Lốc Xoáy Thời Gian

Chương 19: Vấn đề gạo

Tiếng gà trống oai phong, đập cánh ưỡng ngực, gáy “Ò Ó O, O” vang rộn khắp làng, đánh thức vạn vật bừng tỉnh từ trong giấc ngủ say.

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi lăn qua lộn lại trên giường, cố ý nướng chút ít. Nhưng rất tiếc, con gà trống cứ như dã ăn phải thuốc kích thích, ồn ào, lộn xộn rượt đuổi bọn gà mái chí chóe ngoài sân, làm bọn họ không thể nào nằm lì thêm được nữa.

Cả ba đành lồm cồm bò dậy, lê lết đi ra lu nước sau nhà thầy đồ để rửa mặt. Hoa Khôi tính tình sạch sẽ, cố ý gói gém theo kem đánh răng với bàn chải, cậu lấy chúng ra đánh răng. Minh Ngọc trừng mắt nhìn cậu – mang đồ dùng từ hiện tại về quá khứ là không được nếu như không có sự cho phép của học viện, vì nó có thể làm đảo lộn lịch sử phát minh và sáng chế của nhân loại.

Hoa Khôi phớt lờ cái nhìn của Minh Ngọc, vô tư đánh răng tiếp. Cậu nhổ ra bãi kem rồi ngọng nghiệu bào chữa: “Cái răng cái tóc là góc con người*. Cậu không thể trách tớ được!”

Chân mày Minh Ngọc nhăn lại, bất mãn với Hoa Khôi, cậu ta thật không có kỷ luật gì hết!

“Này, cậu sao đỏ*, đừng nói với tôi là cậu định méc lại cho lão viện trưởng đó nha. Bỏ cái thói ngồi lê mách lẻo đi, đàn bà, con gái như vậy coi chừng ế đó!” Hoa Khôi mỉa mai, châm chọc Minh Ngọc.

*sao đỏ: những em học sinh trong trường có nhiệm vụ quan sát mọi hoạt động của lớp, có gì sai sót thì ghi lại, phê bình.

Minh Ngọc không nói gì, lẳng lặng súc miệng bằng nước muối rồi xoay mình rời đi. Hoa Khôi nhún vai, không thèm để ý. Chị em phụ nữ, ai cậu cũng thích, chỉ riêng Minh Ngọc làm cậu thật khó chịu.

Thấy Minh Ngọc đi rồi, lúc này Thiện Hùng mới dám mở miệng, xin Hoa Khôi dùng ké kem đánh răng. Không đánh răng, Thiện Hùng cảm thấy miệng cậu dơ dơ thế nào ấy, rất khó chịu.

Hoa Khôi cũng hào phóng, bôi một ít kem lên tay Thiện Hùng.

Sau khi mọi người rửa ráy xong xuôi, bọn họ giúp thầy Siêng thổi cơm ăn sáng, chỉ là cơm rau chấm nước mắm đạm bạc, không có gì đặc sắc, ăn cho qua loa. Thật ra thì bữa ăn chỉ đủ cho bọn họ xỉa răng, ăn xong vẫn còn đói, sức ăn của mấy người trai trẻ khỏe hơn một ông cụ già rất nhiều, nhất là cả ba người bọn họ đều là dân đi trym. Nhưng cả ba đều ngại, không dám xin thêm bát nữa.

Trong lúc bọn họ đang rửa chén thì Năm Sẹo ghé ngang qua chào hỏi, sẵng tiện mang cho Hoa Khôi một đôi guốc tre để cậu đi cho đỡ đau chân. Hoa Khôi mừng rỡ, cảm ơn rối rít

Năm Sẹo cũng thông báo là ông đã tụ tập một số thanh niên trong làng, chuẩn bị vào rừng chặt tre, hái lá dừa để lợp nhà cho bọn họ.

Minh Ngọc tham gia đội ngũ vào rừng đốn cây, còn Thiện Hùng và Hoa Khôi cũng muốn đi theo, nhưng Minh Ngọc đề nghị bọn họ nên ở lại học chữ Nôm, học xong nhanh chừng nào thì cả ba có thể về sớm chừng ấy. Nghe có lý, nên Thiện Hùng và Hoa Khôi ở lại cùng thầy Siêng.

