Ký Linh

Chương 4

Lúc Đàm Vân Sơn chèo một chiếc thuyền khác tìm được ở cửa hông tới được chỗ Ký Linh rơi xuống nước thì cô nương ấy đã trèo lên được một cây hòe gần đó. Nàng ướt sũng người từ đầu xuống chân, những giọt nước nối thành dòng nhỏ từ váy xuống thấm ướt chạc cây, dáng hình lung linh ảo mộng thấp thoáng giữa những nhành cây kẽ lá sum suê khác nào một bức tranh quạnh quẽ mà không hề mất đi cái mĩ lệ lạ lùng dưới ánh trăng…

“Sao công tử không đợi hừng đông rồi hẵng tới.”

Điều kiện tiên quyết là vị cô nương này đừng mở miệng.

Đàm Vân Sơn thở dài một hơi, buồn bã như đã để mất điều gì đó. Những điều nhiều đẹp đẽ trên thế gian đều vậy, chỉ lướt qua trong thoáng chốc, có thể tương ngộ, chẳng thể mưu cầu.

Ký Linh nhẹ nhàng đáp xuống thuyền, không hiểu ánh mắt đầy thất vọng của Đàm Vân Sơn như thế là thế nào, chẳng lẽ mình không bị chết đuối làm chàng ta thấy thất vọng hay sao?

Có điều giờ không phải lúc để ý chuyện này. Hương Phù Đồ mang theo bên người đã bị ướt hết do rơi xuống nước, tạm thời không thể nào dùng tiếp ngay được, nàng chỉ có thể dựa vào làn khói hương lúc trước ngờ ngợ đoán rằng yêu khí đã vượt qua bức tường bên cạnh.

Hiện tại hai người đang ở trong một con ngõ hẹp bên ngoài bức tường vây góc vườn hoa của nhà họ Đàm. Đã gọi là ngõ hẹp tất nhiên là hai bên đều có tường vây. Bức phía đông là chỗ Ký Linh vừa mới trèo ra, bên trong là vườn hoa Đàm phủ nhưng bức bên phía tây kia, bên trong là nhà của ai?

“Đấy là nhà họ Trần,” nhận ra hướng Ký Linh nhìn, không chờ đối phương phải hỏi, Đàm Vân Sơn chủ động giới thiệu, “cũng là một gia đình giàu có ở Hòe Thành.”

“Hai nhà cách nhau thật gần.” Con ngõ hẹp xem chừng chỉ rộng khoảng sáu, bảy thước. Ký Linh hơi nhíu mày, không rõ vì sao cứ cảm thấy bất an nhưng rốt cuộc là do đâu thì lại không nói ra được.

Đàm Vân Sơn không hiểu tại sao bỗng dưng Ký Linh lại cảm thán một câu như thế, ngẫm cũng chẳng có tác dụng gì cho việc bắt yêu nên không nghĩ thêm nữa mà hỏi: “Chèo đi đâu tiếp đây?”

Ký Linh không trả lời ngay mà nhìn dọc theo bức tường vây của nhà họ Trần, cuối cùng tìm thấy cách họ không xa có một cửa nhỏ, hiển nhiên là cũng giống Đàm gia, là cửa ngách để kẻ dưới ra vào.

Nhưng cửa này hiện đang để mở.

Đàm Vân Sơn nhìn theo nàng cũng trông thấy cửa mở, lập tức cảm thấy không ổn: “Không phải là cô nương muốn…”

“Vào.” Ký Linh thật đúng là không để chàng phải thất vọng một chút nào.

Đàm Vân Sơn thở dài, thử can: “Đó là nhà người ta, không chào hỏi chủ nhà đã tự ý lẻn vào thì còn ra thể thống gì?”

Ký Linh day trán: “Huynh cho là yêu quái buồn bàn thể thống với huynh sao?”

Đàm Vân Sơn thong thả ung dung đáp: “Nhưng người trong nhà họ Trần không nhìn thấy yêu quái, họ chỉ thấy hai vị khách không mời mà tới là chúng ta thôi.”

Quân tử động khẩu không động thủ. Ký Linh không phải quân tử cho nên bèn xuất thủ cướp luôn mái chèo của Đàm Vân Sơn.

Đàm Vân Sơn thậm chí không kịp nhìn rõ Ký Linh làm như thế nào, mái chèo đã đổi chủ, đang sững sờ thì bỗng nghe cách đó không xa, bên trong cửa ngách vọng ra tiếng la thất thanh của kẻ dưới nhà họ Trần…

“Chết người rồi!!!”

