắc vật nhẹ mà hóa như công lực phải cao hơn từng nữa. Sử dụng binh khí nhẹ mà hóa không những ra chiêu mãnh liệt mà còn có lợi điều khiển nó nên dễ dàng linh diệu hơn khí giới hạng nặng.
Tiêu Phong thấy Ðoàn Diên Khánh sử dụng cây trúc chẳng khác gì cây cương trượng, diệu ở chỗ mỗi lúc một nặng thêm, tựa như sức nặng không biết đến đâu là bờ bến, nên ông bội phục vô phần.
Ðoàn Chính Thuần thấy mỗi khi mình phóng kiếm ra đều bị cả một trái núi nhỏ đè lên, khiến cho hơi thở tức tối. Võ công họ Ðoàn chuyên nghiên cứu rất kỹ về nội công nhất là bộ hô hấp phải được thư thái. Thở hít nặng nhọc để chống sự thất bại.
Tuy nhiên Ðoàn Chính Thuần vẫn không hoang mang, và an ủi là mình đã được hưởng phúc nhiều rồi thì dù nay có bỏ mạng ở Tiểu Kính hồ cũng chẳng đáng tiếc nên ông coi chết như không. Hơn nữa bên cạnh có cô nhân tình xinh đẹp đang đứng theo dõi cuộc đấu, ông cho rằng có chết cũng hóa thành con quỷ phong lưu.
Ðoàn Chính Thuần đi đến đâu là dắt nhân tình đến đấy. Thực ra thì sự luyến ái giữa ông và Nguyễn Tinh Trúc cũng chẳng hơn gì Thư Bạch Phụng hay các cô gái khác. Có điều bất luận ông đang ở với người tình nào cũng đối đãi rất nhiệt thành với người đó, thậm chí có vì người yêu mà mất mạng cũng không oán hối. Còn lúc ông bỏ phăng nhân tình ra đi chẳng chút đoái hoài thì đó là chuyện khác.
Ðoàn Diên Khánh vẫn tiếp tục gia tăng nội lực cho cây trượng nặng thêm. Sau khi tranh đấu hơn sáu chục chiêu bao nhiêu thế trong "Ðoàn gia kiếm pháp" lần lượt sử dụng hết rồi, lão chú ý nhìn nét mặt Ðoàn Chính Thuần thấy đầu mũi ông đã có đọng mấy hạt mồ hôi, nhưng hơi thở vẫn điều hòa thong thả thì nghĩ bụng: Nghe nói thằng cha này có tính hiếu sắc, rất lắm nhân tình, vậy mà nội lực hắn vẫn còn dư, mình không thể coi thường hắn được.
Lúc này, lão phát huy nội lực vào cây gậy đến mức tối cao rối phóng ra veo véo. Ðoàn Chính Thuần mỗ lần giơ kiếm là một lần lạng người đi.
Hai bên đều sử dụng những chiêu thức đã luyện được rất thành thạo từ ngày mười hai, mười ba tuổi, không cần nói đến những con cháu dòng dõi chính thống họ Ðoàn, ngay bọn Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch mấy chục năm nay cũng đã được xem lại hoài. Cuộc chiến đấu không phải ăn thua ở chiêu thức mà là cuộc tỷ thí nội lực.
Bọn Phạm Hoa xem đến đây đã thấy rõ Ðoàn Chính Thuần không chống nổi được nữa. Họ liền đưa mắt cho nhau, lăm lăm cầm binh giới trong tay toan xông cả vào.
Bỗng thấy tiếng cười khanh khách của một cô gái vang lên rồi nói:
Buồn cười, thật là buồn cười! Họ Ðòan nước Ðại Lý vẫn nổi danh anh hùng hào kiệt, thế mà toan kéo cả bè cả lũ xông vào ỷ đông người để mong thủ thắng, như thế chẳng hóa ra bọn tiểu nhân rất vô liêm sỉ ư?
Mọi người nghe tiếng đều ngạc nhiên khi thấy câu đó lại từ miệng A Tử nói ra. Thực là một chuyên khó ai ngờ. Chính phụ thân cô lăn vào vòng nguy hiểm cô cũng biết rồ, sao còn buông lời diễu cợt chê bai?
