Khánh Hi Kỷ Sự

Chương 19: 19 Chiêu Phúc


Sáng sớm hôm sau, lúc Tịch Tà tỉnh dậy, Tê Hà đã đợi ở bên ngoài, mời hắn đến chỗ vắng, ghé vào lỗ tai hắn nói nhỏ: “Úc Tri Thu”.
“Đúng vậy”.

Tịch Tà gật đầu cười nói.
Chức trách của Tê Hà ở ngoài cung, vẫn chưa biết ngọn nguồn, bèn hỏi: “Gã là người gia cất nhắc lên, nghĩ thế nào mà lại ám sát gia chứ?”
Tịch Tà nói: “Công chúa Cảnh Ưu không muốn lấy chồng đến Đại Lý, chẳng phải là vì có tư tình với gã đó sao? Gã cho rằng tôi ở phá vỡ cuộc hẹn riêng của gã và công chúa ở hành cung Thượng Giang, bây giờ công chúa không chịu lấy chồng, gã lo sự việc đã bại lộ, vội vã tìm tôi diệt khẩu cho hả giận đấy”.
Tê Hà nói: “Là tôi lỗ mãng, lại đưa thiếp mời đến ngay dưới mắt thị vệ cửa Tử Nam, chẳng phải là bô bô nói cho gã biết ban đêm lục gia ở ngoài cung ư? Gã có lòng dạ khó lường, gia phải cẩn thận đấy”.
“Chả sao”.

Tịch Tà nói: “Tối hôm qua thằng nhóc lần theo dấu vết là ai thế? Khinh công rất giỏi”.
“Đó là của con nuôi của tôi, tên mụ là Ưu Quan Nhi”.

Tê Hà bảo: “Nó xuất thân từ trong gánh hát, sau này cha mẹ không nuôi nổi nữa mới bán vào trong viện, tôi thấy nó thông tuệ, vẫn luôn dẫn theo bên mình”.
“Trẻ thật”.
“Còn không phải sao? Chỉ có mười sáu tuổi thôi ạ.

Lúc đầu muốn dẫn nó qua đây chào hỏi gia nhưng sáng sớm hôm nay đã sai nó đến phía tây rồi”.

Tê Hà thấy Tịch Tà gật đầu định đi, vội hỏi: “Gia, tên Úc Tri Thu này thật là to gan, lại thù hằn lục gia, thả đi thì đúng là rầy rà, có cần…”
“Cứ chờ việc lớn tạm bình ổn, tất sẽ lấy đầu gã”.

Tịch Tà thở dài bảo: “Người này kích động khó kiềm chế, lòng dạ đã hẹp hòi lại thích làm chuyện ngu xuẩn, tiếc nỗi thân thủ gã tốt như thế, nếu như vẩy ít máu nóng ấy ở trên chiến trường thì hay rồi”.
Tê Hà cười hỏi: “Lục gia đã nói như vậy còn khó nhọc à?” Tinh mơ tiết trời lạnh, Tê Hà dặn dò người giũ một bộ áo lông mèo rừng cho Tịch Tà mặc.

Vú già đó cười nói: “Ma ma chớ mắng tôi lười, bộ áo da lông này không giũ cũng được, trong cung đã có người cầm bọc quần áo tới đón lục gia rồi”.
“Mau mời vào”.
Quả nhiên là Tiểu Thuận Tử cắp bọc quần áo, mặt mày rạng rỡ đi vào, hết nhìn đông lại nhìn tây.

Tịch Tà hỏi: “Sao lại tìm tới đây?”.
Tiểu Thuận Tử lén đưa mắt ra hiệu tránh Tê Hà, nói: “Chị Minh Châu nghĩ thầy mặc quần áo mỏng manh nên bảo con cửa cung mà mở thì cầm áo choàng nhung dê tới”.
Tịch Tà hiểu ý, vội vàng cáo từ, đi ra rồi lên xe.

Tiểu Thuận Tử chen vào bên cạnh hắn, nói: “Tình hình nghiêm trọng rồi, trong cung loạn ráo hết cả”.
Tịch Tà trách cậu phóng đại, hỏi: “Có thể có chuyện nghiêm trọng gì chứ?”.
“Tối hôm qua vạn tuế gia đến cung Tiêu Cát, đi được một lát thì tấu sớ của Tây vương liền đến, người trực trong cung Càn Thanh là nhị gia, không dám quấy rầy thánh giá.

Nào ngờ vào nửa đêm sư thúc Khang Kiện đã lén đến viện Cư Dưỡng, nói là Tây vương có một phong mật thư khác chuyển đến cung Từ Ninh, sau khi xem thái hậu rất không vui.

Quả nhiên sáng ra đã sai người mời hoàng thượng, lại đúng lúc cung Tiêu Cát gấp gáp cho đòi thái y, lúc này chẳng biết có phải thánh thể không khỏe hay không.

Trong cung loạn như cháo, nhị gia sai Tiểu Hợp Tử tới truyền tin, bảo thầy mau về”.
Tịch Tà hơi giật mình, nói: “Ta biết rồi”.

Tiểu Thuận Tử đã thò đầu ra, thúc giục phu xe đi vội.
Lúc họ chạy về cung Càn Thanh, chỉ có thái giám ngự tiền Lý Cập đứng ở ngoài cửa, bị Tịch Tà tóm cánh tay lại hỏi: “Long thể vạn tuế gia có an khang không?”.
“Vẫn khỏe, thánh giá đang ở cung Từ Ninh”.

Lý Cập là một người lanh mồm lanh miệng, không nhịn được thấp giọng nói: “Chắc anh sáu vẫn chưa biết, người gọi thái y là Hoà thục nghi, nghe nói là sáng dậy ngất đi trước mắt vạn tuế gia, làm vạn tuế gia rất sợ hãi”.
Tịch Tà thở phào nhẹ nhõm, không kịp nghĩ kĩ đã nói: “Vạn tuế gia không việc gì là tốt.

Giờ tôi đến cung Từ Ninh chờ chỉ”.
Lý Cập líu lưỡi nói: “Thế phải cẩn thận đấy.

Hôm nay hai vị chủ nhân đều không thoải mái đâu”.
Tất nhiên Tịch Tà không muốn đến cung Từ Ninh, chỉ vì lo lắng bức mật thư đó của Tây vương Bạch Đông Lâu nên không thể không lặng lẽ đi tới cửa Từ Ninh, trong viện đã đầy người đứng, đông nghịt nhưng hoàn toàn yên tĩnh.

Như Ý khẽ vẫy tay với hắn, mới thấp giọng nói một câu “Hình như bên trong cãi nhau rồi” đã nghe trong cung “đùng” một tiếng, hoàng đế tái xanh mặt, tự mình đẩy cửa đi ra, lúc xuống bậc thềm thì lảo đảo, để Cát Tường nhanh tay đỡ lấy.
“Đi!” Hoàng đế cắn răng nói.
Cát Tường thấy tình thế không ổn, nào dám tỏ ra kiêu ngạo như ngày thường, chỉ quát khẽ: “Vạn tuế gia khởi giá!”.
Tịch Tà kinh ngạc nhìn Như Ý, thấy y chỉ cười khổ, cũng không dám nhiều lời.

Ai nấy ở đây đều câm như hến, mở to mắt nhìn hoàng đế vén quần áo bước lên liễn.
“Hoàng thượng đợi đã, xin hoàng thượng dừng chân”.

Hồng Tư Ngôn chạy ra từ trong chính điện, vội giữ cán kiệu của loan giá lại, thấp giọng cầu xin: “Hoàng thượng hãy vào trong nhận lỗi đi, hoàng thượng cứ vậy mà đi thì sau này còn có thể vào cung Từ Ninh này ư?”.
“Cô muốn trẫm nhận lỗi gì?” Hoàng đế lạnh lùng trông bà ta.
Hồng Tư Ngôn gấp đến độ quỳ xuống đất, đau khổ nói: “Hoàng thượng hiểu lầm rồi, nô tỳ đã hầu hạ bên thái hậu ba mươi năm, làm sao không rõ suy nghĩ của thái hậu? Trong thiên hạ này có người mẹ nào không che chở cho con trai mình? Có người mẹ nào lại đi giúp đỡ kẻ khác đối phó với con trai mình chứ?”.
Hoàng đế ngẩn ra, nhuệ khí giảm xuống, nói: “Cô Hồng nói quá lời rồi”.
Hồng Tư Ngôn đang định nói đến chỗ quan trọng, lại thấy mọi người trợn ngẩn tò te mà nhìn, bèn quát lên: “Các người còn không lui xuống”.
Hoàng đế đã nói khởi giá, còn có ai dám dừng bước, nghe Hồng Tư Ngôn nói như thế thì đều đưa mắt nhìn nhau.

Hoàng đế là người vô cùng sĩ diện, không chịu mở miệng nói ở lại.

Cát Tường ở bên cười làm lành: “Vâng, cô Hồng có lời muốn nói riêng, nô tỳ xin vạn tuế gia dừng chân”.

Nói rồi ngầm xua tay với mọi người, đám người theo hầu lập tức lui ra ngoài cửa như gió cuốn mây tan.
Hoàng đế cực chẳng đã, than thở: “Cô Hồng đứng lên mà nói”.
Hồng Tư Ngôn đứng lên trách mắng bên tai hoàng đế: “Hoàng thượng quá lỗ mãng.

Sao mới nói đã nổi giận thế?”.
“Bạch Đông Lâu gửi một bức thư qua đây tố cáo, mẫu hậu đã vội vã truyền chiếu nhiều lần, vừa trông thấy là trách cứ một trận.

