Tôi còn nhớ, Androv có lần nói, trong thế giới ngày nay, J. Neumann là người giải mã giỏi nhất, ông có hai bộ não, một bộ não phương Đông và một bộ não phương Tây, trên thế giới chỉ ông có thể giải được mật mã phương Đông, ông thu nhận rất nhiều học giả phương Đông là để hiểu cái huyền diệu của trí tuệ phương Đông... Cho nên, có người nói não ông phức tạp hơn của A. Einstein, không những thế nó còn vô cùng sâu sắc.
Cô là Hoàng Y Y, người thứ năm đảm nhận cương vị Trưởng phòng khu vực châu Âu của Cục Giải mã.
Ở 701, những chuyện về Hoàng Y Y li kì không kém Bỉnh mù. Mỗi người vì những thiện cảm và ác ý của bản thân cùng những điều mắt thấy tai nghe, với nhận thức khác nhau, nói với tôi những chuyện và tin đồn về một con người. Họ kể rất say sưa, thúc đẩy tôi viết về Hoàng Y Y, người nữ Trưởng phòng giải mã duy nhất của 701. Nhưng tôi không dám mạo muội đặt bút viết, là bởi người biết tình tiết chuyện Hoàng Y Y, tựa như ông Thiết kể về Bỉnh mù, tôi vẫn chưa thể gặp mặt, đó là ông An Tại Thiên, người Thủ trưởng thứ tư của đơn vị 701.
Thủ trưởng An Tại Thiên là người rất quyền uy, là một trong chín vị nguyên lão nổi tiếng của 701 thời kì đầu, đã từng được mệnh danh là “Chín bậc quân tử”. Bây giờ thì nhiều vị đã lần lượt qua đời, ông là người duy nhất còn sống, nay đã 80 tuổi. Ông còn rất khỏe, lúc bắt tay, tôi nhận ra bàn tay ông vẫn còn nguyên sức mạnh, có điều tôi nghe giọng Triết Giang của ông có phần vất vả. Sau ngày về hưu, ông sống tại một thị trấn nhỏ miền Bắc, ở đấy không phải quê ông, mà cũng không phải nơi ông công tác, chỉ là đứa cháu nội tròn 1 tuổi của ông xác định một cách tùy tiện vậy thôi. Nghe nói, ông An Tại Thiên cũng là con người quái dị, về hưu ông không về Bắc Kinh, Thượng Hải - những thành phố lớn, mà yêu cầu tổ chức thu xếp cho ông về một thành phố nhỏ xa lạ theo ý ông, bất kể đấy là đâu, chỉ cần một nơi xa lạ. Ông đã làm khó cho tổ chức khi đưa ra yêu cầu này, bởi Trung Quốc rộng lớn, những nơi xa lạ đối với ông thì nhiều vô kể, biết chọn nơi nào? Cuối cùng, ông tự quyết định, để thằng cháu nội tròn 1 tuổi tung đồng xu lên tấm bản đồ Trung Quốc, đồng xu rơi vào đâu thì đấy là nơi ông về nghỉ. Điều này cũng thật liều. Thế là những năm gần đây, ông giống như một con chim lạc đàn, sống ở một nơi cách biệt với 701, muốn tìm ông nói chuyện cũng khó.
Về sau, tất nhiên tôi tìm thấy ông, có thể gặp mặt nhưng muốn mời ông nói chuyện thật không dễ chút nào. Không nghi ngờ gì nữa, mục đích ban đầu ông chọn một nơi cách biệt là để không phải nói chuyện. Tôi hiểu. Nhưng tôi không thể chấp nhận. Cuối cùng, sự cố gắng kiên trì và thành khẩn của tôi đã thắng cái tính cố chấp của ông, nhưng không toàn thắng, mà chỉ thắng một nửa. Ông đồng ý kể chuyện Hoàng Y Y, nhưng yêu cầu tôi kí tên cam kết: Cuốn sách này không dự vào chuyện riêng của ông trước và sau ngày ông nghỉ hưu. Chuyện ấy ở 701 tôi đã nghe nói, tôi tin rằng nếu viết ra có thể còn hay hơn chuyện Bỉnh mù và Hoàng Y Y. Bây giờ tôi kí tên bảo đảm với ông, câu chuyện cấm kị ấy sẽ được giấu kín, không nhắc đến một chút nào, ngay cả nói xa xôi, bóng gió cũng không được. Ông còn yêu cầu tôi, chuyện của Hoàng Y Y chỉ được phép ghi lại theo “cách nói của ông”. Việc này cũng phải kí tên bảo đảm. Cho nên, bây giờ tôi chỉ có thể kể lại câu chuyện theo cách thuật lại lời ông.
Nhưng nói thật, cách nói của ông không hay bằng người đồng hương của tôi, có thể vì ông tuổi đã cao, ăn nói cũng lôi thôi lằng nhằng, tôi phải mất gấp mười lần công sức khi nghe chuyện Bỉnh mù mới sắp xếp lại được như dưới đây. Phải nói rằng, có nhiều chỗ không thể thỏa mãn mọi người. Nhưng không còn cách nào, vì tôi không thể thêm thắt tư liệu, không thể thay đổi giọng điệu, chỉ có thể tước bỏ những đoạn rườm rà và thay đổi từ ngữ. Làm vậy cũng chỉ được như dưới đây.