Nguyễn Tinh Trúc cả giận mắng con:
- Mi biết gì mà dám nói láo? Gia gia mi làm Trấn Nam Vương nước Ðại Lý đang ra tay đánh kẻ phản nghịch. Mấy ông bạn đây đã là thần tử triều đình đều có trách nhiệm trong công cuộc diệt quân cuồng bạo, giữ yên đất nước, sao mi dám mở miệng bảo là ỷ nhiều người đắc thắng?
Nguyễn Tinh Trúc chỉ giỏi về nghề bơi lội, còn võ công cũng loại thường thôi, mụ thấy tình lang gặp bước nguy hiểm thì trong lúc nóng nảy, lại lên tiếng giục:
- Các vị xông cả vào đi! Ðối phó với quân hung đồ phản phúc thì còn kể đến luật lệ giang hồ sao được?
A Tử cười nói:
- Má má nói vậy đáng buồn cười nữa! Gia gia con có phải là bậc anh hùng hảo hán thì con mới nhìn nhận. Nếu y cũng là hạng vô liêm sỉ thì con nhìn nhận cái thứ gia gia đó làm gì?
A Tử nói câu này bằng một giọng oang oang, ai cũng nghe rõ.
Bọn Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch, Hoa Hách Cấn nhớn nhác không biết quyết định ra sao? Nhảy vào vòng chiến cả thì bẻ mặt, nếu không động thủ thì làm sao giải cứu cho Trấn Nam Vương được?
Ðoàn Chính Thuần tuy là một khách phong lưu đa tình, nhưng vẫn luyến tiếc bốn chữ"anh hùng hào kiệt". Ý ông muốn nói: nếu hào kiệt dù không thể nhắm mắt bỏ qua một mỹ nhân nhưng mất thể là một vị anh hùng.
Sở Bá Vương có Ngu Cơ, Hán Cao Tổ cóThích phu nhân, mà vẫn là những đấng anh hùng. Ông chỉ chủ trương quyết không làm điều gì ti tiện khiếp nhược.
Trong lúc Ðoàn Chính Thuần đang chiến đấu kịch liệt với Ðoàn Diên Khánh.
Ông thoáng nghe lời A Tử, liền lớn tiếng nói:
- Sống hay chết, thắng hay bại phỏng có chi đáng kể? Bất luận là ai nhảy vào vòng chiến để tiếp sức cho Ðoàn Chính Thuần này chỉ khiến Ðoàn mỗ khó chịu thêm mà thôi!
Trong khi ông mở miệng thốt ra bấy nhiêu lời, nội lực do đó giảm sút đi khá nhiều.
Ðoàn Diên Khánh cũng tỏ vẻ anh hùng, chẳng những không thừa cơ hội này đánh gấp hơn, lão còn lùi ra mấy bước, chống đôi trượng đứng chớ ông nói xong rồi mới tiến lại tiếp tục cuộc chiến đấu.
Bọ Phạm Hoa ngấm ngầm kinh hãi trước hiện trạng này, vì biết rằng Ðoàn Diên Khánh càng ra vẻ ung dung nhàn nhạ không thèm nhằm chỗ sơ hở của đối phương mà chiếm đoạt ưu thế, càng tỏ ra lão ỷ võ công tuyệt đỉnh, không cần phải chiếm lấy tiện nghi.
Ðoàn Chính Thuần tủm tỉm cười, nói:
- Ta lại phát chiêu đây!
Ông phất tay áo bên trái phóng kiếm ra.
Nguyễn Tinh Trúc bảo con:
- A Tử! Con trông kiếm pháp của gia gia kìa! Người phóng chiêu lợi hại biết chừng nào! Bản lãnh người như vậy tất dư sức hạ thằng cha mặt như người chết trôi kia! Có điều người là một vị Vương gia muốn để việc hạ hắn cho bọn thuộc hạ, không tiện tự mình ra tay.
A Tử nói:
- Gia gia hạ được hắn thì còn nói gì nữa? Con chỉ sợ hú vía, tuy ngoài miệng nói cứng mà trong bụng run như cầy sấy.
Cô nói mấy câu này thật trúng tâm bệnh mẫu thân cô.
Nguyễn Tinh Trúc tức giận trừng mắt nhìn A Tử lẩm bẩm: con ranh này thật ngu quá! Chém tre không nể đầu mặt.
Bỗng thấy Ðoàn Chính Thuần phóng trường kiếm luôn ba chiêu song nội lực Ðoàn Diên Khánh mỗi lúc một tăng gia, chiêu nào của ông cũng bị gậy trúc gạt lật ngược lại.
