[Lão Cửu Môn] Phiên Ngoại Trần Bì A Tứ

Chương 2: Cuộc đời sáu chữ

Ven bờ Sa hồ ngoài ngoại thành có một ngôi miếu Mã Hỏa, là đạo trường của Nhất Quán Đạo, thuộc Quy Căn Giáo. Những năm gần đây, chiến tranh loạn lạc, ở đâu cũng thấy Nhất Quán Đạo, bên ngoài miếu toàn thấy ăn mày. Trong miếu này thường châm đèn nến lư hương suốt cả đêm, thi thoảng khi thay mâm cúng, người ta lại ném một ít cho lũ ăn mày. Trần Bì tìm được một chỗ trong góc tường, đám ăn mày khác thấy hắn quay về, liền rối rít tránh sang một bên.

Ở những nơi có bến đò, đám ăn mày hay chuộng dùng nguyên cái nồi to, nấu ít nội tạng động vật với vài nhúm ớt cay là qua được mấy bữa. Trần Bì tìm một cái bếp lò bằng đất, xách thêm cái bát sứt, đun nước Sa hồ luộc cua. Sau đó, hắn lôi một tấm ván gỗ từ đống rơm trong góc tường nơi hắn ngồi ra, như thể đó là một món bảo bối gì quý giá lắm.

Đó là một tấm ván che cửa sổ trộm được từ một tiệm may trên phố Đại Thắng Phủ ở Hán Khẩu. Phía sau tấm ván sơn đỏ, viết mấy chữ: Một trăm xu, giết một người.

(Năm Nhâm Thân, Trường Sa có dịch ruồi nhặng, 20 con ruồi đổi được 20 xu, trong vòng 6 ngày, cả Trường Sa diệt được 60 vạn con ruồi, một trăm xu ước chừng bằng giá của 100 con ruồi. Nhưng đối với Trần Bì mà nói, giết một trăm con ruồi còn nhiều khó khăn, nhưng giết một người, thì lại đơn giản hơn rất nhiều.)

Hắn vừa chùi tấm ván, vừa gặm càng cua. Ăn no xong, hắn vác tấm ván lên phố, chỉ trừ phố Đại Thắng Phủ là hắn không đi, còn những phố khác, hắn dạo khắp các ngõ hẻm, bày tấm ván gỗ ra dựa lên tường, còn hắn thì ngồi xổm dưới chân tường.

Hắn đã thực hiện hành vi này liên tiếp ba ngày liền, về nguyên nhân của việc này, có rất nhiều lời đồn đại khác nhau. Nhưng về sau có một lời đồn nổi tiếng hơn cả, liên quan đến Hỉ tú tài ở một hiệu buôn Tây của Nhật.

Nghe nói Hỉ tú tài này rất thú vị, tay trái có những bảy ngón tay, ngoại hiệu là Hỉ Thất. “Hỉ” là vì trong cái tên của hiệu buôn Tây nọ có chữ “Hỉ”, nhưng bây giờ, hiệu buôn Tây đã không còn, Hỉ tú tài vì đã từng làm thuê cho người Nhật, nên không ai thèm thuê y nữa. Nhà y cũng bị quan phủ tịch thu mất. Một thời gian trước đây, y từng mở sạp viết chữ thuê cho người ta ở trên phố, cũng ở ngay dưới chân tường ngoài miếu Mã Hỏa này. Đám ăn mày biết y từng làm thuê cho Nhật, ngày nào cũng đánh mắng, còn bẻ cả bút của y. Y suốt ngày kêu la oai oái, khiến Trần Bì phát bực. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, ông từ trong miếu Mã Hỏa cho y một công việc kiếm cơm, đó là chép tên chữ. Bảy ngón tay của Hỉ tú tài cầm bút rất quái lạ, nhưng thư pháp rất giỏi, viết ra thể chữ Sấu Kim trông rất lạ, y nói, người bình thường có năm ngón tay không thể viết ra được chữ như thế.

“Chữ này, nếu không có bảy ngón tay, hoặc không có ngón tay cực kỳ dài, thì dù có là Trương Dụ Chiêu cũng không thể viết ra được.” Hỉ Thất thường nói như vậy.

Công việc chép tên chữ một ngày được khoảng 10 xu, nhang khói vượng quá, chép đến nỗi sưng rộp cả tay lên, nhưng dù sao y cũng là người có miếng cơm ăn, lũ ăn mày không dám đánh y nữa, chỉ nhổ toẹt mấy bãi nước bọt hay chửi bới dăm ba câu mỗi khi y đi ngang qua.

Mấy ngày này, không hiểu tại sao, bỗng dưng y lại bắt đầu chú ý đến Trần Bì, thường xuyên qua lại dấm dúi ít đồ ăn thừa cho hắn, cứ như thể đã coi Trần Bì là bạn vậy, đôi lúc lại hàn huyên vài câu.

Trần Bì đương nhiên biết thừa Hỉ Thất đang giả bộ quen biết với mình. Từ sau khi tới nơi này, hắn đã giết không dưới bốn năm tên ăn mày ở đây. Đám ăn mày hai đất Hán Xương kết bè kéo phái tranh giành địa bàn, “Sát hồ lô”, “Thải sinh chiết cát”[1], hung ác tàn bạo vượt quá mức người thường, kẻ chết rồi cứ chôn ngay tại chỗ, cũng chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng dù sao bọn chúng cũng chỉ là lũ ăn mày, gặp phải cái loại như Trần Bì, dù có trợn mắt lườm nguýt cũng chẳng được gì, nếu ngươi giết hắn hắn giết lại ngươi, ngươi nhổ vào mặt hắn hắn cũng giết lại ngươi, mỗi ngày mỗi đêm, lúc nào cũng thế, tóm lại, hễ cứ chọc vào hắn là chết chắc. Lâu dần, tất cả đều tránh xa Trần Bì, ngay cả nhìn cũng không dám nhìn nữa.

