Liêu Nhàn

Chương 3: Chương 3


Ôn Chủy Vũ thấy ánh mắt Ôn Thời Thư nhìn cô có phần mất hứng, vội nói: "Đâu có thể để cô nuôi hai ông cháu con được? Cô nói có phải không?" Cô đưa hai tay lên lắc qua lắc lại trước mặt Ôn Thời Thư: "Cháu gái của cô có tay có chân, tự nuôi mình và ông nội cũng không thành vấn đề."
Ôn Thời Thư nhẹ nắm lấy bàn tay mảnh khảnh, gầy guộc của Ôn Chủy Vũ, ngón tay non mịn trắng như sứ xương(1), phản ứng đầu tiên là sợ cô cháu gái trước giờ chưa từng gánh qua việc nặng, chịu qua cực khổ của mình làm hư đôi tay này.

Đứa cháu gái này của bà, ngoại trừ vẽ vời, không có làm thêm chuyện gì khác, bất quá, biết vẽ cũng được xem là có kỹ năng, cũng không thể chết đói được? Bà hết giận, ngó sơ Ôn Chủy Vũ một lát, nhìn thấy đôi mắt nhỏ có chút lo lắng và đáng thương ấy, trong lòng bất giác mềm nhũn, gắng gượng nói: "Trước cứ vậy đi, có gì để sau hẵng nói."
Ôn Chủy Vũ ôm lấy cánh tay Ôn Thời Thư làm nũng: "Cảm ơn cô ba."
Ôn Thời Thư nhanh chóng nói: "Aizz, đừng, con đừng cảm ơn cô.

Mà phải nói trước, tuy cô đồng ý cho hai ông cháu tự bươn chải, nhưng trên đầu cô còn có một bà chị lớn, nếu một ngày nào đó hai ông cháu thật sự khiến cho cô hai con phải quay về đây, tới lúc chị ấy chỉnh đốn hai ông cháu, cô không thể lên tiếng...!aizz, đến cả cô cũng sẽ bị vạ lây." Bà nói xong, lại chọc lên trán Ôn Chủy Vũ một cái: "Nếu sau này ở bên ngoài sống không nổi nữa, lập tức gói hai người lại đưa qua nhà cô bên kia." Xong xuôi bèn mang thẻ ngân hàng cưỡng ép nhét vào tay Ôn Chủy Vũ, nghiêm mặt nói: "Quanh năm cô không có ở đây, ông nội con tuổi tác đã cao, số tiền này nên giữ lại đây phòng khi có việc gấp cũng không đến nỗi lúng túng." Giọng nói của bà lại truyền đến: "Việc kinh doanh mua bán, thương trường như chiến trường, có ăn có thua, cậu tư làm ăn thua lỗ thì cũng đã thua rồi, tiền mà, là thứ mau đi nhanh đến.

Trong nhà vẫn còn cô và cô hai của con, còn chưa sụp được, con ấy, nếu gặp phải chuyện khó khăn hay muốn làm chút việc gì đó, đừng giấu nhẹm không chịu cho ai biết, như vậy lại càng khiến cho bọn cô lo lắng hơn."
Ôn Chủy Vũ nén xuống chua xót ở trong lòng, khẽ "dạ" một tiếng, nũng nịu cọ cọ lên vai Ôn Thời Thư, sau đó nói: "Con còn phải sắp xếp hành lí, cô ba cứ tự nhiên."
Ôn Thời Thư nhè nhẹ vỗ vỗ lưng Ôn Chủy Vũ, nhìn gian phòng trống không này, lặng lẽ thở dài một hơi rồi xoay người trở ra.
Trong nhà, thứ gì có thể bán đều bán đi cả rồi, đồ cần thu dọn chỉ sót lại vài vật dụng cá nhân vặt vãnh, cần chỉnh lý ấy à, e là tâm trạng cần nhiều hơn.
Đã sống hơn hai mươi năm, là nơi chứa vô số hồi ức, giờ chuyển đi rồi, Ôn Chủy Vũ ngoại trừ không nỡ, mất mát cùng vẻ u sầu nhàn nhạt, còn có chút cảm giác mới mẻ, kích động khi sắp phải lang bạt, đối diện với xã hội ở ngoài kia.