Ðoàn Chính Thuần ra chiêu thứ tư gọi là"Kim mã đằng không", đưa lưỡi kiếm phạt ngang.
Ðoàn Diên Khánh dồn nội lực vào lực vào tay để cố giựt ra nhưng không được. Lão hít hơi thật mạnh vào cổ kêu lên ồng ộc rồi thốt nhiên đầu gậy bên hữu xuống đất, nhảy vọt người lên cao. Ðầu gậy trúc vẫn dắt chặt vào mũi kiếm đối phương.
Một bên hai chân bám sát xuống đất vững như núi, không chịu nhúc nhích, còn một bên toàn thân lơ lững trên không, đu qua đu lại như cành liễu trước gió.
Mọi người bàng quan bất giác la lên một tiếng "Úi chao". Hai bên đang thi triển nội lực đến độ chết để tranh thắng.
Kể ra thời Ðoàn Chính Thuần đứng dưới đất hai chân cố chết bíu, chiếm phần lợi hơn. Song Ðoàn Diên Khánh trên cao đè xuống toàn lực ra áp đảo thanh trường kiếm của đối phương cũng nghi ngờ lắm!
Chỉ trong khoảnh khắc, thanh trường kiếm dần dần cong lên hình cánh cung, còn cây gậy trúc bản chất mềm dẻo mà lại ngay thẳng như mũi tên. Xem thế đủ rõ nội lực hai bên phân biệt kẻ hơn người kém rồi.
Tiêu Phong thấy thanh trường kiếm của Ðoàn Chính Thuần môi cong hơn. Ông e rằng chỉ cong thêm chút nữa là thanh kiếm gẫy đôi.
Ông lẩm bẩm:
- Ðã đến tình trạng này mà hai người còn dụng phép "Lục Mạch Thần Kiếm" là nghĩa gì? Chẳng qua Ðoàn Chính Thuần tự biết phép "Lục Mạch Thần Kiếm" của mình xem ra còn kém đối phương, nên phải dấu cái vụng về đi không để ra? Cứ coi vẻ mặt thì tựa hồ nội lực y gần hết đất, chúng còn bản lãnh nào khác nữa thì phải .
Ông có biết đâu rằng Ðoàn Chính Thuần mới đứng vào hạng nhì trong những tay cao thủ họ Ðoàn nước Ðại Lý. Phép "Lục Mạch Thần Kiếm" mà con ông là Ðoàn Dự còn biết sử dụng qua được thì chính ông lại chưa hiểu, đến "Nhứt Mạch Thần Kiếm" còn không biết nói chi đến "Lục Mạch Thần Kiếm"?
Ðoàn Chính Thuần thấy cây trường kiếm trong tay mình cong lại gần như chiếc vòng tròn, không biết gãy lúc nào. Ông hít mạnh một hơi rồi đưa ngón tay trỏ bên hữu điểm ra. Ðó là phép "Nhất dương chỉ". Song phép này của ông còn kém cả hoàng huynh ông là Ðoàn Chính Minh. Chỉ lực của ông không phóng tới ngoài ba thước được. Ông lại dùng trường kiếm để đánh nhau với Ðoàn Diên Khánh, cả hai thứ binh khí dắt vào nhau làm cho hai bên cách xa nhau đến tám thước thì phóng chỉ tới đối phương thế nào được? Nên chỉ đó không phải để điểm vào Ðoàn Diên Khánh mà chỉ nhắm vào cây gậy trúc.
Tiêu Phong nhíu đôi lông mày nghĩ thầm: Hình như lão này không biết phép "Lục Mạch Thần Kiếm" có lẽ còn kém cả nghĩa đệ ta cũng người họ Ðoàn.
Tiêu Phong nhíu đôi lông mày nghĩ thầm: Hình như lão này không biết phép "Lục Mạch Thần Kiếm" có lẽ còn kém cả nghĩa đệ ta cũng người họ Ðoàn.
Ngón chỉ này chẳng qua là phép điểm huyệt cách không mà thật chứ có gì kỳ diệu?
Tiêu Phong đang ngẫm nghĩ thì Ðoàn Chính Thuần điểm đến đâu cây gậy trúc của đối phương xiêu dị đến đấy, mà cây trường kiếm của mình cũng duỗi ra được đôi chút.