“Nhiêu đây người giúp, không chừng vài hôm nữa sẽ dựng xong nhà cho các cậu.” Năm Sẹo vừa đi, vừa nói chuyện với Minh Ngọc.

Minh Ngọc gật đầu, tươi cười đáp lại.

“Lát nữa đốn cây xong, tôi sẽ dẫn cậu đi tham quan quanh làng, sẵn giới thiệu cậu với bà con làng xóm.” Năm Sẹo đề nghị. Minh Ngọc gật đầu đồng ý.

“Có gì cần hay không hiểu thì cứ hỏi tôi!” Năm Sẹo một lần nữa nhiệt tình tỏ ý muốn giúp đỡ.

Thấy Năm Sẹo thật lòng thân thiện như vậy làm Minh Ngọc cảm nhận được một tia ấm trong lòng. Đúng là người Việt Nam giàu tình cảm.

“Cám ơn.” Minh Ngọc nói. “Lát nữa, cháu muốn học làm nỏ.”

Minh Ngọc nhớ lại hôm qua, Năm Sẹo một tay cầm nỏ, một tay cầm rất nhiều con mồi ông ta săn được. Nếu có thể, nhờ ông ta làm giúp cô một cái nỏ, đi săn kiếm thịt ăn thì thật tốt. Chứ ngày nào cũng chỉ cơm trắng, rau xanh thì cô chết mất, không đủ để lót bụng.

“Ồ, cậu muốn đi săn?” Năm Sẹo mở to hai mắt, ngạt nhiên hỏi.

Minh Ngọc gật đầu.

“Vậy thì còn gì bằng! Tôi đang thiếu bạn đi săn cùng. Trong làng không ai săn bắn hết. Làng này ai cũng thích mò cua bắt cá, riêng tôi thì thấy thịt thú rừng chắc hơn!” Năm Sẹo vui vẻ cười với Minh Ngọc.

Khi mọi người đến rừng tre, bọn họ bắt đầu sắn tay áo, sắn ống quần, bắt tay vào làm việc. Một anh trai làng cau mày, nhìn chăm chăm vào chân Minh Ngọc rồi vô tư nhận xét.

“Ôi! Chân cậu ngộ ghê! Sao không có lông?”

Tai mặt Minh Ngọc đỏ lên. "Cái ông này! Được ngắm chân cô miễn phí lại còn đi ý cò ý kiến, thật là muốn bóp cổ ông ta ghê! Cô đi tẩy lông thì dĩ nhiên là không có lông."

“Xuầy, cậu ta còn nhỏ chưa trổ mã thì không có lông!” Một anh trai làng khác bàn luận.

Minh Ngọc im lặng, ngậm ngùi bó tay.

Mọi người bắt đầu quần quật làm việc. Năm Sẹo tỉ mỉ lựa chọn cây tre, sờ sờ, gõ gõ thân cây, cây nào cảm thấy hài lòng mới bảo các anh thanh niên trai làng đốn nó.

Đốn được khoảng chục cây, lúc này bọn họ mới dừng tay, quây quần bên gốc cây, nghỉ ngới chốc lát. Mọi người chuyền nhau túi đựng nước, uống ừng ực để xoa dịu cái nắng nóng gắt của một ngày vào trưa. Dòng nước trong veo, tinh khiết trôi chảy xuống cổ họng Minh Ngọc, mang đến một cảm giác man mát, khoái lạc.

Uống xong, người làng lại mở ra túi vải thắt ngang lưng chứa dăm ba miếng trầu cau, lấy ra mời nhau ăn. Minh Ngọc lịch sự lấy một miếng từ Năm Sẹo, bỏ vào miệng, vừa nhai vừa nằm ườn trên đống cây mới được đốn, mí mắt nặng nề, lim dim. Sáng nay chỉ ăn có chút cơm, không đủ để cô phục hồi sức lực. Bây giờ lại làm việc mệt nhọc, cảm thấy thật uể oải, chỉ muốn đánh một giấc cho quên cơn đói.

Trong lúc cô thiu thiu chuẩn bị ngủ, bên tai nghe mang máng các anh trai làng xì xầm trò chuyện. Cô im lặng, tập trung lắng nghe.