Cảm giác ấy giống như chim non rời tổ, dù cô đã là một cô gái hai mươi sáu tuổi đầu, cũng chẳng thể ví như chim non.
Cô đóng chặt túi hành lí xong, đi ra phòng khách, liền thấy bầu không khí giữa Ôn Nho lão tiên sinh và Ôn Thời Thư nữ sĩ có gì đó không đúng, dường như lại cãi nhau rồi.

Tính cách của hai người không hợp, họp lại chưa đầy nửa tiếng thì chuẩn bị ầm ĩ, mỗi lần gặp mặt đều giống như gà chọi, Ôn Chủy Vũ cũng đã quen.

Cô vô thức muốn tránh đi, nhường chỗ cho hai người họ từ từ to tiếng, đột nhiên lại cảm giác lần này phỏng chừng đang cãi về chuyện thu xếp.
Trong phòng khách, trừ bàn trà với vài ba cái ghế, toàn bộ những thứ khác đều bị dọn trống, không còn chỗ nào khác để ngồi.
Ôn Chủy Vũ chỉ có thể bất chấp ngồi giữa Ôn Nho lão tiên sinh và Ôn Thời Thư, im lặng, dè dặt mang hết trà cụ ở trên bàn gom đến trước mặt mình, sợ lát nữa hai người họ kích động lại trình diễn tiết mục thay nhau đập tách trà, bản thân ngồi chính giữa phải chịu tai bay vạ gió.

Cô lắng nghe một lát, mới hiểu hai người ấy vì việc sa thải người làm mà dẫn đến tranh cãi, hay nói chính xác hơn là việc có nên tiếp tục mời bác sĩ gia đình và tài xế hay không.

Cô biết ông nội cô muốn cắt giảm chi tiêu, còn cô ba lại cho rằng Ôn Nho lão tiên sinh phải cần đến bác sĩ gia đình trông coi tình trạng sức khỏe của ông, tài xế theo Ôn lão tiên sinh ra ngoài hằng ngày cũng không thể thiếu.

Cô ngồi đấy im thin thít, nhưng nằm không cũng trúng đạn: "Nếu sắp tới đây ba chỉ giữ mỗi mình Vũ Nhi bên cạnh, lỡ không may bị ngã hay va đập ở đâu đó, Vũ Nhi ngay cả lọ tương bị đỗ con bé còn đỡ không nổi, có thể đỡ dìu ba được hả?"
Ôn Chủy Vũ bị dính đạn quay đầu nhìn cô ba của cô, không nói nên lời.
Ôn Thời Thư phát hiện ánh mắt của Ôn Chủy Vũ, hiểu cô có điều muốn nói, liền hỏi: "Con nói đi, con đã từng xách chai tương nào chưa?"
Lòng Ôn Chủy Vũ thầm cay đắng: "Ai lại rảnh rỗi đi xách chai nước tương chứ."
Ôn Nho lão tiên sinh cùng Ôn Thời Thư nữ sĩ tranh chấp nửa ngày trời, không ai nhường ai, cuối cùng mang vấn đề nan giải này quăng sang cho Ôn Chủy Vũ.

Cô nói: "Con có thể hỏi thử trong nhà xem ai muốn thôi việc không?"
Ôn Nho lão tiên sinh tỏ ý đã sớm biết cháu gái của mình vụng về chuyện bếp núc, cho nên giữ lại A Uyển.
A Uyển, Tôn Uyển, cô gọi là dì Tôn, giúp việc cho nhà cô đã hơn hai mươi năm.
Ôn Chủy Vũ cảm thấy những khoản chi tiêu khác có thể cắt giảm, dù sao, sau này nhà cô cũng chẳng còn vườn to sân rộng, không cần người làm vườn, trong nhà không có đồ có giá trị gì, không sợ người ta dòm ngó, khỏi phải sắp xếp lắm bảo vệ đến thế, nhà không lớn, người quét tước dọn dẹp cũng không dùng đến nhiều, quả thật có không ít phương diện có thể cắt giảm bớt, nhưng không thể gạt bỏ hết toàn bộ.

Cô mở miệng: "Ông nội, chú Triển Trình lái xe cho gia đình mình cũng đã hơn mười năm rồi ạ?"
Ôn Nho nhướng nhướng mí mắt hướng sang Ôn Chủy Vũ.
Ôn Chủy Vũ chậm rãi nói: "Con nghe nói con của chú Triển năm nay sẽ thi đại học, đang lúc áp lực, ngài đây lại cho người ta mất việc, như vậy không ổn lắm." Giọng nói của cô lại tiếp tục vang lên: "Lọ nước tương ngã rồi, con dựng lại được, nhưng với cân nặng của nội, nếu bị ngã hay vấp, con cộng thêm dì Tôn hai người cũng đỡ nội không nổi.