Tiếng hét ấy làm Ký Linh sững ra nhưng lại lay tỉnh Đàm Vân Sơn. Chàng bất thình lình đoạt lại mái chèo, cắm vội vào trong nước, ra sức chèo!

Ký Linh hoàn hồn, không thể chờ nổi, đứng ngay dậy, nhảy lên đầu tường, bay vèo vèo dọc theo bức tường dày chưa tới năm tấc.

Là bay thật.

Đàm Vân Sơn chỉ còn kịp bắt được một cơn gió.

Nhìn chung thì nhị thiếu gia nhà họ Đàm không phải một người hiếu thắng thích ganh đua thậm chí có thể nói là không tranh với đời nhưng gặp phải Ký Linh, không biết tại sao chàng cứ luôn có cảm giác không thể để bị một cô nương xem thường – tất nhiên cũng có thể là vì vị cô nương này nhìn chàng bằng cái kiểu nhìn thực sự rất là “khinh thường”, cho nên thấy Ký Linh nhanh chân đi trước, chàng cũng dốc hết toàn lực chèo sang Trần gia. Mái chèo nho nhỏ quả thực mang khí thế băng qua “sóng kình gió dữ”.

Ngoại trừ tên người hầu phát hiện ra thi thể, Ký Linh và Đàm Vân Sơn là những người tới hiện trường sớm nhất, sau đó bọn người hầu ở gần nghe tiếng mới tới, vây kín vòng trong vòng ngoài, lão gia và các thiếu gia nhà họ Trần là những người tới sau cùng.

Người chết là một tên đầy tớ của Trần gia.

Thi thể úp trên thành miệng giếng trong vườn sau, một nửa người ở trong, một nửa người ở ngoài giếng, xem ra có vẻ là thử nhìn xuống giếng rồi chết đột tử.

Thế nước ngập trong nhà họ Trần càng đi sâu vào trong vườn thì càng cạn dần. Không biết là do vốn địa thế cao hay là do cũng cải tạo gì đó giống nhà họ Đàm. Tóm lại thì tới chỗ miệng giếng thì gần như không còn ngập nữa, chỉ còn lớp đất nhão do ngấm nước mưa, đi lún xuống khá khó chịu. Cũng vì nguyên do như thế nên mọi người mới có thể nhìn một cái liền thấy ngay thi thể vắt trên thành miệng giếng.

Gần nửa tháng Hòe Thành bị ngập vẫn liên tục có người mất tích nhưng phát hiện được thi thể thì là lần đầu.

Người dưới bàn tán xôn xao, Trần lão gia và ba người con trai cũng sợ hãi ra mặt cho nên phải một lúc sau mới nhận ra có hai người không phải người nhà mình.

“Bá phụ, ba vị huynh trưởng, Vân Sơn đường đột.” Không chờ Trần lão gia phải mở miệng, Đàm Vân Sơn đã lên tiếng xin lỗi trước.

*bá phụ: tiếng để gọi cha của người lớn tuổi hơn mình hoặc người lớn tuổi hơn cha mình.

Hai nhà Trần – Đàm sát gần nhau lại đều là nhà giàu nhiều đời ở Hòe Thành nên thường ngày thường hay qua lại, có thể nói là hàng xóm hữu hảo ở Hòe Thành.

“Hiền điệt cớ sao đêm khuya sang tận đây?” Trần lão gia nói đầy uyển chuyển, thực ra ý là hiền điệt có mặt ở sân sau nhà ta lúc này thật đáng khả nghi.

*điệt: cháu, để gọi hoặc tự xưng; hiền điệt: tiếng gọi con của bạn bè

Đàm Vân Sơn ung dung thong thả giải thích rành mạch đầu đuôi: “Tối nay có thầy pháp tới Đàm phủ báo cho biết rằng yêu tinh nhập trạch. Gia phụ sợ thầy pháp không quen thuộc đường đi lối lại trong nhà nên sai hiền điệt đi theo giúp dẫn đường nọ kia. Không ngờ trong lúc đuổi theo yêu tinh lại đi tới tận đây.”

Trần lão gia biến sắc: “Ý hiền điệt là yêu tinh vào Trần gia?”

Đàm Vân Sơn không nói gì, chỉ nghiêm nghị gật đầu, hiệu quả mạnh hơn cả lời nói.

