Đấu tranh giữa người với người, thường thường nếu không phải vì danh thì tất là vì lợi, mà người ta tìm tới nhau cũng là vì hai thứ ấy vậy. Trong khi Kiệt đau đầu để tăng cường sức ảnh hưởng của bản thân và dòng họ lên nhiều người hơn nữa thông quá sức mạnh kinh tế hay còn gọi là dùng lợi mà dụ thì Minh cố gắng làm điều tương tự thông qua giao hảo, tạo quan hệ- tức là dùng danh. Danh có nghĩa là danh tiếng của một con người hay chính là sự vang danh ai cũng biết đến mình giống như một người nổi tiếng vậy, tuy vô hình nhưng lại khiến người người theo đuổi.
Hoàng Anh Minh kể từ trận đối đáp thắng được đám Kim Chủ đã được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đòn trừng phạt Huyện lệnh Triều Văn Cốc vì tội làm ông ta phải mất đi ít nhiều lợi ích nên không ai dám quá mức thân cận với Minh. Thậm chí sau vụ hai cửa hàng của họ Hoàng bị gây khó dễ, nhiều người đoán rằng có lẽ Minh sẽ sớm tự xin nghỉ học.
Tuy nhiên, hai người Hoàng Văn Đình và Hoàng Văn Đĩnh đã nhanh chóng bán luôn sạp hàng để về quê, mà Hoàng Anh Minh vẫn ở lại. Hành động này của họ làm vị Huyện lệnh ngạc nhiên vô cùng. Học hành ở trường huyện ngày trước gần như chỉ là con đường làm quen với giới cầm quyền của bọn nhà giàu. Nhưng cách hành xử của họ Hoàng cho thấy chúng họ thực sự coi đây là con đường tiến thân, thông qua học hành kiếm công danh để đi lên tầng lớp cao hơn. Dù cách nghĩ này thực sự quá ấu trĩ- không có tiền bạc và người chống lưng, chỉ có kiến thức không thôi thì e rằng có chục năm học hành cũng vô ích, nhiều nhất chỉ là manh thầy đồ gõ đầu trẻ thì suy nghĩ này cũng rất nguy hiểm. Đời mấy ai biết được chữ ngờ.
Nhằm đảm bảo rằng tên nhóc Hoàng Anh Minh không thể nào còn một chút cơ hội nhỏ nhoi nào nữa, Triều Văn Cốc ra đòn độc. Chỉ cần một gợi ý cho vị Huyện thừa trẻ tuổi, cậu này lập tức nói với cấp dưới Trần Hùng, bố của Trần Cường để ông ta về nhà và yêu cầu Minh ra khỏi nhà ông ta. Trước đây mẹ cậu ấy đã dùng mọi cách kết thân với vợ Trần Hùng, rồi sau đó nhờ thân phận tiểu đồng của Trần Cường để Minh được một nơi ở tốt và có cơ hội đi học. Nay thì Minh đã là học sinh chính thức nhưng họ cũng không có ý muốn chuyển đi, vì huyện thị là một nơi rất đắt đỏ, nhất là với gia đình họ Hoàng khi đó. Bị đuổi đi bất ngờ, không kịp có bất kỳ chuẩn bị gì, Minh đành tay xách nách mang đống đồ của mình, rời đi cùng một cái xe ba bánh tay kéo.
- Tao xin lỗi!- Trần Cường lén đi theo, nhét vào tay Minh vài đồng tiền. Có lẽ đó là số tiền mà Cường tích cóp bấy lâu, vì đưa cho Minh mà mặt nói méo xệch. Với cả Minh cũng biết là bọn nhóc này tiền tiêu vặt cũng chả có mấy, nên đã toan từ chối, song thằng Cường nghiêm mặt lại:- Mày không nhận thì không coi tao là bạn.
- Từ chối là bất kính, tao nhận. Tình bạn tụi mình sẽ không bị ảnh hưởng đâu, vì dù sao nhờ là tiểu đồng phụ đọc sách cho mày, tao mới được đi vào trường học.
- Nếu có gì, hãy tạm về quê đi. Huyện lệnh chơi thế này là mày thua rồi.
- Chưa tới bước đường cùng mà.
- Tới lúc đó, mày chết chắc rồi. Về quê đi, thằng nông dân.
