Nguyên hôm ấy sau khi Lưu Hướng đi đến nhà Trương sư gia thì thấy ở cổng ngoài vẫn còn bỏ tung không khóa. Chàng liền len lén đi vào thẳng đến
mấy gian nhà khách để xem.
Khi chàng ta đi lần đến gian đầu phòng khách thì thấy cánh cửa phòng khách cũng chỉ khép chặt mà không khóa then. Lưu Hướng khẽ đẩy
cánh cửa bước vào, thấy trong phía trong có tiếng người nói chuyện, mà
ngọn đèn vẫn còn thắp sáng hẳn hoi.
Chàng lại lần bước vào phía gần phòng trong để nghe thì chỉ thấy những tiếng thì thầm cười nói, mà không nghe rõ câu gì.
Bất chợt đương khi ấy thì cánh cửa ngoài mở ra, rồi thấy Công
Tôn Pháp ở ngoài lững thững đi vào. Lưu Hướng trông thấy Công Tôn Pháp,
chàng đã định rút thanh kiếm ra, nhảy ra tặng Công Tôn Pháp một kiếm.
Nhưng chàng nghĩ đi nghĩ lại, chợt đổi ngay ý kiến, liền đứng nép hẳn
vào một chỗ để xem Công Tôn Pháp cử chỉ ra sao.
Lúc đó Công Tôn Pháp vào tới phòng ngoài, nhìn quanh không
thấy có ai thì lại xồng xộc đi thẳng vào phòng trong. Lưu Hướng lừa cho
Công Tôn Pháp vào rồi, liền cũng theo hút đi vào nấp kín vào ngay một
xó, không cho Công Tôn Pháp biết tới.
Được một lát, Lưu Hướng nhìn rõ ràng thấy Trương sư gia chạy
lần vào trong, mà Công Tôn Pháp thì dắt Quế Nhi lên màn đùa bỡn. Chàng
liền thư thả, đợi khi hai người đương đùa thân mật với nhau, mới vác
thanh kiếm xông thẳng vào màn để trị.
Bấy giờ Công Tôn Pháp cùng Quế Nhi thấy vậy đều hoảng hồn kinh sợ, không hiểu tình ý ra sao. Lưu Hướng liền một tay cứ cầm thanh kiếm
để dí vào cổ hai người, còn một tay thì lần lấy cái giây dắt sẵn trong
mình, rồi trèo phắt lên giường, ngồi cưỡi lên cả hai ngươi, mà trói chặt cả lấy hai người làm một. Đoạn rồi chàng ta lại nhảy xuống đi vào phòng trong để tìm Trương sư gia.
Khi vào tới nơi thì thấy Trương sư gia nằm thon lỏn ở một cái
giường con, khò khò ngáy ngủ, Lưu Hướng trông quanh quẩn, thấy có một
cái ấm nước dưới gầm giường ngay đó. Chàng liền lẳng lặng cúi xuống, cầm lấy cái ấm nước, giơ lên rót ộc vào tai Trương sư gia.
Trương sư gia đương khi bất thình lình, thấy lạnh toát một bên lỗ tai thì giật mình choàng dậy, nhảy vọt một cái thật cao, rồi lại ngã thình ngay xuống.
Lưu Hướng thấy vậy mủm mỉm cười thầm, rồi giơ một tay nắm ngay lấy cổ Trương sư gia, xách bỗng hắn lên, tựa như tay cầm con chuột.
Đoạn rồi chàng đem Trương sư gia ra ngoài phòng ngoài, đặt ngay bên cạnh chỗ Công Tôn Pháp cùng Quế Nhi và trói gô chân tay cả lại.
Khi trói xong rồi, Lưu Hướng chạy ra cầm lấy ngọn đèn, dò đi
soi khắp các nơi để kiếm tìm giấy bút, chàng vào đến chỗ góc phòng trong thì thấy có một cái bàn để đó, trên có để nghiên mực và giấy bút sẵn
sàng. Lưu Hướng liền vớ lấy ấm nước lúc nãy, rót một tí vào nghiên mực,
mài mực đặc ra, rồi đem cả giấy bút đi ra ngoài phòng.
Khi ra tới phòng ngoài chàng liền kéo một cái bàn đến gần chỗ
giường nằm, đặt ngọn đèn cùng giấy bút mực lên đó rồi bắt Trương sư gia
ngồi sát ra cạnh bàn, tay cầm thanh kiếm nhăm nhăm, quát bảo Trương sư
gia rằng:
- Ban ngày hôm nay, chúng bay bắt một người đàn ông và hai
người con gái, đầu đuôi sự thực thế nào, muốn sống phải viết cho đúng ra đây. Nếu có điều gì mập mờ giả trá thì ngọn kiếm của ta quyết không
dung thứ.
Trương sư gia nghe nói thì nét mặt sám hẳn như gà cắt tiết, chân tay run lên đây đẩy, cúi đầu xuống tỏ ý van lạy mà rằng:
- Trăm lạy nghĩa sĩ, xin nghĩa sĩ tha cái chết cho tôi, tôi xin khai hết cho ngài rõ.
Lưu Hướng nghe nói gật đầu mỉm cười mà rằng:
- Ta giết các ngươi như là giết con nhái, thêm bẩn thanh kiếm
của ta. Nhưng chỉ vì chút việc quan hệ đến bọn con nhà tử tế, cho nên ta phải tới đây. Vậy ta cởi trói cho ngươi chắc là ngươi có tài giỏi đến
đâu cũng khó lòng mà trốn đi cho thoát, ngươi phải khai rõ mau mau để ta coi xem sự thể ra sao.
Nói đoạn, liền cởi giây trói tay Trương sư gia ra và đưa quản
bút bắt viết, còn mình thì cầm thanh kiếm đứng luôn bên cạnh để coi.
Trương sư gia lúc đó kinh sợ rụng rời, hai tay run lên bần bật, song
cũng cố tâm nén lại, rồi cầm lấy bút để viết.
Thoạt trước hắn còn lúng túng quanh co toan viết nhăng viết
nhít để cho qua chuyện. Song hắn chợt nghĩ lại, trong bụng đoán chắc là
Lưu Hướng đã biết đích việc này, nếu lỡ viết một chữ gì mà không đúng
với công việc của mình thì tất là khó lòng sống nổi. Nhân vậy hắn bèn
đem hết sự thực thế nào thế nào, viết cả vào trong tờ giấy, không sai
một chữ.
Khi viết xong đâu vào đó, Lưu Hướng lại bắt Trương sư gia đọc
lại một lượt cho nghe, rồi bắt Trương sư gia kí tên lên trên và bắt luôn Công Tôn Pháp cùng Quế Nhi kí tên xuống dưới.
Mọi người kí tên xong rồi, Lưu Hướng lại bắt Trương sư gia cầm mảnh giấy khác ra, rồi chàng lại đem các việc bắt được Công Tôn Pháp
cùng Quế Nhi trong buổi tối đó, đọc đủ từng chữ, bảo Trương sư gia theo
viết đúng vào. Trương sư gia viết xong, Lưu Hướng lại bắt mọi người đều
phải kí tên vào như tờ giấy trước rồi chàng thu lấy cả hai tờ giấy dắt
vào trong bọc và lại trói gồ ngay Trương sư gia lại.
Các việc xong đâu vào đó rồi, Lưu Hướng bèn dắt thanh bảo kiếm vào lưng và cười nhạt bảo bọn này rằng:
- Ta đây cũng không bõ giết các ngươi làm chi, nhưng ta phải
đem các ngươi đến trao cho quan phủ để cho quan phủ xử trị các ngươi.
Nói đoạn, Lưu Hướng bèn một tay xách một mình Trương sư gia và một tay xách luôn cả Công Tôn Pháp cùng Quế Nhi nhấc bỗng cả lên, cắp
hẳn vào hai bên nách, coi vẻ rất là nhanh nhẹn gọn gàng. Đoạn rồi chàng
đi thẳng ra ngoài phía cửa, dùng phép phi hành, cấp cả ba người, bay
thẳng vào phủ Tế Nam.
Khi vào tới chỗ sân phủ ngay trước công đường, Lưu Hướng từ từ hạ xuống, lắng tai nghe tiếng trống ở ngoài vòm canh thì đã vừa điểm
sang tư, chàng ta bèn len lẻn cắp hai người kia đi thẳng vào trước công
đường, lấy chân khẽ đẩy một cái thì cửa công đường tung ra, rồi đem ngay ba người vào trong gian giữa công đường đặt cho nằm cả liền nhau ở đó.
Chàng ta đặt cho bọn đó nằm xuống, lấy mấy nấm giẻ nhét chặt vào mồm ba
người, và móc hai bức giấy của Trương sư gia đã viết lúc nãy bỏ cả ra
chỗ bên cạnh ba người. Kế đó chàng liền mở cánh cửa sau, theo lối đi vào tư thất, tìm đến chỗ phòng ngủ của Công Tôn Vĩnh, đập vào cửa đến thình một cái, rồi quát to lên rằng:
- Ngoài công đường có cướp, quan phủ không dậy mau thì nguy hiểm bây giờ...
Nói dứt mấy tiếng đó, Lưu Hướng bèn lại quay ngay ra ngoài, nhảy tót lên mái nhà bay đi thẳng.
Đằng này tri phủ Công Tôn Vĩnh bấy giờ đương lúc mơ màng ngủ
mê, chợt nghe thấy tiếng đập cửa đến thình thì giật mình tỉnh dậy, không hiểu là có việc gì. Kế nghe thấy tiếng kêu cướp rất to thì ông hiểu
ngay là ngoài nơi phủ đường có biến, ông liền đứng choàng ngay dậy, lật
đật tay vớ cái đèn, tay cầm thanh kiếm, loạng choạng đi ra, mà quát hỏi
lên rằng:
- Cướp ở đâu đứa nào báo đó? Nào lính canh phòng có đứa nào đây hay không?
Ông nói dứt lời thì chân đã bước ra tới cửa, lắng tai nghe bốn bên lại thấy văng vẳng tĩnh mịch, không một tiếng gì. Công Tôn Vĩnh lấy làm quái lạ, vội vàng chưa cái đèn gió đi sang gian phòng bên cạnh gọi
tên người nhà hầu cận dậy, bắt đi soi đèn để xem.