Trần lão gia hoảng hồn. Đại thiếu gia nhà họ Trần bình tĩnh hơn hẳn cha mình, vừa nghe bên này nói chuyện vừa theo dõi người hầu kẻ hạ, thấy cuộc nói chuyện tạm dừng liền quay qua phía miệng giếng nói: “Bất luận là ai cũng không được động vào thi thể. Trần An, mau đi báo quan.”

Gã người hầu tên Trần An là một nam thanh niên ngoài hai mươi tuổi trông rất lanh lợi, nhìn là biết là người được việc, vừa được sai vậy liền lập tức chạy đi báo quan.

Đại thiếu gia thấy tên người hầu đi rồi mới thoáng an tâm hơn một chút. Dù sao án mạng cũng xảy ra ở nhà mình, sơ sẩy chút thôi là sẽ liên lụy tới Trần gia, tất nhiên phải nhanh chóng báo quan, thái độ phải thẳng thắn, hơn nữa không được di dịch thi thể nửa tấc…

“Ngươi là ai?!”

Trần đại thiếu gia vừa mới yên lòng một chút thì đã bị vị khách không mời mà tới làm tim vọt lên tới tận cổ.

Mặc dù bọn người hầu không dám tới gần miệng giếng nhưng không biết từ khi nào lại có một cô gái nằm sấp ở đó, tư thế y hệt với tử thi, chỉ khác ở úp sấp một trái một phải đối diện nhau như một đôi câu đối.

Nói còn chưa dứt tiếng, đại thiếu gia Trần gia đã bước tới trước mặt, đang định túm vị khách không mời mà tới đó lôi ra thì nàng đã đứng dậy trước, nhanh nhẹn tránh sang một bên, chuyển động rất nhanh, chớp thời cơ rất chuẩn như thể mọc mắt đằng sau gáy.

“Vị này chính là thầy pháp mà ta vừa nhắc tới. Tới từ Linh Sơn, sư thừa Thanh Đạo Tử, biết thuật pháp, thông quỷ thần, chuyên hàng yêu bắt quái, tạo phúc muôn nơi.” Chẳng biết Đàm Vân Sơn cũng đã đi qua đó từ lúc nào, chỉ nói dăm ba câu đã dựng nên hình tượng vĩ đại vời vợi cho Ký Linh.

Ký Linh không ngờ mình chỉ nói qua tên sư phụ một lần mà chàng ta đã nhớ kỹ.

Vừa nghe thấy là “thầy pháp” hàng yêu bắt quái, cho dù trong thâm tâm Trần đại thiếu gia vẫn còn nghi hoặc nhưng giọng điệu thì lập tức cung kính thêm mấy phần: “Hóa ra là thầy pháp, tại hạ mạo phạm, mong lượng thứ.”

Đương nhiên Ký Linh chẳng chấp nhặt chuyện này, nàng đáp ngay: “Là ta lỗ mãng, đáng ra phải giới thiệu trước.”

Trần đại thiếu gia không biết chuyện là thế nào, rõ ràng cũng không muốn lãng phí thời gian hàn huyên với cái người tự xưng là “thầy pháp” này cho lắm, uyển chuyển nói: “Gia đinh đã đi báo quan, nếu động vào thi thể trước khi quan gia tới, chỉ e…”

“Xin Trần công tử yên tâm,” Ký Linh không phải lần đầu vào nhà người ta bắt yêu, cũng không phải lần đầu gặp tình huống có người chết, chưa tới mức quen đường thuộc lối thì cũng đã tích lũy được không ít kinh nghiệm, “ta chỉ nhìn, không đụng chạm, cam đoan khi xảy ra chuyện thế nào thì khi quan gia tới vẫn thế ấy.”

Trần đại thiếu gia thấy nàng đối đáp trôi chảy thì cũng yên tâm phần nào, bất kể có bản lãnh thật hay không, ít nhất là một người có hiểu biết, bớt được rất nhiều phiền toái: “Làm phiền thầy.”

Đang nói chuyện thì Trần lão gia được người hầu dìu tập tễnh tới. So với người con trai thì thái độ cung kính của ông với Ký Linh thực sự xuất phát từ tận đáy lòng: “Thầy có phát hiện gì chăng?”

Ký Linh liếc nhìn lại miệng giếng, im lặng thật lâu không nói năng.