Suy cho cùng, Hỉ Thất cũng là kẻ lanh lợi, thấy được điểm này, mới bèn làm bộ gần gũi với Trần Bì, mong cuộc sống khấm khá hơn một chút. Trần Bì mặc dù phát phiền, nhưng tự đi kiếm cơm cũng khá phiền toái, nên cứ mặc kệ cho thuận nước đẩy thuyền. Hơn nữa, Trần Bì vẫn luôn cảm thấy, tay Hỉ Thất này không phải một kẻ tầm thường.

Trần Bì từng thấy rất nhiều ánh mắt của rất nhiều hạng người, hắn biết thế nào là người bình thường, cho dù có khoác lớp vỏ ngoài hoa mỹ đến mức nào đi chăng nữa, hắn vẫn có thể nhìn ra, đó là một “người bình thường”. Nhưng Hỉ Thất không phải. Những chuyện Hỉ Thất nghĩ trong lòng, tất không phải chuyện bình thường.

Nhưng Trần Bì còn chưa kịp biết Hỉ Thất rốt cuộc đang suy nghĩ điều gì, thì ngày vui ngắn chẳng tày gang, Hỉ tú tài mắc bệnh dịch, chẳng bao lâu liền chết. Đến tận khi chết, y vẫn đang sao chép tên chữ.

Trước khi chết, Hỉ tú tài đã nói với Trần Bì như thế này. Lúc ấy đã là phút lâm chung rồi, y chỉ có thể nằm bẹp trên giường, dùng tạm tấm ván gỗ mà Trần Bì trộm được làm tấm bảng kê để chép chữ. Khi y vẫn còn gượng đi lại được, lại không vời được thầy lang nào, để rồi bây giờ lại càng lâm vào tuyệt vọng. “Trước kia, tôi viết một bức chữ, người Nhật Bản cho tôi mười đồng đại dương, người Trung Quốc lại chẳng cho lấy một xu, còn đòi giết tôi, thử hỏi xem lúc ấy bao nhiêu người muốn viết chữ cho người Nhật Bản, bọn chúng vốn không phải tức tối người Nhật Bản, mà là tức tối những đồng đại dương kia.”

Y nói, càng ngày càng căm hận: “Chẳng lẽ lũ lang băm kia chưa từng xem bệnh cho người Nhật Bản, chưa từng nhận những đồng đại dương ư?”

Trần Bì liền hỏi y: “Ngươi oán bọn chúng ư?”

“Đương nhiên là oán. Hận không thể ăn thịt chúng.” Hỉ tú tài hung tợn nói. Lúc này y không còn thận trọng dè dặt trước Trần Bì như xưa nữa, Trần Bì cũng biết lúc này y không còn sợ hắn nữa, bởi vì bây giờ, y đã không còn sợ chết nữa rồi.

“Ngươi oán bọn chúng, tại sao không giết phứt bọn chúng luôn?” Trần Bì lấy làm lạ, lại hỏi Hỉ tú tài.

Hỉ tú tài ngẩn ra một chút, rồi bỗng nhiên bật cười ha hả. Y cười dữ quá, đến nỗi ho dữ dội. Hỉ tú tài cười xong, mới lộ ra một vẻ mặt u ám đến nỗi Trần Bì đến nay vẫn còn ghi nhớ như in: “Ở hiệu buôn Tây, tôi đã học được một điều, người Trung Quốc chúng ta không thể bằng được bọn họ. Khi tôi làm trong hiệu buôn Tây, người Nhật Bản làm việc gì cũng phải hỏi trước, việc này có ích lợi gì hay không? Ông giết người có ích lợi gì không? Trần Bì? Ông giết bao nhiêu người như thế, ông vẫn chỉ là một gã ăn mày, chứng tỏ, ông giết bao nhiêu người cũng chỉ uổng phí, ông giết bọn chúng, chẳng đem lại ích lợi gì cho ông cả.”

Trần Bì trợn mắt nhìn chằm chằm Hỉ tú tài. Hắn không hiểu ngay, nhưng bỗng dưng, hắn có cảm giác như mình đã hiểu ra được điều gì. Hỉ Thất chầm chậm gạt xấp giấy vàng dùng để chép tên chữ ra, viết một dòng chữ xuống tấm ván gỗ: Một trăm xu, giết một người.

“Tặng ông sáu chữ này. Vinh hoa phú quý cả đời này kiếp này của ông, đều chỉ nằm trên tấm ván này.” Hỉ Thất nói với Trần Bì một câu cuối cùng như thế.



[1] “Thải sinh chiết cát” là loại ăn mày tàn độc hung ác nhất trong nghê ăn mày. “Thải” nghĩa là chọn lựa, “Sinh” nghĩa là phôi, là nguyên liệu, “chiết cát” nghĩa là dao chém rìu gọt. Tức nghĩa là, bọn này bắt cóc người sống (nhất là trẻ con), lấy dao chém hoặc cắt gọt thân thể đứa bé, biến nó trở thành một loại quái vật tàn tật, để khi đi ăn xin dễ bề được người khác rủ lòng thương.