Trương Nguyên nói: - Rượu mừng của sư huynh đệ sao dám không đến, mai định đến bái kiến sư mẫu, lão sư không thể về sao?
Vương Bính Lân nói: - Viên Châu cách đây đến hai ngàn dặm, sao có thể về, không biết có nhận được thư ta gửi chưa nữa. Y tiếp lời: - Tiểu muội muốn xem chế nghệ thi hương của đệ, mai nhớ mang đến. Y chắp tay, lên kiệu đi mất.
Trương Nguyên trở lại "Giải Nguyên Đệ" thì gặp người của cục Dân tín ra khỏi cửa, hỏi thư ai gửi thì người đó nói là thư gửi đến từ Nam Kinh. Trương Nguyên vào xem thử, ra là do tỷ phu Lục Thao ở Nam Kinh gửi tới, hắn vội vàng vào nội viện đưa thư cho tỷ tỷ. Trương Nhược Hi cầm thư, lắc đầu cười khổ: - Lại thi rớt rồi. Những thân bằng mà Trương Nguyên quen như Trương Đại, Vương Bính Lân, Kỳ Bưu Giai, Hoàng Tôn Tố đều trúng cao, hiện tại biết tỷ phu Lục Thao thi rớt thì thấy không thích ứng cho lắm. Danh sách cử nhân thi hương ở phủ Ứng Thiên nhiều hơn Chiết Giang, có một trăm sáu mươi người, nhưng bao gồm cả khảo sinh Quốc Tử Giám thì cạnh tranh cực kì khốc liệt, chế nghệ của Lục Thao không ưu tú, thi rớt cũng không lạ.
Trong thư, Lục Thao nói Dương Thạch Hương, Phùng Mộng Long, Kim Lang Chi, Hồng Đạo Thái, Hạ Doãn Di cũng thi rớt, nhưng cũng có nhiều người khác trong Hàn Xã đậu cao, như Đồng Thành Nguyễn Đại Thành, Thường Thục Hứa Sĩ Nhu, Thượng Hải Từ Chuyển Tấn, Hoa Đình Ông Nguyên Thăng,… Tổng cộng đậu mười tám người, danh tiếng Hàn Xã đại chấn.
Ngày hai mươi ba tháng tám nhuận, Trương Nguyên hẹn Trương Đại cùng đến dự tiệc cử nhân của Vương Bính Lân, lại bắt gặp Trương Ngạc và Lỗ Vân Cốc khách khí thi lễ dưới tán thông thân trắng trước cửa. Đêm trước mấy huynh đệ Trương Đại đều đến Đông Trương uống rượu, còn Trương Ngạc lại không đến. Trương Nguyên buồn bực, Trương Ngạc là người thích náo nhiệt nhất, sao lại không đến dự tiệc, chẳng lẽ tự ti rồi ư? Lúc này biết được con trai bốn tháng tuổi của y sốt cao không hết, danh y Thiệu Hưng liền nói Lỗ Vân Cốc am hiểu nhi khoa nhất. Trước kia Trương Ngạc có chút lục đục với Lỗ Vân Cốc, gặp nhau trên đường đều trợn mắt mặc kệ, hiện nay y vì con trai mà bỏ luôn danh xưng công tử ăn chơi.
Nhìn Lỗ Vân Cốc và đồng tử gùi tráp dược đi khỏi, Trương Ngạc nói: - Hôm nay mới biết được thần khí của thầy thuốc, may mà mời được y.
Trương Nguyên cười nói: - Y thuật cao minh mới có thần khí, bằng không cũng bị ăn đấm.
Trương Ngạc phá ra cười, nói: - Có chuyện cười kể rằng thầy thuốc chữa chết người, bị thân nhân người chết bắt trói, nửa đêm trốn thoát về bằng đường thủy, thấy con mình mới đọc “Mạch quyết”, y lắc đầu nói: “Con ta đọc y thư có thể hoãn lại, học bơi vẫn tốt hơn”, chẳng biết con của Lỗ Vân Cốc có học bơi hay không? Trương Ngạc sực nhớ Lỗ Vân Cốc xem bệnh cho con mình, chuyện cười này không thể kể, liền hỏi Trương Nguyên đến có việc gì. Biết được hắn muốn đến phủ thượng Vương Tư Nhâm uống rượu, mặc kệ Vương Bính Lân có mời hay không, y nói: - Vậy ta cũng đi, nghịch tử kia khóc nháo cả đêm không nghỉ, nếu không phải con ta thì đã đánh rồi. Đi, đi, cùng đi uống rượu. Rồi để Lai Phúc vào nhà bẩm báo một tiếng.