Tên người nhà thấy tri phủ gọi dậy, cũng sợ hãi cuống quýt
không hiểu là có việc chi, liền mắt nhắm mất mơ chạy ngay ra ngoài gọi
mấy tên lính tuần đương canh ngoài cửa, bắt vào trong phủ cùng đi xem
xét.
Bọn lính được lệnh thì cũng hất hơ hất hải, kinh sợ vô cùng,
bèn hò nhau kẻ thì cầm đèn, người thì vác đao vác gậy, hò nhau cùng đi
khám xét các nơi.
Khi soi tới gian giữa công đường, chợt chúng trông thấy có ba
người bị trói nằm đó thì ai nấy đều giật mình, đứng dừng cả lại. Mãi sau thấy trong đám bị trói đó, có người vẫy tay bảo chúng, chúng mới đánh
bạo đi đến tận nơi coi thứ. Bất chợt chúng soi tới nơi thì thấy ba người nằm đó, chính một người là Trương sư gia, còn hai người nữa mặc quần áo ngủ trót ép với nhau thì lại chính là Quế Nhi cùng Công Tôn Pháp.
Chúng nhìn thấy vậy, còn đương lúng lúng toan hỏi thì chợt
thấy bên cạnh chỗ ba người nằm, lại có hai tờ giấy viết đặc những chữ
vất tung dưới đất. Trong bọn chúng có người nhanh ý, bèn nhặt ngay hai
mảng giấy đó, tất tưởi chạy vào báo với tri phủ.
Tri phủ nghe báo, giật mình đến thót, vội vâng bảo chúng cầm
đèn cùng đi ra soi. Tri phủ ra tới công đường, trông thấy quang cảnh như vậy, bất giác xạm hẳn người lại, vội sai bọn lính cởi trói cho cả ba
người và tháo giẻ trong mồm ba người ra để hỏi.
Bọn Công Tôn Pháp nghe hỏi, đều run lên nhong nhóc, không biết đối đáp ra sao. Tri phủ bèn mở hai tờ giấy ra xem một lượt, rồi bỗng
biến sắc mặt đi mà rằng:
- Anh chàng họ Trương, ta không ngờ anh lại quá quẩn đến thế?
Ta thấy anh là một người thông minh ngoan ngoãn, nên muốn cho con ta
khuya sớm theo đòi để dần dần tập lấy nết hay. Nhưng ai ngờ ngày nay anh lại nối giáo cho giặc, làm ra những việc mất cả luân thường như thế thì phỏng còn dung sao được.
Trương sư gia nghe nói chỉ cúi gằm mặt xuống không dám nói lấy nữa lời. Tri phủ liền thở dài một tiếng, quát bảo Trương sư gia rằng:
- Lần này là lần thú nhất, ta khoan thứ cho anh nhưng nếu lần
sau còn thế thì đã có pháp luật ở đó, anh chớ kêu oan. Còn thằng bé kia
để rồi ta sẽ trị cho một phen mới được...
Nói đoạn liền quay ngoắt đi vào tư thất. Trương sư gia lúc đó
hổ thẹn vô cùng, trong bụng hơi oán Công Tôn Pháp mà không dám nói ra,
bèn dắt ngay Quế Nhi ra về và đương đêm đem nhau trốn biệt ngay đi nơi
khác, từ đó không dám lảng vảng đến phủ Tế Nam.
Về phía Lưu Hướng, hôm ấy sau khi đánh thức tri phủ dậy rồi
chàng quay về tới phủ thì đã vào khoảng gần hết canh tư, chàng bèn lẳng
lặng thay quần thay áo, một mình vào phòng riêng ngủ.
Sáng hôm sau, khi chàng chưa dậy thì đã thấy bọn vợ chồng Diêu Cương và Hoàng Vân Nhi đều đã dậy trước cả rồi.
Lưu Hướng thấy vậy bèn cũng vội vàng trở dậy, sai người lấy
thau lấy nước và pha nước trà lên uống. Trong khi uống nước. Lưu Hướng
bèn đem hết chuyện tối hôm trước, thuật lại cho ba người nghe. Bọn Diêu
Cương nghe nói đều tỏ ý cảm tạ vui mừng, và ai nấy cũng đều ngợi khen
Lưu Hướng là một người thiếu niên mà làm việc rất là chu đáo.
Nước nôi trò chuyện hồi lâu thì thấy người nhà đã dọn cơm rượu bưng lên. Lưu Hướng bèn mời vợ chồng Diêu Cương cùng Hoàng Vân Nhi đều
vào ăn uống
Vào khoảng gần trưa hôm ấy bọn Diêu Cương cơm nước xong rồi,
bèn cùng nhau cáo từ Lưu Hướng để đi sang đất Tương Dương. Lưu Hướng
thấy nói bọn họ đều có việc cần, nên không dám giữ lại, bèn tiễn chân ra tới cổng ngoài rồi mới trân trọng cùng nhau cáo biệt. Vợ chồng Diêu
Cương cùng Hoàng Vân Nhi liền cùng nhau thuận đường đi sang miền Tương
Dương.
Cách mấy hôm sau, ba người cùng tới Tương Dương, Hoàng Vân Nhi bèn hỏi thăm đến Nhất Nguyên quán để trao bức thư cho Lương Hưng Đạo.
Lương Hưng Đạo nhận được bức thư của Lục Bất hòa thượng, xem xong một lượt, liền bảo Hoàng Vân Nhi rằng:
- Lục Bất sư đệ hẹn tôi có việc, vậy phiền em cứ về nói với sư đệ của tôi là tôi xin đúng kì đến đó, bây giờ bất tất tôi phải viết
giấy trả lời. Duy nếu em có thư thả thì hây ở chơi mấy hôm, rồi sẽ ra về cũng được...
Hoàng Vân Nhi ra dáng cung kính mà rằng:
- Đạo trưởng có lòng lưu lại tôi xin cảm tạ vâng lời, song
chúng tôi đi đây vì còn công việc bộn bề, không thể mà thư lại được. vậy xin Đạo trưởng tha thứ cho đi...
Lương Hưng Đạo gật gật mà rằng:
- Cái đó thì xin tùy ý, song bây giờ các em cũng phải thư lại đến mai sẽ đi mới được.
Bọn Vân Nhi không tiện chối từ, phải cung kính vâng lời ở lại.
Tấn Từ nhân hỏi Lương Hưng Đạo:
- Dám thưa Đạo trưởng, Đạo trưởng ở huyện Nhã An, nghe nói Đạo trưởng có mang Mâu Tiên Ưng về nuôi bên này, vậy chẳng hay hiện giờ có ở đây không?
Hưng Đạo cười nói đáp rằng:
- Có dạo trước tôi có mang hắn về đây, song hiện nay Chu Tứ là sư huynh tôi lại xin hắn làm con nuôi, và đem hắn về ở Hào Châu để
đấy...
Tấn Từ nghe nói, tỏ ý vui mừng cảm tạ. Đoạn rồi Hưng Đạo sai người làm cơm thết đãi ba người và lưu ba người ở đó một hôm.
Sáng ngày hôm sau ba người lại từ giã Lương Hưng Đạo, rồi cùng nhau chia tay đôi ngả. Hoàng Vân Nhi thì về Giang Nam để chờ tới ngày
mồng 9 tháng 9 sẽ đến Duyên Thu các để tìm Lục Bất hòa thượng, còn Diêu
Cương cùng Tấn Từ thì kéo nhau về hạt Nhã An.
Cách mấy bữa sau, Diêu Cương cùng Tấn Từ đi về tới hạt Tứ
Xuyên là nơi tỉnh hạt nhà mình. Hai vợ chồng nhân ở đó có nhiều người
quen biết, lỡ ra họ nhận được mặt thì nguy, bèn bảo nhau đổi dạng ăn mặc rách rưới như kẻ ăn mày, rồi thỉnh thoảng lại giả vờ dắt nhau vào xin
vài chỗ, để cho che mắt thế gian.
Một hôm, hai người về tới huyện thành Nhã An, bèn dắt nhau tìm tới chỗ phố Vạn Tân lâu là nơi ở cũ. Khi tới nơi, nhác trông nếp cũ nền xưa, nay đều thay khác thì bất giác nông nỗi thương tâm bỗng đâu kéo
đến, khiến cho Diêu Cương phải chua xót trong lòng, mà lã chã tuôn hai
hàng lệ.
Tấn Từ thấy vậy vội vàng chạy đến gần Diêu Cương, cầm lấy vạt
áo khẽ giật một cái. Diêu Cương hiểu ý, vội vàng lau ráo bằng châu, rồi
cùng Tấn Từ đưa nhau ra một nơi thanh vắng chuyện trò than thở với nhau.
Trong khi nói chuyện, Tấn Từ xùi xụt khóc bảo Diêu Cương rằng:
- Hồi đó sau khi tai nạn xảy ra, chúng ta đều phải xa cách chỗ này, đến nỗi cả bọn anh em chị em bị nạn, họ đem chôn lấp ở đâu chúng
ta đều không biết tới. Vậy nay ta muốn thăm viếng các di hài của anh em
chị em thì biết lối nào mà lần cho được!
Diêu Cương nghe nói, ngồi thần mặt ra một lúc, rồi bỗng vùng dậy mà rằng:
- Được rồi. Tôi có một người anh em bạn thân họ Phương ở đây
anh ta vốn người trung hậu thực thà, tôi đến tìm hỏi anh ta thì tất là
phải được...
Nói đoạn quay ngoắt toan ra đi ngay. Tấn Từ vội vàng kéo ngay áo lại mà rằng:
- Anh đi thế nào mà vội thế? Bây giờ ở đây tai mắt rất nhiều,
nếu lo ra hớ hênh một tí thì phỏng còn giữ mạng được hay sao? Vả chăng ở quãng đời này, nhân tâm nan trắc, mình đây xa họ trong bấy nhiêu lâu,
biết đâu là bụng họ giờ không thay đổi. Vậy anh có đi xin cho tôi cùng
đi một thể, để lỡ có việc gì, ta sẽ liệu cách thì hơn...
Diêu Cương gạt đi mà rằng:
- Anh chàng họ Phương vốn là một người tử tế, tôi chắc không
gặp thì thôi, chớ gặp hắn thì thế nào hắn cũng thành thực bảo cho, chớ
không khi nào lại chối. Vậy hãy cứ để tôi đi hỏi một mình xem sao cái
đã.
Tấn Từ nghe nói, không tiện ngăn cản, bất đắc dĩ phải để cho Diêu Cương đi hỏi một mình, còn tự mình thì đứng đó để đợi.