“Không hiểu tại sao gần đây, thằng cha phú hộ không mở kho ra bán gạo, giấu gạo như mèo giấu cứt! Cả chục hôm rồi nó không bán, làm mọi người phải đi sang huyện kế bên mà mua gạo. Mà mấy thằng phú hộ khác cũng không bán nhiều, xếp hàng từ sáng tới chiều, nhiều khi cũng không mua được một thăng* gạo.” Một cậu trai làng thở dài, nói.

*thăng: 1 lít.

“Chẳng lẽ chúng nó đang định chờ giá gạo tăng cao, lúc đó mới đem bán chặt cổ bà con?”

“Có thể,” một người khác đồng tình, chen vô. “Các anh ăn uống tiết kiệm chút đi. Sắp tới, không chừng một quan tiền cũng không mua nổi một thăng gạo!”

Nghe vậy, Minh Ngọc trầm ngâm cau mày, suy tư sâu xa… "Nếu không lầm thì bình thường, một thăng gạo là năm*, sáu đồng*, nếu giá gạo tăng tới một thăng một quan, mà một quan thì khoảng sáu trăm đồng, vậy tức là giá tăng lên gấp trăm lần, như vậy bà con làm sao có tiền mua gạo!"

“Quan phủ không can thiệp sao?” Minh Ngọc ngồi dậy, quay đầu hỏi.

Năm Sẹo nhìn Minh Ngọc, lắc đầu thở dài. “Quan quân bây giờ tất cả đều bận rộn, chuẩn bị chiến đấu với bọn giặc Nam Hán đang kéo binh xuống, muốn đánh chiếm chúng ta. Sợ rằng bọn họ còn không có đủ gạo để ăn, lấy gì mà lo cho dân chúng.”

“Đúng vậy!” Một cậu trai làng khác tiếp lời. “Khoảng ba chục năm trước, nhà họ Khúc dẫn quân binh đánh đuổi bọn giặc Hán rồi giành lại tự do cho chúng ta. Nhưng bình yên không bao lâu thì nhà Hán lại kéo binh xuống đánh tiếp, giết chết nhà họ Khúc. Dương tướng quân muốn trả thù cho họ Khúc, chiêu tập anh hùng hào kiệt khắp nơi để đánh giặc. Không ngờ, ông ta chưa kịp làm gì đã bị con nuôi của ông là Kiều Công Tiễn* phản bội giết cha, giành lấy binh quyền.”

“Không những thế, thằng phản bội Kiều Công Tiễn còn dám cả gan đi cầu cứu nhà Hán, giúp nó củng cố binh quyền. Vậy thì chẳng khác nào là rước giặc vào nhà.”

“Nghe được tin quân Hán sắp dẫn binh vào, Ngô tướng quân, Ngô Quyền, là một nha tướng của Dương tướng quân, vội tập hợp quân lính khắp nơi, chuẩn bị giao chiến với bọn giặc Hán.”

"Ngô Quyền…" Minh Ngọc xoa cằm, đăm chiêu suy nghĩ… "Không phải ông ta là người đầu tiên nghĩ ra kế đóng cọc ngầm mai phục tàu bè quân địch hay sao? Thật là thú vị!"

“Thôi,” Năm Sẹo lớn tiếng, hô to. “Nghỉ ngơi đủ rồi, giờ chúng ta vác tre về làng!”

Mọi người uể oải than thở, nghỉ chưa đã gì hết mà phải làm tiếp, nhưng cũng đành miễn cưỡng đứng dậy, đặt gỗ lên vai rồi rồng rắn khuân về làng. Đoàn trai trẻ đi nhấp nhô trên con đường mòn, xa xa trông như một hàng kiến chăm chỉ, hăng say làm việc.

Lúc này, mặt trời đã lên cao, ánh nắng gắt gao rọi xuống khắp mọi ngõ ngách trong làng. Minh Ngọc giờ đã mệt nhoài, khắp người mồ hôi nhễ nhoại, ướt đẫm hết quần áo.

Đến nơi, Minh Ngọc vui mừng khôn siết, lập tức quang mấy khúc tre trên vai cái rầm xuống đất, làm Năm Sẹo phải hô hoán lên: “Cẩn thận, coi chừng hư gỗ!”

Minh Ngọc mấp máy môi, xin lỗi, mệt quá nói không ra hơi, tìm gốc cây gần đấy ngồi bệt xuống dưới bóng râm nghỉ mát.