Trương Đại dẫn theo hạ nhân tráng kiện bước ra, ba huynh đệ cùng Vũ Lăng, Lai Phúc, Năng Trụ, Phùng Hổ cùng hướng về phía Việt Vương kiều. Lai Phúc gánh theo lễ vật tạ sư của Trương Nguyên, dọc đường dân chúng trông thấy Trương Nguyên đều cười gọi “giải Nguyên lang”, Trương Nguyên đáp lễ liên miên.
Trương Đại cười nói: - Giới Tử, đệ thật khiến ta ganh tỵ, vốn dĩ ta mười chín tuổi trúng cử là chuyện rất hứng thú, hiện tại lại không bằng đệ mười tám tuổi làm giải Nguyên lang, còn không bằng phong quang lúc mới làm sinh đồ.
Trương Ngạc cười ha hả: - Trời sinh Du sao còn sinh Lượng.
Trương Nguyên cũng cười: - Tính sao đây, thi hương sang năm đệ nhường Trạng nguyên cho đại huynh vậy.
Trương Đại cười hềnh hệch.
Từ Tây Trương Trạng nguyên đệ đến Việt Vương phủ hơn ba dặm đường, qua hai dặm nữa là đến Hạnh Hoa tự, trước chùa lại gặp Diêu Giản Thúc, y cũng đến dự tiệc của Vương Bính Lân. Y nói với ba huynh đệ Trương Nguyên: - Mới cuối giờ Thân (15 – 17h), vẫn chưa khai tiệc, ta dẫn mọi người đi gặp một người ở sau Hạnh Hoa tự.
Trương Ngạc hỏi: - Ni cô xinh đẹp à?
Diêu Giản Thúc cười đáp: - Chư Kỵ tài tử Trần Hồng Thụ, tự Chương Hầu, Tông Tử hẳn là đã nghe qua.
Trương Ngạc mừng rỡ: - Họa si Trần Chương Hầu, cao đồ của Hàng Châu danh gia Lam Điền thúc, ta từng xem qua “Thủy Hử nhân vật diệp tử” do Trần Chương Hầu vẽ, tuyệt diệu, Nghê Nguyên Lộ cũng rất bội phục. Trần Chương Hầu sao lại ở Hạnh Hoa tự?
Diêu Giản Thúc nói: - Tháng hai năm nay mẹ y mất vì bệnh, anh của Trần Chương Hầu tranh chấp điền sản, y liền giao luôn toàn bộ gia sản cho anh, sau đó cùng thê tử mới cưới từ Chư Kỵ dọn đến Hội Kê định cư. Hội Kê Huyện lệnh Lai Kỳ Hành mới nhậm chức chính là nhạc phụ của y, chỗ mướn ở là phòng sản của Hạnh Hoa tự, mấy ngày trước mới vẽ cho chùa một bức Duy Ma Cật đồ. (Duy Ma Cật là kinh Đại Thừa)
Trương Nguyên thầm nhủ: “Trần Hồng Thụ chẳng phải là Trần Lão Liên hay sao, người xưng là trong ba trăm năm không có bút mực như thế này ở Đại Minh, nhân vật họa là nhất tuyệt, đi xem một chút cho biết.”
Bốn người Lai Phúc đợi trước cửa tự, ba huynh đệ Trương Nguyên theo Diêu Giản Thúc vòng ra phía sau Hạnh Hoa tự. Họ thấy mấy gian nhà ven sông được bao bọc bởi hàng rao cao bằng đầu người, cửa cài nho nhỏ. Bên trong có một lão bọc coi cửa, thấy Diêu Giản Thúc liền mở cửa để họ vào, nói: - Công tử nhà tôi đang vẽ tranh.
Trương Nguyên theo Diêu Giản Thúc đến thư phòng của Trần Hồng Thụ, bắt gặp một nho sinh thanh niên áo mũ trắng toát đang chuyên tâm vẽ tranh. Nho sinh này tuổi chừng mười tám mười chín, y không hề ngẩng đầu, chỉ nói một tiếng mời ngồi rồi lo vẽ tiếp.
Nho sinh này đương nhiên là Trần Hồng Thụ. Trương Nguyên đứng một bên nhìn y vẽ, trong tranh hẳn là đạo giáo thần tiên, thiên nữ rải hoa đỏ, y vũ rực rỡ. Trần Hồng Thụ hạ bút cực nhanh, trong phút chốc đã vẽ xong mặt mũi một nhân vật, lại đứng thẳng người xem xét tỉ mỉ, sau đó lại lướt bút như gió.
Tà dương hạ ngoài Bạch Mã Sơn, ánh sáng trong phòng bất chợt mờ đi. Trần Hồng Thụ vẫn chuyên tâm vẽ, chỉ cúi đầu thấp một chút, lập tức có một tì nữ vào thắp đèn. Trương Nguyên khẽ kéo tay áo của đại huynh, cùng mọi người rời khỏi.