Ban nãy khi cúi nhìn xuống giếng, nàng đã quan sát một lượt cả giếng lẫn thi thể. Giếng thì chỉ là một giếng nước bình thường, nếu phải nói ra điểm nào đó đặc biệt thì đấy là sau nhiều ngày mưa liên tiếp như vậy mà mực nước trong giếng vẫn rất thấp, ấy nên mặc dù nửa người người chết chúi vào trong giếng nhưng không bị dính nước. Về phần thi thể thì không tìm thấy vết thương nào, chỉ trương trắng lên, trông giống người chết đuối. Do vậy có hai vấn đề. Một, nếu là mới chết đuối, thi thể đáng ra không thể xuất hiện dấu hiệu trương ngâm dưới nước thời gian lâu mà vẫn phải giống một người bình thường; hai, nếu là đã chết đuối lâu ngày, tại sao giờ mới phát hiện, hơn nữa chỗ này không có nước, nếu vậy thì ai là người đã chuyển thi thể vắt lên thành giếng?

Ký Linh im lặng càng khiến Trần lão gia thêm bất an. Đại thiếu gia Trần gia thấy vậy liền sai người hầu dìu cha về phòng nghỉ ngơi, trấn an hai người em trai để họ cũng về phòng, cuối cùng xua đám người hầu đi, chỉ để lại vài gia đinh khỏe khoắn ở lại cùng chờ quan sai với mình.

Thân phận hiện giờ của Ký Linh và Đàm Vân Sơn khá rắc rối, đi về thì chắc chắn không thể được, khi xảy ra chuyện, hai người họ ở ngay gần đó, bỏ đi thì thật khó ăn khó nói nhưng dù cho có ở lại chờ quan sai tới thì cũng chưa chắc đã giải thích sáng tỏ được. Trần lão gia tin chuyện tà ma nên rất cung kính với Ký Linh nhưng tri phủ đại nhân và quan sai thì chưa chắc, đến lúc đó bị họ coi là nghi phạm cũng không chừng.

Đàm Vân Sơn mặt không đổi sắc, song trong lòng đã cân nhắc đi cân nhắc lại vấn đề này, thậm chí bắt đầu trù tính nếu thực sự bị trở thành nghi phạm thì chàng nên biện bạch thế nào để tri phủ tin tưởng rồi thoát thân. Kết quả nghĩ đau cả sọ, nhìn sang Ký Linh, cô nương ấy vẫn còn đang nhíu mày trầm tư nhìn thi thể đăm đăm, hiển nhiên là hứng thú với thi thể vượt xa hơn nhiều nỗi thấp thỏm lo cho an nguy của bản thân.

Đàm Vân Sơn bái phục.

Trần An không phụ sự tín nhiệm của đại thiếu gia, loáng cái đã dẫn quan sai tới.

Mọi người đều tưởng là chỉ có quan sai và ngỗ tác tới, không ngờ tri huyện đại nhân lại đích thân đi thuyền tới hiện trường.

*ngỗ tác: tên một chức lại để khám xét các người tử thương. Nguồn: Từ điển Hán Nôm

Mưa lớn nửa tháng khiến dân chúng Hòe Thành hoảng sợ, tri huyện cũng chẳng sung sướng gì, giờ lại xảy ra án mạng, mặt tri huyện sầm sì như mây giông, tới hiện trường liền để mặc mọi người, kéo đại thiếu gia nhà họ Trần qua một bên hỏi.

Bên này tri huyện đang tìm hiểu tình hình qua Trần đại thiếu gia, bên kia ngỗ tác lại chỗ giếng nước chuẩn bị khám nghiệm.

Đàm Vân Sơn dỏng tai nghe ngóng bên đằng tri huyện, dán mắt nhìn chăm chăm bên phía ngỗ tác, quả là vất vả.

Ký Linh chuyên tâm hơn nhiều, chỉ nhìn miệng giếng, nhìn không chuyển mắt.

Ngỗ tác đi vòng quanh giếng đôi vòng, có lẽ là muốn quan sát trước xem có dấu vết nào khác không nhưng không thu hoạch được gì, cuối cùng mới tới chỗ thi thể, gọi quan sai: “Nâng người này đặt nằm thẳng ra đất.”

Hai vị quan sai cao to vâng lệnh, lập tức mỗi người túm một cánh tay người chết, hợp lực lôi thi thể ra khỏi giếng, vị quan sai thứ ba tiến tới hỗ trợ nâng hai chân của thi thể.

Biến cố xảy đến đúng vào lúc này.

Ba người khiêng thi thể nằm ngang ra đang định để xuống đất, còn chưa kịp khom lưng thì bỗng nhiên nghe “ào” một tiếng.

Trong thoáng chốc, máu lênh láng khắp mặt đất, văng tứ tung xung quanh!