Diêu Cương thấy Tấn Từ không nói cản nữa, bèn một mình lững
thững đi đến phố kia rồi lần mò hỏi đến nhà người họ Phương ngày trước.
Khi đi tới nơi, quả thấy cái nhà họ Phương vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, có
một tên người nhà đương đứng vẩn vơ ở cửa.
Diêu Cương vội vàng chạy đến vái chào tên người nhà mà nói rằng:
- Phương đại ca tôi có nhà hay không phiền anh làm ơn mời ra cho tôi hỏi có việc cần.
Tên người nhà nghe nói, nhân trông đến Diêu Cương ăn mặc rách
rưới như đứa ăn mày thì lấy làm nghi lạ, vội vàng chạy vào báo với chủ
là Phương Tân. Phương Tân nghe nói cũng ngạc nhiên không hiểu, nghĩ mình làm gì lại có người bạn ăn mày mà hỏi tới mình như thế. Chàng nhân thử
chạy ra chỗ khe cửa để nhìn cho rõ xem ai.
Khi Phương Tân ra tới cửa nhìn thấy Diêu Cương đứng đợi ở
ngoài thì thoạt tiên cũng không nhận biết là ai. Mãi sau chàng ta trông
thấy đôi con mắt Diêu Cương lóng la lóng lánh như thể hai bóng sao sa
thì bỗng nhớ ngay ra là Diêu Cương ở Vạn Tân lâu khi trước.
Phương Tân nghĩ ra rồi thì chợt lại có vẻ kinh ngạc, vội vàng
chạy ra, lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng bèn nắm ngay lấy cổ tay Diêu
Cương kéo đi thằng tuột vào trong. Người nhà Phương Tân thấy vậy, thảy
đều lấy làm kinh lạ, không hiểu đầu đuôi ra sao.
Phương Tân kéo tay Diêu Cương vào mời ngồi chơi và dáng kinh ngạc mà bảo ngay rằng:
- Chết nỗi! Anh liều gan thực! ở đây người ta đương lùng bắt các anh, anh không biết hay sao?
Diêu Cương gật gật mà rằng:
- Tôi vẫn biết rồi, nhưng tôi có chút việc cần cho nên tôi phải đến đây để hỏi.
Phương Tân lại vội hỏi ngay:
- Anh có việc gì, xin anh cứ nói với tôi, tôi sẽ hết lòng để
giúp. Nhưng cần nhất là anh có đi đâu thì cứ đến tối hãy đi, chớ ban
ngày ban mặt thế này, lỡ ra mà bọn họ dò biết thì sao cho tiện...
Diêu Cương nghe nói lại gật gật mà rằng:
- Cái đó chúng tôi dự bị lắm rồi, anh không cần nghĩ. Duy hiện nay tôi muốn biết cái chỗ họ chôn đám anh em chị em chúng tôi ở đâu,
anh có biết thì xin anh bảo giúp cho...
Phương Tân gật đầu mà rằng:
- Anh có còn nhớ cái bãi tha ma Lạc Ưng đình ở ngoài cửa bắc thành huyện ấy không?
Diêu Cương nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:
- Có, có tôi có còn nhớ. Chỗ đó chỉ cách cửa thành chừng 3 dặm đường phải không?
Phương Tân gật gật mà rằng:
- Phải đấy, chính chỗ ấy đó... Chỗ ấy có một cái bãi rất rộng, bọn họ cho chôn tất cả vào một đống ở ngay góc bãi về phía đông nam,
anh cứ tới đó là trông thấy ngay lập tức. Nhưng có điều ở đó bấy giờ
thỉnh thoảng tụi quan quân họ lại lảng vảng đi qua để rình bắt những
người viếng thăm... Vậy anh có ra đó thì chớ đi những lúc ban ngày mà
khốn. Bây giờ chi bằng anh hãy ở đây với tôi, rồi đến tối sẽ đến thì
hơn... Diêu Cương lắc đầu đáp rằng:
- Anh có lòng tốt, tôi xin cảm tạ vâng lời. Song hiện giờ tôi còn bận có chút việc phải đi rồi tối đến tôi mới ra đó.
Nói đoạn chàng liền bái tạ Phương Tân rồi vội vàng từ biệt ra
đi. Phương Tân trân trọng đưa ra tới cửa, còn ghé vào tay dặn với mấy
câu:
- Nếu anh có còn ở đây thì xin cứ đến nhà tôi, tôi sẽ có cách giữ gìn cẩn thận, anh đừng quản ngại điều chi.
Diêu Cương gật gật vâng lời quay ra đi thẳng, tìm đến chỗ cũ
để bảo Tấn Từ. Ngờ đâu chàng ta ra tới chỗ cũ nhìn trước nhìn sau, không thấy Tấn Từ đâu cả. Chàng ta lấy làm quái lạ, toan chạy đi tìm, song sợ ra đi lỡ lại lạc nhau thì không bõ, nên chúng đành phải tìm một xó kín, ngồi gọn thu hình vào đó để đợi.
Bất chợt chàng ngồi một lúc thật lâu, mãi khi mặt trời đã xê
xế tối mà vẫn không thấy bóng Tấn Từ. Chàng nghĩ vơ nghĩ vẩn, nhân đoán
chắc Tấn Từ là một tay tài khỏe thông minh, không phải hạng tầm thường,
tất chẳng lẽ nào lại xảy ra việc biến nguy chi được. Nhân vậy chàng lại
vững tâm cố ngồi đợi một lúc nữa xem sao.
Hồi lâu chàng thấy bóng kim ô đã ngậm hẳn vào nơi non đoài
cảnh vật phong quang đều đã dần dần đưa vào cõi tối, mà mong bóng Tấn Từ vẫn chưa thấy đâu.
Chàng nhân nghĩ thầm trong bụng không khéo Tấn Từ lại hỏi rõ
được chỗ đó rồi, và đã đi ra trước mình để viếng, chứ không lẽ nào lại
xảy việc chi. Nhân vậy chàng bèn quyết ý một mình đi ra chỗ đó để thăm
viếng mộ và xem Tấn Từ đã đến hay chưa?
Lúc đó trời vừa tối xẩm, trận gió phương tây thỉnh thoảng lại ào ào thổi đến, khiến ai chạm phải cũng đến sởn óc rùng mình.
Một mình Diêu Cương lửng thững đi ra lối cổng thành mạn bắc,
vừa đi lại vừa ngó ngó nhìn nhìn, nửa phần ra ý tìm kiếm Tấn Từ mà nửa
phần cũng phòng bị ngộ lỡ xảy ra có ai biết tới.
Được một lát chàng ta lần mò ra tới Lạc Ưng Đình, dừng chân
đứng lại, đưa mắt nhìn bốn xung quanh, chỉ thấy một bãi tha ma phẳng lì
hàng bao nhiêu mẫu, bốn bề hiu quạnh vắng tanh, tịnh không có một bóng
cây cao phơ phất, cũng không có một bóng người nào đi đứng lại qua. Giữa quãng đồng không mông quạnh, Diêu Cương càng lắng càng nhìn lại càng
hiện cái cảnh đìu hiu ảm đạm, ngoài tiếng giun kêu dế khóc, chỉ còn
những trận gió vàng ghê gớm, thỉnh thoảng lại như gào thét bên tai.
Chàng ta lần bước về phía tây nam bãi tha ma ấy thì quả thấy
có một cái nấm to to cao trồi hẳn lên, khác hẳn các nơi mộ khác Cúi sờ
tay xuống thì thấy nắm đất lổng chổng, không được nhẵn nhụi phẳng phiu
và hàng cỏ ở trên cũng chưa mọc đều khắp lượt.
Trong bụng Diêu Cương lúc đó đoán chắc chỗ này là mồ vô chủ
của mấy anh em chị em khi trước, chàng liền đứng dừng lại, nhìn ngắm
ngẩn ngơ rồi bất giác bỗng òa lên khóc, chàng ta khóc nức nở một hồi,
rồi lại lau hàng nước mắt đứng thần người nhìn ra khắp bốn xung quanh đi tìm Tấn Từ. Ngờ đâu càng trông càng mất tăm hơi, chỉ thấy gió thổi
sương sa, rặt những cảnh tượng xui giục cho chàng thương tâm vô hạn.
Hồi lâu chàng thấy trong mình mỏi mệt, không sao gượng thức
được nữa, chàng bèn lửng thẳng vào thẳng trong đình Lạc Ưng, nằm vật
xuống đó, thiêm thiếp ngủ đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau khi chàng mở mắt tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao hàng mấy trượng. Diêu Cương lại vội vàng đứng dậy đi vào trong thành
tìm đến chỗ hẹn Tấn Từ hôm qua để đón. Không ngờ chàng ta đợi luôn hai
hôm nữa, cũng không thấy hút Tấn Từ. Chàng lấy làm sợ hãi, bèn lang
thang lần khắp trong thành để dò xem hoặc là Tấn Từ đã bị bắt bớ gì
chăng!
Một hôm kia, vào khoảng buổi chiều Diêu Cương đương đi lang
thang lếch thếch một mình, nét mặt ra chiều ủ rũ thì chợt đến một chỗ
phố kia thấy có một tụi người đương đứng xúm đen xúm đỏ cả vào với nhau. Diêu Cương thấy vậy đã toan len bước vào ngay, song lại e ngộ có người
biết mặt thì nguy. Chàng bèn vội vàng chạy ra một chỗ xó đường gần đó,
vớ lấy ít đất xoa lên mặt cho ra nhem nhuốc hẳn đi, rồi chàng mới lại
quay vào chỗ đó
Trong ý Diêu Cương bấy giờ một là đoán chắc trong đám đông
người đứng đó, không khéo lại chính là Tấn Từ xảy có việc chi nên người
ta đổ đến để xem, và hai là hoặc khi ai xảy việc gì mà có lẽ Tấn Từ hiện lại vẩn vơ đứng đó cũng chưa biết chừng. Nhân vậy nên sau khi chàng đã
bôi khác mặt mũi lại rồi thì chàng ta liền vội vội vàng vàng, đi sấn
ngay vào đám đó để xem.
Khi len vào tới nơi thì thấy trong giữa đám đông đó, có một
người đương ngồi ở một cái ghế dài, trước mặt có cắm một lá cờ con con,
trong viết những chữ gì không rõ. Phía trước người ấy có mấy người đứng
sát gần vào, nét mặt chăm chăm nhìn vào người ấy để nghe.
