- Họ nói rằng, trời giáng đại họa, chính là cái lúc mưu đồ khôi phục, dân chúng mắc tai nạn, cái thế sẽ đưa đến hoạn loạn, thu nạp thì tạo thành một đạo quân, mà phân tán thì sẽ gây hao tốn cho triều đình, bởi triều đình bắt buộc phải xuất phát kho chuẩn tế cho nạn dân. Những người trong tổ chức của cô nương sẽ thừa cơ mà làm cái việc cướp đoạt, làm cho dân không hưởng được sự cứu trợ của triều đình, sanh ra đói họ sẽ biến số dân đói thành ra dân oán hận, dân oán hận triều đình, là một cơ hội cho họ mưu đại sự, cổ võ đám dân đó, chống lại triều đình.
Doãn Chánh Thanh không dằn được cơn phẫn nộ hỏi :
- Ai đưa ra chủ ý khốn nạn thế?
Lão ngư nhân cười mỉa :
- Chủ ý đó nghĩ ra thì thực cũng không phải là vô lý. Tuy nhiên thật là tàn độc, dân đói, không cứu đói, lại làm cho đói thêm, rồi lợi dụng số dân đói đó vừa làm bình phong mà cũng vừa làm hậu thuẫn chống lại chế độ đương triều. Lão phu không không nỡ trơ mắt nhìn bao nhiêu người hai bên ven sông Hoàng lâm vào đói khổ, nên tìm công tử yêu cầu giúp cho tám vạn lượng bạc, chẩn tế nạn dân.
Doãn Chánh Thanh hừ một tiếng :
- Sao lão trượng không nói sớm cho tại hạ biết? Việc đó nằm trong trách vụ của tại hạ mà. Giả như lão trượng có đòi nhiều hơn số đó, tại hạ cũng sẵn sàng cung ứng.
Lão ngư nhân lại cười :
- Công tử vung tay tại Sơn Đông, tốn hao một số bạc quá lớn rồi dù cho hiện tại có còn thì cũng chẳng còn bao nhiêu nơi mình, nên lão phu chỉ hỏi tám vạn lượng thôi. Số đó cũng khá đủ.
Doãn Chánh Thanh day qua Niên Canh Nghiêu hỏi :
- Mình còn được bao nhiêu, nhị đệ?
Niên Canh Nghiêu suy nghĩ một chút :
- Không được nhiều lắm, độ năm sáu vạn lượng thôi.
Doãn Chánh Thanh cau mày :
- Khi chúng ta ra đi, số bạc mang theo nào chỉ có bao nhiêu đó?
Niên Canh Nghiêu đáp :
- Trong số bạc mang theo, đã xuất ra mười vạn lượng tại Thái Sơn, tiểu đệ dành lại một phần tại Mông Sơn.
Doãn Chánh Thanh thốt :
- Không cần dành lại, khi nào có việc dùng, ngu ca sẽ lo liệu sau. Bây giờ nên lấy hết, trao lại cho lão trượng đi. Viết thơ cho Lỗ Tú, bảo nàng có bao nhiêu, hãy trao ra bấy nhiêu, nhờ nàng mượn riêng cho ngu ca thêm hai mươi vạn nữa, ba tháng sau ngu ca sẽ hoàn nàng đúng số.
Niên Canh Nghiêu tính :
- Như vậy là được năm mươi vạn lượng.
Doãn Thánh Thanh tiếp :
- Bao nhiêu cũng không thành vấn đề. Phàm cứu tế nạn dân, dù cho chúng ta có khuynh gia bại sản, cũng chẳng sao. Nhị đệ nói kỹ trong thơ với Lỗ Tú là ngu ca sẽ hoàn số nợ, bằng mọi cách, nàng đừng sợ mất số bạc đó, nếu cần ngu ca sẽ bán hết nhà cửa, ruộng vườn.
