Lục Dao Quang kinh hãi, thanh đao trong tay binh lính tầm thường ấy vào tay người này đã biến thành Tử Điện Thanh Sương (1). Ông ta ngửa đầu tránh một đao trước mặt rồi căn bản không phản ứng kịp, ánh đao tới tấp khiến ông ta không ứng phó xuể.
(1) Tên một thanh danh kiếm cổ.
Trong lúc cấp bách, Lục Dao Quang lùi liên tục ba bước, chật vật trở tay rút trường đao bên hông, hét lớn một tiếng, chống lại lưỡi đao chém ngang lưng trời.
Hai bên va chạm, sống đao mỏng như giấy kia không hiểu sao không chút sứt mẻ, liền sau đó, người kia rung cổ tay, một luồng kình lực khó tả như sóng nước từ chỗ giằng co giữa hai đao truyền thẳng vào tay Lục Dao Quang.
Từ cổ tay tới hổ khẩu Lục Dao Quang tức khắc tê rần, trường đao thoát lực, hai lưỡi đao lướt qua nhau cực kỳ hung hiểm.
Tim ông ta đập mạnh, lúc này mới nhìn rõ người kia, con ngươi bỗng chốc co rụt.
Lại là Chu Phỉ.
Lục Dao Quang nghĩ rất hay: Lúc đó tên bay tán loạn giữa đám loạn quân, có câu “kiến đông có thể cắn chết voi”, ngay cả Cốc Thiên Toàn còn bị loạn tên bắn thành nhím huống hồ Chu Phỉ? Dù đao pháp của tiểu nha đầu kia có vài phần ra dáng, nhưng nó chạy loạn khắp núi cả nửa đêm, còn yểm trợ nhiều lưu dân chỉ biết vướng víu chân tay, dẫu may mắn thoát chết cũng phải bị lột một lớp da, chắc chắn bị thương không nhẹ, có chạy cũng chạy không xa được, cộng thêm trong mật đạo thiếu thầy thiếu thuốc, nói không chừng chẳng cần phí công, tự nó thức thời chết luôn cho rảnh nợ.
Nào ngờ tuy Chu Phỉ gầy đi một vòng, hình tượng cũng tả tơi tơi tả, nhưng xuống tay không chút yếu mềm, khí tức toàn thân nàng càng nội liễm hơn lúc ở trước quân trướng.
Võ công đến một cảnh giới nhất định sẽ không coi bề ngoài vào đâu, kiểu ngoài mặt bình thản không gợn sóng này mới đáng sợ, vì nó có nghĩa là nàng đã đến trình độ có thể thu phát tự nhiên.
Lục Dao Quang nghiến ra một câu từ kẽ răng:
– Rất tốt, ngươi vẫn chưa chết.
Chu Phỉ lười để ý ông ta, cũng không nhìn những Bắc quân vây quanh nàng như lâm đại địch, nàng hơi nghiêng tai, tiếp đó xoay đầu nói về phía cuối rừng đá:
– Còn không nhân lúc chúng mới xuống ít người mà mau mau bắt giặc bắt vua, giả thần giả quỷ cái gì?
Lý Thịnh nghe lời này, thầm mắng to đồ quái vật Chu Phỉ nói cứ như Bắc Đẩu Phá Quân là củ cải mọc trong đất, cầm cái liềm là có thể tùy tiện cắt vậy!
Lý Thịnh quay đầu nói với Tiểu Hổ luôn đi theo bên cạnh:
– Đệ dựa theo phương pháp huynh vừa dạy, lợi dụng trận pháp nơi đây vây nhốt họ lại, mỗi một đợt tên gỗ bắn xong là lập tức đổi chỗ, đừng để bị chúng bắt.
Dặn dò xong, Lý Thịnh đưa mắt ra hiệu với Dương Cẩn và Ưng Hà Tòng, tung người lao ra, ba người phối hợp với nhau, xông vào giữa Bắc quân.