Diêu Cương không hiểu việc gì, bèn cố len vào hơi gần chỗ đó
lắng tai nghe thì thấy người ngồi trên ghế kia vừa gật gật gù gù vừa nói với người đứng trước mặt rằng:
- Hào tài của ông hiện bây giờ chưa vượng, nếu ông có định
buôn bán thì phải đợi đến thu sau. Vì thu là thuộc kim, mà mình ông là
mình thủy, "kim năng sinh thủy" cho nên đến thu ông tất vượng tài. Còn
việc phú quý thọ yểu sau này, đã có số trời định trước, ông cứ nhớ kỹ
bốn câu tôi đọc cho ông lúc nãy, rồi ông khắc sẽ nghiệm ra.
Người ngồi ghế nói tới đó thì người đứng trước mặt kia lại gật gật vâng lời, rồi ra dáng cung kính nói với người kia rằng:
- Thưa thầy, thế còn việc gia thất của tôi, thầy dạy nên tính đến ngay giờ, hay hãy đợi chờ ít bữa?
Người kia cười nói mà rằng:
- Như trong cung số của anh tôi để nói từ sớm, lấy vợ bây giờ
không lợi về phía đông nam nếu lấy vợ về phía đông nam thì thế nào cũng
sinh ra nguy hiểm... Không tin anh hãy thí nghiệm mà coi... Thôi, công
chuyện có thế, bất tất anh phải hỏi nhiều.
Nói tới đó, người ngồi ghế đó liền đứng dậy cuốn lá cờ lại,
gập bỏ vào một cái tráp da để bên cạnh mình, đậy tráp khóa vào tử tế rồi đứng dậy, tay cầm cán cờ làm gậy, một vai đeo cái ghế vải gập lại rồi
đứng dậy ra đi.
Khi bước ra đi, ông ta vừa cười vừa nói một mình:
- Bây giờ đã cuối giờ mùi rồi đây, thế nào cũng có trận mưa to kéo đến bây giờ, tôi phải đi tìm chỗ ngồi trọ mới được... Các ông các
bà cũng nên về mau, không thì mưa ướt tất cả bây giờ
Mới nghe nói, có người lặng ngắt quay đi, cũng có người thì
cười cười nói nói rồi bảo nhau, ông thầy nói lạ! Trông trời quang quẻ
thế kia, đến vắt cũng không ra hột nước, lấy đâu mà bảo là mưa. Ông thầy nghe vậy, cứ lẳng lặng không thèm trả lời, rồi lại tấp tễnh một mình
quay gót đi ra. Diêu Cương lúc đó thấy mọi người đều đi hết tất cả,
chàng nhân nghĩ thầm trong bụng: "Cái lão già này chắc là tay đoán số
đoán tướng gì đây... Nhưng trời đương thế kia mà lão ta bảo là sắp mưa
thì cũng khó lòng mà ai tin được...."
Chàng ta đương nghĩ lẩn thẩn như vậy thì chợt thấy có mặt trận gió hiu hiu đưa đến, rồi thì một cơn mây đen tự ở chân trời bỗng đâu
đùn lên, che kín cả vầng thái dương, làm cho cảnh vật đương lúc sáng
trăng, phát chốc đã biến ngay ra một màu đen tối. Diêu Cương thấy vậy
bụng lại nghi ngờ, cho là không khéo trời sắp mưa thực cũng nên.
Nhân vậy chàng ta lại cố ý tin phục ông thầy lúc nãy, bèn rảo
bước đi theo, định cố tìm cho gặp để hỏi mấy lời về việc Tấn Từ thất lạc đi đâu.
Lúc đó ông thầy kia đi ra ngoài phía cửa thành, Diêu Cương lật đật theo sau, mãi đến một khu rừng rộng cách thành chừng hai dặm đường
thì thấy ông đi ngay vào. Diêu Cương cũng nối gót theo vào.
Vừa khi bước vào khu rừng thì thấy có một tòa miếu cổ con con
làm ngay bên cạnh lối đi. Ông thầy vác tráp vác ghế vào miếu đặt ghế
xuống ngồi, rồi thì Diện Cương cũng nối gót đi vào. Ngờ đâu ngồi chưa
yên chỗ thì đã thấy phía ngoài có một trận mưa rào rào từ ở đằng xa đưa
tới, làm cho chuyển động khắp cả phía rừng.
Diêu Cương thấy thế lại càng tin phục ông thầy, bèn mon men chạy đến vái chào lễ phép mà vờ vịt hỏi rằng:
- Thưa cụ, tôi thấy cụ quen quen, hình như tôi đã được gặp cụ ở đâu Tứ Xuyên mấy lần thì phải...
Ông già nghe nói, nhìn mặt Diêu Cương, cười cười gật gật mà rằng:
- Tôi là Thiết Khẩu đạo nhân, ở đâu tôi có đi qua một độ, có
lẽ anh đã gặp tôi nhưng tôi thì không nhớ được. Vậy anh đi đâu bây giờ
mà cũng đến lối này !
Diêu Cương nhân nghĩ ra một kế bèn lại cung kính đáp rằng:
- Thưa cụ chúng tôi là người họ Vương, định đi sang bên Lạc Ấp tìm người bà con, nhưng chẳng may không gặp, nên bị lỡ độ đường đành
phải hành khất để về... Tôi trông thấy cụ là một bậc tiên tri, vậy tôi
muốn hỏi cụ mấy câu, để xem vận mệnh của tôi thế nào, không biết cụ có
vui lòng dạy bảo cho không?
Lúc đó phía ngoài cơn mưa kéo đến càng ngày càng to, hạt mưa
rơi xuống rất lớn, tựa như nắm đá từ ở trên không reo rắc xuống khắp mọi chỗ.
Thiết Khẩu đạo nhân nghe Diêu Cương nói, bèn giương gọng kính
lên mắt, rồi khẽ cúi mặt xuống nhìn hai con ngươi thẳng lên phía mặt
Diêu Cương trông ngắm một lúc, rồi lắc đầu quầy quậy mà rằng:
- Trông anh thì ăn mặc lam lũ thực nhưng tôi dám quyết anh
không phải là một hạng người bị lỡ độ đường. Anh có chịu đúng như thế,
tôi sẽ mách anh mấy câu rất hay, bằng không thì tôi cũng không biết thế
nào mà dám nói nữa...
Diêu Cương nghe câu ấy, trong bụng hơi có vẻ kinh sợ, muốn nói rõ chuyện mình ra, song lại e lỡ gặp phải tay thám tử dò bắt ngay mình
thì tránh sao cho thoát. Nhưng nếu không nói tâm sự cho thực thì ông già lại không bảo rõ việc mình, như thế phỏng làm sao cho tiện... Chàng ta
nghĩ ngợi vẩn vơ như vậy, trong bụng càng phân vân không quyết, không
biết trả lời làm sao...
Thiết Khẩu thấy Diêu Cương đứng mãi chưa sao trả lời mình được thì bỗng mỉm cười mà bảo chàng rằng:
- Thôi nào anh ơi, cái tâm sự của anh tôi đã hiểu biết cả rồi, nếu anh không thú thực sự tình cho tôi nghe thì tôi quyết không khi nào mà bảo cho anh được, vả chăng tôi đây là một người đạo học đứng đắn,
không khi nào tôi lại có lòng làm hại đến người trung nghĩa ở đời, vậy
anh không nên nghĩ quẩn nghĩ quanh mà cũng không nên e sợ rụt rè mới
phải...
Diêu Cương nghe tới đó càng kính phục Thiết Khẩu là người tiên tri, nghĩ chừng sự mình muốn giấu cũng không thể giấu được. Nhân vậy
chàng vội vàng cúi thụp ngay xuống vái lạy Thiết Khẩu và nói lên rằng:
- Đạo trưởng đã là một bậc cao nhân thì tình cảnh của tôi chắc là đạo trưởng phải đem lòng thương xót. Vậy tôi xin đem hết sự tình
thuật rõ ra đây, mong rằng đạo trưởng sẽ lấy lòng quảng đại mà chỉ bảo
dùm cho thì ơn ấy tôi xin khắc dạ ghi xương, để mong có ngày đền báo.
Thiết Khẩu thấy vậy liền đứng dậy nắm lấy tay Diêu Cương gạt
đi không cho lạy nữa. Đoạn rồi chàng ta trỏ một đầu ghế bảo cho Diêu
Cương cùng ngồi và nói lên rằng:
- Nghĩa sĩ bất tất phải quá khiêm tốn như thế... Nghĩa sĩ có tâm sự khó bề giải quyết thì cứ xin nói rõ tôi nghe.
Diêu Cương bèn trân trọng đem hết câu chuyện mình thuật qua
cho Thiết Khẩu nghe một lượt. Thiết Khẩu nghe xong, cười cười gật gật,
một tay giơ lên vuốt bộ râu trắng xóa dưới cằm, còn một tay thì giơ lên
bấm đốt để tính.
Chàng ta tính toán một lúc rồi ra vẻ tươi cười bảo Diêu Cương rằng:
- Diễn nghĩa sĩ ơi, chẳng qua là cái thời vận của nghĩa sĩ gặp cơn vợ chồng phải tạm ly biệt đó thôi, nhưng rồi sau này thế nào cũng
lại có phen tái ngộ, nghĩa sĩ xin đừng lấy thế làm lo. Hiện nay quý phu
nhân còn đương mắc vòng nguy hiểm nhưng rồi lại được bình yên vô sự mà
có lẽ lại được thảnh thơi hơn trước. Duy thân số đương bị vào lúc "Nhật
Nguyệt Lạp Hãm" cho nên hiện nay dù có hết lòng thăm dò tìm kiếm thì
cũng không thể nào mà thấy được ngay, vậy nghĩa sĩ hãy cứ yên tâm và tôi khuyên nghĩa sĩ cứ đi về mặt Tế Nam, tìm đến một nơi núi non hữu ý, rồi thì vào khoảng sang đầu tháng chín tất là nghĩa sĩ sẽ gặp một người cứu giúp mà sau đó lại được đoàn viên. Đó là mấy lời chân thực của tôi, tôi biết sao thì bảo như vậy, còn sự tin không là tùy nghĩa sĩ.