Lỗ Anh biết Doãn Chánh Thanh là Tứ hoàng tử Dận Trinh tự nhiên thừa tiền trả nợ, nên nàng vội thốt :
- Bất tất phải bán nhà cửa, ruộng vườn. Cứu tai giải nạn là bổn phận của mọi người, ai ai cũng phải góp bằng tâm, tiếp trợ đồng loại, nỡ nào để một mình công tử đảm đương. Này công tử, tôi viết thư cho tam muội bảo nó lo số bạc đó, kể như phần đóng góp của chị em tôi.
Lão ngư phủ cười vang :
- Nữ nhân cường đạo mà cũng có thiện tâm nữa à?
Lỗ Anh quắc mắt nhìn lão trừng trừng.
Niêu Canh Nghiêu vội thốt :
- Có thể là lão trượng nhận xét sai lầm về chị em họ. Chị em họ sau lần tiếp xúc đầu tiên với tứ ca, vì nhiễm đức độ của tứ ca nên đã sửa hoàn toàn, không còn giống mảy may Lỗ thị tam anh ngày trước nữa. Thậm chí mối cừu sát huynh họ cũng bỏ luôn, không hề nghĩ đến việc báo phục. Họ phát thệ theo sát bên cạnh tứ ca, đi khắp bốn phương đất nước, để dốc tâm toàn lực cứu nguy phò nhược diệt bạo trừ gian, đem lại an ninh hạnh phúc cho dân tộc.
Lão ngư phủ chớp mắt, vòng tay thốt :
- Thế thì lão phu thất lễ rồi, xin nhận tội.
Lỗ Anh lạnh lùng :
- Cần chi những tiểu tiết rườm rà đó. Tôi không phản đối sự cứu tai trợ nạn, nhưng hà tất phải giao bạc cho ai? Tự chúng tôi đích thân đi chẩn tế, cũng được như thường.
Lão ngư phủ mỉm cười :
- Điều cần thiết là cứu trợ nạn dân, ai cầm bạc xuất ra cũng đều được cả, lão phu không nhét riêng tư vào túi mà xài cho chính mình đâu, cô nương nên yên trí về điểm đó.
Doãn Chánh Thanh không đồng ý với chủ trương của Lỗ Anh thốt :
- Không phải vậy đâu. Lão trượng có nhiệt tâm với công ích, khẳng khái đảm đương công việc chẩn tế, điều đó đáng phục lắm, chứ sao lại trách? Chúng ta còn bao nhiêu việc quan trọng phải làm trước mắt, sợ không đủ thì giờ thay, làm sao rỗi rảnh mà lo việc ấy? Còn như trao bạc cho người khác, thì tại hạ không yên tâm. Theo ý tại hạ, thì chúng ta có nhiều bạc, nên giao hết cho lão trượng là nhất.
Niên Canh Nghiêu vội vã lấy trong mình ra một xấp ngân phiếu, không cần kiểm điểm, trao hết cho lão ngư phủ.
Doãn Chánh Thanh cũng lấy túi minh châu bên mình nhập vào số ngân phiếu.
Đoạn day qua Lỗ Anh, y thốt :
- Cô nương viết thơ đi, bảo lịnh muội giao thêm ba mươi vạn lượng, số bạc đó tại hạ cam kết sẽ hoàn lại trong ba tháng.
Lỗ Anh đáp :
- Thơ thì đành là phải viết, nhưng bạc giao phải có tên họ người nhận chứ.
Doãn Chánh Thanh lắc đầu :
- Không cần. Cứ bảo giao bạc cho người mang thơ thôi. Cũng không cần nói ra để dùng vào việc gì. Bởi làm việc thiện chúng ta cứ thế mà làm, mọi sự truyền bá, phô trương đều cố tránh.
Lão ngư phủ mỉm cười :
- Đối với lão phu, công tử tín nhiệm quá chừng.