Ðoàn Chính Thuần điểm luôn ba chiêu, cây kiếm dần dần khôi phục lại được hình dạng thẳng thắn của nói.
A Tử lại lên tiếng:
- Má má ơi! Gia gia đã dùng trường kiếm, lại còn phóng chỉ ra nữa, mà mới đối phó được ngang sức với một cây gậy trúc của lão. Giả sử đối phương sử dụng cả cây gậy thứ hai nữa thì không biết gia gia lấy đâu ba tay để chống lại?
Nguyễn Tinh Trúc trong lòng lo lắng cho tình lang mà cô con gái đứng bên còn nói những câu như chọc vào tai. Bà ta chưa kịp trả lời thì bỗng thấy Ðoàn Diên Khánh giơ trượng bên phải lên phóng đánh véo một tiếng.
Quả nhiên Ðoàn Chính Thuần lại lấy ngón tay trỏ bên trái điều khiển. Ðoàn Diên Khánh sử dụng cây trượng nầy bằng nội kinh theo lối "Nhất dương chỉ". Nhưng lão lấy trượng làm chỉ nên đón đánh cao hơn.
Ðoàn Chính Thuần cả kinh nghĩ thầm: Lão điều hòa hơi động chân khí lẹ đến thế, chẳng khác gì muốn sao được vậy. Phép "Nhất dương chỉ" của lão đến mức tinh diệu phi thường, mình thua lão xa.
Ông vừa nghĩ vừa phóng chỉ ra nhưng chậm mất một chút, người như rung động.
Ðoàn Diên Khánh thấy cuộc đấu đã lâu, sợ kéo dài thời gian, xảy ra biến cố nguy hiểm. Tỷ dụ quần thần của đối phương xông vào thì mình lại phải tốn nhiều hơi sức. Lão vung trượng như gió cao bay, chớp mắt đã điểm luôn chín trượng.
Ðoàn Chính Thuần cố gắng chống đỡ, nhưng đến đòn trượng chín của đối phương điểm tới thì ông kiệt lực mất rồi.
Bỗng nghe đánh "sột" một tiếng, đầu cây gậy trúc đen đánh trúng vai bên trái Ðoàn Chính Thuần.
Ðoàn Chính Thuần lạng người đi, kế tiếp đánh "rắc" một thanh trường kiếm trong tay phải gãy làm đôi.
Trong cổ họng Ðoàn Diên Khánh bỗng phát ra một thứ thật quái gở rồi lão điểm rất nhanh cây gậy bên tay phải vào đầu Chính Thuần. Lão quyết ý đánh đòn nầy cho đối phương phải mệt. Lão sử dụng toàn bộ kinh lực, cây trượng phóng qua phóng lại rít lên tiếng gió ghê rợn.
Phạm Hoa, Hoa Cách Cẩn, Ba Thiên Thạch thấy Ðoàn Chính Thuần sắp mất mạng về ngọn trượng của đối phương, ba người đồng thời nhảy ra chia ba mặt sấn đến bên Ðoàn Diên Khánh.
Ba vị Tam Công nước Ðại Lý này đều là những tay cao thủ đứng trước tình trạng vô cùng nguy hiểm và cấp bách, muốn xông vào cứu Ðoàn Chính Thuần thì đã không kịp nữa, phải dùng cách "vây Ngụy cứu Triệu" nhằm đánh vào những yếu huyệt Ðoàn Diên Khánh.
Ðoàn Diên Khánh đã biết trước: đến lúc nguy cấp thế nào quần thần nước Ðại Lý cũng xông cả vào lão chuẩn bị saÜn sàng giả vờ dừng cây trượng bên trái lại một cách hững hờ mà kỳ thực lão đã ngấm ngầm vận động nội kinh để chống đỡ tất cả những chỗ xung yếu trong toàn thân.
Trong khi Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Ba Thiên Thạch cả ba người phóng binh khí đánh tới, Ðoàn Diên Khánh chẳng né tránh mà cũng không lùi lại, đưa tay quét ngang cây trượng bên trái để che kín thân thể không cho khí giới của bọn Tam Công chạm vào người, còn cây trượng bên phải đánh thẳng vào đầu Ðoàn Chính Thuần.
Tinh Trúc kêu rú lên một tiếng thất thanh xông vào, vì thấy tình lang sắp chết toi mạng, bà ta cũng liều mình không muốn sống nữa.