- Mày còn nhớ câu mà tao giảng giải không, câu mà bọn Kim Chủ ghét tao dùng để thách thức tao nữa. Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại phu. Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ dân bất nghị. Huyện lệnh làm thế này vốn là không chính đáng, không hợp đạo, tao tin không sớm thì muộn lão cũng phải trả giá thôi.
- Thôi, tùy mày. Cầm tiền rồi lo cái thân của mày cho tốt vào.
Mình cười mà lòng đắng chát. Nhưng rồi cậu tự xốc lại tinh thần. Con người ta sống ở trên đời như thuyền đi ngược nước, cản trở rất nhiều, nhưng chỉ cần con đường đúng đắn thì nhất định sẽ có lúc thành công, nói xa thì Khổng Phu Tử cả đời truyền đạo mà không được dùng, nhưng giờ đây đạo Nho được trọng vọng, nói gần thì em trai cậu- Hoàng Anh Kiệt tuy thông minh nhưng giới hạn tuổi tác làm nó phải cố gắng rất nhiều mới có được sự công nhận. Lẽ nào, cậu là anh trai Hoàng Anh Kiệt, lại là môn sinh của Khổng Phu Tử, lại chịu thua ư?
Minh tìm tới nhà thầy đồ Thắng trước. Thấy Minh, thầy đồ không nói gì nhưng vẫn cho cậu vào nhà, dặn vợ nấu ít nước và đồ ăn, hai thầy trò ăn một chút cho ấm bụng. Xong xuôi, ông mới hỏi:
- Vậy trò tính đến ở nhờ nhà ta hả?
- Dạ, nếu thầy cho thì tốt quá ạ!
- Còn nếu ta không cho?
- Thì con xin gửi thầy ít đồ này!- Minh cẩn thận bốc hết đống giấy mà Kiệt làm ra đưa vào nhà thầy đố Thắng. Nhìn đống giấy này, thầy đồ Thắng hết hồn liền, giấy này tuy còn chưa đủ trắng, nhưng thử qua là viết được, dày mỏng đồng đều, bán ra thị trường là kiếm tiền tươi chứ đùa.
- Sao lại gửi ta thứ này?
- Nếu thầy không cho con tá túc, con sợ mình sẽ hơi khó kiếm nơi ở tốt, mà ở những chỗ giá rẻ thì điều kiện sẽ rất khó để giữ đám giấy này được tốt, nên con nhờ thầy giữ giùm. Tất nhiên không phải cho thầy đâu, là thuê thầy giữ giùm thôi.
- Trò còn tiền để thuê tôi hả? Với trò, đống giấy này quan trọng thế ư?
- Vâng, số giấy này nếu dùng tốt thì em có thể dùng để viết chữ, luyện chữ, học làm bài tập, nhiều lắm, nên em rất quý chúng. Còn về tiền thì xin thầy chớ lo, thằng Cường cho em ít tiền, em nghĩ sẽ dùng nó để thuê chỗ để trong nhà thầy, với cả em cũng chỉ thuê gửi đồ thôi, chắc thầy không lấy đắt quá chứ ạ.
- Vậy trò thực sự còn muốn đi học sao? Nếu trò nghĩ rằng làm thế này để kiếm công danh cho mình và gia đình, thì hãy nghĩ lại đi, vì càng làm thế này, Huyện lệnh sẽ càng tìm cách đì em xuống! Không chỉ không đạt được mục tiêu mà bản thân trò cũng gặp gian khổ vô cùng, thậm chí là cả thương tổn và nguy hiểm!
- Thưa thầy, trò từng đi học vì muốn kiếm công danh lợi lộc, nhưng khi tiếp xúc với Nho học, rồi trải qua các biến cố, và đặc biệt là thông qua sự kiện bây giờ, trò nhận ra rằng là trò muốn được học. Không chỉ là học chữ, học kiến thức mà còn cả học cách đối nhân xử thế nữa, vì có thế mới có thể tìm cách giúp đỡ mình và người khác.