Trẫm chỉ thấy mẫu hậu dốc hết sức bảo vệ ông ta nhưng hoàn toàn không thông cảm cho trẫm đang lúc loạn trong giặc ngoài, lo lắng hết lòng…”
“Hoàng thượng im ngay!” Hồng Tư Ngôn cả giận nói.
“Cô nói gì đấy?” Hoàng đế giận dữ, đứng phắt lên.
Hồng Tư Ngôn nói: “Hoàng thượng đã lớn như vậy rồi, chớ nói lời trẻ con nữa.

Quả thật hoàng thượng ở bên ngoài lo lắng hết lòng nhưng thái hậu ở cung Từ Ninh này có ngày nào mà chẳng ăn ngủ không yên? Hoàng thượng chỉ nói thái hậu bảo vệ người nhà mẹ đẻ mà không biết năm đó bốn thân vương vào kinh cần vương, lập bao nhiêu công đức đối với triều đình? Tạm chưa nói đến những người khác, nô tỳ biết năm đó Hồng thân vương thật sự không có ý xấu nào, nếu không giang sơn này đã là của họ Hồng từ mười năm trước rồi, nào có vạn tuế gia của hôm nay?”.
Hoàng đế vốn đang muốn quát bảo bà ta ngừng lại, nghe thấy câu cuối cùng thì chợt nghẹn họng.

Hồng Tư Ngôn mềm mỏng nói: “Hoàng thượng hãy suy nghĩ lại xem, nào có ai không làm thái hậu đoan trang, êm đẹp lại đi chắp tay tặng giang sơn của con trai cho người nhà mẹ đẻ? Nếu thái hậu muốn thiên vị bốn thân vương thì cớ gì khi chọn hậu thay hoàng thượng lại không chọn trong nhiều quận chúa hợp tuổi ở nhà mẹ đẻ như thế mà đi chọn con gái của vương gia trọng thần? Mặc dù ý muốn trừ bỏ phiên vương của hoàng thượng kiên quyết nhưng sao so được với dự kiến nhiều năm trước của thái hậu? Nếu không thì những hoàng tử khác đều được thả đến đất phiên làm vương mà độc một Thành Thân vương ở lại trong kinh không được phong ư? Chẳng phải vì sợ sau này hoàng thượng vào cảnh anh em đấu đá ư?”.
“Anh em đấu đã?” Hoàng đế rùng mình: “Không đâu”.
“Hoàng thượng nặng tình anh em mà chưa từng nghĩ thái hậu cũng có anh em?” Hồng Tư Ngôn than thở: “Năm đó Hồng vương vì thái hậu…” Bà ta lại cười khổ: “Không nhắc cũng được.

Nô tỳ lén nói với hoàng thượng, người khác vẫn không biết: Hai năm trước phượng thể của thái hậu không khỏe, Trần Tương của viện thái y tới thăm, sợ rằng tuổi thọ chỉ còn bốn năm năm nữa thôi…”.
“Cái gì?” Hoàng đế kinh hãi, run môi, nắm lấy vai Hồng Tư Ngôn: “Cô Hồng nói cái gì?”.
“Hoàng thượng!” Hồng Tư Ngôn ngăn hắn ta lại, nhìn thoáng vào trong cung nói: “Thái hậu vẫn không cho hoàng thượng biết vì sợ người đau lòng, chủ nhân chỉ mong mấy năm này thái bình, con trai là ruột thịt của mình, anh cả lại có bao nhiêu năm ân nghĩa, đều không cắt bỏ ràng buộc được.

Hai mặt tính toán cả ngày, chủ nhân còn có thể yên lòng mà đi ư?”.
Hoàng đế ôm mặt ngồi ở trên bộ liễn, trầm mặc một lát mới nói: “Cô Hồng, không phải trẫm không muốn thái bình mà là họ ép trẫm quá”.
“Nô tỳ biết”.

Hồng Tư Ngôn vẫn vỗ về bả vai hoàng đế như nhiều năm trước, nói: “Hai nhà Đỗ Hoàn và Bạch Đông Lâu lòng muông dạ thú, làm sao thái hậu không nhìn thấy?” Bà ta thấy hoàng đế bỗng ngẩng đầu lên, vẻ mặt thay đổi, biết hắn ta lại nhớ tới sự việc Đỗ Mẫn, vội vàng nói tiếp: “Sao chủ nhân lại không giận Bạch Đông Lâu lời lẽ ngông cuồng, không kiêng nể gì cả? Nhưng những người này dễ động vào sao? Thái hậu ở vậy từ năm ba mươi hai tuổi, thay vạn tuế gia nắm chặt triều đình đến nay, chẳng phải là dựa vào chữ ‘nhẫn’? Nếu làm bắt lấy thóp rồi ra chỉ dụ trách mắng một trận như vạn tuế gia bây giờ thì hai nhà phiên vương đó đã phản từ lâu rồi.

Vả lại, sao người làm vua có thể dễ dàng nói lời uy hiếp ra khỏi miệng, thái hậu trách hoàng thượng cũng là để khuyên hoàng thượng nhẫn nại hơn, làm việc nhất định phải chắc chắn, nếu không chỉ sảy chân một chút là sẽ dẫn lửa thiêu thân”.
Hoàng đế cúi đầu không nói.

Hồng Tư Ngôn chỉ đành đỡ hắn đứng lên, bảo: “Mau vào đi, dập đầu nhận sai với mẫu hậu là được rồi”.
Hoàng đế rất bướng bỉnh, vẫn nói: “Trẫm không đi”.
Hồng Tư Ngôn cười nhạt nói: “Trước giờ hoàng thượng không như thế, nhất định là có tên nô tài nào xúi giục, dạy hoàng thượng những hành vi không hiếu thuận này”.
“Không có!” Hoàng đế hít một hơi lạnh.
“Một đại chỉ dụ của hoàng thượng đã khiến triều đình và dân gian ồn ào, thân vương ở đất phiên dậm chân muốn treo cổ, nhất định là có nhiều người tài ba bên cạnh, đưa ra ý kiến hay”.
“Không liên quan tới đám nô tài”.

Hoàng đế kéo Hồng Tư Ngôn lại nói: “Là trẫm viết bừa đấy.

Lời cô Hồng nói đều đúng, giờ trẫm sẽ đi dập đầu với mẫu hậu”.
Dù họ hạ giọng nói chuyện nhưng ba sư huynh đệ Tịch Tà đều tai thính mắt tinh, cách cửa Từ Ninh mà vẫn nghe được đại khái.

Như Ý nghe đến cuối, khuôn mặt cũng tái đi, không ngừng đưa mắt ra hiệu cho Tịch Tà.

Tịch Tà biết lúc này phải tránh mũi dùi, lặng lẽ rút khỏi đoàn người và trở lại phòng sách trong cung Càn Thanh, quả nhiên thấy tấu chương của Bạch Đông Lâu đặt ở trên hương án.

Hắn là người cầm bút trong phòng sách chuyên việc tóm lược công hàm, xem cũng không quá giới hạn nên mau chóng xem một lần.

Thấy lời văn của Tây vương khóc lóc bức ép vì có chỗ dựa nên không lo ngại gì, hắn không khỏi nhếch khóe miệng nở nụ cười.

Trả sổ gấp về chỗ cũ mới cảm thấy chung quanh im phăng phắc, hắn đi tới dưới hiên nhìn lá rụng bay lả tả xuống trước chân, bỗng nhiên phát hiện sự điều tàn của sinh mạng lại mau lẹ như thế, một khi linh hồn rắn rết kia sụp đổ thì mình sẽ đi về đâu? Tịch Tà bị mồ hôi lạnh của nỗi sợ hãi và mờ mịt đột nhiên ào tới che mắt, lực bất tòng tâm tựa ở trên cột khẽ thở dốc.
Lý Cập đi tới gặp hắn, nói: “Anh Sáu, nương nương đến rồi, tiếp giá, tiếp giá”.
Tịch Tà cười nói: “Lý công công nói đùa, lúc này vị nương nương nào sẽ đến chứ”.
“Hoà thục nghi”.
Bấy giờ Tịch Tà mới nhớ tới chuyện cung Tiêu Cát gấp gáp truyền thái y, hỏi: “Không phải bị bệnh à?”.
“Đúng vậy…” Lý Cập dùng sức gãi tóc mai, cũng không rõ.
Nhưng Mộ Từ Tư lại đột nhiên đi vào từ trong cửa Nhật Tinh, quần áo hoa lệ bồng bềnh, uyển chuyển khôn tả, xinh đẹp như áng mây đập vào mắt.

Mọi người trong cung Càn Thanh quỳ xuống dập đầu.
“Thánh giá ở trong cung à?”

Tịch Tà rất ít khi nghe thấy nàng nói nhưng vẫn có thể phân biệt ra giọng nói của nàng có vẻ dịu dàng không tầm thường.

Lý Cập cười nói: “Vạn tuế gia đang ở cung Từ Ninh thăm hỏi, giờ sắp trở về rồi ạ”.
Mộ Từ Tư lúng túng đến nỗi đỏ cả mặt, không biết nên ở lại hay nên về, nắm khăn tay nói: “Thế…”
Cung nữ bên cạnh nàng nói: “Nếu nương nương đã tới thì chờ một lát cũng không sao”.
Lý Cập lo thị vệ cửa Càn Thanh đi lại sẽ đụng phải phượng giá, vội thưa: “Chi bằng nương nương ra điện chếch chờ, nói không chừng sau thời gian uống một chén trà, vạn tuế gia sẽ về”.
“Không”.

Mộ Từ Tư mỉm cười e lệ, “Ta về đây”.
“Nương nương dừng chân, nương nương dừng chân”.

Lý Cập luống cuống tay chân, đang muốn giữ lại thì cửa Nguyệt Hoa đối diện đã có tiếng bước chân ầm ầm.

Hoàng đế xuống từ bộ liễn, vẫn chưa chú ý tới Mộ Từ Tư ở đó, mở miệng liền nói: “Tịch Tà tới đây”.
“Vâng”.