Diêu Cương nghe mấy câu đó ngơ ngẩn nghĩ thầm, chợt nhớ đến
câu chuyện của Hoàng Vân Nhi đã nói với mình khi trước thì bụng lại bảo
dạ: "Hoàng Vân Nhi nói với ta là đi sang Thiên Bình sơn ở mạn Giang Nam
để đến ngày mùng 9 tháng 9 này sẽ y ước tìm gặp Lục Bất hòa thượng ở gác Duyên Thu. Ngày nay lão này bảo ta nên đi sang mạn tây nam và đến đầu
tháng 9 này sẽ gặp được người cứu giúp. Vậy không khéo chính ứng vào lại được gặp Lục Bất hòa thượng cũng nên...."
Chàng nghĩ tới đó bèn ra dáng trân trọng nói với Thiết Khẩu rằng:
- Lão Đạo trưởng đã có lòng dạy thế, tiểu tử đâu dám sai lời.
Duy hiện nay người vợ của tiểu tử, Đạo trưởng bảo là đương mắc nguy hiểm thì không biết những sự nguy hiểm thế nào, dám xin Đạo trưởng bảo rõ
giúp cho để tiểu tử cũng được yên tâm đôi chút..
Thiết Khẩu lại vuốt râu ngửa mặt lên trời cười mà đáp rằng:
- Thôi bất tất nghĩa sĩ phải hỏi làm chi. Cái đó là thiên cơ
bí mật, tôi đây cũng không dám nói rõ ra, nhưng có điều thế nào rồi sau
đây nghĩa sĩ cũng biết.
Hai người vừa nói chuyện tới đó thì phía ngoài trời mưa đã
tạnh, cảnh vật phong quang lại thấy sáng sủa tưng bừng như trước. Bấy
giờ Thiết Khẩu đứng dậy cười cười gật gật bảo Diêu Cương rằng:
- Thôi! sự thể có thế, nghĩa sĩ cứ nghe lời tôi là được, bất
tất nói lắm làm chi. Duy hiện nay nghĩa sĩ đi đây, lương thực tất là
thiếu thốn, vậy tôi có một ít tiền đây xin tặng nghĩa sĩ làm hành phí.
Nói đoạn liền mở tráp ra, vét vội được tất cả ngót 10 lạng bạc lẻ, trao tất cho Diêu Cương.
Diêu Cương lúc đó có ý ngần ngại không dám nhận, nói với Thiết Khẩu rằng:
- Chúng tôi được gặp Đạo trưởng chưa có một chút công lao gì
mà nay lại nhận tiền của Đạo trưởng thế này, sau đây tôi biết lấy chi
báo đền cho được !
Thiết Khẩu cười ha hả lên mà rằng:
- Nghĩa sĩ nghĩ tẩn mẩn như thế làm gì... Anh em nước bèo gặp
gỡ người ta cứu giúp nhau nhiều chớ mấy lạng bạc con con này có thấm vào đâu mà nghĩa sĩ phải nói cho thêm phiền bụng!
Nói tới đó, Diêu Cương nghĩ chừng không thể từ chối, liền nhận lấy số tiền đó rồi ngỏ lời cảm tạ Thiết Khẩu. Thiết Khẩu đưa tiền xong
rồi liền lại khoác cái tráp lên vai, một tay cắp cái ghế, một tay cầm
cái gậy tấp tểnh quay ra. Diêu Cương thấy vậy thì tỏ ý băn khoăn tiếc
rẻ, cũng đưa chân theo ra tiễn.
Khi ra tới cửa miếu Thiết Khẩu còn quay lại dặn với Diêu Cương rằng:
- Trời đất còn dài, sự nghiệp công danh của nghĩa sĩ cũng còn
nhiều điều quan hệ, vậy xin nghĩa sĩ thận trọng lấy thân. Lão xin từ đây bái biệt.
Nói xong liền xăm xăm đi ra ngoài phía rừng, vụt chốc đã không thấy tăm hơi đâu nữa. Diêu Cương lúc đó vơ vẩn một mình, ngẫm lại những câu Thiết Khẩu đã nói chẳng khác gì trông rõ gan phổi của mình thì bất
đắc lấy làm ghê sợ, bụng bảo dạ rằng:
- "Ông già này không khéo là bậc thần tiên chi đó, cho nên mới biết rõ được tâm sự của mình và bảo mình những lời như thế. Mình tiếc
vì không được theo ông ta mà hỏi những chuyện cát hung sau này để khỏi
phân vân trong bụng. Nhưng thôi, ông ta đã bảo như thế, ta cũng phải
nghe lời và đi sang mặt Giang Nam để tìm Lục Bất đại sư thì sau này tất
là có cơ hội hay được. Ta cần chi mà phải nghĩ ngợi thêm phiền..."
Diêu Cương nghĩ tới đó liền một mình săm săm đi ra, hỏi thăm
đường đi thẳng về mạn Giang Nam, để tới Thiên Bình sơn tìm Lục Bất hòa
thượng.
Vê phần Lục Bất hòa thượng Bành Khải Lôi, sau khi ở nhà Chư Ỷ
Phương cất đặt Vu Anh và Hoàng Vân Nhi mỗi người một việc xong rồi, ông
liền đi chơi quanh quẩn mấy hôm rồi mới lại quay về nhà Chư Ỷ Phương để
thăm hỏi. Bất chợt khi đến nhà Ỷ Phương thì quả thấy Ỷ Phương đã bị Giải Kim Lôi đã dùng pháp thuật bắt đi để hiến sự khoái lạc cho Tiêu Minh
Phượng.
Lục Bất hòa thượng thấy vậy bèn đem lời ngon ngọt dỗ dành Chư Ỷ Phương và cho theo về động Lưu Xuân. Chư Ỷ Phương thấy thế trong bụng
rất hối vì việc không nghe lời Lục Bất hòa thượng hôm trước, nên mới xảy ra những việc nhục nhã đến thân. Lúc đó nàng liền vui lòng theo ngay
Lục Bất hòa thượng về động Lưu Xuân không còn phàn nàn chi nữa.
Cách mấy hôm sau về đến động Lưu Xuân, Lục Bất hòa thượng liền bắt Chư Ỷ Phương bái Lưu Tam Nương làm sư phụ để dạy cho các môn võ
nghệ. Lưu Tam Nương cũng vui lòng dạy ngay.
Sau khi Chư Ỷ Phương ở đó được mấy hôm, Lưu Tam Nương nhân hỏi Lục Bất hòa thượng rằng:
- Con bé Chư Ỷ Phương này là hạng người thế nào, và tại sao
đại sư lại đem nó về đây, mấy hôm nay đại sư không nói cho tôi được
biết...
Lục Bất hòa thượng nghe tới đó, ngửa mặt lên trời, lắc đầu quầy quậy mà rằng:
- Thôi tôi không cần phải nói rồi sau đây bà cũng khắc biết... Thằng bé con Tiêu Minh Phượng bây giờ càng ngày càng đốn có lẽ không
thể nào mà dung thứ được nữa.
Lưu Tam Nương thấy Lục Bất hòa thượng nới như vậy thì đoán
ngay là Tiêu Minh Phượng lại mới làm những việc phi pháp, nàng nhân hỏi
lên rằng:
- Nó thế nào sao ông không nói với tôi, để tôi tìm cách trị ngay nó đi có được hay không?
Lục Bất hòa thượng thở dài một tiếng rồi nói lên rằng:
- Ai không biết thế! Nhưng khốn vì một nỗi cả nhà Tiêu Thất sư đệ chỉ có một thằng ấy là con mà nếu bây giờ mình trị ngay nó đi thì
sao cho đành dạ ! Mà để nó đó, thì...
Nói tới đấy Lục Bất hòa thượng lại im không nói nữa. Lưu Tam Nương ra vẻ sốt sắng lại hỏi ngay rằng:
- Thế nào ông không nói ra ngay cho tôi nghe. Tôi chắc là nó lại lôi thôi gì với con Chư Ỷ Phương đây hẳn?
Lục Bất hòa thượng chỉ cười gật gật rồi đem chuyện Tiêu Minh
Phượng theo Giải Kim Lôi và hiếp hãm Chư Ỷ Phương thuật ra cho Lưu Tam
Nương nghe lại một lượt. Lưu Tam Nương nghe dứt câu chuyện, sa sầm ngay
nét mặt lại, bảo Lục Bất hòa thượng rằng:
- Nếu thế thì còn dung nó làm chi? Ông không liệu trị nó đi
thì không những mình đây mang tiếng, mà sau đây nó còn làm hại những con nhà lương thiện, chưa biết rồi đến chừng nào.
Lục Bất hòa thượng gật gật mà đáp:
- Chính tôi cũng nghĩ như thế nên tôi mới cho Chư Ỷ Phương về ở động đây. Ỷ Phương hiện nay vì Tiêu Minh Phượng hiếp hãm mà đã thụ thai rồi đó, thế là dòng dõi họ Tiêu sau này cũng đã có người nối dõi, ta
không còn phải quan tâm. Vậy bây giờ ta sẽ bắt đầu tính đến công cuộc
trị cả Giải Kim Lôi và nhân tiện vấn tội Tiêu Minh Phượng một thể chứ,
còn tiếc rẻ làm chi...
Lưu Tam Nương nghe tới đó, mới vỡ lẽ các chuyện, từ đó liền
chăm nom cho Chư Ỷ Phương và hết sức dạy dỗ các môn võ nghệ, thầy trò
rất là tương đắc với nhau.
Cách đó ít lâu, một hôm bỗng Lục Bất hòa thượng gọi Lưu Tam
Nương đến, dặn dò mấy việc qua loa và nói sẽ đi ngao du một chuyến. Lưu
Tam Nương không tin, cố ý hỏi xem Lục Bất hòa thượng đi đâu.
Mãi sau Lục Bất hòa thượng nghĩ chừng chẳng giấu được nào, bất đắc đã phải bảo Lưu Tam Nương rằng:
- Tôi đi chuyến này là chính vì việc thằng Giải Kim Lôi đây thôi. Bà bảo nếu không trị nó ngay đi thì mình sao cho yên dạ...
Lưu Tam Nương nghe nói nhân bảo Lục Bất hòa thượng rằng:
- Tôi nghe nói Giải Kim Lôi cũng là một tay đáo để không vừa,
vậy ông đi chuyến này phải nên lưu tâm cẩn thận một chút, nếu không lỡ
ra một tí thì chẳng bõ thiên hạ chê cười.