Doãn Chánh Thanh điềm nhiên :
- Với tài năng của lão trượng, nếu muốn phát tài, lão trượng thiếu chi cách, thiếu khi dịp cần gì phải lừa tại hạ để đoạt số bạc không đáng chi đó.
- Làm việc thiện lão phu quen cái lối âm thầm, chứ không thể nêu tên họ thật. Nhưng trường hợp của công tử có khác, lão phu bắt buộc phải nêu tên. Nhưng lão phu không chịu thay thế tổ chức này, tổ chức nọ, mua chuộc nhân tâm. Cho nên, lão phu sẽ cho một số bằng hữu tham gia cộng tác từ thiện này. Nghĩa là công tử đóng góp vào việc thiện với tính cách cá nhân, chứ không vì một tổ chức nào.
Doãn Chánh Thanh cười nhẹ :
- Lão trượng bất tất phải nêu tên tại hạ. Về những điểm đó lão trượng thấy nếu tại hạ có năng lực thì chắc chắn là tại hạ sẽ cố gắng cải thiện.
Lão ngư phủ vòng tay :
- Công tử có tâm địa như thế, thì dân lanh có phúc biết bao. Lão phu không cần phải nói nhiều hơn, chỉ cần trong mọi hành động. Sau này, nắm được quyền Minh chủ võ lâm rồi, công tử muốn sai khiến lão phu điều chi, lão phu cũng xin tuân hành.
Doãn Chánh Thanh nói mấy lời khiêm tốn.
Lão ngư phủ tiếp :
- Lãnh số bạc đó rồi, nếu sau này công tử nghe rõ lại mà lão phu không làm công cuộc chẩn tế đúng với sự dự liệu hôm nay thì công tử cứ truy tìm lão phu đòi lại.
Doãn Chánh Thanh lắc đầu, cười đáp :
- Làm gì có việc đó. Lão trượng yên trí. Tại hạ hoàn toàn tin tưởng nơi lão trượng.
Tuy Doãn Chánh Thanh không muốn nêu danh hiệu người nhận bạc trong thơ gởi Lỗ Tú, lão ngư phủ cũng đưa ra hai chữ Ngư Xác.
Niên Canh Nghiêu chớp mắt kêu lên :
- Thì ra lão trượng là Ngư Xác đại hiệp. Gia sư thường nhắc nhở đến đại hiệp, người nói rằng trong thiên hạ võ lâm ngày nay nhân vật như đại hiệp rất hiếm có.
Lão ngư phủ hỏi :
- Lịnh sư là ai?
Niên Canh Nghiêu đáp :
- Cố Khẳng Đường.
Ngư Xác à một tiếng :
- Thế ra các hạ là cao đồ của Khẳng Đường tiên sinh. Thảo nào mà chẳng có thân thủ như vậy. Trước kia lịnh sư cũng là một hội viên của Nhật Nguyệt Đồng Minh hội, giữ vai trò trọng yếu, song sau lại vì bất đồng ý kiến mà ly khai. Tại sao các hạ chưa làm theo lịnh sư, lại cứ ở mãi trong cái hội hỗn loạn đó?
Niên Canh Nghiêu tiếp :
- Từ lâu lắm rồi, tại hạ không gặp lại gia sư nên chẳng hiểu được hành động của lão nhân gia trong mấy năm sau này. Còn như việc gia nhập hội của tại hạ, là do chính gia sư bảo đấy.
Ngư Xác thở dài :
- Đối với đại cuộc lịnh sư hiện nay gần như nguôi lạnh can trường rồi vậy. Lão phu đây cũng thế. Giả như Doãn công tử mà bằng lòng đứng ra lãnh đạo phong trào, thì cái thế phục hưng còn có thẻ hy vọng quật khởi mạnh. Các vị bằng mọi cách nên cố hết sức mình, giúp Doãn công tử trở thành Minh chủ võ lâm. Phần lão phu trên giang hồ sẽ cố gắng kêu gọi số bằng hữu ủng hộ công tử.