Ra đến cửa hàng rào thì Trương Ngạc tấm tắc khen: - Quả nhiên vẽ rất hay, nhân vật sinh động có thần, hạ bút phóng khoáng. Phụ thân Trương Bảo Sinh của Trương Ngạc là danh gia thư họa, Trương Ngạc tuy rằng không học hành không nghề nghiệp, nhưng mưa dầm thấm lâu, năng lực giám thưởng cũng không hề thấp.
Trương Nguyên đột nhiên nhớ ra Trần Lão Liên còn là cao thủ tranh khắc bản, liền nói: - Không biết có thể thỉnh Trần Chương Hầu vẽ tranh minh họa cho thư cục Hàn Xã của chúng ta được không, “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long tái bản, cần bốn mươi bức tranh minh họa.
Trương Đại nói: - Đợi tan tiệc chúng ta sẽ đến tìm y.
Tân khách tụ tập trước cửa phủ Vương Tư Nhâm, từ cửa đến đại sảnh đặt hơn ba mươi bàn tiệc. Vương Bính Lân đang chào hỏi nâng chén với mọi người, trông thấy bốn người Trương Nguyên đến thì hỏi han sơ lược, y nói: - Giới Tử đệ sao giờ này mới đến, đệ theo ta vào trong ngồi.
Trương Nguyên để Lai Phúc gánh lễ vật cùng hắn vào trong tiểu viện phía tây sân trong, hắn đã ở nơi này khi học văn bát cổ với Vương Tư Nhâm vào ba năm trước. Đây gọi là Tây sương viện, bên kia cửa tròn chính là nơi ở của Vương sư mẫu, sư tỷ Tĩnh Thục và sư muội Anh Tư. Chỗ này đặt sáu bàn, đều là tộc nhân Vương thị và thân thích, Vương Bính Lân mời Trương Nguyên ngồi cùng với ba anh em vợ của mình, Trương Nguyên nói: - Sư huynh, Vương lão sư ở Viên Châu xa xôi, đệ không thể đối mặt tạ ân sư nên muốn dập đầu với sư mẫu, liệu có được không?
Năm trước Trương Nguyên làm sinh đồ cũng đến phủ thượng của Vương lão sư dập đầu với sư mẫu.
Vương Bính Lân nói: - Ta hỏi trước đã. Y gọi một tiểu tỳ đến căn dặn vài câu. Tiểu tỳ đi khỏi, lúc sau nhanh chân trở về chuyển lời: - Thái thái nói không cần, tâm ý của Trương công tử thái thái đã rõ, thỉnh đại thiếu gia khoản đãi Trương công tử.
Vương Bính Lân mỉm cười, nói với Trương Nguyên: - Hôm nay khách đông, mẹ ta cũng phải tiếp nữ quyến trong tộc.
Trương Nguyên tự biết Vương sư mẫu có chút bất mãn với hắn. Sư muội Anh Tư đã mười tám mà vẫn chưa gả đi, chẳng phải do hắn trì trệ hay sao. Trương Nguyên gật đầu nói: - Sư huynh cứ việc chào hỏi khách khứa, đừng quản đệ. Phải rồi, chế nghệ thi hương của đệ cất cùng với hộp quà.
Vương Bính Lân nói: - Vậy ta mang vào trước. Y thỉnh ba anh em vợ uống rượu cùng Trương Nguyên rồi rời đi.
Hai anh vợ và một em vợ của Vương Bính Lân đều biết uống rượu, cực kỳ kính phục giải Nguyên lang Trương Nguyên, họ luân phiên kính rượu với hắn. Rượu trong tiệc hôm nay là Kim Bàn Lộ của phủ Kim Hoa, nồng mạnh hơn cả rượu đậu Thiệu Hưng. Trương Nguyên không dám uống nhiều, nhưng không dám xem nhẹ nhiệt tình của họ. Hắn kính mỗi người một chén rượu, chắp tay nói: - Ba vị nhân huynh, đệ quả thực uống không nổi, chốc nữa mà nôn hết ra thì mất hứng rồi.
Trên bàn có một mâm cá cháy chiên, chế biến rất ngon miệng. Trương Nguyên không khỏi nhớ đến năm ấy Hầu Huyện lệnh mời Vương lão sư dùng bữa tại huyện nha, khi đó hắn và Anh Tư cùng bàn, sư muội giả trang thành một thư sinh thanh tú, nàng rất thích ăn cá cháy, hai con cá cháy trong mâm đều bị một mình nàng ấy xử gọn.