Kiếm Vương Triều

Quyển 5 - Chương 29: Quân sư

Dịch: trongkimtrn

Cuối hè năm Nguyên Vũ thứ mười hai lịch Đại Tần, vương triều Đại Tần và nước Ô Thị nảy sinh xung đột nơi biên giới.

Nguyên nhân xung đột chỉ là do một cái thùng gỗ cho ngựa uống nước.

Chỉ vì một cái thùng ấy mà một binh sĩ của Đại Tần đã tử trận.

Vào đêm đó, biên quân của Đại Tần yêu cầu nước Ô Thị giao nộp chiến binh đã giết chết binh sĩ Đại Tần.

Nhưng bên Ô Thị nhấn mạnh rằng binh sĩ nước Tần đã vượt biên.

Tuy nhiên, bên phía biên quân Đại Tần thì tin rằng đó thực sự là thùng cho ngựa uống của quân Tần. Người lính đó chỉ yêu cầu trả lại một cách hợp lý mà không được đáp ứng!

Vì vậy, sau khi yêu cầu bị cự tuyệt, biên quân Đại Tần đã thực hiện một hành động rất quyết liệt.

Một chi biên quân đã quyết đoán phát động tấn công vào chỗ đóng quân của chiến binh kia của Ô Thị.

Cuộc xung đột này càng ngày càng gay gắt, cùng với việc quân đội Đại Tần không ngừng gia tăng, nó nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, chỉ cần những ai đời sau có chút đầu óc mưu mô thì họ sẽ dễ dàng nhận ra rằng, vào đúng ngày mà người lính nước Tần chết vì cái thùng gỗ ấy, đã có rất nhiều nhánh quân của Đại Tần đã bắt đầu di chuyển vượt dãy Âm Sơn để đến biên giới giáp Ô Thị.

Rất nhiều người tu hành ở Trường Lăng cũng lên đường vào đêm hôm đó, vội vã đến nơi vốn là vùng đất hoang nghèo nàn trong mắt người Tần.

Hơn nữa, với cái nhìn của các nhà nghiên cứu chiến tranh ở đời sau, Đại Tần tuyệt đối đã nắm bắt thời cơ quá tốt.

Mấy nước gần nhất với nước Ô Thị là Nguyệt Thị và Tây Khương. Nguyệt Thị đã trở thành nước chư hầu của Đại Tần. Sau khi chiến tranh nổ ra, quân đội Nguyệt Thị trực tiếp tham dự cuộc chiến chống lại Ô Thị.

Còn bản thân Tây Khương vừa mới trải qua một cuộc nội chiến, có mấy gã vương tử đã hợp tác với nhau để giết cựu vương, nhưng họ đã bị vương hậu dẫn dắt quân đội lần lượt chinh phục. Giờ đây, người mẫu hậu quyền lực đó đã trở thành người lãnh đạo thực sự của Tây Khương. Cho nên nước này căn bản không còn dư lực để bố trí quân đội hỗ trợ Ô Thị.

***

Vào cuối hè năm Nguyên Vũ thứ mười hai, Đinh Ninh là một trong số rất nhiều người tu hành ở Trường Lăng đang vội vã đến Âm Sơn.

Những người tu hành nào chưa từng tham gia chiến tranh, dù thuộc cảnh giới nào, đều thuộc loại binh lính mới nhập ngũ và được các sĩ quan trưng binh của Binh Mã ti hộ tống. Truyện được dịch trên trang reader, Bạ_ch ng_ọc sá_ch.

Quân lệnh của Đại Tần cực kỳ nghiêm ngặt. Nếu có kẻ vi phạm nhẹ khiến sự vụ chậm trễ thì bị quan trưng binh tước đi quân công, phế bắt cưỡng bức lao động. Còn nếu nặng làm lỡ thời cơ chiến đấu, tức thì bị hành quyết.

Vì vậy, chi quân đội vận chuyển tân binh không chỉ là để hộ tống, mà còn giống như một đội quân áp giải tù nhân, với sứ mạng nhất định phải đưa người đến tận nơi.

Bởi lúc này là thời chiến, bắt đầu xuất phát từ Trường Lăng, thân là tướng lãnh của quan trưng binh được điều tới biên ải, nhánh quân này của Đinh Ninh là một bộ phận của Túc Vệ quân thường trú đóng cách Trường Lăng 130 lý*.