Ngọn trượng của Ðoàn Diên Khánh còn cách huyệt "bách hội" trên đầu Ðoàn Chính Thuần không đầy ba tấc, thì đột nhiên người ông tung sang bên, ngọn trượng của Ðoàn Diên Khánh đâm vào khoảng không.
Giữa lúc ấy, Ðoàn Diên Khánh bị bộ ba Phạm Hoa, Hoa Hách Cần, Ba Thiên Thạch đánh rát phải rút trượng về.
Ba Thiên Thạch động thủ như chớp nhoáng, xoay tay một cái đã nắm được cổ tay Nguyễn Tinh Trúc, khiến bà ta không thể liều mạng với Ðoàn Diên Khánh được nữa.
Mọi người đều quay lại nhìn Ðoàn Chính Thuần.
Ðoàn Diên Khánh ra đòn nầy đinh ninh giết được đối phương dè đâu Ðoàn Chính Thuần lại tránh được, trượng điểm chệch ra ngoài, lão giật mình kinh hãi vô cùng. Lão định thần nhìn lại thấy một Ðại Hán kéo tay nắm lấy gáy Ðoàn Chính Thuần nhấc ra.
Giữa lúc tính mạng của Ðoàn Chính Thuần tựa ngàn cân treo đầu sợi tóc mà có người ngang nhiên nắm lấy gáy nhấc ra thì thần lực con người đó không ai có thể tưởng tượng được.
Ðoàn Diên Khánh võ nghệ tuyệt luân, mà cũng tự nghĩ mình không làm được như thế. Da thịt trên mặt lão đã trơ ra, nên tuy lão vô cùng kinh ngạc mà không biến sắc, chỉ thấy lão khịt mũi một tiếng mà thôi.
Người ra tay cứu Ðoàn Chính Thuần đó là Tiêu Phong. Ông đứng bên theo dõi cuộc đấu giữa hai người họ Ðoàn không chớp mắt. Mặc nhiên ông thấy Ðoàn Chính Thuần bị đối phương ra đòn chí mạng, ông nghĩ rằng nếu để cho ngọn trượng Ðoàn Diên Khánh điểm tới, thì mối thù không đội trời chung chẳng còn cách nào trả được.
Mấy bữa nay Tiêu Phong đã lập bao nhiêu chí nguyện, tuyên lên bao nhiêu lời trọng thệ, quyết báo cho được mối thù sâu tựa biển. Bây giờ đã gặp kẻ thù ngay trước mặt, khi nào ông chịu để y chết về tay người khác? Nên ông tung người nhảy xổ lại nhấc Ðoàn Chính Thuần nhảy tránh ra.
Ðoàn Diên Khánh là người tâm linh cực kỳ mẫn tiệp, không để cho Tiêu Phong kịp đặt Ðoàn Chính Thuần xuống, lão múa tít hai trượng trúc như gió táp mưa sa, điểm liên tiếp vào những huyệt trọng yếu Ðoàn Chính Thuần. Lão quyết chí trừ khử cho bằng được vật chướng ngại đó để rồi đây bước lên ngôi hoàng đế. Còn đấu với Tiêu Phong ra sao thì sẽ tính sau.
Tiêu Phong xách Ðoàn Chính Thuần nhằm vào những kẻ lao trượng phóng tới mà né tả tránh hữu.
Ðoàn Diên Khánh sử dụng liền một lúc hai mươi bảy trượng mà vẫn không chạm được vào tà áo Ðoàn Chính Thuần chứ đừng nói chạm vào người ông. Lão ngấm ngầm kinh hãi biết ngay mình không phải địch thủ của Tiêu Phong.
Thốt nhiên lão hú lên một tiếng kỳ dị, tung người ra xa khỏi trượng rồi hỏi:
- Các hạ là ai? Cớ sao lại vào đây quấy rối?
Tiêu Phong chưa kịp trả lời, thì Vân Trung Hạc đã lên tiếng:
- Lão đại ca! Y trước đã làm Bang chúa Cái Bang tên gọi Kiều Phong. Ðồ đệ của đại ca là Truy hồn trượng Ðàm Thanh cũng bị chết dưới bàn tay gã côn đồ này đó.