Tịch Tà vô cùng kinh ngạc theo hoàng đế vào phòng sách.
Hoàng đế ngồi ở sau hương án, hỏi: “Khanh đã xem tấu của Bạch Đông Lâu chưa?”.
“Mới vừa xem qua ạ”.
“Vài ngày trước trẫm có chỉ dụ cho ông ta, nếu ông ta vẫn không nộp lương bổng thì mượn binh mã của Đại Lý vào trong biên giới để dẹp Miêu, ông ta chỉ cần chuyên tâm vào chuyện quân lương là được”.
“Nô tỳ không thấy đạo chỉ dụ này.

Thảo nào Tây vương không ngừng kêu khóc trong tấu”.
“Đáng hận nhất là ông ta dám chuyển mật thư đến trước mặt thái hậu để tố cáo trẫm!” Hoàng đế giận đến run lên: “Hôm nay thái hậu đứng ra nói, trưng thu quân lương từ đất phiên không sai, chỉ là phải cho một định mức, trưng đủ thì thôi.

Khanh xem có được không?”.
Tịch Tà suy nghĩ một lát rồi thưa: “Thái hậu nói có lý”.
“Nói có lý?”
Tịch Tà cười nói: “Thái hậu giao thiệp với phiên vương bao nhiêu năm, chắc chắn sẽ chu đáo hơn bất cứ ai.

Cứ tiếp tục trưng thu không có chừng mực như thế, thoạt nhìn thì càng nhiều càng tốt, thật ra lại cho phiên vương cái cớ đùn đẩy.

Chẳng thà hoàng thượng cho họ một giới hạn, để các phiên vương xem có thỏa đáng hay không, không ổn thì tự mình dâng tấu lên, bớt đi nhiều cuộc tranh cãi”.
“Thì ra là thế”.

Chân mày hoàng đế hơi giãn ra, nói với bên ngoài: “Gọi người của bộ hộ, bộ binh đến đây”.
Cát Tường tiến lên trước bẩm: “Vạn tuế gia, Hoà thục nghi đang ở ngoài điện”.
“Không phải nàng ấy bị bệnh à? Sao lại tới chỗ này? Mau gọi vào”.

Hoàng đế cau mày đứng dậy, vội vã đi tới cửa đón và kéo tay Mộ Từ Tư, hỏi: “Chuyện gấp gì thế?”.
“Không phải chuyện gấp…” Mộ Từ Tư đỏ mặt nói: “Thần thiếp vốn không nên tới chỗ này, chỉ là…”.
Hoàng đế hơi nôn nóng: “Nói mau nói mau, người nàng có sao không?”.
Mộ Từ Tư kiễng chân lên, nhỏ giọng nói một lát vào tai hoàng đế.

Cả người hoàng đế rung động mạnh một cái, nắm hai vai Mộ Từ Tư, trợn to hai mắt hỏi: “Thật không?”.
“Thật ạ”.

Mộ Từ Tư dịu dàng cười.
Tịch Tà nhìn hai người họ vui vẻ không kiềm được nhìn nhau cười thì dần cảm thấy vô cùng khó chịu, lẳng lặng lui vào trong xó cụp mắt xuống.
“Hoà thục nghi có chuyện vui?” Minh Châu buông kim chỉ ra, cảm khái: “Chính nàng ta còn là trẻ con đấy”.
“Không coi là nhỏ nữa…” Tịch Tà ngẩng đầu suy nghĩ một lát: “Mười sáu? Mười bảy? Còn cô…”.
Minh Châu vội vàng chặn lời Tịch Tà: “Đừng, đừng nhắc đến chuyện này”.
“Được, không nhắc đến”.

Tịch Tà cười, lại cúi đầu viết nhanh.
Minh Châu nói: “Một mình nàng ta ở trong cung, không biết có ai chăm sóc không.

Nói ra thì người trong cung nghe thấy tin tức này mất hứng nhất chính là…”.
“Hoàng hậu”.

Tịch Tà nói mà không ngẩng đầu lên.
Minh Châu nhìn vẻ mặt Tịch Tà, khẽ thở dài bảo: “Tôi lại không thấy thế”.
“Ồ?” Tịch Tà giương mắt lên cười hỏi: “Vậy cô nói xem là ai?”.
Mắt Minh Châu lấp lánh ở trên mặt Tịch Tà một lát, thản nhiên nói: “Tôi”.
Tịch Tà phì cười ra tiếng: “Tôi quên mất, cô vẫn còn ở cục Thượng Công, đợi qua hai ba tháng các cô lại phải làm.

Có điều nếu là hoàng tử thì lấy đồ mà lần trước Nghị phi không dùng đến là được, cho nên có lẽ cô đang ngóng trông sinh hoàng tử nhỉ”.
“Thầy ơi!” Tiểu Thuận Tử lắp bắp đi dọc theo tường tới nói: “Con bàn bạc với thầy một việc”.
Tịch Tà nhìn sắc mặt cậu đã biết cậu lại thua hết tiền, cười bảo: “Gần đây tình hình kinh tế của thầy eo hẹp, ngoại trừ chuyện tiền nong ra thì những thứ khác đều dễ xử lý.

Chuyện gì thế?”.
“Đừng để ý ngài ấy”.

Minh Châu liếc xéo Tịch Tà, vẫy tay với Tiểu Thuận Tử: “Qua đây, muốn bao nhiêu cứ nói với tôi.

Thầy của cậu khó chịu trong lòng cả ngày rồi, cậu còn chọc giận ngài ấy”.
Tiểu Thuận Tử mặt mày rạng rỡ, chen vào bên Minh Châu hỏi: “Thầy khó chịu trong lòng ạ? Vì sao thế?”.
Tịch Tà run rẩy trong lòng: “Không có chuyện đó”.

Đoạn đi sang bên uống chén trà: “Con ở lăn lộn với mấy tay bài bạc ở hành lang phía tây cả một ngày, có nghe được tin tức gì không?”.
“Không thể gọi là tin tức”.

Tiểu Thuận Tử đáp: “Nhưng nghe nói trong hậu cung có người đi lại gần gũi với thị vệ cửa Tử Nam, lá thư này của Tây vương là do thị vệ lén truyền vào, không phải con đường đứng đắn”.
“Thị vệ nào? Có hỏi rõ là ai không?”
Tiểu Thuận Tử nói: “Không ạ”.
“Cũng được, dựa vào con thì cũng chỉ được chút ấy thôi”.

Tịch Tà cười bảo: “Con thua hắn tiền, đương nhiên hắn sẽ không biết ơn”.
Minh Châu cũng nói: “Hắn không nợ cậu gì, sao có thể moi ruột gan ra mà nói với cậu?”.
Tiểu Thuận Tử suy nghĩ một lát rồi nói: “Ý của chị là…”.
“Việc này cũng cần thầy dạy à? Tự mình nghĩ đi”.

Minh Châu cười nói: “Trong ngăn kéo có năm trăm lượng ngân phiếu, cậu đổi lấy bạc, nhớ tiêu ở chỗ cần thiết thôi đấy”.
“Vâng”.

Tiểu Thuận Tử cầm ngân phiếu, vội vã đi ra ngoài gỡ vốn.
Tịch Tà bảo: “Ban đầu đã biết rõ trong số thị vệ ai là người thái hậu, ai là của phiên vương.

Lá thư này không bị chúng ta chặn được, chắc chắn là đã xảy ra sai lầm ở đâu đó.

Chẳng lẽ còn có người chúng ta không nhìn rõ sao?”.
“Cửa Tử Nam có bao nhiêu người của lục gia ở đó, chi bằng hỏi họ xem”.
“Đúng vậy, chẳng bao lâu sẽ phải động can qua, tôi không muốn dây dưa, nếu đã hành động thì phải nhổ tận gốc”.
Tiếng Tịch Tà an tĩnh mà trong veo, làm Minh Châu khẽ mỉm cười.

Nàng luôn cảm thấy có một mạch nước ngầm đang từ viện Cư Dưỡng tràn ngập toàn bộ cung đình, đôi khi đi ở trong con hẻm hẹp dài cũng có thể cảm nhận rõ ràng mạch nước ngầm này đang triền miên dính quanh người mình, chậm rãi chảy bất cứ lúc nào.
Hai tháng sau, trước mắt tạm thời chưa có uy hiếp từ Hung Nô, phiên vương dâng nộp lương bổng theo định mức, ngày lành để công chúa Cảnh Ưu hòa thân với Đại Lý sắp tới, Hoà thục nghi có việc vui, mọi chuyện êm thấm tốt lành, mọi thứ trong cung tựa như đều dừng lại, ngay cả trận tuyết đầu tiên cũng kéo dài, thong thả.
“Bệnh ho của khanh đã khỏi rồi à?” Hoàng đế nhìn hoa tuyết lưa thưa, tiếng nói xa xôi.
Tịch Tà ở bên khom người, đáp: “Vâng.

Vạn tuế gia rủ lòng hỏi thăm làm nô tỳ rất sợ hãi”.
Hoàng đế mỉm cười, dường như ý nghĩ đã bay đến chỗ khác.

Tịch Tà yên lặng cất sổ gấp và công hàm tóm lược trên bàn, cuối cùng nói: “Hoàng thượng, ngân lượng tiếp tế đều đã chuẩn bị đầy đủ ở cửa khẩu Tiểu Hợp, bộ binh lại đang hỏi điều động thế nào, có phải giữ lại trước rồi đợi sau tháng Giêng mới phát không”.
“Được, trẫm biết rồi”.