Lục Bất hòa thượng ngửa mặt lên trời cười ha hả mà rằng:
- Cái đó tôi đã nghĩ lắm rồi, bà bất tất phải để ý đến. Duy ở
nhà bà nên lưu tâm mà dạy chúng nó, thế là đã hết bổn phận của bà.
Nói tới đó thì Lục Bất hòa thượng đã đeo cái túi vải vàng vào cổ rồi vụt biến đi ra để tìm cách đánh phá bọn Giải Kim Lôi.
Đằng kia Dạ Du Thần Giải Kim Lôi cùng Tiêu Minh Phượng sau khi đã đem trả Chư Ỷ Phương về nhà rồi, hai người liền từ giã ngay thành Cô Tô và dắt nhau đi thẳng sang huyện Vũ Tiến
Nguyên đất Vũ Tiến có một ngôi chùa gọi là Đại Bi, là một ngôi chùa rất cổ có tiếng ở mạn Giang Nam. Trong ngôi chùa đó những sư trụ
trì toàn là sư nữ tất cả. Trong đám sư nữ có một người pháp hiệu gọi là
Viên Tôn, vốn là một người con nhà khuê các nhưng vì thất chí trong cảnh gia đình nên tới đó xuất gia đầu phật. Viên Tôn sư thái là một người
kiều diễm tuyệt vời, cả miền Vũ Tiến ai ai cũng lấy làm khen ngợi xưa
nay.
Mấy bữa trước đây Giải Kim Lôi đi qua Vũ Tiến, nhân thấy người ta đồn đại, đã toan vào đó để hiếp Viên Tôn. Nhưng hắn chưa kịp tới nơi thì lại nghe thấy cái tin Tiêu Minh Phượng hiện đương tung hoành ở đất
Cô Tô. Nhân thế hắn bèn sang ngay Cô Tô để tìm Minh Phượng rồi thì giúp
ngay Tiêu Minh Phượng và bắt con gái họ Chư.
Tới nay công việc xong rồi hắn lại nhớ đến Viên Tôn sư thái ở
chùa Đại Bi nên mới dắt ngay Tiêu Minh Phượng về đất Vũ Tiến để tìm.
Hôm ấy vào khoảng buổi tối, hai người đi đến Vũ Tiến, Tiêu
Minh Phượng bèn hỏi thăm lối chùa Đại Bi rồi hai người dắt nhau cùng
đến. Khi đi tới nơi thì mới vào khoảng nửa trống canh một hai người bèn
dùng phép phi hành bay tót cả vào trong chùa.
Vào tới nóc chùa hai người cùng đi ở trên nóc nhà để dò tin
tức Được một lúc đi tới nóc một gian phòng kia thì Giải Kim Lôi bỗng
đứng dừng lại khẽ báo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Đây rồi chúng nó đương đánh cờ với nhau ở đây rồi... !
Tiêu Minh Phượng nghe nói vội ghé tai xuống tận nóc nhà, lắng nghe một lúc rồi đứng lên khẽ bảo Giải Kim Lôi:
- Đạo trưởng nói thế nào, chứ tôi nghe không thấy tiếng chi hết cả...
Giải Kim Lôi cười cười gật gật và khẽ nói:
- Tôi nghe đích xác lắm rồi, anh cứ đi xuống với tôi thì khắc biết.
Nói đoạn hai người bèn nhẹ nhàng bay xuống dưới sân, không hề
có một tiếng chi động đậy. Xuống tới sân rồi, Giải Kim Lôi liền cùng
Tiêu Minh Phượng đến trước cửa một gian phòng kia và tìm một chỗ khe cửa bảo Minh Phượng nhìn vào.
Minh Phượng nhìn vào thì quả nhiên thấy có một nhà sư trẻ
trung đẹp đẽ, đương ngồi dưới bóng nến sáng, cùng đánh cờ với một vị sư
nữ đã già. Minh Phượng cố ý nhìn kỹ thấy vị sư nữ trẻ tuổi kia mắt
phượng mày ngài, nước da trắng muốt, rõ ra một bậc khuynh quốc khuynh
thành. Hắn đương chăm chỉ ngắm nghía thì thấy Giải Kim Lôi đã giật áo
kéo ra, và lấy tay vẫy vẫy bảo ý cùng đi. Tiêu Minh Phượng liền để cho
Giải Kim Lôi đi trước, tự mình lẽo đẽo theo sau, cùng đi vào nơi cửa
giữa.
Vừa vào tới cửa, Giải Kim Lôi chưa kịp bước lên thì đã thấy vị sư nữ trẻ là Viên Tôn sư thái bỗng đứng phắt ngay lên, quát một tiếng
to rằng:
- Đồ trẻ ranh, lại muốn đến đây trêu ghẹo ta sao?
Vừa nói dứt lời thì người sư già đã cầm một cái quân cờ nhằm giữa mặt Giải Kim Lôi ném ra, tiếng bay vù vù như gió.
Giải Kim Lôi thấy vậy thì trong bụng đã giật mình kinh sợ, vội vàng giơ tay lên bắt lấy quân cờ. Đoạn rồi hắn ta trông thấy ở trên chỗ ấn đường vị sư già, hình như có một đạo bạch quang quanh co phảng phất
bốc ra. Giải Kim Lôi thấy vậy thì biết ngay không phải là tay tầm
thường, bèn đứng dừng lại yên định tinh thần để nghĩ cách đối phó.
Duy Tiêu Minh Phượng thì không biết đầu đuôi ra sao, hăm hăm
hở hở nhảy tót ngay vào múa kiếm lên chém thẳng vào mặt sư già. Sư già
trông thấy, vẫn cứ ung dung, mỉm cười một tiếng, rồi giơ cái tay áo nhà
chùa rộng thùng thình chỉ hơi phất lên một cái thì liền đấy thanh kiếm
của Tiêu Minh Phượng từ ở trong tay rơi tọt ngay ra, rồi chàng cũng theo với thanh kiếm mà ngã vật xuống.
Giải Kim Lôi tức giận lạ lùng liền cũng rút ngay thanh kiếm ở
bên mình ra, sấn vào để đánh. Vị sư già kia vẫn cứ điềm nhiên vô sự múa
hai cái tay áo thùng thình lên để chống đỡ với thanh kiếm của Giải Kim
Lôi.
Lúc đó Tiêu Minh Phượng lóp ngóp bò dậy, biết là mình bị ngã
một cái quá đau, trong bụng lấy làm thẹn, không dám thò lên đánh nữa,
đành đứng nép vào một bên, giương hai con mắt thô lố để xem. Chàng ta
nhìn thấy kiếm pháp của Giải Kim Lôi đánh ra loang loáng như là luồng
điện quanh quẩn bên mình, so với kiếm pháp của chàng thì trăm nghìn phần chàng không được một. Thế mà mụ sư già kia vẫn ung dung như thường, chỉ có hai tay áo không múa may đối địch cùng đã khiến cho thanh kiếm của
Giải Kim Lôi không thể nào bén vào người được.
Tiêu Minh Phượng thấy vậy lại càng lấy làm kinh sợ, lắc đầu lè lưỡi đứng im thin thít để nhìn. Đương khi ấy thì chợt thấy Giải Kim Lôi nhảy tót lùi lại mấy bước, rồi há mồm thở ra một đạo kiếm quang thẳng
vút sang đánh sư già. Sư già lại cười nhạt một tiếng rồi cũng há mồm
thổi phi kiếm ra để chống cự lại.
Đoạn rồi hai đạo kiếm quang cùng nhau thi sức giữa khoảng
không, làm cho cảnh vật trong nhà cũng phải rung rinh chuyển động mà bên nào cũng không chịu kém bên nào.
Hồi lâu chợt thấy vị sư già kia ra vẻ khinh khỉnh, cười hỏi Giải Kim Lôi rằng:
- Chẳng hay lão đạo sĩ tên họ là gì, có thể cho bần ni nghe biết được chăng?
Giải Kim Lôi cười ha hả lên mà đáp:
- Bần đạo tức là Dạ Du Thần Giải Kim Lôi, sư thái đã biết hay chưa? Vậy sư thái tên họ là gì? Cũng nên cho tôi được biết.
Sư già mỉm cười mà đáp rằng:
- Hóa ra đạo trưởng là Dạ Du Thần, thế mà hôm nay bần ni mới
biết... Chẳng giấu gì Đạo trưởng, bần ni đây chỉ là một người vô danh
tiểu tốt, mà người ta thường gọi là Tây vương mẫu Cam nương nương đây...
Sư già nói tới đó thì Giải Kim Lôi lại cười to lên rằng:
- Thế thì hay lắm! Sư thái lại là một nhà đạo pháp rất giỏi trong phái Nga Mi, vậy bần đạo hãy tạm xin từ biệt.
Nói tới đó liền thu ngay phi kiếm lại rồi dắt Tiêu Minh Phượng quay ngoắt một cái trở ra đi thẳng.
Sau khi bọn Giải Kim Lôi đi rồi, Cam nương nương nhân cười bảo Viên Tôn sư thái rằng:
- Con là con nuôi của ta, nên ta mới nói thực cho con nghe. Ta đây với Lục Bất hòa thượng Bành Khải Lôi, nguyên cũng là một phái Nga
Mi, có khi nào mà ta dung cho thằng Giải Kim Lôi sống được. Nhưng có một điều hiện nay ta hãy tạm tha cho nó, rồi sau đây dù nó đi đâu cũng
không thể nào mà tránh thoát cái tay Bành sư huynh ta được. Vậy con cứ
thử lặng xem rồi sau đây sẽ biết.
Viên Tôn sư thái nghe tới đó, lặng yên vâng lời để ngẫm xem sau đó ra sao.
Về phần Giải Kim Lôi cùng Tiêu Minh Phượng lúc đó nghe rõ tính danh Cam nương nương thì biết là không địch nổi, cho nên phải đành chịu nhún chạy tháo lui ngay.
Khi ra tới cổng chùa. Giải Kim Lôi quay lại không thấy Cam
nương nương theo đuổi phía sau thì mặt hắn có vẻ tươi cười bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Ta đã khéo biết con mụ ấy có khi nào mà đuổi ta ra đây... Từ nay ta dặn anh nên nhớ lấy, bọn nó cũng là đảng phái trong phái Nga Mi, nếu có gặp đâu thì chớ dây vào mà lỡ.