Năm Sẹo đến bên cô, thẩy cho cô một túi nước. Cô không ngần ngại nhận lấy, uống ừng ực. Dòng nước tuông trào ra khỏi miệng cô, lên láng trườn trượt xuống cần cổ, cảm giác thật mát mẻ, dễ chịu, dường như không có điều gì trên đời thoải mái hơn là một ngụm nước lạnh.

“Mọi người cũng mệt rồi, hôm nay đến đây thôi, mai chúng ta bắt đầu dựng nhà.” Năm Sẹo đề nghị. Nghe vậy, ai cũng vui mừng gật đầu đồng ý, rồi tản ra, đi về nhà.

Minh Ngọc chuẩn bị đứng dậy, về nhà ông thầy đồ, nhưng Năm Sẹo gọi ngược cô lại.

“Còn sức làm nỏ không? Làm một cái cho cậu rồi chúng ta vào rừng đi săn, cậu thấy thế nào?” Năm Sẹo hỏi.

Minh Ngọc nhanh nhảu, gật đầu đồng ý.

…………………………….

Chú thích:

1. Đơn vị đo thể tích, đong ngũ cốc cổ Việt Nam:

1 đấu = 10 thăng = 10 lít

1 thăng (hay thưng) = 10 lẻ = 2 bát = 1 lít

1 bát = 5 lẻ = 0,5 lít

1 lẻ (hay than) = 50 sao = 0,1 lít

1 sao (tục gọi là nhắm)= 10 toát = 2 ml

1 toát (tục gọi là nhón) = 0,2 ml

2. Đơn vị tiền tệ cổ Việt Nam:

1 lạng vàng = 10 lạng bạc

1 lạng bạc = 10 quan

1 quan = 10 tiền = 600 đồng

1 tiền = 60 đồng

1 đồng = 10 hào

1 hào = 10 xu

1 lạng = 1/16 cân, nên người xưa mới có câu:

kẻ tám lạng, người nửa cân (ý nói hai bên bằng nhau).

Để cho nhớ một quan là bao nhiêu, người xưa có câu ca dao:

Một quan là sáu trăm đồng

Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi…

Ghi chú: 1 quan thời xưa rất quý, người thường chỉ mua bán bằng đồng, còn quan thì để mua những thứ đắt tiền.

3. Kiều Công Tiễn: Sau khi vua Hán bắt Khúc Thừa Mỹ, Tiết độ sứ thứ ba trong thời kỳ Việt Nam tự chủ dưới nhà họ Khúc, tướng cũ nhà họ Khúc là Dương Đình Nghệ tập hợp lực lượng để trả thù nhà Hán. Dương Đình Nghệ nhận tất cả ba ngàn tráng sĩ làm con nuôi trên danh nghĩa, và Kiều Công Tiễn là một trong số đó. Sau khi Dương Đình Nghệ đánh đuổi được quân Nam Hán và tự xưng là Tiết độ sứ, Kiều Công Tiễn cũng được thăng chức. Năm 937, Kiều Công Tiễn phản bội giết chết Dương Đình Nghệ, tự xưng là Tiết độ sứ nhưng ông bị mọi người chống đối, không được lòng dân. Lúc đó, Ngô Quyền chiêu quân để đánh Kiều Công Tiễn, nhiều người khắp nơi đều theo Ngô Quyền, nên Công Tiễn bị cô lập. Ông đã chạy qua nhà Hán cầu cứu, nhưng nhà Hán chưa kịp tới giúp thì ông đã bị Ngô Quyền giết.

4. Ngô Quyền (897 - 944): ông là con rể của Dương Đình Nghệ. Sau khi cha vợ bị Kiều Công Tiễn giết, ông chiêu quân đánh Kiều Công Tiễn rồi chiến đấu với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938). Ngô Quyền đã dùng kế đóng cọc dưới lòng sông, đánh chìm thuyền giặc. Đây là trận đóng cọc đầu tiên trên sông Bạch Đằng. Sau này còn hai trận đóng cọc nữa để chống quân Tống (981) và quân Mông Cổ (1288). Trận thủy chiến thắng lợi trên sông Bạch Đằng đã chính thức chấm dứt giấc mơ xâm chiếm Việt Nam của nhà Nam Hán. Ngô quyền sau đó xưng vương, lập ra nhà Ngô và trị vì đất nước.