Có chú Triển và bác sĩ Thẩm ở đây thì con có thể yên tâm, nếu không, ngày nào đó nội thật sự sơ ý bị đập trúng, người gánh tội là con."
Ôn Nho tức ngực mà trừng Ôn Chủy Vũ, nhưng nhìn thấy dáng vẻ ốm yếu gió thổi còn bay của cháu gái nhà mình, thôi đành chấp nhận số phận, thở dài một hơi.

Ông tự nhận sức khỏe của mình vẫn còn tráng kiện, nhưng chịu không nổi cái vai không thể gánh, đôi tay không thể mang của đứa cháu gái chưa từng trải qua chút sóng gió này.


Bất quá nhìn thấy trong nhà phát sinh biến cố lớn như thế, cháu gái không hoảng không loạn, đỡ đần ông sắp xếp công việc gọn gàng, trái tim già nua này cũng dễ chịu hơn đôi chút, chí ít đứa nhỏ này vẫn có thể gánh vác được chuyện lớn, vẫn biết quan tâm ông.

Ôn lão tiên sinh miễn cưỡng đáp: "Được thôi, tùy ý mấy đứa." rồi đứng lên đi mất.
Thời gian mà Diệp Linh cho đủ để gia đình cô dọn đi.

Sau khi Ôn Chủy Vũ thu dọn xong hành lí, cô cùng Ôn lão tiên sinh rời khỏi nhà cũ, chuyển sang ở căn nhà gần bờ hồ của cô ba.
Nhà bên ấy cũng là nhà cổ, gạch xanh sân nhỏ cùng những bức tường loang lổ trắng đen pha thêm sắc xanh của rêu, lịch sử xây dựng của nó bắt đầu từ trước lúc lập nên chính quyền hiện tại.

Vừa vào cửa liền bắt gặp trong sân có đặt một hòn non bộ, chậu kiểng, đào một cái hồ nhỏ, còn dựng ngang đó một chiếc cầu be bé, bước không quá hai bước là có thể qua được.

Sân không lớn, nhưng đủ để Ôn Nho lão tiên sinh tập vài bài thái cực quyền dưỡng sinh sau mỗi ngày thức dậy.

Còn nhà là một lầu nhỏ có hai tầng, tầng trên phân thành ba gian phòng ngủ, lầu dưới là phòng khách, nhà bếp, một phòng ngủ và một nhà vệ sinh.
Phòng có hơi nhỏ, chỉ bằng một nửa phòng ngủ của cô trước kia.

Suy cho cùng, phòng trước kia cô ở được nối liền với phòng sách mà trước đây các công tử, tiểu thư dùng để đọc sách, sau này bị cải tạo thành phòng để quần áo của cô.

Cũng may, hiện tại đồ của cô không nhiều, có thể sắp xếp lại được.
Trong nhà đầy đủ vật dụng, có khá nhiều thứ là do Tân Đào Đằng về đây thay lại.
Cô nhìn ra được, trước khi các cô dọn đến đây, cô ba đã tốn không ít tâm tư để sửa sang lại ngôi nhà này.
Mảnh đất này vốn thuộc về khu phố cổ, nằm trên phố đi bộ trong khu du lịch thương mại, chỉ là vị trí ngôi nhà này của cô ba có hơi lệch nên có rất ít du khách đi qua.

Bất quá nhà cách hồ không xa, đẩy cửa sổ ra, phóng tầm mắt qua những mái ngói xanh bên ngoài cửa sổ là có thể nhìn thấy được hàng cây dương liễu bên hồ cùng sóng nước long lanh.


Cô ba cô còn rất biết quan tâm, đặt trước cửa sổ một bàn đọc sách, trên bàn để thêm một giá bút, là chuẩn bị để cô ngồi gần cửa sổ ngắm hồ rồi vẽ?
Mặc dù dời đến nhà mới, tạm thời có chút không quen, nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với việc cả ngày phải đối diện với căn nhà lớn bị dọn trống rỗng.
Cô ba đã từng hỏi cô có dự tính gì không, biết được cô muốn tìm một công việc, trước khi trở về thủ đô, bà đã liên hệ với vài chỗ làm cũng liên quan đến việc vẽ vời của cô, bảo cô dành chút thời gian qua bên ấy xem thử có hợp hay không.