Đàm Vân Sơn chỉ thấy thứ gì đó đỏ lòe chớp qua trước mặt nhưng ba người nâng thi thể ở gần nhất thì bị máu bắn khắp mặt mũi người ngợm, sợ hãi đứng chôn chân tại chỗ.

Khủng khiếp hơn nữa là, sau khi máu bục ra khỏi thi thể, cái xác trong tay ba người nhanh chóng quắt lại tựa một bộ túi da bị moi rỗng bên trong.

Dù là ngỗ tác từng nhìn thấy vô số thi thể lúc này chân cũng hơi nhũn ra, buột miệng gọi huyện thái gia: “Lưu, Lưu đại nhân…”

Tri huyện Lưu đại nhân đang hỏi chuyện đại thiếu gia thì bị ngắt ngang, khó chịu quay qua nhìn: “Gọi ta làm gì, ngươi khám nghiệm thi… thi… thi thể sao rồi…”

Cuối cùng Lưu đại nhân cũng nói được hết câu để đỡ mất mặt nhưng cũng đã dùng hết toàn bộ sự “trấn tĩnh” của cả cuộc đời, không nặn ra được thêm câu nào nữa.

Vị quan sai nâng hai chân trong số ba vị quan sai hoàn hồn, cố nín không la toáng lên, buông ngay hai tay, nhảy ra xa hơn nửa trượng, nhìn đăm đăm vào đôi chân của thi thể vừa rơi xuống đất – nếu như đó còn có thể coi là thi thể, môi run run. Hai vị đồng liêu khác học theo gương người đầu, hốt hoảng hồi hồn, thả cánh tay xuống, lùi ra xa

Thi thể, hoặc phải gọi là túi da, lập tức rơi xuống đất.

Ngỗ tác dù sao cũng là người từng thấy cảnh máu me, đợi một lúc thấy đã đỡ sợ, hơn nữa xung quanh còn có khổ chủ, có quần chúng, có quan sai, có quan trên, ngỗ tác không làm gì thì không ổn. Nghĩ vậy, vị ngỗ tác cố lấy can đảm lại gần.

Lúc được nâng ra ngoài, thi thể ngửa mặt lên trên, giờ thành túi da nằm dưới đất cũng vẫn như thế nhưng do người toàn máu là máu nên không còn nhận ra được đâu mặt, đâu cổ, đâu mình.

Ngỗ tác giẫm vào vũng máu, ngồi xổm xuống cạnh bộ da, trước tiên cẩn thận quan sát mặt chính diện, xem xong mới thò tay vào rương đồ lấy ra một thứ dụng cụ không rõ làm bằng gì lồng xuống dưới bộ da lật mặt dưới lên.

“Trở mình” một cái liền thấy rõ.

Ở mặt lưng của bộ da có một vết thương chạy dọc từ trên xuống dưới, từ gáy tới thắt lưng, máu đã chảy từ chỗ này ra. Vì khi máu loãng bục ra, thi thể đang được nâng trên cao nên máu loãng trút xuống dưới đất, chạm đất bắn tung tóe ngược lên khắp đầu khắp cổ ba vị quan sai.

Ngỗ tác nhìn xong gọi quan sai đi lấy nước sạch.

Đổ hết mấy thùng nước, máu dính trên da mới trôi đi, dồn vào chung một vũng với chỗ máu lúc nãy, bộ da cuối cùng cũng khôi phục lại một chút diện mạo.

Nhưng do đã không còn máu thịt, chỉ còn mỗi lớp da nên khi có thêm tai mắt miệng mũi  thì trông lại càng kỳ dị.

Ngỗ tác đã thích ứng được tương đối, lại làm mọi việc thuần thục như thường, nhanh chóng khám nghiệm xong bộ da đã được rửa sạch, đứng dậy bẩm lại: “Lưu đại nhân, trên thi thể ngoại trừ một vết thương kéo dài từ sau đầu tới thắt lưng do hung khí sắc tạo ra thì không còn gì khác. Dựa vào miệng vết thương có thể thấy hung khí đã rạch từ trên xuống dưới, không phải đâm từ ngoài vào trong, hơn nữa miệng vết thương có hình dạng sắc gọn, bởi vậy có thể suy đoán hai điều. Một, lúc bị rạch, người chết không hề giãy dụa, có thể là do đã tử vong, cũng có thể là do đã mất cảm giác; hai, vết thương không sâu vào xương thịt, bởi vì một khi hung khí đâm vào xương thịt sẽ gặp phải lực cản, dù có dùng lực mạnh tới đâu thì khi rạch xuống cũng rất khó giữ được miệng vết thương sắc gọn thẳng tắp.”