Doãn Chánh Thanh lại thốt mấy lời khiêm tốn.
Lão ngư phủ cười, tiếp :
- Tuy nhiên thành hay bại, vấn đề không tùy thuộc vào bằng hữu trên giang hồ đâu nhé, mà trái lại do các vị đấy. Người ta sẽ nhìn vào hành vi của các vị để quyết định thái độ nên theo các vị hay lờ đi.
Mạnh Lệ Ty chen vào :
- Tiền bối yên trí, chúng tôi sẽ cố gắng...
Ngư Xác khoát tay, chận lại :
- Mạnh cô nương, lão phu hiểu cô nương là đệ tử của ai. Bất quá, lão phu muốn nói với cô nương mấy lời này, dù là những lời khó nghe một chút.
Đứng im một chút lão trầm giọng tiếp :
- Tuy lịnh sư là người xướng lập Đồng Minh hội song người không nắm được toàn cuộc, hơn nữa hiện tại niên kỷ quá cao, người không hành động với đầy đủ sáng suốt như buổi thiếu thời, thành ra bị số người nhỏ tuổi cuồng nhiệt háo thắng lấn lướt, không mấy kẻ tuân lịnh lịnh sư một cách triệt để.
Mạnh Lệ Ty toan biện hộ cho ân sư, Ngư Xác chận lại tiếp luôn :
- Cô nương đã kết duyên phu phụ với Doãn tứ công tử thì cái địa vị của cô nương lại càng không ổn định, dù cô nương có viện dẫn ngàn muôn lý do để bảo vệ lập trường, người ta chỉ dùng một câu nói thôi, cũng thừa đánh ngã cô nương.
Mạnh Lệ Ty lộ sắc giận :
- Tôi chẳng sợ gì khiến cho thiên hạ phê bình này nọ.
Ngư Xác mỉm cười :
- Nhưng cô nương vẫn không thể phủ nhận người chồng đó là người ngoài hội, gây khó khăn cho cô nương không ít. Hành vi của cô nương tại Sơn Đông dù muốn dù không cũng đã làm cho một số người hiểu lầm cô nương rồi. Người ta đã nói là cô nương và trượng phu vì tranh đoạt chức Minh chủ Phân hội mà không ngần ngại tàn sát đồng đạo. Lão phu và một số bằng hữu không tin, nhưng lão phu là người ngoài hội nên các bằng hữu đó ủy thác cho lão phu nhiệm vụ thông qua tiểu tiết để đạt đến đại sự. Đối với Doãn công tử, lão phu rất khâm phục nhân phẩm cao khiết đó, cho nên phần việc tuyên bá công đức của công tử, cũng có thinh danh của công tử trên giang hồ, lão phu sẵn sàng thực hiện, cô nương chưa đủ uy tín làm đâu.
Day qua Doãn Chánh Thanh, lão cười tiếp luôn :
- Lão phu ngay từ bây giờ đi thẳng đến Mông Sơn tiếp nhận bạc, sau đó lão phu sẽ đến Côn Minh tìm cách dọn đường cho công tử bước lên địa vị Minh chủ.
Doãn Chánh Thanh vội thốt :
- Việc của tại hạ là nhỏ, việc cứu tế nạn dân là lớn, xin lão trượng lo lớn, bỏ nhỏ, dù sao thì tại hạ cũng còn một số bằng hữu giúp đỡ cho.
Lỗ Anh biết mình lỡ lời nhưng may thay lúc đó Mạnh Lệ Ty đang mơ màng đến xuất thần chẳng nghe chi cả.
Thuyền đi, đi mãi...
Đứng một mình trước vương phủ Nam Chiếu, Doãn Chánh Thanh có vẻ bất an. Cách đó xa xa, Lỗ Anh luôn luôn lưu ý đến y, nàng cũng khẩn trương không kém.