Sư huynh, sư phụ của cô cũng từng hỏi qua, hỏi cô có bằng lòng đến xưởng vẽ của họ chăng.
Ôn Chủy Vũ chưa nghĩ xong.
Cô vẽ, không phải phỏng theo sơn thủy phong cảnh, không phải dùng bút đem những gì thấy được hòa quyện với phong vận của bản thân để vẽ lên mặt giấy.

Tranh của cô đều ở sẵn trong tâm trí, lúc vẽ, phải yên tĩnh, người tĩnh, tâm tịnh, quên đi hết thảy mọi thứ của thực tại, chìm đắm vào thế giới bên trong bức họa, dùng bút trong tay đem những cảnh tượng đang hiện lên trong đầu, từng bút - từng nét - từng chút - từng giọt phác họa lên.

Khi cô vẽ, những sơn tinh yêu quái, yêu tiên thần ma ở trong đầu đều như sống lại, chúng có dục niệm tham sân si ái của riêng mình, giống như cách cõi trần này đổi thay, bãi bể nương dâu, thị thị phi phi.
Tâm không tịnh, cô vẽ tranh không được.
Lần biến cố này, chuyện đã xảy ra, tranh kia đã bán, mỗi việc xem ra đều không phải đại sự hay ải lớn khó qua gì, nhưng từng vụ từng việc chồng chất lên nhau, làm cho lòng cô cảm thấy có chút loạn, một phần cũng vì công việc tương lai vẫn còn chưa nghĩa xong.
Ôn Chủy Vũ dứt khoát đặt cây bút trong tay xuống để làm việc khác, như cùng Ôn Nho lão tiên sinh đánh cờ, uống trà, tịnh tâm, dưỡng thần, muốn thả lỏng người, sắp xếp lại suy nghĩ, để luôn có một thế giới đầy sơn tinh thần quái hiện diện trong tâm trí cô.
Biểu chiều, sư huynh Phạm Phong của cô đến thăm.
Phạm Phong là học trò tâm đắc của Tư Thiên Thụ tiên sinh – sư phụ của Ôn Chủy Vũ, anh cùng ông nội cô giống nhau, đều thích vẽ hoa điểu, chẳng qua, một người tả thực, một người tả ý.
Ôn Chủy Vũ vùi đầu vẽ cả ngày, hận không thể bỏ ngoài tai những việc khác, sư huynh cô thì không vậy, vô cùng tồn sùng việc tiếp thị, thường bảo "người ta nói rượu ngon cũng sợ hẻm sâu(2)", ngày thường có thể lên mạng tìm thấy hoạt động của anh ở triển lãm tranh, liên kết triển lãm, hội đấu giá, các phương tiện truyền thông,...!Mới ba mươi tuổi nhưng sự nghiệp đã có chút thành tích.
Lần này Phạm Phong mang theo hợp đồng đến đây, còn chưa kịp ngồi xuống đã nói: "Sư muội, anh biết em là tiên, nhưng tiên cũng cần ăn cơm mà, đúng không?"
Ôn Chủy Vũ rót cho sư huynh cô tách trà: "Thần tiên, ăn gió nằm sương là được rồi, không cần ăn cơm."
Phạm Phong đưa hai tay nhận lấy trà, đáp: "Anh cảm thấy người như em bị mai một đi thì thật quá đáng tiếc.

Em xem Weibo của mình xem, anh chụp lại tranh của em rồi đăng lên ấy, tùy tiện một chút cũng có thể kéo cho em hơn hai trăm nghìn lượt theo dõi, là người thật việc thật, không phải anh mua fan cho em."
Ôn Chủy Vũ bình đạm trả lời: "Em thấy rồi, anh còn chụp lại góc nghiêng cùng bóng lưng của em khi đang vẽ tranh nữa, tiện thể che mờ luôn mặt."
Phạm Phong thản nhiên: "Họa sĩ vốn dĩ đều..." Lời vừa nói đến miệng liền nhận được ánh mắt của Ôn Chủy Vũ, lại nuốt trở vào, đổi giọng bảo: "Xem hợp đồng thử xem."
Ôn Chủy Vũ cầm lấy hợp đồng, phát hiện có hai bản, một bản là hợp đồng mời cô gia nhập studio, bản còn lại là hợp đồng mời cô tham dự triển lãm tranh.