Vân Trung Hạc vừa dứt lời, chẳng những mình Ðoàn Diên Khánh run lên mà đám quần thần nước Ðại Lý cũng cả kinh thất sắc. Cái tên Kiều Phong lừng lẫy khắp thiên hạ. Câu: Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung, những người trong võ lâm chẳng ai là không biết. Nhưng lúc ông xưng tên với Ðoàn Chính Thuần lại lấy họ tên đích thực là Tiêu Phong, mọi người có biết đâu rằng chính thị Kiều Phong, con người vang danh bốn bể.
Bây giờ nghe Vân Trung Hạc nói, mọi người đều sửng sốt, bất giác la lên:
- Té ra chính ông ta là con người võ công tuyệt thế, giàu lòng nghĩa hiệp, quả nhiên danh bất hư truyền.
Ðoàn Diên Khánh nghe Vân Trung Hạc thuật chuyện lại biết đồ đệ mình là Ðàm Thanh ở Tự Hiền Trang toan hại người không được lại bị Kiều Phong giết chết.
Bây giờ lại nghe Ðại Hán này đúng là người đã sát hại đồ đệ mình thì trong lòng vừa căm tức vừa sợ hãi, cầm cây gậy trúc vạch xuống phiến đá xanh hàng chữ sau đây:
- Các hạ với tôi có thù oán gì đâu mà sát hại đồ đệ tôi, giờ lại phá hoại việc lớn của tôi nữa?
Dòng chữ khắc rất sâu vào đá, chỉ nghe "sạo sạo" một lúc, tựa hồ như viết chữ lên đống cát.
Nguyên thuật "phúc ngữ" của Ðoàn Diên Khánh mà đem phối hợp với nội công thượng thừa của lão thì có thể khiến cho tâm hồn khác phải mê man, thần trí phải rối loạn. Ðó là một thứ tà thuật cực kỳ lợi hại. Song tà thuật này chỉ đem tâm lực để chế phục đối phương. Nếu gặp phải kẻ địch nội lực hùng hậu hơn mình thì chẳng những không chế phục nổi mà còn bị hại đến bản thân là khác.
Ðoàn Diên Khánh đã biết rõ cái chết của Ðàm Thanh, lại thấy cước pháp Tiêu Phong cứu Ðoàn Chính Thuần ghê gớm phi thường, nên không dám mạo hiểm dùng thuật "phúc ngữ" để đối thoạt với ông, mà phải viết chữ lên trên tấm đá.
Tiêu Phong thấy Ðoàn Diên Khánh khắc chữ xong, ông cũng không nói gì, chạy lại đưa bàn chân đi lên mấy cái. Dòng chữ trên tấm đá đã bị xóa sạch sành sanh.
Một người lấy đầu gậy trúc để viết chữ vào đá kể khó lắm, lại đến người lấy chân di sạch được những vết chữ khắc vào đá, thì công lực ấy còn hùng hậu hơn người viết một tầng, vì viết chữ có thể tụ nội lực vào đầu gậy trúc.
Phiến đá xanh ở trên hồ bị một người khắc chữ lên, lại có người di chân xóa đi tưởng chừng như đống bùn đống cát vậy.
Ðoàn Diên Khánh thấy Tiêu Phong lấy chân di những tự tích trên phiến đá thì biết ông có ý: Một là để phô trương bản lãnh, hai là để hôm nay không có thù oán gì. Những việc đã qua chỉ vì vô ý gây nên xích mích, nếu bằng lòng bỏ đi không xét lại nữa thì hai bên lại hòa.
Ðoàn Diên Khánh là người rất cơ trí, tự lượng không địch nổi Tiêu Phong thì lùi sớm đi là hơn để khỏi phải thất bại nhục nhã. Như vậy, lão dùng cây trượng bên tay phải sổ toẹt một cái, từ trên xuống dưới rồi lại móc lên thành hình móc câu. Cả một cử động này nói: Các thù trước đều xóa bỏ hết. Tay trái chỉ đầu gậy xuống người lão đã nhảy xa mấy trượng.
Nam Hải Ngạc Thần giương cặp mắt ti hí nhìn Tiêu Phong một chặp, ra chiều không phục, mắng:
- Mẹ nó! Quân "lộn kiếp" này làm tàng quá...!
Lão chưa dứt lời thì người lão đột nhiên vọt lên trên không rơi xuống giữa hồ đánh tỏm một tiếng, nước bắn tung tóe rồi chìm lỉm.