Lưu đại nhân đã hiểu.

Lời ngỗ tác nói tóm lại đơn giản là: tôi không biết người này chết như thế nào cũng không biết vết thương sau lưng có trước khi chết hay sau khi chết nhưng tôi có thể kết luận là vết thương này rất nông, không vào xương thịt.

Ngỗ tác có thể nói vậy được vì dù sao ở Hòe Thành chẳng có ai giành bát cơm với ông ta nhưng nếu Lưu tri huyện lập hồ sơ trình lên trên nói người chết không còn xương thịt, chỉ còn lại một bộ da người và chỉ tìm được một vết thương nông, thế thì cứ chờ bị tước mũ ô sa đi thôi.

Lưu đại nhân suy nghĩ lung lắm mà không nghĩ ra được cách nào hay, điều duy nhất có thể xác định chắc chắn là đây không phải án mưu sát, ít nhất là không phải vụ mưu sát do người làm. Nói cách khác, nếu như thực sự có một hung thủ có thể nạo sạch bên trong người khiến lục phủ ngũ tạng hóa thành máu thì ông ta cũng không cần bắt, cáo quan về quê luôn cho an toàn.

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng Lưu đại nhân chỉ có thể nói: “Khiêng thi thể về quan nha làm khám nghiệm kỹ lưỡng hơn.”

Chúng quan sai nhìn nhau, cuối cùng ngỗ tác dùng dụng cụ nhấc túi da để lên tấm ván gỗ mang theo tới, hai vị quan sai một trước một sau “khiêng xác” y như ngày thường khiêng bộ da nhẹ tênh về quan nha.

*quan nha: nơi làm việc của quan lại

Tri huyện hùng hổ tới, âu sầu về, không tra rõ được điều gì ở hiện trường nhưng cũng không liên lụy người nào vô tội.

Đàm Vân Sơn uổng công lo lắng một phen nhưng chàng cũng không ngờ được thi thể bỗng nhiên lại bục ra máu biến thành túi da, vậy thì đương nhiên những người bình thường như họ không còn gì hiềm nghi nữa.

Vị Lưu đại nhân này xử án không đến mức giỏi giang nhưng cũng không quá tồi tệ, cùng lắm thì chỉ là tầm thường, từng để thả mất kẻ ác nhưng đúng là chưa từng hàm oan người tốt, có khi không tra được hung thủ, sợ bên trên trách tội liền bảo sư gia lén sửa hồ sơ, biến chết bất đắc kỳ tử thành tử vong ngoài ý muốn, lại cho khổ chủ một chút bạc vỗ về, vậy là không đòi tìm hung thủ nữa. Hẳn là lần này vẫn định giở lại bài cũ, hơn nữa Hòe Thành còn đang bị lụt do mưa lớn, có người chết đuối cũng chẳng có gì lạ.

Cách để đối phó với quan trên thì đã có nhưng chân tướng thì sao? Một người đang yên đang lành bỗng biến thành một bộ da, chẳng lẽ chân tướng đúng là do yêu quái hành ác như Ký Linh nói?

Lần đầu tiên trong đời, Đàm Vân Sơn lung lay về những điều bản thân nhận thức.

Giày vò khổ sở cả đêm, phát hiện thi thể, gặp “thầy pháp”, tri huyện tới, cuối cùng lại không có một đầu mối nào. Trần đại thiếu gia khách sáo tiễn vị “thầy pháp” hỏi gì cũng không biết và vị nhị thiếu gia nhà bên về, trước khi chào nhau còn liên tục căn dặn phải nghỉ ngơi tử tế.

Lúc rời Trần phủ, đằng chân trời đã lấp ló vầng dương: Đêm đã qua.

Đàm Vân Sơn lại tiếp tục chèo thuyền, thấy Ký Linh cứ im lặng nhìn đăm đăm vào mặt nước, không nhịn được đành lên tiếng: “Nghĩ gì vậy?”

Trong lòng Ký Linh rối bời, nghĩ rất nhiều điều nhưng bảo nàng nói ra thì lại không biết phải bắt đầu nói từ đâu.

Đàm Vân Sơn thấy nàng không đáp, ngỡ là mình hỏi sai, dù sao chuyện một cô nương nghĩ suy chưa chắc đã toàn là máu me tung tóe, có lẽ cũng có thể là nhi nữ tình trường thì sao, vậy là chàng sửa lời, hỏi điều hợp nhẽ hơn: “Ban nãy lúc tri huyện tới, sao cô nương không nói với ông ấy chuyện này là do yêu quái làm?”