Nam Chiếu là một tiểu vương quốc tại Vân Nam do họ Đoàn thống trị.
Nhưng sau khi Đoàn Trí Hưng phát nguyện xuất gia theo Phật thì vận nước bắt đầu suy vi dần dần.
Đến đời nhà Nguyên thì họ Đoàn cầm như hoàn toàn mất nước. Rồi suốt đời nhà Minh, vương quốc đó không còn ai nhắc tới nữa.
Chỉ có người địa phương là còn giữ ít nhiều tôn kính đối với họ Đoàn.
Và gia sư họ Đoàn biến thành Nam Chiếu vương phủ.
Con cháu họ Đoàn sống trong phủ đệ đó, tuy sự hưởng thụ có phần đặc biệt hơn nhân dân, tuy họ còn được chút đặc quyền là nhờ sự ưu đãi của giòng Ái Tân Giác La giòng vua Mãn Thanh hiện tại.
Mãn Thanh nhận thấy họ Đoàn có ít nhiều ảnh hưởng tại Vân Nam, không muốn trừ diệt luôn, sợ gây công phẫn tại chỗ, nên duy trì có mặt của họ Đoàn.
Người họ Đoàn vốn không là quan, nhưng hưởng quyền bất khả xâm phạm, phủ huyện địa phương không hề xâm nhập, ước thúc. Nhân thấy thế, Nhật Nguyệt Đồng Minh hội tìm cách đặt cơ sở ngay trong vương phủ Nam Chiếu để mở những hội nghị quan trọng khi cần.
Trừ những vị trưởng lão trong Tổng hội, các Phân hội trước khi đến đây đều có cho người thông báo.
Riêng về Doãn Chánh Thanh vì thân phận đặc biệt nên Mạnh Lệ Ty và Niên Canh Nghiêu phải đích thân vào tường trình với ban tổ chức, không kể cái lệ thông báo như các Phân hội khác.
Minh chủ các Phân hội khác đến nới là cứ chiếu trình kim bài cho người giữ cửa khám nghiệm rồi vào, còn y thì không làm vậy, mà phải chờ bọn Mạnh Lê Ty và Niên Canh Nghiêu trở ra.
Trước cửa vương phủ Nam Chiếu có một khoảng đất trống, vì uy thế của quan lại địa phương không bành trướng đến địa điểm này nên dân chúng tự động biến khoảng đất đó thành một thị trường tự do (...) nào khác là đóng góp một phần trăm trên giá bán cho chủ nhân thị trường.
Đó là nguồn lợi của họ Đoàn trong phủ Nam Chiếu.
Hàng hóa đủ loại, từ giá đắt đến giá hạ, từ hàng lậu, hàng cướp trộm, đến hàng có sở hữu chân chánh, chủ nhân.
Ai bán cứ thách giá tùy thích, người mua nếu bằng lòng thì mua.
Trật tự tại thị trường, do vũ sư của họ Đoàn phụ trách, quan quân không can dự vào.
Về mặt an ninh cũng thế. Trong khu vực, từ bao giờ đến bây giờ, không hề xảy ra một vụ cướp giật. Cho nên vào đây rồi, ai ai cũng vững tâm mua bán.
Nhưng ra khỏi khu vực, thì lại là một vấn đề khác. Ban trật tự an ninh của vương phủ hết trách nhiệm, ai muốn khiếu nại điều chi, thì cứ đến quan lại địa phương biện cáo.
Mạnh Lệ Ty và Niên Canh Nghiêu vào đã lâu rồi chưa thấy ra, Doãn Chánh Thanh càng lúc càng nôn nòng, đứng mãi một chỗ khó chịu quá nên y bước về phía thị trường xem náo nhiệt cho khuây lòng.
Lỗ Anh đi theo cách xa xa hộ vệ.