Nghe Minh nói, thầy đồ Thắng cảm thấy thực sự sôi máu trong người lên. Điều thằng nhóc này đang nói là điều mà ông ta đã từng muốn làm khi còn là một thanh niên trẻ khỏe. Ông thầy ngay lập tức muốn nói rằng ông sẽ cho Minh tá túc nhờ, rồi thì ông sẽ đấu tranh để bảo vệ cậu. Nhưng rồi, ông ta nghĩ tới cuộc sống hiện tại, nghĩ tới gia đình mình. Liệu họ có phải chịu hậu quả cho hành động đó, người vợ tào khang đã nuôi ông ăn học mấy năm qua, nay mới được hưởng chút hạnh phúc sau khi ông bỏ những mưu tính tham vọng mà chú tâm dạy học, thì liệu có công bằng cho bà khi ông lại lôi bà ấy vào một chuyện khác. Không như khi trước, lúc đó dù rằng phạt tới cả con Huyện lệnh, thầy đồ Thắng còn có cớ là để nâng cao thành tích học, và Huyện lệnh Cốc không phản đối, thì giờ nếu giúp Minh sẽ là chống đối trực diện, Huyện lệnh sẽ hạ gục ông ta như cái cách làm với hai người em chồng của mẹ Minh.
- Thầy sẽ giúp con giữ đống giấy này! Thầy xin lỗi, nhưng thầy còn gia đình...
- Con biết, nhưng ở tá túc vài ngày trước khi tìm ra nơi ở mới cũng được phải không thầy!- Minh biết nếu phải đi tìm chỗ ở mới thì sẽ rất là phiền nhưng cậu cũng nghĩ rõ ràng vấn đề thầy sẽ phải gặp nếu giúp cậu rồi, nên không thể trách ông thầy đồ này và đòi hỏi thêm điều gì nữa.
- Thầy đã không giúp được con, con cũng không trách thầy, có lẽ vì con thông cảm với thầy. Nhưng nhỡ như thầy muốn đoạt hết số giấy này cho bản thân thì sao? Chẳng lẽ con không thấy tình cảnh mình bây giờ tứ cố vô thân, không ai sẽ giúp con hay sao!
- Thầy làm vậy để làm gì chứ? Nếu làm thế để nịnh bợ Huyện lệnh, thì dù thầy có đạt được chút ngợi khen, uy tín thầy cũng sẽ mất. Thầy làm được tới hôm nay không phải vì thầy có uy, mà vì những hành động của thầy phù hợp với vai trò một người thầy. Nếu thầy không giữ được điều này, không đứa nào sẽ còn kính trọng thầy, thầy sẽ giống như người tiền nhiệm của mình- bị khinh bỉ và phải ra đi trong nhục nhã. Người thông minh sẽ biết điều này, còn kẻ không thể nghĩ tới được điều này, sớm muộn gì cũng tự chuốc họa.
Thầy đồ Thắng há hốc mồm khi nghe Minh phân tích, và rồi ông quay lưng vào nhà, không biết nói gì nữa cả. Trong thời gian ở tạm nhà thầy đồ, Minh cũng tạo được một giao ước có thể chấp nhận được: cậu chi ra một phần giấy để thầy đồ dùng, trong khi thầy đồ Thắng sẽ phải cho cậu đến đây để luyện chữ và học tập, vì Minh đoán rằng nơi cậu thu xếp chỗ ở sẽ là một khu nhà trợ nghèo khổ của dân lao động, một nơi tối tăm chật chội và không thể học tập được.
Sau hai ngày tìm nhà, thấy một căn nhà trọ giá rẻ hết sức, ở ghép với mấy ông cửu vạn, giá cả chấp nhận được, Minh chuyển tới đó sống. Cũng từ lúc này, Minh bắt đầu phải đi lại vất vả hơn: đến trường học, qua nhà thầy đồ Thắng ôn tập lại bài học, quay về nhà mình thuê trọ để ngủ. Cách làm của Minh tuy khiến cậu vất vả hơn, nhưng thầy đồ Thắng nhờ thế ít bị liên lụy, Minh có thể đến nhà ông thầy để học tập.
Sau khi nghe tin ông anh phải đi học theo kiểu khổ sở này, Kiệt có lên gặp anh trai để hỏi thăm. Kiệt hỏi rằng anh trai có muốn nghỉ học không, nhưng Minh đã kiên quyết nói cho Kiệt biếtrằng cậu ta muốn đi học Nho học ở trường huyện. Biết được quyết tâm của anh trai, Kiệt đề nghị anh trai cần phải làm gấp mấy việc sau:
- Giao hảo với người dân nơi đang ở, hàng xóm, người thân của họ...
- Tăng cường tập võ để có thể tự bảo vệ bản thân, và nên giao lưu võ với đám Biên Man để thêm trình.
- Tạo các nhóm học nhóm trong trường, để tạo thêm bạn bè nhưng không được qụy lụy đám Thổ Bảo hoặc Kim Chủ nào, anh tới học chứ không phải tới xin họ chút tài lộc.