Hoàng đế ở trước cửa sổ, xoay người nói với Cát Tường: “Trẫm đến cung Tiêu Cát”.
Cát Tường cười nói: “Bẩm vạn tuế gia, giờ Hoà thục nghi đang ở ngự hoa viên ạ”.
“Có tuyết rơi mà đi khắp nơi làm gì?” Hoàng đế hơi không vui.
“Năm nay cũng lạ, chưa đến năm mới mà trong ngự hoa viên đã có hai cây hoa mai nở rực rỡ, hoàng hậu nương nương nói đây là điềm lành, bảo nương nương các cung đều đến ngắm”.
Hoàng đế cau mày hỏi: “Hoà thục nghi cũng đi? Chẳng suy nghĩ xem cơ thể mình thế nào?”.
“Chắc là thục nghi muốn hưởng hỉ khí của hoa thần, mà đi lại cũng tốt”.
“Khanh bảo kẻ nào qua xem xem, có tình hình gì thì báo cho trẫm biết”.
Cát Tường lĩnh mệnh đi ra ngoài dặn dò Tiểu Hợp Tử, hoàng đế chỉ đành bỏ vẻ dịu dàng tình cảm vừa rồi đi, tiếp tục bàn việc với Tịch Tà.

Việc tiếp theo là tấu xin trở về thăm Hồng châu vào tháng Giêng của Hồng Định Quốc, hoàng đế nghe xong cười nói: “Để hắn về đi.

Không thể ngăn cha con họ gặp nhau được.

Dù sao hắn được Hồng vương dạy cho cách xử lý mọt việc nên còn vui vẻ trở về đấy”.
Tịch Tà nói “Vâng”, bày sổ gấp ra trước mặt hoàng đế, dâng bút son lên.

Hoàng đế viết một chữ “chuẩn”, ngẩng đầu nhìn lên thì Tịch Tà đã đứng nhắm mắt, hỏi: “Khanh sao thế?”.
“Vạn tuế gia thứ tội, nô tỳ thiếu ngủ ạ”.

Tịch Tà bị hoàng đế nhìn ra vẻ mệt nhọc, giật mình tỉnh táo lại, vội vàng quỳ gối dập đầu bên chân hoàng đế.
“Thiếu ngủ?” Hoàng đế ngạc nhiên hỏi.
Tịch Tà nói quanh co: “Trước năm mới có nhiều tấu thỉnh an, mật báo các nơi nhiều vào dịp cuối năm, lại thêm việc ở cửa khẩu Tiểp Hợp, ban ngày luôn ở bộ binh, bộ hộ, tối thì…”.

Hoàng đế giật mình, nói: “Ở đây không cần khanh nữa.

Về phòng trực đi, khi nào ngủ đủ rồi lại đến ngự tiền hầu hạ.

Cát Tường, khanh tới làm việc còn lại đi”.
Tịch Tà không tình nguyện lắm, chậm chạp lui đến trước cửa.
“Tịch Tà, khanh chờ một lát”.

Hoàng đế chắp tay sau lưng thong thả bước đến trước mặt hắn, mỉm cười nhẹ giọng nói: “Bây giờ khanh là phụ tá đắc lực của trẫm, vì mấy việc vặt vãnh này mà làm khanh mệt nhọc thì thật chẳng đáng.

Sau này lúc nên nghỉ thì cứ nghỉ, chỉ cần khanh xin nghỉ, trẫm đều sẽ cho phép”.
“Vâng.

Được long ân của vạn tuế gia, nô tỳ cảm động đến rơi nước mắt”.

Tịch Tà gật đầu, những lời này làm hắn thực sự mệt mỏi rã rời, cho nên không thấy chói tai vì tiếng bước chân dồn dập trên hành lang.
“Vạn tuế gia”.

Tiểu Hợp Tử vội vã đến gần, phủ phục ở trước vua, “Hoà thục nghi…”
“Làm sao? Đã xảy ra chuyện rồi à?”
“Hoà thục nghi xuống từ đình Mai, bậc thang trơn nên trượt chân…” Tiểu Hợp Tử không ngờ một câu nói đã làm hoàng đế sốt ruột đến đỏ cả mắt, bị hoàng đế nhấc chân đá một cái bổ nhào, vội vàng lăn người giữ chặt chân cản hoàng đế lại, nói: “Vạn tuế gia, nô tỳ vẫn chưa bẩm hết.

Hoà thục nghi vốn đứng ở chỗ không cao, còn được Chiêu Phúc trong cung hoàng hậu nương nương đỡ nên không ngã.

Hoàng hậu nương nương sợ có sơ xuất nên giờ đang bảo thái y xem ạ”.
“À”.

Hoàng đế thở phào nhẹ nhõm: “Giờ đang ở đâu?”.
“Thục nghi nương nương đã trở về cung Tiêu Cát rồi ạ.

Hai vị thái y đều ở đó cả”.
“Khanh mau đến cung Tiêu Cát, đợi thái y xem xong thì gọi vào cung Càn Thanh thưa lại”.
“Vâng”.

Tiểu Hợp Tử đi truyền chỉ nhanh như chớp.

Chờ giây lát, hai vị thái y Bao, Hà đã tới trả lời, mạch tượng của Mộ Từ Tư bình ổn, thông suốt, khí sắc cũng tốt, không có nỗi lo ngã làm tổn thương thai nhi, hoàng đế mới yên lòng.

Lúc này mới là giờ thân buổi chiều, sau bữa tối hoàng đế lại đến cung Tiêu Cát một chuyến.

Vẻ mặt Mộ Từ Tư vẫn như thường, tuy bị hoàng đế quở trách vài câu vẫn cười xinh đẹp động lòng người.

Cung nữ dâng hoa quả, hoàng đế chia nửa trái táo cho nàng, nói cười một hồi mới trở về.
Đến sáng sớm hôm sau, lúc trời còn đen kịt, hoàng đế vẫn đang ngủ say, nghe thấy Cát Tường ở bên ngoài mành gọi vài tiếng: “Vạn tuế gia, vạn tuế gia, xin cho bẩm việc gấp ạ”.
Đột nhiên hoàng đế thầm giật nảy mình, ngồi dậy bảo: “Vào đây nói”.
Cát Tường vén mành lên bước nhanh vào, dù sao ngoài phòng cũng lạnh hơn bên trong, gió phun vào khiến người ta rùng mình.

“Người của cung Tiêu Cát đến nói nửa canh giờ trước Hoà thục nghi không ngừng băng huyết, bụng dưới đau đớn…”.
Trong đầu hoàng đế vang ầm ầm, hồi lâu mới hỏi: “Thái y đâu?”.
“Trần Tương đã được gọi vào từ lâu.

Đang xem ạ”.
“Thai nhi thì sao?”
“Vẫn chưa biết ạ”.

Lúc này Cát Tường hết sức cẩn thận, chỉ sợ nói sai một chữ: “Người của cung Tiêu Cát nói, Hoà thục nghi đã ngất mấy lần, xin hỏi vạn tuế gia có muốn di giá đến không”.
“Đã tới mức này rồi ư?” Hoàng đế sợ tái mặt, nói: “Thay quần áo, lập tức đến cung Tiêu Cát”.
Cát Tường vội vàng đi ra ngoài gọi bộ liễn, cũng may hôm qua tuyết không lớn, trên mặt đất chỉ hơi ẩm ướt, vẫn chưa kết băng, bọn thái giám khiêng bộ liễn chạy mà hoàng đế vẫn cứ thúc giục.

Đến trước cửa cung Tiêu Cát, cung nữ thái giám ra đón, hầu giá ở chính điện, hoàng đế gấp đến độ giậm chân: “Thế nào? Thế nào?”.
Mọi người không kịp trả lời đã nghe Mộ Từ Tư hét thảm một tiếng trong buồng lò sưởi sau mành.

Lòng bàn tay hoàng đế toàn là mồ hôi lạnh, lúc muốn dợm bước đi vào thì bị hai ma ma ngăn lại.

Cát Tường cũng vội vàng khuyên: “Vạn tuế gia không vào được đâu, hãy chờ thêm một lát nữa ạ”.
“Trần Tương đâu? Ông ta chết rồi à?” Hoàng đế không nhịn được mà gào thét.
Đương lúc rối ren, thái giám bên ngoài cao giọng hoan hô: “Tới rồi, tới rồi”.
Cửa chánh điện vừa mở ra, Tịch Tà đi vào trước tiên, thấy hoàng đế ở đó thì có vẻ khá bất ngờ, dập đầu nói: “Hoàng thượng vạn phúc kim an”.
Hoàng đế ngạc nhiên hỏi: “Khanh tới làm cái gì?”.
“Trần thái y bảo nô tỳ tới, nô tỳ cũng không biết chuyện gì”.
Cung nữ trong buồng lò sưởi thò đầu ra mời Tịch Tà, hoàng đế phất tay cho hắn vào.

Cách gần nửa canh giờ, thái y chạy tới sau đứng đầy một phòng, thấy hoàng đế tức giận đều câm như hến.

Hai người Bao, Hà thì càng run cầm ập, nằm rạp trên mặt đất, giống như hồn bay phách lạc.

Chẳng bao lâu Trần Tương và Tịch Tà đã đi ra từ trong, hoàng đế vội hỏi: “Thế nào? Có giữ được thai nhi không?”.
Trần Tương dập đầu nói: “Thần không có năng lực, không thể giữ được hoàng tử, tội đáng muôn chết”.
“Ôi!” Hoàng đế che mặt thở dài một tiếng, trầm ngâm một lát, chỉ nắm chặt vạt áo, gân xanh trên mu bàn tay nổi hết lên, cuối cùng chậm rãi hỏi: “Duyên cớ gì?”
Trần Tương tỏ vẻ khó xử, trả lời: “Do ngã làm tổn thương thai nhi”.
Hoàng đế bỗng chỉ vào hai thái y Bao, Hà: “Không phải chiều hôm qua các người nói còn rất tốt sao? Sao giờ lại nói thế, hả?”.
Hai người dập đầu như giã tỏi, thưa: “Chiều hôm qua quả thực mạch tượng bình ổn, bọn thần sợ có sơ xuất, còn kê một liều thánh dũ thang[1], trước khi nương nương ăn cơm tối, bọn thần lại xem mạch lần nữa, vẫn không việc gì…”.
Hoàng đế nghiến răng cười khẩy nói: “Được, được.