Lục Dao Quang từ khi cai sữa tới nay chưa từng bị người ta phớt lờ như vậy, muốn bốc khói tại chỗ, quát to:
– Bắt ả, xem Chu Tồn có dám cược nữ nhi bảo bối của mình hay không!
Chu Phỉ cười:
– Ta sao? Ta cảm thấy…
Lúc nàng nói hai chữ “cảm thấy”, xung quanh có mấy chục Bắc quân nghe tiếng ra lệnh của Bắc Đẩu Phá Quân đã bao vây Chu Phỉ lại, quân tiên phong quả thực được nghiêm chỉnh huấn luyện, tiến thoái như một, trường thương đồng loạt giơ lên tạo một hàng rào gai lớn, như chiến xa đẩy về phía lưng Chu Phỉ.
Đồng thời, Lục Dao Quang giơ ngang đao tiến lên, tụ tu vi cả đời vào một đao, bổ ập vào Chu Phỉ, phong bế tất cả đường tiến tới của nàng, quyết đưa nàng vào trận trường thương.
Bước chân Chu Phỉ không ngừng lại, dường như căn bản khinh thường vị Bắc Đẩu chắn trước mặt này, thanh đao chỉ mấy văn tiền trong tay nàng thậm chí không thể nói là nhanh nhưng lưỡi đao nháy mắt thu lại thành một đường cực mảnh, uyển chuyển như tơ, nhẹ như dây trận. Phía dưới nó là đống đá tảng có thể dời sông lấp biển, nghiêng nghiêng đánh về phía trường đao của Lục Dao Quang.
Chu Phỉ chưa dùng hết một hơi thở, ung dung nói tiếp:
– …chi bằng ngươi…
Thanh đao nàng tiện tay cướp lấy chỉ là hàng rởm, quân phí của Bắc quân không biết bị tên cẩu quan nào tham mất, đao kiếm làm vô cùng cẩu thả, thanh đao như tờ giấy kia khó chịu nổi hai đại cao thủ đấu sức, bắt đầu hoạt động là chỗ nối giữa thân đao và chuôi đao lập tức “rắc” một tiếng, chuôi đao bằng gỗ nứt từ giữa ra làm hai, thân đao bỗng bay lên. Chu Phỉ thở dài, ung dung vỗ nhẹ chuôi gỗ, kế đó đưa tay đè lại cán đao.
Chuôi đao gỗ bay lên nhắm thẳng vào Lục Dao Quang, tầm mắt ông ta khó tránh bị quấy nhiễu, ngay lúc ông ta chớp mắt, hai tay Chu Phỉ lưu loát đẩy thân đao trụi lủi đi một vòng tròn, thân đao mỏng manh xoay quanh trường đao Phá Quân như một đóa mạn đà la từ từ nở rộ, tự nhiên xinh đẹp.
Chu Phỉ cuối cùng nói xong câu:
– …trực tiếp bắt cha ta còn dễ hơn.
Sau đó nàng hờ hững lướt qua Lục Dao Quang, thậm chí chê ông ta chắn đường, dùng vai huých nhẹ ông ta.
Trên mặt Lục Dao Quang là vẻ khiếp sợ tột cùng, ông ta như ngây dại, bị nàng huých ngoan ngoãn nghiêng người tránh đường.
Chu Phỉ loáng cái đã ở ngoài mấy bước, mãi đến lúc này, trường thương trận dệt thành tấm lưới lớn của Bắc quân mới đưa tới, vì Lục Dao Quang chắn đường mà đành dừng lại.
Lọn tóc dài phía sau Chu Phỉ lướt ngắn ngủi qua đầu nhọn trường thương rồi lặng yên buông xuống.
Thân đao đã mất chuôi lúc này mới rơi “keng” xuống đất, làm kinh động bay lên vô số bụi trần lắng đọng.