Nguyên Tiêu Phong căm giận lão mỉa mai ông là quân "lộn kiếp", tay trái ông xách Ðoàn Chính Thuần bước tới, tay phải nắm lấy áo Hải Ngạc Thần quẳng xuống hồ. Ông hạ thủ một cách mau lẹ, vậy nên Nam Hải Ngạc Thần không kịp chống đối.
Nam Hải Ngạc Thần ở bể Nam đã lâu lại tự xưng là Ngạc Thần, bơi lội rất giỏi. Hai chân lão đứng xuống đáy hồ rồi lại nhảy vọt lên trên mặt nước hỏi:
- Mi làm gì vậy? Nói xong một câu người lão lại chìm xuống nước. Xuống tới đáy hồ lão lại nhảy vọt toàn thân lên cao khỏi mặt nước, nói tiếp:
- Mi ám toán lão gia đây...
Ðang nói dở câu lại rớt xuống đáy hồ. Lần thứ ba lão nhảy lên nói tiếp:
- Lão gia quyết không tha đâu!
Nam Hải Ngạc Thần tính nóng như lửa, lão tức quá không thể nhịn để chờ đến lúc lên bờ rồi hãy mắng Tiêu Phong, lão vừa nhô lên hụp xuống vừa nói mấy câu cho hả giận.
A Tử bật cười nói:
- Các người trông kìa! Lão ấy ở dưới nước nhô lên hụp xuống có khác chi con "rùa" không?
Vừa lúc ấy Nam Hải Ngạc Thần nhảy lên khỏi mặt nước mắng lại:
- Chính mi mới phải là con rùa!
A Tử giơ tay lên đánh véo một tiếng. Cô đã ném ra một mũi tinh thùy.
Nam Hải Ngạc Thần hụp xuống đáy hồ tránh khỏi rồi bơi ngầm vào bờ, quần áo ướt đẫm nhảy lên. Lão không kiên sợ gì hết, vác mặt chạy đến trước mặt Tiêu Phong, ngoẹo cổ giương đôi mắt ti hí nhìn ông hỏi:
- Mi vừa dùng thủ pháp gì để quẳng lão gia xuống hồ? Lão ta vẫn chưa hiểu đó.
Diệp Nhị Nương nói:
- Thôi lão tam cút đi! Ðừng đứng giở trò nữa.
Nam Hải Ngạc Thần nói:
- Ta đã bị kẻ khác hất xuống hồ mà cả đến hắn dùng thủ pháp gì mình cũng không hay thì còn cái nhục nào bằng? Ta phải hỏi cho biết đã.
A Tử nói:
- Ðược lắm! Ta bảo cho ngươi hay: Tuyệt nghệ đó gọi là "Tróc quy công"
Nam Hải Ngạc Thần ngơ ngẩn nói:
- A! Môn đó gọi là "Tróc quy công" ư? Ta đã biết được thế võ này, sẽ cố tìm người dạy cho mình, rồi gắng công luyện tập sau này khỏi bị vố đau như hôm nay.
Lão nói xong rảo bước đi ngay.
Lúc này Diệp Nhị Nương và Vân Trung Hạc đã chạy xa rồi. Tiêu Phong đặt Ðoàn Chính Thuần xuống. Nguyễn Tinh Trúc buông lời cảm tạ nói:
- Kiều Bang Chúa! Bang Chúa trước đã cứu con gái tôi, bây giờ lại cứu y, tôi không biết lấy gì để đền đáp!
Bọn Phạm Hoa, Chu Ðan Thần cũng đều lạy tạ ơn.
Tiêu Phong lầm lì nói:
- Sở dĩ Tiêu Phong này mà cứu tiên sinh là vì có chuyện riêng. Các vị tất bất phải cảm ơn tôi.
Ðoàn tiên sinh! Tôi xin hỏi tiên sinh một câu mong rằng tiên sinh trả lời thành thực cho. Trước kia tiên sinh đã ra ngoài "Nhạn môn quan" làm một chuyện rất lầm lỗi có đúng thế không?
Ðoàn Chính Thuần đỏ bừng mặt lên rồi lại biến ra nhạt, cúi đầu nói:
- Ðúng rồi! Ðoàn mỗ trong lòng lúc nào cũng khắc khoải không yên đó. Nhưng tay trót đã nhúng chàm, không còn cách nào vãn hồi được nữa.