Ba người các ngươi bên nào cũng cho là mình phải, trẫm thấy hoàng tử chính là do đám gian thần các ngươi làm hại, không cần nói nhiều nữa, giờ sẽ lấy tính mạng của các người, thế là không còn tai hoạ về sau.

Người đâu!”.
Dù Trần Tương có lời vô cùng khó nói nhưng lúc này liên quan đến tính mệnh, không khỏi bò lên trên một bước tâu: “Hoàng thượng! Xin cho thần mật tấu! Xin cho thần mật tấu!”.
“Đi ra ngoài hết đi!” Trần Tương kéo quần áp Tịch Tà, nói: “Hoàng thượng, Tịch Tà vẫn phải ở lại…”
Vẻ mặt Tịch Tà thay đổi, bất mãn đứng hầu một bên.

Trần Tương thấy mọi người đã lui, mới nói: “Đêm qua thần đang trực, tới giữa giờ Dần, người của cung Tiêu Cát đến nói nương nương đau bụng khó nhịn, hô hoán không dứt, thần chạy vội đến đây, ma ma lại nói nương nương đã có vẻ băng huyết.

Thần ở ngoài mành chẩn mạch, mạch Huyền trơn ráp, mạch Xích chuyển gấp…”.
“Đó cũng cần phải nói à?” Hoàng đế không nhịn được bảo: “Chỉ cần nói điều quan trọng nhất thôi”.
“Vâng”.

Trần Tương tâu: “Ở huyệt Hợp Cố hổ khẩu của nương nương, thần phát hiện dưới da ẩn màu xanh tím, lại mời ma ma kiểm tra vết thương cho nương nương, quả nhiên chỗ giao của hai huyệt Kiên Tỉnh, Tam Âm đều có chấm tím, chạm vào lạnh như băng.

Châm vào ba huyệt vị này có tác dụng trợ sản, nương nương mới có thai bốn tháng, giờ dùng nội lực thúc ép ba huyệt, rõ ràng là muốn nương nương…”.
“Chờ đã!” Hoàng đế quát ông ta: “Khanh nói có người cố ý thúc ép ba chỗ huyệt vị này chính là muốn Hoà thục nghi sinh non?”.
Trần Tương dập đầu liên tục, không dám trả lời.
“Vậy là kẻ nào?”
Trần Tương do dự một lát, mới nói: “Thần là bạn cũ của thái giám Thất Bảo, theo thần thấy, võ công của người kia là một lộ với thái giám Thất Bảo”.
Hoàng đế kinh hãi, quay lại nhìn về phía Tịch Tà.

Tịch Tà vội vàng quỳ xuống tâu: “Thứ người xuống tay sử dụng chính là võ công mà thầy nô tỳ tu tập lúc tuổi già.

Trong hàng học trò chỉ có một mình nô tỳ kế thừa, nhưng gần đây nô tỳ không rời hoàng thượng một tấc, hoàng thượng minh giám khai ân”.
Hoàng đế ngây ra, Trần Tương nói tiếp: “Theo thần thấy, tuy là nội lực lúc đó chưa phát tác, che giấu tai mắt người ta nhưng khí hàn âm tụ ở dưới da không tiêu tan, có thể thấy công lực người nọ chỉ được một, hai phần, lại dùng không thỏa đáng, chắc là học trộm không đúng cách.

Có điều người này hận nương nương thấu xương, dùng hết sức lực, nếu không có Tịch Tà ra lức ép khí chí hàn ra khỏi cơ thể nương nương thì e là nương nương cũng không chịu đựng nổi”.
“Đủ rồi!” Hoàng đế trỏ vào hai người họ, run giọng cả giận nói: “Chớ vòng vo với trẫm, rốt cuộc là kẻ nào?”.
Trần Tương lập tức bảo: “Thần không biết”.

Tịch Tà cũng ngậm chặt miệng, không lên tiếng.
Hoàng đế nhìn chằm chằm Tịch Tà suy nghĩ một lát, chợt bừng tỉnh, gật đầu dữ tợn nói: “Chiêu Phúc! Đúng không? Chiêu Phúc trong cung hoàng hậu!”.
Tịch Tà dập đầu, không dám hé răng.

Hoàng đế bỗng đứng dậy, nói: “Người đâu!”.
Cát Tường, Như Ý vội vàng phụng lệnh đi vào, hoàng đế vẫn gọi: “Lý Cập”.

Lý Cập thấy Cát Tường, Như Ý quỳ ở một bên, không dám lên trước, chỉ quỳ gối phía sau hai người.

Hoàng đế nói: “Khanh lập tức dẫn người đến cung Khôn Ninh bắt Chiêu Phúc”.
“Vâng”.

Lý Cập tuân lệnh đi, để lại Cát Tường và Như Ý thấp thỏm lo âu.

Cát Tường lấy can đảm hỏi: “Vạn tuế gia…”
“Hừ hừ”.


Hoàng đế cười nhạt nói: “Học trò của thái giám Thất Bảo, ai nấy đều có năng lực hơn người, bây giờ còn mưu tính với cả chủ, cắt đứt con nối dõi của trẫm, hủy giang sơn của trẫm, gọi là yêm hoạn loạn quốc cũng chính vì thế!” Hoàng đế không khỏi vỗ bàn gầm lên: “Trẫm không muốn thấy các ngươi nữa.

Cút ra ngoài! Từ nay về sau, sư huynh đệ các ngươi không được phép bước vào cung Càn Thanh nữa”.

Thấy Cát Tường, Như Ý và Tịch Tà đều dập đầu im lặng lui ra, hoàng đế cảm thấy lửa giận ngút trời rồi lại chán nản vô cùng, chỉ muốn bóp nát tất cả sự vật quanh người.
Ma ma của cung Tiêu Cát nơm nớp lo sợ đi ra từ trong buồng lò sưởi, nói: “Hoàng thượng, hiện nương nương đã tỉnh rồi”.
“Trẫm vào xem thế nào”.

Hoàng đế nén giận, bước vào, thấy mành đỏ trên giường đã được vén lên, Mộ Từ Tư nằm ngửa đang thất thần, nụ cười hây hây luôn đọng trên hai gò má đã biến thành nhợt nhạt nên hai mắt càng thêm vẻ sâu thẳm tối tăm.
“Hoàng thượng”.
Hoàng đế cầm tay nàng cười hỏi: “Đã khá hơn chưa?”.
Mộ Từ Tư khẽ gật đầu, đáp: “Thần thiếp không cẩn thận làm hoàng thượng thất vọng lo lắng…”.
Như thể bị kim đâm vào trái tim, hoàng đế đau đến mức giật mình: “Không trách nàng”.

Hắn ta nắm thật chặt tay Mộ Từ Tư, bảo: “Hơn nữa, nàng còn rất trẻ, sớm muộn cũng sẽ có con nối dõi của trẫm, giờ điều dưỡng thân thể quan trọng hơn”.
“Vâng, thần thiếp đã hiểu”.

Mộ Từ Tư miễn cưỡng lộ ra nụ cười mỉm, vẫn diễm lệ như trước, khóe mắt trào ra giọt nước mắt trong suốt không để lại dấu vết, chảy vào mái tóc như mây.
Bên ngoài cửa Long Tông đối diện với vườn hoa Thọ Ninh, có một dãy nhà lớn quyển bằng đỉnh[2], chính là chỗ quản lý giám Ty lễ.

Lại đi về hướng tây, qua cửa Từ Ninh, ở đối diện cung Nhân Thọ còn có một căn viện xoay lưng về nam mặt hướng bắc, trước cửa có hai cây hương xuân lớn, trong cung đều gọi nơi này là “phòng Lý Mã”, là nơi các giám quan, điển bộ phụng chỉ dùng hình tra khảo tội phạm trong cung.

Trong viện đá xanh làm nền, nhà ngói chia ngang hai gian, chia dọc có ba gian, phía trước là tường quét trắng như tuyết, phía sau được chia thành bốn phòng giam có song sắt.

Từ khi cung Thanh Hòa hoàn thành tới nay, liên tục có kẻ chết ở đây, người trong cung đều thấy nơi này âm hồn chẳng tan, lệ khí quấn xà nhà, do đó thờ cúng chính pho tượng phật bằng ngọc ở nhà chính, thái giám chưởng quản không ngừng thêm hương, ngày ngày tụng kinh, mong vong linh sớm ngày siêu độ, không đến giám Ti lễ đòi mạng quấy phá nữa.
Chiều ngày hôm đó, tuyết bắt đầu lớn, trên các đường đều trắng muốt, im ắng không người đi lại.

Tiểu thái giám trông coi phạm nhân trong cung ở chỗ này đốt lửa một lúc đã không chịu ngồi yên, đi tới hành lang, tay giấu vào trong áo mà ngắm tuyết, trong chốc lát không còn cảm thấy quạnh quẽ, định hé miệng cười, chợt thấy hông tê rần nhưng không hô ra được, đầu ngã xuống tuyết.
Thái giám chưởng quản trong phòng nghe thấy bên ngoài “Phịch” một tiếng, còn có người kêu đau: “Ôi!” thì ngẩng đầu lên cười bảo: “Cái thằng khỉ gió không chịu ngồi yên, chắc là trượt ngã rồi”.

Ông ta quay đầu thấy Chiêu Phúc bọc áo lông mèo rừng, vây quanh lò sưởi ngỏ đờ ra chán ngắt ở trong phòng giam thì yên tâm lớn mật gọi tiểu thái giám bên cạnh cùng ra ngoài xem.