Tiêu Minh Phượng nhân hỏi Giải Kim Lôi:
- Lúc đó lão đạo trưởng đã dùng phi kiếm đánh nó, vậy sao Đạo
trưởng không giết nó đi, để cho sau này khỏi phải quan tâm đến nữa.
Giải Kim Lôi cười sằng sặc mà rằng:
- Trị một mình nó thì có khó chi, nhưng sở dĩ ta chưa hạ thủ
vội ngay, là vì còn nể mọi người trong đảng phái của nó mà thôi. Nhưng
dù thế nào mặc lòng, con mụ Viên Tôn còn có ta đây rồi thế nào ta cũng
có phen gặp nó.
Nói đoạn lại ra ý dương dương tự đắc hình như chẳng coi ai
cũng chẳng ra gì. Bất chợt đương khi đó, hắn chợt nghe thấy phía trước
có tiếng người đi, rồi ngẩng lên nhìn thì thấy Lục Bất hòa thượng Bành
Khải Lôi ở đâu hiển hiện ra trước mặt. Tiêu Minh Phượng thấy vậy giật
mình đến thót, sợ hãi cuống cuồng, chân tay run rẩy mà hai mắt thì đổ
bàng quang.
Giải Kim Lôi lúc đó cũng có ý hơi gờm gờm, nhưng hắn vẫn làm bộ cứng cỏi cười hỏi Lục Bất hòa thượng rằng:
- Ái chà, anh sư "riệu thịt" này đi đâu mà cũng đêm hôm lọ mọ đến đây.
Bành Khải Lôi ngửa mặt lên trời cười sằng sặc lên mà nói:
- Quái thật! lão Đạo trưởng hỏi tôi câu ấy thì vô lý quá! Đạo trưởng làm gì mà bây giờ quanh quẩn ở đây!
Giải Kim Lôi nghe dứt lời, cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Thôi hòa thượng ơi! Hòa thượng đừng giở mặt điên cuồng trước mặt người ta thế nữa. Từ nay tôi khuyên hòa thượng những lối mập mờ như thế, hòa thượng chỉ nên xếp lại mà thôi.
Được lắm, lão đạo trưởng nói thế tôi cũng đủ hiểu rồi. Tôi ước ao rằng chúng ta có một ngày nào gặp mặt với nhau, để so xem anh nào
hơn kém, bấy giờ rồi ta sẽ biết.
Giải Kim Lôi ra dáng nghiêm nghị mà bảo Lục Bất hoà thượng:
- Ông đã định thế thì tùy ý ông chọn lựa, muốn định hôm nào
cũng được, ông cứ đến Tam Tinh quán ở núi Long Hổ, bấy giờ ta gặp nhau.
Bành Khải Lôi gật gật mà rằng:
- Nếu thế thì còn nói gì nữa. Tôi xin hẹn đến mồng 8 tháng 10 tôi sẽ đến đó để tiếp Đạo trưởng.
Nói tới đó Lục Bất hòa thượng lại quay sang bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Thằng bé con khá lắm, bây giờ ngươi đã có sư phụ xứng đáng
đấy rồi, chắc là ngươi không còn sợ hãi điều chi. Vậy đến hôm ấy ngươi
chớ nên tránh đi đâu mới phải.
Tiêu Minh Phượng nghe nói chỉ xám mặt lại không dám nói lấy
nửa lời. Lục Bất hòa thượng cũng không thèm hỏi đến nữa, liền quay gót
đi thẳng vào lối chùa Đại Bi để tìm Cam nương nương sư muội.
Giải Kim Lôi thấy Lục Bất hòa thượng đi rồi, quay lại nhìn đến Tiêu Minh Phượng thì thấy Tiêu Minh Phượng đứng ngây người ra, chẳng
khác chi một khúc gỗ. Giải Kim Lôi liền chạy đến vỗ vào vai Minh Phượng
mà hỏi lên rằng:
- Anh làm cái gì mà đứng ngây người ra đấy? Hay là lại nghĩ vơ vẩn đến chuyện Chư Ỷ Phương chăng?
Tiêu Minh Phượng bị Giải Kim Lôi vỗ vào vai mấy cái, giật mình đến choàng, tựa như người ngủ mơ tỉnh dậy liền quay ra theo Giải Kim
Lôi đi về nhà trọ.
Khi về tới nhà trọ thì vừa tới hết trống canh hai, Giải Kim
Lôi giục Tiêu Minh Phượng đi ngủ, song Minh Phượng vẫn ra dáng lo nghĩ
vẩn vơ, trông mặt như người mất vía.
Giải Kim Lôi thấy vậy biết là Mình Phượng có ý lo ngại người việc sau này, hắn liền lấy lời an ủi mà rằng:
- Anh cứ vững tâm không sợ, còn có ta đây, dù xảy ra việc chi
ta cũng không khi nào để cho anh mắc vòng nguy hiểm. Anh nên biết, chỗ
Tam Tinh quán của ta, gọi là thằng cha ấy có đến đấy cũng khó lòng mà đi cho thoát.
Minh Phượng nghe nói ngạc nhiên mà hỏi lại rằng:
- Làm sao sư phụ lại nói như thế.
Kim Lôi cười cười gật gật mà rằng:
- Anh nào biết chỗ miếu của ta, dẫu Đại La kim tiên tới đó
cũng còn giật mình kinh sợ nữa là những hạng tầm thường như Lục Bất hòa
thượng... Chẳng tin thì ta đưa anh về đó cho anh trông thấy rõ ràng rồi
anh mới biết...
Tiêu Minh Phượng nghe mấy câu ấy trong bụng cũng đã hơi nguôi
nguôi đỡ sợ, liền quay ra đi ngủ một giấc cho mãi đến sáng hôm sau. Ngày hôm sau hai thầy trò trở dậy, cơm nước xong rồi, Giải Kim Lôi bèn tính
trả tiền hàng, cùng nhau cử bộ đăng trình, trông chừng về nẻo Giang Tây. Trong khi đi đường, trải qua những chốn phồn hoa đô hội, đến đâu có
cảnh thú vui, là hai thầy trò lại lưu luyến chơi bời đến đó. Bởi thế nên suốt dọc đường từ giải Vũ Tiến đến đất Giang Tây, những nơi Giải Kim
Lôi và Tiêu Minh Phượng đã bước đi qua. đều xảy ra biết bao những trang
phụ nữ phong lưu, đã bị hai tay tàn ác ấy làm cho mất cả danh tiết xưa
nay, mà không hề một ai biết tới.
Cách ít lâu, một hôm là ngày 16 tháng 9 đã đi đến đất Giang
Tây. Khi đi cách thành Giang Tây còn chừng vài bốn mươi dặm nữa thì chợt thấy phía xa xa hiện ra một khu rừng núi rất là bao la rậm rạp.
Giải Kim Lôi trỏ khu rừng núi ấy bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Nhà ngươi đã trông thấy hay chưa? Chỗ kia tức là dãy núi
Long Hổ, mà quán Tam Tinh của ta thì liền tựa ngay kèm núi ấy. Ta nhìn
tuy xa thế, nhưng đây chỉ còn cách độ dăm bảy dặm nữa, vậy ta nên thu
phép phi hành để đi bộ với nhau mà xem phong cảnh một thể.
Tiêu Minh Phượng nghe nói liền cùng thu phép phi hành cùng
xuống mặt đất, rồi thầy trò kéo nhau trông đường thẳng quán Tam Tinh.
Quán Tam Tinh đó nguyên là một tòa lâu đài rất rộng, ngang dọc có tới mười mấy mẫu đất liền nhau. Trước đây Giải Kim Lôi đã chịu phí
tổn kể hàng hai, ba mươi vạn lạng vàng đã dùng hết tinh thần tâm lực
trong mười mấy năm trời rồi mới sửa sang được thành cơ ngũ. Những cung
thất trong đó, Giải Kim Lôi đều phỏng theo những kiểu rất sang trọng ở
các nơi miếu cổ chùa xưa và những kiểu mẫu lâu đài trong các chỗ hoàng
thành, mà châm chước vẻ riêng làm một kiểu mới.
Ngoài đó từ cổng trở vào, mỗi khi qua một lần cửa là Giải Kim
Lôi lại có đặt máy móc làm rất tinh xảo, không thể một ai biết được. Ở
trong Tam Tinh quán, tất cả đồ đệ của Giải Kim Lôi, có tới 2, 3 trăm
người mà đều cắt đặt mỗi người một việc, không ai là được lộn xộn với
ai. Những việc chi dụng ở trong quán đó đều do những tay trộm cướp giang hồ ở quanh các mạn gần xa mạn ấy phải hàng tháng đem đến nộp cho.
Bởi thế nên ngoài sự bao dung đồ đệ, Giải Kim Lôi lại còn huy
hoắc chơi bời, mà lúc nào cũng vẫn phong lưu dư dật, không hề thiếu thốn bao giờ.
Hôm ấy Giải Kim Lôi dắt Tiêu Minh Phượng về quán Tam Tinh thì
đưa ngay lên trên điện Tam Thanh, là một tòa điện lộng lẫy nguy nga nhất trong quán ấy. Thoạt tiên Giải Kim Lôi bảo Minh Phượng cứ lần lượt ra
chào. Kế đó lại mời 24 vị pháp quan và 49 tên hộ pháp tôn giả, đều đến
trước điện để cho Minh Phượng chào cả một lượt. Nhưng bọn người đó đều
là những tay thủ lĩnh cao cường, mà Giải Kim Lôi vẫn thường quý trọng
xưa nay, cho nên mới bắt Minh Phượng mời chào trước hết.
Ngoài ra còn các người khác là những hạng võ tầm thường thì Giải Kim Lôi đều cho miễn lễ mà không bắt Minh Phượng phải chào.
Khi chào qua một lượt Giải Kim Lôi lại dẫn Tiêu Minh Phượng đi vào một tòa nhà bí mật chỉ dẫn cho xem. Tiêu Minh Phượng bước vào tới
nơi thì thấy tòa nhà ấy cao to lộng lẫy, xung quanh tường vách đều vẽ
sơn hoa, mà ở dưới mặt đất đều trải những tấm nhung đầy đặn, đặt chân
lên êm mát lạ lùng.
Xem quanh một lúc rồi Giải Kim Lôi bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Chỗ này la chỗ tiêu dao của ta đây. Ngươi đã vào đây thì thế nào ta cũng sẽ cho được hưởng. Ở trong cung này, thường thường lúc nào
ta cũng chứa đủ hàng trăm con gái, mà người nào cũng là đẹp đẽ lạ lùng.