Doãn Chánh Thanh xem đồ vật một lúc, bỗng chú ý đến đôi ngọc mã trên một cái giá.
Đôi ngọc mã rất nhỏ, bằng ngọc, song chất ngọc rất tốt, chạm khắc rất khéo, trông như ngựa sống.
Y cầm lấy, xem qua một lúc, càng xem càng thấy thích, nên hỏi :
- Đôi ngọc mã này của ai đây?
Phía sau giá có hai người hành khất, y phục lam lũ, một già một trẻ. Già độ năm mươi tuổi, trẻ vào lứa mười bốn mười lăm, cả hai ngồi chồm hổm, chính giữa có nồi thịt chó, bên cạnh có bình rượu. Họ ăn uống không cần đũa chén. Lão nhân nghe nói ngẩng đầu lên đáp :
- Khách nhân không biết quy củ ở đây sao? Ở đây người ta chỉ hỏi giá tiền chứ không ai hỏi sở hữu chủ món hàng. Giá vừa ý thì mua, mua rồi mang đi đâu thì mang đi.
Doãn Chánh Thanh cũng biết vậy nhưng vẫn hỏi :
- Chưa biết chủ nó là ai, thì nói giá với ai?
Tên hành khất trẻ trừng mắt gắt :
- Khách không mù, sao lại không thấy giá người ta ghi phía trước món đồ? Phải xem cho kỹ chứ?
Doãn Chánh Thanh xem lại rồi kêu lên :
- Đâu có, Bảng giá ở chỗ nào, sao tại hạ không thấy?
Tên hành khất hừ một tiếng :
- Làm sao không có. Giá ghi tên mặt tờ giấy lớn đó.
Doãn Chánh Thanh lại tìm, vẫn chẳng thấy chi hết.
Lão hành khất đứng lên cười nói :
- Ta quên mắt, Tiểu Long ơi. Vừa rồi ta hắt hơi nước mũi bắn ra bàn tay, ta lấy mảnh giấy lau tay.
Tiểu Long Nhi vội gắt :
- Lau tay lấy cái gì khác mà lau không được sao, sao lại lấy mảnh giấy ghi giá tiền? Thảo nào! Hơn nữa ngày trời chẳng có ma nào chiếu cố đến món hàng. Bán không được, tiền đâu mua ăn mua uống đây. Lão Túy Miêu hại quá đi thôi.
Hai hành khất đưa mắt ra nhìn nhau, Tiểu Long Nhi thốt :
- Cuối cùng rồi cũng có người mua. Mình đợi hơn nữa tháng rồi, chẳng thấy ai nhìn đến nó. (...)
Lão Túy Miêu trừng mắt :
- Đừng vội cao hứng. Chắc gì người ta mua cho.
Tiểu Long Nhi hừ một tiếng :
- Y bảo mình nói giá, lẽ nào lại chẳng mua?
Lão Túy Miêu day qua Doãn Chánh Thanh hỏi :
- Khách quan thực sự muốn mua?
Doãn Chánh Thánh gật đầu :
- Muốn mua nên mới hỏi giá chứ.
Lão Túy Miêu cười nhẹ :
- Mấy hôm nay, bị người ta hỏi mãi, phiền phức quá nên lão phu viết giá lên giấy cho khách hàng xem. Khách quan chịu khó nhặt mảnh giấy mà xem. Ở đây, có cái lệ nói giá hai lần thôi. Một lần bằng giấy, lần nữa bằng miệng. Giá bằng miệng thì luôn luôn hạ hơn giá bằng giấy. Sau đó, lão phu không hạ giá nữa, chẳng những thế cuộc mua bán phải được kể là thỏa thuận rồi.
Doãn Chánh Thanh hỏi :
- Có cái quy củ đó sao?
Tiểu Long Nhi trừng mắt :
- Phải! Tiền trong tay khách, vật trong tay người bán, bằng lòng mua, bằng lòng bán là trao tiền lấy vật, trao vật lấy tiền, không ai cưỡng bách ai mua, ai bán.