Hai người bước ra khỏi cửa, thấy người trên đất đã tắt thở, tức thì luống cuống tay chân, chạy xuống bậc thêm định đỡ lên nhưng trước mắt đã tối sầm, ngã xuống đất bất tỉnh.
Trên nóc nhà có người cười khẽ, bàn tay thon dài đập lên mái nhà, thiếu niên áo xanh bay xuống, tháo chìa khóa phòng giam từ hông thái giám chưởng quản xuống rồi phủi hạt tuyết trên người, lẳng lặng chờ giây lát mới xách hộp đựng thức ăn lặng lẽ đi vào.
Chiêu Phúc nghe tiếng khóa thì sợ hãi cả kinh, toàn thân run rẩy, ngẩng đầu thấy rõ rồi mới cười hỏi: “Sao em lại tới đây?”.
Thiếu niên áo xanh nói: “Nương nương sai em tới thăm anh”.
Chiêu Phúc thấy quần áo trên người hắn ta mỏng manh thì vội vàng kéo hai tay hắn ta ấp ở trong lòng, hỏi: “Em đúng là to gan.

Họ không cản em à?”.
“Trăm lượng bạc đã đuổi họ ra trước cửa viện canh chừng thay em rồi”.

Thiếu niên chậm rãi rút tay về, cụp mắt nói: “Anh ăn cơm trước đi, khó khăn lắm mới mang tới được, nguổi rồi thì sẽ tổn thương dạ dày đấy”.

Hắn ta cúi đầu bày rượu và thức ăn lên trên bàn, ánh lửa trong lò sưởi chiếu lên khuôn mặt thanh nhã lúc xanh lúc đỏ của hắn ta.
Chiêu Phúc rót chén rượu, trao cho hắn ta và hỏi: “Em tư, không biết nương nương có ý chỉ gì?”.
Tiến Bảo ngửa đầu uống cạn, cười nói: “Nương nương còn có ý chỉ gì chứ? Chỉ nói anh cứ yên tâm là được”.
“Anh yên tâm thế nào được?” Đôi môi đỏ của Chiêu Phúc nhếch lên, cười gượng nói: “Chủ ý toàn là do em đưa ra, bây giờ việc thành, chẳng lẽ muốn một mình anh gánh trách nhiệm?”.
Tiến Bảo phì cười, nói: “Anh yên tâm đi, em biết thủ đoạn của anh, người trong cung toàn lũ đui mù, nào nhìn ra được sơ hở gì? Em vừa mới nghe nói đến bây giờ các thái y vẫn chưa biết ngọn ngành, chỉ là chủ nhân trong cung xảy ra chuyện, dù thế nào cũng phải giả bộ tra hỏi.

Hai ta đều là người gần gũi hoàng hậu nương nương nhất, ai dám bắt bí anh? Còn nữa, cho dù muốn tra hỏi cũng phải là đại sư ca, nhị sư ca phụng chỉ tới hỏi”.

Mắt hắn ta liếc về dãy tủ sơn đỏ ở ngoài nhà chính: “Không chừng ngay cả tủ cũng không mở đâu”.
Chiêu Phúc nhìn theo ánh mắt hắn ta, rùng mình: “Không mở tủ là được…”.
“Yên tâm, yên tâm”.

Tiến Bảo ngồi xuống bên cạnh rót đầy rượu cho gã: “Nương nương đợi tới lúc rảnh sẽ đến cung Càn Thanh tranh luận đòi người.

Anh xem đi, hoàng thượng muốn hỏi nhưng không phải đến bây giờ vẫn không có động tĩnh à?”.
Chiêu Phúc gật đầu cười rồi ăn cơm uống rượu.

Tiến Bảo mỉm cười tiếp, nói chuyện phiếm một chốc.
“Chỗ này lạnh thật”.

Tiến Bảo đứng lên đi dạo, quay lưng về phía Chiêu Phúc và chậm rãi tháo đai lưng của mình ra.
Chiêu Phúc gật đầu nói: “Còn không phải à? Ở đây một đêm, há chẳng phải là muốn lấy mạng anh…” Đột nhiên hầu bị siết, hơi thở chợt tắc nghẽn, rượu trong miệng phun ra.

Hai tay gã nắm lấy đai lưng màu xanh ở cổ, nghi ngờ trợn to hai mắt, ngửa đầu ra, một giọt nước mắt nóng rơi “tách” xuống trán mình.

Tiến Bảo cắn răng, sát ý phun ra từ hai mắt đẫm lệ, chiếc trán thanh tú nổi đầy gân xanh.

Chiêu Phúc hoảng sợ vô cùng, khàn giọng nói: “Dừng tay! Anh là…”.
Tiến Bảo xoay người lên, đè Chiêu Phúc ngã xuống giường, đầu gối húc vào thân thể đang giãy giụa như cá rời khỏi nước của gã, tay càng siết chặt hơn, khàn giọng không ngừng khuyên: “Nhịn một lát… Anh nhịn một lát là xong rồi…”.
Chiêu Phúc đạp loạn hai chân, dốc hết sức lực hô to nhưng lại nhỏ như tơ nhện: “Vì… cớ gì?”.
“Chắc chắn anh không sống qua được đêm nay, chỉ sợ anh khai ra hoàng hậu và em, lại muốn mọi người chết cùng…” Tiến Bảo cắn răng nói: “Anh cứ chọn nhà tốt mà đầu thai, kẻ nào hại anh, em sẽ đòi mạng thay anh!”.
Hầu Chiêu Phúc kêu ken két, móng tay toàn cào được da và máu của Tiến Bảo.

Tiến Bảo nhắm mắt, không nhìn gương mặt xanh tím của Chiêu Phúc nữa.

Chiêu Phúc không nói được gì nữa, dần dần không còn sức mà giãy dụa.

Một lúc lâu sau, trong tai Tiến Bảo chỉ có tiếng khóc nức nở của mình, không còn nghe được động tĩnh của Chiêu Phúc nữa.

Hắn ta mở mắt, thấy hai mắt Chiêu Phúc phẫn nộ mở to, vằn vện tia máu, không biết là nước mắt của ai làm khuôn mặt tròn trịa của gã ướt đẫm đến mức phản chiếu cả hào quang lúc sáng lúc tối của lò sưởi.

Tiến Bảo đưa tay vuốt mắt cho Chiêu Phúc, khóc không thành tiếng xoa hai gò má của gã, lau đi vệt nước mắt giao thoa.
Sáng sớm Cát Tường và Như Ý đã bị giáng chức ra khỏi cung Càn Thanh, trở về phòng trực thu dọn đồ đạc rồi quay lại viện Cư Dưỡng.

Cát Tường hầu hạ hoàng đế nhiều năm, đã mua đất xây nhà ngoài cung, cưới hai cô vợ lẽ, gia sản đã chuyển hết ra ngoài cung, chỉ cùng Tiểu Hợp Tử thu dọn hai bọc quần áo.

Như Ý là một người vô cùng lười biếng, không thích gom góp của cải, cho dù trong tay chưa bao giờ thiếu tiền cũng vẫn muốn tiêu sạch, vì vậy hành lý cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn giản, thừa dịp hoàng đế chưa về cung bèn lén lút đi ra cùng Cát Tường.

Tịch Tà đợi đã lâu, sai Tiểu Thuận Tử sửa sang cẩn thận hai gian phòng ở chái đông và đốt lửa làm ấm gian nhà.
Cát Tường, Như Ý đến nhà giữa của thái giám Thất Bảo dập đầu rồi mới đến phòng Tịch Tà trò chuyện.

Do ban đêm Tịch Tà giúp Mộ Từ Tư khai thông nội tức âm hàn trong cơ thể nên hơi thấy hao tổn tinh thần.

Cát Tường làm việc cẩn thận, bảo hắn nằm yên rồi chẩn mạch cho hắn.

Như Ý thấy không xen vào được, bèn ra hành lang ngồi cạnh bếp trà, lẳng lặng chờ tuyết lớn rơi xuống.

Không khí ẩm ướt, âm u lạnh lẽo trước mắt đột một sáng rực, Minh Châu ôm lò sưởi tay, bên trong mặc áo đỏ hoa văn tròn thêu chỉ vàng, khoác áo choàng xanh ngọc lưu ly, bước qua cửa vào trong.

Nàng trông thấy Như Ý, đôi mày thanh tú, mềm mại không khỏi giãn ra, hỏi: “Sao nhị gia lại ở đây?”.
“Há chỉ mình tôi! Đại gia cũng tới đấy”.
“Hôm nay đều rỗi rãi ư?” Minh Châu ngồi xuống ghế bên cạnh Như Ý, Tiểu Thuận Tử vội vàng cầm đệm da từ trong nhà ra đắp lên đầu gối nàng rồi rót trà trong ấm.

Nàng nhận lấy khẽ thổi, ngoái đầu nhìn lại cười hỏi: “Lục gia cũng về rồi à?”.
“Đều về hết rồi”.

Như Ý nói: “Mấy ngày nay hoàng thượng cho sư huynh đệ chúng tôi nghỉ, có thể ở đây ăn Tết với nhau đấy”.
Minh Châu mỉm cười bảo: “Hoàng thượng cho phép nghỉ ư? Nhị gia sẽ ở viện Cư Dưỡng nhưng đại gia là nhà giàu có nhà có vợ, có của có cải, được nghỉ mà không đi tiêu dao ngoài cung lại muốn ở chỗ này phải tội à? Nhị gia khinh tôi ngu dốt, chỉ nói những lời như vậy để lấy làm lệ thôi”.
Như Ý ngửa đầu cười to: “Cô nương thông tuệ hơn người, tôi không đùa nổi.