Thực tế là Ký Linh không những không nói điều ấy mà suốt cả quá trình còn chẳng phát ra một tiếng nào.

So với câu hỏi trước thì câu hỏi này dễ trả lời hơn nhiều. Ký Linh nhún vai: “Chớ bao giờ nói với quan hung thủ là yêu quái, bằng không họ sẽ lập tức bắt huynh ngay. Hoặc là coi huynh là nghi phạm, hoặc là nói huynh nói lời ma quỷ mê hoặc mọi người. Tóm lại, “Tử không nói quái, lực, loạn, thần”.”

*”Tử không nói…” là câu xuất xứ từ phần Thuật Nhi trong Luận Ngữ ghi chép lời Khổng Tử nói với các đệ tử của mình. “Tử” trong câu là cách Khổng Tử tự xưng. Câu này nghĩa là Khổng Tử không bàn tới những điều quái dị, bạo lực, biến loạn, quỷ thần. Nho giáo tin vào sự tồn tại của quỷ thần nhưng không ủng hộ việc sùng bái hay thờ cúng.

“Không nói, chưa hẳn không tin.” Đàm Vân Sơn mỉm cười nhớ lại sắc mặt Lưu tri huyện khi nhìn thấy vũng máu.

Ký Linh ngẩng đầu nhìn chàng, có cảm giác lời chàng nói còn mang tầng ẩn ý khác: “Vậy là, giờ công tử tin rồi?”

Đàm Vân Sơn thoáng suy tư trong chốc lát: “Nửa tin nửa ngờ vậy.”

Trong lòng Ký Linh thầm khinh bỉ xem thường Đàm công tử vịt chết còn cứng mỏ.

Không biết ở đâu ra một cơn gió thổi phải Ký Linh, nàng hắt hơi một cái, sau đó liền cảm nhận rõ được hơi lạnh từ quần áo ướt ngấm vào người.

Đàm Vân Sơn thấy thế thì thân thiết dịu dàng hỏi han: “Lạnh?”

Ký Linh cũng không biết mình nghĩ gì, chẳng hiểu sao lại gật đầu.

Đàm Vân Sơn ngớ ra, có vẻ như không ngờ Ký Linh cũng có lúc tỏ ra yếu thế, thương xót nhìn nàng, chân tình nói: “Tôi cũng vậy.”

“…”

“…”

“Huynh vừa mới nói gì?” Sau một thoáng im lặng ngượng ngập, Ký Linh đột nhiên hỏi.

Đàm Vân Sơn ngơ ngác: “Gì?”

Ký Linh kiên nhẫn giải thích: “Huynh vừa mới hỏi gì tôi?”

Đàm Vân Sơn không hiểu nhưng vẫn nhẹ nhàng nhắc lại: “Lạnh không?”

“Không lạnh.” Lần này Ký Linh đáp đầy quả quyết.

Lúc hai người về lại Đàm phủ, trời đã sáng hẳn.

Tất nhiên “sáng hẳn” chỉ là so với ban đêm, bởi vì dù trời không mưa nữa nhưng sắc trời vẫn âm u y như cũ, không thấy sáng sủa.

Đàm viên ngoại đang ăn sáng cùng Đàm phu nhân và con trai cả, nhà ba người ngồi quây quanh bàn hòa thuận vui vẻ.

Thấy Ký Linh và Đàm Vân Sơn sương gió trở về, ba người giật mình, đại thiếu gia Đàm gia là người đầu tiên đứng dậy, không nhìn Đàm Vân Sơn mà chỉ cười với Ký Linh: “Vị đây hẳn chính là thầy pháp. Tại hạ là Đàm Thế Tông. Thầy bôn ba cả đêm vất vả như thế, hẳn là đã bắt được yêu tinh.”

Ngũ quan của Đàm Thế Tông và Đàm viên ngoại quả thực như đúc từ một khuôn, chẳng qua người con vẫn còn chưa phát tướng mà thôi. Có điều vóc người người này lại khác xa Đàm viên ngoại, về mặt này thì huynh ta và Đàm Vân Sơn không hổ là huynh đệ ruột thịt, dáng dấp đều cao to, nếu không phải Đàm phu nhân ngồi bên là một người mảnh mai cao ráo thì Ký Linh thực sự phải tự hỏi không biết hai huynh đệ này ăn gì mà lớn được như vậy.