Trên cổ Lục Dao Quang như có người cầm mực đỏ từ từ nhuộm lên, một đường màu đỏ từ trái tràn qua phải, kéo dài tới mang tai, vẽ xong một đường thì vết thương đột nhiên bung ra, máu tuôn ào ạt. Ông ta mở to mắt, con ngươi khẽ run run, ngã rầm về phía sau.
Bắc Đẩu đổi chiều, bị chôn vùi dưới đất bằng xa xôi.
Thình lình, một tiếng còi lệnh chói tai vọng đến, trên đất và dưới đất đồng thời bị chấn động dữ dội, tiếng người như tiếng thủy triều dần vang tới, gói Bắc quân trong cốc lại thành sủi cảo.
Bắc quân trong cấm địa Tề môn vẫn chưa hoàn hồn khỏi chuyện chủ soái bị một đao chém chết liền nghe tin dữ mình đã bị bao vây, lập tức trong rừng đá và trận trụ đá rắc rối phức tạp đều hỗn loạn, chưa tới một nén nhang, Nam quân đã dễ dàng chiếm lĩnh cả sơn cốc.
Nơi lối vào mà Lục Dao Quang đào, tiên phong của Nam quân vào trước, kế đó là đội cung tiễn thủ, căn bản không phí chút sức lực nào đã khiến đám Bắc quân sợ vỡ mật quỳ xuống xin hàng.
Giọng thiếu nữ chói tai xuyên thủng cấm địa dưới đất đầy ánh đao bóng kiếm:
– Ca! A Phỉ!
Ngay sau đó, một người cao gầy bỏ lại thân binh, trực tiếp từ cửa hang nhảy xuống, lúc tiếp đất chân hơi lảo đảo, suýt đứng không vững. Văn Dục mặc quân trang phía sau vội vã chạy tới, muốn ngăn lại không dám ngăn, đành đưa tay đỡ một cánh tay:
– Chu đại nhân, ngài…
Chu Dĩ Đường không để ý tới ông, lao xuống cấm địa sau quân tiên phong lỗ mãng như Lục Dao Quang, áo khoác rộng của ông quét qua mặt đất bừa bãi, bước nhanh như gió.
Bỗng nhiên, trên đỉnh một tảng đá lớn cao hơn hai trượng có hình dáng như măng trong rừng đá có người lên tiếng:
– Cha, sao cha cũng học làm ít ăn nhiều thế?
Bước chân Chu Dĩ Đường bỗng dừng lại, ông ngẩng đầu nhìn, thấy Chu Phỉ ngồi thả chân trên tảng đá, đôi tay trống rỗng, mặt như mặt mèo cười với ông… răng vẫn trắng.
Yết hầu Chu Dĩ Đường hơi động đậy, hồi lâu mới lặng lẽ cười, ông đứng nguyên chỗ cũ, nghiêng đầu ho hai tiếng, khẽ trách mắng:
– Bao lớn rồi mà y như khỉ, còn ra thể thống gì? Xuống đây.
Tuy Chu Dĩ Đường tập kích bất ngờ nhưng đối mặt với đại quân Bắc triều quần long vô thủ cả sơn cốc, những công việc vặt vãnh phía sau cũng phải bận bịu từ chính ngọ đến tối đen, không thể không dựng trại đóng quân tại chỗ.
Lưu dân được cứu ra từ cấm địa Tề môn được an bài tập thể ở trong mấy cái lều.
Các lưu dân này trải qua một trận chiến, có thêm không ít can đảm, dường như đi theo Lý Thịnh là không sợ trời không sợ đất, không ít người vẫn cầm theo mũi tên gỗ mà họ dùng trong cấm địa đi tuần tra xung quanh cảnh giác.
Đám Lý Thịnh quây lại thành một vòng, xử lý cái hộp gỗ lớn không biết đào từ đâu ra. Tiếng gào lúc đó quấy rầy Chu Phỉ vận công, suýt hại chết nàng, chính là vì có người moi ra được thứ này trong tường đá cấm địa.