Trong một năm trời, số con gái đó ít ra cũng chết mất vài ba chục người, nhưng ta lại bắt đồ đệ đi kiếm về ngay, không để lúc nào thiếu số.
Ngươi ở đây lâu rồi ngươi cũng sẽ học được những cách hành động của ta,
dù vua chúa công hầu cũng không thể làm gì ta được.
Tiêu Minh Phượng nghe mấy câu đó vâng dạ luôn mồm, nét mặt tỏ
ra thái độ vui thích vô cùng. Giải Kim Lôi lại dẫn chàng đi vào phía
trong, đến ngay chỗ cột cái to kia, giơ tay vỗ vào cái cột rất mạnh thì
thấy ở bên ngay chỗ vách đó bỗng có một cái cửa mở ra. Rồi kế thấy ở
phía trong có tới 8, 9 mươi người con gái, ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, mặt mũi xinh đẹp, nhác trông chẳng khác gì thần tiên. Tiêu Minh Phượng
trông thấy vậy thì tâm hồn mê mẩn, nhìn hết người nọ đến người kia,
không hề lúc nào ngơi mắt.
Chợt thấy Giải Kim Lôi cười khanh khách hỏi Tiêu Minh Phượng rằng:
- Hết thảy trong đám đây nhà ngươi muốn thích người nào thì ta cho chọn lấy tùy ý, ta không ngăn cấm làm chi...
Tiêu Minh Phượng nghe nó vội vàng cúi thụp xuống lạy Giải Kim Lôi mà rằng:
- Đại sư tha tội cho đệ tử có đâu lại dám ước sằng như thế!
Giải Kim Lôi lại cười to lên mấy tiếng rồi chọn một người trẻ trung đẹp đẽ nhất trong đám đó gọi đến mà bảo rằng:
- Đây là một người bạn tốt của ta mới đến ngươi phải hầu hạ cho tử tế, không có thì ta là trị tội ngay.
Nói tới đó lại quay sang bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Nhà ngươi cứ tự do... Rồi đây còn nhiều vẻ thú hơn, đến đâu ta sẽ bảo ngươi đến đó.
Giải Kim Lôi nói dứt tới liền quay ngoắt trở ra, để mặc cho
Tiêu Minh Phượng cùng người con gái kia ở đấy. Từ đó Tiêu Minh Phượng
lấy làm khoái hoạt vô cùng, bèn lưu luôn ở quán Tam Tinh, không hề lo
nghĩ đến một điều chi.
Rồi bỗng một hôm kia, Tiêu Minh Phượng đương hú hí thì thấy có người chạy vào báo rằng:
- Giải tôn sư có lệnh, xin mời Tiêu sư huynh sang bên mật thất để bàn công việc rất cần.
Tiêu Minh Phượng nghe nói vội vội vàng vàng theo người ấy cùng đi. Người kia dẫn chàng đi quanh co trải qua mấy mươi lần cơ quan bí
mật, rồi đến một nơi ấy thì bỗng đứng dừng ngay lại Tiêu Minh Phượng để ý nhìn quanh, thấy đó cũng là một tòa nhà rất rộng, nhưng cách trang
hoàng thì thật là sơ sài giản tiện: ở phía trong nhà ấy, trên cao treo
một bức hoành có viết ba chữ "Tiết nhi môn" rất lớn. Ở dưới bức hoành
chính giữa có treo một bức cổ họa rất to và hai bên có treo kèm một đôi
câu đối, nét bút nhác trông sướng kính lạ lùng. Tiêu Minh Phượng còn
đương nhìn ngắm ngẩn ngơ thì người kia đã chạy đến một cái cột ở ngay
sát phía vách trong, giơ tay lên chỗ ngang trước mặt mà đánh vào cột một cái thì liền đó thấy cái bức họa ở giữa từ từ kéo rút lên trên, và hiện ngay ra một cái cửa sâu thăm thắm vào trong.
Người kia liền trỏ vào cái cửa bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Tôn sư hiện ở trong này, sư huynh cứ vào thẳng đó.
Tiêu Minh Phượng nghe nói, bèn rón rén đi ngay vào trong cửa
đó. Khi chàng vừa bước chân vào khỏi cửa, quay nhìn trở lại thì thấy cái cửa đã đóng ập lại rồi.
Rồi liền thấy phía trong có tiếng người gọi to lên rằng:
- Tiêu hiền khế, ngươi cứ đi thẳng vào đây ta bảo.
Tiêu Minh Phượng nghe tiếng người nói thì hiểu ngay là tiếng
Giải Kim Lôi, chàng bèn ung dung từ tốn lần bước đi vào, trong khi bước
đi, chàng vẫn để ý xem ngắm thì thấy đó là một gian nhà lục lăng, chế
tạo một cách rất là tinh xảo, xung quanh gian nhà các mặt tường đều có
treo đầy các bức cổ hoa, bức nào bức ấy trông đều đẹp đẽ tuyệt trần.
Phía dưới gian nhà thì thấy lát toàn một màu đá gấm đánh bóng lộn lên,
có thể soi gương trông rõ được cả mặt mình. Ở phía trên gian phòng ấy
đều có ghép kính ngũ sắc, những màu xanh đỏ trắng vàng ở trên soi xuống, làm cho trong phòng lại tăng cái vẻ lộng lẫy ưa nhìn. Phía trong phòng
đó thấy kê một cái giường bát bảo có màn che rủ xung quanh. Phía trên
màn gấm lại có những hạt lưu ly tua tủa rủ xuống, nhác trông lóng la
lóng lánh như là những vị sao sa.
Tiêu Minh Phượng bước vào gần tới nơi thì thấy Giải Kim Lôi
đương ngồi chễm chệ, hai bên, hai cửa màn đều vén cả lên và có một người con gái đẹp đẽ tuyệt vời, ăn mặc một lối rất lịch sự đương ngồi hầu
ngay bên cạnh. Giải Kim Lôi thấy Tiêu Minh Phượng vào đó thì trỏ cái ghế ở gần ngay phía trước cửa giường và bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Anh vào ngồi đây... cho ta nói chuyện...
Tiêu Minh Phượng nghe nói rón rén đi vào, chắp tay vái dài một cái, xin phép Giải Kim Lôi rồi mới dám ngồi.
Giải Kim Lôi liền hỏi Minh Phượng rằng:
- Từ hôm anh vào đây tới nay, trong ý anh nghĩ thế nào? Anh
thử so sánh với khi ở cùng Lục Bất hòa thượng thì phỏng ngày nay có thú
vị hơn không?
Tiêu Minh Phượng ra dáng lễ phép mà nói:
- Đệ tử đến đây thực là mong ơn sư phụ thương cho hết thảy mọi điều. Đệ tử dù có nát thịt tan xương cũng không còn có chút chi hối
hận.
Giải Kim Lôi gật đầu mỉm cười rồi lại hỏi luôn rằng:
- Bữa trước ta hẹn với Lục Bất hòa thượng là đến mồng 8 tháng
mười thì sẽ tới đây, vậy nay là mồng mấy rồi, anh có nhớ tới hay không!
Tiêu Minh Phượng nghe tới câu đó thì bỗng lại giật mình đến thót, ngẩn hẳn người ra một lúc rồi nói lên rằng:
- Thưa sư phụ, hôm nay đã là mùng 6 tháng 10 rồi, chỉ còn có 2 hôm nữa là đến mồng 8 mà thôi. Vậy sư phụ định cách xử trí ra sao, xin
sư phụ truyền cho đệ tử được biết.
Giải Kim Lôi nghe hỏi bèn đứng ngay đậy chạy ra khẽ vỗ vào vai Tiêu Minh Phượng, rồi cười ồ lên mà bảo rằng:
- Ta cũng hỏi thử nhà ngươi như thế mà thôi.., chứ các việc
đối phó với Lục Bất hòa thượng thì ta đã sắp đặt cả rồi, bất tất phải
ngươi nghĩ tới.
Nói tới đó, Giải Kim Lôi liền chạy vào chỗ đầu giường, giơ tay ấn lên trên cái chấn song ở đầu giường một cái thì bỗng nghe thấy bốn
bên phía ngoài đều có tiếng chuông inh ỏi nổi lên. Rồi kế đó liền thấy
cánh cửa đằng trước mở ra và có 3 người ở ngoài bước vào. Tiêu Minh
Phượng nhận kĩ ra thì thấy ba người ấy tức là một người đứng đầu trong
bọn 36 vị Đại pháp sư một người đứng đầu bọn 24 vị pháp quan và một
người đứng đầu trong bọn 49 người Hộ pháp tôn giả.
Tiêu Minh Phượng thấy 3 người đi vào gần tới nơi, chàng vội
vàng đứng dậy, nghiêng mình cúi chào. Ba người kia chỉ khẽ nghiêng đầu
chào lại, rồi quay ngay sang, đều đứng chắp vòng hai tay trước ngực mà
nói với Giải Kim Lôi rằng:
- Sư phụ có việc gì phán bảo? Chúng tôi đã xin nghe lệnh vào đây.
Giải Kim Lôi gật đầu mà rằng:
- Mấy bữa trước đây ta bảo cho các ngươi phải kíp sữa những
chốn cơ quan bí hiểm, để chờ Lục Bất hòa thượng tới đây. Vậy chẳng hay
các ngươi đã sửa soạn xong chưa?
Ba người kia nghe nói liền ra dáng cung kính mà rằng:
- Vâng lệnh tôn sư dạy bảo, anh em chúng tôi đã phải sửa soạn
xong rồi. Hiện nay các chốn cơ quan cùng những nơi đường đi lối lại
chúng tôi đều đã chỉnh đốn sửa sang chỉ còn đợi hắn đến đây thì là vỗ
tay mà ăn mừng đó.
Giải Kim Lôi nghe tới đấy, ra vẻ tươi cười tự đắc bảo ba người rằng:
- Nếu vậy thì hay lắm... Nhưng các anh cũng cứ phải cẩn thận
từng tí từng li mới được, nếu hớ hênh một tí thì tất là nguy hiểm không
chơi...
Nói đoạn liền bảo cho 3 người kia đi ra, rồi lại dặn dò Tiêu Minh Phượng các cách, để sau đây đối đãi cùng Lục Bất hòa thượng.