(*) Theo hệ đo lường cổ Trung Hoa, thì 1 lý hay 1 dặm (市里, li) = 15 dẫn = 500 m

Nhánh quân này có quân số 2.000 người, nhưng lại mang theo một lượng lớn công cụ bằng sắt và đồng, thuộc loại vật dụng dùng hàng ngày của biên quân và công cụ khai hoang.

Giống như nhiều triều đại trước, Đại Tần cũng kiểm soát chặt chẽ khoáng sản và đồ dùng kim loại có khả năng sản xuất ra thuật khí và một số vũ khí mạnh mẽ. Hầu hết các xưởng sản xuất cũng được tập trung tại Trường Lăng.

Ngay khi chiến tranh ập đến, mọi thứ cần thiết sẽ theo quân như nước chảy ra ngoài. Mặc dù làm tiêu tốn rất nhiều nhân lực vật lực trên đường đi, nhưng điều này cũng tạo ra lợi thế: chính lệnh tất đạt. Hơn nữa, quân đội Đại Tần phản ứng cực kỳ nhanh.

Trưởng quan cao nhất của nhánh quân này tên là Quách Phong, là nhân sĩ Quan Trung, là người quen cũ với cha và ông của Nam Cung Thải Thục. Ông cũng rất kính trọng Đinh Ninh.

Khi đợi được nhóm người Đinh Ninh đến, thì cả đội quân bắt đầu chính thức lên đường. Việc đầu tiên ông ta làm là ngay lập tức mời Đinh Ninh và Nam Cung Thải Thục lên chiến xa của mình.

― Rất nhiều người Trường Lăng đã nghe qua nhiều chuyện về ngài.

Vị tướng lãnh này không cao, thậm chí người còn hơi còng, trên đỉnh đầu đã hói, nhưng toàn thân ông vẫn toát lên sự sắt đá của người lính đã trải qua vô số trận chiến máu tanh. Ông rất kính trọng Đinh Ninh, vừa gặp đã cúi đầu chào, giọng điệu thì khiêm tốn đến cực điểm:

― Đặc biệt là ta nghe nói chuyện ngài cự tuyệt Ly Lăng Quân, làm sao giúp một gã giang hồ tên Vương Thái Hư trở thành thủ lĩnh ngầm của Trường Lăng, cho nên ta biết thực lực của ngài không chỉ nằm ở tu vi hay khả năng chiến đấu vượt cảnh giới, mà còn ở tầm nhìn xa trông rộng và năng lực bày mưu tính kế.

Đinh Ninh không phải là người thực sự khiêm tốn, càng không thích lời khách sáo, cho nên sau khi nghe những lời của vị tướng quân thì hắn chỉ nghiêm túc cúi đầu và bảo:

― Ta bị thương quá nặng. Nếu chiến đấu chắc sẽ không xuất lực được bao nhiêu. Trên đường đi có thể trợ giúp Quách tướng điều gì, thì tướng quân cứ mở miệng.

Quách Phong rất hài lòng với thái độ và càng thêm thưởng thức Đinh Ninh nên cười đáp:

― Ngài nên làm quân sư của ta... Đương nhiên chỉ là thuận tiện giúp đỡ chút chuyện dọc đường.

Ngừng một chút, ông lập tức giảm nụ cười, chậm rãi nói tiếp:

― Hành trình quá xa, danh tiếng của ngài thì quá lớn. Ta sợ rằng trên đường đi sẽ không quá bình yên.

Đinh Ninh liếc nhìn người có tướng mạo bình thường này mà nói:

― Tướng quân thật là người thông minh.

― Ngài* nghĩ sao về cuộc chinh phạt Ô Thị lần này của Đại Tần chúng ta? – Quách Phong không hề khiêm tốn nữa, mà hỏi Đinh Ninh.

(*) Người dịch: Nguyên văn là “ngươi” chỉ ý ngang hàng, không tôn kính, nhưng vì cho thống nhất nên để vậy.

― Mấu chốt nằm ở thái độ của vương triều Đại Sở cách Ô Thị một dãy Âm Sơn. Dù là Tây Khương hay Đông Hồ đều không thể cải biến vận mệnh của Ô Thị. ― Đinh Ninh cười nhẹ đáp:

― Động tác lớn như vậy, ngay cả Túc Vệ quân các ông cũng được điều đi, còn không biết có bao nhiêu người tu hành bị chuyển ra Trường Lăng nữa. Nếu không đánh hạ được Ô Thị thì sao có thể cam tâm!?