Có điều, cùng là thiếu gia nhà họ Đàm, cùng không tin chuyện tà ma nhưng Đàm Vân Sơn thẳng thắn, bộc trực, dễ thương hơn vị huynh trưởng này một chút, ít nhất thì có gì nói thẳng hoặc là không nói gì chứ không hành xử theo kiểu làm người ta không biết đâu mà đoán định như thế này.

Ký Linh thầm nói xấu trong lòng, ngoài mặt vẫn giữ hòa khí: “Lấy làm xấu hổ, không ngờ yêu tinh vào nhà họ Trần, tới lúc chúng tôi đuổi tới nơi thì đã quá muộn.”

Đàm Thế Tông hỏi: “Trần phủ xảy ra chuyện gì rồi sao?”

Đàm Vân Sơn trả lời thay giúp Ký Linh: “Chết một tên gia đinh.”

Đàm Thế Tông thở phào nhẹ nhõm: “Ồ, huynh còn tưởng là người của Trần gia xảy ra chuyện, may quá, may quá.”

Ký Linh không vui, trong lòng bực bội.

Hai nhà Trần – Đàm qua lại thân thiết với nhau, nghe nói người nhà họ Trần không bị làm sao thì thở phào nhẹ nhõm cũng dễ hiểu nhưng gia đinh cũng là người, sao lại “may quá” cho được.

May mà Đàm Vân Sơn không tiếp lời, chỉ cười hời hợt, xem ra là cũng không mấy tán thành thái độ của huynh trưởng.

Thế nhưng đã không tán thành thì phải sửa chứ.

Ký Linh đang nghĩ vẩn vơ thì Đàm viên ngoại hoàn hồn giật mình đứng bật dậy: “Thầy vừa mới nói là yêu tinh đã vào Trần gia rồi à?”

Nếu như Đàm Thế Tông chỉ là không coi mạng kẻ hầu người hạ ra gì thì Đàm viên ngoại vì an toàn của bản thân, e là có thể bất chấp toàn bộ tính mệnh cả nhà họ Trần.

Ký Linh bỗng dưng không muốn để ông ta được như ý.

“Không, theo phán đoán của tôi, yêu tinh đang tìm một thứ gì đó. Thứ này có thể ở Trần gia, cũng có thể ở Đàm gia, dù sao cũng không nằm ngoài phần đất này. Nếu không tìm thấy ở Trần gia thì sẽ sang Đàm gia tìm, nếu Đàm gia vẫn không thấy thì lại về Trần gia. Tóm lại, viên ngoại và Trần lão gia hiện giờ có thể nói là châu chấu trên cùng một… một… Tôi phải mau về khách điếm, bên đó còn có chút quần áo và pháp khí, phải nhanh chóng đi lấy mang sang đây, e là không thể cùng ăn bữa sáng.”

Đàm viên ngoại vốn cũng không định mời Ký Linh cùng ăn bữa sáng nhưng vì vẫn còn trong cơn khủng hoảng “yêu quái có thể tới cửa bất cứ lúc nào” mà không đáp lại gì thì cũng không ổn nên bèn gật đầu lia lịa: “Thầy mau đi đi, hay là tôi phái mấy người đi lấy đồ với thầy?”

“Không cần đâu, chẳng có bao nhiêu đồ.” Ký Linh xin miễn ý tốt của Đàm viên ngoại, xoay người đi về.

Đàm Vân Sơn nói một câu “Con đi tiễn thầy” rồi cũng đi ra theo.

Đợi đi tới chỗ bốn bề vắng lặng, chàng mới mới dở khóc dở cười nói: “Cô nương hà cớ gì phải làm cha tôi sợ.”

Ký Linh lườm chàng: “Vậy thì huynh cũng không cần trừng mắt ác vậy chứ, tôi suýt thì cắn phải lưỡi!”

Đàm Vân Sơn tỏ vẻ vô tội ra mặt: “Không ác sợ là cô nương không nhìn thấy.”

Ký Linh tức giận nói: “Thấy. Tôi không chỉ thấy huynh trừng mắt với tôi mà còn thấy tấm lòng cực kỳ hiếu thảo của huynh nữa.”

Đàm Vân Sơn nở nụ cười nhưng không giống như thực sự vui vẻ, nơi đáy mắt có chút cảm xúc khó nói rõ thành lời nhưng tới khi Ký Linh nhìn kỹ lại thì cảm xúc ấy đã biến mất, cặp mắt trong trẻo của đối phương lại đong đầy ý cười hời hợt quen thuộc.