Lão Túy Miêu tiếp :
- Giá bằng miệng là giá nhất định, lão phu nói ra là khách phải mua với giá đó. Nếu khách sợ giá cao thì đừng hỏi, cứ xem giá trên giấy kia.
Doãn Chánh Thanh tuy bực song lại thích đôi ngọc mã nên do dự một chút rồi bảo :
- Được rồi! Lão trượng nói đi!
Y đón chừng, đôi ngọc mã đó có giá lắm cũng không hơn hai trăm lượng nhưng họ là những kẻ sống với nghề hành khất, khi nào họ dám vọng tưởng có vài trăm lượng dằn túi? Như vậy họ không thể thách cao.
Tiểu Long Nhi cười thốt :
- Có người đòi mua, tôi sẽ khai giá cao đấy. Lão Túy Miêu ơi.
Lão Túy Miêu cao giọng :
- Chín ngàn chín trăm lượng bạc.
Doãn Chánh Thanh kêu lên :
- Lão trượng nói sao? Giá đó à?
Tiểu Long Nhi trừng mắt :
- Sợ cao thì đừng hỏi. Ai bảo khách không xem mảnh giấy? Bọn tôi ghi giá rõ ràng, đúng một vạn lượng. Bây giờ giảm bớt cho khách một trăm lượng còn muốn gì.
Lão Túy Miêu lấy đôi ngọc mã, đẩy tới trước mặt Doãn Chánh Thanh thốt :
- Ngựa về khách nhân rồi đó. Tiền, khách nhân trao đây.
- Con mẹ nó. Ngươi bảo ta khai giá, ta nêu quy củ, ngươi bằng lòng, rồi ngươi không mua. Nhất định ngươi phải mua.
Lỗ Anh đứng phía sau, nghe rõ câu chuyện, nổi giận bước tới, trầm giọng chửi :
- Đừng có bày chuyện lừa người ta. Mua bán phải có sự tình nguyện chứ?
Tiểu Long Nhi mắng :
- Con điếm thúi. Can gì đến ngươi mà ngươi chen vào.
Lỗ Anh giận dữ, cứ quyền đánh tới, đồng thời mắng trả :
- Tên tiểu súc sanh. Ngươi chết với ta.
Tiểu Long Nhi chớp thân mình, tránh ngón quyền đó, đoạn phóng trả một ngọn cước, trúng Lỗ Anh, nàng văng ra xa xa.
Doãn Chánh Thanh nhận rõ hai hành khất chẳng phải là những tay tầm thường, muốn ngăn chặn Lỗ Anh, song không ngăn kịp, bây giờ bắt buộc y phải xuất thủ để tiếp trợ nàng.
Y lướt tới, đưa tay tả ra, Tiểu Long Nhi cũng đưa tay chận. Nhưng tay tả đánh hư chiêu, tay hữu tiếp theo liền.
Một tiếng bốp vang lên, Tiểu Long Nhi hứng một cái tát vào mặt.
Gã bị bật dội trở lại, chập choạng năm sáu bước mới dừng được.
Đôi má của gã, năm ngón tay hiện rõ.
Lão Túy Miêu cười lớn :
- Hay! Cao minh! Cao minh! Đúng là Yến Sơn Song Phi chưởng. Nghe nói chưởng pháp đó thất truyền từ lâu. Không ngờ các hạ học được.
Tiểu Long Nhi nhìn Doãn Chánh Thanh một chút sau cười lạnh thốt :
- Xuất phát một chiêu, đánh trúng ta, quả thật chẳng có mấy tay. Để mua chuộc thân tình, ta hạ giá bớt cho ngươi năm ngàn lượng đó. Ngươi hãy trao ra bốn ngàn chín trăm lượng, rồi lấy đôi ngựa ngọc đi.