Quách Phong gật đầu bảo: ― Ta tán thành quan điểm của ngài.

Đinh Ninh nhìn ông ta, rồi tiếp tục giảng giải:

― Đông Hồ tất nhiên sẽ phái quân tới. Không chỉ bởi Đông Hồ và Ô Thị như Môi hở răng lạnh, mà còn là, nếu Ô Thị quy về Đại Tần, chúng ta chỉ cần ngừng mậu dịch nơi quan ải, thì mười năm tới quân đội Đông Hồ sẽ không còn đủ vũ khí để dùng. Nhưng dù là Đông Hồ phái binh hay Đại Sở vượt qua dãy Âm Sơn, thì đường đi vẫn còn xa xôi cách trở, cho nên Ô Thị nhất định sẽ cố gắng kéo dài thời gian, không muốn bị Đại Tần chúng ta đánh bại ngay. Đại Tần ta sở dĩ thành lập biên thành sau dãy Âm Sơn là bởi trước đó Đông Hồ nổi danh là mọi rợ nơi hoang mạc, bọn chúng am hiểu nhất là dùng kỵ binh tập kích, mà quân Tần chúng ta lại khó đuổi kịp ở trên đấy. Còn đóng quân dưới Âm Sơn, hơn một tháng sau, nơi này sẽ bị tuyết phủ, cho nên dù bọn chúng muốn điều gì thì cũng phải kéo dài đến lúc tuyết tan đã.

Quách Phong ánh mắt kích động mãnh liệt, có chút chuyện ông có nghĩ tới, nhưng một số lại không nghĩ thấu đáo được như Đinh Ninh. Điều quan trọng nhất là ông cho rằng Đinh Ninh nói rất có lý.

― Nhưng có lẽ hoàng hậu cũng đã cân nhắc tới cái này rồi, cho nên quân đội mới mang theo nhiều đồ như vậy.

Đinh Ninh từ từ quay người lại, nhìn những cỗ xe đang áp tải quân nhu rồi mới tiếp tục:

― Vậy nên bà ta sẽ không nóng vội, mà là đánh thực ổn thỏa mặc kệ đối phương muốn kéo dài đợi đến khi tuyết tan mới quyết chiến. Lựa chọn như vậy thì thương vong sẽ giảm đi rất nhiều, nhưng cũng sẽ lâu dài và gian nan hơn. Hơn nữa với những đội quân có quân số nhỏ, sẽ xuất hiện nhiều biến số.

Quách Phong hít sâu một hơi, nhìn Đinh Ninh một cách nghiêm túc, bảo:

― Điểm đến cuối cùng của chúng ta đều là Đông Hồ. Nơi đó, chúng ta chắc sẽ thuộc về một đội quân nhỏ.

Đinh Ninh cười đáp:

― Tới được Đông Hồ mới như thế. Còn trên đường tới Đông Hồ, e rằng giống như tướng quân nghĩ, chúng ta chỉ là mồi nhử mà thôi.

Quách Phong có vẻ không ngạc nhiên với câu nói này, nhưng sắc mặt ông trông càng lạnh hơn.

― Tướng quân đã nói rồi, danh tiếng của ta quá lớn, tốc độ tiến cảnh lại quá nhanh. Đối với ba vương triều kia thì, đây là một mối uy hiếp lớn.

Đinh Ninh từ tốn nói tiếp:

― Trong nhánh quân này của tướng quân không có nhiều người tu hành lợi hại, cho nên với những người muốn ám sát ta thì bọn họ không cần trả giá quá nhiều.

― Vì ngài hiểu rõ ràng hơn ta, có nghĩa là ngài có đủ khả năng để nhắc nhở ta kịp thời làm ra phản ứng.

Ông nhìn về con đường phía trước và chậm rãi bảo:

― Nhiệm vụ của ta không chỉ là đưa các người đến đúng thời hạn, mà còn là tận hết khả năng, giúp những con sói nhỏ theo ta xuất chinh này có thể an toàn trở về nhà, càng nhiều càng tốt.

*****

P.s (tác giả):

Tôi đã viết ra câu chữ trong chương này mà không thể giải thích được. Vẫn là tiết tấu cũ. Hãy xem liệu chúng ta có thể có ba chương vào ngày mai hay không.