Không sai, sáng nay hoàng thượng đã trục xuất ba người bọn tôi ra khỏi cung Càn Thanh, lúc này trên cổ kề thanh kiếm sáng như tuyết, bị giam cầm ở chỗ này, nào có chuyện cho bọn tôi rời cung tiêu dao”.
Minh Châu cả kinh hỏi: “Chuyện lớn gì thế? Sao nên nỗi ấy?”.
Như Ý kể lại chuyện Mộ Từ Tư với nàng.

Minh Châu cau mày nói: “Thì ra là tam gia Chiêu Phúc đã xuống tay ư? Tiếc là liên lụy tới sư huynh đệ của mình”.
Như Ý cười bảo: “Cô nương thông minh, đoán không sai”.
Minh Châu nói: “Tôi có một chuyện không rõ, xin nhị gia chỉ cho”.
“Không dám”.
“Mặc dù tôi chưa từng nhìn thấy tu vi của Thất Bảo công công nhưng nhìn từ công lực của lục gia, nhất định ngài là vị cao thủ tuyệt thế”.
“Ồ? Cô nương cũng hiểu võ công?”
“Gần mực thì đen.

Không cần nhắc đến lục gia nữa, chỉ nội nhị gia thường xuyên qua lại cũng là cao thủ hàng đầu nên tôi cũng hiểu sơ sơ”.

Như Ý liếc nhìn Minh Châu, hai người ngầm hiểu nhau, đều cười.

Minh Châu nói tiếp: “Lúc trước ở Hàn châu từng thấy thất gia ra tay, nội lực tu vi cũng được bảy tám năm.

Như vậy tính ra, công lực của tam gia Chiêu Phúc cũng phải hươn mười lăm năm, cớ gì sau khi ra tay lại để lại đốm tím, làm người ta nhìn thấu?”.
Như Ý ngẩn ra, thở dài: “Cô nương hỏi rất hay, chuyện này nói ra dài dòng”.
Mành được vén lên, Cát Tường đi tới nói với Như Ý: “Khó khăn lắm em sáu mới ngủ được, em khẽ thôi, bớt lải nhải chuyện cũ năm xưa lại”.
Như Ý mỉa mai: “Bản thân anh là một người đứng đắn đã đành, nhưng lại không cho phép người ta tự do tự tại”.
Cát Tường lắc đầu cười nói: “Tùy em, tùy em”.

Đoạn tự dẫn Tiểu Hợp Tử đến chái đông.
Như Ý bảo Minh Châu: “Đừng để ý tới anh ấy, chúng ta nói chuyện của chúng ta”.
“Vâng”.

Minh Châu tự mình rót trà cho Như Ý: “Tôi vẫn còn có chuyện không rõ, lục gia và các anh em như đại gia, nhị gia, ngũ gia, thất gia luôn như thể chân tay, sao chỉ có tam gia, tứ gia là xa cách mọi người?”.
Như Ý đáp: “Cô nương chỉ biết bảy người chúng tôi là sư huynh đệ nhưng không biết Chiêu Phúc và Tiến Bảo vốn là anh em ruột”.
“Anh em ruột?”
“Ừ, anh em ruột thịt cùng một mẹ, nguyên quán Đài châu.

Xưa nay nơi đó sản xuất ngọc, vốn dĩ gia tộc họ Ngô bọn họ cũng là nhà mài ngọc dòng dõi, giàu có lắm.

Sau này các xưởng trên thị trường đấu đá nhau, nhà họ Ngô bị người ta lừa cho khuynh gia bại sản, ông chủ bị bệnh không dậy nổi, mẹ họ lại là người nhẫn tâm, chẳng màng hai đứa nhỏ, treo cổ cho xong chuyện.

Hai anh em bị chủ nợ bán trả nợ, lưu lạc đến kinh thành, qua tay nhiều người rồi vào cung”.
“Vậy là vào cung sớm hơn lục gia ạ?”
“Sớm hơn nhiều”.

Như Ý suy nghĩ một lát rồi nói: “Đó còn là năm Thượng Nguyên thứ chín, Chiêu Phúc và Tiến Bảo sớm hơn Tịch Tà năm năm đấy…”.
“Khi đó tam gia và tứ gia cũng xa cách đại gia, nhị gia ạ?”
“Không”.

Dường như Như Ý nhớ lại điều gì, không khỏi mỉm cười nói: “Khi đó các anh em thân thiết lắm.


Chiêu Phúc, Tiến Bảo cùng mẹ sinh ra nhưng tính cách lại không giống nhau, Tiến Bảo cực kỳ nghịch ngợm, nhưng còn kém hơn lục gia của cô một tẹo”.
Minh Châu đỏ mặt phỉ nhổ: “Lục gia của ai cơ? Nhị gia toàn không đứng đắn thế thôi”.
Như Ý cười nói: “Mặc dù Chiêu Phúc nghe lời nhưng lại là người không có chính kiến, mọi chuyện đều để Tiến Bảo quyết định, gây ra không ít tai họa, nó lại là anh lớn nên nó gánh chịu hết sự quở trách của thầy, bị đánh nhiều lắm.

Sau này Khu Ác, Tịch Tà cũng vào Cung, Chiêu Phúc và Tiến Bảo đã lớn, đã chín chắn hơn, các anh em đều chăm sóc lẫn nhau.

Sau đó…”.

Y nhìn lan can sơn đỏ đầu tiên ở hành lang bị hạt tuyết làm ướt trong viện, lẩm bẩm nói: “đến năm hoàng thượng đại hôn…”.
Tiểu Thuận Tử cúi đầu ở bên cạnh, không nhảy nhót như bình thường, vẻ mặt úp mở rúc ở trong góc.

Minh Châu đảo mắt nhìn trong yên tĩnh, bỗng nhiên phát hiện khi Như Ý không cười, thì ra khóe miệng nhếch lên vẻ cay nghiệt, lặng lẽ như vậy.
“Nhị gia…”
“À”.

Như Ý tỉnh lại, ngẩng đầu nhìn sắc trời: “Sau đó chính là năm Khánh Hi thứ tư, hoàng thượng đại hôn, bố trí lại cung Khôn Ninh, kho cung ứng của nội phủ phải chọn mua ngọc thạch, nghĩ đến Chiêu Phúc xuất thân từ nhà thợ làm ngọc, lại rất biết đánh giá bèn sai nó đến Đài châu.

Năm ấy Chiêu Phúc chỉ có mười tám tuổi, nhận được việc này thì mất hồn mất vía, đóng kín cửa bàn bạc cả đêm với Tiến Bảo.

Thầy cảm thấy không ổn, bảo Tịch Tà âm thầm đi theo, báo cho thầy biết hành động của Chiêu Phúc”.
Minh Châu hít một hơi lạnh: “Lẽ nào tam gia về báo thù ạ?”.
Như Ý gật đầu nói: “Đúng vậy.

Nó tới Đài châu, vu oan nhà kẻ thù rồi nhốt vào ngục, đánh chết trên công đường.

Như vậy vẫn chưa xong, lại tìm bắt hơn mười đứa bé trai của mấy kẻ thù, tự mở công đường xử phạt, lén cung[3] con nhà lành.

Tịch Tà thấy nó làm cho kẻ thù cửa nát nhà tan, còn nghĩ oan oan tương báo, là đối phương đáng đời, nhưng thấy nó muốn…” Như Ý thở dài một tiếng: “Người trong cung như bọn tôi biết đây là thủ đoạn thất đức, nham hiểm, bản thân mười phần chết chín, từng chịu bao nhiêu khổ cực lại nơm nớp lo sợ, vùng vẫy giành sự sống ở nơi mà người ta không nhìn thấy, sao còn muốn ép mấy đứa bé giống mình? Mặc dù có thù hận cỡ nào với đời trước cũng không đến nỗi hại oan mười mấy thiếu niên.

Cho dù chúng tôi có tình cảm anh em nhiều năm nhưng về chuyện này, tôi vẫn rất ngứa mắt Chiêu Phúc và Tiến Bảo”.
Minh Châu che mặt run giọng nói: “Lục gia có ngăn cản không?”.
“Ha ha”.

Như Ý lắc đầu cười gượng: “Tịch Tà không hiểu chuyện, tức đỏ cả mắt, nhảy vào, vài ba lời không hợp đã vung tay đánh nhau với Chiêu Phúc.

Suy cho cùng thì khi đó nó chỉ có mười lăm tuổi, không biết nặng nhẹ, cuối cùng đánh nặng tay làm đứt mấy kinh mạch của Chiêu Phúc”.
“Thì ra là thế! Võ công của tam gia cứ như vậy bị phế ạ?” Minh Châu than thở: “Từ đó về sau anh em kết thù với nhau?”.
Như Ý đáp: “Không chỉ như vậy.

Cô nghĩ Chiêu Phúc vào cung sớm hơn Tịch Tà năm năm, sao chỉ sau hơn mười chiêu đã bị nó làm trọng thương? Từ hôm đó trở đi, Chiêu Phúc và Tiến Bảo mới biết những gì Tịch Tà học được khác với mọi người, thì ra thầy lại bất công như thế.

Có cái suy nghĩ này, chúng nó còn có thể gần gũi với thầy nữa ư? Hôm chúng nó trở về từ Đài châu, Chiêu Phúc đã là người tàn phế, còn có thể đối với nó thế nào nữa? Thầy giận Tịch Tà, trách phạt rất nặng”.
Minh Châu kinh ngạc hỏi: “Vì sao?”
“Cứ nhìn kết cục của anh em chúng tôi hôm nay là biết.

Cùng học một thầy, luôn một người vinh tất cả cùng vinh, một kẻ bị tổn hại thì tất cả đều bị tổn hại.