Bản thân hộp gỗ hình như là một cơ quan, muốn mở hộp phải giải đúng từng chút từng chút, nghe nói hễ không cẩn thận giải sai một bước là sẽ không giữ được thứ bên trong.
Lý Thịnh cầm cái bàn chải nhỏ nằm nhoài trên đất như lâm đại địch, tỉ mỉ quét bùn đất đọng trong mấy khe hở ở các mối nối mảnh gỗ số lượng không nhiều.
Chu Phỉ cuối cùng cũng thay bộ y phục sạch sẽ – trong quân không có bộ nào có kích cỡ nhỏ cho nữ tử thanh tú như nàng mặc vừa, nên nàng đành mặc bộ nam trang cỡ nhỏ xắn ống tay áo và ống quần lên. Nàng khoanh tay trước ngực, dựa vào thân cây, đợi xem Lý Thịnh khi nào có thể nghiên cứu rõ ràng.
Lúc này, Tiểu Hổ bên cạnh đảm nhiệm “canh gác” đột nhiên đứng thẳng, Chu Phỉ nghiêng đầu, thấy Chu Dĩ Đường và Văn Dục bước qua.
Văn Dục đang nói chính sự với ông:
– Chu đại nhân, binh quý thần tốc, nghe thẩm vấn thì họ nói Lục Dao Quang vẫn chưa truyền tin cho Tào Ninh, đã có cơ hội trời ban, chi bằng chúng ta tương kế tựu kế…
Chu Dĩ Đường giơ tay ngắt lời Văn Dục, ông vỗ vai Tiểu Hổ, lại gật đầu với bọn Lý Nghiên Lý Thịnh rồi nói với Chu Phỉ:
– Qua đây.
Văn Dục thức thời lùi sang một bên, xem bọn Lý Thịnh nghiên cứu đồ được đào ra từ cấm địa Tề môn. Chu Dĩ Đường chắp tay phía trước, đi mấy bước dọc theo bóng cây nghiêng nghiêng trong sơn cốc, nói với Chu Phỉ:
– Sao lỗ mãng thế hả?
Chu Phỉ suy nghĩ, nghiêm túc đáp:
– Không biết, có lẽ do trẻ tuổi ngông cuồng? Cha, cho con ít tiền.
Chu Dĩ Đường:
– …
Ông bị Chu Phỉ làm nghẹn họng hồi lâu, bất đắc dĩ đưa tay sờ vào ngực, nói:
– Không đem theo, lát tự tìm thân binh mà đòi. Con làm gì?
– Toái Già gãy rồi, con phải mua vài thanh đao.
Chu Phỉ:
– Ngoài ra con còn đột xuất định đi phía đông một chuyến, tạm thời không về nhà, lộ phí mang theo không đủ.
Chu Dĩ Đường nhìn nàng, thấy dưới cổ áo nàng có một vết thương mới vừa lành vắt trên chiếc cổ mảnh khảnh, trông vô cùng hung hiểm, y phục vải thô mặc trên người là đồ mượn, ra bên ngoài mà ngay cả tiền lẻ mua đao cũng không có, ông chợt không dằn được nói:
– Mùa này ở Kim Lăng là mùa hội thơ tụ tập, ngắm cúc ăn cua, tuy cha thường xuyên ở ngoài, thỉnh thoảng mới về một chuyến, nhưng cũng nhận được không ít thiếp mời, có điều đa số họ chỉ mời khách sáo thôi, vì phần lớn là mời gia quyến, họ đều biết con và mẹ con không ở bên cạnh cha.
Chu Phỉ chớp mắt.
Chu Dĩ Đường dừng lại, lại nói:
– Cha được Lương Thiệu nhờ cậy, xuống núi giúp ông ấy, chưa bao giờ xem Nam đô là quê hương, nhưng gần đây thỉnh thoảng cha nghĩ, nơi dưới chân thiên tử dẫu sao cũng phồn hoa, ra vào có xe có người hầu tháp tùng, ngọc bội tha hồ chọn lựa, ăn uống càng chẳng ngại tinh tế rườm rà, hình như cha chưa từng hỏi con có muốn đi Kim Lăng không.
Chu Phỉ sững sờ, sau đó cười nói:
– Cũng được, có điều năm nay e không kịp rồi, mùa này sang năm, cha nhớ mua nhiều cua chút đấy, con ăn cả mùa luôn.
Chu Dĩ Đường nhàn nhạt nói:
– Cái cha nói không phải là ở tạm.
Thế đạo loạn đến mấy cũng sẽ có quan to hiển quý, trên tóc họ cứ như được nạm vàng, giơ tay nhấc chân cũng sợ đụng rơi mất, lúc nào cũng cao cao tại thượng, gió sông và mưa đêm không thổi được vào trạch viện cao của họ, ngựa sắt sông băng không vào được giấc mơ màn gấm (2). Ở Kim Lăng, với thân phận của Chu Dĩ Đường, nàng có thể làm một đại tiểu thư “không màng nóng lạnh dân gian”, dù nàng xuất thân “nhà quê” vẫn có con trai thượng thư to gan đến cầu hôn.
(2) Lấy ý từ câu thơ “thiết mã băng hà nhập mộng lai” (cảnh chiến mã mặc giáp vượt qua dòng sông đóng băng lên chiến trường đi vào trong mộng) trong bài “Thập nhất nguyệt tứ nhật phong vũ đại tác” của Lục Du.
– Chu tiểu thư.
Không hiểu sao Chu Phỉ lại nói ra xưng hô kỳ cục này, lúc nói suýt cắn phải lưỡi, không nhịn được cười:
– Ha ha, không ngờ con thật biết đầu thai, nhưng thôi khỏi, con cứ là “Nam đao” thì hơn.
Chu Dĩ Đường nghe ra ý của nàng, bèn bỏ qua đề tài này, lắc đầu nói:
– Nói khoác không biết ngượng, mẹ con còn không dám tự xưng “Nam đao” kia kìa.
Chu Phỉ đưa mu bàn tay ra sau, dửng dưng:
– Cốc Thiên Toàn và Lục Dao Quang sẽ oán đấy, đến âm gian, nghĩ mình chết dưới tay một kẻ vô danh tiểu tốt thì ngại mở miệng lắm.
Chu Dĩ Đường lườm nàng, hỏi:
– Chừng nào con xuất phát?
Chu Phỉ:
– Nếu không có chuyện gì khác thì mai con đi.
Chu Dĩ Đường:
– …
Khó khăn lắm ông mới gặp Chu Phỉ được một lần, quá trình lại còn chấn động tâm can như vậy, thế mà tiểu súc sinh này lại định vòi tiền xong bỏ chạy!
Chu Phỉ thấy thần sắc cha mình không ổn, bèn hỏi:
– A? Sao thế, cha còn chuyện gì dặn con làm à?
Trong lòng Chu Dĩ Đường đột nhiên hơi tức giận, ông lười nói với nàng, khoát tay rời đi.
Chu Phỉ:
– Cha, tiền!
Lúc này, một thân binh ôm cái hộp dài chạy tới chỗ Chu Dĩ Đường, nhỏ giọng xin chỉ thị:
Tạ Doãn bóp tắt Giao Hương, chợt ngẩng đầu nhìn về phía cửa, thấy lão hòa thượng Đồng Minh đã đứng đó từ lúc nào, hắn định đứng dậy nghênh đón, không ngờ nửa người bỗng cứng đờ, không đứng dậy được, ngã ngồi phịch trở lại.
Đồng Minh thở dài:
– Ta đã chuẩn bị vị thuốc thứ ba rồi, An Chi, con còn có thể chống đỡ thêm mấy ngày?