Cô mang hợp đồng mời dự triển lãm trả lại cho Phạm Phong, nói: "Tranh của em đều bán đi cả rồi."

Phạm Phong thấy bộ dáng Ôn Chủy Vũ chuyển lại hợp đồng thì liền biết chắc chắn cô lại thả một câu "tranh của em không bán, hiện tại không muốn trưng bày" nên thuận miệng "há" một tiếng, "há" xong rồi mới phát hiện tiếng "há" này có chút không đúng, hình như không phải nói không bán.

Anh ta cất lời: "Vừa rồi anh nghe không rõ."
Ôn Chủy Vũ lặp lại: "Tranh của em đều bán đi cả rồi."
Phạm Phong nhìn đi nhìn lại, nhìn Ôn Chủy Vũ hết nửa ngày, hỏi: "Xạo anh hả? Em có thể bán tranh?" Anh ta cảm thấy sư muội của mình chính là cái dạng có thể đem thân đi bán chứ tuyệt đối sẽ không bán đi tranh.
Ôn Chủy Vũ kìm nén mấy ngày nay, cuối cùng cũng đã nghĩ thông, bình tĩnh trả lời: "Bán rồi, xem như vật bán kèm căn nhà của ông nội em." Cô mang hợp đồng mời gia nhập studio của Phạm Phong giữ lại: "Cái này, vẫn phải xin phép sư huynh cho em được cân nhắc."
Phạm Phong đáp: "Không sao." Anh ta khó tin hỏi: "Em bán cho ai rồi? Côn Luân Vạn Yêu Đồ em bán rồi sao? Thần Nữ Mộc Dục Đồ cũng bán luôn hả?"
Ôn Chủy Vũ nói: "Ngay cả bức vẽ nguệch ngoạc năm em lên ba cũng bán cùng luôn rồi, không sót một bức, bao gồm bức vẽ dang dở ấy...!đối phương đều mua hết." Nhắc tới chuyện này, cô ấm ức một hồi.
Tranh vẽ chưa xong, chỉ vẽ được một nửa, Diệp Linh nói một câu: "Đã nói rõ từ trước là tất cả tranh trong phòng này..."
Trong phòng tranh, Ôn Chủy Vũ để lại trên bàn một bức vẽ dở dang...
Trong lòng Phạm Phong có một đàn thú hình thù kỳ quái ầm ầm chạy qua, lại hỏi thêm một lần: "Ai mua tranh của em?"
Ôn Chủy Vũ đáp: "Một nữ nhân tên là Diệp Linh."
Phạm Phong: "..." Anh hỏi: "Diệp Linh của tập đoàn Ngọc Sơn?"
Ôn Chủy Vũ nói: "Cô ta đưa danh thiếp cá nhân, không biết là của xí nghiệp nào."
Phạm Phong hoàn toàn cạn lời.

Anh ta thở ra một hơi, chấp tay trước ngực: "Vũ đại tiên, coi như sư huynh cầu xin em, đến chỗ sư huynh làm đi, đừng để một ngày nào đó không cẩn thận bán luôn cả mình."
Ôn Chủy Vũ nhàn nhạt nhìn Phạm Phong: "Có việc cứ nói, Diệp Linh có vấn đề gì sao?"
- -------------------------------------------
Chú thích:
(1) Sứ xương (骨瓷): Sứ xương hay còn gọi Bone China là sản phẩm sứ được chế tác từ tro xương động vật, chủ yếu là xương bò, được nghiền mịn thành tro xương, trộn với đất sét và những loại khoáng chất khác.

Đặc điểm của dòng sứ xương này là độ thấu quang cao, mỏng, trọng lượng nhẹ, có màu trắng ngà.

Có xuất sứ từ Anh Quốc.
(2)Rượu ngon cũng sợ hẻm sâu: Câu đúng là Rượu ngon không sợ ngõ sâu (酒香不怕巷子深) tức rượu thơm ngon dù nằm trong ngõ sâu cũng thu hút được người khác, nhưng ở đây Phạm Phong đã cải biên câu để thể hiện tư tưởng ưa chuộng tiếp thị, PR của mình: tranh dù đẹp mà không quảng cáo để người ta biết tới thì giống như rượu ngon nằm trong hẻm, không ai thấy, không ai biết, không ai quan tâm..