Dù Chiêu Phúc làm ra chuyện tội ác tày trời gì ở bên ngoài thì sư huynh đệ cùng thầy chỉ có thể che giấu thay nó, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, làm sao có thể làm long trời lở đất? Thầy giận Tịch Tà là vì nó bị cơn tức giận kích động đả thương người khác, thầy xót mấy năm tâm huyết của mình bị uổng phí, nói với tôi, không ngờ nó cũng là một kẻ tầm thường không ra hồn”.
Minh Châu rùng mình, bảo: “Không biết hình phạt nặng mà nhị gia nói là thế nào”.
“Việc đó còn cần phải nói à?” Như Ý nói: “Dù năm đó cơ sở nội công của Tịch Tà không kém, lại thêm tinh lực tràn đầy nhưng cũng chỉ chịu được một nửa hình phạt.

Khu Ác và nó vốn là hai con châu chấu buộc chung với nhau, một nửa kia là Khu Ác chịu đòn thay nó.

Chính giữa hè, thầy không cho Tịch Tà vào nhà, không cho Tịch Tà ăn, đều là Khu Ác ở cùng.

Ngày đó tôi đứng dưới hành lang này, thấy Khu Ác bị thầy đánh cho không nhúc nhích, chỉ tóm lấy quần áo Tịch Tà, muốn kéo nó tới dưới gốc cây, một đoạn đường như vậy mà khiến nó bận gần nửa canh giờ”.

Như Ý mỉm cười, khẽ thở dài: “Ôi, Khu Ác…”.
Minh Châu hơi nghẹn ngào, cúi đầu gảy lá trà trên mặt nước, nói: “Bất kể thế nào, lục gia có thể cứu được mười mấy đứa bé cũng là công đức lớn lao”.
Như Ý bảo: “Cũng không cứu được hết, vẫn có bốn đứa bé đã tịnh thân.

Một đứa chết ở trên đường vào kinh.

Khi đó đại sư ca đã hầu ở cung Càn Thanh, đứa lớn nhất trong số mấy đứa còn sống làm học trò của anh ấy, đó chính là Tiểu Hợp Tử…”.
“Sao cơ?” Minh Châu giật mình.
Như Ý nói tiếp: “Đứa thứ hai tên Tiểu Vượng Tử, lúc đầu đưa cho tôi nhưng tôi là người lười biếng, chăm sóc tốt cho mình đã không tệ rồi, nào còn có rảnh rỗi đi dạy học trò? Cho nên liền cho Chiêu Phúc”.
Minh Châu hỏi: “Vậy chẳng phải là dê vào miệng cọp?”.
“Nếu như lòng dạ Chiêu Phúc rộng rãi hơn thì đứa bé kia còn có thể sống tới hôm nay, đáng tiếc năm đầu tiên vào cung đã nói nó trộm đồ ở cung Khôn Ninh, bị Chiêu Phúc đánh chết tươi.

Đứa cuối cùng chỉ tám chín tuổi, không biết tại sao lại sống chết kéo lấy quần áo Tịch Tà không thả, chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng khóc, nghe dáng vẻ lôi thôi này đã biết chắc chắn là cái thằng nhóc kia rồi”.
Minh Châu nhìn theo hướng tay y chỉ, quả nhiên thấy Tiểu Thuận Tử trốn ở góc phòng lén dùng tay áo lau nước mắt.

Như Ý nói: “Khóc cái gì? Đúng là không có tiền đồ.

Người nào vào đây mà không có thân thế khổ hơn cậu? Cậu từng thấy người khác khóc lóc nỉ non cả ngày chưa? Cẩn thận thầy cậu trông thấy đấy”.
“Vâng”.

Tiểu Thuận Tử đỏ mắt đổi trà mới cho Như Ý và Minh Châu.

Như Ý thấy cuối cùng cũng có tuyết lớn, thong thả nói: “Xin đừng trách tôi kể chuyện cũ khó nghe cho cô nương.

Cô nương chỉ cần nhớ kỹ, lúc này Chiêu Phúc xui xẻo, nếu nói người thấy khó chịu nhất trong các anh em thì chính là Tịch Tà đấy”.
“Có lẽ là vậy”.

Minh Châu buồn bã thở dài, cùng nhìn bầu trời mà ngơ ngẩn giống Như Ý.
Đến giờ lên đèn, Minh Châu ở bày rượu và thức ăn lên bàn trên giường chái nhà tây.

Tịch Tà đã tỉnh, lười biếng cầm đũa hí hoáy, lát sau Cát Tường và Như Ý cũng tới.

Không biết sao lại có hứng, uống mấy chén rượu xong, hai người bèn lôi kéo Tịch Tà chơi đố số.

Tịch Tà không giỏi món ấy, thua liền mấy ván, không trốn rượu được, bị Như Ý đè lên giường trút rượu.

Cát Tường hiếm khi góp vui, trong phòng cười đùa ồn ào.

Tiểu Hợp Tử đi ra ngoài cả một buổi chiều, lúc này vén mành đi vào, giũ tuyết trên áo choàng, tiến lên nói: “Thầy ơi”.
Ba anh em vốn đang ầm ĩ đột nhiên im bặt, Cát Tường quay đầu lại bảo: “Nói đi”.
“Chiều này tam sư thúc đã tự treo cổ ở phòng Mã Lý rồi”.

Người trong phòng như đã sớm lường trước vận mệnh của Chiêu Phúc nên chỉ “à” một tiếng.

Cát Tường uống cạn rượu trong tay, vội vàng đi giày: “Anh đi tìm Tiến Bảo, liệm cho Chiêu Phúc rồi sắp xếp người đưa tang về Đài châu chôn cất”.
Tiểu Hợp Tử nói: “Thầy ơi, không cần đâu.

Vạn tuế gia đã hay tin, vô cùng tức giận, lệnh người của phòng Lý Mã dùng chiếu cuốn thi thể của tam sư thúc, đưa đến dưới chân tường ngoài cửa Tiểu Tây hỏa táng thành tro bụi…”.
“Đi từ khi nào”.
“Đã được một lúc rồi ạ”.
Như Ý đỡ lấy vai Tịch Tà hỏi: “Còn có thể gặp được một lần cuối.

Có đi hay không?”.
Tịch Tà chống mép giường như đang choáng váng, nói: “Tiểu Thuận Tử, lấy quần áo của nhị gia và ta tới đây”.

Nói xong cũng xuống giường.

Tiểu Hợp Tử lại xoay người đi ra ngoài truyền tin cho Khang Kiện.
Bên ngoài tuyết lớn, bầu trời đen kịt đến mức đưa tay không thấy được năm ngón.

Ba anh em mỗi người đều xách đèn lồng, bôn ba về phía tây ở trong tuyết, im lặng không ai nói năng gì.

Cát Tường đi trước, chào hỏi thị vệ trước cửa một tiếng.

Ba người xuyên qua cửa Tiểu Tây đến đường hẻm lớn phía tây của hoàng thành và cung thành.

Mặc dù bên này gọi là đường hẻm nhưng mặt đất thênh thang lại không có nhà cửa.

Lúc này giơ cao đèn lồng cũng không chiếu được con đường phía trước, chỉ là một mảnh trời đất hỗn độn sâu thẳm, không biết đương ở chốn nào.

Lần theo chân tường, ba người lại đi về hướng bắc, lờ mờ thấy phía trước có ánh lửa rọi sáng, lông trắng bay tán loạn trước mắt thì đều giật mình, vội vàng triển khai thân pháp lao vội đến.
Tịch Tà bị gió làm sặc nên thở dốc, dừng chân trước đống lửa, thấy thi thể trong lửa đã co lại thành một vòng tròn, không còn hình người.

Khang Kiện lặng lẽ lau nước mắt ở trước ngọn lửa, lặng lẽ lẩm nhẩm gì đó.
Tiến Bảo ở xa xa quay mặt lại, lạnh lùng nhìn Tịch Tà một hồi, xoay người đi vào trong bóng tối trắng lòa tuyết, không nói lời nào.
“Lạy đức từ bi đại Giáo chủ! “Ðịa” là dày chắc, “Tạng” chứa đủ.

Cõi nước phương Nam nổi mây thơm, rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ, mây xinh, mưa báu số không lường.

Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường, người, trời bạch Phật: Nhơn gì thế? Phật rằng: Ðịa Tạng đến Thiên đường! Chư Phật ba đời đồng khen chuộng Mười phương Bồ tát chung tin tưởng.

Nay con sẵn có thiện nhơn duyên, ngợi khen Ðịa Tạng đức vô lượng…”
Ngón tay lạnh cóng của Khang Kiện gảy phật châu mã não, tiếng ngâm tụng nhỏ nhẹ đứt quãng bay tới trong gió mạnh.

Tịch Tà ngẩng đầu nhìn theo ánh lửa ngút trời, cảm thấy như có âm hồn bị trời tuyết hút vào trong không trung.
“Lòng từ do chứa hạnh lành, trải bao số kiếp độ sanh khỏi nàn.

Trong tay đã sẵn gậy vàng, dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sinh.

Tay cầm châu sáng tròn vìn, hào quang soi khắp ba nghìn Ðại Thiên…”
Cửa địa ngục à? Tịch Tà mỉm cười, hắn không biết linh hồn Chiêu Phúc sẽ đến nơi nào, nhưng linh hồn của mình đã được quyết định hướng đi từ lâu rồi.

Hắn chậm rãi mở miệng, nói bằng âm thanh đến chính mình cũng không nghe thấy: “Diêm Vương trước điện chẳng hiền, đài cao nghiệp cảnh soi liền tội căn.

Ðịa Tạng Bồ tát thượng nhơn, chứng minh công đức của dân Diêm Phù! Ðại Bi, Ðại Nguyện, Ðại Thánh, Ðại Từ, Bổn Tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát[4]…”[1] Bài thuốc bổ khí, dưỡng huyết.

Trị kinh hành trước kỳ, các chứng xuất huyết nhiều hoặc máu thiếu, khát, ngủ không yên, nóng nẩy.
[2] Một loại nóc nhà có sống tròn trong kiến trúc cổ Trung Quốc.
[3] Thiến.
[4] Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện..